Hồ Sơ Một Tử Tù – Nguyễn Đình Tú

Hồ Sơ Một Tử Tù – Nguyễn Đình Tú

[toc]


Giới thiệu ebook

Hồ Sơ Một Tử Tù – Nguyễn Đình Tú


Đọc xong cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Đình Tú, tôi nghĩ đến một khái niệm còn khá mới mẻ với nền văn học nước ta, đó là loại Tiểu thuyết tội phạm học.

Khuất Quang Thụy

Cũng phải nói ngay rằng đây cũng chỉ là một khái niệm tương đối mà chúng tôi nghĩ tới trong khi tìm cách tiếp cận cuốn tiểu thuyết đầu tay này của một tác giả trẻ. Nếu bạn không đồng ý với khái niệm này thì cũng chả sao, bạn có thể có một cách hình dung khác để tiếp cận tác phẩm kể trên và có thể cũng sẽ có được những kiến giải lý thú

Trở lại cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú. Nội dung của cuốn sách dường như chả có gì mới. Câu chuyện xoay quanh một tên tội phạm bị khép án tử hình với một quá trình diễn biến khá phức tạp để biến một thanh niên nhà quê hiền lành chất phác trở thành một tên giết người nguy hiểm… Nhưng đọc xong cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, ta không có được cảm giác kiểu như “thế là đã rõ”, “thế là xong việc”, và rồi chúng ta có thể yên tâm bỏ cuốn sách xuống để chìm vào giấc ngủ hay thanh thản bước vào những công việc thường nhật mà không còn bất kỳ sự vương vấn nào về số phận của nhân vật hay về những vấn đề mà cuốn sách đã xới lên. Sự kiện cuối cùng trong cuốn sách của Nguyễn Đình Tú đặt dấu chấm hết cho số phận của nhân vật chính bằng đoạn đầu đài. Tất cả dường như rất minh bạch, rất đúng trình tự pháp luật. Nhưng không hiểu sao, đọc đến đây, chúng ta vẫn có cảm giác rằng cái chết chưa phải là sự trả giá cuối cùng cho những tội ác mà kẻ tử tù và những kẻ tòng phạm của hắn ta đã gây ra với đời. Vụ án chưa phải là đã khép lại. Vì còn có những câu hỏi quan trọng khác chưa được trả lời. Trong đó có cả câu hỏi: những ai, cái gì, hoàn cảnh nào đã xô đẩy một con người vốn có “tính bản thiện” trở thành một kẻ giết người?

ho so mot tu tu ebook

Khi đưa kẻ tử tội lên đoạn đầu đài, trong mỗi con người chúng ta đều xuất hiện một cảm giác giống như cảm giác của nhân vật Bằng, bạn học cũ của kẻ tử tội, nay lại là một luật sư bào chữa cho kẻ tội đồ, ấy là dường như mình cũng là kẻ có lỗi, có can dự vào quá trình trở thành kẻ tội phạm của bị cáo. Anh ta nhắc lại lời một ông thầy chung rất đáng kính của cả hai người: “Đáng tiếc, nhưng đáng tiếc hơn là tất cả chúng ta đều có lỗi mà không biết”. Cái cảm giác gột rửa ấy xuất hiện khi đọc xong cuốn sách, chúng ta bỗng hiểu rằng, dường như kẻ bị đưa lên cọc xử bắn kia cũng là một nạn nhân mà mỗi chúng ta, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp đều có lỗi, đều tham gia xô đẩy hắn ta vào con đường tội lỗi để dẫn tới kết cục bi thảm này. Trong cuộc đời nhiều khi chúng ta vô tình gây ra tội ác, hoặc gieo những mầm mống tội ác mà không biết. Đến khi cáimầm ác ấy nảy cành, xanh lá gây hoạ cho đời thì chúng ta lại dửng dưng, coi như mình là kẻ ngoài cuộc vô can, thậm chí chúng ta lại nhân danh pháp luật và đạo đức để phán xử chính những tội ác mà chúng ta đã góp phần gieo mầm và nuôi dưỡng mà không hề hay biết?

Có lẽ đây chính là điều khác biệt quan trọng nhất khiến cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú vượt qua khỏi sự thường tình của những cuốn “sách hình sự” “sách vụ án” và có giá trị như một cuốn tiểu thuyết tội phạm học rất đáng được chú ý.

Là một cử nhân luật và cũng từng là một cán bộ pháp lý của quân đội một thời gian trước khi trở thành nhà văn, chắc chắn Nguyễn Đình Tú có kiến thức khá vững vàng về “tội phạm học”. Nhưng khi khảo sát khái niệm này ở góc độ một nhà văn, Nguyễn Đình Tú đã có những ý tưởng mới mẻ sâu sắc hơn những dòng lý luận khô khan. Anh đã cố gắng thông qua ngôn ngữ và hệ thống hình tượng để lý giải quá trình hình thành nhân cách của một con người cũng như quá trình tha hoá một nhân cách. Anh cũng đã hiểu một cách cặn kẽ khái niệm của Max – Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội – nên đã đi tìm câu trả lời từ những nguyên nhân xã hội, từ môi trường sống để tìm cách lý giải vì sao con người có thể trở thành những kẻ tội phạm, để từ đó đi đến một định đề rằng, quá trình hình thành nhân cách của một con người là một quá trình xã hội, trong đó mỗi con người chỉ có thể hoàn thiện mình thông qua sự không ngừng vươn lên chiến thắng mọi hoàn cảnh, khắc phục những hạn chế của hoàn cảnh và những cái mà chúng ta vẫn thường gọi là sự trớ trêu của số phận.

Phạm Bạch Đàn, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo có một nghề truyền thống khá oái oăm là nghề khai thác đá. Cái nghề khai sơn phá thạch ấy tuy gian khổ thật, nhưng chắc chắn nó cũng nuôi sống nổi nhiều kiếp người và sẽ cứ tự nhiên nhi nhiên mà sống nếu không có những sự tác động của thời cuộc. Trong cái làng nhỏ bé ấy cũng có đủ thứ chuyện do thời thế đưa lại như cải cách ruộng đất với những nỗi oan sai làm đảo lộn thang giá trị đạo đức truyền thống, với cuộc kháng chiến chống Mỹ long trời lở đất và rồi với những cái sai, cái đúng trong những chính sách quản lý kinh tế, quản lý xã hội ở nông thôn. Trầm luân là vậy nhưng cái cậu bé đẻ rơi bên gốc cây bạch đàn ngày nào vẫn vượt qua được những hạn chế của hoàn cảnh và số phận để trở thành một học sinh giỏi, thi đỗ vào một trường đại học tại thủ đô. Số phận của Phạm Bạch Đàn đã bước sang một trang mới với những thách thức mới thoạt nhìn tưởng như không ác liệt, gian khổ như bao năm sống vật vã với luống cày và hòn đá ở quê hương, ăn đói mặc rách để cắp sách đến trường, nằm trong ổ rơm nhưng vẫn mơ tới một chân trời tươi đẹp. Những gì mà cậu sinh viên mới này nhìn thấy ở trường đại học hóa ra còn có nhiều điều kinh khủng hơn, đáng ngạc nhiên hơn những gì cậu từng nhìn thấy trong suốt cả quãng đời niên thiếu cộng lại? Tiện đây cũng xin nói ngay rằng người viết những dòng này cũng không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước sự dũng cảm, chân thành của tác giả đã khiến những người đọc yếu bóng vía như tôi toát cả mồ hôi hột khi chỉ với vài chục trang sách, tác giả đã cho ta thấy sự băng hoại đến như thế nào của “nền văn hoá và đạo đức học đường” của xã hội ta. (Tôi rất mong đó chỉ là một sự thật đã được “tiểu thuyết hoá” và nó chỉ là sự thật của một thời điểm ngắn ngủi nào đó mà thôi).

Thế là từ giảng đường trường đại học, chứ không phải từ đời sống lam lũ ở làng quê là nơi Phạm Bạch Đàn đi những bước đầu tiên tới đoạn đầu đài, anh đã bị đuổi khỏi trường đại học. Dĩ nhiên những lỗi lầm của Đàn cũng có căn nguyên từ quá khứ xa xôi, từ gốc gác xuất thân của anh, nhưng điều quan trọng nhất là bản thân anh cũng chưa đủ bản lĩnh để vượt qua những thử thách đó. Không phải ở vào thời buổi ấy, tất cả sinh viên có xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo khổ đều hư hỏng cả. Tuy vậy, Đàn cũng đã quyết tâm làm lại từ đầu. Sau một năm vừa lao động vừa học tập, anh lại thi đỗ vào Đại học. Nhưng con đường làm lại của anh lại “vướng vào cơ chế”, một quy chế vu vơ nào đó được đặt ra rằng những sinh viên đã bị đuổi học thì phải hai năm sau mới được thi để trở lại trường. Anh đã nhanh nhảu đoảng trong việc sửa chữa khuyết điểm! Nếu có được cơ hội thứ hai trở lại trường Đại học, số phận Đàn có thể đã khác đi chẳng?

Chán nản, thất vọng, anh trở lại làng quê trong bối cảnh ở đó đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa cơ chế cũ và cái mới đang hình thành nhưng chưa thắng thế. Anh ủng hộ cái mới, nên anh càng thất vọng hơn. Anh vừa thương cho phận mình vừa thương cho làng xóm “Đói. Đói dài rạc. Đất ấy, ruộng ấy, màu mỡ thế, tươi tốt thế mà thóc cứ lép, sản cứ thấp, sống trên đất luá mà cứ thèm gạo, sống bên núi đá mà cứ nhà tranh vách đất, cứ lầy lội lép nhép trên con đường nhão nhoét, lồi lõm ổ trâu ổ gà. Đám trai làng bạn Đàn kéo nhau đi đào vàng….”

Đàn cũng buông trôi theo số phận, nhập vào cái số đông đi tìm vận may nơi rừng thiêng nước độc, để mình rơi vào một môi trường hắc ám, đầy cạm bẫy, đó chính là bước trượt dài của nhân cách, của số phận, đó là cú hích đưa anh tới con đường tội lỗi và… tới đoạn đầu đài. Những gì diễn ra sau đó trên bãi vàng dường như đã là điều tất nhiên, tuy rằng anh cũng đã có đôi lần tìm cách chống lại hoàn cảnh, chống lại số phận, chống lại cả những cái ngẫu nhiên, chống lại cả sự trôi trượt để giữ lấy chút phẩm giá còn lại, nhưng rốt cuộc anh là người bại trận.

Xung quanh hình tượng trung tâm kể trên, Nguyễn Đình Tú đã có những thành công nhất định khi xây dựng nên hàng loạt nhân vật phụ, tạo nên sự đa dạng về nhân cách trên cái nền chung của xã hội nước ta ở vào một giai đoạn nhập nhằng giữa quá khứ và hiện tại. Qua những nhân vật này, chúng ta có được sự hình dung về cuộc sống của những làng quê nghèo, của trường đại học và cả một phần xã hội của những con người sống mấp mé giữa lằn ranh đen – trắng, đó là thế giới của những kẻ tội phạm và những người có thể trở thành tội phạm bất kỳ lúc nào. Cái ranh giới giữa có tội và không có tội ở đây thật mỏng manh. Vả chăng, sự mong manh ấy đâu chỉ có ở cái xã hội thu nhỏ quanh những bưởng vàng? Khảo sát những mối quan hệ nhân quả trong cuốn sách của Nguyễn Đình Tú, chúng ta còn có thể chỉ ra nhiều kẻ tội phạm vô hình khác. Đó là kẻ tội phạm mắc những tội danh không được ghi trong những bộ luật thành văn, nhưng không phải vì thế mà sẽ không bị kết án, ít ra cũng là tại toà án lương tâm. Triết lý Nhân – Quả, Thiện – Ác của đạo Phật, tình thương Cơ đốc giáo và những quan niệm đạo đức truyền thống cũng đã được tác giả huy động để làm rõ thêm cái vùng còn mờ nhoè bất cập của những thứ lý luận khô khan, duy lý về luật pháp, về tội ác và sự trừng phạt và về nhiều thứ oái oăm, nhiêu khê do con người đặt ra để tự ràng buộc mình và ràng buộc đồng loại nữa

Với những vấn đề rất nghiêm túc được đặt ra trong cuốn sách, Nguyễn Đình Tú đã chứng tỏ mình là một cây bút có trách nhiệm và có tham vọng. Tuy vậy, cũng có thể dễ dàng nhận thấy anh chưa đạt được nhiều lắm cho những mục tiêu nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tiểu thuyết. Bố cục của cuốn sách chưa thật chặt chẽ, có chương còn rời rạc. Những đoạn trích dẫn hoặc thuật kể điển tích của Phật giáo, Ki tô giáo chưa nhuyễn và hơi tham lam. Ngoài nhân vật chính, những nhân vật có hình hài, có cá tính chưa nhiều. Có một số nhân vật xuất hiện có “tính thời vụ”, được tác giả tung ra khi cần thiết và sau đó thì mất hút hoặc chỉ là những cái bóng mờ nhạt…

Bù lại, Nguyễn Đình Tú đã thành công khi tạo ra được cho mình một cách tiếp cận hiện thực khá mới mẻ và một lối kể chuyện có sức cuốn hút. Ít nhất khi đọc cuốn sách này, chúng ta cũng bị lay động và buộc phải suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn, ít phiến diện hơn về một số vấn đề đặt ra trong cuộc sống hôm nay. Đó chính là sự khởi đầu tốt đối với một nhà tiểu thuyết. Và sau 8 năm ra đời, Hồ sơ một tử tù cũng đã khẳng định được sức sống riêng của nó với bốn lần tái bản, một lần làm phim, hai lần vinh danh giải thưởng lớn của Bộ Công an. 8 năm ấy Nguyễn Đình Tú cũng đã chứng tỏ khả năng tiểu thuyết của mình với một loạt tác phẩm như Bên dòng Sầu Diện, Nháp và mới đây nhất là Phiên bản. Đến tiểu thuyết Phiên bản, lại một lần nữa, khái niệm tiểu thuyết tội phạm học trở nên rõ ràng hơn trong tôi, nhưng đó sẽ là nội dung của một bài viết khác khi có dịp quay trở lại vấn đề này.

Mời các bạn đón đọc Hồ Sơ Một Tử Tù của tác giả Nguyễn Đình Tú.

Download ebook

Hồ Sơ Một Tử Tù – Nguyễn Đình Tú


FULL:


AZW3


EPUB


PDF


PRC

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Hồ Sơ Một Tử Tù – Nguyễn Đình Tú Tweet! Đọc xong cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Đình Tú, tôi nghĩ đến một khái…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close