Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ

Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ

Giới thiệu

Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ


Từ thì thầm tới giải quyết mọi vấn đề của trẻ

Bí Mật Quan Trọng Nhất Của Tôi

Là cha mẹ P.C (cha mẹ thông minh)

Cha mẹ P.C là những bậc làm cha mẹ đã rèn luyện được cho mình hai đặc tính rất hữu dụng trong nuôi dậy con: P (patient) KIÊN NHẪN và C (conscious) tỉnh táo. Khi giúp các bậc cha mẹ trong việc xử lí các khủng hoảng về ăn – ngủ – hành vi của trẻ, các biện pháp xử lí đều xoay quanh một trong hai yếu tố trên. Nhưng không phải chỉ khi có vấn đề mới cần đến cách nuôi dậy con kiểu P.C này, mà bạn cần thực hành nó ngay cả trong các tương tác hàng ngày. Thời gian chơi, đi siêu thị, giao thiệp với bạn và hàng loạt những công việc thường nhật khác đều được cải thiện khi bố mẹ có tư duy kiểu P.C.

Tư duy kiểu P.C không phải tự nhiên mà đến, chúng ta phải thực hành nhiều lần để thành thói quen và từ đó trở thành cách hành xử tự nhiên. Chúng ta chỉ hoàn thiện bản thân qua thực hành. Xuyên suốt cuốn sách này, tôi sẽ nhắc bạn về P.C, nhưng trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu từng đức tính cụ thể.

Kiên nhẫn (Patience). Làm cha mẹ thực sự cần kiên nhẫn, bởi đó là con đường dài tưởng chừng như vô tận với nhiều chông gai mà đòi hỏi bậc làm cha mẹ phải có tầm nhìn dài hạn. Tôi đã chứng kiến nhiều bậc phụ huynh trong một phút gian nan đã chọn đi đường tắt, để rồi sau này mới phát hiện ra đi tắt dẫn họ tới kết cục nguy hiểm. Đây là sự khởi đầu của kiểu “dạy con ngẫu hứng, tùy tiện” (chúng ta sẽ bàn thêm về điều này sau). Chẳng hạn, gần đây tôi có giúp một trường hợp mẹ chỉ biết dỗ con bằng ti mẹ, cho đến tận 15 tháng con vẫn hoàn toàn không biết tự đưa mình vào giấc ngủ, đêm con vẫn dậy 4–6 lần để ti. Bà mẹ tội nghiệp, kiệt sức than thở rằng cô ấy đã sẵn sàng để cai sữa cho con, nhưng chỉ muốn thôi thì chưa đủ. Bạn còn cần phải có kiên nhẫn để vượt qua được giai đoạn quá độ nữa.

Có con đồng nghĩa với bừa bãi và lộn xộn. Vì thế, bạn cũng cần phải kiên nhẫn để chịu đựng được ít nhất là sự thiếu ngăn nắp, sự rơi vãi và dấu tay con ở khắp mọi nơi trong nhà. Cha mẹ thiếu kiên nhẫn sẽ cảm thấy khó khăn với những lần thực hành đầu tiên của con. Làm gì có trẻ nào mới lần đầu tập cầm bình tự uống nước mà không làm đổ ra sàn? Dần dần, chỉ một chút rớt ra ngoài và cuối cùng con cũng có thể uống thành thạo, thành quả đó không thể đạt được chỉ sau một đêm, mà chắc chắn sẽ có đôi lần thất bại. Việc cho phép con bạn làm chủ các kỹ năng ăn uống trên bàn, học cách rót nước hoặc tự lau rửa, cho phép con đi quanh phòng khách với đầy rẫy những thứ con không được phép chạm vào – tất cả những việc đó đều cần có sự kiên nhẫn từ cha mẹ.

Những ông bố bà mẹ thiếu tính cách quan trọng này có thể vô tình tạo ra những ám ảnh ngay cả ở những trẻ còn rất nhỏ. Tara, cô bé 2 tuổi thừa hưởng rất nhiều từ bà mẹ siêu ngăn nắp, Cynthia. Bước chân vào ngôi nhà của bà mẹ này, khó có thể biết là nhà có trẻ nhỏ. Cynthia luôn quanh quẩn và theo sát con gái với một chiếc khăn ướt, lau mặt cho con, lau nước/ sữa con đánh đổ, xếp đồ chơi vào đúng chỗ ngay khi Tara vừa chơi xong. Tara thực sự đã trở thành một bản sao của mẹ: “dơ” là một trong những từ đầu tiên mà bé biết nói. Điều đó có thể sẽ rất dễ thương nếu không có chuyện Tara sợ khám phá, mạo hiểm một mình và khóc khi có trẻ khác động vào người. Có thể, chúng ta đã không công bằng với con mình khi không cho phép con được làm những việc mà những trẻ khác vẫn làm: thi thoảng được ở dơ và nghịch ngợm một chút. Một bà mẹ P.C tuyệt vời mà tôi đã từng gặp thường tổ chức tối “Heo quậy” với các con, bữa tối không dùng thìa dĩa. Và có một điều kỳ lạ là: Khi chúng ta thực sự cho phép con được nghịch thoải mái, thì con lại không đi quá giới hạn như chúng ta tưởng.

