Lan Hữu – Nhượng Tống
[toc]
Giới thiệu ebook
Lan Hữu – Nhượng Tống
Khu vườn của Nhượng Tống
Năm 1940, đúng mười lăm năm sau khi Song An Hoàng Ngọc Phách cho xuất bản Tố Tâm, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân in Lan Hữu ở nhà xuất bản Lê Cường, Hà Nội, với “Lời tựa” của Lưu Trọng Lư. Giờ đây nhìn lại, ta chỉ có thể kinh ngạc khi thấy hai cuốn tiểu thuyết gần nhau đến thế về nhiều mặt lại có số phận khác nhau đến vậy.
Cách tồn tại của Nhượng Tống ở trong hậu thế rất giống một nhà văn lớn khác cùng thời: Khái Hưng. Sau này cả hai vẫn sẽ được biết đến, nhưng chủ yếu là theo lối phiến diện. Văn nghiệp của Nhượng Tống thường chỉ được nhìn nhận qua các bản dịch (những bản dịch tuyệt vời như Nam Hoa kinh, Thơ Đỗ Phủ, Mái Tây tức Tây sương ký… nhưng cả ở mảng này người ta cũng ít biết Nhượng Tống còn dịch Ngọc Lê Hồn một cách trác tuyệt, chưa kể nhiều dịch phẩm khác nữa), trong khi ông còn là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia tài năng, về phần Khái Hưng người ta chỉ biết đến Hồn bướm mơ tiên hay Nửa chừng xuân và một số tác phẩm khác, trong khi Băn khoăn, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, in năm 1943, mới thực sự là một kiệt tác. Rất có thể, toàn bộ mảng văn xuôi đồ sộ của văn chương tiền chiến Việt Nam chỉ có ba tiểu thuyết thực sự lớn, là Tố Tâm, Lan Hữu và Băn khoăn. Trong bộ ba ấy, chỉ mình Tố Tâm có được số phận tương đối xứng đáng với giá trị của mình.
Nhưng lịch sử văn chương là câu chuyện của các giá trị, nếu không thì ta sẽ không có lịch sử văn chương. Cả Tố Tâm, Lan Hữu và Băn khoăn đều là những câu chuyện tình. Tố Tâm đã quá nổi tiếng với cốt truyện bi thảm của nó, Lan Hữu là cái nhìn đầy thương xót nhưng không kém phần tỉnh táo của một người trưởng thành nhớ lại mối tình xưa, còn Băn khoăn, với những câu chuyện tình ái lắt léo của nó, là cuốn tiểu thuyết Việt Nam xứng đáng nhất, và rất có thể cũng là duy nhất, của một giai đoạn suy đồi.
Một cuốn tiểu thuyết được coi là lớn, là “giá trị” một cách toàn diện nhất, khi bên trong nó chứa đựng những điều kỳ diệu, giống như hạt mầm giấu kín ở đâu đó, sẽ hồi sinh và nảy nở mãnh liệt khi gặp được môi trường phù hợp và xứng đáng. Tố Tâm đã có một số phận như vậy, và giờ đã đến lúc chúng ta cần trả về đúng vị trí một tác phẩm khác, không kém phần kỳ diệu – Lan Hữu của Nhượng Tống. Đến nay, ngoài lần ra mắt năm 1940, nó mới chỉ tái xuất một lần duy nhất, tại nhà xuất bản Á Châu (Hà Nội) đầu thập niên 50, vài năm sau khi Nhượng Tống qua đời.
Lan Hữu có thể được đọc trên ba phương diện: vì nó thuật lại rất trung thực một quãng đời tác giả, đây chính là một tài liệu quan trọng góp cho việc tìm hiểu tiểu sử Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, một tiểu sử mới chỉ được biết đến sơ sài, với rất nhiều chi tiết nhầm lẫn. Vì gia cảnh, Nhượng Tống phải bỏ học rất sớm vào năm mười tám tuổi, sau khi thân phụ qua đời (người cha bất đắc chí, tuy từng là “thủ khoa thành Nam”, nhưng giữa một thời kỳ lịch sử u tối, đã chán chường mà chết: cái chết này được thuật lại rất cặn kẽ trong Lan Hữu). Vụ việc liên quan đến mấy mẫu đất gây thiệt hại lớn cho gia đình Nhượng Tống cũng được kể lại trong Lan Hữu. Đặc biệt, tác giả viết rất chuẩn xác về dòng dõi của mình: “nối dõi cái mạch thư hương của nhà tôi, truyền từ đời Lê cho đến bấy giờ”. Nhượng Tống thuộc một gia đình rất thành đạt về học vấn suốt nhiều thế hệ, tiền nhân của ông từng là thầy dạy hai nhân vật lớn của “thành Nam” là Nguyễn Khuyến và Trần Bích San.
