Định Luật Murphy – Cùng Các Quy Luật Tâm Lý Căn Bản Chi Phối Vạn Vật Và Lòng Người

Định Luật Murphy – Cùng Các Quy Luật Tâm Lý Căn Bản Chi Phối Vạn Vật Và Lòng Người

 

Giới thiệu Ebook

Định Luật Murphy – Cùng Các Quy Luật Tâm Lý Căn Bản Chi Phối Vạn Vật Và Lòng Người

 

 

 


Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Định Luật Murphy Cùng Các Quy Luật Tâm Lý Căn Bản Chi Phối Vạn Vật Và Lòng Người truyện của tác giả Trương Văn Thành & Nguyễn Phương Linh (dịch).

CUỐN SÁCH ĐÃ BÁN ĐƯỢC TRÊN 1 TRIỆU BẢN TẠI TRUNG QUỐC!

KHÔNG CÓ TỆ NHẤT, CHỈ CÓ TỆ HƠN?

Bạn có biết khi một chiếc bánh bơ bị rơi, bao giờ mặt phết bơ cũng sẽ úp xuống dướ?

Có phải khi ra ngoài mà quên mang ô, trời thường hay mưa?

Có phải khi đang vội tới chỗ hẹn, ta lại hay hỏng xe hoặc bị tắc đường?

Có muôn vàn sự việc mà một khi xảy ra, nó sẽ luôn xảy ra theo chiều hương tồi tệ hơn. Điều này thậm chí còn được đúc kết lại thành định luật , mang tên Định luật Murphy.

Thông qua việc tìm hiểu Định luật Murphy cũng như các định luật và hiệu ứng tâm lý khác, cuốn sách này đem đến một cái nhìn tổng quan từ góc độ quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro, giúp mọi người lý giải sâu sắc và chính xác về nhân tính cũng như xã hội, ngoài ra còn định hướng , hỗ trợ độc giả phát triển nhận thức , cải thiện phương pháp tư duy, nâng cao hiệu quả cuộc sống và công việc.

***

HIỆU ỨNG CÁI TÔI TRONG GƯƠNG: PHÁ VỠ GIỚI HẠN TƯ DUY, NHẬN THỨC CÁI TÔI ĐÍCH THỰC

Hiệu ứng cái tôi trong gương: “Cái tôi trong gương” và “cái tôi thực”

“Hiệu ứng cái tôi trong gương” (Looking-glass self) do nhà xã hội học người Mỹ Charles Horton Cooley đưa ra năm 1902. Lý luận này cho rằng: “Quan niệm về cái tôi của một người hình thành trong quá trình giao tiếp với người khác, nhận thức về bản thân của một người phản ánh quan điểm của người khác về mình, cảm nhận về cái tôi này được quyết định bởi tư tưởng của người khác, thái độ của người khác đối với mình.”

Trong cuốn sách Bản tính loài người và tổ chức xã hội (On Self And Social Organization), Cooley đưa ra một ví dụ hình tượng: “Mỗi người đều là tấm gương của một người khác, phản chiếu một người qua đường khác nữa.” Do vậy, lý luận này còn được gọi là “Hiệu ứng cái tôi trong gương”.

Đúng như cái tên của nó, nội hàm của Hiệu ứng cái tôi trong gương là: cũng như chúng ta chỉ thấy bề ngoài của mình trong gương, nhận thức của “ta” về cái tôi cũng bắt nguồn từ quan điểm của người khác về ta. Vì vậy, trái ngược với quan điểm “đừng bận tâm đánh giá của người khác” mà lý thuyết tâm lý học xã hội thông thường đề xướng, hiệu ứng cái tôi trong gương chỉ ra rằng: Quan niệm về cái tôi của mỗi người đều được hình thành trong quá trình tương tác với người khác.

Đầu tiên, chúng ta tưởng tượng người khác nhận thức thế nào về mình. Thứ hai, chúng ta tưởng tượng người khác đánh giá mình thế nào dựa trên nhận thức này. Cuối cùng, chúng ta nảy sinh một loại cảm xúc dựa trên căn cứ nhận thức và đánh giá của người khác về mình, loại cảm xúc này sẽ là nhân tố chủ đạo trong nhận thức của chúng ta về bản thân.

Ví dụ, “tôi” quyên góp cho tổ chức từ thiện 50 tệ, sau đó, thông qua các đánh giá và phản ứng của người khác, “tôi” tưởng tượng ra nhận thức của họ về “tôi”: một người đang tham gia hoạt động từ thiện. Tiếp đó, qua bình luận bằng lời của người đời hoặc các kênh phản hồi khác, “tôi” cho rằng đánh giá của người khác về “tôi” là “người nhiệt tình, tốt bụng”.

Sau đó, “tôi” thấy hết sức vui mừng trước sự nhận thức và đánh giá này, đồng thời nhận thức sâu hơn về bản thân, tin rằng mình đúng là người nhiệt tình, tốt bụng. Sau đó, “tôi” sẽ tiếp tục yêu cầu bản thân sống theo tiêu chuẩn này. Đây chính là quá trình hình thành quan điểm về cái tôi của một con người.

Ngược lại, trong ví dụ tương tự, “tôi” quyên góp 50 tệ cho tổ chức từ thiện, sau đó, “tôi” nhận ra đánh giá của người khác về “tôi” là “một kẻ đạo đức giả luôn làm bộ nhiệt huyết với công tác từ thiện”. Đánh giá này khiến “tôi” soi xét lại nội tâm mình, tin rằng mình làm từ thiện không phải vì mình thích giả nhân giả nghĩa. Thế là, “tôi” sẽ nảy sinh tâm lý giận dữ và bài xích, đồng thời khi có tâm lý đó, “tôi” cũng nhìn nhận rõ hơn về bản thân mình: “tôi” chắc chắn mình không phải là một kẻ đạo đức giả.

Trong tiểu thuyết thường có tình tiết: có một kẻ làm đủ việc ác như thể trong lòng hắn có ma quỷ, cốt tủy ngấm máu tàn ác. Một hôm, hắn tới một nơi xa lạ, tình cờ làm một việc tốt, thế là, tất cả mọi người đều khen ngại hắn, cho rằng hắn là thánh nhân.

Dần dần, hắn cũng thực sự tin rằng mình là người tốt, sau đó, hắn bắt đầu yêu cầu bản thân sống theo tiêu chuẩn của “người tốt”, cũng dần dần khám phá ra sự lương thiện trong nhân tính bản thân. Cuối tiểu thuyết, thường thì hắn sẽ quay lại đối đầu với đồng bọn độc ác trong quá khứ của mình, để bảo vệ những người nghĩ hắn là “thánh nhân”, đồng thời dùng tính mạng chuộc lại tội lỗi mà hắn đã gây ra trước kia, và thực sự trở thành thánh nhân.

Đây chính là quá trình “cái tôi trong gương” nhào nặn “cái tôi thực sự”, tuy câu chuyện này có cốt truyện cũ rích, song nó lại ẩn chứa căn cứ tâm lý học xác đáng. Trong cuộc sống thực tế, chúng ta cũng hay bắt gặp tình cảnh tương tự:

Một phụ nữ bế một đứa trẻ lên tàu, trong khoang tàu đã chật ních người. Trong đó, một thanh niên đang nằm ngủ trên ghế, một mình anh ta lại chiếm trọn hai ghế. Đứa trẻ quấy khóc đòi ngồi và chỉ tay vào thanh niên kia. Nhưng thanh niên giả vờ không nghe thấy, vẫn nằm ngủ như thường. Lúc này, mẹ đứa trẻ nói bằng giọng an ủi: “Chú ấy mệt quá, để chú ấy ngủ một lát nhé, đợi chú ấy ngủ dậy, chắc chắn chú ấy sẽ nhường chỗ cho mình.”

Vài phút sau, người thanh niên đó mở mắt, làm bộ như vừa tỉnh giấc, rồi ngồi thẳng dậy, nhường ghế còn lại cho người phụ nữ đang bế con.

Đứa trẻ quấy khóc đòi ngồi, người thanh niên không thèm đếm xỉa, nhưng một câu an ủi của người mẹ lại khiến anh ta khách sáo nhường chỗ, điều kỳ diệu của tình huống này nằm ở chỗ “đánh giá về cái tôi” của người thanh niên đã thay đổi.

Có thể thấy, lúc đầu, nhận thức của người thanh niên về bản thân là tâm lý bất cần “tôi chiếm hai chỗ đấy thì sao, các người làm gì được tôi”. Nhưng khi nghe thấy đánh giá của người phụ nữ về mình, nhận thức của anh ta về bản thân cũng lặng lẽ biến thành: “Mình là người thấu tình đạt lý, chẳng qua mình mệt quá, nên cần nghỉ ngơi một lát mà thôi.”

“Quan niệm về cái tôi” của anh ta thay đổi và ngay sau đó hành vi tương ứng của anh ta cũng thay đổi theo. Có thể thấy, cá thể liên quan chặt chẽ với xã hội, cá thể cần thông qua sự đánh giá của người khác trong xã hội mới có thể hoàn thành nhận thức về cái tôi.

Điều này nói với chúng ta rằng, nhiều khi chúng ta là người như thế nào là do sự phản hồi của xã hội quyết định, người khác nghĩ chúng ta là người như thế nào, rất có thể chúng ta sẽ trở thành người như thế nấy.

Thiên kiến vị kỷ: Tôi rất xuất chúng, còn bạn chỉ may mắn mà thôi

Một nhà tâm lý học người Úc từng làm một cuộc điều tra về mức độ nhận thức về bản thân của các quản lý cấp giám đốc trong một công ty, kết quả phát hiện 90% quản lý cấp cao đánh giá thành tựu của bản thân cao hơn đánh giá về đồng nghiệp thông thường. Trong đó, 86% người được điều tra đánh giá thành tích công việc của mình cao hơn mức trung bình thực tế, chỉ có 1% cho rằng thành tích của mình thấp hơn mức trung bình.

Sau đó, nhà tâm lý học đã hư cấu ra mức thưởng bình quân của cả công ty, và yêu cầu các quản lý cấp cao đánh giá mối quan hệ giữa thù lao và năng lực của bản thân, kết quả, khi tiền thưởng của họ cao hơn mức bình quân, họ thường cho rằng điều đó là tất nhiên: là sự báo đáp hợp lý cho năng lực làm việc và thành tích nổi bật của họ. Còn khi tiền thưởng thấp hơn mức bình quân, họ thường cảm thấy mình đã cố gắng làm việc nhưng không nhận được đãi ngộ công bằng. Tóm lại, họ hiếm khi thẳng thắn chấp nhận sự thật rằng – thực ra mình không bằng người khác và nghĩ cách thay đổi điều này; đa số họ đều than trời trách đất, tìm đủ mọi cớ để biện minh cho bản thân.

Tại sao lại như vậy? Vì các quản lý cấp cao của công ty này đều là người tự cao tự đại ư? Thực ra thì đây là bệnh chung của tất cả mọi người, trong tâm lý học, loại tâm lý này được gọi là “Thiên kiến vị kỷ” (Self-serving bias).

Trong tác phẩm Tâm lý học xã hội, nhà tâm lý học người Mỹ David Myers định nghĩa thiên kiến vị kỷ nhu sau: Khi chúng ta xử lý thông tin có liên quan tới bản thân, sẽ xuất hiện một loại thiên kiến tiềm tàng. Chúng ta vừa dễ dàng thanh minh cho thất bại của mình, vừa vui lòng đón nhận những lời tán dương về thành công. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cho rằng mình tốt hơn người khác. Cảm giác tự đề cao bản thân này khiến đa số mọi người đắm chìm trong phương diện xuất chúng của mình, chỉ thi thoảng mới ngó qua phương diện yếu kém mà thôi.

Nói nôm na, đây là một loại thiên kiến tiềm tàng, xuất hiện khi con người xử lý thông tin có liên quan tới bản thân. Người ta thường nhìn nhận mình theo hướng tốt đẹp, khi đạt được một số thành công, thường dễ dàng quy kết đó là công sức của bản thân, còn khi phạm sai lầm thì thường than trời trách đất, đổ lỗi cho nhân tố bên ngoài, tức là giành công lao về mình, đẩy sai lầm cho người khác.

Ví dụ, khi giành được chiến thắng, rất nhiều vận động viên thường cho rằng chiến thắng này là nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, còn khi thất bại thì họ quy kết cho các nhân tố khác như việc tạm dừng trận đấu một cách sai lầm, quyết định xử phạt không công bằng, đối thủ quá mạnh, trọng tài thiên vị…

Trong bảng điều tra bảo hiểm, các tài xế từng gây tai nạn luôn miêu tả nguyên nhân tai nạn như sau:

  • “Không biết từ đâu chui ra một chiếc xe, tông vào tôi rồi bỏ chạy.”
  • “Tôi vừa đi đến ngã tư, thì tự dưng có một thứ xuất hiện che mất tầm nhìn của tôi, làm tôi không trông thấy xe khác.”
  • “Một người đi đường va vào tôi rồi chui xuống dưới bánh xe tôi.”

Khi lợi nhuận của công ty tăng lên, rất nhiều tổng giám đốc điều hành cho rằng công ty có được phần lợi nhuận vượt mức ấy là nhờ vào tài quản lý của mình, còn khi lợi nhuận bắt đầu đi xuống, họ lại nghĩ: Làm thế nào để đám nhân viên kém cỏi này làm việc có trách nhiệm hơn đây?

Thậm chí, khi miêu tả thành công và thất bại, chủ ngữ chúng ta dùng cũng thay đổi. Ví dụ:

“Tôi thi được điểm A môn sử.”

Ngược lại, khi thành tích không tốt, người ta liền nói: “Không ngờ thầy sử lại cho tôi điểm C!”

Một số nhà tâm lý học Canada từng nghiên cứu thiên kiến vị kỷ trong đời sống hôn nhân.

Trong một cuộc điều tra mang tính toàn quốc, họ phát hiện 91% các bà vợ cho rằng mình phải gánh vác phần lớn công việc mua sắm thực phẩm, nhưng chỉ có 76% các ông chồng đồng ý với điều này.

Trong đó, có một trường hợp như sau, mỗi tối, người nhận phỏng vấn và vợ anh ta đều tiện tay vứt quần áo cần giặt bên ngoài giỏ đựng quần áo bẩn. Sáng hôm sau, một trong hai vợ chồng sẽ nhặt quần áo bỏ vào giỏ. Khi vợ nói với chồng “Lần này đến lượt anh nhặt”, người chồng nghĩ “Tại sao chứ? Phải đến tám chín mươi phần trăm là mình nhặt”. Thế là, anh ta chất vấn vợ: “Em nghĩ em nhặt được bao nhiêu lần chứ?” “Ờ,” người vợ đáp, “chắc phải tám chín mươi phần trăm là em nhặt.”

Đây cũng là một hình thức biểu hiện của thiên kiến vị kỷ: Trong trí nhớ, chúng ta sẽ vô thức phóng đại thông tin có lợi cho mình, và phớt lờ thông tin bất lợi. Cho nên, thiên kiến vị kỷ còn được gọi là “thiên kiến tư lợi”.

Chính vì vậy, loại thiên kiến vị kỷ này hiển nhiên sẽ gây ra rất nhiều xung đột trong giao tiếp. Khi hợp tác nhóm, thiên kiến vị kỷ sẽ khiến những người đang hợp tác cảm thấy mình là người cống hiến chính chứ không phải các đối tác khác, khi việc hợp tác không thuận lợi, người ta có khuynh hướng phê bình đối tác, như vậy việc hợp tác rất dễ chấm dứt.

Trong khi đó, thiên kiến vị kỷ giữa hai vợ chồng dễ khiến họ tranh cãi bất tận vì việc nhà, khiến quan hệ vợ chồng bất hòa…

Thiên kiến vị kỷ là một loại lỗi quy kết, là nhân tố lớn ảnh hưởng tới các mối quan hệ, vì vậy, trong quá trình giao thiệp với người khác, cần cố gắng tránh lỗi quy kết cơ bản này để duy trì mối quan hệ giao tiếp hài hòa, tốt đẹp.

Hiệu ứng mỏ neo: “Tư duy độc lập” bị neo chệch hướng

Năm 1974, hai giáo sư tâm lý học của Đại học Hebrew là Kahneman và Tversky tiến hành một thí nghiệm. Thí nghiệm yêu cầu tình nguyện viên phỏng đoán xem tỷ lệ phần trăm số ghế của các nước châu Phi ở Liên hợp quốc là bao nhiêu.

Đầu tiên, họ cho mỗi nhóm tình nguyện viên một con số tỷ lệ phần trăm ngẫu nhiên. Sau đó, họ lần lượt ám thị tình nguyện viên rằng con số ngẫu nhiên này lớn hoặc nhỏ hơn con số thật. Cuối cùng, yêu cầu tình nguyện viên đoán con số thật.

Điều thú vị là con số mà cuối cùng tình nguyện viên đoán ra đều chịu ảnh hưởng của con số ngẫu nhiên ban đầu. Ví dụ, con số ngẫu nhiên của hai nhóm tình nguyện viên lần lượt là 10% và 65%, còn con số cuối cùng họ phỏng đoán lần lượt là 25% và 45% – rất gần với con số ngẫu nhiên mà hai nhóm này nhận được lúc đầu.

Kahneman và Tversky tiến hành thí nghiệm này là để nghiệm chứng “Hiệu ứng mỏ neo” (Anchoring effect) họ đưa ra trước đó. Lý thuyết này cho rằng trước khi con người đưa ra quyết định, tư duy thường bị thông tin đầu tiên họ nhận được chi phối, thông tin đầu tiên giống như chiếc mỏ neo đã chìm xuống đáy biển, cố định tư duy của bạn vào một điểm, từ đó sinh ra nhận thức sai lệch.

Ví dụ, rõ ràng tình nguyện viên biết con số mình nhận được lúc đầu là ngẫu nhiên, không hề liên quan tới con số thật, nhưng khi đưa ra ước đoán con số thật, họ vẫn vô thức neo con số ước đoán của mình trong phạm vi nhất định quanh con số ngẫu nhiên.

Gọi hiệu ứng này là “mỏ neo” vì điểm neo chôn sâu trong tiềm thức, nhiều người thậm chí không nhận ra mình đã bị chôn điểm neo vào tiềm thức, tưởng rằng mình đưa ra quyết định thông qua tư duy độc lập, thực ra, họ đã bị các thông tin xuất hiện trước đánh lừa mà không hề hay biết. Có một câu chuyện hết sức nổi tiếng kể về một cửa hàng nhỏ bán sandwich, trong cửa hàng có hai nhân viên bán hàng, trong đó một người luôn có doanh số bán hàng cao hơn người còn lại. Cần biết rằng khi mua đồ ăn nhanh, khách hàng thường chọn nhân viên bán hàng ngẫu nhiên, thậm chí sẽ chọn nhân viên có ít khách đang xếp hàng hơn. Vì thế, dù có bao nhiêu người bán hàng, trên lý thuyết, doanh số của họ đáng ra đều không chênh lệch quá lớn.

Hiện tượng này thu hút sự chú ý của ông chủ. Thế là, một hôm, ông ta đứng cạnh quầy quan sát và phát hiện, mỗi khi khách hàng gọi món, một nhân viên sẽ hỏi: “Có thêm trứng rán không?” Có khách bảo có, cũng có khách bảo không, tỷ lệ cơ bản là 50:50. Còn nhân viên còn lại thì hỏi: “Quý khách muốn thêm một trứng rán hay hai trứng rán?” Lúc này, có ít nhất 70% khách hàng sẽ vô thức đáp “thêm một” hoặc “thêm hai”, chỉ có 30% khách hàng yêu cầu “không thêm trứng”.

Mời các bạn tải đọc sách Định Luật Murphy Cùng Các Quy Luật Tâm Lý Căn Bản Chi Phối Vạn Vật Và Lòng Người truyện của tác giả Trương Văn Thành & Nguyễn Phương Linh (dịch).

Mọi người cũng tìm kiếm

 

 

Download Ebook

Định Luật Murphy – Cùng Các Quy Luật Tâm Lý Căn Bản Chi Phối Vạn Vật Và Lòng Người

[sociallocker id=”72063″]

Đăng Ký Hoặc Đăng Nhập Tài Khoản Download Ebook


[/sociallocker]

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

  Giới thiệu Ebook Định Luật Murphy – Cùng Các Quy Luật Tâm Lý Căn Bản Chi Phối Vạn Vật Và Lòng Người       Tweet! Tóm tắt &…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close