Đông Phương Luận

Đông Phương Luận

Giới thiệu

Đông Phương Luận


Tóm tắt, Review và Đánh giá sách Đông Phương Luận của tác giả Edward W. Said & Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tụy (dịch):

Bản in đầu tiên của tác phẩm Orientalism, với tên Đông Phương học xuất bản 1998, bản in 2014 đổi tên thành Đông Phương Luận.

Người dịch: Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tụy
Người hiệu đính: Lưu Đoàn Huynh

Lịch sử về cách “phương Tây” nhìn “phương Đông” đã kéo dài nhiều nghìn năm, từ sử gia Herodotus của Hy Lạp cổ đại, sứ thần Hy Lạp Megasthenes đến Ấn Độ cho đến cuộc hành trình của Marco Polo xuyên qua đế chế của Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), nơi ông mô tả những túp lều dựng bằng vàng, thành phố thịnh vượng của hàng triệu cư dân và những dòng sông đầy thuyền bè…

Tuy nhiên, lịch sử hiện đại của “Orientalism” được bắt đầu vào năm 1798.

Đó là năm vị tướng nước Pháp, Napoléon Bonaparte cùng 40,000 lính và 10,000 thủy thủ rời khỏi cảng Tuolon bắt đầu cuộc viễn chinh 3 năm ở Ai Cập và Syria. Mục đích của cuộc hành quân là mở rộng ảnh hưởng của nước Pháp và nhằm suy yếu nước Anh. Thực tế, đó là một dự án thực dân. Điều thú vị ở chỗ đi cùng Napoleon không chỉ có binh lính mà còn một đạo quân các nhà khoa học khảo cổ, văn bản học, cổ tự học, bia ký, sử học, kỹ sư…

***

EDWARD WADIE SAID (1935 – 2003), nhà phê bình văn học nổi tiếng mang quốc tịch Mỹ. Các tác phẩm của ông có ảnh hưởng trên nhiều phương diện, đặc biệt là chính trị. Những tác phẩm chính: Out of place; Beginnings; Culture and imperialism

***

Cách đây chín năm, vào mùa xuân năm 1994, tôi đã viết lời hậu từ cho cuốn Đông Phương luận. Trong lời hậu từ đó, khi cố gắng làm rõ những điều mà tôi tin mình đã nói và không nói, tôi nhấn mạnh không chỉ nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra sau khi cuốn sách được xuất bản năm 1978, mà cả chuyện bằng cách nào mà một tác phẩm bàn về phương thức tái hiện “Phương Đông” lại có thể gây ra ngày càng nhiều lối hiểu sai hoặc giải thích sai. Ngày nay, cũng một điều đó song tôi nhìn với cảm giác mỉa mai hơn là bực bội, đó là dấu hiệu cho thấy tôi đã già đi đến độ nào, đồng thời những kì vọng và nhiệt tình sư phạm cũng giảm đi một cách không tránh khỏi như thường vẫn xảy ra với tuổi tác. Gần đây, hai người thầy về mặt tri thức, chính trị và nhân cách của tôi, Eqbal Ahmad và Ibrahim Abu-Lughod, đã qua đời (Lughod là một trong những người được tôi đề tặng quyển sách này), cái chết của hai người đã gây cho tôi nỗi buồn và sự mất mát, cũng như sự chấp nhận và ý chí kiên trì tiếp tục công việc của mình. Đây hoàn toàn không phải chuyện lạc quan, mà là tiếp tục tin tưởng vào tiến trình giải phóng và khai sáng đang tiếp diễn và thực sự không kết thúc, tiến trình mà, theo tôi, tạo khuôn khổ và định hướng cho chức nghiệp tri thức.

Tuy nhiên, điều vẫn còn gây ngạc nhiên cho tôi là cuốn Đông Phương luận tiếp tục được thảo luận và dịch sang 36 thứ tiếng trên khắp thế giới. Nhờ có những cố gắng của bạn thân và đồng nghiệp của tôi, Giáo sư Gaby Peterberg, từng dạy tại Đại học Ben Gurion ở Israel và hiện nay làm việc tại UCLA, quyển sách đã được dịch sang tiếng Do Thái và kích thích sự thảo luận và tranh biện đáng kể trong giới độc giả và sinh viên Israel. Ngoài ra, một bản dịch tiếng Việt đã được xuất bản với sự bảo trợ của Úc. Tôi hi vọng sẽ không phải là thiếu khiêm tốn nếu nói rằng một không gian trí thức Đông Dương dường như đã được mở ra cho những luận điểm trong sách này. Dù sao, tôi rất sung sướng vì tôi đã không bao giờ dám mơ rằng một số phận tốt đẹp như vậy lại đến với tác phẩm của mình và sự quan tâm đối với những gì tôi cố gắng làm trong quyển sách đã không hoàn toàn bị quên lãng, nhất là tại nhiều vùng của chính “phương Đông”.

