Khởi Nghiệp Tinh Gọn

Khởi Nghiệp Tinh Gọn


Giới thiệu

Khởi Nghiệp Tinh Gọn




Cuốn sách “Khởi nghiệp Tinh gọn” (The Lean Startup) trình bày một mô hình khởi nghiệp vang danh toàn cầu, giúp thay đổi toàn bộ cách thức xây dựng công ty và tung ra sản phẩm mới trên thị trường.

“Khởi nghiệp” – hai tiếng đơn giản đó có sức hút mạnh mẽ với bất kỳ ai, không chỉ đối với những người đang ấp ủ một dự án kinh doanh, mà ngay cả những ông chủ đang muốn tìm kiếm một sản phẩm hay một ý tưởng mới để “tái khởi nghiệp”, nói cách khác là tái tạo lại mô hình kinh doanh của mình. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thành công là điều không dễ!

Nhiều dự án khởi nghiệp thất bại không phải vì ý tưởng không tốt, chiến lược kém hay tầm nhìn sai, mà cốt lõi của mọi vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không có được một mô hình và phương pháp để khởi nghiệp thành công. Vì khởi nghiệp không giống với thành lập và điều hành một công ty theo dạng truyền thống, nên nó cần một mô hình và phương pháp quản trị riêng.

Trong quản trị kinh doanh, việc khởi tạo một doanh nghiệp mới hay tái tạo một mô hình kinh doanh cũ luôn có những bài học mà nếu không trả giá thì không thể học được, thậm chí là phải trả giá nhiều lần, trả giá đắt, rất đắt thì mới có thể học được. Tuy nhiên, cũng có những bài học mà không cần phải trả giá vẫn có thể học được. Vậy tại sao không học để bớt phải trả giá? Những bài học đắt giá đó nằm trong cuốn sách đặc biệt này.

“Khởi nghiệp Tinh gọn” không chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng về phương pháp đã được áp dụng bởi rất nhiều tên tuổi lẫy lừng trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo này; mà còn trang bị những phương pháp giúp tăng khả năng thành công, đồng thời cũng giảm thiểu tối đa rủi ro trên hành trình khởi nghiệp hoặc phát triển sản phẩm mới, tái tạo doanh nghiệp của các doanh nhân.

Đặc biệt, cách tư duy và những phương pháp trong cuốn sách này không chỉ áp dụng cho những siêu tập đoàn toàn cầu, mà còn áp dụng rất phù hợp cho những doanh nghiệp nhỏ, hay siêu nhỏ. Dù ở quy mô nào hay đang ở đâu trên hành trình kinh doanh, đã đến lúc chúng ta cần phải tư duy một cách TINH GỌN!

***

TÓM TẮT

Khởi nghiệp tinh gọn (2011) giúp những nhà khởi nghiệp và các công ty công nghệ phát triển những mô hình kinh doanh bền vững. Cuốn sách khích lệ việc nhanh chóng đưa ra các mẫu sản phẩm mới, và chú tâm vào các dữ liệu phản hồi từ khách hàng.

Phương pháp được dựa trên các khái niệm về sản xuất tinh gọn và phát triển linh hoạt, và hiệu quả của nó được minh chứng qua phân tích các tình huống trong vài thập kỷ gần đây.

NHỮNG AI NÊN ĐỌC NHỮNG “CÁI CHỚP MẮT” NÀY?

  • Bất kỳ ai quan tâm đến khởi nghiệp và/hoặc đang khởi sự một công ty riêng
  • Bất kỳ ai hứng thú với việc phát triển sản phẩm một cách nhanh chóng, và kiểm thử
  • Những người sáng lập, quản lý và nhân viên các công ty công nghệ

VỀ TÁC GIẢ CUỐN SÁCH

Eric Ries là một nhà khởi nghiệp thành đạt – đồng sáng lập IMVU, một mạng xã hội sử dụng những hình đại diện 3D. Hiện nay, ông là một diễn giả và một nhà tư vấn được mọi người săn đón.

CÁCH QUẢN TRỊ CÁC START-UP CẦN PHẢI RẤT KHÁC SO VỚI CÁC CÔNG TY LÂU ĐỜI.

Trong 3 đoạn “chớp mắt” đầu tiên, bạn sẽ khám phát ra điều gì mới là mục đích chính các start-up nên theo đuổi.

Phương pháp quản trị truyền thống bao gồm hai thành phần: phát triển các kế hoạch và giám sát những người thực thi chúng.

Một nhà quản trị tạo ra một kế hoạch, thiết lập các cột mốc, giao phó công việc cho các nhân viên, hướng dẫn họ để đảm bảo hoàn thành các cột mốc kịp thời.

Chiến lược quản trị này sẽ hiệu quả trong những công ty lâu năm đến mức họ hiểu rõ phương pháp nào đã có tác dụng trong quá khứ và suy ra cái nào sẽ có tác dụng ở tương lai.

Khởi nghiệp thì khác: Họ không thể dự đoán được tương lai bởi họ không có quá khứ, không biết khách hàng muốn gì, và không biết cách tiếp cận nào là tốt nhất để tìm kiếm khách hàng hay xây dựng việc kinh doanh bền vững. Để tìm ra điều gì có thể có tác dụng, họ phải duy trì tính linh hoạt. Việc theo đuổi những kế hoạch với các cột mốc định sẵn hoặc phụ thuộc vào các dự đoán thị trường trong dài hạn là hành động tự lừa gạt mình.

Dẫu sao, nhiều nhà sáng lập vẫn sử dụng những công cụ quãn trị hãng/công ty như là “các kế hoạch cột mốc” hay “dự đoán thị trường dài hạn”. Họ hành xử như thể đang chuẩn bị phóng tên lửa, mày mò với nó trong nhiều năm ròng và chỉ “phóng” tại thời điểm mà họ nghĩ là hoàn hảo.Thực tế, quản trị một start-up giống với việc lái một chiếc xe jeep băng qua địa hình mấp mô không bằng phẳng hơn, nơi các nhà sáng lập phải liên tục đổi hướng và khẩn trương phản ứng với các rào cản và ngõ cụt ngoài mong đợi.

Tuy nhiên, các nhà khởi nghiệp cũng không nên từ bỏ hoàn toàn việc lập kế hoạch để mang một tâm thế “cứ làm đi” hỗn độn. Việc đấy sẽ chẳng đưa bạn đến đâu cả; ai đó phải điều khiển bánh lái để đưa ra các quyết định khôn ngoan về con đường nào phải đi.

Một đội quản trị khởi nghiệp nên cố gắng duy trì một cái nhìn toàn cảnh về tình huống của họ và giữ cho công ty tiếp tục nhấn ga về mục đích chung. Nên, họ cần tìm các thông số đúng đắn để đo đếm xem hành trình của họ có đang dẫn họ đi đúng hướng.

Cách quản trị các start-up cần phải rất khác so với các công ty lâu đời.

MỤC ĐÍCH CỦA MỘT START-UP LÀ TÌM RA MỘT MÔ HÌNH KINH DOANH BỀN VỮNG.

Mục tiêu chính của bất kỳ start-up nào là tìm ra một mô hình kinh doanh mang lại lợi nhuận và bền vững.

Kế hoạch cột mốc tinh tế và chi tiết nhất, công tác thực thi các kế hoạch đó sao cho hiệu quả nhất, hay thậm chí, sự quan tâm tuyệt đối của báo chí chẳng có chút ích lợi gì nếu họ không có mô hình kinh doanh bền vững đó.

Nếu bạn muốn công ty bạn không chỉ là một dự án cưng tạm thời, mà trước sau gì cũng dặt dẹo và chết đi, bạn phải tìm cách để chiếm được khách hàng và kiếm tiền bằng cách phục vụ họ. Giả dụ bạn muốn kinh doanh quanh bằng nghề hướng dẫn đan váy Scotland qua mạng: Hãy tự hỏi, có ai muốn những hướng dẫn này không? Có cách nào kiếm tiền từ họ không? Nếu câu trả lời trong cả hai trường hợp là không, hãy đi tìm việc khác, việc mà người ta muốn và sẵn lòng trả tiền.

