Ebook  Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn PDF

Ebook

Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn

PDF

Giới thiệu Ebook

Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn


Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn của tác giả Thích Nhất Hạnh.

Sách Nghi Thức Tụng Niệm (toàn bằng quốc văn) của nhà xuất bản Lá Bối ra đời lần thứ nhất vào năm 1989, đã được giới Phật tử trong nước và ngoài nước hưởng ứng một cách rất cảm động. Khi những bài kinh dễ hiểu, rõ ràng, đượm màu sắc ngôn ngữ dân tộc được tụng lên, ai cũng cảm thấy thoải mái, nhất là giới trẻ. Giới trẻ đã hiểu, đã cảm, đã chấp nhận và đã tham dự vào sự hành trì tụng niệm. Cùng với sách Nghi Thức Tụng Niệm, chúng tôi cũng đã phát hành một số những băng kinh, như băng niệm Bụt Thích Ca, băng niệm bồ tát Quán Âm, băng Tụng Kinh, Sám Nguyện, Tụng Giới, Chúc Tán v.v…, để hỗ trợ cho việc thực tập. Những băng kinh này cũng đã được các giới đồng bào ưa thích và sử dụng. Trong ấn bản lần thứ hai (1994 ), sách Nghi Thức Tụng Niệm lại có thêm nhiều nghi thức mới như Chúc Tán, Tụng Giới Tiếp Hiện, Thí Thực, Gia Trì Nước Tịnh, Thành Phục, Nhập Quan, Cúng Thất, Cúng Ngọ, Thọ Trai, và các kinh văn mới như Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não, Kinh Người Áo Trắng, Kinh Người Bắt Rắn v.v… Những nghi thức và kinh văn này có thể làm thỏa mãn hầu hết những nhu yếu hành trì của các giới Phật tử.

Trong ấn bản 1999 mà chúng tôi gọi là Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn này, sách lại đã được tăng cường bằng một số các kinh văn mới như Kinh Hải Đảo Tự Thân, Kinh Tuổi Trẻ và Hạnh phúc, Kinh Soi Gương, Kinh Diệt Trừ Phiền Giận, Kinh Phổ Hiền, Kinh A Di Đà…, nghi thức mới như nghi thức Chúc Tán Tổ Sư và các bài sám nguyện mới như bài Hướng Về Kính Lạy, Bài Tụng Hạnh Phúc, Tùy Hỷ Hồi Hướng… và rất nhiều bài kệ tán mới.

Chúng tôi mong ước sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn này sẽ đem lại cho hành giả thêm nhiều hạnh phúc và thổi vào một ngọn gió mới tươi mát và lành mạnh trong công phu thực tập.

***

Review sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn của tác giả Thích Nhất Hạnh

Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn là một cuốn sách hướng dẫn thực hành tụng niệm theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, được biên soạn bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách được chia thành nhiều phần, bao gồm:

  • Lời chỉ dẫn: Giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và cách thực hành tụng niệm.
  • Các nghi thức: Bao gồm các nghi thức tụng niệm hàng ngày, các nghi thức đặc biệt như cúng thất, thọ trai, v.v.
  • Kinh văn: Bao gồm các bài kinh tiêu biểu trong kinh điển Phật giáo.
  • Thi kệ nhật dụng: Các bài thi kệ giúp thực hành chánh niệm trong đời sống hàng ngày.
  • Kệ chuông: Các bài kệ được sử dụng trong nghi thức tụng niệm.

Cuốn sách được viết bằng tiếng Việt thuần túy, với văn phong giản dị, dễ hiểu, phù hợp với cả người xuất gia và tại gia.

Đánh giá

Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn là một cuốn sách hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu và thực hành tụng niệm theo truyền thống Phật giáo Việt Nam. Cuốn sách cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để thực hành tụng niệm đúng cách, từ các nghi thức, kinh văn cho đến các bài thi kệ nhật dụng.

