Hồ Xuân Hương Thơ Và Đời

Hồ Xuân Hương Thơ Và Đời

[toc]


Giới thiệu ebook

Hồ Xuân Hương Thơ Và Đời


Thiên tài, kỳ nữ, hay nói giản dị hơn: Danh tài độc đáo Hồ Xuân Hương, tên tuổi kỳ diệu ấy vượt qua mọi cuộc tranh luận xưa nay, tự mình sừng sững chiếm vị trí đặc biệt trong làng thơ Việt Nam với một di sản tinh thần tuy còn được lưu truyền không nhiều: bên cạnh tập Lưu hương ký mà từ khi được phát hiện, chưa mấy ai phủ định, nhưng mọi người hầu như vẫn dè dặt khi sử dụng tập thơ này (1), là dăm chục bài thơ tám câu bảy chữ hoặc bốn câu bảy chữ có một phong cách không trộn lẫn với ai, tuy còn một số bài vẫn ở dạng “tồn nghi”.

Với Dương Quảng Hàm, thì đó là nữ sĩ có thiên tài và giàu tình cảm, nhưng “vì số phận hẩm hiu, thân thế long đong, nên trong thơ bà hoặc có ý lẳng lơ, hoặc có giọng mỉa mai, nhưng bài nào cũng chứa chan tình tự”. Ông khẳng định Hồ Xuân Hương là một nhà viết thơ Nôm thuần túy, thoát hẳn ảnh hưởng của thơ văn chữ Hán, với cách tả tình, tả cảnh, dùng ngữ hiệp vần rất khéo. Thời ấy, người ta còn chưa phát hiện ra Lưu hương ký.

Còn Xuân Diệu thì gọi thẳng bà là Nhà thơ dòng Việt, là Bà chúa thơ Nôm, kể về độc đáo thì đứng vào bậc nhất trong văn học Việt Nam, mà lại hai lần độc đáo, vì đó là một phụ nữ đã dám “Ví đây đổi phận làm trai được”, và Xuân Diệu cho rằng thực sự nàng đã làm trai rồi, ngay trong chế độ cũ. Thơ của người dám làm trai ấy lại hết sức phụ nữ, người đàn bà ấy đã cất tiếng lên thì đố ai đã nghe một lần lại có thể quên được, quên nổi: “Thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường, một thứ thơ muốn lặn sâu vào sự vật, vào những đáy rất kín thẳm của tâm tư, những đáy kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân chủ nghĩa, mà trái lại, đã được hàng vạn, hàng vạn người đồng tình thông cảm”.

Bản thân là người có bản lĩnh tự tin mạnh mẽ, Hồ Xuân Hương chế diễu, đả kích cả một xã hội phong kiến với giọng đường hoàng, dõng dạc, chủ động và rất “đàn chị”. Thơ ấy, người ấy đập thẳng vào mặt bọn vua quan, nho lại, sư mô, trượng phu, quân tử dỏm, coi thường bọn mày râu không có khí chất đàn ông, không có phẩm cách nam nhi, kéo cái mặt nạ giả dối đủ kiểu, lôi tuột nó để làm trơ cái mặt thớt ấy ra trước thanh thiên bạch nhật, trước dư luận người đời. Thơ ấy, người ấy cất tiếng nói phản kháng quyết liệt của bản năng bị dồn ép vì những luân lý, lễ giáo, những thói thường ích kỷ. Sự phản ứng quyết liệt ấy nhiều khi cường điệu, thâm xưng, ám ti… một cách nghệ thuật, nên thường cũng hay bị người gán ghép cho những chuyện sinh lý có lúc quá trớn, quá đà. Đạt sự bình quyền, bình đẳng giữa nam và nữ, thơ ấy, người ấy không một chút ngại ngùng tố cáo triệt để sự bất công của xã hội trên nhiều lĩnh vực trong đó có hôn nhân và gia đình, đào sâu vào thân phận của người phụ nữ đa đoan nhưng cũng đa tình.

Người phụ nữ trở thành nhân vật trung tâm trong thơ Hồ Xuân Hương, có khi xuất đầu lộ diện, có khi giấu mặt. Nếu như Vichto Huygô có lý khi cho rằng: “Người ta có một tôn giáo thứ hai là tình yêu, và Chúa của đạo ấy chính là người phụ nữ”, thì phải chăng Hồ Xuân Hương không có lý với những bài thơ đề cao người đàn bà, tất cả những “cái gì thuộc về con người đối với tôi đều quý” như câu tục ngữ cổ mà Các Mác rất thích đó, cả chuyện trong buồng kín, phòng the, cả chuyện cơ thể của đàn bà – biểu tượng của cái đẹp?.

Cái đẹp thân thể và sự dâm đãng, nghệ thuật hướng về cái đẹp và nghệ thuật khiêu dâm. Đấy là những khoảng cách, những cực của hai quan điểm thẩm mỹ đối nghịch.