Tất nhiên, một phần là vì Trung Đông, người Arập và đạo Hồi vẫn đang tiếp tục kích gợi nên sự thay đổi, đấu tranh, tranh luận lớn lao và, trong khi tôi đang viết các dòng này, cả chiến tranh nữa. Như tôi đã nói cách đây nhiều năm, Đông Phương luận là sản phẩm của những hoàn cảnh mà về cơ bản – hay đúng hơn là về căn để – rất phức tạp. Trong hồi kí của tôi, dưới nhan đề Out of place (Lạc chỗ), tôi đã mô tả những thế giới xa lạ và mâu thuẫn trong đó nơi tôi đã lớn lên, cung cấp cho tôi và độc giả một tường thuật chi tiết về những bối cảnh ở Palestine, Ai Cập và Libăng mà tôi cho là đã tạo nên tôi. Nhưng đó chỉ là một tường thuật rất cá nhân, không bao gồm những năm tháng tôi tham gia đấu tranh chính trị kể từ sau cuộc chiến tranh Arập-Israel năm 1967, cuộc chiến mà, do hậu quả vẫn còn tồn tại đến nay (Israel vẫn đang chiếm đóng quân sự lãnh thổ Palestine và cao nguyên Golan), điều kiện đấu tranh và những ý tưởng có tầm hệ trọng mất còn đối với người Arập và Mĩ thuộc thế hệ tôi hình như vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định một lần nữa rằng sở dĩ cuốn sách này và, theo đó, hoạt động tri thức của tôi nói chung đã thực sự trở thành hiện thực là nhờ cuộc sống của tôi trong tư cách Giáo sư Đại học. Tuy nhiều khi người ta vẫn nêu ra các nhược điểm và vấn đề của nó, song đại học Mĩ nói chung và Đại học Columbia của tôi nói riêng vẫn là một trong những địa điểm hiếm hoi còn lại ở Mĩ nơi mà việc suy tư và nghiên cứu còn có thể được tiến hành theo một cách hầu như không tưởng. Tôi không bao giờ giảng dạy bất cứ điều gì về Trung Đông, bởi chuyên ngành của tôi là giảng dạy về khoa học nhân văn chủ yếu của châu Âu và Mĩ, chuyên gia về văn học so sánh hiện đại. Trường đại học và việc giảng dạy hai thế hệ sinh viên hạng nhất cùng các đồng nghiệp tuyệt vời đã giúp tôi có thể tiến hành những nghiên cứu mang tính suy ngẫm và phân tích được đưa vào quyển sách này. Tuy có nhiều tham chiếu đến những vấn đề cấp thiết của thế tục, Đông Phương luận vẫn là một quyển sách về văn hóa, ý tưởng, lịch sử và quyền lực, chứ không phải thuần túy về chính trị Trung Đông. Đó là khái niệm của tôi ngay từ đầu, là điều rất rõ ràng và hiện nay càng rõ ràng hơn.

Tuy vậy, cuốn Đông Phương luận liên quan chặt chẽ đến các động năng đầy hỗn độn trong lịch sử đương đại. Vì vậy, trong sách, tôi đã nhấn mạnh rằng chữ “Phương Đông” và khái niệm “Phương Tây” không có tính ổn định nào về mặt bản thể luận, mỗi từ ấy đều do cố gắng của con người tạo ra, một phần là để khẳng định, một phần là để nhận dạng “Cái Khác” hay “Kẻ Khác”. Những hư cấu tuyệt đỉnh đó đã dễ dàng bị người ta thao túng và bị vận dụng nhằm mục đích điều khiển những cơn mê đắm tập thể, điều này là rõ ràng hơn bao giờ hết trong thời đại chúng ta, khi mà việc kích động nỗi sợ, lòng căm thù, sự ghê tởm, cùng với lòng tự cao và sự ngạo mạn đang trỗi dậy trở lại – phần lớn điều này liên quan đến một bên là đạo Hồi và người Arập còn bên kia là “chúng ta”, người phương Tây – đang diễn ra trên bình diện lớn. Trang đầu của Đông Phương luận mở ra với việc mô tả Nội chiến Libăng nổ ra năm 1975 và kết thúc năm 1990, nhưng bạo lực và đổ máu vẫn tiếp tục cho đến phút này. Đã có thất bại của tiến trình hòa bình Oslo, cuộc nổi dậy thứ hai của nhân dân Palestine (intifada) và nỗi thống khổ khủng khiếp của họ khi Israel lại xâm lược vùng Bờ Tây và dải Gaza bằng máy bay F-16 và trực thăng Apache liên tục tấn công các thường dân không được bảo vệ như là một phần của cuộc trừng phạt tập thể từ phía Israel. Hiện tượng đánh bom tự sát đã xuất hiện với hậu quả tàn phá ghê gớm, mà đặc biệt khủng khiếp và bi thảm như trong sách Khải Huyền dĩ nhiên là vụ 11/9 và hệ quả của nó là các cuộc chiến của Mĩ tại Afghanistan và Iraq. Khi tôi viết các dòng này, cuộc xâm lược đế quốc và chiếm đóng phi pháp không được chuẩn thuận của Anh và Mĩ ở Iraq vẫn đang được tiến hành, mà hệ quả nhãn tiền là sự tàn phá về vật chất, bất ổn về chính trị và thêm những cuộc xâm lược mới thật sự khủng khiếp. Tất cả những điều này là một bộ phận của cái được giả định là xung đột của các nền văn minh, không kết thúc, không khoan nhượng, không thể sửa chữa hoặc giảm thiểu được. Tuy nhiên, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, tôi ước gì mình có thể nói rằng sự hiểu biết chung ở Mĩ về Trung Đông, người Arập và Hồi giáo đã có cải thiện phần nào, nhưng than ôi, điều đó đã không xảy ra. Vì mọi loại lí do, tình hình ở châu Âu dường như tốt hơn đáng kể. Còn ở Mĩ, thái độ trở nên cứng rắn hơn, thói quen giản lược hóa mang tính hạ nhục [đối với Kẻ Khác] và lối nghĩ sáo mòn của kẻ ngạo mạn đắc thắng ngày càng siết chặt hơn, sự khuynh loát của sức mạnh thô bạo kết hợp với sự khinh rẻ mang tính đơn giản hóa đối với những ai bất đồng với mình và những “Kẻ Khác”, tất cả những thứ đó xứng hợp và song hành với việc cướp bóc và phá hủy các thư viện và bảo tàng Iraq. Điều mà các nhà lãnh đạo của chúng ta cùng bọn tay sai trí thức của họ không thể hiểu là: lịch sử không thể bị xóa sạch như một cái bảng để “chúng ta” có thể viết tương lai của chúng ta lên đó và áp đặt lối sống của chúng ta lên các dân tộc nhỏ yếu hơn. Người ta rất thường nghe thấy các quan chức cao cấp ở Washington và các nơi khác nói sẽ thay đổi bản đồ Trung Đông, làm như họ có thể xóc lui xóc tới các xã hội có từ cổ xưa và vô số dân tộc giống như các hạt lạc trong một cái lọ. Điều này đã nhiều lần xảy ra với phương Đông, cái cấu trúc nửa huyền thoại mà kể từ khi Napoléon xâm lược Ai Cập vào cuối thế kỉ 18 đã được tạo ra rồi tái tạo vô số lần bằng hành vi sức mạnh thông qua một hình thức quyền biến của kiến thức nhằm khẳng định rằng đó là bản chất của phương Đông và chúng ta cần phải xử lí với nó như vậy. Trong tiến trình đó, vô số lớp trầm tích của lịch sử bao gồm rất nhiều lịch sử và dân tộc, ngôn ngữ, trải nghiệm và văn hóa, tất cả đều bị gạt đi hoặc phớt lờ, bị đổ vào những đống cát cùng với những kho báu bị xay nát thành những mẩu vô nghĩa và bị lấy ra khỏi các thư viện và bảo tàng Baghdad. Lập luận của tôi: lịch sử là do những con người nam nữ làm ra, nó có thể bị phá đi và viết lại, luôn luôn với những [sự kiện] bị ỉm đi và bị bỏ qua, luôn luôn với những hình thù bị áp đặt và những sự biến dạng được dung thứ, sao cho “miền Đông” (East) và phương Đông (Orient) “của chúng ta” trở thành “của chúng ta”, sở hữu của chúng ta và chịu sự chỉ đạo của chúng ta.

Tôi xin nói lại rằng tôi không có một phương Đông “đích thực” nào để ủng hộ bằng lập luận cả. Tuy nhiên, tôi kết sức kính trọng sức mạnh và thiên tư của các dân tộc khu vực đó trong cuộc đấu tranh cho cách họ nhìn nhận bản thân mình, cách họ hình dung họ muốn trở thành gì. Đã có một sự đả kích đối với các xã hội đương đại của người Arập và Hồi giáo, nói rằng họ lạc hậu, thiếu dân chủ, xóa bỏ quyền phụ nữ, đả kích ồ ạt và hung hăng một cách có tính toán đến nỗi chúng ta quên rằng những khái niệm như hiện đại, khai sáng và dân chủ không hề là những quan niệm đơn giản và đã được thỏa thuận mà người ta có thể tìm thấy hoặc không tìm thấy giống như trứng ngày lễ Phục sinh trong phòng khách gia đình. Thái độ vô tâm kì lạ của những nhà tuyên truyền chán ngấy khi họ phát ngôn nhân danh chính sách ngoại giao mà lại không có ý niệm sống động nào (hoặc không có chút hiểu biết gì) về ngôn ngữ của những gì mà những con người sống thực đang nói, nó đã tạo ra một khung cảnh khô cằn dành sẵn cho sức mạnh Mĩ lắp ráp nên một mô hình thế phẩm về “dân chủ” thị trường tự do, mà không mảy may nghi ngờ rằng những dự án như vậy không tồn tại bên ngoài trí tưởng tượng của nhà văn hư cấu.

Tôi cũng lập luận rằng có sự khác nhau giữa một bên là hiểu biết về các dân tộc khác và các thời đại khác vốn là kết quả của sự hiểu biết, thông cảm, nghiên cứu kĩ lưỡng và phân tích khách quan, còn bên kia là sự hiểu biết (nếu có thể gọi đó là hiểu biết) vốn là bộ phận của một chiến dịch tổng thể nhằm tự khẳng định mình, hiếu chiến và gây chiến. Dù sao, có một khác biệt sâu xa giữa một đằng là ý chí muốn hiểu vì mục đích chung sống và mở rộng tầm mắt đầy tính nhân văn còn một đằng là ý chí thống trị vì mục đích khống chế và cai quản từ bên ngoài. Chắc chắn, một trong những thảm họa tri thức của lịch sử là một cuộc chiến tranh đế quốc được gây ra do một nhóm nhỏ quan chức Mĩ không do dân bầu ra (người ta gọi họ là diều hâu con, vì không một người nào trong số họ đã từng phục vụ trong quân đội) để đánh một chế độ độc tài vốn đã bị tàn phá ở Thế giới thứ ba vì những lí do hoàn toàn mang tính ý hệ liên quan đến sự thống trị thế giới, kiểm soát an ninh và tài nguyên khan hiếm nhưng được che đậy bằng ý đồ chân thực, được xúc tiến nhanh và được biện giải bởi các nhà Đông Phương luận đã phản bội thiên chức học giả của họ. Có ảnh hưởng lớn đối với Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia của Bush là những người như Bernard Lewis và Fouad Ajami, chuyên gia về thế giới Arập và Hồi giáo, những kẻ đã giúp các phần tử diều hâu Mĩ nghĩ về những hiện tượng trái tự nhiên như tâm trí người Arập và sự suy thoái của đạo Hồi trong nhiều thế kỉ, [những thứ] mà duy chỉ sức mạnh của Mĩ mới có thể đảo ngược. Ngày nay, các hiệu sách Mĩ đầy rẫy những sách báo với những bài viết dài có đầu đề rất kêu về Hồi giáo và khủng bố, vạch mặt đạo Hồi, mối đe dọa của người Arập và nguy cơ Hồi giáo, tất cả đều được viết bởi những nhà bút chiến chính trị tự cho mình có vốn hiểu biết được bồi dưỡng nhờ các chuyên gia được cho là đã thâm nhập sâu vào tim óc các dân tộc phương Đông kì lạ kia vốn là gai nhọn khủng khiếp đâm vào da thịt “chúng ta”. Đi kèm những chuyên gia hiếu chiến đó là các kênh thông tin có mặt khắp nơi như CNN và Fox cùng với vô số đài phát thanh tôn giáo và phái hữu, các báo cỡ nhỏ chuyên đăng tin giật gân và các nhà báo trí thức rởm, tất cả đều nhai lại cũng những điều hư cấu không thể kiểm chứng đó, cũng những nhận định khái quát hồ đồ đó nhằm động viên “nước Mĩ” chống lại con quỷ nước ngoài.

Dù có nhiều nhược điểm và thất bại khủng khiếp và một nhà độc tài tệ hại (nhà độc tài đó một phần nào đã được tạo nên cách đây hai thập niên do chính sách của Mĩ), nhưng giá như Iraq là nước sản xuất nhiều chuối và cam nhất thế giới thì chắc chắn đã không có chiến tranh, không có sự kích động quá mức nào về những vũ khí giết người hàng loạt vốn đã bí mật biến mất, không có việc vận chuyển một số lớn lục quân, không quân và hải quân đi xa đến 7.000 dặm để nhân danh “tự do” phá hủy một nước ít ai biết đến kể cả những người Mĩ có học vấn. Nếu không có một ý thức được tổ chức tốt cho rằng những người ở vùng đó không giống “chúng ta” và không hoan nghênh các giá trị của “chúng ta” – điều cốt lõi của giáo điều Đông Phương luận truyền thống mà sự ra đời và lan truyền của nó đã được mô tả trong quyển sách này – thì đã không có chiến tranh.

Chính là từ cái cơ quan bao gồm những học giả chuyên nghiệp được tuyển dụng và trả lương bởi những người Hà Lan đi xâm chiếm Malaysia và Indonesia, các đạo quân Anh ở Ấn Độ, Lưỡng Hà, Ai Cập, Tây Phi, các đạo quân Pháp ở Đông Dương và Bắc Phi, rồi các cố vấn Mĩ làm việc ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, sử dụng cũng những sáo cũ tương tự, cũng những thứ khuôn mòn hạ nhục người khác, cũng những sự biện minh tương tự cho sức mạnh và bạo lực (dù sao, bản đại hợp xướng của họ nói rằng sức mạnh là ngôn ngữ duy nhất mà dân phương Đông hiểu được) trong trường hợp này cũng như trong các trường hợp trước đây. Hiện nay, một đạo quân thầu khoán tư nhân và nhà kinh doanh hăng hái đã gia nhập đạo quân đó ở Iraq, họ sẽ được giao làm mọi việc từ viết sách giáo khoa đến xây dựng hiến pháp, cải tạo và tư nhân hóa cuộc sống chính trị của Iraq và ngành công nghiệp dầu hỏa của nó. Trong các phát biểu chính thức của mình, mọi đế chế đều nói rằng mình không giống các đế chế khác, các kẻ khác, rằng hoàn cảnh của mình là đặc biệt, rằng mình có sứ mệnh khai sáng, văn minh hóa, đem lại trật tự và dân chủ, và chỉ sử dụng bạo lực như là biện pháp cuối cùng, và điều đáng buồn hơn nữa là luôn luôn có một dàn hợp xướng của những người trí thức sẵn lòng nêu những luận điểm nhằm làm cho ta yên lòng về chuyện cũng có những đế chế ôn hòa hoặc vị tha, làm như người ta không nên tin vào các chứng cớ do mình tận mắt thấy về sự tàn phá, khổ sở và chết chóc mà sứ mệnh văn minh mới nhất đã đem lại.

Một đóng góp đặc biệt của Mĩ vào diễn ngôn của đế chế là ngôn từ chuyên ngành của các chuyên gia chính sách. Họ nói: Không cần dùng ngôn ngữ Arập, Ba Tư hay Pháp để thuyết giảng rằng hiệu ứng domino của dân chủ chính là điều mà thế giới Arập cần. Những chuyên gia này, đầy hiếu chiến và ngu dốt, mà trải nghiệm về thế giới chỉ hạn chế ở các cuốn sách được nhào nặn ra ở Beltway nói về “chủ nghĩa khủng bố”, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa chính thống Hồi giáo và chính sách ngoại giao Hoa Kì, hoặc về sự “cáo chung của lịch sử”. Tất cả các thứ đó tranh nhau giành sự chú ý và giành quyền gây ảnh hưởng của họ, mà không đếm xỉa gì đến tính chân thực hoặc sự phản tư hoặc kiến thức thực sự. Điều quan trọng là những thứ đó nghe có vẻ hiệu quả và mưu trí như thế nào, ai có thể ủng hộ nó. Khía cạnh tệ hại nhất của thứ quan điểm yếu tính luận [essentialist] đó là nó làm cho nỗi thống khổ và đau đớn của con người, dù lớn đến đâu, bỗng dưng bị dẹp bỏ cứ như không. Trí nhớ và cùng với nó là quá khứ lịch sử bị xóa bỏ bằng cái câu cửa miệng, xổ toẹt, đầy khinh rẻ mà người Mĩ hay dùng; “Các anh là lịch sử”.

Hai mươi lăm năm sau khi xuất bản, Đông Phương luận lại nêu lên câu hỏi liệu chủ nghĩa đế quốc hiện đại có bao giờ kết thúc hay không, hay vẫn tiếp tục ở phương Đông sau khi tiến vào Ai Cập cách đây hai thế kỉ? Người ta nói với người Arập và Hồi giáo rằng nạn nhân luận [victimology] và việc nhấn mạnh sự tàn phá, cướp bóc của các đế chế chỉ là những cách để tránh né trách nhiệm trong hiện tại. Nhà Đông Phương luận hiện đại nói: Các người thất bại rồi, các người sai rồi. Tất nhiên, V. S. Naipaul cũng đã phần nào đóng góp cho văn học theo cách này, khi ông nói rằng các nạn nhân của đế quốc tiếp tục kêu than, khóc lóc trong khi đất nước của họ ngày càng suy thoái, sa sút. Nhưng đó là một phép tính mới nông cạn làm sao về sự xâm nhập của Đế chế, nó chỉ mô tả một cách rất ư hạn chế sự bóp méo khổng lồ mà đế quốc đã gây ra cho cuộc sống của “những dân tộc nhỏ yếu” và các “chủng tộc bị trị” từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó tránh né không muốn nhìn nhận cái sự thật rằng mãi đến ngày nay, sau bao nhiêu năm, đế quốc vẫn đang tiếp tục xâm nhập vào cuộc sống của người Palestine, Congo, Algerie và Iraq chẳng hạn. chúng ta đã đánh giá đúng rằng Lò thiêu – việc Đức tàn sát 6 triệu người Do Thái trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai – đã vĩnh viễn làm thay đổi ý thức của thời đại chúng ta, Vậy thì tại sao chúng ta không thể có nhận thức tương tự về những gì chủ nghĩa đế quốc và Đông Phương luận đã làm và đang làm? Hãy nghĩ đến cái đường lối vốn đã bắt đầu từ Napoléon, tiếp tục với sự phát triển của Đông Phương luận và việc tiếp quản Bắc Phi, rồi dẫn tới những hành động tương tự ở Việt Nam, Ai Cập và, trong suốt thế kỉ 20, trong cuộc chiến tranh giành dầu hỏa và vị trí chiến lược ở vùng Vịnh, Iraq, Syria, Palestine và Afghanistan. Thế rồi hãy nghĩ về điều ngược lại là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc chống thực dân, thông qua giai đoạn ngắn giành được độc lập, thời đại các cuộc đảo chính quân sự, phiến loạn, nội chiến, cuồng tín tôn giáo, cuộc đấu tranh phi lí và sự tàn nhẫn không khoan nhượng chống lại nhóm “người bản địa” cuối cùng. Từng giai đoạn và thời đại đó sản sinh ra những kiến thức lệch lạc của riêng mình về “người khác”, những hình ảnh giản lược hóa của riêng nó, các cuộc khẩu chiến và bút chiến liên miên của riêng nó.

Ý tưởng của tôi trong Đông Phương luận là sử dụng các phê bình nhân văn để mở ra những lĩnh vực đấu tranh, nêu ra một chuỗi tư duy và phân tích dài hơn để thay thế những đợt bút chiến ngắn, dữ dội đầy nộ cuồng làm nghẽn tắc tư duy vốn dĩ cầm tù chúng ta trong những chiêu bài, thay cho những biện luận thù địch mà mục đích là tạo ra một căn tính tập thể hiếu chiến chứ không phải để tạo ra hiểu biết và trao đổi tri thức. Tôi đã gọi điều tôi tìm cách làm là “chủ nghĩa nhân văn”, một danh từ tôi tiếp tục dùng một cách ngoan cường dù những nhà phê bình hậu hiện đại tinh vi đã bác bỏ nó một cách đầy khinh miệt. Dùng từ “chủ nghĩa nhân văn”, trước hết tôi muốn nói đến nỗ lực tìm cách xua tan những xiềng xích do Blake và đầu óc con người tạo ra để chúng ta có thể sử dụng đầu óc mình theo hướng lịch sử và duy lí vì mục đích hiểu biết trên cơ sở phản tư và phát hiện đích thực. Hơn nữa, chủ nghĩa nhân đạo được hỗ trợ bởi ý thức rằng mình thuộc chung một cộng đồng với những người giải thích khác và những xã hội khác, những thời kì khác: do đó, nói một cách chặt chẽ, không hề có người nhân văn nào là người nhân văn cô lập cả.

Điều đó có nghĩa là mọi lĩnh vực đều gắn với mọi lĩnh vực khác, và không có gì xảy ra trong thế giới chúng ta lại bị cô lập và không có chút mảy may ảnh hưởng bên ngoài. Điều gây nản lòng là việc nghiên cứu văn hóa có phê phán càng cho ta thấy điều trên là đúng thì cách nhìn đó lại càng có vẻ có ít ảnh hưởng, và những quan điểm giản lược mang tính phân cực theo lãnh thổ kiểu như “Đạo Hồi đối lập với phương Tây” càng có vẻ thắng thế.

Đối với những ai trong chúng ta mà hoàn cảnh bắt buộc phải thực sự sống một cuộc sống đa văn hóa, có liên quan đến Hồi giáo và phương Tây, từ lâu tôi đã nghĩ rằng chúng ta có trách nhiệm đặc biệt về mặt tri thức và tinh thần gắn liền với những việc chúng ta làm trong tư cách học giả và người trí thức. Chắc chắn là những người trí thức chúng ta có trách nhiệm làm phức tạp hóa và/hoặc tháo dỡ các công thức có tính thu nhỏ/quy giản hóa và loại tư duy mơ hồ nhưng lại có sức mạnh dẫn dắt tâm trí con người xa rời lịch sử và trải nghiệm cụ thể của con người mà đi vào lĩnh vực hư cấu mang tính ý hệ, đối đầu siêu hình và đam mê tập thể. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể phát biểu về những vấn đề bất công và đau khổ, nhưng chúng ta cần luôn luôn làm điều đó trong một bối cảnh thực tiễn phong phú của lịch sử, văn hóa và kinh tế-xã hội. Vai trò của chúng ta là mở rộng diện thảo luận, chứ không phải đặt ra những giới hạn phù hợp với giới cầm quyền. Tôi đã dành phần lớn đời mình trong ba mươi lăm năm qua để ủng hộ quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Palestine, nhưng tôi luôn luôn cố gắng làm việc đó mà đồng thời vẫn chú ý đầy đủ đến thực tế của nhân dân Do Thái cùng những đau khổ của họ do đàn áp và diệt chủng. Điều cao nhất là cuộc đấu tranh về bình đẳng ở Palestine và Israel nên được hướng vào một mục tiêu nhân bản, nghĩa là chung sống với nhau, và thôi không đàn áp và bác bỏ [lẫn nhau]. Không phải ngẫu nhiên mà tôi nói rằng Đông Phương luận và chủ nghĩa chống xêmit có những cội rễ chung. Do đó, dường như các nhà trí thức độc lập rất cần phải luôn luôn nêu ra những mô hình thay thế cho các mô hình mang tính giản lược hóa và câu thúc dựa trên sự thù địch lẫn nhau, vốn đã từng ngự trị ở Trung Đông và các nơi khác rất lâu.

Bây giờ tôi xin nói về một mô hình thay thế khác hết sức quan trọng đối với công việc của tôi. Trong tư cách một nhà nhân văn hoạt động về văn học, tôi đã được đào tạo bốn mươi năm trong lĩnh vực văn học so sánh mà những ý tưởng đi đầu của nó đã có ở Đức từ cuối thế kỉ 18 đầu thế kỷ 19. Trước đó tôi phải nói đến sự đóng góp hết sức sáng tạo của Giambattista Vico, nhà triết học và ngôn ngữ học người Napoli mà những tư tưởng từng đi trước và sau đó nhập vào chuỗi các nhà tư tường Đức mà tôi sẽ trích dẫn. Các nhà tư tưởng Đức này thuộc về thời đại của Herder và Wolf, tiếp sau đó là Goethe, Humboldt, Dilthey, Nietzsche, Gadamer và cuối cùng là các nhà ngôn ngữ học Lãng mạn vĩ đại của thế kỉ 20 là Erich Auerbach, Leo Spitzer và Ernst Robert Curtius. Đối với những người trẻ tuổi của thế hệ ngày nay, bản thân ý tưởng về ngôn ngữ học gợi cho họ nghĩ tới thứ gì đó vô cùng cổ lỗ bốc mùi thiu, nhưng trên thực tế ngữ văn là ngành học thuật cơ bản và sáng tạo nhất trong các ngành học thuật giải thích. Một ví dụ rất đáng khâm phục về việc này là Goethe quan tâm đến đạo Hồi nói chung và Hafiz nói riêng, một sự đam mê sâu sắc đến mức ông đã viết tác phẩm West–östlicher Divan (Đông Tây thi tập) và điều đó sau này ảnh hưởng đến ý tưởng của ông về Văn chương Thế giới (Weltliteratur) coi việc nghiên cứu mọi nền văn chương thế giới như một tổng thể hài hòa, có thể hiểu được về mặt lí thuyết, giúp ta bảo toàn được cá tính của mỗi tác phẩm mà không bỏ mất cái toàn thể.

Do đó, có một sự mỉa mai khá lớn khi ta nhận thấy rằng do ngày nay thế giới toàn cầu hóa đang thu nhỏ lại theo một số cách đáng buồn như tôi đã nói, chúng ta có thể đang tiến tới một loại tiêu chuẩn hóa và một sự đồng nhất mà ngăn chặn chúng chính là cốt lõi tư tưởng của Goethe. Trong một luận văn xuất bản năm 1951 nhan đề “Ngữ văn của văn học thế giới”, Erich Auerbach đã nêu ra chính xác một ý kiến như thế từ đầu thời kì hậu chiến, vốn cũng là lúc chiến tranh lạnh bắt đầu. Quyển sách vĩ đại của ông nhan đề Mimesis, xuất bản năm 1946 nhưng được viết khi ông phải sống lưu vong trong thời gian chiến tranh, sinh sống bằng nghề dạy các ngôn ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latin phổ thông (Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Rumani) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kì. Quyển sách này nhằm minh chứng cho tính đa dạng và cụ thể của thực tại được thể hiện trong văn chương phương Tây từ Homere đến Virginia Woolf, song, khi đọc nó năm 1951 ta cảm thấy rằng với Auerbach nó là bài ca than khóc về một thời kì mà người ta có thể giải thích các văn bản bằng ngôn ngữ học, một cách cụ thể, nhạy cảm và trực giác, sử dụng kiến văn quảng bác và việc nắm vững một số ngôn ngữ để hỗ trợ loại hiểu biết mà Goethe xiển dương hầu có thể hiểu văn chương Hồi giáo.

Sự hiểu biết tích cực về ngôn ngữ và lịch sử là cần thiết nhưng không bao giờ đủ, cũng như việc tập hợp một cách máy móc các sự kiện không phải là một phương pháp đủ để có thể biết và hiểu được chẳng hạn như thế nào là một tác gia cỡ Dante. Yêu cầu chủ yếu của loại hiểu biết về ngôn ngữ mà Auerbach và các bậc tiền bối của ông bàn đến và tìm cách thực hành là một yêu cầu vốn thâm nhập một cách đầy đồng cảm và chủ quan vào cuộc sống của văn bản xét từ cái nhìn của thời đại và tác giả của nó (eingefühling). Thay vì có thái độ xa lánh và thù địch đối với một thời đại khác và một văn hóa khác, ngôn ngữ học mà họ áp dụng với Văn chương chế giớibao hàm một tinh thần nhân văn sâu sắc được triển diễn với lòng rộng lượng và hiếu khách, nếu tôi có thể dùng được từ này. Như vậy, tâm trí của người lí giải chủ động tạo ra một chỗ bên trong mình dành cho một cái khác ngoại lai. Và tinh thần sáng tạo trong việc tạo ra một chỗ dành cho những tác phẩm mà nếu nhìn khác đi sẽ là lạ lẫm và xa xôi, đó là phương diện quan trọng nhất trong sứ mệnh ngữ văn của người lí giải.

Tất cả những điều đó rõ ràng đã bị chủ nghĩa quốc xã phá hoại và hủy diệt ở Đức. Sau khi chiến tranh kết thúc, Auerbach đau buồn nhận xét rằng việc chuẩn hóa các ý tưởng, cùng với sự chuyên môn hóa ngày càng tăng của kiến thức, đã thu hẹp dần cơ hội cho loại công trình ngôn ngữ mang tính truy vấn và tìm hiểu không ngừng mà ông là đại diện, và, than ôi, càng đáng buồn là sau khi Auerbach qua đời năm 1957 thì cả ý tưởng lẫn thực hành về nghiên cứu nhân văn đã co rút lại cả về quy mô lẫn tính trọng tâm. Nền văn hóa sách, vốn dựa trên nghiên cứu hồ sơ lưu cũng như các nguyên tắc chung về tư duy đã từng hỗ trợ chủ nghĩa nhân văn như một ngành nghiên cứu lịch sử, nay hầu như đã biến mất. Thay vì đọc theo nghĩa thực sự của từ, sinh viên và người nghiên cứu hiện nay nhiều khi bị phân tâm bởi thứ kiến thức manh mún có trên mạng Internet và phương tiện truyền thông đại chúng.

Tồi tệ hơn nữa, giáo dục bị đe dọa bởi chủ nghĩa chính thống mang tính dân tộc chủ nghĩa và tôn giáo vốn nhiều khi được lan truyền bởi truyền thông đại chúng bởi chúng tập trung một cách phi lịch sử và giật gân vào các cuộc chiến tranh điện tử từ xa gây cho người xem cảm giác về độ chính xác như phẫu thuật nhưng trên thực tế có tác dụng làm cho người ta không thấy được những thống khổ và tàn phá khủng khiếp do chiến tranh “sạch” thời hiện đại gây ra. Trong việc mô tả là ma quỷ một kẻ thù chưa hề được biết đến vốn đã bị gán mác “khủng bố” nhằm mục đích chung là khích động quần chúng và giữ cho họ luôn căm giận, các hình ảnh trên phương tiện truyền thông đã gây quá nhiều chú ý và có thể được khai thác vào những thời kì khủng hoảng và bất an như đã xảy ra trong thời kì sau ngày 11/9. Trên tư cách là người Mĩ lẫn người Arập, tôi cần phải yêu cầu độc giả không nên đánh giá thấp loại quan điểm đơn giản hóa về thế giới mà một nhóm tương đối nhỏ quan chức dân sự tại Lầu Năm Góc đã xây dựng nhằm phục vụ cho chính sách của Mĩ đối với toàn bộ thế giới Arập và Hồi giáo, một quan điểm mà trong đó khủng bố, chủ động gây chiến phòng ngừa và đơn phương thay đổi chế độ chính trị – với sự hỗ trợ của ngân sách quân sự lớn nhất trong lịch sử – là những ý tưởng chính được tranh luận không ngừng đến mức cạn kiệt bởi một thứ truyền thông vốn đã tự trao cho mình vai trò sản sinh ra những người gọi là “chuyên gia” chuyên biện minh cho đường lối chung của chính phủ Mĩ.

Phản tư, tranh biện, lập luận dựa trên suy lí, nguyên tắc đạo lí dựa trên khái niệm thế tục cho rằng con người cần phải tạo ra lịch sử của bản thân mình, tất cả đã bị thay thế bởi những ý tưởng trừu tượng tôn vinh “tính ngoại lệ” của Mĩ hay phương Tây, gạt bỏ tính liên quan của bối cảnh, coi khinh và chế giễu các nền văn hóa khác, có lẽ bạn sẽ nói rằng tôi đã chuyển quá nhiều lần đột ngột từ một đằng là giải thích theo hướng nhân văn sang một đằng là chính sách ngoại giao, và một xã hội hiện đại và công nghệ, có sức mạnh chưa từng có và mạng internet và máy bay phản lực F-16 thì rốt cuộc phải được chỉ huy bởi những chuyên gia về chính sách – kĩ thuật ghê gớm như Donald Rumsfeld và Richard Perle. Nhưng cái thực sự đã bị mất đi là cảm thức về mật độ và tính tùy thuộc lẫn nhau của cuộc sống con người, thứ vốn không thể bị thu gọn lại thành một công thức cũng không thể bị gạt bỏ coi như không có liên quan. Thậm chí ngôn ngữ chiến tranh cũng là thứ ngôn ngữ cực kì phi nhân hóa. Một nữ hạ nghị sĩ phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia đã nói: “Chúng ta sẽ đi đến đó, bắt Saddam, tiêu diệt quân đội của y bằng những cuộc tiến công sạch sẽ chính xác như phẫu thuật và rồi mọi người sẽ nghĩ đấy thật là vĩ đại”. Tôi cảm thấy quả thật đây là một triệu chứng rõ rệt cho thời điểm bấp bênh mà chúng ta đang trải qua khi nghe Phó Tổng thống cheney đọc bài diễn văn cứng rắn ngày 26/8/2002 về lí do cấp thiết phải tiến công Iraq. Trong diễn văn đó, cheney dẫn lời một “chuyên gia” duy nhất về Trung Đông ủng hộ can thiệp quân sự chống Iraq, và đó là một học giả Arập được thuê làm cố vấn cho phương tiện truyền thông Mĩ, được trả lương sau mỗi tôi. Người này liên tục nhắc đi nhắc lại sự căm thù của mình đối với nhân dân mình và chối bỏ hoàn cảnh xuất thân của mình. Một “sự phản bội của bọn thư lại” [trahison des clercs] kiểu này là dấu hiệu cho thấy chủ nghĩa nhân văn chân chính có thể thoái bộ thành chủ nghĩa sôvanh hiếu chiến và chủ nghĩa yêu nước giả hiệu như thế nào.

Đây là một bên của tranh luận toàn cầu. Tại các nước Arập và Hồi giáo, tình hình cũng không tốt hơn chút nào. Như Roula Khalaf, trong một bài báo rất hay trên Thời báo tài chính(Financial Times) ngày 4/9/2002 đã lập luận, việc khu vực này dễ dàng rơi vào một chủ nghĩa chống Mĩ dễ dãi cho thấy họ hiểu ít như thế nào về chuyện nước Mĩ thực ra là một xã hội gì. Bởi chính phủ các nước Arập và Hồi giáo tương đối bất lực trong việc tác động vào chính sách của Mĩ đối với mình, cho nên họ tập trung lực lượng vào việc đàn áp và kiềm chế nhân dân mình, kết quả là làm nảy sinh sự oán hận, căm tức và nguyền rủa trong bất lực; những thứ này khiến cho lại càng trở nên đóng chặt những xã hội nơi các ý tưởng thế tục về lịch sử con người và phát triển con người đã bị áp đảo bởi thất bại và tuyệt vọng, cũng như bởi một đạo Hồi xây dựng dựa trên việc học thuộc lòng, sự xóa bỏ những gì bị coi là các hình thức khác của kiến thức thế tục đang cạnh tranh với nó, và sự không có khả năng phân tích và trao đổi ý tưởng trong cái thế giới nhìn chung là không hòa hợp của diễn ngôn hiện đại. Việc dần dần biến mất truyền thống ijtihad kiệt xuất của Hồi giáo là một trong những thảm họa chủ yếu về văn hóa của thời đại chúng ta, mà hậu quả là tư duy phê phán và việc cá nhân tự mình vật lộn với các vấn đề của thế giới hiện đại đã bị mất đi, thay vào đó là sự thống trị của chủ nghĩa chính thống và giáo điều.

Tôi không muốn nói rằng thế giới văn hóa đã đơn giản thụt lùi ở một bên là một Tân Đông Phương luận hiếu chiến còn ở bên kia thì với chủ nghĩa bác bỏ thẳng thừng [blanket rejectionism]. Hội nghị cấp cao quốc tế của Liên Hiệp Quốc ở Johannesburg, dẫu có bao nhiêu hạn chế, vẫn đã cho thấy rằng trên thực tế có một sự tương đồng rộng lớn về những mối quan tâm toàn cầu, với những vấn đề cụ thể liên quan đến môi trường, nạn đói, khoảng cách giữa các nước tiến bộ và các nước đang phát triển, sức khỏe và nhân quyền, cho thấy có sự xuất hiện đáng mừng của một nhận thức tập thể mới làm cho cái khái niệm vốn dĩ hời hợt về “một thế giới” trở nên mang một tính cấp bách mới. Tuy nhiên, trong tất cả điều này, chúng ta phải thừa nhận rằng không ai có thể biết hết được tính chất nhất thể cực kì phức tạp trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, mặc dù, như tôi đã nói từ đầu, đúng là thế giới có một sự tương thuộc lẫn nhau thực sự giữa các phần và, do đó, không có cơ hội thực sự nào cho sự cô lập.

Tôi xin kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng những xung đột khủng khiếp mang tính giản lược hóa chuyên phân loại nhân dân các nước bằng những chiêu bài gộp chung đầy giả dối như “Mĩ”, “Phương Tây” hoặc “Hồi giáo” và bịa ra những căn tính tập thể cho một số đông cá nhân vốn thực ra rất đa dạng, tất cả những xung đột đó không được phép tiếp diễn mạnh mẽ và gây nhiều ảnh hưởng như hiện nay nữa; chúng cần phải bị phản kháng; hiệu quả giết người của chúng cần bị giảm đi mạnh mẽ cả về mặt ảnh hưởng lẫn khả năng huy động [quần chúng], chúng ta vẫn có trong tay những kĩ năng luận giải suy lí vốn là di sản của nền giáo dục nhân văn, không phải là trên tư cách lòng mộ đạo duy tình buộc chúng ta trở lại các giá trị truyền thống hoặc các khái niệm cổ điển, mà là sự thực hành tích cực diễn ngôn duy lí thế tục. Thế giới thế tục là thế giới của lịch sử do con người tạo ra. Nhân tố con người cần phải được thẩm cứu và phân tích; và sứ mệnh của tri thức là phải thấu hiểu, phê bình, gây ảnh hưởng lên, và phán xét [bản thân] sự thẩm cứu và phân tích này. Trên hết, tư duy phê phán không phục tùng quyền lực của nhà nước hay những mệnh lệnh ép chúng ta phải gia nhập hàng ngũ tiến đánh một kẻ thù này nọ vốn đã bị [người khác, chứ không phải chúng ta] chuẩn thuận coi là kẻ thù. Thay vì sự xung đột giữa các nền văn minh do ai đó nặn ra, chúng ta cần phải tập trung vào sự hợp tác chậm chạp giữa các nền văn hóa vốn chồng lấn nhau, vay mượn lẫn nhau và sống chung với nhau theo những cách lí thú hơn nhiều so với theo bất cứ một mô thức hiểu biết giản lược hoặc không chính thức nào. Nhưng, để có được loại nhận thức rộng hơn đó, chúng ta cần có thời gian và sự thẩm cứu kiên nhẫn với tinh thần hoài nghi, được ủng hộ bởi niềm tin vào những cộng đồng [mà nhiệm vụ chính là] lí giải [mọi sự], những cộng đồng vốn dĩ khó lòng duy trì được trong một thế giới luôn đòi hỏi hành động và phản ứng tức thì.

Chủ nghĩa nhân đạo tập trung vào nhân tố cá tính con người và trực giác chủ quan, chứ không phải vào những ý tưởng thu nhận được [từ kẻ khác] và quyền lực được [kẻ khác] chuẩn thuận. Các văn bản cần được đọc đúng như chúng vốn được viết ra và cần phải sống trong địa hạt lịch sử theo tất cả những cách mà tôi gọi là thế tục. Nhưng điều này hoàn toàn không loại trừ quyền lực, bởi vì, ngược lại, như tôi đã cố chỉ ra trong sách, quyền lực có thể âm thầm len lỏi vào, tự lồng ghép vào ngay cả những ngành học thuật cao siêu nhất như thế nào.

Điều cuối cùng, và cũng rất quan trọng: chủ nghĩa nhân đạo là nhân tố đề kháng duy nhất, thậm chí tôi dám nói là tối hậu của chúng ta để đấu tranh chống lại những hành động vô nhân đạo và bất công đang làm biến dạng lịch sử con người. Ngày nay, chúng ta được sự giúp đỡ và khuyến khích rất lớn nhờ tính dân chủ của cộng đồng mạng internet, vốn mở rộng cho mọi người sử dụng theo những cách mà các thế hệ bạo chúa hay lãnh đạo chính thống trước đây chưa từng mơ thấy nổi. Những cuộc phản đối trên toàn thế giới trước khi chiến tranh bắt đầu ở Iraq là không thể có được nếu như không có sự tồn tại của những cộng đồng khác trên thế giới, vốn nắm được những nguồn tin tức khác và hiểu rõ về những thúc bách về môi trường, nhân quyền và tự do đang ràng buộc tất cả chúng ta trong hành tinh bé nhỏ này. Khát vọng khai sáng và giải phóng mang tính nhân văn của con người không thể dễ dàng nhân nhượng mặc cho sức mạnh vô cùng to lớn của cái thế lực chống lại nó gồm những kẻ như Rumsfeld, Bin Laden, Sharons và Bush. Tôi muốn tin rằng sách Đông Phương luận có một chỗ trên con đường dài, nhiều khi bị đứt đoạn, để tiến tới tự do của con người.

New York, 5/2003

Mời các bạn mượn đọc sách Đông Phương Luận của tác giả Edward W. Said & Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tụy (dịch).

Download

Đông Phương Luận

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

Giới thiệu Đông Phương Luận Tweet! Tóm tắt, Review và Đánh giá sách Đông Phương Luận của tác giả Edward W. Said & Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose