Hà Nội Cũ Nằm Đây ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI

Hà Nội Cũ Nằm Đây ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

[toc]


Giới thiệu

Hà Nội Cũ Nằm Đây

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


Với những người không được sống cùng thời với nhà văn, cuốn sách cung cấp những trang tư liệu quý báu; còn với thế hệ gắn bó với Hà Nội thuở ấy, ký ức về mảnh đất này lại sống dậy…

Trong lời giới thiệu, GS Phong Lê viết: “Với bạn đọc trẻ, có thể họ chưa từng nghe tên Ngọc Giao… Còn thế hệ tôi, Ngọc Giao là một cái tên quen, rất quen”.

Tên thật là Nguyễn Huy Giao, sinh năm 1911 tại Huế nhưng hầu hết cuộc đời nhà văn Ngọc Giao gắn với Hà Nội – nơi ông viết văn, làm báo từ những năm 1930. Cuối thế kỷ trước, ông bắt tay viết “Hà Nội cũ nằm đây”. Giá trị của nó được GS Phong Lê khẳng định: “Cho đến tận những tháng cuối đời này, tôi cảm thấy không yên tâm nếu không đưa Ngọc Giao vào lớp người hiểu, yêu và đóng góp đặc sắc cho mảng văn chương về Hà Nội”.

Qua sách, Ngọc Giao dẫn bạn đọc về với Hà Nội cũ, những nhân vật văn chương của một Hà Nội cổ kính, gắn với nhiều kỷ niệm riêng nay đã trở thành tư liệu độc đáo. Đó là một thời làm báo khi Hà Nội mới bắt đầu bung nở phương tiện thông tin với sự đình đám của các tờ “Phong hóa”, “Ngày nay”, “Tiểu thuyết thứ Bảy” (nơi Ngọc Giao vừa làm thư ký tòa soạn vừa là cây bút trụ cột). Ở đó, chủ bút Vũ Đình Long tầm vóc to lớn, da ngăm đen, bước đi lạch bạch quanh bàn giấy đồ sộ, luôn tỏ ra đăm chiêu, tính toán trong ngôi nhà số 93 Hàng Bông. Ông là một trí thức dám bỏ vốn ra kinh doanh chữ nghĩa văn chương, làm giàu. Cái tên Vũ Đình Long không lạ lẫm với nhiều lứa độc giả Việt Nam, nhưng sự nghiệp của ông ra sao, cuộc sống đời thường của ông như thế nào thì có lẽ, chỉ cần đọc “Người phun kiếm” của Ngọc Giao là có thể giải đáp được.

Rồi về những buồn vui của sân khấu Hà Nội, về thú chơi cây cảnh và bóng đá, nghề in ấn ở Hà Nội từ khi sử dụng những máy in cổ lỗ đến khi Nguyễn Văn Vĩnh, Đỗ Văn mở xưởng in lớn. Có cả nỗi man mác, hoài cổ, nhớ nhung một Hà Nội bình dị và lầm lụi trong thân phận một người đưa hàng, đưa cả niềm vui, nỗi buồn, sự chia li, tái hợp đến với từng ngõ ngách Hà thành.

***

Mấy Lời Của Người Làm Tuyển Hà Nội Cũ Nằm Đây

Sau khi cha tôi qua đời, đọc lại những di bút của cha tôi, nhà văn Ngọc Giao, một nỗi ân hận xót xa và xúc động dâng trào trong tôi. Từng dòng chữ cho tôi thấy những mong ước thiết tha đến cháy bỏng của ông là được in lại các tác phẩm của mình, vừa mãnh liệt lại vừa tuyệt vọng. Trong một bức thư dự định gửi gắm việc in tác phẩm cho một người bạn, ông dăn dò: “Thưa bác, trang bìa sau, dưới ảnh in mấy dòng này thì trang bìa đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Tôi rất tiếc. Đêm khó ngủ, mơ thấy sách bán được, và được tái bản, ta sẽ in thêm bài về ông Vũ Đình Long và một số gương mặt nhà văn khác, cuốn sách sẽ đỡ mỏng manh. Nhưng đó chỉ là một điều mơ ước.” Qua bút tích để lại của cha tôi sau năm 1990, có thể thấy sinh thời ông đã có rất nhiều dự định trong sáng tác, có những dự định đã thành tác phẩm, có những dự định còn dang dở.

