Cường Quốc Trong Tương Lai – Vẽ Lại Bản Đồ Thế Giới Năm 2030
Giới thiệu
Cường Quốc Trong Tương Lai – Vẽ Lại Bản Đồ Thế Giới Năm 2030
Kinh tế thế giới đến năm 2030 sẽ có những phát triển như thế nào? Thế giới sẽ thay đổi ra sao?
Vị thế của Mỹ, Trung Quốc trong thời đại mới? Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung liệu còn tiếp diễn?
Điều kiện để trở thành một cường quốc trong tương lai? Nhật Bản nên giao thiệp với các “cường quốc trong tương lai” như thế nào?
Tất cả sẽ được Hamada Kazuyuki, học giả Kinh tế-Chính trị nổi tiếng của Nhật Bản, diễn giải, phân tích một cách rõ ràng, đầy đủ trong Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030. Quyển sách được xem là “tập bản đồ thế giới tương lai” dự đoán về một thế giới sắp đến.
Trong cuốn sách, Hamada Kazuyuki cũng dành hẳn một phần để luận bàn về kinh tế Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất ở châu Á. Với dân số trẻ, tầng lớp thượng lưu ngày càng nhiều, thị trường quốc nội phát triển nhanh chóng, thêm vào đó là tinh thần vượt lên nghịch cảnh, biến đau thương thành sức mạnh, cùng một chiến lược ngoại giao khôn khéo… Việt Nam có đủ tham vọng, tầm nhìn và năng lực chuyển mình thành cường quốc trong tương lai, thách thức các cường quốc hiện tại.
Cuốn sách này sẽ phù hợp với những độc giả quan tâm nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, về sự biến động trong tương lai của kinh tế thế giới nói chung và sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói riêng.
| MỤC LỤC |
Dẫn nhập: Thế nào là một “Cường Quốc trong tương lai”?
Chương 1: Các Cường Quốc trong tương lai.
Chương 2: Quyền bá chủ thế giới – các Qường Quốc hiện nay
Chương 3: Tiềm năng của Nhật Bản
Kết luận:
Thời đại của các siêu Quốc gia
Niên biểu tương lai đến năm 2100
Thông tin tác giả hamada kazuyuki
| TRÍCH ĐOẠN HAY |
- Trích: Dẫn nhập thế nào là một “cường quốc trong tương lai”?
“Năm cột trụ chính để chống đỡ một “cường quốc trong tương lai”
– Đạt mức độ hài lòng cao của cư dân đang sinh sống tại đó.
– Khoan dung với tính đa dạng, các công nghệ và ý tưởng mới dễ dàng ra đời và phát triển.
– Có thể tiếp nhận, vận dụng an toàn và sử dụng linh hoạt các công nghệ mới.
– Đưa ra những giá trị quan mang tính phổ biến để nhiều người trên thế giới “muốn trở thành công dân nước đó”.
– Có nguồn tài nguyên để trở nên “giàu có” (không chỉ các nguồn tài nguyên dưới lòng đất mà còn có nguồn tài nguyên về nhân lực, tài nguyên du lịch,…)”
- Trích Chương I: Các cường quốc trong tương lai
“Tôi sẽ giới thiệu toàn bộ về các “cường quốc trong tương lai” mà tôi quan tâm chú ý. Tôi muốn nói về tham vọng, tầm nhìn và năng lực chuyển mình thành cường quốc của bảy quốc gia mới nổi đang thách thức các cường quốc hiện tại.
Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Indonesia, Israel, Iran, Oman, Liên minh châu Phi”
***
Review CƯỜNG QUỐC TRONG TƯƠNG LAI
Tác giả: Đinh Bá Anh – Giám đốc điều hành Viện lãnh đạo ABG
Cuốn sách của Hamada Kazuyuki vẽ ra một bản đồ các cường quốc thế giới năm 2030 dưới con mắt của Nhật Bản, đồng thời đưa ra các khuyến nghị Nhật Bản nên làm gì trong một trật tự thế giới mới. Trong số các “cường quốc tương lai” ấy có Việt Nam, nhưng tôi thấy chương đó chỉ là một phần nhỏ, chưa đủ sâu sắc và không phải trọng tâm của cuốn sách. Thông điệp xuyên suốt cuốn sách là thế suy tàn định mệnh của đế quốc Mỹ, sự trỗi dậy không cưỡng nổi của Trung Quốc, sự ra đời của một trật tự thế giới mới với các cường quốc khu vực mọc lên ở khắp nơi, Mỹ không còn dẫn dắt nữa; Nhật Bản phải tự lực và chủ động tìm kiếm các liên kết mới trên một tấm bản đồ mới.