Do đó, mục đích đầu tiên và duy nhất cho khởi nghiệp của bạn là tìm mô hình kinh doanh bền vững,thứ sẽ có ích hôm nay và cũng hiệu quả kể cả trong tương lai. Trong thực tế, điều này nghĩa là bạn phải tìm ra sản phẩm nào khách hàng tiềm năng muốn và bằng cách nào chuyển đổi nhu cầu đó thành doanh thu liên tục.

Trách nhiệm chính của ban quản trị start-up nên tập trung vào toàn thể công ty, bao gồm mọi thứ đang được thực thi mỗi ngày, để vươn tới mục đích duy nhất này. Start-up càng nhanh tìm ra mô hình kinh doanh bền vững, họ càng tiến gần hơn tới thành công.

Mục đích của một start-up là tìm ra một mô hình kinh doanh bền vững.

TÌM MÔ HÌNH KINH DOANH BỀN VỮNG CỦA BẠN BẰNG CÁCH HỌC TẬP QUA KIỂM CHỨNG.

Để tìm được một mô hình kinh doanh bền vững, các nhà khởi nghiệp cần phải khám phá khách hàng của họ muốn gì và làm sao kiếm được tiền từ đó. Họ phải tìm đúng sản phẩm cho đúng người và tìm hiểu cách bán hàng phù hợp.

Điều này không có nghĩa cần đưa ra một kế hoạch tuyệt vời ngay từ khởi đầu. Đúng hơn, nó đòi hỏi một quá trình học tập không ngừng: phương pháp học tập qua kiểm chứng lý tưởng, nghĩa là học tập thông qua cách tiếp cận khoa học.

Để bắt đầu quá trình học tập qua kiểm chứng, bạn phải đưa ra các giả thuyết về việc có thể nào và bằng cách nào một sản phẩm nhất định sẽ thành công trong thị trường đã cho. Ví dụ, “Khách hàng Mỹ sẽ sẵn lòng mua giày qua mạng.”

Những giả thuyết ban đầu này cần được kiểm thử,  và chỉ khi nó được chứng nghiệm qua việc đối thoại với khách hàng thì start-up mới biết rằng nó có đi đúng hướng trong việc tìm ra mô hình kinh doanh bền vững hay không.

Tuy nhiên, cũng đừng sử dụng các bảng hỏi hay khách hàng hư cấu; thay vào đó, hãy nói chuyện với khách hàng thực sự trong một môi trường thực tế. Cách đáng tin cậy nhất để biết người ta có mua sản phẩm của bạn không là đề nghị họ sử dụng nó và quan sát phản hồi của họ.

Hãy xem câu chuyện thành công của Zappos: Khởi đầu với một giả thuyết rằng người ta sẽ muốn mua giày qua mạng. Để kiểm thử ý tưởng này, công ty chụp những bức ảnh giày trong của hàng và trưng bày chúng trên một của hàng web giả mạo. Khi người ta thực sự đã cố mua giày qua mạng, Zappos coi giả thuyết của họ đã được chứng nghiệm.

Qua cách tiếp cận này, nền tảng đã được phơi bày cho một trong những mô hình kinh doanh thành công nhất thập kỷ qua.

Tìm mô hình kinh doanh bền vững của bạn bằng cách học tập qua kiểm chứng.

NHỮNG GIẢ ĐỊNH “CÚ NHẢY NIỀM TIN”: HÃY KIỂM THỬ CÁC GIẢ THUYẾT VỀ GIÁ TRỊ VÀ TĂNG TRƯỞNG.

Một phần của việc phát triển sản phẩm là “cú nhảy niềm tin”: Một nhà sáng lập tin vào sự thành công trong tương lai của sản phẩm mà cô muốn tạo ra, dù chưa có bằng chứng nào cả.

Để nhanh chóng xoá bỏ khoảng cách giữa “tin” và “biết”, mỗi nhà sáng lập nên công thức hóa và kiểm thử hai giả định cơ bản:

  • Giả thuyết về giá trị giả định rằng một sản phẩm sẽ mang đến giá trị cho khách hàng của nó – có nghĩa là – những người sớm chấp nhận sẽ đi lùng mua và sử dụng sản phẩm
  • Giả thuyết về tăng trưởng chỉ ra rằng sản phẩm sẽ không chỉ hấp dẫn một nhóm đối tượng nhỏ sớm chấp nhận, mà nó sẽ sớm tìm ra một thị trường lớn hơn.