Kiên nhẫn đặc biệt quan trọng khi bạn cố gắng thay đổi những thói quen xấu. Thông thường, trẻ càng lớn thì càng mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, bất chấp độ tuổi, bạn cần phải chấp nhận sự thật là thay đổi tốn thời gian – bạn không thể đốt cháy giai đoạn được.

Tỉnh táo (Consciousness). Tỉnh táo nhận biết tính cách của con là việc nên được bắt đầu ngay từ khi bé cất tiếng khóc chào đời. Phải luôn ý thức về góc nhìn của con. Tôi nói điều này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: Hãy ngồi xuống ngang tầm mắt của con bạn. Hãy xem thế giới trông ra sao trong tầm mắt của trẻ. Chẳng hạn, bạn đưa con tới nhà thờ lần đầu tiên. Hãy cúi xuống; tưởng tượng quang cảnh từ chỗ ngồi hoặc từ cũi của trẻ nhỏ. Hãy hít một hơi. Hãy tưởng tượng xem hương hoặc nến có mùi như thế nào đối với cái mũi nhạy cảm của trẻ nhỏ. Hãy lắng tai nghe. Tiếng huyên náo của đám đông, tiếng hát của đội hợp xướng hát thánh ca, tiếng đàn organ ầm ĩ như thế nào? Liệu có phải là hơi to so với đôi tai của trẻ nhỏ không? Không phải tôi đang bảo bạn nên tránh xa những chỗ mới. Mà ngược lại, rất tốt khi cho con bạn tiếp xúc với địa điểm mới, âm thanh mới và con người mới. Nhưng nếu em bé của bạn khóc nhiều lần mỗi khi ở môi trường xa lạ, thì bạn, với vai trò là một ông bố/ bà mẹ tỉnh táo, sẽ biết rằng con đang nói cho bạn biết “Thế là quá nhiều. Xin hãy giảm bớt đi” hoặc “Hãy cho con thử vào tháng sau”. Sự tỉnh táo giúp bạn kết nối và cho phép bạn hiểu con đúng lúc cũng như tin tưởng vào bản năng của bạn về con.

Tỉnh táo cũng có nghĩa là suy nghĩ thấu đáo mọi việc trước khi bạn lên kế hoạch và thực hiện. Đừng chờ thảm họa xảy ra, nhất là khi nó đã từng xảy ra rồi. Chẳng hạn, nếu sau vài ngày chơi chung, bạn thấy con và con của người bạn mình thường xuyên chí chóe, và lúc nào kết thúc cũng là khóc lóc, thì hãy sắp xếp để con chơi cùng với một em bé khác – ngay cả khi bạn không thích mẹ của em bé này cho lắm. Ngày chơi phải thực sự là một ngày trẻ được nô đùa, thay vì bắt con bạn phải chơi cùng với đứa trẻ mà bé không thích hoặc không hòa hợp. Còn nếu bạn muốn ra ngoài để “tán gẫu” với mấy cô bạn thân thì hãy thuê một bảo mẫu và để con ở nhà.

Tỉnh táo có nghĩa là quan tâm tới những điều bạn nói cũng như những việc bạn làm với con và làm cho con – và phải nhất quán. Việc không nhất quán có thể khiến trẻ thấy bối rối. Vì thế nếu một ngày nào đó bạn nói “Không được ăn trong phòng khách”, và tối hôm sau bạn lại phớt lờ khi con trai bạn đổ cả túi bim bim ra đi-văng, thì lời nói của bạn sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết. Con sẽ “bắt bài” được bạn, và ai có thể trách con được chứ?

Cuối cùng, tỉnh táo có nghĩa là: thức giấc và ở bên cạnh con. Tôi đau khổ khi thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị phớt lờ. Khóc là thứ ngôn ngữ đầu tiên mà trẻ nói. Quay lưng lại với trẻ có nghĩa là chúng ta đang nói rằng: “Con không quan trọng”. Cuối cùng, những em bé không được quan tâm, chú ý sẽ thôi khóc, và chúng cũng ngừng phát triển luôn. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cha mẹ để mặc cho con khóc vì muốn rèn luyện con (“Tôi không muốn làm hư con” hoặc “Khóc tí cho nở phổi!”). Và tôi cũng đã gặp những bà mẹ buông tay và nói “Chị con cần mẹ – con phải chờ thôi”. Nhưng sau đó, họ lại bắt đứa trẻ chờ, chờ, chờ mãi. Chẳng có lý do gì để phớt lờ trẻ cả.

Con cái chúng ta cần chúng ta ở bên, cần chúng ta khỏe mạnh và thông thái, để chỉ cho chúng đường đi. Chúng ta là những người thầy tốt nhất của con, và trong ba năm đầu đời, chúng ta chính là người thầy duy nhất của con. Chúng ta phải là những ông bố bà mẹ P.C để con có thể phát triển tốt nhất.

Nhưng tại sao điều đó lại không phát huy tác dụng?

“Tại sao điều đó lại không phát huy tác dụng?” là một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà các bậc phụ huynh hay hỏi. Dù người mẹ đang cố gắng ép đứa con mới sinh ngủ nhiều hơn 2 tiếng mỗi lần, hoặc ép đứa con 7 tháng tuổi ăn dặm hay ép đứa con đã chập chững biết đi không được đánh bạn khác, thì phản ứng tôi thường được nghe thấy là “vâng, nhưng”. “Vâng, tôi biết là chị đã bảo tôi phải đánh thức con vào ban ngày để con có thể ngủ vào buổi tối, nhưng…”, “vâng, tôi biết chị đã bảo tôi là phải mất thời gian, nhưng…”, “vâng, tôi biết chị đã bảo tôi phải cho con ra khỏi phòng khi con bắt đầu hiếu chiến, nhưng…”. Đọc đến đây, hẳn các bạn cũng hiểu ý tôi muốn nói gì.

Những kỹ năng kết nối với trẻ của tôi có tác dụng. Bản thân tôi đã áp dụng với hàng nghìn em bé và tôi đã dạy cho biết bao ông bố bà mẹ khắp nơi trên thế giới này. Tôi không phải một người tạo ra kỳ tích. Chỉ là tôi biết việc mình làm và tôi đã tự mình trải nghiệm. Tôi biết rằng, cũng như người lớn, trẻ em cũng có một số em bé “khó tính” hơn những em bé khác. Và một số giai đoạn phát triển, ví dụ như khi trẻ mọc răng hoặc khi chuẩn bị được 2 tuổi, có thể hơi khó đối với cha mẹ, vì có những bệnh tật bất ngờ xảy ra. Nhưng gần như bất cứ vấn đề nào cũng có thể giải quyết bằng cách quay về những điều cơ bản. Khi vấn đề cứ dai dẳng, thường là vì một việc gì đó mà cha mẹ đã làm, hoặc vì thái độ của họ. Điều đó có vẻ khó nghe, nhưng hãy nhớ là tôi đang nói vì lợi ích của con bạn. Vì thế, nếu bạn đọc cuốn sách này vì muốn thay đổi một thói quen xấu và khôi phục lại sự đầm ấm cho gia đình nhưng dường như chẳng điều nào có tác dụng – kể cả những gợi ý của tôi – thì hãy tự hỏi mình những câu hỏi dưới đây. Nếu bạn trả lời “có” với bất kỳ nhận định nào thì chính bạn mới là người cần thay đổi hành vi và tư duy của mình để thực sự kết nối với con trẻ.

Bạn đang được đến đâu hay đến đó, thay vì đặt ra một nếp sinh hoạt. Nếu bạn đã đọc cuốn sách đầu tiên của tôi, hẳn bạn biết rằng tôi là một “tín đồ” của nếp sinh hoạt được lên lịch cẩn thận. (Nếu bạn chưa đọc, tôi sẽ đưa bạn đi lướt qua trong chương đầu tiên, chương về E.A.S.Y). Lý tưởng nhất là bạn bắt đầu từ ngày đưa đứa con bé nhỏ của bạn từ viện về nhà. Tất nhiên, nếu bạn không bắt đầu khi đó, bạn vẫn có thể đưa ra một nếp sinh hoạt vào 8 tuần, 3 tháng hoặc lâu hơn sau đó. Nhưng rất nhiều ông bố bà mẹ gặp vấn đề trong việc này, và trẻ càng lớn thì vấn đề họ gặp phải càng nhiều. Và đó chính là lúc tôi được gọi đến để nhờ giải cứu.

Em lần đầu làm mẹ. Sofia, con gái em được 8,5 tuần tuổi. Em rất lúng túng trong việc tạo nếp sinh hoạt cho con, vì con rất bất nhất. Và em hết sức lo lắng với thói quen ăn ngủ thất thường của con. Xin hãy cho em lời khuyên.

Đó là trường hợp kinh điển của việc đuổi theo trẻ, được đến đâu hay đến đó. Sofia chỉ là một em bé, em biết gì mà bất nhất. Tôi dám cá bà mẹ mới là người bất nhất, vì cô ấy đang “theo đuôi” đứa con mới hơn 8 tuần tuổi của mình – và một đứa trẻ sơ sinh thì biết gì về ăn với ngủ? Chúng chỉ biết những gì chúng ta dạy chúng. Người mẹ này nói rằng cô ấy đang cố gắng thiết lập một nếp sinh hoạt, thực sự là cô chưa làm gì. (Tôi sẽ nói về điều cô ấy nên làm trong Chương 1.) Việc duy trì nếp sinh hoạt đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ và trẻ chập chững biết đi. Chúng ta có nhiệm vụ hướng dẫn cho con mình, chứ không phải đuổi theo chúng. Chính chúng ta là người phải đặt ra giờ ăn, giờ ngủ cho con.