Tôi đọc và bật khóc. Mãi lo sinh kế cho gia đình, tôi đã để cha tôi cô đơn đến thế. Giữa cái guồng máy xã hội mà ai nấy đều quay cuồng đến chóng mặt cho cuộc mưu sinh và mưu cầu danh – lợi, một ông già ngoài tám mươi bút run, sức yếu làm sao lo nổi cái chuyện in sách và ra sách.

Cha tôi là một con người nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc. Càng già càng hiu hắt, càng tiếc thương từng áng mây chiều, từng đoá hoa sớm héo, từng làn gió nhẹ xuân thu. Từ sau 1954, trải qua biết bao thăng trầm sóng gió, ông đã gác bút triệt để. Ông không còn gì nữa, như ông đã nói trong môt bài ký, “ngoài dăm ba khóm trúc gầy, mươi khóm hoa hèn cỏ dại, mọc lẫn vào thanh thảo. Đôi khi cố công ngồi tỉa xén một hai búi cây hoang dại bờ rào do một ông già nông thôn mang đến nửa bán nửa cho… Âu đó cũng vui tuổi già, sau những ngày dài, chập tối, ngõ vắng lên đèn, một mình, bước thấp bước cao, lê đầu gậy, dạo một quãng cho đỡ đau xương cốt”. Kể từ đó, ông sống những ngày tàn không tác phẩm. Nhưng từ năm 1990 cho đến khi qua đời, 1997 – như chính ông thổ lộ – ông cũng “cố ngồi, cố viết, tay quá run, chữ không thật nét, coi như làm cái việc rửa bút cùn, lau kiếm gỉ, viết với tâm tình băng giá của một ông già. Viết nhiều, viết ít, viết gì đi nữa, chỉ là những dòng chữ biệt li…”. Những bài ký của ông viết rải rác trong giai đoạn này, gần đây tôi đã tuyển lại thành một tác phẩm dưới nhan đề Hà Nội cũ nằm đây – sức bút của ông vẫn dồi dào và trí tuệ vẫn mẫn tiệp. Ông hay suy tư, những người hay suy nghĩ sâu xa thì lại càng hay buồn. Nỗi buồn, nỗi đau lớn nhất của cuộc đời ông, với tư cách một nhà văn, là không được viết và bị quên lãng quá lâu. Nhiều lúc, ông giật mình ngơ ngác vì thấy mình vẫn tồn tại khi các bạn ông như Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Long, Lan Khai, Lê Văn Trương, Tam Lang, Thuỵ Chương, Lê Bái Leiba, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính đã ra đi từ lâu – như ông viết trong bài ký Người phun kiếm: “Các ông bạn cầm bút của tôi, cùng thời với tôi, tất cả đều đã ra khỏi cái quá khứ văn bút đau thương kệch cỡm này”.

Từ năm 1989, tôi đã vào Thư viên Quốc gia (Hà Nội) để sưu tầm các truyện ngắn của cha tôi đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy. Ngay năm đó, Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành tập truỵện của ông, nhan đề Cô gái làng Sơn Hạ, cuốn sách mỏng manh, chỉ ngót 200 trang, in rất xấu, tôi sợ cha tôi buồn, vậy mà ông vui lắm.

Năm 2001, Nhà xuất bản Hội nhà văn lại ấn hành tiếp Ngọc Giao, truyện và ký, do tôi tuyển. Cuốn sách này dày dặn và tuyển chọn có hệ thống. Nhưng ông đã qua đời từ 1997, không được gặp lại đứa con tinh thần của mình.