Cả hai giả định trên đều cần được kiểm thử càng sớm càng tốt. Chỉ khi chúng được chứng nghiệm thì sản phẩm mới đáng giá để đầu tư thời gian và nỗ lực.

Hãy nhìn vào Facebook: Họ đã thành công trong việc chứng nghiệm cả hai giả thuyết giá trị và tăng trưởng từ những bước đầu tiên khi mạng xã hội chỉ được một vài người sử dụng.

Ban đầu, những người dùng đã đăng ký tỏ ra rất năng động trên mạng. Hơn một nửa đã đăng nhập ít nhất một lần mỗi ngày – bằng chứng ấn tượng cho giả thuyết giá trị.

Thứ hai, Facebook có một tỉ lệ người dùng kích hoạt đáng kinh ngạc, nghĩa là nó xâm nhâp thị trường rất nhanh chóng. Tại những trường đại học nơi Facebook được giới thiệu, ba phần tư số sinh viên đăng ký chỉ trong vòng một tháng – mà công ty chẳng cần tiêu một đồng nào cho marketing. Bởi thế, giả thuyết tăng trưởng cũng đồng thời được chứng minh.

Những con số ấn tượng đó đã thuyết phục các nhà đầu tư tin vào thành công trong tương lai của mạng xã hội mới mẻ này, khiến họ không ngần ngại đầu tư hàng triệu đô ngay từ giai đoạn đầu.

Những giả định “cú nhảy niềm tin”: hãy kiểm thử các giả thuyết về giá trị và tăng trưởng

HÃY PHÁT TRIỂN MỘT SẢN PHẨM KHẢ DỤNG TỐI THIỂU ĐỂ KIỂM THỬ

Nhiều nhà sáng lập tập trung quá nhiều thời gian vào bản thân sản phẩm, trong khi không hề biết liệu có khách hàng nào thật sự sử dụng sản phẩm đó.

Nếu bạn muốn tạo dựng công việc kinh doanh bền vững, bạn phải tìm hiểu xem khách hàng có nhu cầu về sản phẩm của bạn không, càng sớm càng tốt.

Cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để nhận được phản hồi chân thực về ý tưởng của bạn là tạo ra một phiên bản tối giản của sản phẩm. Sản phẩm khả dụng tối thiểu (minimal viable product – MVP)này nên đơn giản hết mức có thể, và chỉ chứa những gì cần thiết để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thực tế về cách mà sản phẩm hoạt động – vừa đủ để thu được phản hồi từ họ.

MVP có thể là một mẫu thử nghiệm hết sức cơ bản của sản phẩm, hoặc thậm chí là kiểm thử nhu cầu: vờ như rao bán một sản phẩm giả mạo. Đăng ảnh giày lên một trang web bán hàng, dù bạn chưa có đôi nào để bán, là một ví dụ điển hình.

Hãy xem những người sáng lập Dropbox. Họ biết rằng việc phát triển từ ý tưởng thành sản phẩm sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, vì thế, để kiểm chứng giả thuyết rằng mọi người đang có nhu cầu về một dịch vụ đồng bộ hoá dữ liệu mới mẻ và thân thiện với người dùng, họ chọn một cách đơn giản và sáng tạo: dựng một đoạn video trình bày ý tưởng.

Các nhà sáng lập giả định rằng thị trường đang có nhu cầu, và họ đã đúng: trong vòng một đêm, 75,000 người đã đăng ký vào danh sách chờ, và nhóm Dropbox kết luận rằng họ đã đi đúng hướng. Như vậy, họ có thể tự tin bắt đầu phát triển sản phẩm chính thức.

Tương tự, trước hết mỗi start-up nên tìm hiểu xem thị trường có thực sự có nhu cầu về sản phẩm của mình hay không, trước khi bắt đầu xây dựng nó.

Phát triển sản phẩm khả dụng tối thiểu để kiểm thử ý tưởng của bạn trên thị trường.

HÃY XÂY DỰNG, ĐÁNH GIÁ, HỌC HỎI – CÀNG NHANH CHÓNG VÀ THƯỜNG XUYÊN CÀNG TỐT.

