Ebook  Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập PDF epub azw3 mobi

Ebook

Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập

PDF epub azw3 mobi

 

Giới thiệu Ebook

Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập

 

 


Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập của tác giả Antoine Galland & J. C. Mardrus & Phan Quang (dịch).

Giới thiệu về bộ sách:

  • Bộ sách 10 tập này được xuất bản vào thập niên 1980 bởi Nhà xuất bản Văn học. Nó được dịch từ hai nguồn khác nhau:
    • Tập 1 đến tập 4: Dịch giả Phan Quang dịch từ phiên bản của tác giả Galland. Sau này, Phan Quang đã cập nhật thêm một số truyện, trong đó có truyện được chuyển thành phiên âm kiểu Pháp.
    • Tập 5 đến tập 10: Nhóm Nguyễn Trác và Đoàn Nồng dịch từ phiên bản của tác giả Mardrus.

Bản ebook này dựa trên cơ sở bộ sách của NXB Văn học xuất bản từ năm 1982 đến năm 1989. Vì vậy cũng được chia làm 10 tập gồm cả các thông tin về việc xuất bản bộ sách.

Scan: nguyenthanh-cuibap, quang3456, 123phat, hoahong_honghoa, khiconmtv, 4DHN của trang tve-4u.org.

Đánh máy:

Từ tập 1 đến tập 5: Nguyễn Nguyễn, Sad Song, Phương Trâm, Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Đức Anh, Uyen Vo, Tuan Dao, Dương Lam, Tô Tiến, Ku Kien, Hanh Trang, Phong Linh, Bảo Trân, Trịnh Công Sơn, Stella Vũ. Con Nhà Người Ta, Giang Nguyễn, Luu Hoang Mai, Tommy Tran, Bư Toàn, Nguyễn Sơn Nam, Leo Phuong, Thu Trang, Hồ Thanh Trà, Phạm Hương Giang của group Ebolic trên facebook.

Từ tập 6 đến tập 10: Fleur – de – Lys của trang thuvien-ebook.com và minhngoc1208 của trang tve-4u.org.
Nghìn lẻ một đêm, tác phẩm vĩ đại bậc nhất của nền văn học A Rập, là một trong những công trình sáng tạo phong phú và hoàn mỹ của nền văn học thế giới.

Để tựa bản dịch tiếng Nga xuất bản năm 1929 ở Sankt Peterburg, Macxim Gorki viết: “Trong số các di tích tuyệt diệu của sáng tác truyền khẩu dân gian, các truyện cổ tích của nàng Sêhêrazát là di tích đồ sộ nhất.

Những truyện cổ tích này thể hiện với mức hoàn hảo kỳ diệu, xu hướng của nhân dân lao động muốn buông mình theo phép nhiệm màu của những ảo giác êm đẹp, theo sự kết hợp phóng khoáng của từ ngữ thể hiện sức mạnh vũ bão của trí tưởng tượng hoa mỹ của các dân tộc phương Đông – người A Rập, người Ba Tư, người Ấn Độ. Công trình dệt gấm bằng từ ngữ này xuất hiện từ thời tối cổ, những sợi tơ muôn màu của nó lan khắp bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng.”

Truyện mở đầu tất cả các truyện, giải thích lý do ra đời của tất cả các truyện, cái khâu đầu tiên của sợi dây chuyền vàng xuyên qua mọi tình tiết, liên kết chúng lại thành một chuỗi ngọc tuyệt tác muôn vẻ muôn màu rồi vòng trở lại để làm thành đoạn kết thúc, là chuyện của một người con gái. Một người con gái tài sắc vẹn toàn, thông minh rất mực, đã không quản hiểm nguy dám hi sinh tấm thân ngà ngọc của mình để cứu các bạn gái khỏi cảnh ô nhục và cái chết bi thương.

