Họ Đã Làm Gì Để Thay Đổi Thế Giới

Họ Đã Làm Gì Để Thay Đổi Thế Giới

[toc]


Giới thiệu ebook

Họ Đã Làm Gì Để Thay Đổi Thế Giới


Câu chuyện của 25 doanh chủ vĩ đại.

Ý tưởng của họ độc đáo như thế nào? Nó có sức ảnh hưởng ra sao? Có làm thay đổi đời sống riêng tư của mỗi chúng ta một cách rõ rệt không? Có khả năng thay đổi tác phong làm việc của chúng ta, giúp chúng ta hoàn thành mọi việc tốt hơn để tạo dấu ấn của mình trên thế giới này không?

Nhìn lại con đường khởi nghiệp của các doanh nhân thành đạt này, chúng ta còn cảm phục ý chí, nghị lực, sự kiên cường và cả nhân cách cao quý của họ. Chính những tính cách đó đã góp phần đưa tên tuổi của họ lưu danh trên thế giới. Và điều quan trọng nhất là các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, dù ít hay nhiều, đã thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta.

***

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu được ngồi ăn tối và cùng trò chuyện với những doanh chủ[1] tài năng nhất thế giới?

Đó là ý tưởng khởi nguồn cho cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Năm 2009, trên sân khấu Diễn đàn Tăng trưởng Chiến lược do Công ty Ernst & Young tổ chức hằng năm diễn ra tại thành phố Palm Springs, bang California, tôi đã vinh dự được phỏng vấn ông Howard Schultz – Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Starbucks. Sau đó ít lâu, tôi lại được dịp phỏng vấn ông Reed Hastings – CEO của Công ty Netflix trước sự có mặt của nhiều biên tập viên báo chí và các nhà xuất bản ở New York. Sau khoảng một tiếng đồng hồ trao đổi, tôi bước xuống sân khấu và hoàn toàn choáng ngợp trước những trải nghiệm do hai khách mời chia sẻ đến độ tôi đã quyết định thành lập công ty riêng. Nhưng tôi cũng tự hỏi làm thế nào để có thể chia sẻ những trải nghiệm đầy cảm hứng và thuyết phục này cho nhiều người khác.

Hãy tưởng tượng nếu bạn có cơ hội được lắng nghe và trò chuyện với Steve Jobs, John Mackey, hoặc Fred Smith về những điều quan trọng nhất mà họ đã đúc rút từ kinh nghiệm của chính bản thân trong việc tạo dựng các công ty nổi tiếng như Apple, Whole Foods Market và Federal Express. Hay bạn có dịp trò chuyện cùng Bernie Marcus và Arthur Blank để tìm hiểu cách họ đã nảy ra ý tưởng về chuỗi cửa hàng The Home Depot và biến nó thành hiện thực như thế nào. Hoặc có dịp được nghe Howard Schultz bộc bạch tâm sự về chặng đường mà ông, cũng như Steve Jobs và Michael Dell trước đó, quay trở lại công ty mình đã sáng lập để tái tạo nó và cả chính bản thân mình?

Tất nhiên, việc mời những vị doanh nhân nổi tiếng này đến cùng ăn tối tại nhà bạn là một điều bất khả thi – dù người chuẩn bị bữa tiệc là một đầu bếp nổi tiếng thế giới hay trên bàn tiệc toàn là những món ăn hảo hạng. Nhưng có một tin vui cho các bạn đây: Tôi có thể làm sứ giả cho các bạn. Tôi sẽ cố gắng phỏng vấn 25 vị trong số những doanh nhân vĩ đại nhất thế giới đương thời, những người đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và nghĩ, cách chúng ta làm việc và giải trí, cách chúng ta nhìn nhận về thế giới ngày nay. Đó chính xác là những gì tôi đang cố gắng thực hiện.

Làm thế nào để chọn ra 25 người phi thường ấy? Việc chọn lựa những doanh chủ này chủ yếu dựa trên tầm ảnh hưởng của họ đối với thế giới. Ý tưởng của họ độc đáo như thế nào? Nó có sức ảnh hưởng ra sao? Nó có làm thay đổi cuộc sống cá nhân của chúng ta một cách rõ rệt không? Liệu nó có thay đổi tác phong làm việc của chúng ta, giúp chúng ta trở nên hiệu quả hơn, thấu đáo hơn và có khả năng hoàn thành mọi thứ tốt hơn để tạo dấu ấn riêng của mình trên thế giới này không? Phải thừa nhận rằng, câu trả lời cho những câu hỏi này hoàn toàn mang tính chủ quan. Và những lựa chọn – các doanh nhân trong cuốn sách này cũng vậy. Tất cả họ đều là những người đã thay đổi thế giới khi sản phẩm hoặc dịch vụ của họ – dù ít hay nhiều – đã thâm nhập vào đời sống của chúng ta.

Giờ đây, chúng ta có thể gọi điện về nhà nói chuyện với con cái bằng một chiếc điện thoại đã từng là giấc mơ của một nhà khởi nghiệp nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Đã từ lâu, chúng ta được ăn những thực phẩm lành mạnh hơn nhờ vào giấc mơ và niềm tin của một người về công dụng tích cực của thực phẩm sạch trước khi có bất cứ ai biết về những thực phẩm này. Chúng ta có thể đi máy bay với giá vé rẻ hơn rất nhiều vì một doanh nhân đã cho rằng các hãng hàng không hiện tại đang được tổ chức và điều hành bởi những kẻ cứng nhắc chưa từng biết làm hài lòng khách hàng của mình.

Điều quan trọng không kém là các tổ chức/công ty mà các doanh nhân/nhà khởi nghiệp này đã tạo ra. Không giống những nơi làm việc thông thường, những công ty này không phải là nơi tách biệt những người có quyền ra quyết định với thực tiễn. Đây cũng không phải là những công ty mà người đứng đầu được vây quanh bởi những kẻ xu nịnh. Đây càng không phải là kiểu công ty không có mục đích hoạt động rõ ràng mà vẫn có thể vượt chỉ tiêu doanh thu. Ngoài các sản phẩm/dịch vụ mà họ mang đến cho thị trường, những doanh nhân này còn nổi tiếng với việc tạo ra môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.

Một số người đa nghi sẽ cho rằng tôi đang hơi tôn thờ họ thái quá. Chẳng sao cả. Trong cuộc sống, tôi luôn bị thu hút bởi những người tạo ra những tổ chức và những sản phẩm tuyệt vời. Trong suốt sự nghiệp làm báo, viết văn và biên tập của mình, tôi có may mắn được phỏng vấn hàng nghìn người, trong đó có những nhà khởi nghiệp và những nhà điều hành nổi tiếng nhất thời đại của chúng ta. Tôi cũng rất may mắn được đích thân Steve Jobs giới thiệu phiên bản điện thoại iPhone đầu tiên trước khi nó ra mắt công chúng vài tuần. Tôi cũng lấy làm hãnh diện khi được Jack Welch, CEO của General Electric và là một nhà phát triển nội bộ[2], mời chấp bút cho cuốn hồi ký của ông. Lần hợp tác này đã tiêu tốn hơn một nghìn giờ làm việc của tôi. Giờ đây tôi vô cùng biết ơn các doanh nhân này vì đã cho tôi có dịp tiếp cận với trí tuệ siêu việt cũng như những chuyến phiêu lưu vĩ đại nhất của họ.

Tôi mong cuốn sách này sẽ vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa. Thật không dễ dàng để sắp xếp một cuộc phỏng vấn bởi hầu hết những doanh nhân được đề cập trong cuốn sách này đều là những người cực kỳ bận rộn, lịch làm việc dày đặc. Có không ít trường hợp tôi còn phải đặt lịch hẹn trước cả năm. Thế nhưng, rất nhiều doanh nhân đã sắp xếp thời gian để tôi có thể trò chuyện cùng họ. Dù là một cuộc phỏng vấn riêng hay một quá trình tìm tòi mọi tư liệu hoặc phát ngôn của họ, mục tiêu của tôi vẫn là truyền tải các trải nghiệm và sự thông tuệ của họ vào những trang giấy này để mọi người được truyền cảm hứng, được động viên, được học hỏi và đạt được thành công.

***

Trong gần một phần tư thế kỷ qua, những doanh nhân xuất sắc nhất thế giới đã được tôn vinh hệt như những diễn viên và đạo diễn giành được Giải thưởng Viện Hàn lâm[3]. Họ cũng xuất hiện trong một buổi lễ tràn ngập ánh sáng lấp lánh của đèn chiếu như lễ trao giải Oscar. Trong buổi lễ đó, tên của những doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc nhất được xướng lên trên một sân khấu sáng rực. Và những người đó kiêu hãnh bước trên thảm đỏ trong tiếng vỗ tay tán thưởng của những doanh nhân khác cùng tham dự.

Rất nhiều ngôi sao của chương trình Doanh nhân khởi nghiệp của năm – một chương trình thường niên do Công ty Ernst & Young (E&Y) tổ chức – nằm trong số những nhân vật chính của cuốn sách này, như Jeff Bezos của Amazon.com, Herb Kohler của Kohler.Co, cùng Bernie Marcus và Arthur Blank của Home Depot. Còn rất nhiều nhân vật khác tuy ít nổi tiếng hơn nhưng cũng rất thành công và xứng đáng được ghi nhận.

Đó chính là lý do vì sao E&Y đã bắt đầu tôn vinh những doanh nhân xuất sắc nhất 25 năm trước, trong một sự kiện tổ chức tại thành phố Milwaukee (bang Wisconsin). Các đối tác của E&Y là những người đầu tiên nhận ra những công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với cộng đồng chính là các công ty được sáng lập bởi các doanh nhân kiệt xuất. Jim Turley, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành toàn cầu của E&Y đã nhận xét: “Không một tờ báo nào vinh danh những đóng góp của họ. Chúng tôi muốn ghi nhận và tán thưởng họ. Chúng tôi muốn làm điều đó. Việc tôn vinh những con người kiệt xuất mang lại giá trị cho thương hiệu của chúng tôi và giúp chúng tôi có vị trí ở một lĩnh vực được coi là trọng yếu trong tương lai.”

Với quy mô ngày càng được mở rộng và vươn đến mọi ngóc ngách trên thế giới, chương trình này thực sự trở thành một giải thưởng tầm cỡ quốc tế. Argentina, Mexico và Jordan là những quốc gia mới nhất trong số 55 quốc gia mà E&Y lựa chọn để tìm kiếm những doanh nhân xuất sắc nhất hằng năm.

Những doanh nhân sáng tạo xứng đáng được trọng thị như những người hùng kinh tế. Một sự thật rõ ràng là tất cả công ăn việc làm mới được tạo ra tại Mỹ từ cuối những năm 1970, xuyên suốt thời kỳ Khủng hoảng kinh tế 2009 cho đến bây giờ – khoảng 40 triệu việc làm – đều đến từ các công ty mới, non trẻ và có lịch sử hoạt động chưa đến 5 năm. E&Y đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của những công ty này.

E&Y đã đặt cược rất sớm vào Thung lũng Silicon[4], trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo của thế giới. Turley giải thích cho quyết định này: “Hãy nhớ lại những làn sóng sáng tạo đầu tiên. Rất nhiều công ty khởi nghiệp là khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi đã đầu tư thời gian và những nhân sự tài năng nhất vào những công ty này từ nhiều năm trước. Bất chấp những làn sóng thay đổi liên tục diễn ra ở Thung lũng Silicon, chúng tôi vẫn đồng hành với những công ty được sáng lập bởi những cá nhân đam mê và sáng tạo phi thường.”

Turley công nhận rằng khởi nghiệp đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. “Khi thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản ngày càng được hiện thực hóa, đây là lúc tinh thần làm chủ doanh nghiệp được giải phóng. Khi nói chuyện với những chủ doanh nghiệp trong các thị trường này, chúng tôi nhận thấy cách nghĩ của họ có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Họ không nghĩ cho bản thân khi làm chủ doanh nghiệp. Họ bắt đầu bằng việc suy nghĩ về thế giới bên ngoài. Tất cả chủ doanh nghiệp thành công đều nhận ra các nhu cầu có thực ngoài kia. Họ không nghĩ cách để làm giàu. Tầm nhìn của họ là phát triển sản phẩm và dịch vụ hay những ý tưởng nhằm đáp ứng các nhu cầu mà họ nhìn ra. Họ có sự dũng cảm phi thường, dám chấp nhận rủi ro để theo đuổi giấc mơ và có sự can trường để hiện thực hóa những giấc mơ đó.”

Dan Lufkin, nhà đồng sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette – doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư ở Phố Wall những năm 1960, đã đưa ra một định nghĩa dễ hiểu và cô đọng về khái niệm doanh chủ: “Doanh chủ là một từ ngữ cao quý dành cho những người làm việc chăm chỉ. Theo tôi, một doanh chủ cần phải hội tụ hai yếu tố. Một là sự tự tin và hai là nguồn năng lượng dồi dào.”

Cũng cần lưu ý rằng, không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải có một ý tưởng lớn. Nếu bạn cực kỳ tự tin, chăm chỉ và có đủ năng lượng để biến đam mê và sự quyết tâm cao độ trở thành một thứ hữu hình, bạn sẽ có khả năng thành công. Có muôn vàn kiểu động lực khác nhau. Bernie Marcus và Arthur Blank sáng lập Home Depot đơn giản vì họ quá tuyệt vọng. Cả hai đều bị sa thải ở công ty cũ và không có nơi nào để đi. Sự xấu hổ của Reed Hasting khi phải nộp phạt 40 đô-la vì mượn quá hạn một cuốn băng video đã giúp ông có động lực để sáng lập Netflix. Với mong muốn cung cấp thực phẩm tự nhiên và an toàn cho khách hàng, John Mackey và bạn gái đã mở một cửa hàng bán nông sản ngay tại ngôi nhà được xây theo phong cách Victoria ở Austin, Texas. Howard Schultz muốn tạo ra một không gian thoải mái và thân thiện để mọi người có thể đến nhâm nhi một ly cà phê ngon thay vì uống ở nhà hay ở nơi làm việc.

Điểm xuất phát trên con đường khởi nghiệp của các doanh chủ này không giống nhau. Tuy nhiên, nếu xét về quan điểm và khả năng đóng góp của họ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy một số điểm tương đồng. Một nghiên cứu của E&Y đã chỉ ra những điều được cho là cốt lõi của tinh thần khởi nghiệp – bộ mã gene chung của những người làm việc để thể hiện bản thân và hoài bão của mình.

Có ba phẩm chất cốt lõi mà doanh chủ nào cũng có:

Tinh thần lạc quan

Khi người khác nhìn thấy trở ngại và hỗn loạn thì doanh chủ lại nhìn thấy cơ hội. Có thể đó là kiểu suy nghĩ đơn giản, thậm chí lãng mạn của những kẻ khởi nghiệp. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp vĩ đại đã được tạo ra bởi những người có khả năng nhìn ra cơ hội trong một thị trường đông đúc và hỗn loạn. Việc tổ chức một khối lượng thông tin lớn của thế giới là một thử thách trí tuệ lớn lao, đồng thời là cơ hội kỳ diệu dành cho Larry Page và Sergey Brin (hai nhà đồng sáng lập Google). Mặc dù vào thời điểm đó, họ không hình dung ra bằng cách nào một công cụ tìm kiếm lại có thể đẻ ra tiền. Tốc độ phát triển thần kỳ của Internet đã khiến Jeff Bezos từ bỏ công việc ở New York, chuyển tới vùng ngoại ô của Seattle và xây dựng Amazon.com trong một ga-ra để xe. Sau đó, ông lập tức nắm lấy cơ hội sử dụng công nghệ Internet để cung cấp cho khách hàng hàng loạt lựa chọn đa dạng cho mỗi sản phẩm với mức giá rẻ nhất có thể.

Chấp nhận rủi ro và khả năng thất bại.

Các doanh chủ sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn hầu hết các kiểu doanh nhân khác, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ là những kẻ liều lĩnh hay ngô nghê không nhìn ra khả năng thất bại. Trong hầu hết các trường hợp, doanh chủ đều tính toán rất kỹ các rủi ro. Họ rất thận trọng và luôn đảm bảo rằng bản thân đã đánh giá cả cơ hội và các rủi ro mà doanh nghiệp của mình sẽ phải đối mặt một cách cẩn thận.

Reed Hastings, người đồng sáng lập Netflix, là một ví dụ như vậy. Một mặt, Reed Hastings nhận thấy Internet có khả năng thay đổi tất cả và có đủ sức để thách thức người khổng lồ Blockbuster trong thị trường cho thuê băng, đĩa thu hình. Mặt khác, Hastings cũng hiểu rằng mô hình mà ông đang ấp ủ sẽ nhanh chóng bị hạ bệ bởi một công nghệ đột phá khác – đó là sự phổ biến của kết nối băng thông rộng. Vì vậy, ngay từ ngày đầu tiên, khi Hastings mới chỉ bắt đầu mô hình kinh doanh bán đĩa DVD qua đường bưu điện, ông đã suy nghĩ và đầu tư vào công nghệ để truyền tải các đoạn phim qua mạng. Đó là lý do vì sao ông đặt tên công ty của mình là Netflix chứ không phải là DVD-by-mail. Điều này cho thấy ông đã đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro mà công ty sẽ phải đối mặt từ rất sớm, trước khi người khác nhận ra chúng.

Các doanh chủ luôn sẵn sàng đón nhận mọi rủi ro đi kèm với việc sáng tạo ra những thứ mới mẻ và họ cũng chấp nhận cả khả năng chính họ đã sai, có khi là những sai sót “chết người”. Vì vậy, họ sẵn sàng giảm chi phí đầu tư vào các quyết định ở một mức độ nhất định để tránh tình trạng đầu tư quá lớn đến mức chính họ không còn cơ hội sửa chữa hoặc đảo ngược tình thế.

Herb Kelleher, nhà sáng lập Hãng Hàng không Tây Nam (Southwest Airlines), lưu ý rằng bạn không bao giờ có được sự hiểu biết tuyệt đối để đưa ra một quyết định. Ông chia sẻ: “Khi tôi đưa ra một nhận định, bản thân tôi đã chấp nhận rủi ro rồi. Nhưng bạn phải sẵn sàng để đón nhận những rủi ro này. Bạn phải có sự chuẩn bị khi đưa ra các nhận định. Phải chuẩn bị để sẵn sàng tiến lên. Phải chuẩn bị để có thể nhanh chóng sửa những lỗi sai mình mắc phải; cần tránh những sai lầm vì tính tự mãn kiểu: ‘Chúa ơi, tôi không thể làm gì thêm được nữa, vì làm thế có nghĩa là tôi thừa nhận mình đã sai lầm trước đó rồi.’”

Tất nhiên, sai lầm sẽ dẫn đến thất bại, thậm chí là những thất bại nghiêm trọng có thể làm một doanh nghiệp non trẻ sụp đổ. Nhưng một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa tinh thần doanh chủ Mỹ và tinh thần doanh chủ ở hầu hết nơi khác trên thế giới là sự cởi mở với thất bại. Trong thế giới của những nhà tư bản đầu tư mạo hiểm, thất bại còn được xem là tấm huy chương danh dự. Bài học từ những thất bại của buổi đầu khởi nghiệp là những kinh nghiệm quan trọng cho thành công trong tương lai. Và các doanh chủ cũng quan niệm như thế.

Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos từng nói: “Điều nguy hiểm là bạn không chịu phát triển, không cải tiến, không sáng tạo, không mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Nếu bạn sáng tạo trong những lĩnh vực mới, bạn phải chuẩn bị tinh thần cho các thất bại liên tiếp. Thất bại là một phần của sáng tạo và phát minh. Nếu bạn biết chắc ý tưởng của bạn khả thi thì nó không còn là một thử nghiệm nữa. Amazon.com ban đầu cũng chỉ là một thử nghiệm lớn mà thôi.”

Sự độc lập và tự chủ.

Hầu hết mọi người đều muốn có sự độc lập và tự chủ trong cuộc đời mình. Nhưng với các doanh chủ, độc lập và tự chủ không chỉ là ham muốn mà còn là một nhu cầu. Những người sáng lập doanh nghiệp có động lực và lòng can đảm để hành động dựa trên nhu cầu này theo những cách mà người khác không bao giờ làm. Hơn thế nữa, họ luôn hành động với lòng kiên định và sự hối hả trong một thời gian dài.

Chúng ta cần hiểu chính xác về điều này: Nhu cầu tự chủ là yếu tố nền tảng đối với các doanh chủ, dù họ có ý thức được điều này hay không và để tự chủ theo cách hiểu của họ đòi hỏi sự tập trung nội tâm. Manfred Kets de Vries, giáo sư giảng dạy về khởi nghiệp tại Trường Kinh doanh INSEAD nhận xét: Các cá nhân với sự tập trung kiểm soát ngoại vi luôn tin rằng các sự kiện xảy ra là hệ quả của một tình huống nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ. Ngược lại, những người mà ông cho rằng có “sự tập trung kiểm soát nội vi” khẳng định những sự kiện xảy ra trong cuộc đời họ bắt nguồn từ chính các hành động và hành vi của bản thân. Giáo sư De Vries kết luận các doanh chủ thường có sự tập trung kiểm soát nội vi rất mạnh.

Khái niệm này được củng cố bởi một nghiên cứu của E&Y. E&Y phát hiện rằng sự tập trung kiểm soát nội vi có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở các nền kinh tế thị trường tôn vinh những người kinh doanh thành công, ví dụ như Mỹ. Những nền văn hóa chú trọng vào thành tựu cá nhân, như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc, cũng có xu hướng đầu tư mạo hiểm nhiều hơn bởi các nhà lãnh đạo có sự tập trung kiểm soát nội vi.

Những doanh chủ mang đến ba phẩm chất quan trọng là động lực, sức bền và sự kiên định. Họ sống với những điều họ tin tưởng, tạo dựng thành công dựa trên hệ thống giá trị và văn hóa mạnh mẽ. Họ tìm kiếm các thị trường ngách[5] và các lỗ hỗng thị trường. Họ là kiến trúc sư của một tầm nhìn duy nhất khiến họ đam mê và theo đuổi. Họ không phải là những người chạy theo số đông, nhưng cũng là những thành viên nhóm tích cực. Họ có tham vọng tạo dựng mạng lưới, xây dựng một hệ thống tài chính, nhân sự và đội ngũ kỹ thuật thân thiện.

Một đặc điểm chung nhưng ít khi được chú ý tới ở những doanh chủ thành công nhất chính là các bi kịch cá nhân. Carlos Nuzman, nguyên là cầu thủ bóng chuyền đội tuyển Olympic, người đã đưa Thế vận hội Olympic về với quê hương Brazil từng mồ côi mẹ khi mới lên mười. Oprah Winfrey bị lạm dụng tình dục từ năm 9 đến 13 tuổi. Cha của Ted Turner đã dùng súng tự kết liễu cuộc đời mình trong phòng tắm năm Turner 24 tuổi. Steve Jobs bị cha mẹ đẻ chối bỏ và cho đi từ khi mới ra đời. Arthur Black và Bernie Marcus bị đuổi việc một cách không thương tiếc dù đã có rất nhiều cống hiến cho công ty.

Nhiều người cho rằng việc các doanh chủ theo đuổi các thành tựu trong cuộc đời mình có thể là một cách để chạy trốn những mất mát lớn lao mà họ đang gánh chịu. Phó Chủ tịch toàn cầu phụ trách phát triển thị trường chiến lược của E&Y Maria Pinelli nhận xét: “Họ thường phải đối mặt với nghịch cảnh và đã thể hiện khả năng sinh tồn, phát triển. Họ muốn vượt qua mọi trở ngại. Điều này xuất phát từ niềm tin của chính bản thân họ, nhưng những doanh chủ này đều có điểm chung là từng phải chịu nghịch cảnh. Dường như nỗi đau lớn trong cuộc đời đã giúp họ có được tầm nhìn để vượt qua nỗi đau ấy.”

Cuối cùng, mỗi doanh chủ đều đã phải trải qua hàng loạt giai đoạn trong hoạt động kinh doanh, giống như những gì nhà văn Gail Sheehy[6] đã miêu tả trong cuốn sách Passages (tạm dịch: Hành trình). Họ đối mặt với những thách thức mà bất kỳ tổ chức thành công nào cũng phải trải qua. Trong những ngày đầu tiên, thách thức gặp phải thường là tiếp cận vốn, tìm người hướng dẫn và tạo dựng quan hệ. Trong giai đoạn phát triển, thách thức hàng đầu là cân bằng giữa tinh thần làm chủ với nhu cầu xây dựng quy trình cũng như sự kiểm soát trong tổ chức. Pinelli, người giám sát cuộc thi Doanh chủ của năm do E&Y tổ chức, chia sẻ về điều này: “Đó là một việc thực sự rất khó. Ở giai đoạn phát triển, hầu hết các doanh chủ đều đối mặt với khả năng đánh mất người tài. Đội ngũ tài chính và pháp lý có thể trở thành những người ngăn cản tốc độ phát triển kinh doanh. Đội ngũ kinh doanh và kỹ thuật lại tranh cãi với nhau về những điều khách hàng thực sự muốn. Nếu bạn không có một người lãnh đạo giỏi để quản lý những việc này thì tình trạng mất kiểm soát sẽ nhanh chóng xảy ra.”

Tất cả đặc điểm tính cách và thách thức kể trên sẽ được thể hiện rõ nét hơn qua các buổi trò chuyện với những doanh chủ vĩ đại nhất thế giới. Những người xây dựng doanh nghiệp xuất sắc này sẽ mang đến cho chúng ta một kho báu tri thức: phương pháp để nắm bắt cơ hội, xây dựng các công ty có ý nghĩa quan trọng và tồn tại bền vững, dẫn dắt con người, suy nghĩ sáng tạo và vượt qua các chướng ngại vật. Tất cả doanh chủ tài ba này đều biết cách để giành chiến thắng. Và tất cả họ đều là những người chiến thắng.

Mời các bạn đón đọc Họ Đã Làm Gì Để Thay Đổi Thế Giới của tác giả John A. Byrne.

 

Download ebook

Họ Đã Làm Gì Để Thay Đổi Thế Giới


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Họ Đã Làm Gì Để Thay Đổi Thế Giới Tweet! Câu chuyện của 25 doanh chủ vĩ đại. Ý tưởng của họ độc đáo như thế…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close