Ebook

Gia Đình

PDF

Giới thiệu Ebook

Gia Đình


Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Gia Đình của tác giả Phan Thúy Hà.

Cách viết của “Gia đình” – Nguyễn Lương Hải Khôi
Khái niệm trung tâm để chúng ta đọc tác phẩm “Gia đình” của Phan Thúy Hà là “chấn thương”. Nó là sự tiếp nối hai tác phẩm “Đừng kể tên tôi” (2017) và “Tôi là con gái của cha tôi” (2019).  “Đừng kể tên tôi” là tiếng nói của những người lính miền Bắc, còn “Tôi là con gái của cha tôi” là tiếng nói của những người lính miền Nam, tất cả họ, dù bước vào cuộc chiến vì nghĩa vụ hay vì  lý tưởng, đều là những số phận nhỏ bé, bị thời cuộc xé nát trong cuộc chiến Nam Bắc tàn khốc. Còn “Gia đình” là một mảnh của lịch sử cuộc Cách mạng ruộng đất của phong trào cộng sản ở miền Bắc Việt Nam thập niên 1950. Tất cả các nhân chứng trong sách “Gia đình” đều mang một chấn thương tinh thần không thể chữa lành.
Nhân chứng Trần Lệ:
Mười lăm tuổi, tôi là đứa trẻ sợ hãi. Đêm, bị nhốt trong chuồng trâu. Chân giẫm lên phân. Các thanh chắn chuồng trâu thưa, có thể chui ra ngoài nhưng tôi không dám. Quá nửa đêm, dân quân không canh nữa, tôi vẫn sợ. Tôi đã tiểu ra quần. Nỗi khiếp sợ năm mười lăm tuổi. Nay tám mươi hai tuổi tôi vẫn là ông già sợ hãi. Tôi không dám thắc mắc một điều gì. Muốn viết đôi điều cho con cháu biết về cha ông mình. Cầm bút lên tôi lại run.
Nhân chứng Nguyễn Bút:
Hai chị dâu con bác kéo xác chị đi chôn. Chôn ở đâu, không ai nhớ nữa. Nỗi khiếp sợ khiến cho các chị không còn nhớ gì nữa. Các chị chỉ nhớ lúc đó không ai còn sức nên không kéo được đi xa, cũng không đào được sâu.
Nếu tôi ở lại, chị em dựa vào nhau. Hay tôi cũng chết giống như chị.
Chị Loan dằn vặt. Giá hôm đó giữ chị Liên ở lại, đừng để cho chị về thôn Cầu. Nếu lường trước được chuyện xảy ra thì cha mẹ tôi đã bỏ lại tất cả, đưa các con đi khỏi thôn Cầu ngay từ đầu. Nếu, thì, làm sao ra nông nỗi mười một cái chết đau thương như vậy trong nhà bác Cả, bác Hai và nhà tôi.
Văn học như là vi-lịch sử
Tác giả Phan Thúy Hà chia sẻ rằng trong Lời cuối sách của “Gia đình”, cũng giống như hai tác phẩm trước, các nhân vật đều là người thật, tên của nhân vật cũng là tên người thật, câu chuyện của họ trong tác phẩm là sự thật trong ký ức của họ. Như vậy, ở đây, tác giả không hư cấu mà chỉ viết lại lời kể từ điểm nhìn của nhân chứng. Chị cho biết, có câu chuyện trong tuyển tập này, tuy chỉ dài hai trang nhưng chị phải đi gặp tới bốn người, lắng nghe họ để ráp nối các sự kiện và dựng lại cho câu chuyện được đầy đủ. Như vậy, tác phẩm còn là một công trình khảo sát xã hội nữa. Không phải là khảo sát ở quy mô lớn, mà là khảo sát số phận những con người cụ thể.
Bằng cách này, Phan Thúy Hà làm cho nghệ thuật và khoa học của “vi lịch sử” gặp nhau. “Vi lịch sử” (micro history) là một nhánh mới của sử học gần đây. Sử học truyền thống phục dựng thời đại đã qua chủ yếu bằng cách khảo sát những nhân vật lớn, những anh hùng, những nhà tư tưởng, nhà kinh tế lớn, những trận đánh, những hiệp ước xoay chuyển thời đại… Vi lịch sử phục dựng diện mạo của thời đại đã qua bằng cách khảo sát những con người nhỏ bé, những số phận hoàn toàn vô nghĩa, những con người “không tên, không tuổi, không tiền” của những thời đại đã qua. Vi lịch sử chọn cách tiếp cận này vì đối với nó, những số phận nhỏ bé này, những con người bên lề này lại cung cấp những dữ liệu để sử gia nhìn thấy những phiên bản khác của thời đại cũ, những góc khuất của lịch sử mà những “nhân vật lớn” của sử học truyền thống không cho ta thấy được.
“Gia đình” (cũng như “Đừng kể tên tôi” và “Tôi là con gái của cha tôi”) của Phan Thúy Hà cũng là một dạng thức nghiên cứu về chấn thương tinh thần của những con người nhỏ bé, đứng bên lề dòng thác khốc liệt của lịch sử, số phận bị quyết định bởi sự lựa chọn lịch sử của những “nhân vật lớn”. Nhưng qua đời sống tinh thần của họ, chúng ta nhìn thấy những đường nét, màu sắc và hình khối khác của bức tranh lịch sử, khác hoàn toàn với những đường nét, màu sắc và hình khối đứng ở trung tâm của bức tranh lịch sử “cỡ lớn” được khắc họa thông qua những nhân vật “lớn”, nhân vật “trung tâm” của thời đại, tức những chính trị gia, những tướng lĩnh quân sự. Thậm chí, những mảng màu trong bức tranh lịch sử được phục dựng từ những con người nhỏ bé này có thể trở thành điểm trung tâm của bức tranh đã qua, tùy theo điểm nhìn của người xem.