Nhượng Tống bộc lộ tài năng văn chương rất sớm, mười sáu tuổi đã có bài đăng trên Khai Hóa (tờ báo của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi), đúng như trong Lan Hữu có kể. Sự nghiệp báo chí của Nhượng Tống còn dài: vài năm sau Khai Hóa là đến giai đoạn cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo với yếu nhân Mai Du Lân; ngay sau đó, ông cùng vài người bạn lập ra Nam Đồng thư xã, in một số sách, tài liệu. Nhượng Tống là thành viên sáng lập của Việt Nam Quốc dân đảng, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học; vì được Nguyễn Thái Học giao nhiệm vụ ở Huế năm 1929 rồi bị mật thám Pháp bắt nên Nhượng Tống tình cờ mà thoát khỏi chuỗi án tử hình đẫm máu của thực dân đầu thập niên 30, trong đó chấn động hơn cả là “vụ Yên Bái”, khi những người đồng chí thân thiết của ông như Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính bỏ mình dưới lưỡi dao máy chém. Thoát chết nhưng Nhượng Tống phải chịu cảnh tù đày ở Côn Đảo (trong Lan Hữu cũng có lúc ông ám chỉ chuyện này: “đày tôi ra Côn Đảo ba năm, tôi không sợ bằng đày tôi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội”) và tiếp theo là những năm dài bị quản thúc ở quê, định kỳ phải ra Phủ Lý trình diện mật thám. Nhượng Tống còn viết báo thêm vài năm từ sau 1945, ở các tờ như Chính nghĩa, Thời sự… ông mất năm 1949 ở Hà Nội.
(Trong các tài liệu tra cứu phổ biến nhất hiện nay, ta thường đọc ở tiểu sử Nhượng Tống hai chi tiết: sinh năm 1897 và được thả từ Côn Đảo về năm 1936; hai chi tiết này đều sai, vì Nhượng Tống tuổi Bính Ngọ, sinh năm 1906 và sau các sự kiện của Việt Nam Quốc dân đảng, Nhượng Tống được thả khỏi Côn Đảo trước 1936 nhiều, bởi trước đó mấy năm ông đã lấy vợ ở quê nhà Ý Yên; các chi tiết này hiện nay đều còn lại văn bản để kiểm chứng).
Trong Lan Hữu, Nhượng Tống buộc lòng phải giấu đi nhiều chi tiết để tránh kiểm duyệt của chính quyền (thế nhưng vẫn bị kiểm duyệt bỏ thêm nhiều chỗ). Chí khí cách mạng của ông có lẽ thể hiện đậm nét hơn cả trong Lan Hữu ở đoạn luận thơ với cha và bác (người bác thích Lý Bạch, người cha nhiều phẫn uất lại thích Lục Du); khi được hỏi, cậu bé Ngọc nhận là mình thích nhất thơ Đỗ Phủ, bởi: thơ ấy gồm “biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy… Thơ như thế mới thật là ‘khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán’.” Câu chuyện này cũng được Nhượng Tống kể lại bằng thơ, bài thơ ấy dùng làm lời tựa cho bản dịch Thơ Đỗ Phủ in năm 1944, sau Lan Hữu bốn năm; đoạn đầu của bài thơ như sau:
Tôi biết đọc thơ từ thuở nhỏ
Trong thơ thích riêng thơ Đỗ Phủ.
Một hôm thầy tôi hỏi: “Tại sao?”
Đứng dậy chắp tay tôi sẽ ngỏ
Rằng: “Tại thơ ông là đời ông:
Lạ, đẹp, hùng tráng mọi vẻ đủ,
Mà còn chan chứa một lòng thương
Những kẻ nghèo nàn, phường xấu số.
Vì tấm lòng ấy nên nhiều khi
Đối với quan lại với vua chúa
Ông thường chê trách, thường mỉa mai,
Không thèm nịnh hót, không xu phụ.
Ngoài một thiên tài hiếm có ra,
Ông còn một tâm hồn hiếm có…”
Nghe xong, thầy tôi gật đầu cười
Dạy rằng: “Ồ! mày thật con bố!
Thế nhưng bất lợi ở thời này!
Rồi đó xem: Đời mày sẽ khổ!”
Lan Hữu lại có thể được đọc như một sự “chuyển dịch cốt truyện” Hồng Lâu Mộng vào khung cảnh Việt Nam, với hai điều rất dễ thấy: đại quan viên của Vinh phủ trong Hồng Lâu Mộng được chuyển về tỉnh Thái Bình, trong khi mối tình tay ba Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa được tái hiện trong mối quan hệ của (Lương) Ngọc, (Mai) Hữu và Lan.
Nhượng Tống chọn cho nhân vật của mình cái tên “Ngọc” với rất nhiều chủ ý. Nó rất gần với tên thật của ông nhưng ngay lập tức cũng gợi đến Giả Bảo Ngọc, và Ngọc của Lan Hữu cũng mau chóng nhắc thẳng tới Hồng Lâu Mộng (thông qua Thạch đầu ký), và cụ thể hơn, bài thơ “Khóc hoa” nổi tiếng mà Ngọc dùng để dò xem Hữu có yêu mình hay không.
(Lan Hữu, qua chuyện Ngọc dịch “Táng hoa từ”, nhắc ta nhớ đến Nhượng Tống trong vai trò một dịch giả kiệt xuất. Giai đoạn rực rỡ nhất của sự nghiệp dịch thuật Nhượng Tống là mấy năm trước 1945, chủ yếu in ở nhà xuất bản Tân Việt với ông chủ Lê văn Văng là một người thân tình với ông. Tính riêng “Lục tài tử thư” do Kim Thánh Thán bình chọn, ông đã dịch ít nhất năm: Nam Hoa kinh, Ly Tao, Sử ký, Thơ Đỗ Phủ, Mái Tây (Tây sương ký). Có tài liệu cho biết Nhượng Tống từng dịch cả Hồng Lâu Mộng, Đạo đức kinh, thậm chí cả cuốn thứ sáu của “Lục tài tử thư” là Thủy hử. Trước đó, cuối thập niên 20, ông cũng đã dịch Ngọc Lê Hồn của Từ Chẩm Á với nhan đề tiếng Việt Dưới hoa cùng một số tác phẩm nhỏ khác. Riêng năm 1945, ông in ít nhất ba cuốn sách: Nguyễn Thái Học, Tân Việt Cách mệnh đảng và Hỗ trợ. Thảo luận – đây là thời điểm Nhượng Tống chứng tỏ vai trò sử gia và nhà bình luận chính trị-xã hội của mình. Từ 1945, Nhượng Tống còn viết vài vở kịch, dịch một ít Liêu Trai chí dị và tác phẩm Hương ngọc; dùng bút danh Mạc Bảo Thần để dịch Đại Việt sử ký toàn thư và Lam Sơn thực lục. Ông còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết hiệu chỉnh và dịch thêm Ức Trai tập – tác phẩm mới chỉ ở dạng bản thảo. Trước tác của Nhượng Tống còn rải rác trong một số tuyển tập giờ đây ít người được biết đến như Tản văn mới của “Thư viện Tố Như” trước 1945; thơ của ông từng được Trúc Khê Ngô văn Triện bình luận trên Văn học tạp chí và xuất hiện không ít trong Thi thoại của Văn Hạc Lê văn Hòe in năm 1942; một nhà phê bình văn học nổi tiếng từng bình luận về văn chương Nhượng Tống là Vũ Ngọc Phan miêu tả văn chương ấy “tài hoa lãng mạn”).
Bởi vì trước hết là những bông hoa: “Nguyên từ bé tôi đã có tính yêu hoa”, ngay ở đầu cuốn sách, Nhượng Tống đã viết như vậy. Lan là tên một loài hoa, còn Hữu có tên đầy đủ là “Mai Hữu”, cũng liên quan đến một loài hoa khác (ngay câu chuyện tình với hai cô gái trong đó một là họ hàng cũng từng xảy ra trong đời thật Nhượng Tống). Tình yêu hoa xuất phát từ tình yêu đối với người ông qua đời năm Ngọc mười bốn tuổi, một người rất gắn bó với cậu bé trong một thời gian dài: “ngoài sự sợ, tôi cũng yêu ông tôi và yêu cả những cây hoa mà ông tôi yêu. Là vì ông tôi yêu thứ hoa nào, lại cắt nghĩa cho tôi biết tại sao mà ông tôi yêu. Và tôi khi ấy, ông tôi nói gì tôi cũng cho là phải cả. Những khi tôi theo ông tôi ra vườn, lại được nghe ông tôi kể cho nghe các chuyện cổ tích về hoa. Nào chuyện Võ Tắc Thiên bắt hoa đi đày, nào chuyện Đường Minh Hoàng giục hoa phải nở. Nào vô số những chuyện hoa hóa ra người, người hóa ra hoa. Nghe nhiều những chuyện ấy, tôi thành ra coi các hoa trong vườn đều là những người bạn có cảm giác như tôi, chỉ kém tôi cái biết đi và biết nói”. Nhiều khi ta tưởng như tình của Ngọc nồng nàn nhất là với các loài hoa, thậm chí còn hơn tình của Ngọc với Lan và Hữu; để tang cuộc tình suốt mấy năm trời, Ngọc đặt trước ảnh họ lọ hoa để thờ, và những câu văn đẹp nhất trong Lan Hữu là dành cho hoa: “Dưới trăng, các cây hoa hiện ra trước mắt tôi như những mặt bạn thân, vắng mấy ngày mới lại gặp”, hoặc khi gặp lại Hữu trên Phú Thọ: “Dưới ánh trăng tà, các cây hoa trồng trong các chậu in bóng cành bóng lá xuống đầy sân. Tôi ước ao lại được cùng Hữu ngồi đôi nói chuyện ở giữa cảnh vườn xuân”.
Mối sầu tình của Ngọc trong Lan Hữu cũng có yếu tố họ hàng như cuộc tình duyên bi lụy của Hồng Lâu Mộng. Hoa và tình, nhưng cũng thêm cả mộng nữa: ít có tiểu thuyết Việt Nam nào tả mộng nhiều và hay như Lan Hữu. Về sau, cuộc tình không còn là thực nữa, chỉ là mộng mà thôi: “Trong mộng, tôi với họ cùng sống cuộc đời êm ái năm xưa. Trong mộng, nhan sắc của họ càng thêm rực rỡ, câu chuyện của họ càng thêm thơ ngây”. Lan Hữu “viết lại” Hồng Lâu Mộng theo một cách thức chưa từng có, không khỏi làm ta liên hệ tới những gì mà Nguyễn Du từng làm với Kiều.
Và tất nhiên, trước hết, Lan Hữu cần được đọc cho chính nó, với chính nó. Câu chuyện của Lan Hữu rất ý vị và không hề đơn giản. Nó lại được viết một cách hết sức chín chắn, bởi con mắt hồi cố của một người đã trải đời nhìn lại tuổi hoa niên thơ mộng. Ngọc không phải là Đạm Thủy của Tố Tâm, vì Ngọc ý thức rất rõ sự phi lý của tình duyên, thậm chí đến cả tính chất vớ vẩn của những mối tình thơ trẻ. Nhưng vẫn có đó nỗi ngậm ngùi khôn nguôi: “Tuy trong khi yêu ấy tôi đă tốn bao nước mắt, bao tiếng thở dài, cùng chịu bao mối cảm xúc mệt người, năm mười sáu tuổi, tôi nhìn lại vẫn là một năm có hạnh phúc”; hạnh phúc ở tuổi mười sáu là điều được Nhượng Tống nêu lên ngay từ đầu Lan Hữu, và sẽ được lặp lại nhiều lần trong suốt tác phẩm. Khởi đi là nỗi bàng hoàng của tình yêu đầu đời, càng bàng hoàng hơn vì nhận ra cùng một lúc mình yêu cả hai người con gái: “Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc đời phiền phức vô cùng”, và nảy sinh một khát vọng rất trẻ con: “Người tôi yêu chẳng phải là người tri kỷ, mà người tri kỷ lại chẳng phải là người tôi yêu! Tôi ước ao có thể hợp cả Lan lẫn Hữu làm một người”. Hữu, cô em họ, xuất hiện trước, đó là mối tình đầu tiên, nên khi có thêm Lan, thoạt tiên với Ngọc, tình cảnh là: “Vướng có Lan, tôi mất cả tự do yêu Hữu”, nhưng dần dần Ngọc nhận ra Lan có những điều mà Hữu không hề có, “[h]uống chi Lan yêu tôi có khi còn hơn Hữu: Lan còn biết thương cái tài của tôi nữa. Ở đời, được một người yêu mình, biết mình cũng khó lắm chứ!” Không chỉ là bạn thanh khí với Ngọc, Lan còn là tri kỷ, lại có một tấm lòng yêu tường chừng như mù quáng; Lan cũng là một con người quyết liệt, như thể sẵn sàng chống đối mọi ràng buộc gia đình, xã hội để được yêu Ngọc. Trước mối cuồng tình như vậy, một cậu bé mười sáu tuổi đầy nhút nhát khó có thể thoát được mảnh lưới đã buông, cho đến lúc phải bật ra ý nghĩ: “tôi vẫn tin ái tình chuyên nhất mới thật là ái tình, mà nay tôi tự trông thấy trái tim tôi chia đôi cho Lan và Hữu”.
Nhìn lại một cách tỉnh táo, pha rất nhiều “vỡ mộng”, nhưng tài năng tiểu thuyết của Nhượng Tống nằm ở chỗ ông vẫn thổi được vào câu chuyện lẽ ra không mấy đặc sắc một tấm màn vi diệu của tình cảm, của lòng thành thực yêu mến tuổi trẻ; giọng văn đầy tiết chế, nhiều khi lạnh lùng, thiên hẳn về hướng phân tích, lại càng làm nổi bật lên một tâm hồn yêu đương nồng cháy, lẫn vào với những dằn vặt nội tâm không ngừng, thậm chí còn nhiều khi đi tới chỗ tự khinh bỉ chính mình. Tâm hồn ấy cũng có thể rất lạ: khi mới đến một khu vườn mới, thỏa lòng mong mỏi được kề cận với những bông hoa, trong lòng Ngọc nảy ra một ý nghĩ: “Thiếu giai nhân, tôi đành mong được gặp hồ, gặp quỷ như những anh chàng nào trong truyện Liêu Trai”. Cái tâm hồn Á Đông đa tình trộn lẫn với huyền hoặc này, thỉnh thoảng ta mới thấy, một cách kỳ diệu, ở một số tác phẩm văn chương Việt Nam, chẳng hạn như khi Đinh Hùng viết những câu thơ:
Có những bông hoa, tiền thân là thiếu nữ
Những mùi hương rạo rực hiện hình người
Hương công chúa và men say hoàng tử
Cánh bướm thời gian treo võng tóc buông lơi
Lan Hữu là cả một bầu trời huyền hoặc của tình tuổi trẻ được Nhượng Tống, sau khi đã thấm thìa rằng “đời là một cuộc đổi thay, muôn sự, muôn vật ở trên đời, nào có cái gì là vĩnh viễn”, thuật lại một cách kỳ diệu. Dau câu chuyện này, đúng như Lưu Trọng Lư đã nhìn ra khi viết lời tựa cho bản in 1940, là chuyện mà ai cũng có, ai cũng giấu đâu đó trong ngóc ngách ký ức mình, thì cách kể của Nhượng Tống, bởi nó thu gom được những tinh túy của Hồng Lâu Mộng lẫn những gì mà chỉ mình tâm hồn Nhượng Tống mới có, vẫn còn gây rung động mãnh liệt ở độc giả sau đến ba phần tư thế kỷ.
Lan Hữu chính là một khu vườn, khu vườn ngôn từ của nhà nghệ sĩ Nhượng Tống, cho đến giờ vẫn không hề cũ kỹ, thậm chí còn mới mẻ đến bất ngờ, và đó cũng là một khu vườn hoa, nhưng là một khu vườn không hề tầm thường, nơi in dấu hạnh phúc và cũng chứa đựng biết bao nhiêu thương xót của một dĩ vãng: “Kìa cảnh vườn hoa, tôi không dám bước chân ra nữa: Đấy là nơi nghĩa địa đã vùi xương [cái “tôi” mơ mộng và sung sướng]”. Khu vườn ấy xứng đáng được những tâm hồn đồng điệu viếng thăm với lòng ngưỡng mộ chân thành.