Cuối năm 2009, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, tử tế của Thư viện Khoa học Tổng hợp (thành phố Hồ Chí Minh) đối với em rể tôi, tôi đã có trong tay 249 truyện ngắn, ký và tản văn của cha tôi viết từ 1934 đến 1949 đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy. Trên cơ sở tư liệu này, tôi đã tiến hành tuyển để cho ra mắt tập ký và tạp văn Quan báo (H., Nxb Hội nhà văn, 2010, 340 tr.) ; và tập truyện ngắn Phấn hương (H., Nxb Văn học, 2010, 390 tr.).

Riêng tập truyện và ký Hà Nội cũ nằm đây, nội dung và bố cục đã được sắp đặt dựa trên ý nguyện trong bức thư kể trên của cha tôi.

Sinh thời, ông còn viết cho các báo Tri tân, Sinh lực, Tao đàn, Phổ thông, Lẽ sống, Lên đường, Công tội. Hiện giờ tôi đang tiến hành sưu tầm những gì ông đã viết cho các báo này, để tập hợp thành một tập truyện ngắn mới. Và khi có đủ điều kiện thuận lợi, tôi sẽ cho tái bản các tác phẩm chính sau đây của cha tôi: Cô gái làng Sơn Hạ (truyện ngắn, tuyển lại, có bổ sung); Nhà quê (tiểu thuyết, 1944); Quán gió (tiểu thuyết, 1949); Cầu sương (tiểu thuyết, 1953); Xóm Rá (tiểu thuyết, 1953)… để rồi tiến tới một Tuyển tập Ngọc Giao.

Và tin rằng ở một nơi xa lắm, ít nhiều Cha tôi cũng thấy được.

Hà Nội, mùa Đông năm 2015

Nguyễn Tuấn Khanh

***

Đời nó thế

Đã lâu lắm, tôi không tiếp được tin tức của anh Thông, một người bạn hiền có đức hạnh mà thầy mẹ tôi vẫn răn tôi nên lấy làm khuôn mẫu. Anh người trong Thanh, hồi ấy ra Hà Nội trọ tại nhà tôi. Chúng tôi cùng học một trường, một lớp, ăn một bàn, ngủ chung một chiếc giường tây.

Chúng tôi ít khi có sự bất bình, tuy chúng tôi vốn chẳng ưa nhau lắm, chỉ đôi lần xảy ra cuộc cãi lý trong vài phút lại hòa ngay. Anh rất đứng đắn, rất lễ phép và điều hơn hết đối với thầy mẹ tôi, anh coi như cha mẹ đẻ. Có lần mẹ tôi bị ốm xoàng, anh tỏ vẻ âu sầu lo lắng, và hi sinh một ngày học để ở nhà sắc thuốc, bóp đầu, nâng giấc mẹ tôi. Rồi nhằm vào lòng mê tín của các cụ anh bàn nên cúng “dâng sao giải hạn” thì bệnh tất lui. Thế là anh khăn áo chỉnh tề, bày vàng hương, thắp đèn, thắp nến, lăng xăng như một anh cung văn vậy. Thầy mẹ tôi cảm động lắm, thế mà trong khi các ngài đang cảm động, đang nức nở khen anh là người tử tế hiếm có thì tôi lại ngồi vắt vẻo ở rạp chiếu bóng vỗ tay cười một vai ngộ nghĩnh khéo khôi hài. Vô phúc cho tôi, cái tin ấy thầy mẹ tôi đều biết. Tôi bị một trận mắng nên thân. Nghĩ anh Thông mách, tôi thù ra mặt. Nhưng chúng tôi vốn có lệ không được giận nhau quá ba giờ.

Thầy tôi cũng thương anh hết sức. Bởi vì anh khéo chiều chuộng, khéo nói, khéo cả chân tay. Buổi sáng, mặc tôi ngủ say, anh dậy sớm nhất, pha trà sen mời thầy tôi uống và đón lúc thầy tôi muốn hút thuốc lào, anh vê thuốc, đánh diêm, vắt chiếc cần trúc vào tận miệng thầy tôi, như thế, một cụ già khó tính đến đâu, cũng phải đem lòng cảm mến.

Cả nhà khen anh có hiếu. Đối với thầy mẹ tôi anh còn tha thiết thế, huống hồ đối với các cụ sinh ra anh thì còn hiếu thảo gấp trăm phần.

