Đường Sống – Văn Thư Nghị Luận Chọn Lọc
[toc]
Giới thiệu ebook
Đường Sống – Văn Thư Nghị Luận Chọn Lọc
Cuốn sách mang tên chung là Đường sống – cái tên rất giàu ý nghĩa. Lev Tolstoi là người kiên trì theo đuổi học thuyết của mình, mà học thuyết đó, theo ông là một con đường sống cho sự phát triển của nhân loại. Học thuyết mà Lev Tolstoi theo đuổi và coi là con đường sống, khác với những con đường khác. Đường sống cũng là tác phẩm cuối cùng của Tolstoi, ra mắt độc giả sau khi ông đã qua đời. Đây là cuốn sách rất dày, tập hợp những danh ngôn, những châm ngôn của các hiền triết, các triết gia, các nhà tư tưởng lớn của thế giới, nói về tất cả các phương diện của cuộc sống, các lĩnh vực của cuộc sống, về đạo đức, về giáo dục, về tín ngưỡng, v.v… chia thành 32 chương, trong đây có một chương mà tám phần mười những châm ngôn đó là của Tolstoi, ông không ghi tên tác giả. Đó là lí do cuốn sách mang tên Đường sống, nhân dịp năm nay chúng ta kỉ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn hoá Nga Lev Tolstoi, và đây là tác phẩm cuối cùng Lev Tolstoi để lại cho loài người. Tác phẩm này, theo nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, ngay ở Nga cũng không mấy người biết đến.
Về kết cấu cuốn sách, ban đầu, chúng tôi dự định chỉ giới thiệu một số tác phẩm nghị luận của Tolstoi. Nhưng sau đó, chúng tôi thấy thế thì không đủ, bởi vì Tolstoi không những là bậc thầy về văn nghị luận, mà ông là bậc thầy siêu đẳng của nghệ thuật thư từ. Đọc thư của ông nhiều khi thích hơn đọc văn của ông nhiều. Thư của ông sống động đến mức độ ta hình dung được ngay con người của ông. Trong kho lưu trữ của Tolstoi ở Moscow, hiện đang giữ hơn một vạn bức thư của Tolstoi và hơn năm vạn bức thư thập phương gửi đến cho ông, mà ông có trả lời hơn một vạn bức. Toàn bộ thư từ của Tolstoi được in trong Tổng tập Tolstoi, chiếm 31 tập trong 90 tập. Còn những thư từ của những người khác gửi Tolstoi thì lại được in rất rải rác, phải biết cách tìm mới tìm được ra. Nên chúng tôi thấy cần phải giới thiệu cả phần thư từ của Tolstoi để người đọc qua tiếp cận thư từ của Tolstoi sẽ hình dung được rõ hơn con người của ông, khí chất, tính khí của ông, những thiện cảm, ác cảm của ông; con người ông thể hiện qua thư từ rất rõ. Đặc biệt, Tolstoi rất gắn bó với Phương Đông, qua một con người đặc biệt của Phương Đông là Mahatma Gandhi – Thánh Gandhi, và chúng tôi biết một bộ sưu tập những thư từ giữa Tolstoi và Gandhi, nên cũng cố tìm bằng được bộ sưu tập đấy, và trong cuốn sách này có thể thấy toàn bộ thư từ giữa Tolstoi và Gandhi, bấy giờ Tolstoi đã là vĩ nhân, còn Gandhi thì trên thế giới này chưa ai biết đến, nhưng Gandhi đã tiếp thu tư tưởng của Tolstoi, đã lãnh đạo nhân dân của mình giành được độc lập theo con đường mà Tolstoi đã vạch ra; nên Gandhi suốt đời tôn sùng Lev Tolstoi là người thầy vĩ đại của mình. Qua những thư từ đấy, qua những lời phát biểu của Gandhi về Tolstoi, chúng tôi muốn để bạn đọc Việt Nam hiểu thêm thế nào là Tolstoi đối với thế giới, không phải chỉ với lĩnh vực văn học, mà đối với nhân loại, nên chúng tôi đưa phần thư từ của Tolstoi vào cuốn sách.
Ngoài ra, trong tác phẩm của ông, đến phút cuối cùng, chúng tôi cũng phải thấy là phải giành một phần cho những tư tưởng của Tolstoi về giáo dục. Ban đầu, chúng tôi thấy bộ sách này đã lớn rồi, nên định làm một cuốn sách riêng để giới thiệu những tác phẩm của Tolstoi về giáo dục. Nhưng rồi chúng tôi thấy, không biết đến bao giờ mới có thể làm được việc đó. Nên nhóm dịch giả đã thống nhất đưa vào cuốn sách này. Nhà giáo Vũ Thế Khôi rất nhiệt tình nhận dịch các tác phẩm của Tolstoi bàn về giáo dục. Trong khi những vấn đề về giáo dục hiện được nhận thức khá rõ đây là vấn đề quá nóng bỏng ở đất nước ta hiện nay. Chúng ta tham cứu được những tư tưởng về giáo dục của Tolstoi thì sẽ có thêm một hậu thuẫn chấn chỉnh nền giáo dục. Đây cũng cách đóng góp – mà nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh cư gọi là rất nhỏ nhoi của nhóm dịch, cho nền giáo dục nước nhà.
Tolstoi còn dành nhiều tâm huyết cho vấn đề đạo đức con người, liên quan chặt chẽ với vấn đề giáo dục. Ông đặt vấn đề là làm sao con người có một nền đạo đức đích thực, một nền đạo đức bất di bất dịch, không gì phá vỡ được. Tolstoi có hẳn một hệ quan điểm thế nào là đạo đức của con người và loài người, và làm thế thế nào để giữ và phát triển được điều đó. Đây là một trọng điểm trong cuốn sách này, nhóm dịch giả trong theo đuổi điều này trong quá trình tuyển chọn, dịch thuật các tư liệu về Tolstoi. Mọi phát biểu của Tolstoi về đạo đức của con người và loài người đều được đưa vào cuốn sách này.
