Ebook Vạn Xuân – Tiểu Thuyết Lịch Sử Về Nguyễn Trãi
PDF epub azw3 mobi
Giới thiệu Ebook
Vạn Xuân – Tiểu Thuyết Lịch Sử Về Nguyễn Trãi
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Vạn Xuân – Tiểu Thuyết Lịch Sử Về Nguyễn Trãi của tác giả Yveline Féray.
Nguyễn Trãi đã mất đúng 550 năm (1442-1992). Có ngờ đâu một nữ sĩ Pháp, cách xa Nguyễn Trãi hơn 5 thế kỷ và hơn vạn dặm đường, lại đã phục hiện được cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi với một sự hiểu thấu tâm lý sâu sắc như vậy. Không chỉ có chân dung của vị anh hùng, của nhà thơ vĩ đại, mà còn có bức tranh toàn cảnh của thế giới. “Vạn Xuân” quả thật là một bản anh hùng ca lớn về nền văn hiến Đại Việt đầy khí phách và nhân hậu.
Thật là sự diệu kỳ của nghệ thuật!
Chị Yveline Féray! Chị hút nhụy từ đâu để có được giọng văn hào khí ấy, để có được sự trực giác lung linh và sâu thẳm ấy, khi viết về cuộc chiến đấu hào hùng của quân khởi nghĩa và của nhân dân và khi đoán biểu được tâm hồn Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái, tâm hồn Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ qua hai cuộc tình duyên đẹp đẽ mà như có dấu ấn của số mệnh in vào?
Tôi nghĩ: trí tuệ, tâm hồn hiện đại của chị phải có những ăng-ten viễn thông để bắt được những luồng sóng ngắn, dài của quá khứ, quá khứ của một giống nòi và quá khứ của nhân loại, những làn sóng phát từ những số phận, từ mỗi hồn người. Chị đặc biệt nhạy cảm với cái gọi là fatum1nằm trong cuộc sống.
Cái bi kịch của Nguyễn Trãi có phải là một tâm hồn lớn phải sống trong một xã hội chật hẹp, ngặt nghèo không? Và vấn đề của thời đại Nguyễn Trãi có phải là vấn đề xây dựng và sử dụng quyền lực sao cho hợp với lòng dân và vận nước? Một tác phẩm nói về những sự kiện và những con người cách đây 5 thế kỷ lại mang tính thời sự không ngờ…
Chị Yveline thân mến! Sự thành công rực rỡ của chị làm tôi càng tin tưởng rằng: các dân tộc rất khác nhau và mỗi dân tộc có một bản sắc độc đáo của mình, nhưng nhân loại là một, văn minh là một. Chị là một chiếc cầu giao nối, bởi vì hai đầu cầu – nền văn hoá Pháp và nền văn hoá Việt Nam – chị đều hiểu thấu. Niềm tin tưởng ấy làm tôi vui và làm các độc giả của chị sẽ vui. Chúc chị có nhiều sáng tác mới thành công và trẻ mạnh như “Vạn Xuân”.
Nice 13/04/1992
Huy Cận
***
Lời phi lộ
Vào năm 1980, nhằm mục đích thâu nhập các đại biểu xuất sắc nhất của nền văn hóa mỗi quốc gia vào gia sản phổ quát của toàn thể nhân loại, Cơ quan Liên Hiệp Quốc đặc trách Văn hóa Giáo dục và Khoa học (UNESCO) đã tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm ngày sinh NGUYỄN TRÃI, nhà nhân văn lớn và cũng là một thi hào Việt Nam ở thế kỷ 15.
Chính vào thời điểm ấy mà tôi có dịp biết đến con người Nguyễn Trãi, cùng thân thế và sự nghiệp của ông: vừa choáng ngợp trước sự cao đẹp biết bao hùng tráng, vừa tê tái trước biết bao là thảm kịch! Tuy nhiên bấy giờ Nguyễn Trãi chỉ mới hiện diện nơi tôi qua hình ảnh một vị đại thần ngày xưa, ngồi chễm chệ như bất động dưới bộ áo phẩm phục màu xanh được vẽ trên những tấm áp-phích do người Cuba thực hiện nhằm tổ chức dịp lễ. Thế rồi, không hiểu định mệnh nào đã liên kết tôi vào số phận đặc biệt của con người ấy, để thúc ép tôi phải ghi chép lại toàn bộ lịch sử của con người ấy, nhờ một chuỗi cơ duyên may mắn.
Nhưng phải làm như thế nào đây?
Về cuộc đời hết sức phong phú của con người ấy, nhiều lĩnh vực quan trọng vẫn còn đang nằm trong bóng tối.
Nhiều tài liệu còn thiếu vắng: phần bị tiêu hủy, phần lại thất lạc qua bao cuộc xâm lăng, do khí hậu phong thổ, do côn trùng gặm nhấm và cũng còn do sự sao nhãng thờ ơ của con người.
Cho đến nay, chưa ai từng thử mạo hiểm vạch lại toàn bộ đầy đủ cuộc đời của Nguyễn Trãi. Ở Việt Nam, khá nhiều tác phẩm đã viết về ông nhưng chỉ mới là những bản văn mang tính cách tiếp cận nhằm vào từng điểm, từng khía cạnh nào đó, mặc dù rất uyên bác. Phần lớn các bản văn ấy nhấn mạnh đến đời sống chính trị và sự dấn thân của ông vào cuộc kháng chiến chống quân Tàu. Nhưng chính lĩnh vực này cũng vẫn còn được tranh luận và các sử gia Việt Nam cũng còn có nhiều quan điểm dị biệt. Những thông tin trước đây do nhà Đông phương học lỗi lạc Emile Gaspardone trình bày trong các giáo trình tại Pháp Quốc Học viện (1953-1954) về thân thế và sự nghiệp của “Nhà ái Quốc vĩ đại bị giày vò ngay trong chính Tổ Quốc mình” hiện nay cũng đang được xét lại dưới ánh sáng của những khám phá mới. Tóm lại, không thể đặt vấn đề viết một tiểu sử theo như người ta quan niệm ở Tây phương.
Nhưng, trong lúc các sử gia thấy phạm vi công trình nghiên cứu của mình về đề tài này bị hạn chế, thì trái lại tôi bỗng nhớ đến những bài giảng của thầy dạy tôi, ông Georges Duby, chất liệu phong phú đầy tính tiểu thuyết, lại mở ra cho nhà viết truyện những vùng rộng lớn bao la cho trí tưởng tượng.
Chúng ta hãy ngẫm xem: Cuộc đời có thể gọi là “phiêu lưu” của Nguyễn Trãi, một cuộc đời muôn vẻ không thiếu một mặt nào: Từ phút chào đời một cách khá đặc biệt, rồi tài năng văn chương và chính trị xuất chúng cho đến mối tình lớn lao vào lúc xế chiều của ông đều in dấu lên một thời điểm then chốt của lịch sử Đại Việt (Việt Nam), then chốt đến nỗi nếu như đất nước ấy bị sáp nhập vào nước Trung Hoa, dưới đời Minh và bị đồng hóa, thì cục diện vùng Đông Á chắc đã khác hẳn rồi.
Định mệnh một cá nhân và định mệnh cả tập thể nương tựa, nuôi dưỡng lẫn nhau, cho nên viết về Nguyễn Trãi tức là viết về Đại Việt. Tôi hoàn toàn đồng ý với câu nói của Bernard Guenée: “Định mệnh của một con người có thể giúp ta hiểu lịch sử một thời đại, nhưng ngược lại, chỉ lịch sử thời đại người ấy sống mới giúp ta hiểu được định mệnh con người ấy”.
Vì thế, cuốn sách này không nhằm trình bày một cuộc đời được tiểu thuyết hóa, hay một tiểu sử được thêm màu mè văn vẻ.
Dự phóng của tôi nhằm vào chỗ khác, các vị Giáo sư, các nhà nghiên cứu, các cán bộ ngành đại học Việt Nam ở Hà Nội đã mở rộng tất cả mọi cánh cửa lớn thuộc về quá khứ của họ để cho một phụ nữ Pháp – rất mạo muội như tôi. Họ đã hiểu một điều: Xuyên qua tấn bị kịch của một nhà nho đạo hạnh, cuốn sách này sẽ là một cuốn tiểu thuyết về một nền văn hóa vào chính cái thời điểm mà cả một dân tộc đứng lên bảo vệ bản sắc và tự do của mình. Theo cách nói của người Việt Nam thì đây ví như một hình thức “Khai sinh ra một Quốc gia”.
Chúng ta đừng quên rằng, ròng rã bao nhiêu thế kỷ, quả là một quy luật thường hằng của lịch sử Đại Việt, để tự thể hiện chính mình, đã từng phải, vừa dựa vào, vừa chống lại Trung Quốc, là nhân vật thứ ba “hoành tráng” kế sau Nguyễn Trãi và nước Việt, của thiên tiểu thuyết này.
Lại thêm một điều khó khăn này nữa mà chúng ta phải nhận thức cho rõ là: giữa hai cái thế giới (Trung Quốc – Việt Nam) liên kết hết sức chặt chẽ với nhau trong cùng một nền văn hóa – Văn hóa Trung Quốc – vẫn tồn tại những sự khác biệt và có khi cả những sự đối kháng. Từ đó chúng ta mới khám phá được cái khả năng phi thường của người Việt Nam trong việc “đồng hóa” mọi nguồn vốn liếng ngoại nhập bằng cách “bản quốc hóa” chúng.
Sự thể như đương nhiên vạch ra con đường định hướng cho toàn bộ tác phẩm. Nhưng trước hết, xin đừng viện vào một cái cớ quá dễ dàng là có sự hiện diện của một quan sát viên Tây phương luôn luôn có mặt như một kẻ trung gian cần thiết phải có để quan sát, suy xét với cặp mắt của một độc giả phương Tây. Tôi xin đề nghị: chính vị độc giả ấy hãy dấn thân đóng khung vào trong cái thế giới Á Đông lưỡng diện này (Trung Hoa – Việt Nam): không còn dựa vào những tiêu chuẩn quen thuộc của mình, nghĩa là độc giả ấy sẽ đi vào bên trong (hoặc đứng từ bên trong) một nền văn hóa có những cách suy tư, biểu lộ, ứng xử khác với mình và có thể khiến mình khó chịu nữa! Nói tắt một tiếng, đây là một nền văn hóa có tính cách hết sức “viễn dương”. Tôi mong rằng vị độc giả ấy, qua cái quy trình truy tầm của tôi, đi đến chỗ đo lường được cái sức mạnh quyến rũ đáng ngại của một thế giới dị biệt. Trong một sự có thể gọi là cuồng nhiệt, nhưng dù sao cũng vẫn được kiềm chế, tôi cương quyết vượt qua mọi trở ngại đã biết trước cũng như bất ngờ, nhất định khiến cho độc giả say mê kinh ngạc như chưa từng bao giờ có.
Và tại sao tôi lại cứ che đậy lâu hơn nữa: Một đề tài lớn ắt sẽ kéo theo một tham vọng lớn. Xin nói rõ ngay, tôi nhắm đến mục đích viết một tác phẩm cổ điển Hán Việt của thế kỷ 15 trực tiếp bằng tiếng Pháp, tác phẩm này tương đương một cuốn “Bên dòng nước” vùng châu thổ sông Hồng.
Dù cho dự tính của tôi kể ra có phần quá mức, những vị từng trao đổi với tôi ở Hà Nội đều tỏ ra có nhã ý – và điều này tôi rất ghi ơn – không bao giờ làm cho tôi nản chí.
Ngược lại, cùng một cung cách như ông Trần Đằng, chủ bút tờ “Thông tin Việt Nam” và cựu thư ký của Hoàng đế Bảo Đại, mọi người đều nhấn mạnh đến tính cách độc đáo trong dự phóng của tôi, xem như là một “Tiến trình tổng thể mà từ trước đến nay chưa có ai bắt tay vào”. Điều ấy càng khiến tôi chẳng bao giờ mất niềm tin tưởng.
Cuối cùng xin độc giả đừng hiểu lầm điều này:
Sẽ thật bất công nếu nghĩ rằng tác phẩm “cổ điển” này chỉ muốn bao vây độc giả trong một bức màn chỉ phủ đầy bụi bặm của những thế kỷ xa xưa, trong khi thực ra đề tài chính yếu của cuốn sách – là vấn đề quyền lực – sẽ tất nhiên đưa độc giả tiếp xúc với những vấn đề muôn thuở – và do đó sẽ mang đầy tính thời sự.
Trước hết, phải nói rằng đối với một người phương Tây, thực khó mà hiểu được thấu đáo mối tương giao phức tạp giữa “Trung Quốc và Việt Nam”. Đối với Trung Quốc, người anh cả phương Bắc, người dân Việt buộc phải cùng sống chung đời đời kiếp kiếp, cái ông anh mà họ phải vừa đề phòng vừa dàn xếp ổn thỏa, trong lúc họ vẫn chiến đấu. Trong mối tương quan ấy lòng ái quốc của nhân dân Việt Nam như được khích lệ, dựa trên nguyên tắc “Nếu Trung Quốc là một thế giới, thì Việt Nam cũng lại là một xứ sở”. Người Việt Nam chiến đấu là chiến đấu cho làng mạc của mình, để bảo vệ hàm răng đen và các phong tục tập quán của mình và mối tương quan ấy cũng là nơi biểu hiện một đường lối ngoại giao tinh tế. Một mặt, không cho phép làm “mất mặt” người bạn phương Bắc, và mặt khác, giữa lòng những cơ cấu của một chế độ thực dân áp bức, mọi hình thức quyền lực đều được áp dụng. Với tất cả những điều ấy, độc giả có thể thiết lập mọi so sánh trong tương quan giữa nước Pháp và Việt Nam ở thế kỷ 20.
Đây là những nẻo đường đa dạng và tất yếu của quyền lực mà con người phải đi theo, qua các cuộc thăng trầm của lịch sử. Nào là quyền bính bị thoán đoạt, quyền bính phải bảo vệ nhân danh chính thống, nào là mãnh lực của tình yêu, của dục tính, của cái bụng, nào là quyền lực theo lòng ước mơ, quyền lực của thế giới hữu hình với những thế lực vô hình xuyên qua. Thôi thì đề tài này biến thiên mọi cách, giao thoa với nhau, chồng chéo lên nhau.
Chúng ta sẽ gặp lại trong tác phẩm này một chủ đề không bao giờ múc cạn được: Đó là mối tương quan giữa kẻ cầm quyền và giới trí thức (giữa nhà vua và kẻ sĩ). Về mặt này, cặp song đôi Lê Lợi – Nguyễn Trãi không thể nào không làm ta nhớ đến các cặp song đôi lừng danh trong lịch sử chẳng hạn như Beckett – Henri II, Richelieu – Louis XIII và gần chúng ta hơn Mao Trạch Đông – Chu Ân Lai, De Gaulle – Malraux. Sự cao thượng vĩ đại của Nguyễn Trãi là luôn luôn biết chọn lựa và phục vụ Đức hạnh (theo nghĩa Khổng giáo là lòng nhân ái đối với hàng lê dân) chống lại mọi sự lạm dụng quyền bính, cho dù là quyền bính của Hoàng đế. Một sự phản kháng bằng cách từ bỏ theo tinh thần vô-vi của đạo Lão hoặc là dưới hình thức gián nghị nghiêm khắc nhưng kính cẩn. Bởi vì đối với một nhà nho, ngay trong lúc bênh vực kẻ nghèo hèn, vẫn không hề thiếu sót bổn phận đầu tiên của mình là phục tùng ngôi Thiên Tử.
Chính vì thế, một độc giả phương Tây ít nhiều am tường về lịch sử chính trị thời nay cũng sẽ thỉnh thoảng có khuynh hướng liên hệ hình ảnh nhà cải cách Nguyễn Trãi với một Mendes France trong nỗ lực vô vọng thiết lập một chính quyền bền vững, nhà ái quốc Nguyễn Trãi đeo đuổi một lý tưởng thanh bần và công bằng với một Hồ Chí Minh; nhà hiền triết Nguyễn Trãi, chủ hòa và lãng tử với một Gandhi.
Độc giả sẽ say sưa kinh ngạc trước tài năng đa dạng của kẻ sĩ Việt Nam này vì ông ta vừa là một thi hào, một nhà viết văn cừ khôi, vừa là một chiến lược gia có tầm mắt viễn thấu, một nhà ngoại giao tài tình, một nhạc sĩ lịch lãm, một nhà địa lý thông thái và là một nhà sư phạm tuyệt vời. Lúc ấy độc giả sẽ hiểu được rằng tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấn thảm kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ.
YVELINE FÉRAY
Mời các bạn mượn đọc sách Vạn Xuân – Tiểu Thuyết Lịch Sử Về Nguyễn Trãi của tác giả Yveline Féray.
Download Ebook
Vạn Xuân – Tiểu Thuyết Lịch Sử Về Nguyễn Trãi
Giới thiệu Ebook Vạn Xuân – Tiểu Thuyết Lịch Sử Về Nguyễn Trãi Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Vạn Xuân – Tiểu Thuyết Lịch Sử Về Nguyễn…