Ngày xưa có hai anh em cùng làm vua. Anh làm hoàng đế nước Đại Ba Tư choán một phần lớn trái đất. Em là vua nước Đại Táctari, chư hầu của anh. Một hôm, được lệnh của anh triệu về, em vội vã lên đường. Xa giá vừa ra khỏi kinh thành, đã nghỉ lại; nhà vua nhớ hoàng hậu, một mình lén trở lại cấm cung định tự tình với người vợ quý yêu một lần nữa. Nhưng hỡi ôi! Nhà vua không được gặp hoàng hậu như ở trong cảnh nhớ nhung thao thức mà lại thấy hoàng hậu đang ngủ say trong vòng tay một người đàn ông khác ngay trên giường ngự của mình. Nổi giận, nhà vua chém chết đôi gian phu dâm phụ, ném xác xuống hào rồi lặng lẽ trở lại hành cung và ra lệnh khởi hành. Vua tuyệt nhiên không hé răng cho bất cứ ai biết nỗi khổ riêng đang giày xé lòng mình.

Song cũng từ buổi tối bất hạnh ấy, một nỗi buồn ghê gớm xâm chiếm nhà vua và thường xuyên lộ ra nét mặt. Cảnh hoàng đế thân hành ra đón từ ngoài kinh thành, cảnh hội hè yến tiệc, nghi lễ linh đình cũng như sự săn sóc chân tình của vua anh đểu không thể làm tiêu tan nỗi u uẩn.

Nhà vua tự cho mình là người đau khổ nhất trần gian. Nhưng một hôm tình cờ nhà vua bắt gặp hoàng hậu, chị dâu của mình, ngoại tình với một tên da đen trong khi hoàng đế mải đi săn. Vua em thấy nhẹ hẳn người: “À, ra không phải chỉ có ta là người đau khổ duy nhất. Vinh hiển, phú quý, quyền uy chấn động thiên hạ đến như hoàng đế anh ta mà vẫn bị vợ lừa dối. Vậy thì việc gì ta phải tự giày vò cho khổ thân!”

Đến lượt vua anh, khi được tự mình chứng kiến hành động dâm ô của hoàng hậu, ông cũng vô cùng chán ngán. Hai anh em cùng một lúc từ bỏ ngai vàng, từ bỏ mọi phú quý vinh hoa trên trần thế. Hai anh em ra đi định tìm chốn ẩn thân đến trọn đời ở một nơi chân trời góc bể nào đó cho khuây khỏa nỗi buồn, cho nguôi đi vết nhục. Nhưng tình cờ – vẫn là sự tình cờ – hai vua bắt gặp một thần linh từ dưới đáy biển nổi lên, ghé vào bờ. Trên đầu thần đội một chiếc hòm thủy tinh khóa bằng bốn chiếc khóa. Để phòng ngừa vợ có thể không chung thủy, thần đã nhốt ả vào trong đó và giấu tận đáy đại dương, chỉ mở cho ra những khi nào mình cần yêu đương tình tự. Ấy thế mà người đàn bà đẹp này đã từng ngoại tình với những chín mươi tám người đàn ông khác. Mỗi người sau phút ái ân, phải để lại cho ả một chiếc nhẫn làm kỷ niệm. Và mỉa mai làm sao! Hai nhà vua, hai ông chồng đang buồn rầu ngao ngán về thế sự này lại chính là những kẻ bị ả ép buộc làm những tình nhân bất đắc dĩ thứ chín mươi chín và thứ một trăm.

Vậy ra đàn bà ở đâu cũng vậy và ai cũng như ai thôi. Không thể có cách nào đủ hiệu lực ngăn ngừa, để cho họ giữ vẹn lòng chung thủy với chồng. Chỉ còn một cách – hoàng đế nước Đại Ba Tư rút ra kết luận – là giết ngay người con gái vừa chung chăn gối, không để cho sống đến ngày hôm sau. Đó chính là cách trả thù đời, trả thù đám đàn bà, trả thù vợ của những ông chồng bị cắm sừng mà trong tay có quyền lực tối cao.