Viết văn như sắc thuốc: Lịch sử tự cất tiếng nói
Viết văn bằng cách kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học lịch sử (vi lịch sử), Phan Thúy Hà không phải là, hoặc không chỉ là “nhà văn”. Chị là một “tác giả”. Cách viết của chị khi xây dựng tác phẩm này giống như hái một nắm lá về sắc thuốc. Trong y học cổ truyền, sắc thuốc là cho lá thuốc vào nồi ấm đất, đun sôi để tạo ra nước cốt. Người ta không đun lửa quá to, chỉ đun lửa nhỏ, để nước sôi dần sao cho không bao giờ trào ra khi sôi. Người sắc thuốc không tự tay tạo ra thuốc, không tác động vào nguyên liệu bằng kỹ thuật tinh xảo. Họ chỉ tạo điều kiện để thuốc tự ra đời.
Nói như vậy không có nghĩa “Gia đình” không phải là một sáng tạo văn học của tác giả, ngược lại, đó là một sáng tạo độc đáo. Tác giả sử dụng giọng văn triệt tiêu mọi cảm xúc chủ quan của chính mình. Trong “Gia đình”, chúng ta không thấy hình ảnh tác giả hiện lên trong câu chuyện, dù đó là cảm xúc hay quan điểm của chị, mà chỉ có nhân vật người thật đang kể lại những chấn thương tinh thần của họ. Điều đó có nghĩa là, tác giả từ bỏ vai trò của “người sáng tạo” theo cách hiểu của văn học truyền thống, để trở thành một “nền tảng” (“platform”) nơi sự thật tự nó phơi bày, hay, trở thành một cửa ngõ để những mảnh đời sống tinh thần đang ẩn hiện đâu đó trong lòng xã hội được đi qua để hiện diện một cách trực quan và thuần khiết trước mắt cuộc đời. Cánh cửa mở ra, không phải để lôi kéo sự chú ý của người khác đến mình, mà chỉ để những gì đằng sau nó hiện ra trước ánh sáng.
Câu chuyện lịch sử diễn ra cách đây bảy thập niên, do đó, không được phản ánh như là nhận thức của tác giả, dù là nhận thức chủ quan hay khách quan, mà chỉ như là những dữ liệu khách quan, cụ thể là những dữ liệu khách quan về những chấn thương còn đọng lại trong tinh thần của những con người nhỏ bé bị cơn cuồng phong đỏ xé nát. Một mảnh nhỏ của lịch sử tự nó cất tiếng nói.
Nói cách khác, người sắc thuốc là người vụng về, tác giả không miêu tả tâm lý nhân vât, không sắp xếp câu chuyện bằng những kỹ thuật thời thượng, nhưng cái vụng về này là cái vụng về lớn của tài năng lớn, không để cái tôi của mình đúc khuôn hình ảnh của cuộc đời. Cách viết này không chỉ làm cho nhà văn không tự quyết định cách hiểu của độc giả thông qua thẩm quyền áp đặt của người viết, nó còn làm cho tác phẩm không phải là một thông điệp về giáo dục, đạo đức hay thẩm mỹ.
Ở “Gia đình”, tác phẩm không được tạo ra như một khách thể thẩm mỹ (aesthetic object) để người đọc, người xem thưởng thức như một đối tượng tự nó hàm chứa sẵn các thông điệp và giá trị, và do đó, nhiệm vụ của người đọc, người xem cũng không phải là khám phá được các giá trị và thông điệp đó, thông qua việc giải mã các kỹ thuật viết của tác giả. Người đọc không cần có nỗi lo mình không đủ tầm về kinh nghiệm hay tri thức để hiểu tác giả và tác phẩm. Bởi lẽ người đọc không có nhiệm vụ hiểu những thông điệp có sẵn, mà người đọc giống như cái trống, còn tác phẩm như bàn tay vỗ trống. Ý nghĩa và giá trị của tác phẩm thông qua một mảnh lịch sử diễn ra cách đây hơn bảy thập niên giống như âm thanh được tạo ra từ sự tương tác giữa cái trống và bàn bay. Ý nghĩa vốn không có sẵn trong tác phẩm. Mỗi người đọc tạo ra một hình ảnh về lịch sử của riêng mình.
Cách viết của “Gia đình”, do đó, làm cho giá trị của nó không dừng lại ở địa hạt văn chương, nói đúng hơn, nó không phải là văn chương theo cách hiểu truyền thống. Chúng tôi không biết tên để gọi thể loại của tác phẩm, chỉ biết rằng, đó là một tác phẩm để chúng ta nhận thức về lịch sử một cách khách quan.
Chú thích
Một trong những tác phẩm sử học tiên phong của vi lịch sử (micro history) là “Phô mai và côn trùng” (“The Cheese and the Worms”) của Carlo Ginzburg năm 1976. Tác giả nghiên cứu cuộc đời của một người làm phô mai tên là Menocchio (1532–1599), sống ở một ngôi làng hẻo láng và không biết chữ. Tác phẩm khảo sát niềm tin tôn giáo và tưởng tượng của người nông dân làm phô mai về vũ trụ, phác thảo diện mạo của văn hóa đại chúng ở châu Âu đương thời.

