Ebook  Đom Đóm Nhỏ PDF epub azw3 mobi

Ebook

Đom Đóm Nhỏ

PDF epub azw3 mobi

Giới thiệu Ebook

Đom Đóm Nhỏ



Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Đom Đóm Nhỏ của tác giả Thiên Tử.

Trong sinh nhật bố, Nam Cung Vĩ vì mâu thuẫn với chính bố đã bỏ nhà đi, khi ấy cậu mới 16 tuổi. Sau ba ngày lang thang đi men theo đường tàu, Nam Cung Vĩ tiêu đến đồng tiền cuối cùng và được người ta ném cho quả dưa héo, cậu tưởng như mình không khác gì một tên ăn mày.
Nhưng Nam Cung Vĩ không chịu quay về nhà, không chịu nói ra thân thế của mình, cậu được chính người đàn bà cho quả dưa mang về nhà, cho cậu công việc và quần áo, chỗ trú ngụ và những bài học thấm thía…

Cùng với con trai của cô chủ – Vi Vi, Nam Cung Vĩ đã trải qua nhiều buồn vui, và dần dần trưởng thành, cậu đã có nhiều cơ hội để học những bài học thấm thía của cuộc sống, và trải qua cả những yêu thương rung động đầu đời. Cậu cũng đem lại niềm tin sống cho người con gái sa chân lỡ bước…

***

Bốn năm sau, mùa hè năm 2004, tôi nhận được bức thư cuối cùng của Vi Vi gửi đến, tôi bỗng không kìm được, nhớ lại tất cả, nhớ lại thành phố nhỏ Yên Thuỷ. Lúc đó tôi vừa quen với Ma Nhã. Tôi nói với Ma Nhã, đối với tôi, Yên Thuỷ chính là một toà thành mộng tưởng. Tôi kể cho em nghe những con người, những nam nam nữ nữ khắc sâu trong trí nhớ của tôi, những đúng đúng sai sai mà tôi đã trải qua. Tôi nói, Ma Nhã sẽ không còn có một nơi nào làm tôi lưu luyến đến thế nữa, nơi đó dường như đã trở thành vườn hoa bí mật riêng, nơi tôi thắp nén nhang trước nấm mồ thanh xuân của mình. Ma Nhã chăm chú nghe tôi kể, đến cuối, em nói, anh muốn quay lại thăm lần nữa không?

Mắt tôi chợt sáng. Xem xem, tôi ngu ngốc biết bao, tại sao tôi chỉ biết ngồi đây gặm nhấm hoài tưởng, mà không nghĩ đến việc quay lại thăm chốn xưa? Tôi nói em đi cùng anh nhé. Ma Nhã cười nói, em chỉ chờ câu này của anh. Cả ngày anh không ngớt kể về Yên Thuỷ, em cũng muốn thử xem Yên Thuỷ rốt cuộc trông ra sao mà làm anh mê đắm đến thế.

Chúng tôi hẹn nhau tháng Bảy xuất phát. Tôi nhớ lại bốn năm trước tôi đến Yên Thuỷ trong tình trạng đói rách mệt mỏi như thế nào, nhưng tôi không thể cười chế nhạo thằng con trai ngang tàng, non trẻ lúc đó. Ma Nhã cười nói với tôi, chúng ta đều trưởng thành hơn sau những lần vấp ngã liên tiếp, cho dù ngày xưa chúng ta có vẻ ngây thơ và ngu ngốc đến đâu, chúng ta cũng nên tự hào về chính mình. Con đường đến trưởng thành không tồn tại những lối đi tắt, suy nghĩ chín chắn hay không luôn tỷ lệ thuận với mức thể nghiệm cuộc đời của bạn nông hay sâu. Câu này hoàn toàn đúng. Tôi thấy Ma Nhã là một cô gái có nội tâm phong phú và cảm nhận tinh tế hiếm có. Câu nhận xét này làm tôi khâm phục và thầm cảm mến em.