Bạn đang nuôi dậy con kiểu ngẫu hứng, tùy tiện. Giống như Nan vẫn luôn nói với tôi, hãy bắt đầu ngay khi bạn có ý định.Đáng tiếc là trong lúc nan giải, cha mẹ thi thoảng lại làm bất cứ việc gì để con nín. Thường thì “bất cứ việc gì” đó lại biến thành một thói quen xấu mà sau này họ lại phải tìm cách “chữa trị” – và đó chính là kiểu nuôi dậy con ngẫu hứng – tùy tiện. Chẳng hạn, khi bé Tommy, 10 tuần tuổi, không chịu ngủ vì mẹ cậu bé bỏ lỡ các dấu hiệu buồn ngủ – thời điểm con mệt và sẵn sàng để tự ngủ, mẹ cậu bé lại phải bế đi rong, vỗ về và ru em. Và bạn biết sao không? Điều đó có tác dụng. Tommy ngủ luôn trong tay mẹ. Ngày hôm sau khi cậu bé mới chỉ khóc lóc một chút ở trong cũi vào giờ ngủ trưa, người mẹ lại bế cậu bé lên để vỗ về. Có thể bản thân người mẹ cũng cảm thấy dễ chịu với việc đó – cảm thấy thật tuyệt khi đứa con bé bỏng rúc vào người mình. Nhưng ba tháng sau, hoặc có thể sớm hơn, tôi dám cá là mẹ của Tommy sẽ thấy tuyệt vọng, không ngừng hỏi tại sao con trai lại “ghét cái cũi” hoặc “không chịu đi ngủ nếu không được vỗ về” như thế. Và đó không phải là lỗi của Tommy. Chính người mẹ đã vô tình khiến cho cậu bé quen với việc cứ phải được đu đưa và phải có hơi ấm của mẹ mới ngủ được. Giờ Tommy cho đó là điều bình thường. Con không thể tự ngủ nếu không có sự giúp đỡ từ mẹ, và con cũng không thích chiếc cũi vì không có ai dạy cho con biết ở trong đó thoải mái ra sao.

Bạn không hiểu được các tín hiệu của con. Có mẹ gọi cho tôi trong lúc tuyệt vọng mà hỏi rằng: “Con em trước đây quen theo nếp sinh hoạt, nhưng giờ lại không, làm thế nào để em có thể đưa con trở về như trước được?” Khi tôi nghe thấy bất kỳ phiên bản nào của cụm từ trước đây quen… nhưng giờ lại không, điều đó không chỉ có nghĩa là cha mẹ đang để con nắm quyền kiểm soát, mà còn có nghĩa là họ đang quan tâm tới cái đồng hồ (hoặc nhu cầu của chính họ) hơn là tới con. Họ đang không hiểu ngôn ngữ cơ thể của con, không phân biệt được các loại tiếng khóc của con. Ngay cả khi trẻ bắt đầu học nói, thì việc quan sát trẻ cũng vẫn rất quan trọng. Chẳng hạn, một đứa trẻ dễ nổi cáu cũng không bao giờ vừa bước vào phòng đã xông vào đánh các bạn chơi cùng. Mà sự cáu giận của trẻ sẽ tăng dần, và cuối cùng mới bùng phát. Cha mẹ thông minh học cách tìm kiếm những dấu hiệu và điều hướng năng lượng của con trước khi nó bùng nổ.

Bạn không hiểu rằng trẻ nhỏ liên tục thay đổi. Tôi cũng hay nghe thấy cụm từ “đã quen” khi cha mẹ không nhận ra là đã đến lúc thay đổi. Đứa trẻ 4 tháng tuổi phải tuân theo một nếp sinh hoạt được thiết kế cho 3 tháng đầu (xem Chương 1) sẽ trở nên cáu gắt. Em bé 6 tháng tuổi trước đây ngủ rất ngoan có thể bắt đầu tỉnh dậy lúc đêm nếu cha mẹ không cho bé ăn dặm. Sự thật là chỉ có một thứ diễn ra trong hành trình nuôi dậy con cái, đó là thay đổi (xem thêm ở Chương 10).

Bạn đang tìm kiếm một giải pháp dễ dàng. Trẻ càng lớn thì càng khó phá vỡ những thói quen đã được hình thành do cách nuôi dậy ngẫu nhiên của người lớn, dù là ti đêm, hay không chịu ngồi ở ghế ăn để ăn cho đàng hoàng. Nhưng nhiều ông bố bà mẹ lại đi tìm ”thuốc thần”. Chẳng hạn, Elaine hỏi tôi cách cho con học bú bình, nhưng sau đó lại khăng khăng cho rằng chiến lược của tôi không có hiệu quả. Câu hỏi đầu tiên tôi vẫn luôn hỏi là: “Em tập cho con ti bình trong bao lâu?” Elaine đã thừa nhận là “Em đã thử làm với mỗi bữa sáng, nhưng sau đó con không chịu nên em bỏ cuộc”. Sao cô ấy lại từ bỏ sớm như thế? Là vì cô ấy muốn có kết quả ngay. Tôi đã phải nhắc cô ấy nhớ về chữ P trong P.C: Phải kiên nhẫn.

