Đầu Xanh Tuổi Trẻ
[toc]
Giới thiệu ebook
Đầu Xanh Tuổi Trẻ
Review Nguyễn Hữu Cát:
Không hiểu sao khi đọc xong “Crôtcaia” – một truyện ngắn giả tưởng của Dostoevsky, tôi cứ luôn ao ước (như Pautopsky) được nhìn vào đôi mắt của nhà văn, nơi câu chuyện được sinh ra. Chẳng biết khi đặt bút viết những lời kết, có dòng lệ nào lăn chảy trên gương mặt gày gò của ông hay không và đôi mắt màu nâu xám có ánh lên tia nhìn buồn bã, thương cảm và bàng bạc niềm u uẩn không? Chỉ biết rằng nếu được nhìn vào đôi mắt ông, có thể tôi sẽ hiểu được nhiều điều bên dưới những con chữ kia. Phải, truyện ngắn này gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt, một xúc cảm mạnh mẽ và một chấn động kinh hoàng. Nó giống như một cơn mộng mị mà khi tỉnh dậy ta còn bàng hoàng không biết là thực hay là mơ?
Dostoevsky thích tạo ra mâu thuẫn và những điều bí mật, thậm chí “những điều kỳ quặc” trong kết cấu tiểu thuyết của mình và cho rằng không nhất thiết một tác phẩm phải trình bày tuần tự, sáng rõ để người ta hiểu ngay từ lúc ban đầu. Ông có thiên hướng kích thích người đọc phải săn tìm những điều bí mật ẩn sâu trong tác phẩm. Chính vì thế, ông thường tạo kịch tính ngay ở đầu, ngay ở phần mở đầu tiểu thuyết với những câu hỏi hóc búa. Ông cũng làm như thế với những truyện ngắn của mình. Từ hình thức tự do không giới hạn của tiểu thuyết chuyển sang hệ thống chặt chẽ và khép kín của truyện ngắn, Dostoevsky đã đạt đến đỉnh cao mới của nghệ thuật viết truyện. “Crôtcaia” (hay “Người đàn bà nhẫn nhịn”) là một truyện ngắn bi kịch có sức mạnh phi thường, nó đạt tới độ tự chiếu sáng, vừa trong sáng, mực thước như một họa phẩm chân dung của Rembrant thời Phục hưng, vừa sâu sắc, súc tích như một thi phẩm tình yêu của Puskin.
Đọc truyện “Crôcaia” ta có cảm giác như bước vào một căn phòng tối, xa lạ, không nhìn thấy gì và không biết gì hết. Đến khi quen với bóng tối, mắt ta trở nên tinh hơn và bắt đầu nhận biết được các sự vật. Dostoevsky đã phá hủy hình thức bền vững của truyện ngắn cổ điển, ông đưa người đọc đến ngay một sự cố bất thường rồi sau đó phát triển số phận và nhân cách của nhân vật trong giới hạn của sự căng thẳng tinh thần mà nhân vật phải đối đầu. Nói cách khác, nội dung và tính kịch của truyện ngắn được khép kín trong vòng tròn độc nhất của “tai biến nội tâm”. Tất cả được tập trung, xâu chuỗi, đắp nổi cho hình tượng nhằm làm nổi bật cái chấn động tinh thần dữ dội ở nhân vật.
Tấn bi kịch của câu chuyện được nhà văn gỡ nút ngay từ sự gợi mở ban đầu: Một người chồng đau khổ, trên bàn của anh ta là thi thể người vợ, trước đó mấy giờ cô ấy lao mình ra ngoài cửa sổ tự tử. Anh ta đang trong cơn bối rối, hoảng loạn, và muốn hiểu chuyện gì đã xảy ra, cố gắng “tập trung mọi ý nghĩ vào một điểm”. Đoạn kết của câu chuyện được đặt thành đoạn mở đầu đã xác định cấu trúc vòng tròn của truyện ngắn. Đó là kiểu “truyện ngắn xoáy trôn ốc”, các đường xoáy của nó tách ra dần điểm xuất phát nhưng điểm gỡ nút ở cuối đường xoáy lại được đặt ngay lên phần đầu.
Chương đầu tiên có tên gọi: “Tôi là ai và nàng là ai”. Nhà văn bắt đầu đưa người đọc dõi theo tiểu sử của nhân vật nữ chính trong truyện, số phận bất hạnh của cô cùng tính cách của một tâm hồn non trẻ bị xúc phạm và đè nén trước những bước đi thô bạo của cuộc đời. Mồ côi cha mẹ từ năm mười hai tuổi, cô phải sống trong sự ghẻ lạnh của hai bà dì và gần như trở thành nô lệ cho họ. “Chẳng có tội gì họ cũng đánh đập nàng, cũng đem miếng cơm, manh áo ra mà chửi nàng. Kết cục là họ có ý định đem bán nàng đi”. Thế là Crôtcaia lúc bấy giờ sắp bước sang tuổi mười sáu phải tìm mọi cách thoát thân bằng việc đăng báo tìm việc làm hoặc chốn nuôi ăn. Để có tiền trả công quảng cáo, cô đã phải đem đến tiệm cầm đồ những vật rẻ tiền của cha mẹ: một đôi hoa tai bạc mạ vàng, một cái huy chương bong nước mạ, một viên đá chạm, bức tượng thánh cổ có cái khung bằng bạc… Trong những thứ đó, bức tranh thánh là một hình ảnh nghệ thuật đầy sức ám ảnh mà chúng ta sẽ thấy trong phần cuối cùng của vở bi kịch và đóng vai trò quyết định trong việc hình thành ý đồ sáng tác của Dostoevsky.
Đan lồng với câu chuyện số phận của nhân vật nữ là câu chuyện tiểu sử của ông chủ hiệu cầm đồ – sau này là chồng của cô và là người kể lại toàn bộ tấn bi kịch. Đó là một người đã luống tuổi, nghiêm nghị và lãnh đạm với mọi người. Ông ta bị đuổi khỏi trung đoàn và bị sỉ nhục là hèn nhát, không dám nhận lời thách đấu với kẻ thù đã nói xấu cấp trên của mình. Nhưng bản thân ông ta không chấp nhận sự xúc phạm này, dũng cảm coi thường dư luận và sự kết tội bạo ngược. Thế là “từ một người cao thượng ông ta trở thành một người cho vay nặng lãi”.
Toàn bộ không gian câu chuyện đều dành hết cho hai nhân vật này. Mặc dù kết cấu của truyện ngắn là tính cô đọng nhưng hai nhân vật này đều được miêu tả khá cặn kẽ qua bút pháp của nhà văn. Như một nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy, Dostoevsky nắm bắt những khoảnh khắc đáng ghi nhớ ở nhân vật, làm sống động những vẻ đẹp chợt hiện ra. Ông đặc biệt chú ý đễn những biểu hiện đa dạng trên nét mặt con người, bởi “chỉ trong những khoảnh khắc hiếm hoi, nét mặt con người mới thể hiện rõ đặc điểm cơ bản của mình” (tiểu thuyết ” Đầu xanh tuổi trẻ”). Trên nét mặt Crôcaia thể hiện một nỗi u uẩn, sự kinh ngạc nhiều khi thành hãi hùng trước những cơn bão tham tàn của cuộc đời và cả sự cao thượng của một tâm hồn thơ trẻ. Vóc dáng bề ngoài của cô không quá đặc biệt nhưng vẫn gây chú ý và thiện cảm tới người đọc: vóc người mảnh dẻ, tóc vàng, đôi mắt màu xanh, to đẹp, và trầm ngâm. Cái nhìn nhiều khi nghiêm khắc và nụ cười luôn chứa đựng hoài nghi. Toàn bộ con người Crôtcaia cho tôi cái cảm giác về một sự lắng đọng và chưa định hình của đường nét. Nó giống như bức tranh vừa được phác thảo bằng bút chì. Bên cạnh đó, chân dung tự họa của nhân vật kể chuyện giúp ta hình dung rõ nét hơn mặc dù chỉ là những nét khái quát: đó là một sĩ quan về hưu của một trung đoàn lừng danh, một người có vóc dáng cân đối, cao đẹp và có học thức.
Cái nút lãng mạn của câu chuyện mà từ đó tấn bi kịch xảy ra chính là mối quan hệ của người cho vay nặng lãi với cô gái nghèo đáng thương. Cô gái lấy người cho vay nặng lãi. “Thực ra cô ta chẳng biết nhờ cậy vào ai”. Cái ý nghĩ “năm nay tôi bốn mươi mốt tuổi còn nàng vừa đến tuổi mười sáu” đã mê hoặc người kể chuyện – “đó là cảm giác không cân đối, ngọt ngào quá, ngọt ngào quá”. Thế nhưng thực tế, cuộc sống vợ chồng của họ thì ra sao? Có ngọt ngào không? Chính trong lúc bắt đầu một cuộc sống mới với người vợ trẻ, ông ta đòi hỏi một tình cảm lớn, phác thảo những suy nghĩ, mở ra những ý định và những dự kiến thầm kín. Ông ta “tạo ra cả một hệ thống”, một sự nghiêm khắc, giá lạnh, kìm hãm niềm hăng say của tuổi trẻ, một quá trình tính toán nhưng điều độ, lịch thiệp nhưng hết sức tiết kiệm. Và điều quan trọng nhất chính là sự tiết kiệm, ông ta cần có ba chục ngàn để đến sống vĩnh viễn ở Crưm. Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc sống vợ chồng của họ tự nó “đi bước đầu tiên”. Một sự im lặng bao trùm, một sự lạnh lung khó hiểu, ngoài những cơn cãi cọ thì giữa họ là một khoảng lặng. “Nổi loạn và độc lập” – đó là những gì bắt đầu manh nha trong tâm tính Crôtcaia, “nàng phản kháng không phải là sự nghèo khổ, mà dường như là tính tằn tiện trong việc tiết kiệm” của chồng. Mối bất hòa của họ tăng lên khi nàng đột nhiên nghĩ ra cách trả tiền theo cách riêng của mình, đánh giá các đồ gửi cao hơn giá trị và đã không được sự chấp nhận của chồng, vốn là người tiết kiệm và ghét thói xa xỉ. Thế là Crôtcaia nổi loạn. Dostoevsky đặt tiêu đề cho chương này là “Người đàn bà nhẫn nhịn vùng lên”. Cô ta quyết định trả thù người làm ơn nhưng cũng là người làm khổ cô ta. Để trả thù, cô tìm đến người bạn cũ của chồng, viên sĩ quan Ephimovich, kẻ khởi xướng việc đuổi chồng cô ra khỏi trung đoàn và đã hẹn hò với hắn ta. Nhưng ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên của họ, người chồng đã theo dõi họ từ gian phòng bên cạnh với khẩu súng lục trong túi. Dostoevsky đã diễn tả một cách ngắn gọn và hàm súc cuộc gặp gỡ này như một đoạn phim ngắn. Nhân vật nữ “trong phim” đã tạo ra cao trào khi chính cô đã tỏ ra là một người cao thượng, một kẻ vô tội, “cơn thịnh nộ làm cho trái tim nàng thốt ra những lời cay độc” trước tên Ephimovich. Điều này đã khiến người chồng tin tưởng vào sự trong sạch của nàng. Anh ta phá ngang vở kịch bằng cách mở tung cửa và đưa Crôtcaica đi. Thế nhưng, bi kịch lại nối tiếp bi kịch, một xung đột mới tiếp ngay sau sự kết thúc của xung đột trước. Đỉnh điểm của câu chuyện bắt đầu khi người thiếu phụ trẻ dí mũi súng vào thái dương người chồng đang ngủ. Nhưng thực ra ông ta không hề ngủ. Ông ta biết hết chuyện gì đang diễn ra. “tôi nghe thấy tất cả, mặc dù lúc đó là thứ im lặng chết chóc, nhưng tôi nghe thấy thứ im lặng đó”. Mắt họ đã giao nhau chính trong khoảng khắc chết người đó. Một hành động co giật đã khiến ông ta mở mắt và bốn mắt họ gặp nhau. Tại sao ông ta không chống cự lại? “Cuộc sống của tôi còn để làm gì nữa sau khi con người mà tôi say đắm đã nâng khẩu súng chĩa vào tôi?”. Hóa ra ở thẳm sâu tâm hồn người cho vay nặng lãi nghiêm khắc và lãnh đạm này vẫn ẩn giấu một tình cảm lớn lao, câm lặng và vô vọng. Dostoevsky đã tạo dựng một tấn bi kịch nghẹt thở ngay ở điểm trung tâm của câu chuyện. Một bước ngoặt bất ngờ của một mưu đồ đã được vẽ ra nhưng mờ khuất trong cuộc khủng hoảng sâu sắc của những biến động nội tâm. Và từ đây, câu chuyện đột ngột rẽ sang một hướng khác. Đúng hơn là rơi vào một khoảng ngưng dài mà tính kịch của nó chỉ tiếp tục khi có sự bột phát và chấn động mới ở tâm hồn nhân vật. Phần thứ nhất của câu chuyện dừng lại ở cuộc ly hôn giữa đôi vợ chồng trẻ. “Cô ta đã thắng nhưng không được tha thứ”.
“Yêu đời vì đời, và mơ mộng vì tình yêu thực tại“, làm khổ mình vì mình và yêu thương kẻ khác cũng vì mình, nhân vật của Dostoevsky nhiều khi khiến chúng ta không thể hiểu nổi. Họ hiền hậu, vô tâm, lãnh đạm, hoặc ác nghiệt chăng? Không hoàn toàn! “Họ là những người của sự bắt đầu lại“(Xvaig). Họ luôn bị kích động và rối loạn. Họ như đến từ thế giới khác, họ thờ ơ với tất cả, coi khinh tất cả và chẳng trông mong điều gì. Dường như Dostoevsky đã không thể như các nhà văn khác ( Dicken chẳng hạn) chỉ ra cho các nhân vật của mình cái thi vị dưới lớp tro của cuộc sống hàng ngày đơn điệu và bắt họ hãy an lạc trong chính bản thân mình. Các nhân vật của ông thường hay nổi loạn, “ý chí của họ phủ nhận cõi hạ giới này và ngang nhiên bất bình với cuộc đời trước mắt” và điều đáng sợ hơn là họ chối bỏ những gì là thân thiết với mình, sẵn sang bùng cháy như một ngọn lửa. Ở hai nhân vật chính của câu chuyện này, ta có cảm giác niềm căm phẫn luôn giống tình yêu và tình yêu luôn giống niềm căm phẫn. Với họ, mỗi oán thán là một lỗi lầm, và mỗi nhún nhường là một biểu hiện yếu đuối. Họ ngấm ngầm đối đầu nhau, không ai phục ai, không ai nhường ai. Tuy nhiên, cuộc giằng co này đã bị phá vỡ ở phần tiếp của câu chuyện trong một xung đột tâm lý mới. Đỉnh điểm của tấn bi kịch sẽ hòa lẫn với đoạn kết của nó.
Tình yêu của người chồng đối với Crôtcaia là sự căm phẫn đã được biến đổi, là lòng thương hại chuyển hóa từ nỗi khỉnh bỉ, là sự hờn dỗi, báo thù, hành hạ, song xen vào tất cả, có một thứ tình cảm ấm nóng nguyên sơ, một tình yêu say đắm chân thành vẫn luôn im lìm, ấp ủ nhựa sống bên trong con người ông ta. Chính hạt giống tinh thần ấy đã đánh vỡ sự lạnh lùng đông cứng trong tâm hồn người cho vay nặng lãi. Ông ta “không thể kìm hãm cơn hào hứng đã sôi động trong trái tim”, “toàn bộ con người tôi xốn xang và thế là tôi té xỉu dưới chân nàng. Đúng là tôi đổ vật vào chân nàng. Nàng đứng phắt dậy, nhưng tôi đã huy động một sức mạnh phi thường dang cả hai tay ôm chặt nàng lại”. Hành động của người chồng là biểu hiện “đầy say mê đến mức độ đau khổ” những cơn dằn vặt đầy ẩn ức đã chất chứa trong lòng ông bấy lâu. Ông ta cứ nhắc đi nhắc lại từng phút một: “anh sẽ không đòi hỏi bất cứ điều gì nơi em, em không phải trả lời anh bất cứ câu gì, em hoàn toàn không phải để mắt đến anh, chỉ cần cho anh được đứng nơi góc nhà nhìn em là đủ, em hãy biến anh thành một thứ đồ vật, thành một con chó con của em”. Rồi ông ta rủ cô đi về miền Nam, đi Pháp, “mà cái chủ yếu là phải đi Bulônnhơ, đi Bulônhơ!”. Ông ta tin rằng Bulônnhơ là tất cả, rằng ở đấy sẽ có một cái gì kết thúc trọn vẹn, và “tình hình sẽ khác hẳn“. Thế nhưng chính trong cái thời điểm ông ta đang cao hứng, đang tràn trề hi vọng, đang tin tưởng một cách nhiệt thành rằng “màn khói sắp rơi xuống” thì tai họa cuối cùng chín muồi, mọi thứ đột nhiên sụp đổ. Cơn bộc phát nội tâm và niềm say mê muộn màng của người chồng đã chẳng đem đến một tia sáng nào. Crôtcaia đã từ chối những tình cảm mãnh liệt đến với mình. Nàng cầm trong tay vật thiêng liêng – bức tranh thánh mà cha mẹ để lại – nhảy qua cửa sổ giữa đôi tay giang rộng của Thần chết. Vụ tự tử này nằm trong sự tương phản nội tại của sự kiện, sự kết hợp bất thường giữa nỗi tuyệt vọng và niềm tin, giữa hủy diệt và cơ hội phục sinh, giữa cái chết và tình yêu. Cái kết cục bi kịch đã tháo tung ra mọi quan hệ thầm kín và rắc rối. Người chồng gắng sức biện bạch bằng sự ngẫu nhiên. Chính điều này là lý do mà ngay từ sự xuất hiện ban đầu, ông ta đã đem lại cho tôi ấn tượng về sự ngu dại. Tuy nhiên, sau đó tôi phải thay đổi ngay cách nhìn của mình, chính sự ngẫu nhiên cay đắng đã đẩy ông ta vào cơn đau khổ cùng cực, khiến cho tâm hồn ông ta bị vỡ tung ra thành nhiều mảnh. “Điều chủ yếu, điều đáng giận là tất cả những chuyện ấy lại là ngẫu nhiên, một thứ ngẫu nhiên đơn giản, dã man và hủ lậu!”. Ông ta gào lên: “Ôi man rợ, man rợ! Vô lý! Không có lẽ! Không thể thế được!” Sự trùng hợp quái ác nào đây, cơn điên loạn cùng cực nào đây, địa ngục tăm tối nào đây, lỗi lầm mù quáng nào đây? Hay tất cả chỉ là trò chơi tàn nhẫn của định mệnh, là sự trêu cợt cố ý của tạo hóa? Nhân vật gần như phát điên, ông ta đang trong sự đày ải của ý thức, trong những đau khổ giằng xé, trong những cơn sốt, những cơn co thắt. Kẻ cô đơn giờ đây đã mất hết mọi thứ, ông ta chẳng còn thiết tới những luật lệ nữa, tự nguyện dứt bỏ mọi quy luật của cuộc sống. “Người ta bảo rằng mặt trời làm sống dậy vũ trụ. Bao giờ mặt trời mọc lên, các vị thử nhìn mà xem, đó chẳng phải là một xác chết hay sao? Tất cả đều chết, khắp nơi là những xác chết”. Đối với con người đang vấp phải những chấn động dữ dội trong tinh thần thì mọi cái đều đã tiêu ma. Còn gì níu kéo nữa đâu? Thiên nhiên, tín ngưỡng, đạo đức, tình yêu, lòng vị tha…? Cái gì có thể lấp đầy sự trống rỗng của tâm hồn ta khi người con gái ta yêu đã rời bỏ ta, rồi ta sẽ ra sao? Ta đã chết niềm tin vào cuộc sống với những nguyên tắc và quy luật của nó, ta còn có thể làm gì đây, còn có thể làm gì khi chính chúng đã xúc phạm ta???
Có thể nói,”Crôtcaia” là một mẫu mực xuất sắc về độc thoại nội tâm của Dostoevsky. Thông qua quá trình nhận thức mọi biến cố đã xảy ra bằng cách “cố gắng tập trung mọi ý nghĩ vào một điểm” và cách lập luận, suy nghĩ biện chứng phức tạp của người kể chuyện, nhà văn đã ghi lại tư tưởng hỗn loạn, tuyệt vọng của con người đau khổ khiếp sợ trước sự cô độc của mình. Ở đây có một cái gì thầm lặng và khó đoán định. Một cái gì gần như là chân lý. Sự khủng hoảng thế giới quan, những chấn động tư tưởng và sự sụp đổ tinh thần phải chăng là tấn bi kịch muôn đời của con người?
Muốn viết được một câu chuyện có sức hấp dẫn nghệ thuật đặc biệt, nhà văn “cần phải dự trữ một hoặc một vài ấn tượng mạnh mẽ mà con tim tác giả đã thể nghiệm thực sự” (Dostoevsky). Tất cả những gì được truyền tải qua các hình tượng nghệ thuật đều mang trên mình nó dấu ấn những xúc động, tình cảm, khát vọng của nhà văn, những cơn “lắng đọng trong câm lặng” và cả “những giây phút hào hển của những khoảnh khắc bi tráng”. Nhà văn phải hóa thân thành hình tượng đã tưởng tượng ra. Điều này không hề dễ dàng. Ở tác phẩm này, Dostoevsky đã phải hóa thân vào hai nhân vật, khi là cô gái nhu mỳ mười sáu tuổi với tâm lý thơ trẻ, với những cơn bộc phát cảm xúc, thốt nhiên bừng giận, thốt nhiên hổ thẹn, khi thì trở thành người đàn ông cho vay nặng lãi với những cơn kịch biến trong tư tưởng và tâm hồn. Trong những lần hóa thân ấy, cái được nhận thức và cái được thể nghiệm đã kết thành một hợp chất hữu cơ. Tuy nhiên, phạm vi của cái được nhận thức và chiều sâu của cái được thể nghiệm nhiều khi không hề trùng khớp với nhau. Chính điều này đã tạo nên vẻ bí mật cho các nhân vật của Dostoevsky mà chính ông cũng không thể lường hết được rốt ráo cái chiều kích khôn lường của tâm hồn nhân vật và chụp cho nó cái khung. Bóng dáng của chúng không phải khoan thai bước từng bước vững chãi trên “đại lộ của đời thương” mà chập chờn trong cuộc dấn thân miên man vào “mê lộ của cái khác thường”, trong bóng tối, ảo giác, với những nỗi ám ảnh, những cơn khô kiệt, những cuộc hủy diệt, nổi dậy, tan rã. Ở Crôtcaia và người đàn ông cho vay nặng lãi, chúng ta nhìn thấy một sự bùng cháy bên trong, sự bùng cháy tưởng như có thể đè nát ý thức nhân vật và ở đỉnh điểm của nó có khả năng đưa đến nỗi đau khổ vô bờ bến. Mọi thể chế, quy phạm của truyện ngắn cổ điển dường như đánh mất mình ngay trong tác phẩm này của Dostoevsky. Ông đã đặt toàn bộ cuộc đời con người vào hình thức nhỏ bé của truyện ngắn, chỉ ra ranh giới giữa vĩnh cửu và thân xác phù sinh của họ, thông qua những mâu thuẫn, giằng xé để đi đến đường biên tột cùng của sự nổi loạn. Và tất cả được thể hiện bằng những phương pháp và nguyên tắc sáng tạo cao nhất của nhà văn.
“Crôtcaia” đã đem đến cho tôi nhiều suy nghĩ mới mẻ, nhiều ấn tượng lạ lẫm về cuộc sống và chiều sâu thế giới tinh thần con người. Tác phẩm đã không cho phép tôi quên tình cảm cao thượng của sự nhún nhường, những đày ải của sự câm lặng và nỗi đau có thể đến từ những điều ta không thể ngờ. Có lẽ chưa từng có truyện ngắn nào khiến tôi phải thổn thức nhường ấy, nào biết đó là nỗi thổn thức của riêng tôi hay là nỗi thổn thức của cả cuộc sống đây…?
(24/01/2013)
***
Dostoievski: tiếp tục
Ngập ngừng, tôi định viết tiếp bài ở kia, rồi tôi lại thôi, chờ đợi tiếp. Chờ đợi cái gì thì tôi không rõ. Cuốn tiểu thuyết Thằng ngốc là một trong những gì gây choáng ngợp nhất mà Dostoievski từng viết, sự choáng ngợp bắt đầu từ dòng đầu tiên, khi đoàn tàu hỏa từ hướng Vacsava bắt đầu chạy vào địa phận Saint-Petersburg. Một cuốn tiểu thuyết Nga khác cũng mở đầu bằng đoàn tàu: Anna Karenina, nhưng tất nhiên cuốn sách ấy rất khác so với Thằng ngốc. Dostoievski đã đọc, dường như rất kỹ, Anna Karenina, và có ghi lại vài điều; chưa bao giờ Dostoievski và Tolstoy gặp nhau: họ từ chối gặp nhau.
Tôi cũng ngập ngừng, sau ba tập sách dày (xem ở kia), tức là đến 1864, mãi không quyết định được là có tiếp tục không.
Nếu tiếp tục, thì tức là sau (ngay sau) Balzac, tôi sẽ đọc (trong đó một số là đọc lại, nhưng cũng có những thứ lần đầu tiên đọc: điều này rất quan trọng, tôi sẽ còn trở lại sau) hết sạch Dostoievski. Nếu “theo” các bản dịch của André Markowitz, cụ thể là theo ấn bản trong tủ “Thesaurus” của nhà xuất bản Actes Sud, thì tổng cộng có năm tập to; sau khi xơi tái xong ba tập đầu, tôi đã đi đến quá nửa.
Tôi ngập ngừng rất lâu (lâu hơn “mức bình thường” của tôi nhiều). Vả lại, vì trước đó tôi đã đọc “lẻ” Karamazov (trong ấn bản cũng của Actes Sud nhưng không thuộc hệ thống năm tập “Thesaurus”) nên thành thử tôi đã đi xong đoạn đầu và cuốn tiểu thuyết lớn nhất của đoạn cuối: ta nhớ Karamazov in năm 1880, đó chính là tác phẩm lớn cuối cùng của Dostoievski, sau đó chỉ còn một “đít cua”, một bài phát biểu về Pushkin nữa, rồi Dostoievski chết.
Cuối cùng, tôi cũng quyết định. Tôi quyết định nhảy xuống nước. Tôi đọc (lần này, vẫn là đọc lại) cuốn tiểu thuyết lớn ngay trước Karamazov:
Trong tiếng Việt, tác phẩm này hay được gọi là Đầu xanh tuổi trẻ. Đây là cả một sự kinh dị lớn lao. L’Adolescent (Đứa thiếu niên) là một niềm kinh dị.
Đọc lại nó, tôi bắt đầu hiểu tại sao tôi (từng) ngập ngừng đến thế. Tôi đã dự cảm được, ở lần đọc lại cuốn tiểu thuyết này, tôi sẽ thấy.
Thấy gì? Đứa thiếu niên là một sự hội tụ của một điều rất quan trọng. Điều này liên quan đến cả Dostoievski lẫn độc giả siêu hạng nhất của Dostoievski: Bakhtine. Đứa thiếu niên (1874-1875) cho thấy một điều đối với tôi đã tường minh hơn bao giờ hết: thời điểm viết cuốn tiểu thuyết này, Dostoievski đã nhìn thấy. Đã nhìn thấy điều then chốt nhất, chính là điều làm cho Dostoievski trở nên quan trọng như vậy (tôi muốn nói: gây phiền nhiễu lớn đến vậy; bởi vì không nhà văn nào gây nhiều trắc trở cho đọc như Dostoievski; đọc Dostoievski chính xác là độ không của đọc: tôi nghĩ là tôi nhìn thấy một điều rất quan trọng, có biểu nghĩa rất lớn, ở việc trong suốt cuộc đời Roland Barthes hết sức tránh nhắc đến Dostoievski; bởi vì phải tránh thôi). Tôi hình dung Bakhtine cũng nhìn thấy như vậy; nói đúng hơn, Bakhtine đã theo chuyển động của Dostoievski (chuyển động thuộc loại khó hình dung nhất – chính vì vậy văn chương Dostoievski gây phiền nhiễu khủng khiếp đến vậy) và đến chỗ chuyển động trở nên tường minh, nói ngắn gọn, đến chỗ chuyển động chạm đến cấu trúc. Những điều tôi vừa nói chắc chắn trông có vẻ trừu tượng (nhưng cả ở đây, tôi cũng thấy chúng hết sức cụ thể), tôi sẽ còn quay lại, một cách kỹ càng: cụ thể hơn nữa, tôi sẽ dựng lại câu chuyện Bakhtine đọc Dostoievski. Bakhtine đã nhìn thấy gì?
Đứa thiếu niên, trước hết, là khi Dostoievski nghịch với một điều: sự trùng tên. Ai từng đọc cuốn sách này còn nhớ thằng bé nhân vật chính khi đi học rất khốn khổ vì trên giấy tờ nó mang họ “Dolgorouki” tức là giống họ một gia đình “ông hoàng” cực kỳ danh giá; không một ai không hỏi nó có phải là “prince” hay không, nhưng về danh nghĩa nó lại là con của một cựu nông nô (mặc dù sự thật thì nó là con một người danh giá hơn nhiều, Versilov). Chưa hết, Dostoievski còn tạo ra hai gia đình cùng là “prince” nhưng hoàn toàn không liên quan gì đến nhau, và đều có họ Sokolski. A, nhưng tại sao lại có lắm “prince” như thế? Ta nhớ, nhân vật chính của Thằng ngốc cũng chính là một “prince”, và các “prince” xuất hiện ở khắp mọi nơi trong (gần như) mọi tác phẩm của Dostoievski. Đó là vì xã hội Nga hồi đó rất nhiều “prince”. Tôi đã phải đọc hàng đống thứ để cố tìm hiểu tại sao lại có lắm “prince” Nga như vậy; ở một khía cạnh khác, một nhân vật trong Karamazov (chuyện “một nhân vật” là hết sức quan trọng, tôi sẽ còn quay trở lại) cũng phát biểu đầy khinh miệt rằng người Ba Lan quái nào cũng là “bá tước” hết: điều này rất đúng: trong một câu chuyện của Balzac nhân vật chính là một quý tộc Ba Lan, Laginski, và đó cũng là một bá tước (xem ở kia). Tôi nhắc ngay đến Balzac là vì Đứa thiếu niên, trong mắt tôi, là cuốn tiểu thuyết rất Pháp (cuốn tiểu thuyết “rất Anh” của Dostoievski, chắc nhiều người biết, là Những kẻ tủi nhục); thậm chí tôi còn nghĩ là tôi thấy âm hưởng Balzac trong Đứa thiếu niên: một nhân vật phụ, bạn học của thằng bé nhân vật chính tên là Lambert, một học sinh, và tên là Lambert, đương nhiên ta nghĩ đến Louis Lambert của Balzac, không những thế, trường mà bọn trẻ con theo học trong Đứa thiếu niên tuy ở Nga nhưng lại là trường của một người Pháp, Touchard; nếu điều tôi vừa nói là “quá yếu” thì vẫn còn một điều nữa tuyệt đối không thể chối cãi: Đứa thiếu niên có (một trong những) chủ đề chính là chủ đề không thể balzacien hơn: tiền. Nói thêm về sự trùng tên: suýt thì ta còn có thêm một sự trùng tên quái đản nữa, nếu nhân vật (phụ) Akhmakova được Dostoievski viết thành (Anna) Akhmatova.
Nhảy xuống nước rồi, tôi thấy không có lý do gì để không tiếp tục. Dưới đây là một tác phẩm ngắn, nó nằm xen vào giữa Đứa thiếu niên và Karamazov:
Mời các bạn đón đọc Đầu Xanh Tuổi Trẻ của tác giả Dostoievski.
Download ebook
Đầu Xanh Tuổi Trẻ
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Đầu Xanh Tuổi Trẻ Tweet! Review Nguyễn Hữu Cát: Không hiểu sao khi đọc xong “Crôtcaia” – một truyện ngắn giả tưởng của Dostoevsky, tôi cứ…