Thứ ba, là những quan điểm của Tolstoi về khoa học chân chính, về khoa học công nghiệp. Chúng ta có thể đều biết, Tolstoi phê phán rất gay gắt nền văn minh hiện đại, khoa học hiện đại. Nhưng Tolstoi phê phán như thế nào, tinh thần phê phán của Tolstoi như thế nào, ông có phải là người cổ hủ, không hiểu biết gì mà phê phán hay không, hay ông theo đuổi một mục đích nào đó để phê phán nền khoa học hiện đại, và cả nền công nghệ hiện đại. Nền văn minh chúng ta đang sống hiện nay cũng bị Tolstoi phê phán rất gay gắt. Nhưng chúng ta phải gạt đi những nhận định, những phê phán gay gắt đấy, nhìn đằng sau những phê phán ấy, có những hạt nhân chân lý nào mà Tolstoi theo đuổi. Tôi thấy rằng, thời gian lịch sử trôi qua, chúng ta có thể bình tĩnh nhận định, tiếp thu tất cả những ý kiến phê phán và xây dựng của Tolstoi, cũng như đối với một tư tưởng rất quan trọng của Tolstoi về phi bạo lực, về lấy thiện trả ác. Tolstoi là người kiên trì xây dựng cho loài người con đường phát triển phi bạo lực, con đường phát triển đấu tranh không dùng ác để chống ác, không lấy ác để trị ác, mà chỉ lấy cái thiện để khắc phục cái ác. Tolstoi có quan niệm rất sắt đá rằng cái ác cũng như bóng tối, không thể dùng bóng tối để xua tan bóng tối, mà chỉ có thể dùng ánh sáng để xua tan bóng tối. Tolstoi kiên trì suốt đời, cổ vũ mọi người, viết thư cổ vũ từng cá nhân, hay đấu tranh với cái ác bằng con đường thiện.
Hi vọng công việc mà nhóm dịch giả Phạm Vinh Cư tiến hành sẽ được độc giả Việt Nam hưởng ứng bằng cách quan tâm đọc Lev Tolstoi hơn, và đọc không chỉ ở những tác phẩm nghệ thuật mà cả những tác phẩm nghị luận, triết học, tôn giáo học của Tolstoi nữa.
——-
Trích Lời Nhà xuất bản
Theo một nghĩa nào đó, mỗi nhà văn lớn đều là một nhà tư tưởng. Nhà văn thể hiện tư tưởng của mình hoặc một cách trực tiếp thông qua các tiểu luận, các bài phát biểu… hoặc một cách gián tiếp (và thông thường là gián tiếp) bằng các hình tượng văn học. Độc giả Việt Nam đã rất quen với cái tên Lev Tolstoi – nhà văn Nga vĩ đại mà tư tưởng của ông đã được thể hiện gián tiếp thông qua một số kiệt tác như Chiến tranh và hòa bình, Anna Katenina, Phục sinh… Nhưng ít ai biết rằng, những tư tưởng của Lev Tolstoi còn được thể hiện một cách trực tiếp và sinh động với khối lượng đồ sộ các tác phẩm nghị luận và thư từ của ông, mà cho đến nay dường như vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày mất Lev Tolstoi, Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc kho tư liệu, do một số điều kiện lịch sử, đã gần như bị lãng quên ấy (ít ra là ở Việt Nam) của Lev Tolstoi dưới sự tuyển chọn, dịch và giới thiệu của dịch giả Phạm Vĩnh Cư và các cộng sự. Để có được cuốn sách mà độc giả đang cầm trong tay, đích thân dịch giả Phạm Vĩnh Cư đã sang Nga tìm tư liệu và tổ chức, điều phối công việc dịch thuật và chú giải. Trong khả năng cho phép, cuốn sách này chỉ tập trung công bố các tác phẩm nghị luận của Tolstoi về tôn giáo, đạo đức giáo dục và khoa học… Còn các tác phẩm nghị luận văn học của ông, chúng tôi xin phép được công bố vào một dịp khác.
Bản dịch sang tiếng Việt các tư liệu tiếng Nga được tuyển chọn đưa vào cuốn sách này đã trung thành hầu như tuyệt đối với ý tưởng và văn phong của Tolstoi. Chấp nhận hay bác bỏ từng ý kiên riêng của Tolstoi là sự lựa chọn của mỗi độc giả. Chúng tôi chỉ xin lưu ý các bạn đọc rằng, đã có một triết gia Nga đương đại khẳng định: loài người còn phải lớn lên hơn nữa thì mới thực sự hiểu được Tolstoi.
***
HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI
NHÌN TỪ HÔM NAY
PHẠM VĨNH CƯ
Một trăm năm về trước, khi nhà văn Nga Lev Nikolaevich Tolstoi (1828- 1910) qua đời trong niềm thương tiếc của nhiều triệu con người trên khắp hành tình của chúng ta, công luận thế giới đánh giá sự nghiệp của ông, năm châu như một đặt tên tuổi ông bên cạnh không chỉ Homer, Shakespeare, Goethe mà còn Phật Đà, Kitô, Luther, tức là coi ông vừa như một trong những nghệ sĩ ngôn từ lớn nhất của loài người vừa như một nhà cải cách tôn giáo đã sáng lập một học thuyết tôn giáo mới cũng dành cho toàn thể loài người, không phân biệt dân tộc, quốc gia, đẳng cấp xã hội như đạo Phật và đạo Kitô. Những định danh như thế, tưởng chừng xốc nổi và hời hợt, chỉ dựa trên trực giác và liên tưởng và còn xa mới bao quát được hết các mặt phức tạp và các đặc điểm hệ trọng trong cái hiện tượng không tiền khoáng hậu mang tên Lev Tolstoi, xem ra lại thâu tóm được bản chất, tầm vóc và ý nghĩa của hiện tượng ấy tốt hơn rất nhiều khảo luận, chuyên luận, luận văn về Tolstoi mà ngày nay đã không thể nào thống kê được. Chúng cũng tiên lượng được khá chính xác cái số phận bất an, ba chìm bảy nổi và chưa biết hồi kết mà di sản của Tolstoi, với học thuyết tôn giáo – đạo đức của ông, phải chịu đựng trong thế giới ngày nay.
Như mọi người đều biết, Tolstoi xuất hiện trên trường quốc tế như là nhà chính luận và nhà truyền giáo sau khi Tolstoi – nghệ sĩ đã giành được nơi đây vinh quang chói lọi. Rõ ràng, đây là một hậu thuẫn, một tiền đề thuận lợi để thế giới lắng nghe tiếng nói của ông. Nhưng nếu nhà tư tưởng Tolstoi không có thực lực thì tiếng nói ấý đã mau chóng chìm lẫn trong đại dương đa thanh đến hỗn độn của những tư trào, những học thuyết, những đảng phái tranh giành quyết liệt ảnh hưởng đến trái tim, khối óc con người trong bối cảnh thế giới cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Nhưng không như Gogol ở Nga và vượt xa Hugo và Zola ở Pháp, tiếng nói của Tolstoi – nhà hoạt động xã hội đã mau chóng thu lượm được sức mạnh thu phục nhân tâm ở trong và ngoài nước Nga, khiến những tử thù của ông, nắm trong tay quyền lực nhà nước và quyền lực tôn giáo, trong vòng ba thập niên lúc nào cũng ngay ngáy lo sợ. Được lưu truyền rộng rãi nhận xét của chủ nhiệm một tuần báo chính trị – xã hội có uy tín ở Nga thời ay (A. Suvorin): “Ở nước chúng ta có hai Sa hoàng: Nikolai II và Tolstoi. Tolstoi đang làm lung lay ngai vàng của Nikolai, mà Nikolai thì lại không làm gì được Tolstoi.” Nhưng đây, một phát biểu nhìn nhận vai trò, ý nghĩa của Tolstoi từ một góc độ hoàn toàn khác. Năm 1908, trong dịp thế giới kỉ niệm 80 năm sinh Tolstoi, Alexander Blok, một nhà thơ trẻ, sáng tác theo khuynh hướng mới, tuyệt không thể hi vọng được Tolstoi khen ngợi, đã đăng trên báo bài viết ngắn mang tên “Mặt trời bên trên nước Nga”, với những dòng kết như sau: “Chừng nào Tolstoi còn sống, còn đi theo luống cày sau cái cày, sau con ngựa trắng của mình – thì còn buổi sáng đầy sương, còn mát rượi, còn không gì đáng sợ, ma quỷ còn say giấc – và đội ơn Chúa! Tolstoi đang đều bước – đó là mặt trời đang lên cao. Nhưng nếu mặt trời lặn, nếu Tolstoi chết – thì cái gì sẽ đến?”
Một thụ cảm, một nhận thức như vậy về Tolstoi – như là người thầy chung của nhân loại, như là hiện thân của lương tâm không ngơi nghỉ và không thề mua chuộc của loài người – là phổ biến thời ấy, nó đã biến Yasnaya Polyana, điền trang của nhà văn, thành điểm hành hương của hàng trăm khách thập phương và điểm đến của hàng vạn bức thư từ nhiều miền đất gần xa, mà trong đó những người viết cho Tolstoi, đồng tộc lẫn ngoại tộc, hỏi ý kiến của ông, đề nghị ông phát biểu về nhiều vấn đề của đời sống, nhiều khi không liên quan gì đến văn chương, nghệ thuật. Trong những bức thư như thế, mà Tolstoi đã trả lời, được chọn và đưa vào sách này không chỉ thư của các văn sĩ châu Âu đã hoặc sẽ đoạt giải Nobel – Henryk Sienkiewicz, Bernard Shaw, Romain Rolland, mà còn của một luật sư Ấn Độ chưa được mấy người biết đến, đang sống ở Nam Phi và lãnh đạo cuộc đấu tranh phi bạo lực giành các quyền công dân của một cộng đồng thiểu số người Ấn ở vùng này – người mai sau sẽ trở thành lãnh tụ tinh thần của dân tộc Ấn Độ và được cả thế giới gọi là Mahatma (Thánh) Gandhi -từ trẻ thấm nhuần những tư tưởng tôn giáo – đạo đức của Tolstoi, Gandhi mong mỏi được nghe thấy từ Tolstoi lời cổ vũ cho phương pháp đấu tranh mà ông đã lựa chọn, và ông đã nghe thấy. Cũng thuộc số người đã trao đổi thư từ với Tolstoi có hai nữ sinh Mỹ da màu Lizzie Walker và Martha Tyler ở một thị trấn hẻo lánh của bang Indiana – họ yêu cầu Tolstoi cất tiếng lên án những tội ác của người da trắng hà hiếp người da đen trên quê hương họ, và Tolstoi đã cất tiếng phỉ nhổ những tội ác ấy, đồng thời khuyến dụ những người bị áp bức nên hành xử thế nào với những kẻ áp bức họ…
Nhưng rồi tiếng nói cương trực, vang dội toàn cầu của Tolstoi im bặt vĩnh viễn, song thế sự mà tiếng nói ấy thực ra chưa tác động được đến, vẫn tiếp diễn dường như theo kịch bản đã được duyệt trước. Năm năm sau khi ông qua đời, giữa khói lửa của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, mà ngay Tolstoi, với nhạy cảm đặc biệt của ông với những biểu hiện của chủ nghĩa quân phiệt, của chạy đua vũ trang và chuẩn bị chiến tranh, cũng không tiên đoán được, nhà văn Nga D. Merezhkovski, bình luận bộ nhật ký của Tolstoi vừa được in, chua chát viết: “Người mới đây còn là thủ lĩnh tư tưởng của chúng ta, Lev Tolstoi, tuồng như bỗng dưng đánh mất hết quyền lực của mình – tuồng như bỗng dưng toàn bộ trở nên không đúng lúc, không cần thiết, không hiện đại, không-hợp thời; chúng ta không biết phải làm gì với ông, cũng như, thực tình mà nói, với tất cả các hiền giả, các bậc thầy, các nhà tiên tri. Hình như chưa bao giờ lại lộ rõ như hiện nay sự bất lực của tinh thần con người trước sức mạnh vô hồn của vật chất: cho dù những con người của tinh thần có nói gì, có nghĩ gì, có cảm thấy và có làm gì – bên ngoài họ sẽ không có gì đổi thay.” Sau thế chiến thứ nhất là thế chiến thứ hai, còn tàn khốc và dã man hơn, với những thảm cảnh và tội ác khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì mà ngòi bút Tolstoi đã khắc họa, và giữa hai cuộc đại chiến ấy trên tổ quốc của Tolstoi đã diễn ra toàn những thứ mà sinh thời Tolstoi đã không mong muốn tí nào, đã không biết mệt mỏi cảnh báo, ngăn ngừa đồng bào mình – cách mạng, nội chiến, rồi một chính thể chuyên chế mới. Dưới chính thể ấy người ta đã đối xử với Tolstoi cũng hoàn toàn không như ông mong muốn: đề cao đến mức tuyệt đối hóa sáng tác văn học của ông, biến nó gần như thành một thứ khuôn vàng thước ngọc cho mọi người cầm bút trong hiện tại và tương lai nhưng lại hạ thấp cũng hết mức Tolstoi – nhà tư tưởng, xem cái phần ấy trong di sản của ông là vĩnh viễn thuộc về quá khứ và không cần thiết tí nào cho công cuộc xây dựng xã hội mới, con người mới. Những trước tác quan trọng nhất của Tolstoi – nhà tư tưởng trên thực tế trở thành bất cập đối với công chúng độc giả, đồng thời những người noi theo học thuyết của Tolstoi trong xã hội bị ngược đãi. Trong vòng bảy thập niên, nhà tư tưởng Tolstoi được biết đến, được nghiên cứu và quảng bá ở nước ông ít hơn ở bất cứ nước nào của phương Tây, nơi do nhiều lí do cũng thống ngự nhiều định kiến về Tolstoi và trong ý thức xã hội cũng định hình một quan niệm rập khuôn về ông như là một nhà văn kì tài và một triết gia yếu kém, nhưng đồng thời nhưng giới học thuật vẫn tiếp tục nghiên cứu và kiến giải Tolstoi trong sáng tác và nhân cách của ông. Song dĩ nhiên đã không thể nói về ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Tolstoi ở các nước Au – Mỹ thế kỉ XX nơi những thần tượng mới: Nietzsche, Freud, Heidegger, Sartre, Derrida… Iần lượt chiếm lĩnh tâm trí của công chúng có học, đẩy vào chỗ râm tối, thậm chí ra ngoài lề của không gian văn hóa – tư tưởng, nhiều thiên tài của các thế kỉ trước. Đều bước với các nhà tư tưởng hiện đại và hậu hiện đại, không ít các văn nghệ sĩ tiên phong chủ nghĩa ở phương Tây – trái ngược với sự “phong thánh” Tolstoi – nghệ sĩ ở nước Nga Xô viết và các nước đồng minh – từ những năm 60 ra sức chối từ di sản văn chương của Tolstoi, coi nó thuộc về một giai đoạn đã vĩnh viễn bị vượt qua của nghệ thuật ngôn từ…
Trong những thập kỉ đầy khó khăn ấy, uy tín và ảnh hưởng của Tolstoi vừa như một nghệ sĩ vừa như một tư tưởng gia, may thay, được duy trì mà không phải chịu đựng những thăng trầm khiên cưỡng ở phương Đông – khu vực thế giới mà Tolstoi sinh thời quan tâm đến thế và gửi gắm nhiều hy vọng đến thế – ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanca và đặc biệt Ấn Độ. Nước Ấn Độ độc lập, ngưỡng kính và tự hào về Thánh Gandhi của mình, một cách tự nhiên, ngưỡng kính cả Tolstoi mà Gandhi luôn luôn coi là người thầy tinh thần của ông, nâng niu trân trọng di sản tư tưởng của Tolstoi, tiếp thụ sáng tạo và phát huy tác dụng của nó. Có thể tìm thấy không ít tư tưởng đồng vọng với Tolstoi trong những trước tác của nhà triết học Ấn Độ lỗi lạc (từng làm nguyên thủ của nước này) Radhakrishnan cũng như ở Nhật Bản của nhà hoạt động tôn giáo nổi tiếng Ikeda. Đúng như Romain Rolland đã viết từ những năm 20 thế kỉ trước, chính Tolstoi – nhà tư tưởng đã trở thành một trong những cầu nối đầu tiên chuẩn bị cho cuộc hội nhập tinh thần Đông – Tây mà những bộ óc ưu thời mẫn thế của thế giới này từ lâu mơ ước. Một sự kiện giàu ý nghĩa và hiệu quả trong lịch sử đương đại của thế mới phương Tây mang rõ nét ảnh hưởng của tư tưởng phương Đông lại liên quan không tách rời với học thuyết tôn giáo – đạo đức của Tolstoi – đó là phong trào đấu tranh phi bạo lực nhằm xóa bỏ tệ phân biệt chủng tộc của những người da đen ở Mỹ vào những năm 60 thế kỉ trước dưới sự lãnh đạo của Martin Luther King – người đã có ý thức học tập tư tưởng và phương phấp hành động của Gandhi và vô giác hay tự giác đã thực hiện những lời khuyên xưa kia của Tolstoi, bày tỏ trong thư gửi hai nữ sinh da màu ở bang Indiana. Và những công dân Hoa Kì có học thời nay, khi bỏ phiếu bầu một người da màu làm nguyên thủ quốc gia của mình, chắc hẳn tưởng nhớ tới cả Tolstoi trong số những tác nhân của những biến đổi đáng mừng trong đời sống của nước họ. Và không biết là một trùng hợp ngẫu nhiên hay báo hiệu, nhưng cũng ở nước Mỹ ngày nay, nhà văn Tolstoi dẫn đầu các tác giả cổ điển về số lượng sách in. Nhưng phải chăng Tolstoi sẽ thỏa mãn với sự có mặt như thế của mình trong đời sống của nước Mỹ? Thế còn chiến tranh ở Afganistan, ở Irak và chính sách siêu cường quốc mà đa số nhân dân Mỹ ủng hộ, nhưng Tolstoi thì chắc chắn sẽ lên án?
Nếu nói về nước Nga, hiện đang kinh qua một giai đoạn cực kì khó khăn trong lịch sử của mình, thì rõ ràng thấy được ở đây “sự trở về” của Tolstoi – nhà tư tưởng, bắt đầu từ cuối thập niên 80 của thế kỉ trước. Sự trở về ấy (đáng tiếc nó đi kèm với sự nguội lạnh nhất định và chắc là nhất thời của công chúng đối với Tolstoi – nghệ sĩ) sẽ mang lại những gì cho dân tộc Nga, văn hóa Nga – chỉ tương lai mới trả lời được câu hỏi ấy. Nhưng có cái tương lai dài lâu ấy không cho nước Nga và cả thế giới – câu hỏi ấy lớn, to hơn rất nhiều và hệ trọng đến mức không thể so sánh, đang còn để ngỏ, gây lo âu khắc khoải cho hàng tỉ người trên hành tinh này. Trong khi một triết gia Nga đương đại khẳng định: loài người còn phải lớn lên hơn nữa thì mới thực sự hiểu được Tolstoi, một triết gia khác in hẳn một cuốn sách dày cộp mang tên Tồn tại hay không tồn tại… nhân loại? Hóa ra, vận mệnh của Tolstoi gắn không tách rời với vận mệnh của nền văn minh loài người, mà rất nhiều tai họa, nhiều vấn nạn toàn cầu của nó đã được ông tiên lượng hơn một thế kỉ trước, và cũng Tolstoi ấy đã kiên trì đề xướng một con đường phát triển (“đường sống”, như ông nói) đã bị lịch sử nhân loại gạt bỏ. Vậy chân lí thuộc về ai? Rõ ràng không thuộc về, hay chỉ một phần thuộc về nhân loại. Thế thì có phần chân lí nào không thuộc về Lev Tolstoi? Đặt câu hỏi này, chúng ta tâm niệm lời của Tolstoi khẩn khoản đề nghị mọi độc giả “không vội vã và bực bội mà hãy hiểu và bàn thảo những gì tôi phát biểu, và trong trường hợp không đồng tình thì không với sự khinh bỉ và căm ghét, mà với thái độ tiếc thương và ân cần uốn nắn cho tôi; còn trong trường hợp đồng tình thì nhớ rằng nếu tôi nói ra chân lí, thì chân lí ấy không phải của tôi, mà của Thượng Đế; và rằng chỉ ngẫu nhiên một phần chân lí ấy đã đi qua tôi, hệt như nó đi qua từng người trong chúng ta, khi chúng ta nhận thức và truyền đạt nó.”
*
* *
Nếu tìm người khai mào cho khuynh hướng, thậm chí truyền thống nghiệt ngã ái mộ Tolstoi – nghệ sĩ và không chấp nhận Tolstoi – nhà tưởng, thì người ấy chắc là Ivan Sergeevich Turgenev (1818-1883). Nhà văn hào này, nhiều hơn Tolstoi mười tuổi và đã nâng đỡ cổ vũ những bước đi đầu tiên của ông trong văn học, suốt ba thập niên quan hệ một mực khuyến dụ Tolstoi cống hiến toàn bộ cuộc đời, tất cả mọi sức lực phong phú được trời phú bẩm cho sự nghiệp văn chương và không làm gì khác ngoài sáng tác văn học. Ngoài sự không chia sẻ nhiều tư tưởng tâm huyết của Tolstoi, chắc Turgenev còn đinh ninh rằng tài văn như ở Tolstoi thì có một không hai, chứ còn những tư tưởng mà Tolstoi trực tiếp phát biểu, nhiều người khác cũng có thể nói ra, mà còn thuyết phục hơn, hay hơn, “có nghề” hơn. Cho nên ông cứ khuyên hoài Tolstoi hãy là văn sĩ chuyên nghiệp và một tháng trước khi qua đời còn khẩn thiết kêu gọi người bạn của mình, “nhà văn vĩ đại của đất Nga”, trở về với hoạt động văn học, chớ sa lầy trong hoạt động chính luận và truyền giáo. Vào cuối năm 1857, hồi hai người còn chơi thân với nhau, không hài lòng nhận thấy ở người bạn trẻ của mình một sự thiếu tập trung trong các mối quan tâm, một sự thiếu ý thức về thiên chức đích thực của mình, Turgenev viết cho Tolstoi: “… dù có nát óc đến đâu, tôi vẫn không thể nghĩ ra được, anh là cái gì nếu không phải là người viết văn: một sĩ quan? một điền chủ? một triết gia? nhà sáng lập một học thuyết tôn giáo mới? một viên chức? một doanh nhân? Xin anh dẫn dắt tôi ra khỏi sự khó khăn này và nói cho biết, giả định nào là đúng.” Turgenev hỏi nửa đùa nửa thật mà không biết rằng ông đã nói trúng “tim đen” của Tolstoi. Trong nhật ký của Tolstoi, vào những ngày đầu tháng Ba 1855, ta đọc thấy: “Hôm qua câu chuyện về thần thánh và đức tin đã khơi lên trong tôi một ý tưởng vĩ đại, to lớn vô cùng mà tôi cảm thấy mình có thể cống hiến cả đời cho việc thực hiện nó. Ý tưởng ấy là – sang lập một tôn giáo mới, phù hợp với sự phát triển của nhân loại, tôn giáo của Kitô, nhưng được tẩy rửa khỏi mọi thứ mê tín và bí ẩn, một tôn giáo thực tiễn, không hứa hẹn một hạnh phúc mai sau, mà cho hạnh phúc trên cõi trần…”
Trong nhật ký của mình, được viết suốt đời, Tolstoi sẽ không bao giờ dùng những từ ngữ to tát và long trọng như thế khi ông nói về những ý đồ sáng tác hay những thành phẩm văn chương của mình, cho dù đó có là Chiến tranh và hòa bình, hay Anna Karenina, hay Phục sinh. Và đối chiếu những dòng chữ thời hoa niên này với những gì mà nhà thuyết giáo và thầy đời Tolstoi sẽ viết và nói sau này, không thể không nhận ra rằng, thứ nhất, hạt nhân của toàn bộ học thuyết đạo đức – tôn giáo của Tolstoi đã được gói gọn ở đây, và thứ hai, như một con người, Tolstoi đã trung thành với mình, với những khát vọng thời trai trẻ của mình – điều mà ông không ngớt căn dặn các thế hệ trẻ bước vào đời muộn hơn ông. Tolstoi đã trung thành với mình, đã cố gắng đến cùng thực hiện những gì mà ông ấp ủ từ thời niên – thiếu, và chỉ có một, chứ không hai Tolstoi cần được tri ngộ như là một thực thể và chỉnh thể, cho dù việc này có khó khăn đến đâu. Nếu quả là nhân loại còn phải trưởng thành để tiếp nhận thế giới tư tưởng của Tolstoi thì cũng rất có thể là thế giới nghệ thuật của Tolstoi cũng đang chờ đợi một sự phát hiện lại, nhận chân lại như thế. Giữa di sản văn học và di sản tư tưởng của Tolstoi có quan hệ hữu cơ, không thể phá vỡ và không thể coi nhẹ, chứ chưa nói làm lơ, và sẽ là kém bổ ích và không tương xứng với đối tượng chọn nghiên cứu chỉ Tolstoi – nghệ sĩ, hoặc chỉ Tolstoi – nhà tư tưởng. Sự thông hiểu tư tưởng của Tolstoi giúp sức cho sự thấu thị thế giới nghệ thuật của ông, và ngược lại, trực giác nghệ sĩ của ông giúp ta giải thích nhiều tư tưởng anh minh của ông mà chỉ bây giờ, một thế kỉ sau khi ông qua đời, mới được công nhận. Xin đơn cử hai thí dụ, thí dụ thứ nhất lấy từ tiểu thuyết – sử thi Chiến tranh và hòa bình (tập 3, phần 2, chương XXIV – XXV).
Pier Bezukhov và Andrei Bolkonski, hai nhân vật chính của tiểu thuyết, gặp nhau trên cánh đồng Borodino trong đêm trước ngày diễn ra trận đánh lịch sử giữa quân đội Nga và đoàn quân của Napoléon tấn công nước Nga. Pier chứng kiến tinh thần chiến đấu và quyết tâm chiến thắng toát ra từ mọi lời nói và cử chỉ của các binh sĩ Nga, đặc biệt từ người bạn tâm giao của mình – công tước Andrei. Tác giả viết về não trạng của Pier: “Câu hỏi cứ làm cho chàng bận tâm hoài từ cái lúc xuống dốc Mozhaisk, bây giờ thì chàng thấy được giải đáp thật minh bạch, dứt khoát. Bây giờ thì chàng đã hiểu được hết ý nghĩa của cuộc chiến tranh này và của trận đánh sắp diễn ra. Tất cả những gì chàng thấy hôm đó, những khuôn mặt nghiêm nghị và trầm ngâm đã thoáng qua trước mắt chàng, bây giờ như được một ánh sáng mói rọi vào. Chàng đã hiểu được cái nhiệt khí âm ỉ, như các nhà vật lí học nói, của tinh thần ái quốc đang sống trong tất cả những người ấy, nó đã giải thích cho chàng vì sao họ lại sẵn sàng đón cái chết một cách bình thản gần như nhẹ dạ như vậy.” Andrei Bolkonski giải thích cho Pier: đây là cuộc chiến tranh giữ nước giữ nhà, vì thế nó nhất định thắng lợi: Mười vạn quân Nga giáp chiến với mười vạn quân Pháp, đạo quân nào chiến đấu hăng hái hơn, không ngại hi sinh hơn thì đạo quân ấy sẽ thắng. Muốn xảy ra gì thì gì, ngày mai chúng ta sẽ chiến thắng. Phải, muốn gì thì gì, ngày mai chúng ta cũng sẽ thắng.” Tất cả đều hòa điệu, đều ăn khớp, hào khí ủa sử thi là rõ ràng. Nhưng hai trang sau, về cuối cuộc đối thoại, cũng nhân vật ấy lại nói khác hẳn: “… ngày mai, người ta sẽ mặt giáp mặt để chém giết nhau, sẽ tàn sát và làm tàn phế hàng vạn người, rồi sau đó sẽ làm lễ tạ ơn Chúa, nhờ Chúa phù hộ mà họ đã giết được thật nhiều người (mà con số đó họ sẽ còn thổi phồng lên), và sẽ tuyên bố chiến thắng, cho rằng càng giết được nhiều người thì công trạng càng to. Không biết Chúa ở trên ấy nhìn và nghe thấy thế nào!…”
Tại sao lại có sự tiền hậu bất nhất như thế, và quan trọng hơn sự tuồng như tự phủ định ấy, sự cào bằng, đổ đồng người bị xâm lược với kẻ xâm lược, sự hạ thấp cái vinh quang của người chiến thắng trong cuộc chiến đấu rõ ràng chính nghĩa? Lẽ nào tác giả tiểu thuyết không ý thức được rằng, đặt những lời như thế vào miệng Andrei Bolkonski, ông làm điều trái ngược với những gì mà người đọc đang chờ tìm thấy ở tiểu thuyết của ông? Còn đâu âm hưởng của sử thi anh hùng, sử thi đánh giặc cứu nước? Còn đâu cấu trúc thuần toàn, nhất khối của nhân vật sử thi, hấp dẫn đến thế đối với độc giả đại chúng? Tất cả trở nên rối rắm, khó hiểu, khó đồng cảm. Nhưng tất cả đều nằm trong ý đồ của tác giả. Trong ý đồ ấy không có sự tiền hậu bất nhất, mà có sự kết hợp từ đầu đến cuối hai điểm nhìn, hay nói đúng hơn hai nhãn thức, một nhãn thức hạn hẹp hơn, tạm gọi là nhãn thức “địa giới”, tiếp giáp phức tạp với một nhãn thức khác, cao rộng hơn, tạm gọi là nhãn thức “thiên giới”, nó không phủ định, nhưng chỉ ra tính tương đối và ước lệ của nhãn thức địa giới. Andrei Bolkonski, cái tôi thứ hai của tác giả, trong phạm vi một cuộc đối thoại tâm tình chuyển dịch từ nhãn thức này sang nhãn thức kia mà không cảm thấy một tí mâu thuẫn nào giữa mình với mình bởi vì nhân vật này thường xuyên làm như thế trong suốt vận trình của tiểu thuyết. Ngay từ đầu đã là như thế: trong trận đánh ở Austerlitz, còn đang ao ước lập chiến công, mơ tưởng đến vinh quang của Napoleon thì công tước Andrei cầm quân kì ngã xuống chiến trường, mở mắt ra trông thấy bầu trời cao lồng lộng và trên cái nền trời ấy hình ảnh một Napoleon chiến thắng và đắc thắng lập tức và mãi mãi trở nên nhỏ bé trong mắt chàng. Một cuộc đảo lộn lộn tâm thức trong chớp loáng như thế có hiện, thực hay không? Trường đoạn này trong tiểu thuyết được viết thật hơn đời thực. Bảy năm sau, trên cánh đồng Borodino nhân vật này lại cảm thức và phát biểu tương tự: chiến tranh giữ nước giữ nhà là việc chính nghĩa, việc đáng làm, song mọi cuộc chiến tranh, mọi sự giết người đều là tội lỗi của con người trước Thượng Đế và không được tự hào về tội lỗi ấy. Trong cuộc đối thoại này Bolkonski đã trực tiếp cầu viện đến Thượng Đế như là cấp phán xử cuối cùng (“không biết Chúa ở trên ấy nhìn và nghe thấy thế nào!”).
Hơn 20 năm sau khi hoàn thành tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Tolstoi viết thiên khảo luận dài Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta, trong đó ông xác định ba kiểu nhân sinh quan: cá nhân luận, xã hội luận và thượng đế luận. Thế nào là nhân sinh quan cá nhân luận và thượng đế luận, thiết tưởng không cần giải thích, nhưng khái niệm “nhân sinh quan xã hội luận” của Tolstoi có một nội hàm đặc thù rất xác định: đó là nhân sinh quan xuất phát chỉ từ lợi ích của từng kiểu và từng cấp hợp quần (cộng đồng) người, từ gia đình đến quốc gia và liên minh quốc gia, mà giới hạn là toàn nhân loại. Theo Tolstoi, các kiểu liên kết ấy cùng với nhân sinh quan thích ứng với chúng là những thực tại lịch sử trong những điều kiện nhất định cần thiết cho con người, nhưng do bản chất vị kỉ của chúng mà luôn luôn có sức mạnh nô dịch con người, trói buộc nó, làm tha hóa nó, che khuất khỏi mắt nó cái chân và cái thiện đích thực, nếu con người không hấp thụ và lấy làm kim chỉ nam cho mình cái nhân sinh quan”thượng đế luận”, yêu thương tất cả mọi sinh linh con người như nhau và không dành cho bất kì một người nào hay một hợp quần người nào một ưu đãi, một đặc quyền đặc lợi nào. Và chỉ yêu kính Thượng Đế và đoàn kết triệt để trong Thượng Đế thì loài người mới có cơ dựng xây trên Trái đất một cuộc sống thiện hảo, trong ngôn ngữ tôn giáo gọi là Vương quốc của Thiên Chúa (Nước Trời). Trở lại với tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, ta thấy cái nhân sinh quan “thượng đế luận” ấy tuy chưa hoàn bị và chưa được ý thức rõ ràng, song đã hiện diện trong nhãn thức của tác giả và các nhân vật mà ông yêu quý nhất. Chính cái nhãn thức được quán triệt ấy bảo đảm cho tác phẩm của ông sức sống lâu bền, điều mà không thể nói về những “tiểu thuyết – sử thi” của nhiều tác giả ở nhiều nước khác nhau, bắt chước nghệ thuật của Tolstoi nhưng xa lạ hay không hấp thụ nhuần nhuyễn nhãn thức “thượng đế luận” của ông.
Xin chuyển sang thí dụ thứ hai – đó là bài viết “Gửi đại hội Slave ở Sofia”, hoàn thành vào thượng tuần tháng Bảy 1910 – chi bốn tháng trước khi Tolstoi qua đời. Lí do của bài viết này là thư mời tham dự Đại hội của các dân tộc Slave được tổ chức ở Sofia, thủ đô nước Bungari mới giành được độc lập chính trị sau năm thế kỉ bị đế quốc Ottoman đô hộ. Mặc dù thư mời nhấn mạnh rằng đại hội này sẽ tuyệt không bàn đến những vấn đề chính trị mà chỉ nhằm mục đích đoàn kết và liên kết các nước và dân tộc Slave về mặt văn hóa – kinh tế, Tolstoi đã gửi đến đại hội một thông điệp có tính phê phán rõ rệt. Do thông điệp này ngắn gọn, xin dẫn ra dưới đây hầu như toàn văn:
“Đoàn kết con người, chính sự đoàn kết mà nhân danh nó các vị tập trung lại với nhau, không những là công việc quan trọng nhất của nhân loại, mà tôi còn thấy trong sự đoàn kết ấy có cả ý nghĩa, cả mục đích và hạnh phúc cuộc sống con người. Nhưng để cho hoạt động ấy mang lại ân phúc, cần làm sao để nó được thấu hiểu trong tất cả ý nghĩa của nó, không bị hạ thấp, hạn chế hoặc xuyên tạc. cần phải là như vậy đối với tất cả mọi hoạt động quan trọng nhất của loài người, như tôn giáo, tình yêu, sự phục vụ nhân loại, khoa học và nghệ thuật. Tất cả cho đến cùng, đến tận những kết luận cuối cùng, cho dù chúng có xa lạ hoặc khó chịu đến thế nào đi chăng nữa cho ta. Hoặc là tất cả hoặc không có gì. Chẳng thà không có gì, chứ không phải là một vài thứ, bởi vì tất cả những hoạt động vĩ đại nhất của tâm hồn con người, nếu không thực hiện đến cùng thì không những không hữu ích, không mang lại lợi ích gì, cho dù nhỏ nhoi nhất, mà còn có sức phá hủy và hơn tất cả những điều khác ngăn cản đạt tới cái đích mà họ tưởng chừng hướng tới.
Không phải nghi ngờ gì nữa, những con người đoàn kết bao giờ cũng mạnh hơn những người chia rẽ. Gia đình mạnh hơn những cá thể. Một băng cướp bao giờ cũng mạnh hơn những tên cướp một mình. Cộng đồng mạnh hơn những cá thể riêng biệt. Một quốc gia được đoàn kết bằng lòng ái quốc mạnh hơn các sắc tộc sống tách biệt. Nhưng vấn đề là ở chỗ, ưu thế của những người đoàn kết so với những kẻ tách biệt và hậu quả không tránh khởi của ưu thế đó, sự nô dịch hay ít nhất là sự bóc lột những người tách biệt ấy, tự nhiên gợi cho những người ấy nguyện vọng đoàn kết, thoạt đầu để chống lại bạo lực, rồi sau đó để thực hiện bạo lực. Dĩ nhiên, khi đã gánh chịu cái ác do sự liên kết của các nhà nước Áo, Nga, Đức, Ottoman, thì các dân tộc Slave có nguyện vọng đoàn kết nhằm chống lại cái ác đó, nhưng khối liên kết mới đó, giả dụ nó được thành lập, tất yếu sẽ bị lôi kéo vào kiểu hoạt động y như vậy, không những để đối phó với các liên minh khác, mà còn để đàn áp và bóc lột những liên minh yếu hơn, nghèo hơn, và chống lại những cá nhân riêng biệt.