Chúng tôi đến Yên Thuỷ lúc trời gần tối. Lúc xuống xe, tôi đột nhiên cảm thấy hoang mang vô cớ. Tôi ngồi ì trên xe, cho đến tận khi bác tài xế cau có thông báo đã đến trạm cuối cùng, tôi mới miễn cưỡng chậm chạp bước xuống. Ma Nhã hỏi tôi: “Anh sợ à? Anh sợ đây không còn giống thành phố trong ký ức của mình nữa đúng không? Anh sợ mọi sự đã thay đổi?” Tôi không thể phủ định. Đúng thế tôi sợ, nếu Yên Thuỷ đã không còn giống như trong trí nhớ của tôi nữa, tôi sẽ phải sao đây? Thực tế hoàng hôn trước mắt đã không còn mỹ lệ như những hoàng hôn trước nữa, mặt trời cằn cỗi gục dần xuống trong bụi khói phủ mờ nửa thành phố, không còn đâu nữa cái ấm áp trong ký ức. Thành phố Yên Thuỷ cả một màu lấm lem đang tranh cướp với thời gian trong tiến trình cải tạo thành phố. Bên ngoài cửa hàng bách hoá, biểu tượng kiến trúc của thành phố, đang xếp đầy các giàn giáo sắt, một đám công nhân tay trần treo mình trên đó, lắp đèn neon, lát gạch men, bận như chong chóng.

Buổi tối, chúng tôi tìm một nhà trọ nhỏ, tắm rửa nghỉ ngơi từ sớm. Tôi ngượng ngùng hẹn với Ma Nhã ngày mai tôi sẽ đưa em đi thăm thành phố. Chúng tôi chúc nhau ngủ ngon rồi ai về phòng người nấy. Tôi không đánh răng, không rửa chân tay, không thay quần áo, chui thẳng đầu vào trong đống chăn chiếu phảng phất mùi kiềm của xà phòng ngủ vùi, đem theo cả đất cát cuộc hành trình dài vào giấc ngủ say như chết.

Tôi khiếp sợ thay đổi. Tôi đã từng tò mò, háo hức với tất cả những thay đổi nhỏ nhất, nhưng bốn năm đã qua, đứa tôi năm hai mươi đã biến thành một ông già nhỏ tuổi thích an nhàn và ổn định. Tôi không còn say mê với những thứ phía trước, tôi cố để cuộc sống của mình luôn nằm trong phạm vi khống chế có thể. Ngoài Ma Nhã ra, tôi không quen thêm bất kỳ người bạn nào. Tôi học như điên, rồi vào đại học. Và vào những lúc trống vắng, tôi thường lượn lờ trên những con phố giăng mắc trong thành phố. Trong bốn năm ngắn ngủi này, tôi ăn, uống, vệ sinh hằng ngày, tôi cố chấp muốn giữ lại bước tiến của thời gian. Khi tôi phát hiện mình không thể ngăn cản bản thân lớn lên và trên thực tế đã thành một người trưởng thành, tôi tìm mọi phương cách nguỵ trang cho mình giống một đứa trẻ. Xin hãy coi tôi như một đứa trẻ, xin đừng giằng ra cái mặt nạ tôi đang đeo để lừa mình lừa người, cho dù tôi đã không thể tìm lại cảm giác của một đứa trẻ dù chỉ là một lần nữa.

Tôi ngủ qua cả bữa sáng, Ma Nhã không đến đánh thức tôi, mặc cho tôi ngủ mãi đến trưa. Mặt trời đứng bóng chiếu ánh nắng rát cháy, thẳng tay lôi tôi ra khỏi giấc ngủ. Đi tìm Ma Nhã, Ma Nhã không có trong phòng, lòng tôi như lửa đốt. Ở đây lạ nước lạ cái, Ma Nhã đi đâu được?

Không cả kịp rửa mặt, tôi chạy vụt ra phố, dáo dác tìm Ma Nhã khắp nơi. Cảnh tượng giống hệt bốn năm trước, thành phố Yên Thuỷ chó chạy khắp đường. Tụi chó hoang mỗi con chiếm cứ một phương, quyết không không thoả hiệp. Những căn nhà cũ kỹ mái thấp tè vẫn án binh bất động lần lượt khớp lại với những hình ảnh trong ký ức tôi, ngồi theo đúng chỗ ban đầu của nó. Tôi dừng lại bước chân hoảng loạn của mình, dường như trong chốc lát tôi đã quên mất mình đang phải tìm Ma Nhã. Đằng kia là con phố tôi nhớ nhất, đi vào con phố đó là nhà của Vi Vi. Tôi biết Vi Vi đã đưa Lã Yến rời khỏi Yên Thuỷ đến sống ở một thành phố khác, nhưng không sao kiềm chế được bước chân nôn nóng quay về.