Điểm nổi bật của cuốn sách là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Các nghi thức tụng niệm được trình bày một cách khoa học, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của người học Phật hiện đại. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng giới thiệu nhiều bài thi kệ nhật dụng, giúp người học Phật có thể thực hành chánh niệm trong đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên, cuốn sách cũng có một số hạn chế. Thứ nhất, cuốn sách chỉ giới thiệu các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Việt Nam, chưa có sự so sánh với các nghi thức của các truyền thống Phật giáo khác. Thứ hai, một số bài kinh văn trong cuốn sách được dịch từ tiếng Hán, chưa được chú thích đầy đủ, khiến người đọc khó hiểu ý nghĩa của kinh.

Nhìn chung, Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn là một cuốn sách hữu ích và đáng đọc cho những ai muốn tìm hiểu và thực hành tụng niệm theo truyền thống Phật giáo Việt Nam.

***

Lời chỉ dẫn

Đây là những nghi thức tụng niệm thuần bằng quốc ngữ với văn pháp Việt ngữ. Nghi thức nào cũng bắt đầu bằng thiền hành và thiền tọa để giúp ta thực hiện được sự tĩnh tâm và an lạc trước khi tụng kinh và niệm Bụt. Mục thiền hành chỉ nên giảm bớt khi bên ngoài có mưa gió hoặc không có địa điểm thuận lợi.

Sử Dụng Chuông Mõ

Đây là nghi thức khai chuông mõ đơn giản nhất. Ba tiếng chuông đầu được thỉnh cách xa nhau đủ để mọi người có thì giờ thở ba hơi (vào, ra) sau mỗi tiếng chuông. Ký hiệu | chỉ cho việc thức chuông (thức có khi gọi là nhắp, có nghĩa là đặt dùi chuông vào vành chuông và dí mạnh vào để báo hiệu rằng sẽ có một tiếng chuông vọng lên, nhằm chuẩn bị cho mọi người phát khởi chánh niệm). Khi nghe chuông, lập tức trở về với hơi thở và thở thật êm dịu theo bài kệ “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười”.

Ký hiệu C chỉ cho chuông, ký hiệu M chỉ cho mõ. Ký hiệu m chỉ cho tiếng mõ nhỏ.

| C C C | m m m mm m m C M C M C M M MM M |

Sau tiếng nhắp | là Duy na bắt đầu xướng để tụng. Tiếng mõ thứ nhất đi với tiếng kinh thứ hai, tiếng mõ thứ hai đi với tiếng kinh thứ tư, và từ đó cứ mỗi tiếng kinh là một tiếng mõ. Đầu câu cuối của bài kinh thì có tiếng chuông. Tiếng kinh áp chót được đặt giữa hai tiếng mõ, và tiếng kinh chót đi với tiếng mõ chót. Ví dụ:

Phép Bụt cao siêu mầu nhiệm
m m m m m

Cơ duyên may được thọ trì
m m m m m m m

Xin nguyện đi vào biển tuệ
m m m m m m m

Tinh thông giáo nghĩa huyền vi.
C m m m m mm m C

Khi trì tụng Tâm Kinh và các bài đà la ni (chú), tiếng mõ nên thỉnh mau hơn, dồn dập hơn, trong khi giọng tụng chỉ nên theo một nhịp trầm. Các bài tụng khác như khai kinh, quy nguyện, hồi hướng v.v… đều nên tụng chậm rãi, vừa trầm vừa bổng để có đủ nhạc tính.

Các câu xướng và tán như dâng hương, tán dương hay lễ Bụt đều có thể đi theo với lễ nhạc cổ truyền. Các bạn nào chưa quen, xin thỉnh một cuộn băng để nghe mà học.

Các Buổi Công Phu ở Chùa

Cùng với sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn này, Lá Bối đã cống hiến sách Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000 để sử dụng tại các chùa. Sách này có tới mười bốn buổi công phu khác nhau. Ngoài ra, sách còn có nghi Chúc Tán Rằm và Mồng Một, nghi Chúc Tán Tổ Sư, nghi Cúng Ngọ, nghi Thọ Trai, nghi Truyền Giới Sa Di, nghi Tụng Giới Sa Di, một phần phụ lục có Kệ Tán, Thi Kệ Nhật Dụng, và những chỉ dẫn về sự thực tập ba cái lạy.