Đúng, đoàn kết là ý nghĩa, mục đích và hạnh phúc của đời sống nhân loại, nhưng mục đích và hạnh phúc ấy chỉ đạt được khi đây là sự đoàn kết toàn thể nhân loại, vì một nền tảng chung cho toàn nhân loại, chứ không phải là sự liên kết mấy nhóm nhỏ hoặc lớn của nhân loại vì những mục đích hạn chế, cục bộ. Cho dù đó là những liên kết gia đình, hay đảng cướp, hay cộng đồng, hay quốc gia, của một dân tộc hay của “liên minh thần thánh” giữa các quốc gia, những liên kết như vậy không những không trợ giúp, mà còn cản trở sự tiến bộ chân chính của loài người. Và vì vậy để phục vụ hữu thức cho sự tiến bộ chân chính, ít nhất tôi nghĩ như thế, cần không ủng hộ tất cả những liên kết cục bộ như thế, mà phải luôn luôn chống lại chúng. Đoàn kết là chìa khóa giải phóng con người khỏi cái ác. Nhưng để chìa khóa đó thực hiện được chức năng của mình, cần đẩy nó đến cùng, đến chỗ nó phải mở ra, chứ không được để nó bị gãy và làm hỏng ổ khóa. Đoàn kết cũng cần phải như vậy, để đạt được những kết quả đại phúc đại hạnh thích hợp với nó, nó phải nhằm mục đích liên kết tất cả mọi người, vì một khởi nguyên chung cho tất cả nhân loại, được tất cả mọi người thừa nhận như nhau. Mà sự liên kết đó chỉ có thể là liên kết dựa trên cơ sở tôn giáo của đời sống, – cái cơ sở mà chỉ có nó mới đoàn kết mọi người, nhưng tiếc thay lại bị đa số những người đang lãnh đạo các dân tộc trong thời đại chúng ta cho là đã lỗi thời, không cần thiết.
Người ta sẽ bảo tôi rằng: chúng tôi thừa nhận nền tảng tôn giáo đó, nhưng không chối bỏ cả nền tảng nối kết các bộ lạc, dân tộc, quốc gia. Nhưng vấn đề là ở chỗ cái này loại trừ cái kia. Nếu thừa nhận mục đích cuộc sống nhân loại là đoàn kết toàn thế giới, mang tính tôn giáo, thì bản thân sự thừa nhận ấy phủ định mọi cơ sở đoàn kết khác và ngược lại, sự thừa nhận là cơ sở của đoàn kết yếu tố bộ lạc, dân tộc, quốc gia – ái quốc tất yếu sẽ phủ định nguyên lí tôn giáo như là nền tảng thực sự của cuộc sống nhân loại.
Tôi nghĩ, tôi hầu như tin chắc rằng những ý nghĩ mà tôi đã trình bày sẽ bị coi là bất khả thi và không đúng đắn, nhưng tôi cho rằng mình có nghĩa vụ phải nói thẳng ra điều đó với những người mà, bất chấp sự phủ định chủ nghĩa ái quốc bộ lạc và dân tộc nơi tôi, dù sao đi nữa cũng gần gũi với tôi hơn những người thuộc dân tộc khác. Nói một điều to lớn hơn nữa, vứt bỏ những suy tính về việc, căn cứ vào những lời nói này của tôi người ta có thể cáo buộc tôi thiếu nhất quán và mâu thuẫn với chính mình, tôi xin nói rằng điều đặc biệt đã khiến tôi phải nói ra những gì mà tôi vừa trình bày, niềm tin của tôi vào việc cái nền tảng tôn giáo của sự đoàn kết đại đồng ấy, mà chỉ một mình nó có thể đoàn kết ngày một nhiều người hơn và dẫn họ đến với hạnh phúc phù hợp với bản tính của họ, rằng nền tảng ấy sẽ được tất cà các dân tộc trong the giới Kitô giáo tiếp nhận, trước hết là các dân tộc thuộc nòi giống Slave.”
Bài viết này cho thấy rất rõ những đặc điểm nổi bật của cái lối suy luận, cái nếp tư duy nơi nhà tư tưởng, Tolstoi. Có thể gọi nó bằng một từ – cực đoan, thể hiện ở ngay phương châm mà ông đã không ngần ngại đưa ra: “Hoặc là tất cả hoặc không có gì.” Chủ trương đoàn kết toàn nhân loại và lấy đó làm đích, Tolstoi gạt bỏ mọi hình thức liên kết trung gian, nhìn thấy ở chúng những chướng ngại vật cho sự đạt tới đích cuối cùng ấy. Gia đình, tổ quốc bị đặt lên cùng một mặt bằng với đảng cướp – cơ sở của chúng là chủ nghĩa ích kỉ vụ lợi. Tất cả các liên minh ít nhiều mang tính cục bộ, không chỉ những liên minh quốc gia – chính phủ (Tolstoi là người theo chủ nghĩa vô chính phủ triệt để) mà cả những tổ chức nay gọi là phi chính phủ, cũng đều bị coi là đi ngược lại tôn chi đoàn kết toàn nhân loại và bị lên án. Chỉ cần hỏi Tolstoi: thế nhưng để đấu tranh cho sự đoàn kết toàn nhân loại ấy từng con người riêng lẻ phải dựa vào, phải tham gia ít nhất một tổ chức nào chứ? Thì ông sẽ không trả lời (thực ra ông có câu trả lời, xin được nói đến sau). Thành thử bắt bẻ Tolstoi là việc rất dễ, và biết bao người đã bắt bẻ ông, nói thẳng với ông: sự cực đoan quá khích là phản chỉ định, là không thể chấp nhận ở nhà triết học, nhà tư tưởng xã hội. Thế nhưng Tolstoi không hề sửa đổi, vẫn tiếp tục cực đoan, như ta thấy, cho đến khi từ giã cõi đời này. Tại sao lại thế? Đơn giản: cực đoan (đẩy đến cực độ) là lợi thế và lợi khí của tư duy nghệ thuật, và Tolstoi, nghệ sĩ vĩ đại, không ngần ngại sử dụng nó trong những thể loại diễn ngôn phi nghệ thuật. Và sự lạm dụng ấy, trong trường hợp Tolstoi, lại đem đến những hiệu quả bền vững tuy không ngay lập tức. Đoc văn nghị luận của Tolstoi, rất nhiều khi ta có cảm tưởng rằng ông viết về ngày hôm nay của đất nước chúng ta, thế giới chúng ta. Cái trực giác, cái linh giác nghệ sĩ đã giúp nhà tư tưởng Tolstoi nắm bắt không sai lầm những vấn đề mới chớm nở trong xã hội thời ấy nhưng sẽ trở thành những vấn nạn của xã hội ngày nay, những ung nhọt mới nảy sinh trên cơ thể nhân loại mai sau sẽ biến thành những ổ ung thư. Đọc lại bài “Gửi đại hội Slave ở Sofia” và liên h
Download ebook
Đường Sống – Văn Thư Nghị Luận Chọn Lọc
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com
[toc] Giới thiệu ebook Đường Sống – Văn Thư Nghị Luận Chọn Lọc Tweet! Cuốn sách mang tên chung là Đường sống – cái tên rất giàu ý nghĩa. Lev Tolstoi là…