Cánh cửa chống trộm giờ đã rỉ hoen, nham nhở, dấu tích của già yếu và ảm đạm. Không có ai. Cô Hạ không có nhà. Cô Hạ giờ ra sao? Vi Vi trong thư từng kể nó và cô Hạ đã cãi nhau rất to, nhưng nó không kể lý do tại sao. Với cô Hạ, Vi Vi còn quan trọng hơn cả mạng sống của cô, nó đi rồi cô sẽ ra sao? Tôi thấy lịch sử đang lặp lại. Bốn năm trước là tôi, bốn năm sau là Vi Vi. Tôi nói là vì “Tự Do”. Tôi khoác lên người tấm áo tự do để mặc sức tung hoành bay lượn, cuối cùng đổi lại chỉ là một tấm thân đầy thương tích, những người yêu quý tôi cũng thương tích đầy người. Có những lúc tôi thật sự muốn làm rõ rốt cuộc tự do là gì? Tự do nhất định phải trả bằng những cái giá cao và đắt như vậy sao?

Tôi vừa tìm Ma Nhã, vừa đi lần mò lại những sợi dây xưa. Ở cuối con phố kia, một quầy hoa quả vệ đường thu hút sự chú ý của tôi. Hoa quả được bày cả trên một chiếc xe đẩy gỗ. Phía đằng trước tay kéo có đặt một chiếc ghế đẩu dài. Trên ghế một người đàn bà khô, gầy, già đang ngồi. Người đàn bà ngồi đó mắt xa xăm nhìn về phía đám người qua lại, nhưng chắc chắn không để ý đến bất kỳ ai trong đó. Trong con mắt không còn một chút sắc khí. Bà như một đoạn dây nến đã cháy lụi. Tôi nhìn người đàn bà rất lâu, nhưng không dám tin rằng kia chính là cô Hạ sức lực dồi dào, dám nghĩ dám làm ngày nào. Cô chắc cũng chỉ tuổi như mẹ tôi, hơn bốn mươi, thế nên những mảng tóc trắng lớn trên mái đầu rối bù kia làm người ta cảm thấy cô đã già quá mức cho phép. Tôi muốn đi lên chào một tiếng, nhưng cuối cùng vẫn quyết định thôi, quay đầu trở về.

Ma Nhã ngồi trong phòng tôi. Khi tôi bước vào phòng, Ma Nhã đang cúi người đốt một ngọn nến. Trong phòng cắm đầy nến. Tôi xúc động lắp bắp: “Ma Nhã, em đi đâu thế? Anh lo quá!” Ma Nhã suỵt khẽ, ngón tay trỏ dựng trước môi. Tôi phát hiện em đánh một lớp son mỏng. Dưới ánh nến, đường nét của đôi môi căng mọng của em càng hiện rõ, lấp lánh ánh sáng của pha lê. Ma Nhã kéo kín cái rèm cửa in hoa, đèn không bật, màn đêm từ từ lắng lại, nến im lặng cháy.

Ma Nhã nói: “Hôm nay là sinh nhật em.” Tôi tròn mắt. Tôi chỉ biết Ma Nhã nhiều tuổi hơn tôi, nhưng không hề biết hôm nay là sinh nhật của em. Ma Nhã nói tiếp: “Em không bao giờ làm sinh nhật. Bố mất từ rất sớm, mẹ đem theo chị đi cưới người khác. Bà nội không cho mẹ đem em đi theo. Em ở lại sống với bà. Bà mất, hai bác đem em về nuôi. Em chịu rất nhiều uất ức, nhưng chưa bao giờ nói một câu oán trách nào. Hai bác cũng không dễ dàng gì khi nuôi thêm một đứa như em. Điều quan trọng là họ thật sự thương em. Giống như anh, mười sáu tuổi em cũng bắt đầu đi xem thế giới bên ngoài, chỉ có điều không được may mắn như anh thôi. Em không tìm được đường về nhà, nói đúng hơn, em không có nhà để về. Em cứ thế lang bạt. Em ghét lang bạt. Em thấy mình đang mệt mỏi và già cỗi dần đi trong cuộc hành trình lang bạt không điểm dừng này, thế nên em không làm sinh nhật bao giờ. Có thể chúng ta chính là những người sợ phải già đi hơn bất kỳ ai hết. Chỉ biết cứ cắm cúi đi hết ngày này qua ngày khác, bởi dừng chân lại, đợi chúng ta chỉ có tuyệt vọng và cái chết.”

Căn phòng chìm trong im lặng, có thể nghe thấy tiếng ruột nến cháy lép bép. Tôi và Ma Nhã hai người ngồi hai bên đầu giường. Ma Nhã nhìn tôi, ánh mắt em xa xôi, dịu dàng. Em nói:

“Em làm rất nhiều việc, đi hết nơi này lại chuyển qua nơi khác, cũng chẳng đủ thời gian làm quen với những người xung quanh. Em không có bạn. Rất đáng chán phải không? Em biết mình không giống họ, em không thể dễ dàng mở rộng lòng mình. Từ nhỏ em đã quen với lảng tránh, biến mình thành một con nhím xù lông nhọn. Cách bảo vệ mình tốt nhất mà em biết là không để người khác đến gần. Cho dù chỉ cách một tờ giấy mỏng thôi, nó cũng là ngăn cách. Em thấy chẳng có gì đáng yêu hơn sự cô độc, cũng chẳng có gì đáng ghét hơn nó nữa. Em nghĩ rằng mình sẽ cô độc mãi thế, cô độc cho đến chết. Sự xuất hiện của anh với em là món quà của thượng đế. Em và anh, chúng ta như hai tấm vải cùng một chất liệu, cũng cô độc như thế, cõng trên mình cảm giác tội lỗi, không biết tự lượng sức mình phản kháng, không chấp nhận bị nhấn chìm.”

“Ma Nhã.” Tôi đứng dậy, đi đến ngồi bên Ma Nhã, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay em. Ma Nhã run rẩy. Tôi không biết nên nói gì nữa. Chúng tôi đều là những con người bị sự cô độc giày vò thoi thóp, người có thể cứu rỗi bản thân hoá ra lại chỉ đang cách trong gang tấc.

Ma Nhã nói: “Anh không chê em già chứ?” Tôi nói: “Anh cùng em già.” Ma Nhã cười, ánh nến không gió vẫn tự lắc lư, nhẹ nhàng đung đưa. Ma Nhã nói: “Thế cùng em đi qua sinh nhật này. Bắt đầu từ bây giờ, em sẽ là một người đàn bà có tuổi. Chỉ cần anh không chê, em sẽ không sợ già đi.”

Đêm hôm đó, chúng tôi uống rất nhiều rượu, uống cho đến tận khi chiếc nến cuối cùng cháy hết, màn đêm gói trọn hai chúng tôi. Trong bóng tối, tôi nghe thấy tiếng khóc Ma Nhã cố kìm xuống, nước mắt em đốt cháy tôi. Đừng khóc, Ma Nhã, đừng khóc, lại gần bên anh, thu lại những chiếc lông bảo vệ, hãy để cô độc rời xa chúng ta.

Tôi đưa Ma Nhã đi dạo quanh Yên Thuỷ. Tôi chỉ cho em kia là ai, ai, ai, họ làm gì. Quán trà Tả Ngạn là toà nhà đầu tiên bị quy hoạch tháo dỡ. Bây giờ ở đó là một quảng trường lộ thiên, mấy khuôn cỏ, mấy vạt hoa. Tất cả vẫn chưa hoàn thiện, vẫn thấy từng đống cát và bùn đỏ chất đầy. Trong tiệm quần áo được xây dựng trên nền quán ăn cũ của Trần Thái Kiện, Ma Nhã mua một cái yếm nhỏ màu tím nhạt, đường may khá vụng nhưng hình thêu kính vạn hoa trên chiếc yếm lại tỉ mỉ và đẹp đến độ làm người ta không nỡ bỏ xuống. Tiệm tạp hoá của Đường Kiến Quốc vẫn ở đó. Tôi nói đấy là nhà của thằng điên mà tôi vẫn kể. Không, đó là nhà của Đường Lâm Sinh.

Mời các bạn tải đọc sách Đom Đóm Nhỏ của tác giả Thiên Tử.

 

Download Ebook

Đom Đóm Nhỏ

Pdf

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

Giới thiệu Ebook Đom Đóm Nhỏ Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Đom Đóm Nhỏ của tác giả Thiên Tử. Trong sinh nhật bố, Nam Cung Vĩ vì mâu…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose