Ebook  Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi PDF epub azw3 mobi

Ebook Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi PDF epub azw3 mobi

 

Giới thiệu Ebook

Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi

 

 

 


Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi của tác giả Kim Ran Do.

Hãy vững tin để tìm kiếm công việc trong mơ của bản thân

Trong xã hội phát triển ngày nay, rất nhiều vấn đề được đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách xã hội trong đó việc làm luôn là bài toán nan giải và biến đổi không ngừng. Đối với những thanh niên sắp rời khỏi ghế nhà trường, áp lực kiếm được một công việc ổn định mà mình yêu thích cũng như ổn định rất nặng nề. Họ luôn có những câu hỏi thường trực như Làm cách nào để tìm được việc làm? Làm cách nào để gây dựng nên sự nghiệp mà mình mơ ước?, v.v…

Nhiều bạn trẻ lựa chọn định hướng nghề nghiệp theo những lối mòn tư duy, định kiến sẵn có của xã hội và cuốn vào vòng xoáy mưu sinh mà bản thân không mấy hài lòng. Nhưng một số khác đang dũng cảm tiên phong mở ra những con đường nghề nghiệp mới, hoặc gây dựng và phát triển những ngành nghề đang lụi tàn và đi vào quên lãng, đồng thời dồn sức trẻ vào những ước mơ của mình.

Cuốn sách Tương lai nghề nghiệp của tôi mang đến cái nhìn toàn cảnh về những trải nghiệm của các bạn trẻ trên thế giới, những mô hình việc làm hoặc mới mẻ, hoặc tái tạo những ngành nghề cũ nhằm đúc kết ra hai từ khóa:

• “FUTURE” − xu hướng việc làm toàn cầu trong tương lai.

• “MY JOB” − chiến lược tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân.

Mỗi từ khóa đều được minh họa và phân tích tường tận, mang đến một cái nhìn mới mẻ trong vấn đề giải quyết việc làm cũng như gạt bỏ những định kiến cố hữu của xã hội.

Chúng tôi tin sau khi đọc xong cuốn sách này, các bạn sẽ có được một niềm tin vững vàng hơn trên con đường định hướng và gây dựng nên sự nghiệp cho riêng mình.

Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!

Tháng 10 năm 2014

Công ty cổ phần Sách Alpha

  ***

Những biến đổi to lớn của thị trường việc làm đang được tạo ra bởi những người hùng trẻ tuổi

Việc rất nhiều bạn trẻ đang thoái chí vì không thể tìm được việc làm đã đặt ra cho toàn xã hội một bài toán khó. Hiện nay, Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như phúc lợi xã hội, giáo dục, kinh tế, vấn đề thanh thiếu niên, mà điều cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề này đều có thể được gói gọn trong câu hỏi “Làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm tốt?”

Sau khi cho ra mắt tác phẩm đầu tay Tuổi trẻ – Khát vọng và Nỗi đau, tôi càng cảm nhận được gánh nặng to lớn mà vấn đề nhức nhối này mang lại. Trong cuốn sách đó, tôi đã viết:

“Nếu tự tách vỏ để chui ra ngoài, bạn đã tự tạo cho mình cơ hội sinh tồn, nhưng nếu đợi ai đó đập vỡ vỏ cho mình, bạn sẽ trở thành món ăn trên bàn ăn của người khác. Bởi vậy, hãy đi theo tiếng gọi của ‘ngày mai’ để tạo dựng ‘sự nghiệp của bản thân’.”

Sau đó, có rất nhiều bạn trẻ hỏi tôi cách để tìm được việc làm và gây dựng sự nghiệp của bản thân. Đây cũng chính là câu hỏi xuất hiện thường xuyên nhất trong những bức thư mà độc giả gửi về cho tôi, đồng thời cũng là câu hỏi mà các bạn học sinh, sinh viên khao khát nhận được lời giải đáp nhất khi tìm đến các trung tâm tư vấn, định hướng việc làm.

“Em thậm chí còn không biết mình muốn làm gì và nên làm gì nữa…”

Cảm nhận được một phần trách nhiệm của bản thân trước bài toán nan giải mang tên “tương lai và sự nghiệp” đang đặt ra cho thế hệ trẻ, đồng thời, với tư cách là một người thầy, một chuyên gia nghiên cứu về những điều còn ẩn giấu trong xu thế tiêu dùng, trong cuốn sách này, tôi đã thử dấn thân, đào sâu nghiên cứu về vấn đề việc làm. Và như vậy, trong khoảng thời gian một năm liên tục cân nhắc, tìm hiểu vấn đề này, vào một ngày đầu xuân năm 2012, tôi đã gặp đạo diễn Lee Jae Hyuk của nhóm sản xuất chương trình KBS Panorama.

Sau khi đưa vấn đề này ra thảo luận cụ thể, chúng tôi nhất trí đi tới quyết định bắt tay vào thực hiện bộ phim tài liệu đề cập tới một trong những vấn đề nóng hổi nhất hiện nay của toàn xã hội − vấn đề việc làm. Nếu như trước đây, vấn đề việc làm vẫn được nhìn nhận theo một mô hình cũ kỹ mang nặng màu sắc chính trị và thiên về lý thuyết, thì những kết luận của nhóm nghiên cứu chúng tôi đứng trên lập trường “sự nghiệp tương lai” hy vọng sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh về một mô hình việc làm mới đang được gây dựng trên nền tảng là xu hướng tương lai của thế giới. Sau cuộc gặp gỡ với đạo diễn Lee Jae Hyuk, tôi bắt tay vào tiến hành song song việc viết cuốn sách này và tham gia vào quá trình sản xuất bộ phim tài liệu Sự nghiệp tương lai.