Bạn không thực sự quyết tâm thay đổi. Một vấn đề khác của Elaine là cô ấy không chịu làm đến cùng. “Nhưng em sợ Zed sẽ đói nếu tôi cứ tiếp tục” là lý do cô giải thích với tôi. Nhưng chuyện đâu chỉ có vậy: Cô nói cô muốn chồng có thể cho Zed (5 tháng) ăn, nhưng lại cũng không muốn từ bỏ lãnh địa độc quyền cho con ti mẹ của mình. Nếu bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề, bạn cần thực sự phải có ý muốn và quyết tâm cũng như sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng đến cùng. Hãy lập kế hoạch và tuân thủ theo kế hoạch đó. Đừng quay trở lại cách cũ, và cũng đừng thử những thủ thuật mới. Nếu bạn kiên trì với một giải pháp, giải pháp đó sẽ có tác dụng… Hãy kiên nhẫn. Tôi cần nhắc đi nhắc lại rằng: Bạn cần phải kiên nhẫn với cách mới như bạn đã từng kiên nhẫn với cách cũ. Rõ ràng, một số bé có tính khí có thể khó thay đổi hơn những em khác (xem Chương 2); nhưng gần như tất cả trẻ đều phản kháng khi chúng ta thay đổi nếp sinh hoạt của chúng (người lớn cũng vậy thôi!). Tuy nhiên, nếu chúng ta kiên trì thực hiện, và không liên tục thay đổi các nguyên tắc thì trẻ sẽ sớm quen với cách mới.

Đôi khi cha mẹ lại tự đánh lừa mình. Họ cứ khăng khăng cho rằng họ đã thực hiện một thủ thuật mới nào đó được 2 tuần rồi – giả dụ như phương pháp bế lên/đặt xuống (BL/ ĐX) của tôi (xem Chương 6) – và không phát huy tác dụng. Tôi biết điều đó là không đúng, vì sau tối đa là một tuần, BL/ ĐX đã phát huy tác dụng với bất kỳ em bé nào, bất kể tính khí của em bé đó ra sao. Và chắc chắn, khi tôi hỏi họ, tôi có thể thấy đúng là họ đã thử áp dụng phương pháp BL/ ĐX trong 3 hoặc 4 ngày, và nó có tác dụng thật, nhưng vài ngày sau, khi trẻ thức giấc vào lúc 3 giờ sáng, họ không còn làm theo kế hoạch ban đầu nữa. Bực bội, họ lại thử một cách khác thay thế. “Chúng tôi quyết định để mặc cho con khóc – mọi người đều bảo thế”. Tôi không bảo thế, điều đó chỉ khiến con cảm thấy mình bị bỏ rơi thôi. Đứa trẻ tội nghiệp khi đó không chỉ bối rối vì bố mẹ thay đổi các quy tắc, mà còn cảm thấy sợ hãi.

Nếu bạn không thực hiện một việc tới cùng thì đừng bao giờ làm. Nếu bạn không thể tự mình thực hiện, thì hãy tìm người thay thế – chồng bạn, mẹ bạn, mẹ chồng bạn hoặc một người bạn tốt của bạn. Nếu không thì bạn chỉ đẩy con vào cuộc hành xác khóc mệt lả, và cuối cùng là cho con lên giường (xem thêm về vấn đề này ở Chương 5 và Chương 7).

Bạn đang thử nghiệm những việc không phù hợp với gia đình hoặc tính cách của bạn. Khi gợi ý một nếp sinh hoạt, hoặc chiến lược để phá bỏ một tật xấu nào đó, tôi có thể nhìn thấy ngay là điều này sẽ có tác dụng với ai, bố hay mẹ – một người nguyên tắc hơn còn một người lại dễ dãi hơn, hoặc tệ hơn, là nạn nhân của những triệu chứng “tội con/khổ thân con”(xem trang 247). Một số bà mẹ (hoặc một số ông bố) sẽ nói ngay với tôi rằng: “Tôi không muốn con khóc”. Thực tế là tôi không nói về việc bắt con phải như thế nào hoặc phải làm gì, mà tôi cũng không đồng tình việc để con khóc. Tôi không đồng quan điểm với việc bỏ rơi con để con chơi một mình, cho dù là trong một khoảng thời gian ngắn tới mức nào. Trẻ con cần sự giúp đỡ của người lớn, và chúng ta cần phải ở bên để giúp đỡ trẻ, đặc biệt là khi bạn đang cố gắng để xóa bỏ những tác hại của việc nuôi dậy con ngẫu hứng, đây một việc khó khăn. Nếu bạn không thấy thoải mái khi thực hiện một phương pháp nào đó, thì hoặc là đừng làm, hoặc nếu làm thì tìm cách để tự vực tinh thần của mình bằng cách nhờ người bạn đời mạnh mẽ hơn đảm đương nhiệm vụ giúp bạn trong một thời gian, hoặc nhờ mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc một người bạn thân giúp đỡ.

Cái gì không hỏng, không cần phải sửa. Gần đây tôi nhận được một bức thư của cặp vợ chồng có con mới 4 tháng tuổi: “Con tôi ngủ suốt đêm, nhưng con chỉ uống khoảng 700ml sữa. Sách có nói là con phải uống khoảng 900 – 1.000 ml. Làm thế nào để con uống thêm?” Có bao nhiêu bà mẹ khao khát con ngủ suốt cả đêm? Vấn đề của cô ấy là con cô ấy không giống như sách của tôi. Có thể con cô ấy nhỏ hơn mức trung bình. Không phải ai cũng lớn lên trong gia đình Shaq O’Neal(1) đâu ạ! Nếu cân nặng của con không làm bác sỹ lo lắng thì lời khuyên của tôi là cứ bình tĩnh và chỉ cần quan sát con là đủ. Có thể trong một hoặc hai tuần tới, con sẽ bắt đầu thức dậy vào ban đêm, và đó có thể là dấu hiệu cho thấy cần phải cho con ti thêm sữa vào ban ngày, nhưng hiện tại, chẳng có vấn đề gì cả.

Bạn có những kỳ vọng phi thực tế. Một số cha mẹ có suy nghĩ phi thực tế về việc có con là như thế nào. Thường thì họ rất thành công trong công việc, là những người lãnh đạo tài ba, thông minh và sáng tạo, và họ coi việc có con như một thay đổi lớn trong đời, mà quả thật là thế. Nhưng đó cũng là một con đường hoàn toàn khác, vì kéo theo nó là một trách nhiệm nặng nề: nuôi dậy một con người. Khi bạn có con, bạn không thể quay trở lại cuộc sống trước đây như chưa có gì xảy ra. Đôi khi trẻ cần ăn vào ban đêm. Không thể “xử lý” trẻ bằng hiệu suất mà bạn áp dụng cho các dự án trong công việc được. Trẻ không phải là những cỗ máy nhỏ mà bạn có thể lập trình. Chúng đòi hỏi sự chăm sóc, sự tỉ mỉ và cần rất nhiều yêu thương. Ngay cả khi bạn có người giúp, bạn cũng cần phải hiểu con mình, và điều đó lại đòi hỏi phải có thời gian và công sức. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng dù con bạn hiện tại đang ở giai đoạn nào – tốt hay xấu – thì giai đoạn đó cũng sẽ qua. Trên thực tế, như chúng tôi nói trong chương cuối, ngay khi bạn nghĩ bạn đã quen được thì mọi thứ lại bắt đầu thay đổi.

Về cuốn sách này… và các kỳ Olympic phát triển

Trong cuốn sách này tôi đã chia nhỏ lời khuyên và thay đổi các kỹ thuật tùy theo nhóm tuổi – từ lúc lọt lòng tới 6 tuần tuổi, từ 6 tuần tuổi tới 4 tháng tuổi, từ 4 tháng tuổi tới 6 tháng tuổi, từ 6 tháng tuổi tới 9 tháng tuổi, từ 9 tháng tuổi tới 1 tuổi, từ 1 tuổi tới 2 tuổi, từ 2 tuổi tới 3 tuổi. Ý định của tôi là giúp bạn hiểu hơn về cách con bạn nghĩ và nhìn nhận thế giới. Tôi không trình bày tất cả các nhóm tuổi trong từng chương – mà trình bày theo vấn đề thảo luận. Chẳng hạn, trong Chương 1, Chương về E.A.S.Y, tôi sẽ chỉ nói về 5 tháng đầu tiên vì đó là thời điểm cha mẹ hay hỏi về nếp sinh hoạt, trong khi ở Chương 4, chương về vấn đề ăn uống của trẻ lớn hơn một chút, tôi lại bắt đầu từ 6 tháng, thời điểm mà cha mẹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

Bạn sẽ nhận thấy là các khoảng tuổi đều rất rộng. Điều đó cho phép sự thay đổi, biến động ở trẻ. Hơn nữa, tôi không muốn độc giả của mình bước vào “các kỳ Olympic phát triển”, so sánh sự phát triển hoặc các vấn đề của trẻ này với trẻ khác, hoặc lo lắng nếu con họ không đúng như sơ đồ về một độ tuổi cụ thể nào đó. Rất nhiều lần tôi thấy các nhóm mẹ có con sinh gần thời điểm với nhau. Các mẹ ngồi nói chuyện gẫu với nhau, nhưng tôi có thể thấy họ vẫn đang quan sát con của nhau, so sánh và băn khoăn. Nếu một mẹ không nói gì, tôi gần như vẫn có thể “nghe” được suy nghĩ của cô ấy: “Tại sao Claire của mình chỉ kém hơn Emmanuel có 2 tuần mà lại nhỏ hơn hẳn? Và nhìn Emmanuel kìa, thằng bé đã chống tay tập ngồi – tại sao Claire vẫn chưa?” Trước tiên, đối với một đứa trẻ 3 tháng tuổi, hai tuần có nghĩa là rất nhiều – đó là một phần sáu “cuộc đời” của bé rồi! Thứ hai, việc đọc bảng tuổi nói chung có thể khiến cha mẹ thêm kỳ vọng. Thứ ba, trẻ có khả năng và thế mạnh khác nhau. Claire có thể chậm biết đi hơn Emmanuel (hoặc có thể không – nói điều này còn quá sớm), nhưng bé lại có thể biết nói sớm hơn.

Tôi khuyên bạn nên đọc tất cả các giai đoạn, vì những vấn đề có thể kéo dài– những lo lắng lúc trẻ 2 tháng tuổi sẽ không tự biến mất vào tháng thứ 5 hoặc thứ 6. Ngoài ra, con bạn còn có thể phát triển nhanh hơn ở một lĩnh vực cụ thể nào đó, thế nên, sẽ tốt hơn khi hiểu được điều gì đang chờ đợi bạn phía trước.

Tôi tin rằng có những “thời điểm vàng” – độ tuổi thích hợp nhất để dạy một kỹ năng cụ thể nào đó, ví dụ như ngủ một mạch suốt đêm, hoặc để đưa một yếu tố mới nào đó vào cuộc sống của con bạn, chẳng hạn dạy con ti bình hay cho con ngồi trên ghế ăn. Đặc biệt là khi trẻ bước vào giai đoạn chập chững, nếu bạn không bắt đầu các việc vào những thời điểm tối ưu, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với một cuộc vật lộn về quyền lực. Bạn cần phải lập kế hoạch trước. Nếu bạn vẫn chưa biến kỹ năng của con, như mặc quần áo hay ngồi bô, thành những trò chơi hoặc những trải nghiệm thú vị, nhiều khả năng con bạn sẽ do dự trước những trải nghiệm mới.

Tiếp theo sẽ là gì?

Chúng tôi đã cố gắng tổng hợp và phân tích tất cả các vấn đề bạn có thể gặp phải trong quá trình nuôi con vào cuốn sách này, do đó sách không thể không dày. Tất cả các chương đều tập trung vào các vấn đề, nhưng mỗi chương mỗi khác, được cấu trúc theo cách giúp bạn không chỉ hiểu những điều cơ bản, mà còn có thể hiểu được cách tôi nhìn nhận những thách thức khác nhau của việc làm cha làm mẹ.

Trong mỗi chương, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều điểm đặc biệt: những truyền miệng dân gian về việc nuôi dậy con, các danh sách, những ô, cột thông tin tổng kết các “mẩu” thông tin quan trọng và những ví dụ thực tế – những câu chuyện có thật. Trong tất cả các trường hợp nghiên cứu và khi tôi in lại các bài đăng trên web, các bức thư điện tử, tên tuổi và các chi tiết nhận diện đều được thay đổi. Tôi đã cố gắng cô đọng những lo lắng thường gặp nhất của các ông bố bà mẹ, sau đó chia sẻ với bạn các kiểu câu hỏi tôi vẫn thường nhận được để xác định chuyện gì đang xảy ra. Giống như một người giải quyết vấn đề xâm nhập vào một công ty để phân tích tại sao (công ty) không vận hành trôi chảy, tôi phải xác định thành phần tham gia gồm những ai, họ cư xử như thế nào và chuyện gì đã xảy ra trước khi có một khó khăn cụ thể nào đó. Sau đó tôi sẽ phải đề xuất một cách làm khác, cách này sẽ đem lại kết quả khác so với những gì họ vẫn đang nhận được. Bằng cách dẫn dắt bạn theo cách tôi nghĩ về những khó khăn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và cách tôi lập kế hoạch, bạn có thể trở thành người giải quyết vấn đề trong chính gia đình mình. Như tôi nói trước đó, mục tiêu của tôi là làm cho bạn nghĩ theo cách tôi nghĩ, để bạn có thể tự mình giải quyết được các vấn đề trong gia đình mình.

Bạn có thể đọc cuốn sách này từ đầu tới cuối, hoặc chỉ tìm kiếm những vấn đề mà bạn quan tâm và đọc những phần đó. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn chưa đọc những cuốn sách trước của tôi, tôi thành thật khuyên rằng bạn nên đọc ít nhất Chương 1 và Chương 2 – hai chương tổng kết lại triết lý chăm sóc trẻ, và có tác dụng giúp bạn phân tích được tại sao vấn đề lại xuất hiện ở các độ tuổi khác nhau. Các chương từ Chương 3 đến Chương10 tập trung sâu vào ba vấn đề mà cha mẹ quan tâm nhất, đó là: ăn, ngủ và hành vi.