Trong việc tìm kiếm một mô hình kinh doanh bền vững, ưu tiên cao nhất là học hỏi: mỗi start-up phải học được nên xây dựng sản phẩm nào và làm sao để kiếm tiền từ chúng.

Việc này không thể thực hiện nếu bạn tách rời thực tế. Bạn cần phải lộ diện, trưng bày sản phẩm cho khách hàng, nhận phản hồi của họ và học tập từ đó.

Để tạo điều kiện cho quá trình trên, hãy thiết lập cái gọi là vòng BML. BML là chu trình xây dựng-đánh giá-học hỏi (build-measure-learn):

Trước tiên, bạn xây dựng một phiên bản đơn giản của sản phẩm, như mẫu thử nghiệm hoặc thử nghiệm nhu cầu.

Thứ hai, bạn đưa sản phẩm này ra thị trường thực tế và thu về phản hồi khách hàng. Bằng cách thu thập dữ liệu định lượng từ thí nghiệm này, bạn đánh giá mức độ ưa thích với sản phẩm; chẳng hạn, có bao nhiêu người bấm vào nút mua hàng và cố gắng mua giày từ trang web giả của bạn.

Khi đánh giá, hãy chắc chắn bạn không chỉ nhìn vào dữ liệu mà còn nói chuyện với khách hàng. Nếu muốn hiểu được dữ liệu, bạn cũng nên tìm hiểu về ấn tượng cá nhân và ý kiến của khách hàng.

Những gì bạn học được sau một chu trình sau đó nên được sử dụng để lên ý tưởng và xây dựng một sản phẩm mới, được tối ưu hoá, là thứ đưa bạn tới chu trình BML tiếp theo. Sau đó quá trình này được lặp đi lặp lại tới khi bạn tìm được mô hình kinh doanh bền vững.

Điều quan trọng ở đây là tốc độ. Mỗi vòng BML giúp bạn cải thiện sản phẩm và cung cấp cho bạn những hiểu biết quý giá về những gì khách hàng mong muốn. Càng trải qua nhiều vòng, càng nhiều khả năng bạn sẽ tìm thấy mô hình kinh doanh bền vững của mình.

Xây dựng, đánh giá, học hỏi – càng nhanh và thường xuyên càng tốt.

SỬ DỤNG KIỂM THỬ PHÂN CHIA ĐỂ TỐI ƯU HOÁ SẢN PHẨM.

Khi phát triển và cải thiện một sản phẩm, các start-up cần phân biệt giữa giá trị và phế phẩm: họ phải tìm ra những tính năng nào có giá trị và những tính năng nào không, đối với người dùng.

Các tính năng giá trị là những đặc điểm giúp doanh nghiệp thu hút thêm khách hàng hoặc giúp tăng doanh thu.

Tính năng nào không thực hiện được cả hai điều trên đều là thừa thãi – cho dù nhà sáng lập hay kỹ sư tin rằng chúng là những thứ tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Một cách thông minh để phân biệt giữa giá trị và phế phẩm là kiểm thử phân chia. Mỗi khi bạn cân nhắc thêm vào một tính năng mới hoặc thay đổi cái cũ, hãy tạo ra hai phiên bản: một chứa tính năng mới, còn cái kia thì không. Bằng cách kiểm thử cả hai phiên bản, bạn sẽ sớm thấy bản nào được khách hàng ưa thích hơn.

Các công ty đầu tiên sử dụng kỹ thuật này là các doanh nghiệp bán hàng qua thư. Ví dụ, để tìm hiểu xem bố cục catalogue mới có giúp tăng lượng đơn đặt hàng hay không, họ in ra hai phiên bản: 50% khách hàng nhận bản cũ và 50% nhận bản mới. Ngoài bố cục, tất cả các đặc điểm khác của hai catalogue đều như nhau, và khách hàng được chia nhóm ngẫu nhiên, vì vậy công ty chỉ cần so sánh lượng đặt hàng giữa hai nhóm. Những dữ liệu này trả lời cho câu hỏi rằng liệu thiết kế mới có hữu ích không.

Trên tinh thần đó, mọi start-up có thể kiểm thử tất cả các thay đổi tiềm năng trước khi thực sự thực hiện nó. Muốn biết trang web của bạn hoạt động tốt hơn trong màu đỏ hay màu xanh? Tại sao không tạo ra cả hai phiên bản thử nghiệm và theo dõi mức độ truy cập của khách hàng trong vài ngày?

Bất kỳ thay đổi nào bạn muốn thực hiện đều nên được kiểm thử bằng phương pháp ít nhiều có tính khoa học này trước khi áp dụng lên sản phẩm.

Sử dụng kiểm thử phân chia để tối ưu hoá sản phẩm.

ĐỂ TÌM RA MÔ HÌNH KINH DOANH ĐÚNG ĐẮN CHO DOANH NGHIỆP, BẠN THƯỜNG PHẢI CHUYỂN HƯỚNG.

Nhiều start-up tin vào huyền thoại phổ biến rằng chìa khoá dẫn tới một doanh nghiệp thành công là sự kiên trì và ý chí sắt đá: người sáng lập anh hùng nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, chiến đấu qua rất nhiều thất bại cho đến khi ý tưởng rốt cục trở thành một cú hit.

Nhưng cách nghĩ này đẩy phần lớn start-up vào chỗ gọi là nơi xác chết biết đi. Như những con zombie không não, họ không nhận thức được một điều gì và sẽ tiếp tục làm việc cật lực để bán một sản phẩm mà thị trường không cần.

Để tránh điều này, bạn nên liên tục tự hỏi mình cần thay đổi sản phẩm ra sao để nâng cấp nó và tìm được thị trường.

Bên cạnh đó, bạn nên xem xét một cách định kỳ rằng có cần một sự chuyển hướng – một thay đổi căn bản.

Sự chuyển hướng có thể dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như: định nghĩa lại giá trị cốt lõi của sản phẩm; theo đuổi phân khúc khách hàng khác; hay đổi kênh bán hàng chính.

Đặc điểm chính của sự chuyển hướng là những giả định cốt lõi dẫn đến khởi nghiệp đã thay đổi, vì vậy cần phải thử nghiệm các giả thuyết mới.

Quyết định chuyển hướng có thể là một việc khó khăn, và bởi thế các start-up thường né tránh hoặc trì hoãn đưa ra quyết định này. Đó là lý do việc tổ chức họp chuyển hướng mỗi tháng một lần có thể có ích. Trong những cuộc họp này, bạn quan sát các dữ liệu đã thu được một cách trung thực, và tự hỏi mình có phải một con zombie đang cần chuyển hướng.

Nhiều start-up đã phải chuyển hướng vài lần trước khi đạt được thành công. Hãy nhìn Groupon: khởi đầu là nền tảng cho các hoạt động tuyên truyền và gây quỹ, rồi sau đó mới chuyển thành nền tảng daily deal nổi tiếng ngày nay.

Để tìm ra mô hình kinh doanh đúng đắn cho doanh nghiệp, bạn thường phải chuyển hướng.

MỌI START-UP TRƯỚC HẾT NÊN TẬP TRUNG VÀO MỘT ĐỘNG CƠ TĂNG TRƯỞNG.

Một phần cơ bản của bất kỳ mô hình kinh doanh nào là động cơ tăng trưởng đảm bảo cho công ty không bị trì trệ.

Có ba loại động cơ tăng trưởng khác nhau:

  • Động cơ gắn kết hoạt động bằng cách giữ chân khách hàng hiện tại, những người đã tạo ra dòng doanh thu liên tục. Trọng tâm không phải là quảng bá để thu hút khách hàng mới, mà là khiến khách hàng hiện tại sử dụng sản phẩm nhiều hơn bằng cách ra mắt tính năng mới hoặc nâng cấp dịch vụ.
  • Động cơ lan truyền hoạt động bằng cách khiến các khách hàng hiện có đảm nhiệm việc tiếp thị cho công ty. Khách hàng mục tiêu biết về sản phẩm thông qua truyền miệng. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều chi phí quảng cáo, vì vậy bạn nên làm sao để khách hàng càng dễ tham gia vào hoạt động viral marketing này càng tốt.

