Ebook Mắt Kẽm Gai
PDF
Giới thiệu Ebook
Mắt Kẽm Gai
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Mắt Kẽm Gai của tác giả Chu Sa Lan.
Mười giờ sáng. Trời xám xịt. Dòng sông Cửa Lớn đục phù sa. Nước cuồn cuộn chảy. Con sông ngắn nhưng khá rộng này đổ ra biển bằng hai cửa; phía bên Đông Hải là cửa Bồ Đề còn bên Vịnh Thái Lan là Cửa Lớn với địa danh lạ hoắc. Mũi Ông Trang.
Hai chiếc Alpha và một chiếc Tango lừ đừ chạy ngược dòng nước. Đứng sau lái tàu Khôi nhìn căn cứ Năm Căn ở đằng sau lưng của mình. Những dãy nhà tiền chế, lô cốt cao và ăng ten trời nhô lên giữa vùng cây xanh. Năm Căn. Tên nghe thật lạ. Nó là một quận của tỉnh Cà Mau, một thứ quận không ra quận, lèo tèo mấy chục căn nhà. Dân cư ngụ có thể đếm trên đầu ngón tay và chân. Cái quận này lính nhiều hơn dân. Lính Mỹ. Lính Việt. Sống chung đụng với nhau trong căn cứ có năm căn nhà riêng biệt. Bốn căn bốn góc cho lính Mỹ, biệt động quân, lính của sư đoàn 21 bộ binh và hải quân. Căn chính giữa là nhà bếp. Căn cứ nằm bên dòng sông Cửa Lớn, giữa một vùng sình lầy chỉ có cây đước, cây tràm và những cây gì không ai biết tên.
Ba chiến đỉnh chạy ngang qua phố Năm Cô. Lính gọi là Năm Cô vì chỉ ở đây mới có bóng dáng của đàn bà, dù chỉ là đàn bà mặc quần đen, áo bà ba và đi chân đất. Dân ở đây ít có người mang giày. Chỉ có lính mới mang giày. Giày như là thứ xa xỉ phẩm của dân giống như tivi hay điện. Toàn phố của quận Năm Căn chỉ có một cái máy phát điện nhỏ và chỉ chạy đúng giờ giấc nhất định là bảy giờ tối tới chín giờ đêm. Đó là giờ cái máy truyền hình nhỏ xíu được mở lên cho người ta xem tin tức, nghe tân nhạc hoặc cải lương. Tin tức ít có người xem hơn là cải lương. Người dân cùng đinh nghèo mạt rệp ở cái xứ khỉ ho cò gáy này ít chú tâm tới tin tức ở Sài Gòn, một nơi mà suốt đời họ không bao giờ đi tới. Có lần đứng xem tin tức Khôi bị bà già hỏi một câu.
– Ông Thiệu là ai vậy cậu?
– Ổng là tổng thống…
– Tổng thống thời ổng mần cái chi vậy cậu?
Khôi cười cười. Câu hỏi này xin để dành cho mấy người lính chiến tranh chính trị trả lời. Khôi nhớ lại lần hành quân để giải tỏa quận Đầm Dơi, một đơn vị hành chánh có tên trên giấy tờ của chính phủ nhưng thực ra nằm trong khu giải phóng của Việt Cộng. Theo những người lính biệt động quân lên bờ Khôi vào nhà một ông già. Điều khiến cho anh ngạc nhiên lẫn buồn cười là trên bàn thờ có nhang có khói và có hình hai người. Đó là hình của Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Thiệu. Hỏi tại sao ông chưng hình kỳ cục vậy. Ổng trả lời là nếu quốc gia vào nhà thời ổng chưng hình ông Thiệu. Nếu lính quốc gia đi Việt Cộng về thời ổng lại đem hình Hồ Chí Minh lên. Đôi khi ổng cũng chưng hình hai người lên cùng một lúc. Có lẽ ổng chưng lên để vái hai người chết sớm cho ổng đỡ khổ. Khôi hỏi ổng một câu có vẻ hơi chính trị một chút.
– Như vậy ông theo ai?
– Tôi có biết ông Minh hay ông Thiệu đâu mà bảo tôi theo. Ai cũng được miễn là tôi được sống yên cơm ngày hai bữa…
Giản dị lắm. Đừng nói tới dân chủ làm gì trong lúc bụng đói. Đừng nói tự do khi ông già phải ngủ dưới hầm núp mỗi đêm vì sợ bị máy bay bỏ bom, hoặc mấy anh du kích về bắt đi làm nghĩa vụ nhân dân, bắt đi đào hầm hố, bắt treo hình bác Hồ trong nhà.
Tàu bỏ sông Cửa Lớn để đi vào Kinh Ngang, con kinh nối liền sông Bảy Hạp và sông Cửa Lớn. Con kinh hẹp này là thủy lộ nối liền quận Năm Căn với Cà Mau và thế giới bên ngoài. Cũng vì thế mà nó trở thành con kinh chết. Tàu hải quân bị phục kích, bị bắn sẻ đều đều mỗi khi đi qua đây. Không cần đợi lệnh thủy thủ đoàn tự động vào nhiệm sở tác chiến. Súng trên tàu chĩa ra hai bên sẵn sàng khai hỏa. Địch có thể tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ hình thức nào. Bắn sẻ bằng súng bá đỏ hay AK. Bắn bằng B40 hoặc 57 ly không giựt. Mìn. Thứ vũ khí giết người độc địa và thầm lặng. Đội nón sắt, mặc áo giáp Khôi dùng ống dòm quan sát trong bờ với hy vọng tìm thấy một dấu hiệu khả nghi. Mọi thứ đều bình thường. Địch khôn ngoan núp dưới hầm hố chờ đợi. Ai cũng nói đi hải quân sướng. Điều này Khôi không phủ nhận. Ai cũng bảo đi hải quân ít chết. Điều này Khôi không chối cải. Tuy nhiên có một điều mà người ta không biết và Khôi không thích là đi lính hải quân ở các giang đoàn tác chiến như xung phong, thủy bộ, ngăn chặn hay tuần thám là mình đưa lưng cho Việt Cộng bắn. Nó muốn bắn lúc nào là bắn trong khi mình cứ phải lo âu, sợ hãi và chờ đợi để đỡ đạn. Một trái B40 bắn vào chiếc tàu sắt rồi nổ tung thành trăm ngàn mảnh vụn giết người. Đôi khi những mảnh sắt của tàu mới giết chết người lính hải quân hơn là mảnh đạn B40 của Việt Cộng.
Đoàn tàu lầm lì đi hơn nửa con kinh. Không khí lặng trang làm mọi người như ngộp thở. Khôi không biết mình đổ mồ hôi vì sợ hay vì nóng. Có lẽ cả hai thứ. Tiếng súng nổ dồn dập ở đằng trước nơi chiếc Alpha 11 dẫn đầu. Tiếng đạn đại liên 12 ly 7 xói vào không khí và rừng cây thành thứ âm thanh kinh dị.
– Alpha 11 đây Đan Khôi… Nghe rõ trả lời…
– 11 tôi nghe Đan Khôi…
– Có chuyện gì vậy?
– Tụi nó chơi một trái 40 sau đít của tôi…
Giọng nói bình tỉnh pha chút tếu của Sinh, thuyền trưởng Alpha 11 làm Khôi an tâm.
– Có ai bị gì không?
Khôi nghe tiếng Sinh cười vui vẻ vang trong máy 46.
– Mấy thằng em của tôi vô sự. Chỉ có bể nồi thịt kho thôi…
Lắc đầu cười Khôi cởi nón sắt khi thấy chiếc Alpha 11 bắt đầu quẹo trái vào sông Bảy Hạp. Tối hôm qua anh nhận lệnh biệt phái cho một ngôi đồn của Địa Phương Quân thuộc chi khu Cái Nước nằm trên dòng sông Bảy Hạp. Tuy phòng hành quân nói chỉ biệt phái thời gian ngắn nhưng nhìn số lượng dầu cặn, đạn dược và lương thực anh biết thời gian ngắn sẽ thành ra thời gian dài có thể năm ba tháng. Dầu cặn được lãnh tối đa. Lương thực cũng tối đa. Năm thùng ration C dành cho trường hợp tối cần thiết. Mười thùng gạo sấy và thịt ba lát đủ thứ. Đạn thời khỏi nói. 20 ly. M60. Lựu đạn. M79 thường. M79 dây. Hai chục thùng đạn M16. Năm chục thùng 12 ly 7. Không thiếu cái gì. Một chiếc tàu được lãnh cấp số đạn dược nhiều hơn một đại đội bộ binh. Không lãnh nhiều cũng uổng bởi vì để lâu mấy thằng mũi lõ sẽ đổ xuống sông.
Mời các bạn mượn đọc sách Mắt Kẽm Gai của tác giả Chu Sa Lan.
Download Ebook
Mắt Kẽm Gai
Giới thiệu Ebook Mắt Kẽm Gai Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Mắt Kẽm Gai của tác giả Chu Sa Lan. Mười giờ sáng. Trời xám xịt. Dòng sông…