Giải Mã Hành Vi – Bắt Gọn Tâm Lý
Giới thiệu
Giải Mã Hành Vi – Bắt Gọn Tâm Lý
Cuốn sách này là một tài liệu thực hành về tâm lý học hành vi, lý giải trạng thái tâm lý của một người trên góc độ phân tích tâm lý, có thể vận dụng trong nhiều lĩnh vực như quản lý tổ chức, giáo dục đào tạo, giao tiếp xã hội.
Cuốn sách gồm 23 chương, mỗi chương giải thích một nội dung hành vi độc lập, trong đó giới thiệu cụ thể những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để phân tích hành vi của con người. 23 phương pháp nhằm giải mã ánh mắt, biểu cảm, cử động tay, tư thế, trang phục, lời nói, thói quen và sở thích… được đề cập trong cuốn sách đều đi kèm ví dụ thực tế, được trình bày rất đầy đủ và rõ ràng trước mắt người đọc.
***
LỜI NÓI ĐẦU
Vài năm gần đây, bộ phim truyền hình Lie to me của Mỹ rất nổi tiếng và sở hữu một lượng khán giả khổng lồ, được lấy cảm hứng từ những nghiên cứu thực tế của chuyên gia hành vi học Paul Ekman. Nam chính sau một thời gian dài quan sát và rèn luyện đã có khả năng “nhìn thấu lòng người”, không có một lời nói dối nào có thể qua mắt được anh ta. Chỉ mất vài giây quan sát là anh ta có thể đoán ra ngay cảm xúc thật và suy nghĩ giấu kín trong lòng đối phương.
Trên thực tế, từ trước khi nhà tâm lý học người Mỹ John J. Watson sáng lập nên “chủ nghĩa hành vi”, nghiên cứu tâm lý thông qua hành vi đã là một phương pháp được sử dụng phổ biến trong tâm lý học.
“Họa hổ họa bì nan họa cốt, Tri nhân tri diện bất tri tâm.”1 Từ xưa đến nay, lòng người luôn là thứ khó đoán nhất. Không hiếm gặp những tình huống như sau trong cuộc sống: Người bạn chí cốt “đâm” cho bạn một nhát dao khi bạn không đề phòng, còn kẻ thù lại dang tay giúp đỡ khi bạn đang trong cơn nguy khốn. Vậy rốt cuộc phải làm thế nào chúng ta mới hiểu được người khác?
1 Vẽ cọp, vẽ da, khó vẽ xương. Biết người, biết mặt, nhưng không biết lòng.
Chúng ta không thể quan sát, nắm bắt được tâm lý của một người, nhưng những cử chỉ, hành động mà họ thể hiện ra bên ngoài lại rất rõ ràng. Vì tâm lý ảnh hưởng đến hành vi, hành vi phản ánh tâm lý, cho nên chúng ta có thể tìm hiểu tâm lý của một người bằng cách quan sát hành vi của họ. Trong cuộc sống, chúng ta thường đặt câu hỏi: “Anh/cô ta đang nghĩ gì?” “Anh/ cô ta nói thật không?” “Anh/cô ta có thích (ghét) mình không?” Chúng ta rất dễ phiền não vì những câu hỏi như vậy, bởi lẽ chúng ta không tài nào tìm ra đáp án.
Cuốn sách này sẽ dạy cho bạn cách tìm ra câu trả lời, dẫn dắt bạn bước vào hành trình khám phá những bí ẩn của tâm lý học. Có lẽ dùng từ “trao đổi” và “tổng kết” sẽ hợp lý hơn từ “dạy”, vì những người đi trước đã đưa ra nhiều lý thuyết, phân tích sâu sắc ý nghĩa tâm lý thể hiện đằng sau cử chỉ, hành động, dựa vào chính kinh nghiệm sống và quá trình nghiên cứu khoa học của họ. Chúng tôi chỉ sàng lọc những kiến thức đó, loại bỏ các lý thuyết khó thực hành hoặc khó vận dụng trong cuộc sống thực tế, giữ lại những phương pháp có thể giúp người đọc rèn luyện kỹ năng “đọc tâm”. Chúng tôi tin rằng sau khi đọc kỹ cuốn sách này, kết hợp với sự kiên trì luyện tập, bạn sẽ dễ dàng học được “thuật đọc tâm”.
Thuật đọc tâm bao quát nhiều nội dung, chúng ta không thể nắm rõ tất cả hoặc trở thành “bậc thầy đọc tâm” chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng cũng có một số phương pháp đọc tâm rất dễ hiểu và dễ nắm bắt. Cuốn sách này đã tóm lược những phương pháp đọc tâm đó, chia thành 23 nội dung phán đoán tâm lý của con người, bao gồm nét mặt, tư thế, lời nói, nét chữ, thói quen, sở thích, đặc điểm giới tính…
Các bạn có thể đọc riêng từng chương của cuốn sách, để không mất nhiều thời gian và tìm đọc được phần mình quan tâm: nhiều người không có nhiều thời gian đọc sách, trong khi đó các loại sách phổ biến trên thị trường lại quá nghèo nàn về mặt nội dung, hoặc là nội dung đầy đủ nhưng sách dày cộp, quá nhiều chi tiết rườm rà, khiến người đọc gặp khó khăn khi muốn tìm nội dung họ cần.
Tóm lại, cuốn sách này đã đúc rút 23 điểm then chốt, có giá trị nhất từ những nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về thuật đọc tâm. Mỗi điểm then chốt đều chắt lọc những nội dung tinh túy, trình bày một cách sinh động, sâu sắc về thuật đọc tâm bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp thu và tiết kiệm tối đa thời gian của mình.
***
ÁNH MẮT CHỨA ĐỰNG NỘI TÂM
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Muốn hiểu được lòng dạ người khác, trước tiên cần đọc được ánh mắt của họ.
Câu chuyện nhỏ, chủ đề lớn
Cô A đang yêu, cô nghĩ rằng anh B cũng yêu cô, vì trong các cuộc hẹn hò anh ta thường nói những lời ngọt ngào và thề non hẹn biển. Mỗi lần anh B hứa hẹn với cô, anh ta đều nhìn chằm chằm vào cô, ánh mắt toát lên vẻ rạo rực. Cô A nghĩ rằng ánh mắt trìu mến của anh ta khi nói những lời đó mới là biểu cảm chân thành, cho nên cô cảm thấy rất hạnh phúc.
Nhưng, sau khi cô A đưa tiền mua nhà cho anh B, anh ta bỗng biến mất một cách bí ẩn. Hóa ra hắn là kẻ chuyên lừa dối tình cảm của người khác, kết hôn giả để lừa tiền những phụ nữ nhẹ dạ cả tin như cô A.
Cô A không hiểu tại sao anh B có thể nói dối như thật?
Nếu biết cách đọc ánh mắt, chắc chắn cô A sẽ không còn nghĩ rằng biểu cảm của anh B là chân thành.
Những người thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp không còn lạ gì với cách miêu tả “đôi mắt anh ta toát lên vài phần sát khí”, “đôi mắt anh ta lạnh giá như băng, chẳng có chút cảm xúc nào.”
Còn những người thích đọc tiểu thuyết lãng mạn cũng khá quen thuộc với những câu như “ánh mắt cô ấy dịu dàng như làn nước”, “ánh mắt anh ta chứa đầy sự tuyệt vọng và bất lực”.
Xét cho cùng, mắt là bộ phận được cấu thành từ một số protein, sao có thể toát lên “sát khí” hay “dịu dàng”, sao có thể “lạnh giá” hay “ấm áp”? Đây chính là sự kỳ diệu của đôi mắt. Mắt của con người đã vượt xa chức năng “thị giác”, nó đã trở thành một công cụ hỗ trợ cho việc biểu đạt tình cảm, có thể nói nó là phương tiện biểu đạt tình cảm quan trọng nhất ngoài nét mặt và ngôn ngữ cơ thể. Chính vì vậy, chúng tôi đặt nội dung nói về mắt ở ngay chương mở đầu cuốn sách.