Cao Việt Dũng
***
Lời tựa (cho ấn bản 1940)
Người đề tựa với tác giả là chỗ thân tình, nhưng không phải vì cớ ấy mà tán hươu tán vượn, vẽ rồng vẽ rắn vào cuốn sách. Người đề tựa cũng không phải là cốt để giới thiệu ông Nhượng Tống với độc giả. […] Quyển Lan Hữu chính là một trong những tập văn của Nhượng Tống viết trong thời gần đây. Một cuốn tiểu thuyết tình không hơn, không kém. […] Nhượng Tống, trong một thuở, đã có những rung động tưng bừng, trong sáng hay âm u mà nay anh cứ việc chép lại, qua ký ức. Người ta trong một đời, ai lại không có một câu chuyện tâm sự để thuật lại hay để chép ra. Nhưng cả cái giá trị, cả nghệ thuật là ở sự kể lại mà thôi, chứ thực ra, những câu chuyện của người ta đều na ná giống như nhau cả: cũng chỉ là những bản đàn thiên cổ – tuy có đổi xoang, đổi điệu mà vẫn là những bản xưa, đã giấu ở trong lòng người, cái lòng người duy nhất, không xứ sở không kim cổ.
Lan Hữu cũng chỉ là cái mộng – hay những cái bóng mộng ở trong giấc ngủ tưng bừng của các người niên thiếu, ở đây, cũng như ở trong các giấc mộng khác của người niên thiếu, người ta cũng vẫn tìm thấy ở trong, cái rộn rực, cái quằn quại, cái bâng khuâng: sự chia ly ở trong tâm hồn, ở trong cuộc đời.
Nhưng mộng đẹp đến đâu, rồi cũng tàn, và chì để lại cho người ta một chút thương tiếc ở trong lòng hay đầu lưỡi. Mối tiếc thương ấy, ở văn nhân, thành gần như là một duyên nợ cả đời. Người ta lúc nhỏ ai cũng có một điều buồn não, một chuyện thương tâm. Cái buồn ấy ở một vài người thường thường mỗi năm về một lần… giống như cái cuộc du lịch hằng năm của các con chiên về đất Thánh. Truyện Lan Hữu chính là cái buồn hằng năm của người ta, đã về theo một ngọn gió đầu thu hay cuối hạ.
Lan Hữu cũng là một ngọn gió hằng năm đến gợi dậy ở trong lòng ta những hình bóng âm u của một chuyện cũ – mà ai ai lại chẳng có một câu chuyện như thế…?
Đó chỉ là như lời Baudelaire đã nói:
Một giấc mộng nồng nàn dệt xe trên gối kẻ thiếu niên.
Vì thế, Lan Hữu là cuốn sách của mọi người… Nhưng không phải là một cuốn sách tầm thường: tác giả đã cho nó một sức mạnh huyền diệu khiến cho ta không thể ngừng lại một quãng nào ở trên quyển sách. Ta chỉ muốn đọc nhanh đi cho chóng hết, để hưởng thú gấp sách lại.
Tất cả giá trị, tất cả tài nghệ của cuốn sách là ở chỗ này: tác giả là một người kể chuyện rất khéo, khiến cho một câu chuyện của mình mà người tưởng như của người, một câu chuyện rất bình thường mà tưởng như rất mới lạ, một giấc mộng hằng ngày ở bên gối, mà tưởng như xa vời ở trong một trời nước xa xôi… Vì tác giả là một nhà tiểu thuyết xứng với danh nghĩa ấy. Và đó chỉ mới là sự bắt đầu…
Lưu Trọng Lư
Mời các bạn đón đọc Lan Hữu của tác giả Nhượng Tống.
Download ebook
Lan Hữu – Nhượng Tống
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Lan Hữu – Nhượng Tống Tweet! Khu vườn của Nhượng Tống Năm 1940, đúng mười lăm năm sau khi Song An Hoàng Ngọc Phách cho xuất…