Nghi Thức Công Phu Tại Gia

Nghi thức này có thể được sử dụng hàng ngày tại gia đình, vào buổi khuya trước khi đi ngủ, hoặc buổi sáng khi thức dậy. Ít nhất người tu tại gia cũng nên sử dụng nghi thức này mỗi tuần một lần vào thứ bảy hay chủ nhật. Nghi thức này không bắt đầu bằng thiền hành; nhưng nếu ta có thể bắt đầu nghi thức bằng ba mươi phút thiền hành thì rất quý. Đã có nhiều gia đình biết thực tập thiền hành chung mỗi ngày, và rất được an lạc nhờ pháp môn này. Ít nhất mỗi tuần gia đình bạn nên thực tập thiền hành chung một lần, vào dịp cuối tuần. Nếu chưa biết cách thiền hành, xin đọc cuốn Thiền Hành Yếu Chỉ.

Khi nào muốn rút ngắn bớt nghi thức, ta có thể không tụng Tâm Kinh. Bài tụng Quay Về Nương Tựa cũng là một bài lễ nhạc có thể hát được.

Nghi Thức Sám Hối

Nghi thức sám hối có thể trì tụng mỗi tháng một lần. Bài Sám Nguyện là một tấm gương để chúng ta tự soi, và kết quả của sự tự soi này là ta thấy được những vụng về do nếp sống thiếu chánh niệm hàng ngày của ta tạo ra, do đó ta có thể chuyển đổi cách nhìn và cách tiếp xử của ta trong đời sống hàng ngày để phẩm chất an lạc và hạnh phúc được nâng cao.

Nghi Thức Chúc Tán

Nghi thức chúc tán được thực tập mỗi tháng hai lần vào các ngày rằm và mồng một trong giờ công phu sáng và vào sáng mồng một Tết. Bắt đầu nghi thức, vị chủ lễ xướng bài dâng hương hoặc cử bài ấy lên để đại chúng cùng hòa theo trong điệu tán truyền thống của thiền môn. Rồi vị chủ lễ quỳ xuống trước Tam Bảo thay đại chúng xướng bài chúc tán theo điệu xướng truyền thống. Tiếp theo là công phu hàng ngày của thiền môn.

Sau mục Quán Nguyện, tất cả mọi người đứng dậy lạy thù ân. Đây là một phần đặc biệt của nghi thức chúc tán. Chúng ta lạy để biểu lộ niềm biết ơn của chúng ta với Bụt, Tổ, cha mẹ, Thầy, bạn và mọi loài. Nghi thức này đem lại cho ta nhiều niềm vui và tưới tẩm được những hạt giống ân nghĩa và thương yêu trong ta.

Nghi Thức Chúc Tán Tổ Sư

Nghi Thức Chúc Tán này được sử dụng trong những ngày kỵ giỗ các vị tổ sư khai sáng môn phái, hoặc các vị tổ sư khai sơn và thừa kế truyền đăng của đạo tràng mình đang cư trú và hành đạo.

Mỗi đạo tràng nên đưa vào nghi thức pháp hiệu của các vị tổ sư liên hệ trực tiếp đến công trình khai sơn và hoằng hóa tại chùa mình.

Nghi Thức Gia Trì Nước Tịnh

Nghi thức này được sử dụng trong các dịp xuống tóc, thiết lập bàn thờ, đàn tràng, cúng nhà mới, cúng đất đai, khai trương cửa hàng, văn phòng, v.v… Ý nghĩa của nghi thức là nương vào tâm đại bi của Bồ Tát Quan Thế Âm để làm lưu xuất nước tịnh cam lộ mà rảy lên và làm cho thanh tịnh, tươi mát, sống dậy và trị liệu tất cả những gì được nước cam lộ rưới xuống. Một bát nước trong và một nhành liễu cần được chuẩn bị trước khi hành lễ. Nước trong tượng trưng cho định lực, nhành liễu linh động tượng trưng cho trí tuệ.