***
“Gia đình” (Phan Thúy Hà) – Gió bụi một thời ai oán By Chơn Linh

Ở thế kỷ 21, khi chứng kiến một cá nhân hay một gia tộc giàu có, đứng đầu một tập đoàn hay sở hữu một khối tài sản khổng lồ, ai trong chúng ta cũng trầm trồ ngưỡng mộ và ao ước một ngày nào đó mình sẽ được vinh hoa phú quý như họ. Nhưng ngược dòng thời gian trở về miền Bắc Việt Nam cách đây tròn 70 năm, nhà cửa, đồn điền, tiền của, vàng bạc hay tài sản trong nhà từng là thứ khiến tầng lớp giàu có thời bấy giờ phải kinh hồn bạt vía đến nỗi họ phải ước ao giá như mình đừng giàu, giá như mình chỉ là thành phần nông dân bần cùng mạt hạng trong xã hội. Đó là câu chuyện có thật nằm trong một góc khuất lịch sử của nước nhà thường ít được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Có thể giống như mình, bạn đã từng loáng thoáng nghe qua về cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, nhưng còn chi tiết như thế nào thì không phải ai cũng biết và chủ tâm tìm hiểu, nhất là thế hệ trẻ bây giờ. Trong chương trình Lịch sử phổ thông, cải cách ruộng đất là một “khoảng trống” bị bỏ ngỏ trong suốt nhiều năm qua vì những lý do nhạy cảm. Ngay cả trong lĩnh vực xuất bản, những cuốn sách nào đề cập tới mặt trái của cuộc cải cách này cũng gặp phải vấn đề kiểm duyệt và bị thu hồi lại sau khi phát hành, thậm chí nhà văn phải trả giá đắt. Mãi cho đến khi đọc được tác phẩm “Gia đình” của tác giả Phan Thúy Hà, mình mới thấy được những sóng gió kinh hoàng của một thời ai oán. Những thông tin mình sắp chia sẻ không phải là thông tin lịch sử khô khan khó nuốt, mà mình tin ai cũng nên biết tới sự kiện này.