Anh lại được cả cái đức tốt là ghét ái tình.

Đừng ném cuốn tiểu thuyết văn chương mơ mộng, đĩ thõa trước mắt anh ấy.

Đừng kể cho anh ấy nghe chuyện những tấm thân trắng như bột bánh trôi của các cô đào chiếu bóng.

Đừng vớ lầm cái cán bút trong sạch của nhà đạo đức ấy mà viết những dòng trai lơ để “thuốc” một ả nào.

Đó là những điều nghiêm cấm mà vẻ mặt lạnh lùng, và đôi mắt sâu sắc của anh Thông đã dọa thầm tôi.

Không bao giờ anh chịu bỏ chiếc khăn xếp với chiếc áo the vá khuỷu. Các bạn ở trường chế giễu, anh chỉ mỉm cười. Anh là một cái “thái cực” ở bên tôi: một thằng chí ngoan, chí hiếu, nhũn nhặn, keo kiệt, khúm núm như lão hủ nho, thế mà ông Trời sao lại bắt chung đụng với một thằng như tôi, ham chơi, nghịch ngợm, hiếu để tâm, lễ độ tùy lúc, lại hay làm đỏm, hay vòi tiền đi xem chiếu bóng. Thành thử, tôi bị thầy mẹ tôi ghét, mà anh càng ngày càng được các cụ yêu, thường xì xào bàn kín rằng sẽ gả anh cho con Mùi, em gái tôi hiện là lưu học sinh năm thứ ba trường nữ sư phạm.

Anh Thông có lẽ thám thính được cái tin mừng đó, lại càng cố mua chuộc lòng tin yêu của các cụ, đến nỗi nịnh hót quá, lễ phép quá, khiến anh có vẻ nô lệ như một con lừa vậy.

Có ai dám ngờ anh có gan khoác tay gái chơi đêm? Thế mà tôi đã gặp anh đi cùng người đẹp, một đêm kia, trên bờ Hoàn Kiếm. Người đẹp ấy… thì ra là cô bán kem, nước đá, mà các bạn trai đều nhẵn mặt và tôi nhớ đích là con yêu tinh ấy đã khiến một người bạn thân thiết của tôi phải sáu tháng kêu trời, sau một đêm để tia nọc độc của nàng tự do chạy thẳng vào mạch máu.

Thấy hiển nhiên con rắn độc ấy sắp quấn chặt vào cổ anh Thông, tôi rùng mình muốn kéo anh ra khỏi hoạn nạn. Nhưng sực nghĩ đến những nỗi căm hờn cũ, những lúc vì tấm gương sáng của anh mà tôi bị đòn, bị mắng thì lòng thương bạn không còn nữa. Tôi đã lánh đường, để mặc anh đi suốt đêm hôm ấy.

Thế rồi, mấy ngày sau, tình cờ tôi lại tóm được tập thư xanh tím của anh, lại tóm được mấy chiếc ảnh chụp các cô đầm hở đùi, hở ngực, mà anh giấu tận lần trong một chiếc gối bông.

Đúng một tuần lễ, kể từ đêm anh phạm tội “ngoại tình”, người anh gầy rộc hẳn đi, mặt xanh như tầu lá, ngày nào cũng lên cơn sốt. Tuy thế, anh không dám đưa con ở giặt quần áo của mình.

Thầy mẹ tôi thương xót, bảo mời ông lang đến xem mạch. Anh van vỉ xin đừng mời đến. Các cụ cứ yên trí là anh chỉ bị cảm xoàng, tự nhiên sẽ khỏi. Sau không đành tâm trông thấy anh gầy yếu quá, mẹ tôi lập đàn cúng, mời ông thầy đến, chiêng trống suốt một đêm.

Mà bệnh vẫn tăng lên dữ dội.

Thầy tôi định viết thư vào Thanh mời ông thân anh ra, song anh nằng nặc xin đừng để ông thân anh biết, vì nếu biết, cụ buồn.

Cả nhà không hiểu căn bệnh của anh. Duy có một mình tôi hiểu. Nhưng tôi không dám nói ra. Thấy nhiều lúc anh nằm đậy chăn thút thít khóc, tôi hối hận về cái tội ác của tôi. Nếu tôi can ngăn anh đừng đi với ả hàng kem thì đâu có bệnh tật này. Có lẽ Trời run rủi cho tôi ác thế để trừng phạt cái thói đạo đức giả của anh chăng!

Hai ba tháng ròng, người anh gầy như một cành cây khô sắp gẫy. Thương hại, tôi mách anh đến một lão lang. Quả nhiên, anh khỏi sau một thời kỳ trị bệnh khá lâu.

Từ đấy, chịu ơn tôi, anh sợ tôi như sợ vía cô hàng kem vậy.

Cách ít độ, đến kỳ thi, anh trượt; còn tôi không ngờ, lại đỗ! Cùng vụ thi ấy, con em gái tôi cũng đỗ. Anh Thông xấu hổ, không chờ thầy me tôi nhắc đến việc nhân duyên tốt đẹp của anh với em Mùi, anh đã lẳng lặng xếp áo quần, sách vở vào va li, từ biệt chúng tôi về Thanh để hầu hạ ông thân sinh, bù lại những tháng ngày xa xôi, không thể quì dưới gối phụng thờ.

Bảy năm cách biệt, bây giờ tôi mới được thư anh gửi ra mời tôi vào chơi.

Tôi vui vẻ nhận lời.

Xe vừa đỗ ngoài cửa, anh đã chạy ra niềm nở đón. Tôi la lên mừng rỡ, và rung hai cái vai đầy thịt, vỗ cái bụng bành trướng của anh mà cười. Anh béo như con lợn quay, mình mặc bộ tây vải vàng, chân đi “ghệt” tựa như một ông Tây chủ đồn điền, hay một người săn bắn, – thiếu chút nữa tôi không thể nhận ra ông đồ lễ phép, khúm núm, gầy oặt, đã trọ ở nhà tôi năm nọ.

– Anh khá lắm hể?

Thông híp mắt, bạnh má ra cười, giơ tay giới thiệu tòa nhà tây, chiếc xe ô tô mới và khu vườn đầy hoa thơm, cỏ lạ, đoạn thân ái xóc cánh tay tôi lôi sềnh sệch vào nhà.

– Joseph! Jean! Ra chào bác Kim, bạn của ba đi, các con!

Tức thì, hai thằng bé, một thằng mặt vàng ệch, ngớ ngẩn như thằng khách con, mặc bộ áo quần lính thủy, một thằng đen trũi, tóc quăn, mặc quần đùi vải đỏ, sơ mi cụt tay bám đầy đất cát, dắt nhau vào, bắt tay tôi rối rít.

Sau cuộc giới thiệu tên tuổi các quí tử, anh mời tôi dùng “áp-pê-rô”1. Tôi hỏi thăm vợ anh. Anh bảo:

– Nhà tôi đang giở cuộc “xì” ở bên vợ chồng chú Sênh, lát nữa sẽ về. Ồ, “en” nói chuyện có duyên, buồn cười ra phết, tôi đố anh nhịn được mới tài.

Tôi lại hỏi thăm ông thân anh ngồi đâu để tôi chào. Thì anh chặc lưỡi, lôi tôi ra vườn thăm hoa, rồi kéo tôi vào nhà, kể huyên thuyên rằng anh mới tậu thêm được hai cái nhà tây nữa, vị chi là sáu cái. Mai kia anh sẽ bán cái đồn điền đáng giá chín ngàn của anh cho một người Pháp, vì anh chán đồn điền lắm.

– Mùi phú quý, anh ạ, nếm mãi cũng không còn thấy thú. Bây giờ tôi chỉ thèm sự an nhàn. Thỉnh thoảng sai đánh xe đưa vợ con đi chơi các nơi xa lạ. Mình thì bàn đèn sẵn đấy, gái đẹp chỉ vẫy một cái là bay đến như bươm bướm. Hôm nào trời êm ả, lại vác súng đi bắn mấy con mòng, con két về nhắm rượu…

Tôi đang thầm ca tụng hạnh phúc của người bạn sung sướng thì tên bồi gõ cửa vào mời chúng tôi sang phòng ăn.

