Gián Điệp Mạng – Cuộc Rượt Đuổi Ngoạn Mục Trong Mê Lộ Máy Tính – Clifford Stoll – Ebook

Gián Điệp Mạng – Cuộc Rượt Đuổi Ngoạn Mục Trong Mê Lộ Máy Tính – Clifford Stoll – Ebook

 

Khi nhận bản thảo cuốn sách Gián điệp mạng: Cuộc rượt đuổi ngoạn mục trong mê lộ máy tính do Alpha Books gửi và mời viết lời giới thiệu, ban đầu tôi cũng hơi e ngại vì cuốn sách dày như một tiểu thuyết. Tuy nhiên, ngay khi cầm cuốn sách lên, tôi liền bị cuốn vào những con chữ của Cliff Stoll, và đắm mình vào cuộc rượt đuổi của ông cho đến dòng cuối cùng.
Vốn là một nhà thiên văn học chuyển tay ngang sang làm nhà quản lý hệ thống mạng máy tính cho Phòng Thí nghiệm Berkeley ở California, chuyến phiêu lưu có một không hai của Stoll bắt đầu từ một lỗi chênh lệch nhỏ – 75 xu – trong hồ sơ kế toán hằng tháng. Từ sai sót mà bất kỳ ai cũng có thể bỏ qua đó, nhưng với tâm thế tìm cầu sự thật của một nhà khoa học, Stoll – bất chấp kiến thức hạn chế của mình về mạng máy tính, bất chấp nguồn lực hỗ trợ eo hẹp, cả về sự ủng hộ của lãnh đạo, nguồn lực tài chính, cũng như sự giúp sức từ bên ngoài – đã một mình một ngựa lên đường để truy bắt kẻ đã xâm phạm vào hệ thống mạng mà mình quản lý, không biết rằng chuyến phiêu lưu đó kéo dài tới hơn 1 năm, liên quan tới một loạt tổ chức quân sự và tình báo cộm cán của Mỹ như FBI và CIA, và đưa ông xuyên khắp nước Mỹ sang tận nước ngoài.
Đọc cuốn sách, chúng ta không khỏi hồi hộp – và có lúc phì cười trước sự nghiệp dư của một gã săn hacker tay mơ, sợ điệp viên như sợ cọp – như khi ngồi xem những bộ phim trinh thám của Hollywood. Thực ra, câu chuyện của ông đã lập tức trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều series truyền hình, không chỉ thời bấy giờ (thập niên 1980) mà trong các bộ phim về công nghệ sau này của Mỹ, chúng ta vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh những chi tiết trong câu chuyện tưởng chừng như phi thực này.
Bối cảnh cuộc truy lùng diễn ra trước khi mạng Internet được phổ biến, chủ yếu vẫn là các mạng cục bộ và có kết nối với bên ngoài qua mạng điện thoại công cộng. Cuốn sách cũng cho ta thấy một cái nhìn về mạng Internet thủa ban đầu, các kết nối giữa các máy tính trong mạng, và giữa các mạng với nhau, các hệ điều hành Unix, các thiết bị terminal (thiết bị đầu cuối), các ứng dụng thư điện tử còn thô sơ, các hệ soạn thảo, đều là dạng “màn hình đen”, được sử dụng trước khi có những hệ điều hành có giao diện sử dụng đồ họa. Đây là một cuốn sách đáng đọc về lịch sử của Internet.
Nhân nói về điểm sơ khai của Internet, câu chuyện có những điểm rất giống với một nơi ở Việt Nam – Viện Công nghệ Thông tin. Cách đây 25 năm, vào những năm đầu thập niên 1990, trong khuôn viên của Viện ở vùng ngoại ô Hà Nội, cũng có những máy móc, hệ thống tương tự như Phòng Thí nghiệm Berkeley, tất nhiên là với quy mô nhỏ hơn nhiều, nhưng cũng là tài sản lớn và quý giá cho tập thể các nhà nghiên cứu công nghệ của Viện Công nghệ Thông tin.
Khi tôi cùng một tá sinh viên năm 4 của Khoa điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội và bắt đầu hành trình tốt nghiệp của mình tại Phòng Hệ thống Mạng máy tính và mạng NetNam của Viện Công nghệ Thông tin, chúng tôi cũng bắt đầu với những thiết bị đầu cuối chạy hệ điều hành SCO Unix. Một tập tài liệu in trên giấy thô, một màn hình đi kèm bàn phím của thiết bị đầu cuối, những sinh viên chúng tôi bắt đầu biết đến thế giới của các lệnh Unix, giao thức mạng rất mới lúc đó TCP/IP, và bắt đầu tìm hiểu về các “mạng diện rộng”, cùng Internet (mạng của các mạng), đang vượt ra khỏi khuôn khổ của giới hàn lâm.
Trước đó vài năm, Viện trưởng Bạch Hưng Khang và Trưởng phòng Trần Bá Thái đã có những bước thăm dò đầu tiên tại Hoa Kỳ, làm tiền đề cho việc xây dựng mạng VARenet (1993) và mạng NetNam (1994). Nhóm sinh viên chúng tôi, cùng với sự hướng dẫn của các anh mới tốt nghiệp 1-2 năm trước nhưng đã thành các chuyên gia, đã bắt đầu hành trình đi theo sự phát triển của Internet Việt Nam như thế. Đọc cuốn Gián điệp mạng: Cuộc rượt đuổi ngoạn mục trong mê lộ máy tính với hệ thống mạng, máy tính, máy in, dây nhợ loằng ngoằng trong phòng máy chủ, tiếng modem kêu điếc tai, tôi không khỏi nhớ về những ngày thuở ban đầu ấy.
Nhưng câu chuyện mà Stoll kể lại còn thêm nhiều yếu tố ly kỳ hơn, và cho người đọc trải qua hết các giai đoạn, các điểm căn bản nhất của hệ thống mạng ở thời kỳ sơ khai của Internet – nhưng mọi nguyên tắc căn bản đến giờ vẫn hiện diện trên mạng Internet hiện đại. Một khi máy đã nối mạng, chúng ta luôn phải đối mặt với các thách thức, rủi ro, nguy cơ bị mất an toàn mạng, mất dữ liệu, và các nguy cơ khác, dù năng lực kỹ thuật và quản lý của chúng ta có cao tới đâu. Cơ hội to lớn mà mạng Internet mang đến cho nhân loại cũng đi cùng với những nguy cơ về tính riêng tư, về an toàn, bảo mật dữ liệu và thông tin.
Đối với người đọc thông thường, cuốn sách này giống là một tiểu thuyết trinh thám gián điệp, còn đối với những người làm về an toàn bảo mật mạng máy tính thì điều ngạc nhiên là, sách được ra đời cách đây hơn 20 năm mà các vấn đề gặp phải cũng những kiến thức của nó vẫn còn giá trị tới ngày nay – như các vấn đề an toàn bảo mật mạng máy tính và Internet, các lỗ hổng trong phần mềm, vấn đề quản trị mạng và quản lý an toàn mạng như tài khoản, tính riêng tư, đánh cắp thông tin, gián điệp mạng… Cuốn sách thực sự là một gợi ý quý giá cho các bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin, mạng máy tính, viễn thông. Cuốn sách cũng rất hữu ích với những kỹ sư, cấp quản lý và những người yêu thích mạng máy tính, an toàn bảo mật cũng như lịch sử phát triển của mạng Internet và khái niệm “hacker.”
Với góc nhìn của một người gắn bó với sự phát triển của Internet tại Việt Nam từ những năm đầu, một người cũng có thời gian được sống trong thế giới của mạng máy tính, mạng Internet và những vấn đề an toàn-bảo mật, tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một cuốn sách rất hay và đáng đọc này.

 

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

  Khi nhận bản thảo cuốn sách Gián điệp mạng: Cuộc rượt đuổi ngoạn mục trong mê lộ máy tính do Alpha Books gửi và mời viết lời giới thiệu,…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

4 Comments

    1. Đã kiểm tra link tải bình thường, bạn thử lại xem được chưa, không được thì vào liên hệ nhờ trợ giúp