Nghi Thức Tẩy Tịnh và Nhập Liệm

Nghi thức này được sử dụng để rưới nước cam lộ lên nhục thân người quá cố và trên quan tài để đem lại sự tươi mát và thanh tịnh. Xin xem những lời chỉ dẫn trong Nghi Thức Gia Trì Nước Tịnh. Một bát nước trong và một nhành dương liễu cần được chuẩn bị trước khi hành lễ. Nước trong tượng trưng cho định lực, nhành liễu linh động tượng trưng cho trí tuệ.

Nghi Thức Thành Phục (Thọ Tang)

Nghi thức này được sử dụng để những phần tử trong tang gia tiếp nhận tang phục.

Nghi Thức Thọ Trai

Nghi thức này thường được sử dụng trong mùa an cư vào giờ ngọ trai tại các thiền viện và tại các chùa, nhưng các vị đã thọ Năm Giới và Giới Tiếp Hiện Tại Gia cũng được thực tập trong các khóa thiền tập hoặc trong các ngày hành trì Bát Quan Trai Giới.

Nghi Thức Ăn Cơm Yên Lặng

Nghi thức này có thể được thực tập tại tư gia trong những ngày quán niệm, có hay không có sự tham dự của các bạn trong tăng thân. Mỗi tuần ít nhất nên thực tập nghi thức này một lần vào dịp cuối tuần với những người sống chung với mình.

Nghi Thức Cúng Thất

Theo tín ngưỡng Thân Trung Ấm, người quá cố có thể vãng sinh hoặc đi đầu thai ngay sau khi qua đời, hoặc có thể trải qua thời gian từ một tuần lễ đến tối đa là bảy tuần lễ trước khi đi tái sinh hoặc vãng sinh. Trong thời gian này Thân Trung Ấm trải qua bảy lần chuyển hóa. Sự thực tập chánh niệm, trì tụng kinh điển, trai tăng, bố thí, tạo tác công đức của thân nhân và bạn bè người quá cố có thể làm phát sinh ra rất nhiều năng lượng hộ niệm và yểm trợ cho sự chuyển hóa ấy một cách tích cực. Vì vậy mỗi bảy ngày lại có một lần trì tụng, cầu nguyện, phóng sanh và cúng dường gọi là cúng thất. Lần cúng thất cuối cùng gọi là Chung Thất, được tổ chức long trọng hơn cả. Nghi thức Cúng Thất có thể được bổ túc bằng một trong những kinh điển chọn ở phần kinh văn, như Kinh Thương Yêu, Kinh Phước Đức, Kinh A Nậu La Độ, Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Các Bậc Đại Nhân, Kinh Kim Cương, Kinh Người Áo Trắng, v.v… Trì tụng các kinh này rất bổ ích cho người quá cố và cho những người trì tụng.

Nghi Thức Cúng Ngọ

Nghi thức này được sử dụng tại thiền viện để dâng cơm cúng Bụt vào giờ trưa trước khi khai bảng báo giờ ngọ trai của đại chúng. Tại tư gia, vào những ngày rằm hay mồng một hoặc vào những dịp đặc biệt như Nguyên Đán, Trung Nguyên, Cúng Nhà Mới, v.v… ta cũng có thể sử dụng nghi thức này để cúng dường.

Nghi Thức Thí Thực

Nghi thức này là để thí thực cho các giới cô hồn, được sử dụng tại các chùa trong buổi công phu chiều. Trên bàn thờ cô hồn có cháo, gạo, muối và nước trong. Tại tư gia vào chiều ngày rằm tháng bảy, ta cũng có thể tổ chức cúng cô hồn và sử dụng nghi thức này. Trong nghi thức có bài kệ kinh Hoa Nghiêm rất nổi tiếng: “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” và rất nhiều bài chân ngôn. Nghi thức này có mầu sắc Mật Tông. Cần có nhiều định lực và tụng không vấp váp thì sự trì tụng và cúng dường mới thành công. Nên tụng thong thả để đừng vấp váp.

Các Nghi Thức Tụng Giới

Nghi thức tụng giới cho thiếu nhi gồm có ba phép Quay Về Nương Tựa và Hai Lời Hứa, có thể được cử hành riêng hoặc với Nghi Thức Tụng Năm Giới. Thiếu nhi từ mười tuổi trở lên, nếu muốn, có thể ở lại để tham dự lễ tụng Năm Giới. Riêng về Nghi Thức Tụng Giới Tiếp Hiện thì các em không nên tham dự, vì nghi thức khá dài. Ta có thể tổ chức tụng Giới Tiếp Hiện vào một ngày giờ khác để các buổi tụng giới đừng kéo ra dài quá. Ví dụ tuần này tụng Năm Giới thì tuần sau tụng Giới Tiếp Hiện. Nghi thức Tụng Năm Giới cần được một vị có đạo đức hướng dẫn làm chủ lễ. Vị này có thể là một vị đang hành trì Giới Lớn, Giới Sa Di, Giới Bồ Tát hoặc Giới Tiếp Hiện. Nếu không có một trong những vị nói trên thì vị chủ lễ phải là một người đang hành trì Năm Giới và có giới thể thanh tịnh. Các nghi thức tụng giới của người xuất gia không được in trong sách này. Các thiền viện và tăng thân xuất gia nếu muốn có nghi thức ấy xin viết thư về Làng Mai, chúng tôi sẽ vui lòng kính gởi. Tất cả các nghi thức đều có phần thực tập Yết Ma theo truyền thống để hợp thức hóa lễ tụng giới.

Nghi Thức Truyền Thọ Năm Giới

Người chủ lễ nghi thức này là một người có đạo đức được đại chúng kính nể, đang hành trì Giới Khất Sĩ, Giới Nữ Khất Sĩ, Giới Bồ Tát Xuất Gia hay Giới Tiếp Hiện Xuất Gia đã được truyền đăng làm Giáo Thọ hoặc đã được đặc biệt cho phép trao truyền Năm Giới.

Nghi Thức Truyền Thọ Giới Tiếp Hiện

Thầy truyền giới Tiếp Hiện hướng dẫn nghi thức này ít nhất phải là một vị Giáo Thọ trong giáo đoàn Tiếp Hiện, được phụ tá ít nhất là bởi ba thành viên Tiếp Hiện thuộc chúng Chủ Trì dòng Tiếp Hiện. Các thành viên của chúng Đồng Sự dòng Tiếp Hiện và các bạn hữu đều được mời tham dự để hộ niệm.

Thi Kệ Nhật Dụng

Đây là những bài thi kệ cần được học thuộc lòng để thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Gốc rễ của các bài thi kệ nhật dụng này có thể tìm thấy trong nhiều kinh điển, nhất là kinh Hoa Nghiêm. Trong thiền môn, ta có tập Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu của thiền sư Độc Thể, gồm có những bài thi kệ để thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày dành cho các giới xuất gia. Những bài thi kệ mà bạn thấy trong phần này của nghi thức đều bằng quốc ngữ, dễ nhớ, dễ tập, có thể áp dụng cho cả hai giới xuất gia và tại gia.

Kệ Chuông

Trong phần này có nhiều bài kệ thỉnh chuông, nghe chuông và ngồi thiền. Các bài kệ ngồi thiền này được xướng hoặc tán theo điệu truyền thống (điệu Nhất Canh Dĩ Đáo, Ngũ Canh Dĩ Đáo và Lôi Cổ Tùng Xao) đi theo ba hồi chuông bảo chúng. Các bài kệ này được xướng hoặc tán khoảng mười phút sau tiếng chuông báo hiệu giờ thiền tọa đã thỉnh, lúc ấy mọi người đã có mặt và đã ngồi sẵn ở thiền đường. Đại chúng đáp ứng lại lời niệm Bụt ba lần trước khi đi vào thiền tập.