Chúng tôi kéo ghế ngồi. Hai thằng con ở ngoài vườn, xô nhau chạy vào nhảy lên bàn, lên ghế, chấm những ngón tay đầy đất cát vào các đĩa ăn. Thông mắng yêu các con rồi nhìn tôi cười sằng sặc:

– Bác xá cho các cháu. Chúng nó nghịch ngợm, tự nhiên chẳng khác con tây. Ấy thế cũng hay! Chả lẽ bắt chúng nó đần độn, hiền lành, nhút nhát, như các trẻ An nam thì hỏng hết.

Tôi chưa kịp khen các ông quí tử và chưa kịp trả lời câu nói có nghĩa lý, lạ lùng, trái ngược của ông đồ nhu nhược, hủ lậu ấy thì có tiếng chửi đầy tớ, mắng con chó săn, rủa chú Sênh ăn non… nhiếc anh lính Tây chạy làng, vang động cả gian phòng khách. Giữa lúc tôi ngơ ngác, gót giầy mang cá đã cồm cộp gõ trên nền gạch hoa, rồi một người đàn bà mặt còn đầy nộ khí bước vào.

Thông vội đẩy ghế nhỏm mình, giới thiệu tôi với người đàn bà ghê gớm đó.

– A! Vợ hiền anh!

“Nàng” dịu nét mặt, nhe bộ răng trắng, cúi đầu đáp lễ, đoạn ngồi xuống ghế, rót thêm rượu, vồn vã mời nâng cốc. Ba chúng tôi chạm cốc, hai thằng con cũng bắt chước làm theo.

Vẫn không quên ông thân anh, nên tôi nhắc anh mời cụ ra dùng cơm tiện thể cho vui.

Vợ anh vội đáp:

– Cụ tôi đã ăn từ sớm. Bác… mặc cụ tôi.

Thông nói tiếp:

– Anh cứ xơi rượu đi, ông cụ càng già càng khó tính, ăn vặt luôn, không có giờ nào cả.

Tôi không hiểu câu nói nghĩa lý của nhà đạo đức. Mà vợ chồng anh cũng không cần cho tôi hiểu, cứ nhồm nhoàm, nhai, uống, nuốt, rồi lại gắp, cười, đùa, sung sướng như cặp vợ chồng mới cưới. Chợt có tiếng ho khù khụ, tiếng ho của một người ốm yếu hình như không còn sức mà ho nữa, – rồi một ông già gầy tựa bộ xương hom của anh thợ mã, mặc chiếc áo đũi nâu vá đụp, một tay chống gậy, một tay chống đầu gối, cố bước lên thềm.

Không cần giới thiệu, tôi cũng có thể biết ông già ấy là ông thân anh, là một người tốt phúc đã được anh – trước mặt thầy me tôi, – hằng nhắc nhủ, thở than, ân hận rằng không được quì dưới gối phụng thờ, chỉ vì đi “du học”!

Tôi đã biết vợ hiền anh.

Tôi đã biết thân phụ anh.

Và tôi đã hiểu anh.

Tôi đứng dạy chào. Ông cụ gật đầu, thở hổn hển, rồi men vào kéo một chiếc ghế ngồi, nhìn lấm lét các món xào thơm ngạt mũi, như thèm thuồng lắm.

Hai thằng nhãi tru tréo lên, tựa như thấy một lão ăn mày hóa hủi.

– Ghế này của Jean. “A-lê”, sang kia ngồi với thằng Jacques.

– Bẩn lắm, ngồi cạnh lây cả rận chấy sang quần áo mới của người ta, “San bu-ru”2!

Chúng nó lùi, chúng nó nhổ, chúng nó tránh xa, mà khốn nạn, ông già có hiểu gì đâu!

– Kìa, anh cạn cốc đi, ông cụ tôi câm đấy.

– Lại điếc mới khổ người ta chớ!

Rồi bộ môi son toét nở:

– Thật là của nợ!

Tôi không thể trả lời. Lòng tôi đau như bị một vết thương. Ông cụ run tay cầm đũa, nhìn cái bát rỗng mà người con dâu quí còn đang bận gậm chiếc đùi gà quay, chưa muốn xới cho lão một thìa cơm.

– Anh Kim, cạn cốc đi!

– Bác xơi tự nhiên cho. Chém cha cái thằng bếp nhé! Nó làm món xào mặn quá… Lương những sáu đồng một tháng mà chẳng làm trò gì nên thân cả. À, kìa bác Kim, sao ăn yếu thế?

Mấy đầu ngón tay móng đỏ, trắng mịn như thoa phấn, cầm thìa tiếp thức ăn vào bát tôi. Tôi ngượng ngùng nhìn bát ông già chỉ dính vài hột cơm mà chẳng có một miếng thịt, một lá rau. Tôi nhìn cặp mắt cụ, cặp mắt hiền từ mấy mươi năm nay vẫn âu yếm nhìn các con thân mến, lúc ấy đỏ ngầu như có mấy giọt lệ ngập ngừng không dám trào ra trước vẻ mặt tàn ác của con.

– Mời anh!

– Mời bác! Chỗ tình thân, xin đừng làm khách.

– Anh lưu ở chơi đây vài ngày. Tối ta đi hát, mai ta đi săn. Ở đây nhiều cảnh thú lắm.

– Lát nữa, em sai mời vợ chồng anh ký bên cạnh chú thím Sênh đầu phố, và người bạn Tây ở trong trại đến chơi “xì” tiêu khiển.

Ăn xong, vợ chồng Thông cùng tôi đi bách bộ trong vườn. Anh trỏ cho tôi trông cái chuồng con bằng gỗ sơn xanh, treo trên cành cây bưởi lớn, lá rủ xuống lòa xòa:

– Anh coi, đây là “tòa biệt thự” của đàn chim bồ câu giống. Tháng trước thả bay thi đã giật giải nhất đấy. Có người khách giả tôi chín mươi đồng cả đàn, mà tôi không bán, đủ biết giá trị đến đâu!

Rồi vợ anh vỗ vai tôi, nheo mắt, nháy:

– Đây là con đực, kia là con cái. Cặp vợ chồng ấy đẻ mắn lắm. Mà lại mớm mồi khéo nữa. Bầy chim con chóng lớn lạ.

Vợ chồng anh khoan khoái cười ầm ĩ trong khi ngắm con chim đực đang tha rác bay lên kết ổ, và con chim cái lục sục mớm thóc cho đàn chim non kêu ríu rít.

Tôi ngoảnh nhìn ông cụ già, thân sinh anh, đang ngồi lẻ loi, ủ rũ dưới bậc thềm, vạch áo ra tìm rận bỏ lên mồm cắn.

Đã hiểu rõ người bạn xưa kia làm khuôn mẫu cho tôi về khoa luân lý; đã ghê tởm cái cảnh giầu sang sung sướng của người bạn thâm giao, – tôi ngay chiều hôm ấy, vội cắp mũ ra ga, dẫu rằng vợ chồng anh giận dỗi vì không giữ được tôi ở lại chơi để cùng anh nếm mùi phong lưu, phú quí trong cái cảnh gia đình êm ấm: tiền sẵn, vợ đẹp, con ngoan, và mai kia anh sẽ đặt tiệc mừng thượng thọ cho ông cụ thân sinh tốt số đã được vợ chồng anh đêm ngày nâng giấc phụng thờ, và trước khi bị điếc, bị câm, đã để lại cho vợ chồng anh cái gia tài khá lớn.

Tiểu thuyết thứ Bảy, 1942


1 Rượu khai vị.

2 Con cú rù bẩn.

Mời các bạn đón đọc Hà Nội Cũ Nằm Đây của tác giả Ngọc Giao.

Download

Hà Nội Cũ Nằm Đây

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

FULL: AZW3 EPUB MOBI PDF [toc] Giới thiệu Hà Nội Cũ Nằm Đây ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI Tweet! Với những người không được sống cùng thời với nhà văn, cuốn sách cung…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close