Với tư cách một nhà nghiên cứu về tiêu dùng luôn cập nhật xu thế trong nhiều năm trở lại đây, tôi cùng đạo diễn Lee Jae Hyuk, người chuyên thực hiện các bộ phim tài liệu phản ánh và đào sâu các vấn đề tồn tại trong xã hội, đã bỏ qua cách nhìn cảm tính và những quan điểm cá nhân để nhìn nhận vấn đề này dưới lăng kính phân tích mang tên “triển vọng tương lai” nhằm điều tra một cách triệt để thị trường việc làm hiện nay, đồng thời mang lại cho các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa sự nghiệp thêm một nguồn giải đáp và giải pháp tham khảo đáng tin cậy. Nói cách khác, với tầm nhìn định hướng tương lai trên quy mô hội nhập toàn cầu, cuốn sách này cùng dự án phim tài liệu của chúng tôi được triển khai với mong muốn đi sâu tìm hiểu hai vấn đề chính: Xu hướng việc làm toàn cầu trong tương lai sẽ biến đổi ra sao; và đâu là chiến lược cần thiết để tìm được công việc phù hợp, tạo dựng sự nghiệp của bản thân?

Để tìm được lời giải đáp thỏa đáng nhất cho hai vấn đề lớn trên, tôi đã cất công dành toàn bộ thời gian một năm nghiên cứu của mình để đến nhiều quốc gia, với hy vọng có thể phản ánh trung thực nhất về tất cả thời gian và công sức của những người trẻ tuổi trên con đường nỗ lực gây dựng “sự nghiệp của bản thân” trong “thời đại bất ổn” như hiện nay. Trong dự án này, tôi có cơ hội được gặp rất nhiều bạn trẻ và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến từ 10 quốc gia trên thế giới từ châu Á cho tới châu Âu. Với cuốn sách này, tôi mong muốn có thể tái hiện một cách chân thực và sống động nhất tiếng nói, nỗi niềm cùng những hình ảnh thực tế thường ngày diễn ra trong cuộc đấu tranh giành thế thượng phong giữa những lợi ích nhỏ bé và thất bại to lớn của các bạn trẻ đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến những biến đổi chóng mặt của thị trường việc làm và sự xuất hiện đáng mong đợi của những ngôi trường dạy nghề. Sau khi kết thúc hành trình thám hiểm dài ngày này, tôi tin rằng chúng ta có thể cập bến một vùng đất mới mẻ và màu mỡ, mở rộng lãnh thổ cho thị trường việc làm thế giới đang dần bị dịch chuyển bởi sức mạnh của những người hùng trẻ tuổi không ngừng nỗ lực tìm lối đi cho riêng mình.

Ngày nay, một “công việc tốt” không nhất thiết phải nằm trong một nhóm nghề cụ thể nữa. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để khám phá ra những giá trị còn tiềm ẩn trong bất cứ công việc gì, từ đó bắt tay vào làm và hiện thực hóa bản ngã thông qua công việc ấy. Trong quá trình này, chúng ta tuyệt đối không thể tiết kiệm công sức, và quan trọng là phải chứng tỏ được những nỗ lực cụ thể như thế nào. Nếu trong cuốn Tuổi trẻ − Khát vọng và Nỗi đau, tôi muốn củng cố thêm động lực và giúp cho các bạn trẻ thấu hiểu tại sao phải thực sự biến sự nghiệp trở thành đầu tàu dẫn lối cho cuộc đời mình, thì cuốn sách này lại gửi gắm câu trả lời cụ thể cho câu hỏi cần phải làm thế nào để tìm được một công việc hoàn toàn phù hợp với bản thân.

* * *

Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt các cuộc đối đầu vô nghĩa và thay đổi hoàn toàn khuôn mẫu cứng nhắc do trường tư tưởng thủ cựu lạc hậu để lại. Bởi trong cuộc chạy đua với thời gian, toàn thể bộ máy xã hội đang cho thấy những biến đổi vô cùng mạnh mẽ. Đã từng có thời kỳ khi mà mức độ hấp dẫn của nghề đọc lời dẫn tại rạp chiếu phim lên tới đỉnh điểm, cũng có một thời mọi thanh niên đều nuôi mộng trở thành nhân viên ngân hàng hay giáo viên. Nghề luật sư vốn được coi là biểu tượng vững chãi nhất cho công việc tốt và ổn định trong suốt một thời gian dài, song gần đây, không ít luật sư đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp kéo dài. Những người làm việc trong lĩnh vực tín dụng-ngân hàng cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự, khi mà các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về những vụ lừa đảo tín dụng mới xảy ra gần đây. Qua đây, có thể thấy được rằng “công việc tốt” là một khái niệm biến đổi theo dòng chảy thời đại. Như vậy, việc làm hay nghề nghiệp cũng mang tính “xu thế”.

Trong dòng chảy không ngừng của các xu thế xã hội, yêu cầu đặt ra trước tiên chính là phải định hình được hình thức biến đổi của thị trường việc làm thế giới đang khiến hoạt động “việc tìm người, người tìm việc” xáo trộn mạnh mẽ bằng 6 xu hướng nghề nghiệp (job trend) được gọi là ‘FUTURE’ (Tương lai). Tiếp đó, nhiệm vụ thứ hai sẽ được hoàn thiện với từ khóa ‘MY JOB’ (Nghề nghiệp của tôi) bao gồm 5 đề án và phương án giải quyết vấn đề tìm kiếm một công việc phù hợp với bản thân trong dòng chảy của xu hướng việc làm trên toàn thế giới. Tôi hy vọng những từ khóa này có thể nâng tầm triển vọng cho thị trường việc làm trong tương lai và trở thành công cụ đắc lực cho các bạn trẻ, không những giúp mở rộng tầm mắt mà còn hướng các bạn đến với những cơ hội, lĩnh vực rộng lớn hơn để các bạn hoàn toàn có thể thử sức và làm nên sự nghiệp.

11 từ khóa được đề cập trong cuốn sách này không phải là những kết luận võ đoán được rút ra từ việc tập hợp tài liệu của cuộc điều tra trước đây, từ trực quan hay từ những tài liệu tham khảo nào khác. Đây là kết quả phân tích mang tính khoa học, tổng hợp toàn bộ hệ thống dữ liệu và các học thuyết, phương pháp nghiên cứu tích lũy trong suốt thời gian qua của đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Trung tâm phân tích xu hướng tiêu dùng thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Đại học Quốc gia Seoul, được biết tới là trung tâm nghiên cứu xu hướng xã hội hàng đầu tại Hàn Quốc, nơi xuất bản thường niên tuyển tập Xu hướng Hàn Quốc được đông đảo độc giả đón nhận.

Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là tài liệu phân tích, điều tra dựa trên cuộc sống hiện tại cũng như triển vọng tương lai của những bạn trẻ hài lòng với cuộc sống và tự tin với công việc của mình. Mặt khác, cuốn sách này cũng có thể được coi như một sách lược dành cho tất cả những ai mong muốn có một sự nghiệp thực sự chứ không chỉ là một chỗ làm đơn thuần. Đồng thời, thông qua cuốn sách này, tôi hy vọng có thể giúp độc giả tìm ra con đường cho riêng mình và khám phá ra những ý nghĩa, giá trị của các chính sách xã hội. Nói cách khác, với cuốn sách này, hy vọng những nỗ lực của chúng tôi không chỉ mở ra một hướng đi mới cho các bạn trẻ trên bước đường hoạch định tương lai, hay cho những ai có ý định bắt đầu một cuộc sống mới, mà còn có thể trở thành cơ sở lý luận tiến bộ đề cao tính thực tiễn cho các nhà chính sách, doanh nhân, nhà giáo dục trong công cuộc xây dựng chiến lược phát triển thị trường việc làm.

Một cuộc cách mạng quy mô lớn đã trỗi dậy.

Các bạn trẻ, đã đến lúc phải tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp thực sự, vì chính tương lai của các bạn!

Tháng 6 năm 2013

Kim Rando và Lee Jae Hy

***

Tại sao chúng ta cần phải làm việc?

“Có tới hàng triệu con thiên nga đang lãng phí cả cuộc đời bằng việc tự coi mình là vịt con xấu xí.”

— NARENDRA JADHAV —

Trích Untouchables: My Family’s Triumphant Journey Out ofthe Caste System in Modern India (tạm dịch: Tiện dân: Hành trình vẻ vang của gia đình tôi trong cuộc chiến thoát khỏi chế độ đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ hiện đại)

Không có được thì khổ sở, có được rồi thì lại mệt mỏi

Chỉ tính riêng trong năm 2012, các cơ sở giáo dục tại Hàn Quốc đã đẩy 560.000 cử nhân đại học và 630.000 học sinh tốt nghiệp cấp ba ra xã hội. Trong đó, có 290.000 cử nhân đại học nhanh chóng tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đối với những học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, có khoảng 450.000 người tiếp tục theo học đại học và 50.000 người quyết định tìm việc ngay. Thực tế cho thấy rằng, trong số những người lao động tìm việc làm, chỉ tồn tại một con số rất nhỏ những người may mắn giành được một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn ở các doanh nghiệp tư nhân lớn hay tại các cơ quan nhà nước. Thế hệ trẻ Hàn Quốc đang vật vã, quằn quại do nạn thất nghiệp gây ra.

Nhưng trong đại nạn này, nạn nhân không chỉ có những người trẻ tuổi. Trong xã hội hiện đại ngày nay, ngay cả việc thế hệ trung và cao niên đã về hưu cũng coi cuộc sống sau công sở là một cơ hội để tự do “thiết kế” phần đời tiếp theo và nuôi hy vọng gieo cấy mùa vụ thứ hai trên cùng một mảnh đất cuộc đời đã không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để tìm được một công việc phù hợp cho đối tượng lao động này lại tiếp tục đặt ra một bài toán khó cho xã hội.

Việc làm không chỉ đơn giản là vấn đề tiền bạc và kế mưu sinh. Chúng ta cần phải nhận thức được đây là vấn đề thuộc về phạm trù giá trị xã hội và đạo đức của con người. Bởi vậy mới dẫn đến hậu quả những người thất nghiệp dài hạn khó tránh khỏi các căn bệnh nguy hại về mặt tư tưởng. Tôi từng được nghe một lời thổ lộ thẳng thắn đến mức bất thường của một người đứng xếp hàng trong một hàng dài bất tận tại một hội chợ việc làm.

“Nếu có được một nghề nghiệp tốt, dám chừng tôi có thể đánh đổi bằng cả linh hồn.”

Đánh đổi tất cả để có được công việc ưng ý mà bạn đã ao ước bấy lâu nay liệu có thể giải quyết được vấn đề của bản thân?

Tìm được việc làm rất khó khăn, nhưng đạt được điều mình mong muốn không có nghĩa là mọi khó khăn chấm dứt, bạn vẫn tiếp tục phải đối mặt với những vấn đề nhức nhối mà công việc đó mang lại. Từ chuyện nhỏ nhất là mỗi sáng bạn phải chiến đấu với cơn buồn ngủ để đến công sở, để rồi ngay sau đó, bạn lại rơi vào dòng người chật vật ngược xuôi để đến chỗ làm đúng giờ. Nếu chốn công sở là chiến trường muôn vàn hiểm nguy thì những người làm việc tại đó ắt phải trở thành những chiến binh để có thể tồn tại. Họ tất bật, hối hả, dùng giấy bút làm vũ khí thay cho cung tên và luôn phải nắm vững những kế hoạch tác chiến chắc thắng. Đây được coi là toàn bộ chiến lược sinh tồn của những “chiến binh công sở”. Ngay cả vào những ngày may mắn hiếm hoi được tan sở đúng giờ thì cũng đừng vội quên tình trạng giao thông ngoài kia đang hỗn loạn khi thành phố bước vào giờ tan tầm. Nhưng vào những ngày làm tăng ca hay làm đêm, chắc chắn cuộc chiến với sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ còn vắt kiệt sức lực của bạn hơn nữa. Cứ như vậy, mỗi tháng một lần những con số đầy hứng khởi sẽ lại được thêm vào và lấp đầy tài khoản ngân hàng của bạn, cùng với đó là những lợi ích có được từ công việc. Thế nhưng, ngay ngày hôm sau, các dịch vụ ủy thác thanh toán đã gần như thổi bay con số ấy và tài khoản của bạn lại trở về trạng thái gần như trống rỗng. Sổ lương − thành quả của lao động chẳng lẽ chỉ như bến đỗ tạm thời với những con số lưu lại chẳng bao lâu đã vội bỏ đi?

Nhiều người lao động tại Hàn Quốc không hy vọng công việc sẽ giúp họ hiện thực hóa bản ngã mà chỉ mong nó mang lại cảm giác yên ổn khi vượt qua một tháng làm việc mà không “hề hấn” gì. Thực tế, mỗi người đều dành thời gian cho công việc và công sở nhiều hơn cả thời gian sinh hoạt ở nhà, công việc đang chiếm phần lớn thời lượng của cuộc sống. Công việc và công sở chính là căn nguyên của nỗi bất an và liên quan trực tiếp đến những căng thẳng mà nhiều người đang phải gánh chịu.

Việc làm chính là thứ nếu không có được thì khổ sở mà có được rồi thì cũng vì nó mà hao tâm tổn sức. Rốt cuộc, đâu là lý do để con người lao động và làm việc? Chẳng lẽ đối với con người, công việc cũng không khác nào một sự trừng phạt, giống như tảng đá của Sisyphus1? Vậy, đâu là ý nghĩa thực sự của công việc đối với con người?

1. Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt bằng việc suốt đời phải đẩy một tảng đá lớn lên tới đỉnh núi rồi đứng nhìn tảng đá lăn xuống chân núi, sau đó lai phải trở xuống đẩy hòn đá lên đỉnh và tiếp tục lặp lại quá trình này. Lý do của hình phạt này là bởi các vị thần cho rằng không có hình phạt nào tàn khốc hơn sự lao động hoài công và vô vọng. (ND)

Nghề có phải là “nghiệp”?

Ấn Độ − quốc gia được mệnh danh là “đất nước của các vị thần” với trên 80% trong tổng số hơn 1 tỷ người theo đạo Hindu. Tại đây, người ta thờ rất nhiều vị thần, từ những vị thần có hình dáng giống con người, cho đến những vị thần mang lốt thú. Đây cũng là nơi tồn tại nhiều loại hình công việc đa dạng, y như sự phong phú trong dáng vẻ của các vị thần mà họ tôn thờ. Ở Ấn Độ có người làm nghề lấy ráy tai, giặt quần áo thuê, cho thuê điện thoại di động, phơi phân bò, kéo xe, v.v… và thậm chí ăn xin cũng được coi là một nghề. Theo một cuộc điều tra, có tới 50% người dân Ấn Độ cho biết hiện nay họ đang làm công việc mà họ ao ước khi còn nhỏ. Trong khi đó, con số đó tại các quốc gia phát triển thấp hơn rất nhiều như Mỹ (29%) và Anh (21%). Điều gì đã khiến người dân Ấn Độ hài lòng với nghề nghiệp của họ đến vậy?

Theo Hindu giáo, mục đích của công việc không phải là tiền bạc mà mang tính chất tôn giao. Và chính hành vi lao động cũng đã là một hoạt động tôn giáo. Đạo Hindu có từ karma, có nghĩa là nghiệp. Theo đạo Hindu, người ta tin rằng kiếp này là kết quả của kiếp trước và cũng là sự chuẩn bị cho kiếp sau, bao gồm cả thân phận lẫn nghề nghiệp và đây chính là hệ quả tất yếu của “nghiệp”. Điều này có nghĩa là tại Ấn Độ, nghề nghiệp cũng giống như số mệnh và làm việc cũng là một hoạt động tôn giáo. Mặc cho những biến đổi của thời đại, nhiều người Ấn Độ vẫn giữ nguyên suy nghĩ nghề nghiệp đã được ấn định sẵn cho mỗi người từ khi họ được sinh ra. Và họ có một niềm tin mãnh liệt rằng nếu chăm chỉ tu hành với nghề nghiệp được định sẵn, kiếp sau họ sẽ được sinh ra với một cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy đối với họ, nghề nghiệp là một thiên chức mà không một ai có thể đảm nhận thay họ được. Người Ấn Độ chấp nhận nghề của mình như một phần số mệnh và hoàn toàn không đặt nặng vấn đề phân biệt ngành nghề.

“Cân bằng giữa công việc và cuộc sống” đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của xã hội phương Tây nhưng lại là điều hoàn toàn tự nhiên tại Ấn Độ. Ấn Độ chính là đất nước dù nghèo khó cùng cực vẫn có hơn 60% dân số trả lời “Có” khi được hỏi “Bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?” Ngược lại, ở một quốc gia phát triển như Hàn Quốc, người ta vì công việc mà phá vỡ sự cân bằng của cuộc sống, quỹ thời gian sum vầy sung túc bên gia đình trở nên eo hẹp và chỉ có 19% dân số hài lòng với cuộc sống hiện tại. Theo kết quả của một cuộc điều tra do hãng thông tấn Reuters thực hiện năm 2012 tại 24 quốc gia trên thế giới, có tới 81% dân số không cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của họ.

Chỉ số hạnh phúc và mức độ hài lòng với nghề nghiệp của người Ấn Độ đạt mức cao nhất trên thế giới. Nếu nhìn trên kết quả khảo sát thì Ấn Độ có vẻ là một đất nước yên bình, nhưng trên thực tế vấn đề phân biệt đẳng cấp tại đây đang ngày càng trở nên sâu sắc. Đặc biệt, tầng lớp hạ đẳng Dalit hay còn gọi là “tầng lớp tiện dân” có địa vị thấp nhất trong xã hội Ấn Độ vẫn phải chịu sự phân biệt đối xử gay gắt và trở thành nạn nhân của sự khinh miệt trong xã hội. Đúng như tên gọi tầng lớp tiện dân, chúng ta có thể tưởng tượng nhóm người Dalit phải chịu sự coi thường đến mức dường như họ không thể đi tiếp nếu chưa xóa sạch mọi dấu chân mình đã để lại. Năm 1950, chính phủ Ấn Độ ra pháp lệnh yêu cầu bãi bỏ hoàn toàn chế độ đẳng cấp. Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng của chính phủ và luật pháp, chế độ đã tồn tại và chi phối cuộc sống của người dân Ấn Độ từ ngàn đời qua vẫn tiếp tục cho thấy những tác động sâu rộng của nó đến toàn bộ xã hội Ấn Độ. Những người thuộc tầng lớp Dalit không có khả năng tự bảo vệ sự tôn nghiêm tối thiểu của một con người chiếm khoảng 15% dân số Ấn Độ. Tức là có hơn 170 triệu người hiện đang phải sống cuộc đời “vịt con xấu xí” trong sự phân biệt đối xử gay gắt và không thể thoát khỏi sự kỳ thị cay độc của xã hội.

Tuy nhiên, trong số “vịt con xấu xí” ấy cũng đã xuất hiện những con người tự tin vào bản chất “thiên nga” của mình và dám vượt qua bức tường hiện thực để trở thành người hùng mới của Ấn Độ. Sinh ra với thân phận của một tiện dân hạ đẳng, từng giữ chức Cố vấn Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI − tức Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ) và có khả năng trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của Ấn Độ − Narendra Jadhav được biết đến là nhà kinh tế học danh tiếng đầu tiên của Ấn Độ xuất thân từ tầng lớp Dalit và hiện đang nỗ lực triệt để trên mọi phương diện nhằm xóa bỏ hoàn toàn chế độ tại nước này. Narendra Jadhav − người được tôn vinh như “vị thánh sống” tại Ấn Độ − đã nói rằng “Không một ai kể từ khi sinh ra đã là ‘vịt con xấu xí’ trong cuốn sách Tiện dân: Hành trình vẻ vang của gia đình tôi trong cuộc chiến thoát khỏi chế độ đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ hiện đại.

“Tôi cho rằng thành công là biến tiềm năng thành hiện thực. Trên thế gian này, không có người nào là vô dụng. Bất cứ ai cũng mang trong mình những sức mạnh tiềm tàng khổng lồ. Đó chính là thông điệp mà câu chuyện cổ tích ‘Vịt con xấu xí’ muốn truyền đạt. Tiếc thay, trong xã hội phân chia đẳng cấp tại Ấn Độ, có tới hàng triệu con thiên nga đang lãng phí cả cuộc đời bằng việc tự coi mình là vịt con xấu xí.”

Trên đời không có ai sinh ra đã là “vịt con xấu xí”. Jadhav đã không chỉ vượt qua bức tường của thân phận và đẳng cấp mà hơn thế nữa, ông còn đạp đổ bức tường “không thể” hay “không có cách nào” vẫn án ngữ trong tư tưởng của vô số những con thiên nga trên toàn thế giới khiến chúng không thể sải cánh vươn cao.

Suy nghĩ về mục đích chân chính của công việc

Con người là một thực thể tồn tại có suy nghĩ. Nhà văn Pháp, Paul Bourget, từng nói: một người cần phải sống theo cách mà họ nghĩ, nếu không cuối cùng sẽ nghĩ theo cách mà họ đã sống. Chúng ta ngay từ thuở nhỏ đã được truyền tải vào đầu tư tưởng: nghề nghiệp là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời. Khi người lớn hỏi trẻ con, “Ước mơ của con là gì?” thì điều mà họ hy vọng không phải là một câu trả lời sẽ giúp họ nhận ra quan điểm hay cách nhìn nhận cuộc sống của đứa trẻ, mà là câu trả lời của đứa trẻ về một nghề nghiệp cụ thể nào đó. Mỗi đứa trẻ phải nghe câu hỏi này nhiều đến nỗi dần dần chính yếu tố “là gì” ấy bỗng nhiên lại trở thành mục tiêu của chúng khi trưởng thành.

Liệu có phải chúng ta đang chạy theo một mục tiêu vô nghĩa nên mới dẫn tới hàng loạt những cảm xúc bất mãn, bất an và mệt mỏi ngay cả khi đã có được một công việc, tức là đã đạt được mục tiêu của cuộc đời? Quá trình công nghiệp hóa được tiến hành gấp rút cùng với chủ nghĩa tư bản đã khiến con người quên đi mục đích chân chính của công việc. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế cùng với nhiều hệ lụy đã dẫn tới sự sụp đổ của không ít tập đoàn lớn trên thế giới gần đây buộc chúng ta phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về vấn đề nghề nghiệp. Trong bối cảnh mất ổn định của nền kinh tế hiện nay thì tiền bạc và địa vị không còn là mối quan tâm hàng đầu, con người chú trọng hơn tới việc theo đuổi ước mơ và tìm cho mình một hướng đi phù hợp.

Kết quả của một cuộc điều tra đã cho thấy “tiền” chỉ đứng ở vị trí thứ 4 trong những đáp án cho một câu hỏi được đặt ra với nhiều người: “Theo bạn đâu là mục đích của công việc?”. Câu trả lời phổ biến nhất cho “mục đích của công việc” được các đối tượng tham gia khảo sát lựa chọn là “để tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống”. Nhưng nếu câu hỏi này được thay đổi đi một chút thành “Lý do bạn bước ra khỏi nhà và đi làm ngày hôm nay là gì?” thì chưa biết chừng lần này “tiền” lại thắng thế và vươn lên vị trí số một. Tuy nhiên, cho dù hiện thực mà chúng ta đang trải qua có ra sao, chúng ta đang làm công việc gì thì chắc chắn cuối cùng, sâu trong tâm khảm mỗi con người, ai cũng hy vọng có thể tìm thấy niềm vui trong công việc và thậm chí còn có thể biến công việc thành một thú vui. Mặc dù vậy, việc tìm kiếm niềm vui ở đâu và cách để thực hiện mục đích chân chính của công việc lại là câu hỏi khó tìm được lời giải đáp thích đáng.

Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, ngay bây giờ, mỗi người cần nghiêm túc tự hỏi bản thân:

“Đâu là công việc có thể mang lại niềm vui cho bản thân mình?”

Đâu là lối thoát cho hiện thực tăm tối?

“‘Công sở’ không thể trở thành sự bảo đảm cho chúng ta nhưng ‘nghề nghiệp’ thì hoàn toàn có thể. Tôi có một lời nhắn gửi tới những ai chuẩn bị bước vào môi trường công sở, hãy tìm cho mình một nghề mà bạn có thể dành cả đời để gắn bó với nó, thay vì tìm một nơi làm việc mà bạn chỉ có thể trụ lại lâu nhất từ 20 đến 30 năm.”

– Kim Ho (Đại diện Công ty The LAB h)

Một thực trạng đáng lo ngại trong xã hội là vấn đề việc làm ngày càng lạc vào vòng luẩn quẩn. Nếu như vấn đề của Ấn Độ là do chế độ đẳng cấp biến con người trở thành những chú vịt con xấu xí, thì những chú vịt con xấu xí của chúng ta lại là sản phẩm sinh ra từ căn bệnh tự kỷ ám thị và “ánh mắt của người đời”. Như vậy, thiên nga chẳng qua chỉ là cách gọi khác của “kẻ thất nghiệp tay trắng” và là biểu tượng cho những triển vọng và cái đẹp một thời rồi cũng dần phai nhạt theo năm tháng.

Cái chết của người chào hàng nào đó

Dù đã hơn 60 tuổi nhưng Willy vẫn phải vật lộn với những chi phí bảo hiểm và khoản trả góp chồng chất. Ông đã sống cả đời bằng nghề nhân viên tiếp thị nhưng vẫn chưa thoát khỏi những nỗ lực luẩn quẩn nhằm tháo gỡ hoàn cảnh không lấy gì làm sung túc của mình. Tuy đã ngoài lục tuần, song cuộc sống còn nhiều bộn bề khiến Willy chưa thể nghỉ ngơi. Nhưng chẳng may, Willy bị công ty sa thải, toàn bộ niềm hy vọng cũng theo đó mà tan biến, đẩy ông vào chốn đường cùng. Cuối cùng, Willy ngồi lên chiếc xe ô tô quen thuộc, nhấn ga hết cỡ và tự kết liễu đời mình với suy nghĩ ít ra khi chết đi ông còn có thể để lại cho gia đình một khoản tiền bảo hiểm.

Đây là một cảnh trong vở kịch Cái chết của người chào hàng (Death of a sales man) của nhà viết kịch nổi tiếng người Mỹ, Arthur Miller, được công diễn lần đầu tiên vào năm 1949. Yếu tố then chốt tạo nên bi kịch của nhân vật Willy Loman trong tác phẩm này, một con người bình thường từng ấp ủ nhiều mơ ước nhưng cuối cùng đã bị hủy hoại vì những sức ép của cuộc sống hiện đại, chính là “thất nghiệp”. Trong cuộc sống hiện đại, mất việc cũng khủng khiếp như bị cướp đi ý chí tiếp tục sống của con người. Cái chết của Willy càng trở nên bi kịch và đau xót hơn bởi không ai biết đó là sự ra đi của một con người tên là “Willy” mà sau cùng sự việc này chỉ được nhắc tới như “cái chết của một người chào hàng vô danh nào đó”. Cái chết của người chào hàng là tác phẩm được sáng tác vào thế kỷ XX nhưng nội dung mà nó truyền tải vẫn còn giữ nguyên giá trị hiện thực sinh động khi bước sang thế kỷ XXI. Nhân vật nhân viên bán hàng trong tác phẩm này là nạn nhân của một xã hội văn minh và cái chết của ông được coi là bi kịch điển hình cho mặt trái của chủ nghĩa tư bản.

Cái chết của người chào hàng không chỉ ứng với những nhân viên kinh doanh mà đã trở thành một cụm từ phổ biến trên toàn thế giới. Điều này cũng cho thấy tương lai của vô số nhân viên công sở đang bị uy hiếp mạnh mẽ. Đặc biệt, việc Nhật Bản đang dần xóa bỏ chế độ làm việc trọn đời, vốn được biết tới như là nét đặc thù của nền văn hóa công sở nước này, đang làm dấy lên mối lo ngại trong giới người làm công ăn lương. Gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang giảm thiểu số lượng lao động chính thức, thay vào đó, họ tuyển dụng nhân viên làm việc với các hợp đồng ngắn hạn hoặc không chính thức. Nếu như vào năm 1985 có tới 85% lao động được ký kết hợp đồng lao động chính thức thì đến năm 2007 con số này giảm xuống chỉ còn 64,8%. Mặt khác, cũng trong khoảng thời gian này, số lượng lao động không chính thức tăng từ 15% lên 35,2%. Khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, biện pháp đầu tiên được các doanh nghiệp áp dụng khi cần phải tiết giảm chi phí chính là cắt giảm nhân lực. Việc đầu tiên là hạn chế tuyển dụng nhân viên mới, đồng thời giảm bớt số lượng nhân viên chính thức và cũng là lực lượng lao động mà công ty cần phải đảm bảo các điều kiện lao động liên quan. Tình trạng này vẫn tiếp diễn khiến việc trở thành nhân viên chính thức và bước qua cổng chính dẫn vào các doanh nghiệp lớn ngày càng trở nên chật hẹp với giới trẻ Nhật Bản. Điều này dẫn tới hiện tượng xuất hiện nhiều lao động không chính thức bước vào công ty bằng cổng sau rồi cũng bước ra chính từ cánh cổng đó.

Sự thay đổi mô hình việc làm theo chiều hướng này đã thay đổi toàn bộ diện mạo xã hội Nhật Bản. Trong quá trình thay đổi này đã xuất hiện một hệ thống từ mới rất đa dạng như Freeter để chỉ những người không có công việc ổn định và coi những việc làm bán thời gian, nghề tự do là nghề kiếm sống; Hikikomori là từ để chỉ hiện tượng tự giam mình trong nhà và xa rời khỏi cuộc sống xã hội hay công việc; NEET ám chỉ một nhóm người “lông bông” không tìm được động lực làm việc, v.v… Tựu trung, hệ thống từ mới cùng với những hiện tượng xã hội ẩn sâu bên trong đó cho thấy thái độ lảng tránh cuộc sống của một bộ phận giới trẻ mang tâm lý bất an, mong manh trong xã hội hiện đại. Giờ đây, những người làm công ăn lương tại Nhật Bản đang phải đối mặt với một cái kết dành cho chế độ làm việc trọn đời bắt đầu được khởi xướng từ những năm 1990.

Tuy nhiên, cần phải thấy được rằng đây không phải là vấn đề của riêng Nhật Bản. Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ IMF và khủng hoảng kinh tế thế giới trong những năm 2000, cái chết của người chào hàng đã nhanh chóng lây lan và trở thành một hiện tượng phổ biến toàn cầu. Điều đặc biệt nguy hiểm là những hệ lụy mà nó kéo theo đang nhằm thẳng vào thế hệ thanh niên chuẩn bị bước ra ngoài xã hội. Báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đặt ra cho xã hội một tương lai u ám khi đưa ra con số 12,7% thanh niên trên toàn thế giới đang rơi vào tình trạng thất nghiệp và tình hình này còn tiếp tục xấu đi trong vòng 5 năm tới. Toàn thế giới đang oằn mình trong cơn bạo bệnh việc làm với những thanh niên thuộc thế hệ mất mát1. Chúng ta có thể tuyên bố rằng, giờ đây, giới trẻ toàn cầu đang đối mặt với một tương lai nghề nghiệp bấp bênh.

1. Thuật ngữ ám chỉ những thanh niên Nhật Bản lớn lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên và phải chịu nhiều thiếu thốn trong công việc, tiền bạc, tình cảm, phải kiếm sống bằng những công việc không ổn định với mức lương bèo bọt. (ND)

Mặc dù luôn duy trì một tỷ lệ tăng trưởng cao, tình hình kinh tế khá ổn định, song nước láng giềng Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề đáng lo ngại. Thực tế hiện nay tại Trung Quốc, cứ 10 thanh niên thì lại có 1 người không thể tìm được việc làm và con số này đang tiếp tục gia tăng. Câu hỏi đặt ra là 30 năm sau khi thực hiện cải cách mở cửa với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, tại sao thanh niên Trung Quốc vẫn không tìm được việc làm? Vấn đề nằm ở sự phân biệt trong việc làm và nghề nghiệp. Thứ mà họ thiếu là những vị trí làm việc tốt. Những công việc ổn định với mức lương cao rất hạn chế, trong khi đó số lượng lao động trẻ có trình độ cao lại không ngừng tăng lên. Những lao động trẻ đã chú trọng đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của bản thân cho rằng những công việc với mức lương thấp không phù hợp với trình độ của họ và chấp nhận trì hoãn tìm kiếm việc làm. Vấn đề của thị trường việc làm Trung Quốc là mâu thuẫn giữa tiêu chuẩn của người tìm việc và yêu cầu của công việc đặt ra từ phía nhà tuyển dụng. Trong khi đó, tình trạng này cũng tăng thêm gánh nặng cho giới trẻ Trung Quốc khi mà họ vốn đã được coi là thế hệ six pocket (six pocket generation).

Hội chứng six pocket là thuật ngữ xuất phát từ chính sách một con của Trung Quốc, dẫn tới mô hình gia đình một con trở nên phổ biến tại nước này. Như vậy 6 người lớn trong một gia đình bao gồm cha mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại sẽ tập trung tiền của và sức lực để chăm sóc một đứa trẻ duy nhất. Mỗi đứa trẻ sẽ được chăm chút tỉ mỉ và một mình thừa hưởng tất cả sự chiều chuộng của cả gia đình như một “tiểu hoàng đế”, song vấn đề sẽ nhanh chóng phát sinh khi đứa trẻ trưởng thành. Tình thế bị đảo ngược khi 6 người lớn trong gia đình ngày càng có tuổi, dẫn tới thực tế một người trẻ có trách nhiệm phụng dưỡng 6 người già. Điều này đặt lên vai thế hệ trẻ những áp lực vô cùng nặng nề. Gánh nặng gia đình khiến thế hệ trẻ đặt nhiều kỳ vọng vào một mức lương cao trong công việc. Tuy nhiên, kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn, và khi thực tế không như mong đợi thì họ dần mất đi niềm tin vào khả năng của bản thân. Sau khi chật vật để có được một công việc ưng ý, việc rơi vào môi trường cạnh tranh khốc liệt chốn công sở mà không có một chỗ dựa khiến họ không tránh khỏi cảm giác chán nản, muốn bỏ cuộc. Có thể thấy rằng thế hệ six pocket của Trung Quốc hiện đại có một cuộc sống không mấy hạnh phúc. Tỷ lệ sinh ngày càng giảm sút đã đẩy nhanh quá trình già hóa dân số, khiến gánh nặng xã hội tăng cao và dẫn tới căn bệnh trầm cảm nặng nề phổ biến trong giới trẻ hiện đại.

Cần có chiến lược để “tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân”

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hankyoreh, Kim Ho, đại diện công ty The LAB h, một chuyên gia về lĩnh vực tư vấn và quản lý rủi ro Hàn Quốc có đôi lời nhắn nhủ tới những người trẻ tuổi mới bước vào xã hội.

“‘Công sở’ không thể trở thành sự bảo đảm cho chúng ta nhưng ‘nghề nghiệp’ thì hoàn toàn có thể. Tôi có một lời nhắn gửi tới những ai chuẩn bị bước vào môi trường công sở, hãy tìm cho mình một nghề mà bạn có thể dành cả đời để gắn bó với nó, thay vì tìm một nơi làm việc mà bạn chỉ có thể trụ lại lâu nhất từ 20 đến 30 năm.”

Chúng ta đang sống trong một thời đại bấp bênh và nhiều rủi ro. Giờ đây, nơi làm việc không còn là lá chắn bảo hộ an toàn nữa. Thứ duy nhất có thể bảo đảm cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh chỉ có thể là nghề nghiệp, là sự nghiệp của chúng ta. Thuật ngữ “cái chết của người chào hàng” không có ý ám chỉ những công ty trả lương cho người lao động ngày càng ít đi, mà chính xác phải là giá trị tồn tại của những công ty như vậy không còn giữ thế thượng phong như trước kia. Bởi trong thời đại ngày nay, nghề nghiệp đã trở nên quan trọng hơn nơi làm việc. Nếu tin tưởng vào sự nghiệp của bản thân và xác định được một mục đích rõ ràng thì bạn hoàn toàn có thể biến rủi ro thành cơ hội.

Kazuo Inamori, nhà sáng lập Tập đoàn Kyocera − một trong những biểu tượng lớn của nền kinh tế Nhật Bản trong thế kỷ XX và lọt vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới, được mệnh danh là “bậc thầy kinh doanh”. Trên con đường đưa một doanh nghiệp nhỏ trở thành tập đoàn tầm cỡ thế giới, Kazuo Inamori đã trải qua không ít thăng trầm. Hơn ai hết, ông thấu hiểu tình cảnh khốn đốn của một nhân viên không được trả lương đúng hạn và trạng thái tâm lý băn khoăn, trăn trở về quyết định thay đổi công việc bám riết lấy tâm trí những người làm công ăn lương, bởi ông cũng từng có thời kỳ như vậy. Thế nhưng, Kazuo Inamori chưa bao giờ mất đi niềm hy vọng hay có ý định từ bỏ. Trong những trăn trở sâu sắc về công việc, thứ chiếm phần lớn cuộc đời của chính mình, Kazuo Inamori tin rằng nếu chỉ một giây phút nào đó, ông chấp nhận thỏa hiệp với công việc thì cả đời ông sẽ bị nó khuất phục. Bởi vậy, Kazuo Inamori tự đặt ra cho bản thân một câu hỏi mang tính quyết định vô cùng quan trọng. Đó chính là câu hỏi để đi tìm ý nghĩa và giá trị đích thực của công việc: “Tại sao mình lại làm việc?”

Từ câu hỏi ấy, ông bắt tay vào công cuộc biến “việc của người khác” thành “sự nghiệp của bản thân”. Đó cũng chính là quá trình tận hưởng niềm vui trong công việc và gặt hái những thành công vượt bậc. Ông từng nói, để thấy được giá trị của cuộc sống, trước hết phải hiểu được công việc có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong cuộc đời mỗi con người. Sức mạnh đã khiến một nhân viên công sở bình thường trở thành “doanh nhân hàng đầu Nhật Bản” hay “bậc thầy kinh doanh” thực ra lại bắt nguồn từ một suy nghĩ vô cùng giản dị “Hãy vui vẻ tận hưởng công việc mà bạn đang làm”. Kazuo Inamori đã viết như thế này trong cuốn Cách sống – từ bình thường trở nên phi thường, một tác phẩm nổi tiếng chứa đựng quan điểm về nghề nghiệp và thế giới quan của ông.

“Nếu bạn thắc mắc ‘rốt cuộc chúng ta làm việc vì cái gì?’ thì mong bạn hãy nhớ kỹ lấy điều này. Việc mà bạn đang làm là hành vi quan trọng nhất nhằm tự rèn luyện bản thân, gọt giũa tâm hồn và tìm ra giá trị của cuộc sống.”

Việc tìm kiếm giá trị của công việc không yêu cầu những triết lý cao siêu hay kiến thức chuyên môn đặc biệt. Con đường đi tìm giá trị của việc làm chỉ cần bắt đầu từ việc tự đặt ra cho bản thân câu hỏi về động cơ làm việc và tìm cách đón nhận tương lai gần ngay trước mắt, đó chính là ngày mai theo cách mà ta có thể cảm thấy hạnh phúc, chứ không phải một tương lai xa xôi nào khác. Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy biến cố với tương lai bất định, nhưng đối với ai đó, ngay cả những khổ đau của thời đại không phải là trở ngại, mà chính là cơ hội bất tận cho tương lai.

Tay golf chuyên nghiệp người Mỹ, Lee Trevino, từng nói:

“Ngủ yên là điều khó khăn nhất trên đời, bởi tôi luôn nóng lòng muốn thức dậy để bắt tay ngay vào những việc cần phải làm.”

Thế nhưng, trong thực tế, “thời gian làm việc” và “trách nhiệm công việc” luôn được đặt lên hàng đầu, còn “tìm kiếm niềm vui trong công việc” dường như là điều bất khả thi. Đối với các nhân viên công sở, thời gian hạnh phúc nhất trong tuần vỏn vẹn chỉ có thứ Bảy máu chảy về tim thứ Sáu máu hơn thứ bảy, rồi ngay vào đêm Chủ nhật “hội chứng ngày đầu tuần” nhanh chóng ập đến kéo bạn trở về với tâm trạng trầm uất, mệt mỏi thường ngày.

Liệu đến một lúc nào đó, “hạnh phúc trong công việc” sẽ xuất hiện khi có thêm nhiều người cảm thấy hứng khởi đi làm vào mỗi thứ Hai đầu tuần? Tôi tin rằng trong hiện thực lao động không lấy gì làm vẻ vang này, trong tương lai, con người có thể vì tình yêu với công việc mà trằn trọc, trăn trở chỉ có thể xảy đến khi chúng ta thực sự quyết tâm gây dựng nền tảng sự nghiệp của bản thân và thay đổi cấu trúc của nền kinh tế xã hội.

Hy vọng rằng câu chuyện mà tôi bắt đầu ngay sau đây có thể trở thành sợi dây liên hệ tuy mong manh nhưng có thể giúp các bạn tìm thấy những đầu mối đầu tiên để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập còn tồn tại trong xã hội và trong chính bản thân các bạn.

Mời các bạn tải đọc sách Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi của tác giả Kim Ran Do.

 

 

Download Ebook

Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi

Pdf

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

  Giới thiệu Ebook Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi       Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Tương Lai Nghề Nghiệp Của Tôi của tác giả…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close