Phần Kinh Văn

Những kinh văn được in ở phần sau của Nghi Thức đã được trích dịch trong hai Tạng Hán và Pali. Người dịch là thiền sư Nhất Hạnh. Đó là những kinh tiêu biểu cho giáo lý đạo Bụt, hiệu quả của sự tụng đọc không thể đo lường được. Ta có thể đọc một trong những kinh này trong Nghi Thức Công Phu Hàng Ngày, sau khi tụng Tâm Kinh Bát Nhã. Người đọc có thể là vị Duy Na, vị Duyệt Chúng, hay bất cứ người nào có mặt trong buổi tụng kinh có giọng đọc rõ ràng, trong sáng, có thể diễn tả được ý kinh. Tuy những kinh này có thể trì tụng theo tiếng mõ, nhưng thỉnh thoảng cũng nên để một người đọc thôi, đọc tự nhiên không theo tiếng mõ, trong khi mọi người ngồi ngay ngắn lắng nghe lời Bụt. Như thế ta chú tâm được hoàn toàn vào nghĩa lý của lời kinh. Những lời quán nguyện về các đức Bồ Tát Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền và Địa Tạng cũng có thể đọc theo cách này.

Vào những dịp đặc biệt như đầu năm, ta có thể chọn Kinh Phước Đức; khi phóng sanh và làm việc phước thiện, chúng ta chọn Kinh Thương Yêu; cầu siêu độ ta có thể chọn Kinh A Nậu La Độ, Kinh Giáo Hóa Người Bệnh hay Kinh Trung Đạo Nhân Duyên… Thật ra kinh nào tụng trong dịp nào cũng có lợi lạc cả. Những kinh này nên được thỉnh thoảng đem ra học hỏi và đàm luận, nếu có thể thì với sự có mặt của một vị giáo thọ, bởi vì nghĩa lý của các kinh ấy rất thâm diệu tuy lời kinh rất đơn giản. Các kinh này đều rất thiết thực cho sự học hỏi và tu tập hàng ngày của chúng ta.

Phần Phụ Lục

Bài Sám Quy Mạng là do thiền sư Liễu Nhiên, núi Di Sơn, sáng tác, được trích từ sách Thiền Môn Nhật Tụng, phần công phu sáng. Nguyên văn chữ Hán, do thiền sư Nhất Hạnh dịch năm 1956.

Các bài Thi Kệ Nhật Dụng có hiệu lực giúp ta sống đời sống hàng ngày trong chánh niệm. Giới cư sĩ bây giờ cũng có thể thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày như người xuất gia, vì vậy các bài thi kệ đã được in vào Nghi Thức.

Các bài Kệ Chuông, Thiên Long Hộ Pháp và Kệ Vô Thường cần được sử dụng trong các buổi công phu tại chùa. Một số trong các bài ấy cũng có thể được sử dụng trong các buổi công phu tại gia nữa.

Nghi Thức Ăn Cơm Im Lặng cũng có thể được áp dụng ít ra là vài lần trong tuần, trong nếp sống tại gia. Thực tập nghi thức này, ta có thể thiết lập được sự an tĩnh và sự hòa đồng trong gia đình, do đó nếp sống tỉnh thức được thực hiện dần dần trong đời sống hàng ngày.

Bài Phòng Hộ Chuyển Hóa (Đệ tử chúng con từ vô thỉ) in ở phần phụ lục vốn đã được thiền sư Nhất Hạnh biên tập từ năm 1951, in ở sách Gia Đình Tin Phật năm 1952 và tái bản năm 1953 với đầu đề là Phát Nguyện Tu Trì. Văn bản được in trong sách này đã được chính tác giả nhuận sắc vào năm 1993.

Tóm lại cuốn Nghi Thức Tụng Niệm này sẽ tác động trực tiếp đến đời sống gia đình một cách tốt đẹp. Giới trẻ sẽ thấy lời kinh gần gũi, dễ hiểu, có thể đem áp dụng vào đời sống. Thực tập tụng niệm theo nghi thức này một thời gian, giới trẻ sẽ tiếp nhận nhiều hạt giống tốt của Phật pháp làm vốn liếng tâm linh cho hiện tại và tương lai.

Về Danh Từ Bụt

Đạo Bụt truyền qua nước ta từ thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Tây Lịch. Chúng ta đã gọi Buddha là Bụt ngay từ đầu. Trong văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích) cho tới ngày nay ta vẫn tiếp tục gọi Buddha là Bụt. Trong thiền môn và trong giới học giả, chúng ta đã tiếp tục gọi Buddha là Bụt cho tới thế kỷ thứ 15, khi nước ta bị quân nhà Minh xâm chiếm. Tướng nhà Minh là Trương Phụ cho thu lượm hết các trước tác cũ mới của Đại Việt và chở về Kim Lăng. Hai nhà cán bộ văn hóa của nhà Minh là Hạ Thanh và Hạ Thì được chỉ thị thi hành triệt để chính sách này tại Đại Việt. Thư tịch đạo Bụt của nước Minh được chở sang cho người Đại Việt sử dụng. Chúng ta đã bắt đầu theo người Minh gọi Buddha là Phật từ lúc ấy.

Các tác phẩm chữ Nôm của vua Trần Nhân Tông (như Cư Trần Lạc Đạo Phú, Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca …) và của thiền sư Huyền Quang (Vịnh Hoa Yên Tự Phú), những tác phẩm tiêu biểu cho nền văn chương bác học của ta ở thế kỷ 14, vẫn còn gọi Buddha là Bụt.

Vậy học sử dụng trở lại danh từ Bụt không phải là một hành động lập dị mà chỉ là một hành động trở về với truyền thống văn hóa của dân tộc.

Về Phương Pháp Tụng Kinh, Niệm Bụt Và Đi Kinh Hành

Niệm Bụt, dù là Bụt Thích Ca hay Bụt A Di Đà, bồ tát Quán Âm hay bồ tát Địa Tạng, ta không nên chỉ niệm bằng miệng mà không niệm bằng Tâm. Nếu chỉ niệm bằng miệng, ta sẽ mau chóng trở thành một cái máy niệm, chỉ phát được âm thanh mà không phát ra được năng lượng chánh niệm. Niệm bằng Tâm, ta sẽ tiếp nhận được năng lượng của Bụt vốn có sẵn trong ta dưới hình thức hạt giống Phật tính và chánh niệm; năng lượng ấy cũng có mặt trong vũ trụ. Và chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sinh thì ta mới tiếp xúc được với năng lượng trong vũ trụ. Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây, trái lại, ta thực sự có mặt. Với năng lượng Bụt trong tâm ta, những gì ta đang thấy và đang nghe đều là những gì Bụt đang thấy và đang nghe đồng thời. Vì thế, niệm giúp cho ta an trú trong định, và định làm biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền. Ta sẽ tiếp xúc được với thế giới của bản môn và của tịnh độ ngay trong khi niệm Bụt, và ta có an lạc và vững chãi cũng ngay trong khi niệm Bụt. Niệm Bụt ở đây không còn là một lời cầu khẩn hay kêu gọi mà là một sự thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập.

Khi thực tập kinh hành, nên chú tâm tới sự xúc chạm giữa bàn chân và sàn chánh điện, đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh độ không khác, mỗi bước đi đều có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu, mỗi bước đi đều đem lại thêm chất liệu chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và vào tâm thức. Bước đi như in xuống dấu vết niềm an lạc của mình trên mặt đất.

Thay Đổi Kinh Văn, Sám Nguyện Và Kệ Tán

Phần lớn các nghi thức đều có phần trì tụng kinh văn, và Tâm Kinh Bát Nhã thường được đưa ra làm Kinh văn trì tụng. Tuy nhiên hành giả có thể chọn một kinh văn thích hợp trong số các kinh văn có mặt trong sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn này để thay thế cho Tâm Kinh, và thay thế những bài Sám nguyện và Kệ Tán trong nghi thức bằng những bài Sám Nguyện và Kệ Tán thích hợp mà mình ưa thích. Những bài này có thể tìm trong phần Phụ Lục.

Mời các bạn mượn đọc sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn của tác giả Thích Nhất Hạnh.

Download Ebook

Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn

Pdf

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Ebook Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn của tác giả Thích Nhất Hạnh. Sách Nghi…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close