Cuốn sách viết cuối năm 2019 khi dịch Covid chưa xuất hiện, kinh tế Mỹ vẫn hết sức lạc quan, Tổng thống Trump dường như không thể bị đánh bại, nhưng Hamada vẫn đưa ra những nhận định về thế suy tàn của Mỹ, đó là: (i) Vị thế bá chủ của Mỹ dựa trên các liên minh có tính cam kết, nơi Mỹ làm chủ cuộc chơi, nhưng chiến lược “American First” của Trump, với việc đơn phương rút ra khỏi các thoả thuận khí hậu, thoả thuận hạt nhân với Iran, TPP… khiến các đồng minh & đối tác ngơ ngác, ngờ vực; (ii) Hơi hướng thượng tôn da trắng với nhiều phát ngôn gây chia rẽ của Trump khiến liên kết dân tộc của Mỹ (với 50% dân số có gốc gác khác da trắng) suy giảm, tạo ra sự rạn nứt sâu sắc trong lòng nước Mỹ; (iii) Đồng đô-la mất dần vị thế; (iv) Giáo dục bị bỏ bê, tội phạm gia tăng; thung lũng silicon toàn người Trung Quốc, Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc lại nổi lên như một tay chơi có tính cam kết cao hơn, chủ động tạo ra các liên minh, sẵn sàng trám chỗ Mỹ; sức mạnh về sản xuất, công nghệ của Trung Quốc được cải thiện nhanh chóng, ở nhiều công nghệ liên tục vượt qua Nhật Bản. Tuy nhiên Trung Quốc còn những điểm yếu như sau: (i) Có công nghệ nhưng chưa có khoa học, chưa sáng tạo được cái mới hẳn; (ii) bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chưa có được một hệ tư tưởng hay thiết chế nhà nước hướng tới “hạnh phúc của nhân dân” và ‘vì một châu Á và thế giới phồn vinh, tiến bộ”.
Từ các nhận định tổng quan đó, Hamada cho rằng: (i) Nhật không thể cứ an tâm giao phó số phận của mình cho Mỹ nữa (một kiểu tư tưởng “thoát Mỹ”); (ii) Trung Quốc sẽ là số 1, nhưng Trung Quốc có nhiều điểm yếu cốt tử, Trung Quốc sẽ rất cần Nhật Bản để bổ khuyết vào những điểm yếu của họ; (iii) Cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ kéo dài, hai bên sẽ làm nhiều việc ngu xuẩn, lãng phí nguồn lực, Nhật Bản cần tận dụng; (iv) Cuộc chiến cường quốc Mỹ – Trung có thể là cuộc chiến “cường quốc” cuối cùng, chẳng ai thắng ai cả, vì không ai có khả năng đè bẹp được ai. Trong vòng 50 – 100 năm nữa, thế giới sẽ không còn G7, G8 hay G20 nữa, mà sẽ tiến tới kỷ nguyên G0, nơi các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, các NGO, NPO sẽ giữa vai trò quan trọng hơn quốc gia.
Dựa trên hệ thống quan điểm đó, Hamada dự đoán tương lai thế giới tới năm 2100, có vài điểm đáng chú ý như sau:
– 2022: Chiến tranh giành nguồn nước bùng nổ khắp thế giới
– 2023: Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền
– 2024: Putin tiếp tục tuyên bố nắm quyền, phong trào chống Putin ở Nga trở nên gay gắt; thế giới khủng hoảng, thất nghiệp
– 2026: Việt Nam nhảy vọt thành cường quốc kinh tế số
– 2028: Nhiều nước áp dụng chế độ “thu nhập cơ bản” vô điều kiện
– 2029: Sự ra đời của robot có ý thức và tình cảm
– 2030: GPD Việt Nam bứt phá mốc 10.000 USD
– 2031: Thủ đô Bangkok bị chìm
– 2033: Design food ra đời, đáp ứng nhu cầu từng cá nhân
– 2035: Kết thúc thời đại ăn thịt
– 2040: Ấn Độ đạt sức mạnh kinh tế ngang Mỹ – Trung
– 2041: Dân số Nhật Bản còn 60 triệu người
– 2047: Kết thúc chế độ tự trị Hồng Kông, nhập vào TQ
– 2048: Việt Nam lọt vào top 20 thế giới về quy mô kinh tế
– 2049: “Công xã kinh tế tân chủ nghĩa xã hội” do Nga và Trung Quốc sáng lập tập hợp các quốc gia vừa và nhỏ
– 2053: Designer Baby, những đứa trẻ được thiết kế sẵn được tầng lớp trung lưu ưa chuộng
– 2059: Xây dựng các cơ sở di cư trên Mặt Trăng, Sao Hoả
– 2065: Kỹ thuật di truyền phát triển, tuổi thọ của con người có thể lên tới 600 năm
– 2067: Thu nhập nam nữ hoàn toàn bình đẳng
– 2082: Mỹ cắt nhượng một phần lãnh thổ cho Mexico
– 2090: Tôn giáo biến mất khỏi văn hoá Âu – Mỹ
– 2093: Hai triệu người di cư lên Sao Hoả
– 2095: Không sử dụng ngôn ngữ quốc gia dân tộc, mà dùng “ngôn ngữ ý thức”, có thể giao tiếp với AI
Vì Hamada trước hết là một nhà chính trị, nên cuốn sách của ông giống với một bản ghi chép cương lĩnh, tóm tắt các quan điểm, dùng để truyền bá, tranh luận, vận động chính trị hơn là một công trình nghiên cứu của một học giả.
Vì thế, đọc Hamada trước hết là để biết Nhật Bản hiện có một nhóm các chính khách, tư tưởng gia, học giả có tư tưởng như thế và đang vận động cho những chuyển động như thế. Đúng sai thế nào, mỗi người phải tự ngẫm, tự biết thôi.
Mời các bạn mượn đọc sách Cường Quốc Trong Tương Lai – Vẽ Lại Bản Đồ Thế Giới Năm 2030 của tác giả Hamada Kazuyuki.
Download
Cường Quốc Trong Tương Lai – Vẽ Lại Bản Đồ Thế Giới Năm 2030
Giới thiệu Cường Quốc Trong Tương Lai – Vẽ Lại Bản Đồ Thế Giới Năm 2030 Tweet! Kinh tế thế giới đến năm 2030 sẽ có những phát triển như…