Đẹp hay dâm tục câu thơ của Hồ Xuân Hương:
Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

Nhưng quả là trong thực tế, khi thẩm định thơ Hồ Xuân Hương, dễ có khuynh hướng gán ghép chuyện sinh lý có khi quá trớn; cũng không phải không ít người còn “táy máy” nghĩ đến cái nghĩa thứ hai trần tục, nó cứ đập vào giác quan người ta gây nên sự khó chịu vì tính chất hai mặt của biểu tượng. Cả trong trường hợp ấy nữa, thơ Hồ Xuân Hương đích thực cũng không thể bị coi là loại sáng tác khiêu dâm hay tục tĩu, nếu như người đọc hiểu rõ dụng ý của “vũ khí” mà nhà thơ đang sử dụng vào mục đích gì, nếu như người đọc gạt bỏ ra ngoài sự liên tưởng gán ghép cố tình, hoặc lẫn lộn thơ Hồ Xuân Hương đích thực với thơ được sáng tác theo phong cách Hồ Xuân Hương. Sự lẫn lộn ấy cũng không mấy dễ tìm ra cho rạch ròi, thuyết phục.

Nguyễn Lộc đã có lần đề cập tới cái khao khát của nhà thơ Hồ Xuân Hương về mặt tình yêu vật chất, tình yêu thể xác. Và ông xác đáng khi cho rằng, đừng vội nghĩ nói đến tình yêu thể xác, nói đến chuyện trong buồng kín của vợ chồng là dâm đãng. Nghệ thuật quyết định chủ yếu không phải ở đề tài. Ông viết: “Nhu cầu về cuộc sống bản năng cũng là một nhu cầu chân chính của con người, xã hội phong kiến phủ nhận, nên con người mới phản ứng chống lại. Ở Hồ Xuân Hương có cái gì quá đà, nhưng đặt trong bối cảnh của xã hội phong kiến phương Đông chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, thì chính đó lại là một sự chống trả quyết liệt. Hồ Xuân Hương nói nhiều đến dục vọng thể xác, nhưng bà thể hiện những dục vọng ấy một cách lành mạnh và khỏe khoắn. Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người ta thấy nhà thơ bao giờ cũng tỉnh táo, bà đứng cao hơn hiện tượng mình miêu tả; và với một tâm hồn nghệ sĩ thực sự, nhà thơ bao giờ cũng phát hiện được những khía cạnh thẩm mỹ trong đối tượng miêu tả của mình”. Về phương diện này, chúng tôi đồng tình với ông Nguyễn Lộc.

Hướng tuyển chọn thơ Hồ Xuân Hương trong tập sách này, phối hợp nhiều cách chọn để tìm một phương án khả dĩ chấp nhận được. Phần lớn các bài trong Lưu hương ký đều được tuyển chọn dựa vào sách của Đào Thái Tôn, có tham khảo các sách khác.

Giới thiệu thơ Hồ Xuân Hương với bạn đọc rộng rãi lần này, chúng tôi muốn một lần nữa khẳng định Hồ Xuân Hương “một nhà thơ kiệt xuất, một tài năng văn học độc đáo” (Lịch sử Việt Nam, tập I, UBKHXHVN, 1970), độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Bà không chỉ được đánh giá cao ở trong nước. Chính sự đánh giá cao của nhiều người nước ngoài càng làm chúng ta thêm tự tin. R. Tago trước kia, và gần đây, nhà thơ Pháp có tên tuổi ở Châu Âu – Jăng Rixtal – trong bài Tựa bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Pháp, đã coi Hồ Xuân Hương là “một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam và không chút nghi ngờ, là một trong những nữ sĩ hàng đầu của Châu Á”.

Tác phẩm của Bà quả là có sức lay động mạnh mẽ.

Mọi cuộc tranh luận về Đời Hồ Xuân Hương và Thơ Hồ Xuân Hương sẽ còn tiếp tục. Những phát hiện. tìm tòi mới về tiểu sử thân thế, thời đại, tác phẩm của bà cùng với bao nhiêu vấn đề tranh luận khác xung quanh hiện tượng xã hội văn học dân tộc độc đáo này sẽ còn tiếp tục, mãi còn tiếp tục.

Nhưng… Giờ đây quyển sách đã tới tay bạn đọc, quyền bình giá thuộc về những người say mê, mến mộ bà. Mong rằng những ý kiến đa dạng, phong phú khác nhau về tác giả và tác phẩm Hồ Xuân Hương, về Thơ và Đời của bà, được chọn lựa giới thiệu trong tập này sẽ không cản trở người đọc trong cuộc thâm nhập thế giới thơ của Bà mà quyển sách này chỉ là một cách trình bày không khỏi còn khiếm khuyết. Trong khi biên soạn, người tuyển chọn đã tham khảo nhiều công trình đi trước của các tác giả Hoàng Xuân Hãn, Trần Thanh Mại, Nguyễn Lộc, Đào Thái Tôn, Nguyễn Bỉnh Khôi; các tác giả tập thơ Hồ Xuân Hương của đồng nghiệp Vĩnh Phú và của Nhà xuất bản Văn học mới ấn hành gần đây, cùng nhiều người khác.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và cảm ơn các tác giả !.
 

LỮ HUY NGUYÊN

Mời các bạn đón đọc Hồ Xuân Hương Thơ Và Đời của tác giả Lữ Huy Nguyên.

Download ebook

Hồ Xuân Hương Thơ Và Đời


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Hồ Xuân Hương Thơ Và Đời Tweet! Thiên tài, kỳ nữ, hay nói giản dị hơn: Danh tài độc đáo Hồ Xuân Hương, tên tuổi kỳ…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close