Trong Chương 1, chúng ta sẽ tìm hiểu cách phân biệt những trạng thái tình cảm được thể hiện qua ánh mắt. Khi nắm vững ba khía cạnh dưới đây và khéo léo vận dụng chúng, chắc chắn chúng ta sẽ đọc được ánh mắt của người khác.
PHẦN A: NỘI DUNG CỦA ÁNH MẮT
Lương Triều Vỹ là ngôi sao hạng A của Trung Quốc, anh được mệnh danh là “người tình quốc dân”. Tại sao trong số bao nhiêu ngôi sao nam ở Trung Quốc, chỉ có mình Lương Triều Vỹ được gọi là “người tình quốc dân”? Điều này phải nói đến sự quyến rũ của Lương Triều Vỹ.
Mọi cử chỉ, thần thái và biểu cảm của Lương Triều Vỹ đều toát lên sự thu hút kỳ lạ, nhưng điểm đặc biệt nhất là đôi mắt dường như “có điện”. Thậm chí rất nhiều phóng viên còn tiết lộ rằng khi phỏng vấn họ đều không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của anh. Như thế nào mới được coi là đôi mắt như “có điện”? Mắt như “có điện” thể hiện điều gì?
Có người nói, mắt Lương Triều Vỹ như “có điện”, vì nó chứa đựng những cảm xúc ẩn giấu, sâu đậm. Khi anh đưa mắt nhìn, bạn sẽ cảm thấy dường như có hàng ngàn câu chuyện ẩn sau đôi mắt ấy. Ánh mắt Lương Triều Vỹ luôn đượm vẻ u hoài nhưng trong trẻo, bi sầu nhưng kiên nghị, làm mê hoặc đối phương, khiến họ như bị “điện giật”.
Không chỉ các diễn viên từng đóng nhiều vai khác nhau mới có ánh mắt phức tạp, ánh mắt của người bình thường cũng thể hiện những nội dung phức tạp, đôi khi còn vượt ra ngoài trí tưởng tượng của chúng ta.
Con người có bốn loại cảm xúc cơ bản là: vui mừng, ngạc nhiên, buồn bã và sợ hãi. Ánh mắt thể hiện những cảm xúc này đều có một điểm chung là “sáng” lên. Trong khoảnh khắc con người buồn bã hay vui mừng, ngạc nhiên hay sợ hãi, ánh mắt sẽ vụt sáng. Khả năng nhận biết cảm xúc thể hiện qua ánh mắt là bẩm sinh, hầu hết mọi người sẽ có thể ngay lập tức hiểu được hàm ý đối phương thể hiện qua ánh mắt, cho nên ở đây chúng tôi không đi sâu vào điều này.
Ánh mắt của con người thể hiện rất nhiều nội dung phức tạp. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn ngoài những cảm xúc cơ bản đã nói ở trên. Dưới đây là một số phương pháp chính để phân biệt nội dung của ánh mắt, bạn đọc kỹ theo trật tự văn bản sẽ hiểu được ý nghĩa trong ánh mắt của người khác.
• Đôi mắt “có hồn” hay “vô hồn”?
Chúng ta thường nói đôi mắt “long lanh có hồn” để chỉ mắt của một người hơi lồi ra bên ngoài, con mắt như có tia sáng. Ánh mắt này thể hiện một người có trạng thái tinh thần rất tốt và tập trung. Còn đôi mắt vô hồn chỉ ánh mắt phân tán, đờ đẫn, như chưa tỉnh ngủ. Phần lớn các trường hợp mắt vô hồn là do đối phương không hiểu nội dung liên quan đến chủ đề mà bạn đang nói, hoặc có tâm trạng không tốt, nên ánh mắt trở nên hỗn loạn. Người ta thường ví đôi mắt có hồn như vì sao, còn đôi mắt vô hồn như sương mù buổi sáng.
• “Độ sáng” của mắt
Dựa vào cái hồn, tức là độ sáng của mắt, chúng ta có thể đoán được tâm tính con người.
Ánh mắt mập mờ, lúc sáng lúc tối thể hiện tâm trạng bất định của một người, hoặc là họ có tính cách xốc nổi, hoặc là họ định nói dối điều gì đó. Ánh mắt có hồn, nhưng không vụt sáng lên, thể hiện tính cách can đảm, kiên cường và trạng thái tinh thần khá tốt. Ánh mắt sáng rực thể hiện tinh thần vô cùng hưng phấn, hoặc là người đó đang có tin vui, hoặc là bản tính hay cáu gắt, kích động.
• Chuyển động của mắt
Ánh mắt thường xuyên chuyển động. Nếu chúng ta cảm nhận rằng ánh mắt của đối phương vẩn đục, chắc chắn con mắt của họ sẽ không xoay chuyển, giống như ao tù nước đọng. Ánh mắt sáng rực nhưng không hề xoay chuyển, luôn nhìn chằm chằm, sẽ khiến người khác không hài lòng. Điều đáng chú ý là ánh mắt sáng, chuyển động linh hoạt thể hiện một người thông minh lanh lợi, có thể họ đang nghĩ đến chuyện gì đó thú vị. Nhưng nếu ánh mắt đó chuyển động liên tục thì lại thể hiện rằng đối phương đang chần chừ, lưỡng lự, ngoài ra đôi mắt quá “lanh lợi” sẽ trở thành “gian xảo”.
PHẦN B: HƯỚNG NHÌN
Trong bộ phim Lie to me, tiến sĩ Cal Letterman đã nhận một vụ án từ ngài thị trưởng: một nữ giáo viên trung học ở miền tây bắc bị sát hại. Kẻ tình nghi là học sinh của nạn nhân, chưa đến tuổi thành niên, cha mẹ cậu ta lại là những tín đồ sùng đạo Ki-tô, nên phiên xét xử sẽ rất căng thẳng, cần phải đảm bảo không có một chút sai sót nào. Ngài thị trưởng muốn điều tra thận trọng để xác định chắc chắn hành vi phạm tội của kẻ tình nghi.
Tiến sĩ Letterman và cộng sự của ông là tiến sĩ Foster nhanh chóng tiếp xúc với nghi phạm đã có “chứng cứ xác thực” đó. Đầu tiên, tiến sĩ Foster – một chuyên gia tâm lý học, dẫn dắt cậu ta vào chủ đề cuộc trò chuyện. Sau đó, tiến sĩ Letterman sử dụng tư duy nhạy bén của mình để đặt câu hỏi cho kẻ tình nghi.
Tiến sĩ Letterman: “Tôi nghe nói cháu đã được vào đội thi chạy của trường?”
Kẻ tình nghi: “Cháu chưa vào đội, họ không cần cháu.”
Tiến sĩ Letterman: “Thành tích chạy tốt nhất của cháu trong năm nay là lần nào?”
Kẻ tình nghi (di chuyển hướng nhìn): “… Cháu không biết, có lẽ là trong cuộc đua với Jefferson vào tuần trước.”
Tiến sĩ Letterman: “Lúc cháu chạy đua, cơ bắp của cháu thế nào?”
Kẻ tình nghi (di chuyển tầm nhìn): “… Cháu nghĩ… rất tốt…”
Tiến sĩ Letterman: “Còn lúc cháu chạy bộ vào cái đêm bị bắt?” Kẻ tình nghi (nhìn thẳng vào Letterman): “Cháu cảm thấy ổn.”
Kết thúc cuộc trao đổi, khi nhân viên FBI hỏi tiến sĩ Letterman, ông nói: “Khi tôi hỏi cậu ta thành tích chạy tốt nhất của năm nay, cậu ta cắt đứt sự giao tiếp bằng ánh mắt với tôi để tìm câu trả lời chính xác. Nhưng khi tôi hỏi cậu ta về hôm cô giáo bị sát hại, cậu ta không tránh né ánh mắt của tôi, cũng không có biểu hiện hồi tưởng lại, chứng tỏ cậu ta đang nói dối.”
Nhân viên FBI: “Tôi nghĩ khi nói dối người ta sẽ tránh mắt của người đối diện chứ.”
Tiến sĩ Letterman: “Không, trên thực tế, khi mọi người nói dối thường có xu hướng nhìn vào anh, để quan sát xem anh có tin lời nói dối của họ hay không.”
Ở đây, tiến sĩ Letterman đã giúp chúng ta sửa lại một quan niệm sai lầm phổ biến: mọi người thường cho rằng trong một cuộc trò chuyện, nếu đối phương không nhìn thẳng vào mắt mình, liên tục chớp mắt hoặc di chuyển hướng nhìn, thì chứng tỏ người đó đang nói dối.
Quan niệm này là sai. Thực ra, khi nói dối người nói sẽ nhìn chằm chằm vào người nghe, vì họ biết lời họ nói không đáng tin, nên mới nhìn thẳng vào mắt đối phương để thể hiện sự “chân thành”. Do đó, khi có người “đắm đuối” nhìn chúng ta trong lúc nói chuyện, chúng ta cần xem xét cẩn thận độ xác thực trong lời nói của họ.
Đây là một quan niệm sai lầm về ánh mắt. Khi chúng ta không nắm bắt được hướng nhìn, thì sẽ không thể hiểu được ý nghĩa thực sự của ánh mắt, dẫn đến phán đoán sai lầm do “tự cho mình là đúng”. Ví dụ, khi người vợ tra hỏi anh chồng tối qua đã đi đâu, vì còn đang đau đầu, khó chịu do đã uống quá nhiều rượu nên anh chồng chuyển ánh mắt, cố nhớ lại chuyện xảy ra vào tối hôm qua, có khả năng người vợ sẽ hiểu nhầm “anh ta tránh né vì định nói dối mình”, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên bắt gặp những tình huống hiểu nhầm như vậy, thế nên hiểu đúng hướng nhìn là điều vô cùng quan trọng.
Khi nói chuyện, hướng xoay chuyển khác nhau của con mắt sẽ thể hiện những trạng thái tâm lý khác nhau. Khi một người đảo mắt lên, xuống, rồi từ trái sang phải, có thể anh ta đang sợ hãi vì nói dối, hoặc không tự tin vào quan điểm của mình. Nói tóm lại, chắc chắn họ đang có tâm trạng không bình tĩnh. Còn nếu một người chỉ liếc mắt sang trái hoặc hoặc sang phải, có nghĩa là anh ta suy nghĩ rất nhanh. Ví dụ, trong cuộc thi hùng biện, con mắt của hai đối thủ thường liếc rất nhanh sang hai bên. Chúng ta cũng thường bắt gặp tình huống tương tự trong các trận đấu cờ vua và cờ vây.
Ngoài ra, có một hiện tượng thú vị: khi đàn ông gặp được người phụ nữ mà họ có cảm tình, họ thường không nhìn chằm chằm vào đối phương, mà sẽ quay mặt đi chỗ khác, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn lén. Còn khi đàn ông nhìn một người phụ nữ không chớp mắt thì chưa chắc họ đã hứng thú với cô ấy, đó chỉ là một hành vi bản năng, diễn ra trong vô thức, nhằm thể hiện họ là phái mạnh. Rất nhiều phụ nữ không biết điều này nên thường oán trách người yêu cứ thích nhìn người phụ nữ khác. Khác với đàn ông, phụ nữ khi yêu thì “trong mắt chỉ có một người duy nhất”. Khi thực sự dành trọn tình cảm cho người yêu, phụ nữ sẽ không để ý đến những người đàn ông khác, vì họ đã dành hết thời gian để quan sát nhất cử nhất động của anh ta mất rồi.
PHẦN C: TẦM NHÌN
Có một cô gái trẻ tuổi, thông minh đang đắm chìm trong tình yêu. Chủ nhật nọ, cô và bạn trai có một cuộc hẹn hò lãng mạn như bao lần khác: họ cùng nhau đi ăn uống, mua sắm, xem phim… Sau khi ra khỏi rạp phim, hai người bước vào một cửa hàng đồ ăn nhanh, cô gái nhớ lại những tình tiết trong bộ phim vừa xem, hào hứng bình luận nữ chính có góc nhìn nào đẹp nhất, nam chính có câu thoại nào cảm động nhất… Cô thì thao thao bất tuyệt, còn bạn trai chỉ thỉnh thoảng phụ họa một vài câu, hoặc trêu chọc cô. Cô gái nghĩ bầu không khí giữa hai người rất hòa hợp, mặc dù đôi lúc chàng trai lại hướng mắt nhìn về phía xa.
Cô gái đáng thương không hề nhận ra rằng mình nên dừng cuộc nói chuyện vô nghĩa này lại, vì bạn trai không hứng thú với những lời cô nói, anh ta đang cảm thấy nhàm chán.
Trong các cuộc trò chuyện hằng ngày, khi đối phương liên tục di chuyển ánh mắt không có nghĩa là anh ta chán ghét chủ đề đang nói. Tuy nhiên, khi đối phương rời mắt và nhìn ra xa, chúng ta cần phải chú ý, vì điều này thể hiện rằng họ không hứng thú với những gì chúng ta đang nói.
Khi nói chuyện, nếu người nói nhìn vào đối phương, đặc biệt là nhìn vào mắt đối phương, chứng tỏ họ cực kỳ hứng thú và tập trung lắng nghe. Còn nếu người nói đưa mắt nhìn phía xa, thì chứng tỏ họ không thấy hứng thú hoặc “tâm trí đang treo trên mây”. Đây là một quy tắc đúng với hầu hết tình huống, nó thể hiện rõ ràng nhất ở các học sinh khi đang trong giờ học. Nếu bài học thú vị, chúng sẽ say sưa lắng nghe, tập trung tinh thần, mắt nhìn thẳng vào giáo viên. Thỉnh thoảng chúng sẽ di chuyển ánh nhìn sang bảng đen, nhưng vẫn sẽ không rời mắt khỏi giáo viên. Cũng có trường hợp học sinh không chú ý nghe giảng vì bài học nhàm chán. Lúc đó, chúng vẫn nhìn về phía giáo viên và tỏ vẻ tập trung, nhưng ánh mắt không còn chăm chú nhìn vào giáo viên nữa, mà dường như tâm trí đã lang thang đi đâu đó. Những giáo viên nhiều kinh nghiệm, chỉ cần nhìn lướt qua là sẽ phát hiện ra điều này, họ sẽ bất thình lình gọi học sinh đứng lên trả lời câu hỏi.
Chúng ta cần lưu ý, quy tắc này không đúng trong một trường hợp đặc biệt: có một số người luôn tránh né ánh nhìn của người khác. Khi phát hiện ra mình đang bị theo dõi, họ sẽ tỏ ra lúng túng, không dám ngẩng đầu lên, càng không dám nhìn lại đối phương, đó là biểu hiện của hội chứng “sợ bị người khác nhìn”. Vì vậy, chúng ta không thể dùng tầm nhìn làm tiêu chí đánh giá tâm tính của kiểu người này.
Một trường hợp khác cũng cần phải nói đến là khi một người đưa mắt nhìn gần, nhưng tầm nhìn của họ không tập trung vào người hay vật cần được chú ý, mà mí mắt cụp xuống, đầu hơi cúi xuống nhìn sàn nhà. Chúng ta không nên coi đó là biểu hiện “tôi không thấy hứng thú”, mà thực ra là “tôi đang xấu hổ”. Nhiều trẻ vị thành niên thường có cử chỉ này khi bị giáo viên hoặc cha mẹ trách mắng, các em cố tỏ ra hờ hững, coi nhẹ lời người lớn nói để giữ lòng tự tôn, nhưng chính cử chỉ cúi đầu đã bán đứng cảm xúc thật của chúng, đó là biểu hiện của sự xấu hổ vì bị phê bình. Đáng tiếc, không chỉ bản thân chúng không ý thức được điều này mà ngay cả giáo viên và phụ huynh cũng không hiểu được ý nghĩa đằng sau đôi mắt nhìn xuống, nên vô tình làm tổn thương đến cảm xúc của chúng.
TRÒ CHƠI TÌNH HUỐNG
Bây giờ là thời gian chúng ta tham gia trò chơi tình huống, để kiểm tra kết quả tìm hiểu Chương 01.
Bạn đi ăn trưa với đồng nghiệp. Nhưng hai người không có chủ ý gì, không biết mình muốn ăn gì và ăn ở đâu.
Bạn: “Cậu muốn ăn gì?”
Ánh mắt ảm đạm chứng tỏ anh/cô ta không hứng thú với câu hỏi này.
Đồng nghiệp (ánh mắt ảm đạm): “Tùy cậu.” [Vì vậy, bạn chủ động đưa ra gợi ý.]
Bạn: “Ăn mì nhé? Cậu thích ăn mì không?”
Ánh mắt ảm đạm chứng tỏ anh ta/ cô ta vẫn không hứng thú với đề nghị của bạn, còn cái nhìn trực diện khi chưa suy nghĩ thể hiện anh/ cô ta không thành thật.
Đồng nghiệp (nhìn thẳng vào bạn với ánh mắt ảm đạm): “Ừ, được.”
[Bạn đổi sang một lựa chọn khác.]
Bạn: “Hay là đi ăn đồ xào?”
Ánh mắt vụt sáng lên chứng tỏ anh ta/ cô ta có hứng thú với đề nghị này, còn di chuyển hướng nhìn thể hiện anh/cô ta đang suy nghĩ nghiêm túc.
Đồng nghiệp (ánh mắt hơi sáng lên, di chuyển hướng nhìn): “Cũng được đấy.”
[Vì vậy, các bạn quyết định đi ăn đồ xào.]
Trong lúc ăn, bạn hỏi: “Cậu đã hoàn thành công việc gần đây chưa?”
Ánh mắt sáng lên cho thấy anh/cô ta có hứng thú với chủ đề này.
Đồng nghiệp (ánh mắt sáng lên): “Chưa đâu.” [Vì vậy, bạn tiếp tục chủ đề này.]
Bạn: “Nghe nói dự án lần này rất nặng nề.”
Ánh mắt có hồn thể hiện anh/cô ta đang rất muốn bàn luận về chủ đề này.
Đồng nghiệp (ánh mắt trở nên rất có hồn): “Đúng vậy, dự án lần này khó lắm!”
[Bạn tiếp tục nói chuyện với anh/cô ta về chủ đề công việc.] [Lát sau, bạn nói về bộ phim truyền hình đang xem gần đây.]
Bạn: “Nam chính cực kỳ đẹp trai, nội dung cũng rất thú vị…”
Mặc dù anh/cô ta lịch sự thể hiện mình “cảm thấy hứng thú” với chuyện bạn đang nói, nhưng tầm nhìn đã bán đứng anh ta/ cô ta thật lòng không hề thấy hứng thú.
Đồng nghiệp thỉnh thoảng gật đầu với bạn, nhưng có một hai lần di chuyển ánh mắt nhìn ra xa.
[Bạn khéo léo dừng chủ đề này.]
Mời các bạn đón đọc Giải Mã Hành Vi – Bắt Gọn Tâm Lý của tác giả Lộc Dã.
Download
Giải Mã Hành Vi – Bắt Gọn Tâm Lý
FULL: |
Giới thiệu Giải Mã Hành Vi – Bắt Gọn Tâm Lý Tweet! Cuốn sách này là một tài liệu thực hành về tâm lý học hành vi, lý giải trạng…