Nói đến nạn đói năm Ất Dậu 1944-1945, hầu như chúng ta ai cũng biết vì đó là một thông tin chấn động chúng ta được học trong môn Lịch sử, với gần 2 triệu người Việt Nam chết đói ở miền Bắc Việt Nam do hậu quả của cuộc chiến tranh tại Đông Dương. Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam cũng là một sự kiện chấn động như thế xảy ra trong những năm 1953-1956 do Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện. Mục đích của chương trình là nhằm phân chia lại ruộng đất nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc (theo Pháp, chống đất nước), phản động (chống chính quyền) như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào cộng tác với Pháp,…

Những người theo chủ nghĩa cộng sản cho rằng họ phải thực hiện cuộc cải cách này để thiết lập lại trật tự và công bằng trong xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng. Chương trình cải cách ruộng đất ở Việt Nam được dựa theo chương trình thổ địa cải cách ở Trung Quốc (1946-1949) với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc. Trong 3 năm đầu, cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Nhưng trong giai đoạn sau từ giữa năm 1955, việc vội vã nhân rộng mô hình cải cách tới nhiều địa phương và cuộc “chạy đua KPI” thành tích đã khiến cho việc thi hành trở nên mất kiểm soát và dẫn tới việc xét xử địa chủ vô tội vạ.

Hậu quả của việc thi hành sai lầm đó là có hàng loạt địa chủ bị đem ra đấu tố và chết oan, hàng loạt gia đình địa chủ phải tan cửa nát nhà, con em thuộc thành phần địa chủ bị kỳ thị rẻ rúng, cùng vô số câu chuyện bi đát thương tâm mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được ở thời hiện đại. Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng ấy, không khí tang thương và tiếng khóc thê lương bao trùm các vùng nông thôn ở miền Bắc Việt Nam, khiến cho lòng dân phẫn nộ và mất niềm tin vào chính quyền. Kết cục là, đến đầu năm 1956, cuộc cải cách bị đình chỉ và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai. Ngay chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rơi nước mắt khi nói về những sai lầm trong giai đoạn ấy.

Mình biết tới tác giả Phan Thúy Hà qua cuốn sách Qua khỏi dốc là nhà mà mình đọc từ cuối năm 2021. Sau đó tác giả có chia sẻ bài review sách của mình trên Facebook cá nhân và mình được một người bạn gửi link cho xem. Từ thời điểm đó, mình mới theo dõi và tìm hiểu thêm về những cuốn sách khác của chị rồi mua luôn đủ bộ 5 cuốn. Đọc sách của chị, mình bị sốc toàn tập, sốc từ cuốn này qua cuốn khác bởi những sự thật trần trụi đến đau đớn. Như cuốn Gia đình này là tập hợp rất nhiều câu chuyện có thật được tác giả ghi chép lại về những nhân chứng sống từng trải qua cuộc cách mạng ruộng đất ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây cũng là cuốn sách khiến mình sốc nhiều nhất bởi những câu chuyện quá đỗi thương tâm, đến mức có những lúc tim mình như thắt lại khi đọc sách và phải dừng lại vì không thể đọc tiếp được nữa.