Một ví dụ nổi tiếng về động cơ tăng trưởng lan truyền là chữ ký email tự động của Hotmail: “Tái bút: Nhận thư điện tử của bạn miễn phí tại Hotmail.”

  • Cuối cùng, động cơ trả phí hoạt động nhờ đầu tư vào tiếp thị, chẳng hạn qua quảng cáo online có trả phí. Tất nhiên, nó chỉ bền vững khi doanh thu từ khách hàng hiện tại đủ để đảm bảo rằng chi phí cho mỗi khách hàng mới thu hút được nhỏ hơn giá trị khách hàng trọn đời.

Nói chung, bạn có thể sử dụng cả ba động cơ tăng trưởng này cùng một lúc, nhưng ban đầu thì tập trung vào một động cơ để khiến nó tăng tốc nhanh hết mức có thể thường là việc làm khôn ngoan.

Chú trọng vào một động cơ tăng trưởng cũng giúp đánh giá mức độ thành công của tính năng mới dễ dàng hơn: nếu động cơ tăng tốc nhanh, các tính năng đó là hữu dụng; nếu không, chúng nên được bỏ đi.

Mọi start-up trước hết nên tập trung vào một động cơ tăng trưởng.

SỐ LIỆU ẢO THƯỜNG TÂNG BỐC NHƯNG GÂY HIỂU LẦM – CHÚNG KHÔNG GIÚP BẠN TÌM THẤY MÔ HÌNH KINH DOANH BỀN VỮNG.

Không start-up nào có thể tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả mà không cần thỉnh thoảng dừng lại để định hướng, và các định hướng này xuất phát từ việc xem xét các số liệu đúng đắn.

Để đánh giá liệu bạn đã tiến thêm được chút nào tới mục tiêu dài hạn hay chưa, bạn cần phải kiểm tra các dữ liệu đã thu thập được trên đường.

Thật không may, nhiều start-up đầu hàng trước sự cám dỗ của việc sử dụng số liệu ảo: những số liệu tâng bốc nhưng vô dụng, thậm chí có hại. Chúng khiến một doanh nghiệp trông có vẻ thành công nhưng không đưa nó đến gần hơn với các mục tiêu.

Các start-up dựa trên số liệu ảo nhìn vào công việc kinh doanh như một tấm gương lung linh, khiến họ khó đối mặt với những khó khăn thực tế và khắc phục chúng.

Ví dụ, được truyền thông chú ý và có nhiều Facebook fan có thể là chuyện tốt, nhưng đừng bao giờ nhầm lẫn đó là thành công. Những việc đó không giúp bạn chi trả các khoản phí, và bạn không nên tốn công tác động vào những số liệu vô nghĩa như vậy.

Một số liệu ảo khác có thể là số giờ làm việc bạn đã đầu tư vào sản phẩm, hay những cột mốc đã đạt được. Chúng có thể liên quan (nhưng không nhất thiết) đến thành công của bạn. Vì vậy, đừng bao giờ đặt mục tiêu tối đa hoá chúng. Cho dù ai đó làm việc 100 giờ một tuần, vẫn có khả năng số giờ lao động ấy đã bị lãng phí vào việc gì đó hoàn toàn vô giá trị khi nhìn từ góc độ dài hạn.

Để thành công, bạn phải tìm một mô hình kinh doanh bền vững và mở rộng nền tảng khách hàng sử dụng sản phẩm của bạn –  và bạn không thể làm được việc nào nếu cứ chăm chăm vào những số liệu sai lệch.

Số liệu ảo thường tâng bốc nhưng gây hiểu lầm – chúng không giúp bạn tìm thấy mô hình kinh doanh bền vững.

MỌI START-UP PHẢI XÁC ĐỊNH ĐƯỢC NHỮNG SỐ LIỆU CỐT LÕI VÀ PHÂN TÍCH CHÚNG ĐÚNG CÁCH.

Xác định đúng số liệu để theo dõi và liên tục đánh giá chúng là điều cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ start-up nào. Quan sát được số liệu thay đổi theon hướng tích cực, chỉ qua đó bạn mới có thể chắc rằng mình đang tiến dần tới mục tiêu dài hạn là tìm kiếm mô hình kinh doanh bền vững.

Số liệu cốt lõi khác nhau tuỳ theo mỗi start-up, nhưng chúng thường là những số liệu như sự tăng lên trong lượng khách hàng trả phí, chiều dài phiên sử dụng trung bình trên mỗi khách hàng, và số lượt giới thiệu cho người khác trên một nghìn khách hàng đã sử dụng, chẳng hạn.

Mọi start-up cần tìm ra số liệu phù hợp cho riêng nó để định hướng và cung cấp nhận định thực tế về quá trình phát triển.

Khi phân tích dữ liệu, kỹ thuật được gọi là phân tích nhóm có thể hữu ích. Thay vì chỉ xem xét chung chung doanh thu hay nền tảng người dùng đã phát triển như thế nào, hãy so sánh hành vi của khách hàng mới với khách hàng cũ.

Hãy coi một trong những số liệu cốt lõi của bạn là chỉ số khuyên dùng. Để hiểu nó tiến bộ như thế nào, bạn nên kiểm tra các yếu tố sau đây: Trung bình, tần suất một khách hàng đăng ký sáu tháng trước giới thiệu sản phẩm cho bạn bè là bao nhiêu? Còn với khách hàng đăng ký bốn tháng trước? Hai tháng trước?

Bằng cách so sánh các nhóm (trong trường hợp này là các nhóm khách hàng đăng ký vào thời điểm khác nhau) và chỉ số khuyên dùng tương ứng, bạn có thể thấy mình tiến gần hơn đến mục tiêu hay không. Chỉ khi các số liệu chuyển biến tốt thì bạn mới đang phát triển; còn không, bạn đang mắc kẹt.

Mọi start-up phải xác định được những số liệu cốt lõi và phân tích chúng đúng cách.

KẾT

Thông điệp chủ chốt của cuốn sách này là:

Các start-up nên sử dụng cách tiếp cận ít nhiều mang tính khoa học để kiểm thử các giả định cốt lõi và xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả dựa trên những giả thuyết đã được kiểm chứng. Họ nên nhanh chóng phát triển mẫu thử nghiệm sản phẩm, không ngừng cải tiến chúng bằng cách thu thập phản hồi từ khách hàng và thông qua các vòng xây dựng-đánh giá-học hỏi.

Cuốn sách này trả lời các câu hỏi:

Start-up nên theo đuổi mục tiêu chính nào, và tại sao?

  • Cách quản trị các start-up cần phải rất khác so với các công ty lâu đời.
  • Mục đích của một start-up là tìm ra mô hình kinh doanh bền vững.
  • Hãy tìm mô hình kinh doanh bền vững bằng cách học tập qua kiểm chứng.

Làm thế nào để các start-up tìm thấy sản phẩm và mô hình kinh doanh đúng đắn?

  • Giả định “cú nhảy niềm tin”: kiểm thử giả thuyết giá trị và tăng trưởng của bạn.
  • Phát triển sản phẩm khả dụng tối thiểu để kiểm thử ý tưởng của bạn trên thị trường.
  • Xây dựng, đánh giá, học hỏi – càng nhanh và thường xuyên càng tốt.
  • Để tìm ra mô hình kinh doanh đúng đắn cho doanh nghiệp, bạn thường phải chuyển hướng.

Làm thế nào để các start-up tìm thấy động cơ tăng trưởng và phân tích số liệu đúng đắn?

  • Mọi start-up trước hết nên tập trung vào một động cơ tăng trưởng.
  • Số liệu ảo thường tâng bốc nhưng gây hiểu lầm – chúng không giúp bạn tìm thấy mô hình kinh doanh bền vững.
  • Mọi start-up phải xác định được những số liệu cốt lõi và phân tích chúng đúng cách

Nguồn : tsubakidream.wordpress.com

Mời các bạn đón đọc Khởi Nghiệp Tinh Gọn của tác giả Eric Ries.

Download

Khởi Nghiệp Tinh Gọn


FULL:


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Khởi Nghiệp Tinh Gọn Tweet! Cuốn sách “Khởi nghiệp Tinh gọn” (The Lean Startup) trình bày một mô hình khởi nghiệp vang danh toàn cầu, giúp thay đổi…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close