Nhiều bạn bảo tôi đọc sách vì yêu cái khiếu hài hước của tôi, và tôi hứa với các bạn sách này sẽ không thiếu đi sự hài hước đó. Suy cho cùng, nếu chúng ta không thể nhớ để cười và không thể nhớ để ấp ủ những khoảnh khắc yên bình và yêu thương (ngay cả khi chúng không dài quá 5 phút mỗi lần) thì việc nuôi dậy con cái vốn dĩ đã khó khăn chẳng phải sẽ vượt quá sức chịu đựng hay sao?

Bạn có thể ngạc nhiên vì một số gợi ý của tôi, và có thể không tin là chúng sẽ phát huy tác dụng, nhưng tôi có rất nhiều ví dụ để chứng minh chúng đã được áp dụng thành công ở những gia đình khác ra sao. Vậy thì tại sao lại không thể ít nhất là thử ở gia đình của bạn?

***

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ của tác giả Tracy Hogg & Melinda Blau.

 

Review sách Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ của tác giả Tracy Hogg & Melinda Blau

Sách Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ là một cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con được viết bởi Tracy Hogg, một chuyên gia về trẻ nhỏ nổi tiếng thế giới. Cuốn sách được chia thành 10 chương, đề cập đến các vấn đề thường gặp trong quá trình nuôi dạy trẻ, từ ăn, ngủ, hành vi cho đến các giai đoạn phát triển của trẻ.

Điểm nổi bật của cuốn sách

  • Cuốn sách được viết theo phong cách súc tích, dễ hiểu, phù hợp với tất cả các bậc cha mẹ.
  • Cuốn sách cung cấp nhiều thông tin hữu ích về sự phát triển của trẻ, giúp cha mẹ hiểu được nhu cầu của con.
  • Cuốn sách đề xuất các phương pháp nuôi dạy con khoa học và hiệu quả.

Đánh giá chung

Sách Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ là một cuốn sách thực sự hữu ích cho các bậc cha mẹ. Cuốn sách cung cấp cho cha mẹ những kiến thức cần thiết để nuôi dạy con một cách khoa học và hiệu quả.

Lời khuyên cho câu hỏi của bạn

Trước hết, bạn cần hiểu rằng việc tạo nếp sinh hoạt cho trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Nếp sinh hoạt sẽ giúp trẻ phát triển một cách cân bằng và khỏe mạnh.

Trong trường hợp của bạn, Sofia mới được 8,5 tuần tuổi, nên bạn vẫn có thể bắt đầu tạo nếp sinh hoạt cho con. Bạn có thể áp dụng phương pháp E.A.S.Y của Tracy Hogg, bao gồm:

  • Eat (Ăn): 6 bữa ăn/ngày, mỗi bữa cách nhau 3-4 tiếng.
  • Activity (Hoạt động): Chơi, tắm, massage, vận động,…
  • Sleep (Ngủ): 16-18 tiếng/ngày, chia thành 4-5 giấc ngủ.

Để tạo nếp sinh hoạt cho Sofia, bạn cần kiên trì và nhất quán. Bạn hãy bắt đầu từ việc cho con ăn và ngủ đúng giờ. Khi con đã quen với lịch trình ăn ngủ mới, bạn có thể bắt đầu thêm các hoạt động khác vào nếp sinh hoạt của con.

Bạn cũng cần lưu ý rằng trẻ sơ sinh thường có thói quen ăn ngủ thất thường. Điều này là do hệ tiêu hóa và hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Bạn không nên quá lo lắng nếu Sofia có những biểu hiện này. Hãy kiên nhẫn và theo dõi sự phát triển của con.

Dưới đây là một số lời khuyên cụ thể cho bạn:

  • Hãy bắt đầu từ việc cho con ăn và ngủ đúng giờ. Đây là hai hoạt động quan trọng nhất trong nếp sinh hoạt của trẻ. Bạn hãy cố gắng cho con ăn và ngủ theo một lịch trình nhất định, ngay cả khi con chưa sẵn sàng.
  • Hãy kiên nhẫn và nhất quán. Việc tạo nếp sinh hoạt cho trẻ cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Bạn không nên nản lòng nếu con chưa quen với lịch trình mới ngay lập tức. Hãy tiếp tục thực hiện một cách nhất quán, và con bạn sẽ sớm thích nghi.
  • Hãy linh hoạt. Đôi khi, bạn có thể phải linh hoạt trong nếp sinh hoạt của con. Ví dụ, nếu con bạn bị ốm hoặc quấy khóc, bạn có thể cho con ăn hoặc ngủ sớm hơn hoặc muộn hơn một chút.

Chúc bạn thành công trong việc tạo nếp sinh hoạt cho Sofia!

Mời các bạn mượn đọc sách Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ của tác giả Tracy Hogg & Melinda Blau.

Download

Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Đọc Vị Mọi Vấn Đề Của Trẻ Tweet! Từ thì thầm tới giải quyết mọi vấn đề của trẻ Bí Mật Quan Trọng Nhất Của Tôi Là cha…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close