Có thể nói tác giả Phan Thúy Hà như một thư ký của lịch sử, người không quản ngại thời gian và công sức đi dọc khắp các nẻo đường đất nước, tìm gặp những nhân vật từng trải qua các giai đoạn lịch sử của nước nhà ở cả hai phía chiến tuyến để ghi chép lại những câu chuyện cho thế hệ sau. Nếu không có tiếng nói của chị, có lẽ những câu chuyện này đã mãi mãi bị chôn vùi trong lớp trầm tích của lịch sử, bao nhiêu người đạp lên nó mà đi tới tương lai nhưng chưa bao giờ ngoảnh lại để thấy những gì cha ông ta đã trải qua. Để biết được tầng lớp địa chủ giàu có một thời đã trải qua những bi kịch thảm khốc như thế nào, mình xin điểm qua một số câu chuyện mình ấn tượng trong sách qua giọng kể của mình để độc giả hình dung (vì trích lại nguyên văn thì khá dài).

1. Một địa chủ bị tịch thu hết gia sản ruộng đất, phải vào rừng chặt nứa để bán kiếm sống qua ngày. Khi gánh nứa trên đường về nhà, trong cơn đói rét bủn rủn chân tay ông ghé nhà một người dân ven đường xin một bát cơm. Do nhà đó mới ăn cơm xong nên họ mới thương tình nấu một nồi cơm mới cho ông. Nhưng xui rủi thay, ông lại vô trúng nhà dân quân đang họp và bị một dân quân phát hiện khi đi ra bếp. Người chủ nhà sợ hãi phải dẹp bỏ nồi cơm và đuổi người địa chủ ra đường ngay lập tức. Sáng hôm sau, người ta phát hiện xác ông nằm chết co quắp bên vệ đường, chỉ cách nhà vài cây số.

2. Một em học sinh học xong cấp ba nộp đơn vào trường Thủy Lợi. Khi giấy gọi đi học gửi về xã, xã ghi lý lịch mật gửi ra tận trường: “Cha làm lý trưởng. Ông làm chánh tổng. Ba đời ôm chân đế quốc. Đề nghị không xét tuyển”. Không được đi học, em phải ở nhà làm nông dân hợp tác xã. Trong một buổi tối sinh hoạt, một người đứng lên chỉ thẳng mặt vào em và người em họ: “Hai đồng chí không được như đống phân. Đống phân còn có giá trị bón ruộng cho lúa tăng năng suất nuôi bộ đội đánh giặc”. Là con địa chủ thời bấy giờ đồng nghĩa với việc bị nhục mạ cũng phải im lặng.

Con cái nhà địa chủ mỗi khi ra đường là bị đánh, đi học cũng bị đánh. Con gái thì bị giật tóc, gõ đầu, cấu véo, bị sỉ nhục là con địa chủ. Mỗi buổi đi học của các em đều như địa ngục trần gian, khi tan học là bị rượt đánh đến tận nhà. Một em bị bạn học bắt phải ăn khế chấm phân trâu, không ăn là bị đánh chết. Mạng sống của con em nhà địa chủ lúc bấy giờ không bằng một con chó.

3. Một gia đình thuộc tầng lớp trung nông lớp dưới, tức chưa được xếp vào hàng trung nông và cũng không phải bần nông, nhưng do người cha bị bắt nên cả gia đình cũng bị liên lụy. Dù trong nhà chẳng có của cải gì nhiều nhặn để tịch thu, dân quân thấy trong nồi có cơm nguội cũng vốc ăn hết sạch rồi lấy cả cái sành đựng nước tiểu. Bị tịch thu căn nhà, gia đình này phải phải sống ở một túp lều ven đường tàu, mỗi ngày phải đi hái rau má và bắt cua đi bán kiếm sống. Có lần dân quân bắt gặp người mẹ cầm giỏ cua trên đường, bèn giật lấy, đổ cua ra bên đường rồi giẫm nát.

4. Một địa chủ nổi tiếng nhân hậu trong vùng có đất đai ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Vào năm cải cách ruộng đất, ông bị bắt giam, bị treo ngược chỏng đầu rồi bị dọng đầu ầm ầm xuống đất. Họ dọng như thế từ sáng tới trưa, từ trưa đến tối, với lý do nếu ông có nuốt vàng trong bụng thì sẽ nhả ra. Sau đó ông bị bắt bỏ tù, về sau bệnh mà chết. Những năm nạn đói trước đó, chính ông là người cứu giúp người dân trong vùng qua cơn đói, nhưng cũng chính những người dân ấy sau này lại tham gia đấu tố và chỉ trích ông trong cuộc cải cách ruộng đất.

Câu chuyện này được người cháu của ông kể lại. Sau khi gia đình ông bị tịch thu hết tài sản ruộng đất, hai mẹ con người cháu này phải vào núi ở và tự khai khẩn làm ruộng kiếm miếng ăn qua ngày. Khi ruộng lúa đã gần đến ngày thu hoạch, sáng sớm người mẹ ra ruộng coi có thể gặt được chưa thì sững sờ phát hiện ai đó đã tháo đập và nước dâng lên thành hồ, dìm hết mớ lúa chìm trong biển nước. Hóa ra người ta vẫn luôn theo dõi gia đình họ và chỉ chờ đến ngày này, khi lúa sắp thu hoạch mới ra tay. Tại sao họ lại nhẫn tâm dồn những gia đình địa chủ vào đường cùng đến thế?

5. Trong cải cách ruộng đất có một hoạt động gọi là đấu tố địa chủ. Các địa chủ trong làng sẽ bị bắt ra giữa làng hay sân đình, bị trói vào cột hay bị chôn dưới hố, dưới sự chứng kiến của các cán bộ cải cách cùng người dân trong làng. Mỗi người dân khi đó sẽ tham gia tố khổ, kể rằng đời sống của họ đã khó khăn khổ sở ra sao trong khi tầng lớp địa chủ sung sướng ăn trắng mặc trơn thế nào. Có những cuộc đấu tố thậm chí người tố khổ còn nhổ nước bọt hay ném đá địa chủ, để rồi kết cục sau cùng là địa chủ đó sẽ bị dân quân xử bắn nếu tội lỗi bị tố chất chồng.

Chuyện tố khổ không chỉ có ở người lớn, mà còn được đưa vào môi trường học đường. Mỗi tổ trong lớp vừa là tổ học tập vừa là tổ tố khổ. Vào giờ sinh hoạt, mỗi em học sinh phải nghĩ ra nỗi khổ trong gia đình mình để quy tội cho giai cấp địa chủ. Thời đó thì nhà nào cũng đói cũng rét, kể mãi cũng chỉ có nhiêu đó chuyện thì bị cán bộ hiệu đoàn kiểm điểm là thiếu nghiêm túc. Cực chẳng đã, có những em phải kiếm chuyện để tố như: “Mẹ tôi chết là do ra ruộng định vớt trứng ếch lại vớt nhầm trứng cóc luộc ăn ngộ độc chết. Tội này do địa chủ độc ác gây ra”. Thậm chí, hiệu đoàn còn chuẩn bị sẵn những bài tố khổ để “bồi dưỡng” cho các em học sinh học thuộc lòng.

6. Ông nội một nhân vật là một vị quan đại thần triều Nguyễn, vốn nổi tiếng thanh liêm và từng bênh vực cho rất nhiều người nghèo trong những vụ kiện tụng. Trước khi mất, ông có được đúc tượng và bức tượng đó về sau được đặt trên bàn thờ kèm theo một nhành mai bằng bạc. Đó là nhành mai do vua ban cho ông vào năm ông đỗ tiến sĩ. Trong cuộc cải cách ruộng đất, bức tượng bị tịch thu và đem ra triển lãm như một thắng lợi của chiến dịch. Các bác các chú và cả gia đình nhân vật cho tới tận bây giờ vẫn còn ăn năn day dứt và cảm thấy có lỗi với tổ tiên mình khi để mất bức tượng thờ đó.

7. Cha một nhân vật từ một người làng chài tay trắng làm nên mà gây dựng cả sản nghiệp cho gia đình và trở thành một hộ giàu có trong vùng. Khi cải cách ruộng đất diễn ra, gia đình người này bị tịch thu hết ruộng đất tài sản. Người cha phải quỳ gối giữa trời mưa cho từng người nông dân lên đấu tố, trong đó có những người từng chịu ơn ông. Ngay cả bà nội của nhân vật đã 92 tuổi cũng bị phạt đứng cúi đầu cả ngày và bị bỏ đói mấy ngày liền khiến cho thần kinh đờ đẫn. Trước đây, mỗi năm nhà có giỗ, gia đình ông thường mổ bò, mổ lợn mời cả làng tới ăn. Nhưng giờ đây tới ngày giỗ, ông thậm chí còn không thể làm một bát cơm cúng cho bố của mình. Phẫn uất và bất mãn, ông quyết định treo cổ tự vẫn.

Trên đây chỉ là một số câu chuyện điển hình trong vô vàn những câu chuyện đã bị lãng quên trong lịch sử. Đã có không biết bao nhiêu địa chủ, quan lại thời phong kiến, tầng lớp trung nông giàu có thời bấy giờ gánh chịu nỗi oan khiên lịch sử, mất hết tất cả của cải tài sản mà cả đời tích lũy, mất hết cả những đất đai nhà cửa của tổ tiên bao đời, đến ngay cả nhà thờ họ hay bàn thờ tổ tiên cũng bị tàn phá hay chẻ ra làm củi, bị đem ra lợp mái chuồng bò chuồng lợn. Cho đến tận hôm nay, chưa có một con số thống kê chính thức nào được đưa ra về con số nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất, nhưng qua một số tài liệu của các học giả nước ngoài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thì ước tính nó lên tới hàng ngàn cho đến chục ngàn trường hợp.

Hỡi ôi, sự vinh hoa phú quý giàu sang tột bậc với những nhà cao cửa rộng sơn son thếp vàng, ruộng đồng cò bay thẳng cánh, đất đai bạc ngàn, thóc lúa đầy kho, vàng bạc đầy rương, người ở đầy nhà,… của một thời quá vãng và cũng là những thứ mà biết bao nhiêu người thời nay tới nằm mơ cũng ao ước có được, vậy mà chỉ là một cuộc phù du khói bụi khốc liệt ở một điểm đen của lịch sử. Vậy mới thấy, sự giàu sang ở mỗi thời đoạn lịch sử cũng mỗi khác và không ai biết được sự giàu có khi nào là họa hay là phước. Có biết bao người ở trên đỉnh giàu sang hôm trước mà hôm sau đã kẻ khóc người cười tử biệt sinh ly hay vướng vào vòng lao lý chôn vùi cả kiếp người về sau.

“Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ, 
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

P/S 1: Bộ sách của tác giả Phan Thúy Hà hiện rất khó tìm trên các trang thương mại điện tử. Bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp tác giả để đặt sách hoặc mua đủ bộ tại Sách Khai Minh.

P/S 2: Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những góc khuất của cuộc cải cách ruộng đất, bạn có thể tìm đọc/nghe những tác phẩm sau:

  • Audiobook “Điện cô Tám” – Bùi Ngọc Phúc
  • Sách “Đất mồ côi” – Cổ Viên (bút danh khác của Tạ Duy Anh)
  • Sách “Đội gạo lên chùa” – Nguyễn Xuân Khánh
  • Sách “Chuyện làng Cuội” – Lê Lựu
  • Sách “Thời của thánh thần” – Hoàng Minh Tường
  • Sách “Dưới chín tầng trời” – Dương Hướng
  • Sách “Nước mắt một thời” – Nguyễn Khoa Đăng
  • Sách “Biết đâu địa ngục thiên đường” – Nguyễn Khắc Phê

Mời các bạn mượn đọc sách Gia Đình của tác giả Phan Thúy Hà.

Download Ebook

Gia Đình

Pdf

Bookmark (0)
ClosePlease login

Giới thiệu Ebook Gia Đình Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Gia Đình của tác giả Phan Thúy Hà. Cách viết của “Gia đình” – Nguyễn Lương Hải…

Bookmark (0)
ClosePlease login