Từ buổi đó, một luật lệ mới được ban hành ở nước Đại Ba Tư. Một luật lệ vô cùng dã man, hết sức khắc nghiệt. Vua truyền cho tể tướng cứ mỗi đêm bắt vào cung một cô gái trinh để hầu hạ mình, rồi rạng sáng hôm sau, khi đêm vừa hết, thì ra lệnh giết chết cô gái ấy.

Thế là cứ mỗi đêm một cô gái trinh đi lấy chồng và sáng ra một người đàn bà thiệt mạng.

Cảnh tang tóc bao phủ khắp kinh thành. Cung đình tràn ngập máu. Nỗi đau đớn xé lòng mọi người mẹ, người cha, người yêu, người chồng chưa cưới. Giữa lúc ấy xuất hiện cứu tinh, nàng Sêhêrazát, con gái yêu của chính tể tướng, người chịu trách nhiệm thi hành lệnh tàn bạo của vua.

Sêhêrazát khẩn khoản xin cha dẫn mình vào cung hiến cho hoàng đế.

– Con điên hay sao? – Tể tướng kinh hoàng.

– Không, thưa cha, con hiểu rõ nỗi hiểm nghèo mà con sẽ phải trải qua. Nhưng nó không làm cho con kinh sợ. Nếu con có bỏ mình, cái chết sẽ quang vinh, nếu con thành công, con sẽ giúp cho đất nước một việc hệ trọng.

Sêhêrazát vào hầu hoàng đế, chỉ xin mỗi một đặc ân: cho phép em gái nhỏ của nàng được ngủ với chị “một đêm cuối cùng”. Vua đồng ý. Tảng sáng hôm sau, một giờ trước khi mặt trời mọc, cô em gái nhỏ được dặn trước, liền gọi chị và khẩn khoản xin kể cho nghe “một trong những câu chuyện hay hay mà chị rất thành thạo”.

Tên vua độc ác, lúc xác thịt đã thỏa thuê, cũng muốn nghe một câu chuyện hay hay chờ trời sáng, để ra lệnh thi hành luật lệ dã man của hắn.

Nàng Sêhêrazát bắt đầu kể…

Trời sáng rồi mà chuyện hay còn dang dở. Nhà vua nửa cần đi thiết triều, nửa muốn nghe nốt, liền cho hoãn lệnh xử tử người con gái đến ngày hôm sau.

Một đêm nữa, rồi lại một đêm nữa… chuyện vẫn dở dang vào đoạn hay nhất, vừa lúc trời sáng và án tử hình lại phải hoãn.

Cứ thế một nghìn lẻ một đêm trôi qua.

Cứ thế, truyện này nối tiếp truyện kia, truyện sau lồng vào truyện trước. Truyện này chưa hết truyện khác đã bắt đầu dường như vô tận. Trước mắt chúng ta, hiện lên không biết bao nhiêu là nhân vật: từ hoàng đế, tể tướng, hoàng tử, vương tôn, nhà hiền triết, bậc tu hành, quan coi ngục, viên hoạn nô cho đến tên cướp biển, lão chủ nô, mụ mối, đứa du thủ du thực, lão lái buôn, bác phó cạo, anh thợ may, người vác thuê, nhà hàng thịt, cô hầu gái, chú tiều phu… Và phúc thần và phù thủy và ma quỷ và tiên nương… Khi là cảnh cung đình rực rỡ đèn hoa, lộng lẫy ngọc ngà châu báu, khi là cảnh dạt tàu cướp miếng ăn của ma mà sống. Lúc chuyện xảy ra trong thế giới thần tiên, lúc ở nơi đầu đường xó chợ. Về tôn giáo, có những người theo đạo Hồi, có những người theo đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái, lại có những người thờ thần Lửa… Về không gian, các chuyện xảy ra ở những nơi ngày nay được ghi trên bản đồ là Ấn Độ và Sơri Lanca, Liên Xô và Trung Quốc, Gióocđani và Iran và trước hết là Tây Á và Bắc Phi với Ai Cập, Irắc, Xyri. Tóm lại, khung cảnh rất rộng lớn, chủ để thật đa dạng, tình tiết hết sức bất ngờ, ngôn ngữ vô cùng phong phú, nhân vật rất thực và cũng rất hư. Quả khó có cách nào diễn tả cho gãy gọn nếu ta không trở lại mượn hình tượng Gorki đã dùng: “Những sợi tơ muôn màu cùa nó lan khắp bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng.”

Câu chuyện – hay đúng hơn là bộ sưu tập, là kho tàng những câu chuyện – mở đầu bằng những tình tiết gây ấn tượng không lấy gì làm tốt đẹp đối với người phụ nữ, đối với đức hạnh của những người vợ. Những cái nút vừa thắt lại thì đã tháo ra ngay làm bật rõ phẩm chất cao quý của một người con gái, trí tuệ sáng ngời của chính người đàn bà, chứ không phải là người thuộc giới tính khác. Sêhêrazát nói với cha: “Nếu con có phải bỏ mình, cái chết của con sẽ quang vinh, nhưng nếu con thành công, con sẽ giúp cho đất nước một việc hệ trọng. “Toàn bộ tác phẩm mở đầu với hành động cực kỳ hung bạo, hơn cả súc vật của một tên vua – bởi ngay loài cầm thú con đực cũng không bao giờ cắn chết con cái vì làm như vậy là trái với tự nhiên, là tự mình diệt chủng – và kết thúc bằng một cử chỉ hoàn toàn hợp với tính người. Sau đêm một nghìn lẻ một, bạo chúa không những tha chết cho nàng Sêhêrazát mà còn hủy bỏ luật pháp dã man của mình, luật pháp đã không có dịp thi hành suốt một nghìn lẻ một đêm nhờ công của một người con gái. Độc giả lúc gấp sách lại, hay thính giả khi người kể ngừng lời – vì đây là những chuyện kể – hoàn toàn thỏa mãn, vừa thú vị về nội dung đặc sắc của các câu chuyện, vừa hài lòng về cách kết thúc hợp lý hợp tình, “có hậu.” Không ai còn nhớ đến các hoàng hậu kém đức hạnh nữa. Trong trí nhớ mỗi người hiện lên rõ đậm hình dáng một nàng Sêhêrazát cao quý, dũng cảm, thông minh, xinh đẹp tuyệt trần và chắc chắn là giọng kể cực kỳ quyến rũ.

Ngay từ đêm đầu, chúng ta đã thấy được nghệ thuật đặc sắc của những chuyện sẽ kể tiếp trong một nghìn đêm sau.

***

Theo các nhà nghiên cứu, Nghìn lẻ một đêm – ít ra là bản lưu truyền đến với chúng ta ngày nay – được định hình hẳn vào khoảng cuối thế kỷ 15 ở Ai Cập. Thời kỳ này cả nước Ai Cập đã hoàn toàn theo đạo Hồi. Thật ra, sự xuất hiện của nó còn ngược lên đến thời xa xưa, bắt nguồn từ những chuyện Ba Tư rất cổ và đã trải qua một thời kỳ tồn tại lâu dài trước khi được viết ra thành văn.

Ở đâu cũng vậy, các chuyện kể dân gian không bao giờ là công trình sáng tạo của một người và có hình dạng hoàn chỉnh ngay từ đầu hay trong một thời gian ngắn. Thông thường xoay quanh một chủ đề cơ bản, được quần chúng tham gia, thời gian nhào nặn, tình tiết của câu chuyện phong phú dần lên, có khi biến dạng đi, và tất nhiên sẽ thay đổi ít nhiều tùy theo địa điểm và thời gian, bố cục ngày càng chặt chẽ. Cho đến một lúc nào đấy, nó được những tài năng kiệt xuất chỉnh lý, định hình lần cuối rồi được nhân dân chấp nhận coi như dạng bản cuối cùng. Các truyện kể được tập hợp trong công trình đồ sộ với cái tên phổ cập toàn thế giới Nghìn lẻ một đêm có lẽ bắt nguồn từ truyền thống các truyện dân gian xuất xứ ở phương Đông – đế quốc của các hoàng đế A Rập. Xoay quanh những truyện này, một số truyện khác cổ hơn, có nguồn gốc Ấn Độ, Ba Tư hoặc Ấn – Âu được bổ sung vào. Một loại nữa là những câu chuyện lưu truyền, phản ánh sinh động xã hội Hồi giáo buổi sơ khai của thời trung cổ, tức là thời đại các hoàng đế Abáxít trong đó một phần quan trọng dành nói về những chuyện phiêu lưu trên biển cả của những thương nhân đầu tiên bắt đầu mở rộng buôn bán với nước ngoài bằng đường biển. Tất nhiên có nhiều truyện nội dung vay mượn từ kho tàng cổ tích các dân tộc khác. Đây là một hiện tượng thường thấy, nó cắt nghĩa vì sao nhiều truyện cổ của người Ấn Độ, của Tây Âu chẳng hạn có những điểm chung giống những truyện cổ ở Trung Quốc, ở Nam Á. “Vay mượn không phải bao giờ cũng là xuyên tạc, đôi khi việc vay mượn bổ sung cho truyện và làm cho nó đã hay càng hay hơn.”

Những người kể chuyện rong mang những chuyện đó đi kể khắp nơi. Trong quá trình ấy họ gọt đẽo cách diễn tả cho thích hợp và hấp dẫn người nghe. Người ta cho rằng chính những người Ai Cập kể chuyện rong thế kỷ 12 và 13 đã làm cho các truyện trong Nghìn lẻ một đêm thêm phong phú về nội dung, linh hoạt về hình thức và sáng sủa về từ ngữ. Ngôn ngữ dùng trong tập truyện này gắn với tiếng nói của các tầng lớp bình dân A Rập hơn là ngôn ngữ kinh viện thời bấy giờ.

Cũng có thể Nghìn lẻ một đêm thành hình – với tư cách là một tác phẩm hoàn chỉnh – còn sớm hơn nữa. Theo R. Nicônxơn trong Lịch sử văn học A Rập, năm 956 một học giả A Rập tên là Masadi đã nhắc tới một cuốn sách cổ của người Ba Tư nhan đề “Một nghìn truyện, thường được gọi là Nghìn lẻ một một đêm, đó là chuyện một quốc vương và tể tướng cùng với tiểu thư và người hầu gái là nàng Sêhêrazát và Đináczát”

Năm 988, Mohammed Ishaq, tác giả một tập thư mục những tác phẩm văn học A Rập và nước ngoài, nói đến việc người A Rập soạn lại tập truyện cổ Ba Tư đó. Ông viết: “Tác giả tập Truyện các tể tướng là Abđul AI Jahshiyari bắt tay soạn một cuốn sách trong đó ông chọn một nghìn truyện của người A Rập, người Ba Tư, người Hy Lạp và nhiều dân tộc khác, các truyện đểu riêng biệt, không có quan hệ gì với nhau. Ông tập hợp một số người làm nghề kể lại, mời họ kể cho nghe rồi chọn những truyện hay nhất, những ngụ ngôn, cổ tích mà ông thích nhất. Là một người có tài, ông đúc những câu chuyện ấy lại thành bốn trăm tám mươi đêm, mỗi đêm là một truyện trọn vẹn dài trên dưới năm chục trang. Nhưng ông chết bất ngờ trước khi hoàn thành một nghìn truyện như dự định.”

Nghìn lẻ một đêm như ta đã biết hiện nay, lần đầu tiên được giới thiệu với châu Âu rồi từ đó phổ cập rộng khắp hầu như toàn thế giới là nhờ công lao của một học giả người Pháp Antoine Galland mà bản dịch từ khi ra đời cách đây gần ba thế kỷ đã mau chóng trở thành kinh điển.

Antoine Galland sinh năm 1646 tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Picácđi, miền Bắc nước Pháp. Ông mồ côi cha từ sớm. Bà mẹ phải làm lụng vất vả cho con ăn học. Mười bốn tuổi đã phải đi làm; một năm sau tìm đến Paris tiếp tục trau dổi kiến thức. Sau đó, giúp việc cho sứ thần Pháp ở Côngxtăngtinôp (nay là Xtămbun, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) nhờ vậy ông có điều kiện đi lại nhiều nước Tây Á. Trở về Paris, một hôm tình cờ đọc được một bản chép tay bảy truyện cổ A Rập, ông có ý định dịch và cho xuất bản. Sách sắp đưa in thì dịch giả được biết những truyện này thực ra rút từ “một pho đồ sộ gồm nhiều truyện tương tự chia thành nhiều tập để là Nghìn lẻ một đêm.

Ông nhờ người tìm kiếm hộ, từ Xỵri người ta chỉ gửi đến cho ông có bốn tập. Ông dịch ngay tập đầu tiên và cho xuất bản năm 1704. “Món quà nhỏ mọn” như lời ông viết trong thư gửi tặng hầu tước phu nhân 0” lập tức được hoan nghênh nhiệt liệt. Thành công hết sức to lớn. Cùng với hầu tước phu nhân O, cả triều đình, nghị viện từ giai cấp tư sản cho đến các tầng lớp nghèo hèn, tóm lại là tất cả những ai biết đọc biết viết ở Pháp đều đổ xô vào tranh nhau tập sách.

Trong bốn năm, từ 1704 đến 1708, mười hai tập lần lượt ra đời. Năm 1709 Antoine Galland được một người bạn A Rập đến Paris trao thêm cho một số truyện nữa, ông lại dịch và cho in tiếp. Từ 1704 đến 1782, trong vòng bảy mươi tám năm, bản dịch của A. Galland được in lại hơn bảy mươi lần. Trong những điều kiện của thời bấy giờ, với phương tiện và kỹ thuật ấn loát thô sơ, công nghiệp giấy chưa phát triển, tỉ lệ người biết đọc và biết viết cũng chưa cao, thành công ấy vượt quá mức tưởng tượng và sự mong ước của mọi người. Từ bản của AntoineGalland, Nghìn lẻ một đêm được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước châu Âu: Anh, Hà Lan, Đức, Italia, Tây Ban Nha và một số nước tại các châu lục khác.

Chừng hai thế kỷ sau Antoine Galland, một bản dịch tiếng Pháp khác của Nghìn lẻ một đêm ra đời. Dịch giả là tiến sĩ J. J. C. Mardrus. Thật ra đây là một bản dịch theo quan niệm và phong cách hoàn toàn khác: Mardrus không bỏ sót một chi tiết nào, kể cả những đoạn rườm rà đậm màu dâm tục và tất cả những thơ rải rác trong các truyện. Người ta đã bàn cãi khá nhiều về hai bản dịch đó. Các nhà nghiên cứu văn học đều nhất trí đánh giá cao bản dịch của Antoine Galland. Người dịch đã cố tình tước bớt, để tránh cho những người đọc đỡ ngượng ngùng, một số chi tiết tả tỉ mỉ những cảnh sinh hoạt mà cho dù có in ra “cũng không cho biết thêm một điều gì mới mẻ về phong tục những người theo đạo Hồi” bởi vì những cảnh ấy “diễn tả con người đang sống theo những giây phút bản năng thấp hèn nhất mà bất cứ người sống ở vĩ tuyến nào cũng đều có” như lời nhận xét của E.BIochet trong tạp chí Bách khoa (Pháp) số tháng Giêng năm 1900. Tạp chí này nhận xét: “Bản dịch của Antoine Galland cho chúng ta một ý niệm rất trung thành về tính cách và lời văn của bộ Nghìn lẻ một đêm cũng như về sinh hoạt của người A Rập.”

Charles Nodier một nhà văn Pháp cũng chuyên viết truyện cổ tích đầu thế kỷ 19 đã đánh giá bản dịch của Antoine Galland như sau: “Bản dịch của AntoineGalland là một tác phẩm có thể coi là kinh điển trong thể loại văn học này, và nếu nó có phải chịu vài điều chê trách của những nhà Đông phương học nào đó mê tín sự trung thành với các nguyên tác, ấy là vì những vị này coi trọng lợi ích ngành học thuật chuộng màu sắc xa lạ của họ hơn là tinh thần của ngôn ngữ và những yêu cầu của nền văn học dân tộc chúng ta… Chúng tôi quả quyết rằng lẽ ra người ta phải thông cảm hơn với trí thông minh và sự tinh tế của Antoine Galland đã gạt bỏ ra khỏi các truyện xinh xắn ấy những hình tượng chói chang, nhiều chi tiết nhạt nhẽo, những sự trùng lặp vô bổ chỉ có thể làm giảm sút hứng thú trong một ngôn ngữ bóng bẩy nhưng chính xác, bất kỳ ở đâu cũng muốn kết hợp tính gợi cảm và tính chuẩn xác (là tiếng Pháp).”

Nhà văn Gaston Picard gần đây khi soát lại bản dịch của Galland để cho in lại (bản in năm 1962) sau khi trích dẫn ý kiến của tạp chí Bách khoa đã hóm hỉnh nhận xét thêm: Antoine Galland ý tứ hơn nhiều so với tiểu thư Sêhêrazát, người mới hôm qua đây còn là một trinh nữ. Ông sợ làm chối tai bạn đọc tuy không còn là thơ dại như Đináczát song cũng không có đôi tai ưa nghe những chuyện sỗ sàng như đôi tai bạo chúa Saria. Khác với Mardrus, AntoineGalland không quan tâm dịch các vần thơ. Có lẽ ông không muốn để người đọc phải sốt ruột.

Với những truyện hấp dẫn thế này, ai chẳng nóng lòng muốn biết kết cục rồi sẽ ra sao. Vả chăng, chẳng phải là chất thơ đã thấm đượm mọi dòng, mọi trang của truyện A Rập đó sao? Đây là văn học dân gian. Tuy đề tặng một hầu tước phu nhân, song thật ra Antoine Galland khi dịch đã nghĩ tới những độc giả bình thường, các tầng lớp đông đảo – và chính điều đó quyết định một phần rất lớn thành công của ông. Nhờ vậy, tập truyện mau chóng phổ cập rộng rãi tuy sau khi bị cắt xén, lược dịch và chọn lọc, vẫn còn dài tới gần hai nghìn trang.

Còn J. C. Mardrus thì xuất phát từ một quan điểm khác. Không phải ngẫu nhiên mà toàn bộ bản dịch của ông để tặng Stéphane Mallarmé và tập I để tặng Paul Valérỵ – hai nhà thơ bí hiểm. Vì những lẽ đó, một số nhà phê bình có xu hướng coi bản dịch của Mardrus nặng tính chất một công trình nghiên cứu phong tục hơn là một tác phẩm văn học. Và cũng chính vì lẽ đó Nhà xuất bản Kim Đồng lần này giới thiệu Nghìn lẻ một đêm qua bản dịch của Antoine Galland.

Mời các bạn tải đọc sách Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập của tác giả Antoine Galland & J. C. Mardrus & Phan Quang (dịch).

 

Download Ebook

Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập

Pdf

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

  Giới thiệu Ebook Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập     Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Nghìn Lẻ Một Đêm – Dân Gian Ả-rập…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose