Cuốn Sổ Vàng Ebook Pdf – Epub – Azw3 – Mobi

Cuốn Sổ Vàng Ebook Pdf – Epub – Azw3 – Mobi

Download Ebook

Cuốn Sổ Vàng

Pdf – Epub – Azw3 – Mobi


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Giới thiệu

Cuốn Sổ Vàng




Lần đầu tiên được xuất bản năm 1962 và hiện đã trở thành một trong các tác phẩm vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, Cuốn Sổ Vàng là câu chuyện của Anna Wulf, một người mẹ đơn thân với hàng loạt các mối quan hệ bế tắc, một nhà văn từng thành danh nhưng hiện cũng bế tắc với một cuốn tiểu thuyết dở dang. Sợ mình phát điên, cô đã ghi lại các trải nghiệm của mình trong bốn cuốn sổ có màu khác nhau. Nhưng cuốn sổ thứ năm, Cuốn Sổ Vàng, mới là thứ kết nối các mảnh cuộc sống của cô lại và là chìa khóa giúp cô bình phục về mặt tinh thần.

Cuốn tiểu thuyết đồ sộ này là hành trình nội tâm của Anna qua những mảnh vỡ của bản thân trong một thế giới cũng đang tan rã: Tình yêu, tự do, cái chết, tín điều, đặt giữa hỗn loạn các hệ tư tưởng, trong tiếng ầm ì của chiến tranh, mối đe dọa hủy diệt của bom H, quá trình phi thực dân hóa của nước Anh, sự hình thành của các quốc gia mới. Phức tạp nhưng vẫn thanh tú đến kỳ lạ, tác phẩm dẫn người đọc theo bước Anna đến những trang cuối cùng, không phải tới một đáp án toàn năng cho toàn bộ các vấn đề của cá nhân và nhân loại, mà khả thi hơn thế, dễ chịu hơn thế, tới một chút khai sáng, cảm giác mới mẻ như vừa tái sinh, khi nhận ra những thất bại và thiếu sót trong quá khứ, cả hỗn loạn của hiện tại hay u ám của tương lai, vẻ đẹp và sự phù phiếm của chúng, tất cả đều đáng giá từng giây ta sống trên đời.

***
Doris May Lessing (1919-2013) là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch người Anh từng được trao giải Nobel Văn chương năm 2007. Bà là người lớn tuổi nhất khi được trao giải thưởng cao quý này. Bà cũng từng được trao giải David Cohen cho thành tựu trọn đời đóng góp cho nền văn học Anh và đứng thứ 5 trong danh sách “50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945”.
***
Tiểu thuyết “Cuốn sổ vàng” của nhà văn Doris Lessing, đạt giải Nobel Văn chương năm 2007, được liệt vào hạng kinh điển làm đau đầu không biết bao nhiêu thế hệ bạn đọc với một nỗi băn khoăn rất thực tế và rất hãi hùng: Ai và tại sao lại xếp nó vào kinh điển? Bởi câu hỏi ấy được khởi từ một khổ sở khác, thực tế không kém, Làm nào vượt qua được nỗi chán ngán vô tận để không vứt luôn cuốn sách từ hai chục trang đầu tiên? Sau rất nhiều nghị lực, tôi nghĩ mấu chốt nằm ở điểm này, xin trích lại lời của chính nhân vật chính, nhà văn Anna Wulf, trong một buổi sinh hoạt văn chương định hướng của Đảng, “điều tôi thấy quan trọng nhất, đó là câu chuyện đó có thể đọc theo lối giễu nhại, mỉa mai, hay nghiêm túc đều được.” Quả đúng như thế, “Cuốn sổ vàng” hoàn toàn có thể là một câu chuyện nửa nghiêm nửa nhại về những người phụ nữ tự nhận mình là tự do đầy nhiệt huyết cách mạng lang chạ với Chủ nghĩa cộng sản và đàn ông có vợ, với văn chương và ngôn ngữ. Song song với những cú đánh đu đó, lại là những ham muốn và lo lắng không bao giờ được giải đáp, kéo theo những hao tổn về tinh thần xuống đáy hố của điên loạn.

Trước hết, “Cuốn sổ vàng” là một công trình đầy tham vọng về một đại tiểu thuyết mô tả cả một giai đoạn lịch sử những năm 1950 của nước Anh của những phụ nữ trung lưu không còn bị ràng buộc về những chuẩn mực giới tính. Ngay trong lời nói đầu cuốn sách, tác giả đã ấp ủ mình sẽ thành công hơn George Eliot, để sánh ngang Tolstoy và Stendhal, là một điểm bùng nổ, một bước ngoặc trong truyền thống văn chương Anh, khi phản ánh được hiện thực như hai tác gia kia đã làm với, lần lượt, Nga và Pháp. Dẫu có chối bỏ và nổi giận với những bài phê bình về sách của mình, một việc Lessing làm hơi bị thường xuyên, thì tiểu thuyết này đầu tiên và thứ đến, đề cập đến phong trào phụ nữ, và phòng trào của phụ nữ tham gia Chủ nghĩa xã hội. Và tiếp đến nữa, có lẽ, là quan hệ con người.

Nhân vật chính của “Cuốn sổ vàng” là Anna Wulf, một nhà văn từng có tiểu thuyết đầu tay nổi tiếng “Những biên giới chiến tranh”, một bà mẹ đơn thân, Đảng viên, chơi thân với Molly một diễn viên chưa nổi, cũng li dị và cũng đơn thân, hay cãi nhau với Richard, chồng cũ của Molly, yêu Michael, một đàn ông có vợ, để rồi bị ruồng bỏ, tuyệt vọng, và quan trọng hơn, đang rơi vào trạng thái tắc tị không sáng tác được. Ấy vậy mà, Anna vẫn ghi chép đều và không mệt mỏi, những trải nghiệm của cá nhân, vào bốn cuốn sổ, phân theo các màu khác nhau. Đủ cả, như Lessing đã tóm tắt, “Ràng buộc. Tự do. Tốt. Xấu. Có. Không. Tư bản chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa. Tình dục. Tình yêu…” Tưởng như phân định được rạch ròi, như cách định vị của ngôn ngữ, bằng cách dùng một phần gọi là “Phụ nữ tự do” như một sợi chỉ đỏ cho người đọc lần theo, Anna phân cho cuốn sổ màu đen là những trang viết năm tháng 1940 ở châu Phi nơi cô sinh hoạt Đảng cùng một nhóm trung lưu phù phiếm khác, cuốn sổ màu đỏ ghi chép sinh hoạt Đảng của Anna ở Anh nơi cô dần thất chủ nghĩa Cộng sản là một cái giếng cạn khô, cuốn sổ màu vàng là cuốn tiểu thuyết ngoại tình nơi Anna lấy chính mình làm cảm hứng và nhân vật mẫu, còn cuối sổ màu xanh là những ghi chép thường nhật và những giấc mơ.

Anna đã tách rời bốn cuốn sổ nhưng rồi trên thực tế chúng lại ới ời gọi nhau, với những cấu trúc song song, của đầy những ngổn ngang, ẩn ức, bất an, rối loạn, sụp đổ, của chính Anna Wulf. Các trải nghiệm của Anna, tuy bị ràng buộc bởi cái lực duy lí là tách biệt để tránh sự hỗn độn, lại vòng vo và rối như tơ vò, bện chặt tất cả lại với nhau, các hiện thân của Anna, các hiện thực khác, các cuộc đời và các tinh thần khác. Những cái tôi vừa giống vừa khác Anna, được kể bằng các phong cách, điểm nhìn, giọng văn, khác nhau, ở các cuốn sổ, cho phép độc giả và chính nhà văn trải nghiệm những gì mà Anna không thể trải nghiệm và hiểu được Anna ở nhiều khía cạnh hơn. Những mảnh tự sự này giúp cấu trúc một nhân cách nhiều mặt ở Anna và cũng là tham vọng kiến tạo một sự hoàn chỉnh mang tính chất hồi phục và hướng tới ổn định, mạch lạc và gắn kết, khi Anna ghép bốn cuốn sổ thành một. Nhưng liệu đây có phải là một niềm tin đầy ảo tưởng khác của Anna, rằng trật tự chống lại được hỗn loạn? Như bao ảo tưởng đã mai một, như chủ nghĩa cộng sản, như Phụ nữ tự do.

Chính ở bốn cuốn sổ với hình thức truyện lồng trong truyện này mà người đọc nhận ra tham vọng vượt quá những giới hạn của văn chương của Lessing: không kiến tạo những định danh rạch ròi của trải nghiệm, và đẩy cao sự nhập nhằng giữa tiểu thuyết và sự thật, và vì thế tạo nên sự đọc đa dạng. Sự phân tách thành các mảnh tự sự, với một sự nghiêm túc hiếm có nhưng lại kể những câu chuyện lố bịch đến khó hiểu, mà cuốn tiểu thuyết đã xuất bản của chính Anna là một minh chứng: bối cảnh một châu Phi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nơi những con người không thuộc giới cần lao sinh hoạt Đảng đi kèm với sinh hoạt tình dục, với tiệc tùng và khiêu vũ. Trở lại London, đời sống của Anna cũng không thay đổi nhiều lắm, với đồng chí anna và đồng chí molly làm tình với đồng chí michael và đồng chí Ella làm tình với đồng chí Paul và nhiều đồng chí khác nữa. Tình cảm của phụ nữ trong “Cuốn sổ vàng” thì lên xuống như thủy ngân, khi có giai đoạn họ nhăng nhít với cộng sản một cách nghiêm túc, và khi họ dè nhau phải cẩn thận để không chuyển sang căm ghét Đảng.

Và đây chính là một điểm quan trọng của “Cuốn sổ vàng” sự mâu thuẫn không bao giờ giải quyết được, sự phi lý đến từ nhân vật, cho đến hình thức của cuốn tiểu thuyết, bằng một giọng văn vừa chân thành, vừa lấp ló nhài nhại phù phiếm. Anna là hiện thân của một mẫu hình giới nữ, với những đau khổ dằn vặt thường nhật của yêu và không được yêu, của làm tình cực khoái và không cực gì cả, của cãi cọ và làm hòa, của buồn khổ chán chường, tuyệt vọng và hy vọng. Quan trọng hơn, của không thể giải thích, không thể hiểu, không thể tự thoát, mối trầm cảm không kiểm soát, để cuối cùng chính Anna nhận ra, vấn đề của cô, là không biết hạn chế cảm xúc.

Với tham vọng như tiểu thuyết lịch sử, được sắp xếp theo trình tự thời gian, cuốn tiểu thuyết này của Lessing, trình bày các mối quan hệ bằng một lối viết chân thực ròng rã, của những trang viết dài dòng về làm tình và hành kinh, như thể đối chọi là với James Joyce và đại tiện. Giọng văn đều đều như máy khoan, chi tiết và cụ thể, phân tách và chì chiết, chảy hết từ tâm trạng này sang tâm trạng khác của nhân vật chính, trôi từ người tình này sang người tình kia, cuốn từ cuộc họp Đảng này sang cuộc họp Đảng khác, không sự kiện, không kịch tích, không giải trí, như năm tháng, như cuộc đời của Anna và Molly. Cho đến một ngày, truyện đột ngột kết thúc, không báo trước, không trông đợi, không gây hấn, với quyết định của nhân vật là trở thành anh của mọi nhà là em của mọi kiếp phôi pha. Bật lên trên cái nền đầy chán ngán này, là những trải nghiệm phụ nữ trong mối quan hệ đàn ông đàn bà nơi đàn bà thì liên tục thèm muốn cần chở che cần được yếu ớt còn đàn ông thì thù địch chối từ mọi nhu cầu của đàn bà. Anna Wulf nằm ở cái nan đề giữa là một người đàn bà ý thức rõ cái tình thế tiến thoái lưỡng nan kia và việc là một người đàn bà bình thường không chối lại cái tình thế đó, không giải phóng mình ra khỏi đó.

***

Cuốn tiểu thuyết này được sắp xếp như sau:

Có một bộ xương, hoặc bộ khung, tên là Phụ nữ tự do, là một tiểu thuyết ngắn viết theo lối truyền thống dài khoảng 60.000 từ, có thể đứng độc lập được. Nhưng nó được chia thành năm đoạn, xen giữa là các phần của bốn cuốn sổ có bìa màu đen, đỏ, vàng và xanh dương. Các cuốn sổ này thuộc về Anna Wulf, nhân vật trung tâm của Phụ nữ tự do. Cô viết vào bốn chứ không phải một cuốn bởi vì, như cô thừa nhận, cô phải tách rời các thứ với nhau, vì sợ sự hỗn loạn, sự vô định hình – sợ sụp đổ. Áp lực, từ bên trong lẫn bên ngoài, đã khép lại các cuốn sổ; một dòng đen đậm được kẻ ngang trang giấy từ cuốn này sang cuốn khác. Nhưng giờ khi bốn cuốn sổ đã kết thúc, từ các mảnh vỡ của chúng có thể xuất hiện một thứ mới mẻ, Cuốn Sổ Vàng.

Từ đầu đến cuối các cuốn sổ, các nhân vật đã đưa ra những lời bàn luận, giả thuyết, giáo điều, dán nhãn, chia ngăn – đôi khi bằng một giọng chung chung và tiêu biểu cho thời đại tới mức họ trở thành ẩn danh, bạn có thể đặt cho họ những cái tên như trong các vở kịch luân lý thời trước, ông Giáo-Điều và ông Tôi-Tự-Do-Bởi-Vì-Tôi-Chả-Thuộc-Về-Nơi-Nào-Cả, cô Tôi-Phải-Có-Được-Tình-Yêu-và-Hạnh-Phúc và bà Tôi-Phải-Giỏi-Trong-Mọi-Việc-Tôi-Làm, ông Phụ-Nữ-Đích-Thực-Ở-Đâu? và cô Đàn-Ông-Đích-Thực-Ở-Đâu?, ông Tôi-Điên-Vì-Người-Ta-Bảo-Vậy, và cô Cuộc Đời-Qua-Trải-Nghiệm-Mọi-Việc, ông Tôi-Làm-Cách-Mạng-Vì-Vậy-Tôi-Tồn-Tại, và ông bà Nếu-Chúng-Ta-Xử-Lý-Tốt-Vấn-Đề-Nhỏ-Này-Thì-Có-Lẽ-Chúng-Ta-Có-Thể-Quên-Đi-Rằng-Chúng-Ta-Không-Dám-Nhìn-Vào-Những-Vấn-Đề-Lớn. Nhưng họ cũng phản ánh lẫn nhau, là các mặt của nhau, khai sinh ra suy nghĩ và hành vi của nhau –  nhau, tạo thành các chỉnh thể. Trong Cuốn Sổ Vàng bên trong cuốn sách này, tất cả đã tập hợp lại, mọi ngăn cách bị phá vỡ, tình trạng phân mảnh chấm dứt để lại sự vô định hình – sự chiến thắng của chủ đề thứ hai, tức là thống nhất. Anna và tay người Mỹ Saul Green đều “đổ vỡ”. Họ điên, họ rồ, họ tâm thần – muốn dùng từ gì cũng được. Họ “vỡ” vào nhau, vào người khác, phá tan những mô hình giả dối họ dựng lên từ quá khứ của mình, những mô hình và công thức mà họ tạo ra để chống đỡ cho bản thân và cho nhau, họ tan rã. Họ nghe thấy ý nghĩ của nhau, nhận ra người kia trong chính mình. Saul Green, con người từng ghen tị và là tác nhân hủy diệt Anna, giờ ủng hộ cô, khuyên nhủ cô, gợi ý chủ đề cho cuốn sách thứ hai của cô, Phụ nữ tự do– một cái tên mỉa mai, mở đầu bằng: “Chỉ có hai người phụ nữ trong căn hộ ở London.” Và Anna, từng ghen vì Saul đến mức phát điên, chiếm hữu và đòi hỏi, đã cho Saul cuốn sổ mới xinh đẹp, Cuốn Sổ Vàng, mà trước đó cô đã từ chối không cho, gợi ý cho anh chủ đề mới cho cuốn sách tiếp theo của anh, viết vào đó câu đầu tiên: “Trên một sườn đồi khô ráo ở Algeria, người lính ngắm ánh trăng lấp lánh trên khẩu súng trường.” Trong Cuốn Sổ Vàng bên trong Cuốn Sổ Vàng, do cả hai cùng viết, không còn phân biệt nổi đâu là Saul và Anna, hoặc đâu là họ và đâu là những người khác trong cuốn sách.

Chủ đề “sụp đổ” này – rằng đôi lúc khi người ta “đổ vỡ” đấy cũng là một cách chữa lành bản thân, cách mà bản thể nội tại gạt bỏ những lưỡng phân và chia rẽ sai lầm – từ đó đến nay đã được nhiều người khác, cũng như chính bản thân tôi, đề cập tới. Nhưng nếu không tính đến vài cái truyện ngắn thi thoảng thì cuốn sách này là tác phẩm đầu tiên tôi viết về nó. Ở đây nó thô ráp hơn, gần với trải nghiệm thực hơn, trước khi trải nghiệm thực đã định hình thành ý nghĩ và mô hình – và có giá trị hơn có lẽ vì nó là nguyên liệu thô.

Nhưng không ai để ý mấy đến chủ đề trọng tâm này, bởi vì cuốn sách này lập tức hoặc bị coi thường, bởi những nhà phê bình thân thiện cũng như thù địch, rằng nó chẳng qua chỉ viết về cuộc chiến giới tính, hoặc được những người phụ nữ chiếm lấy làm một thứ vũ khí hữu dụng trong cuộc chiến giới tính.

Kể từ đó tôi ở vào một vị thế không thành thật, bởi vì từ chối ủng hộ những người phụ nữ không phải là một việc tôi muốn làm.

Để chốt lại cái đề tài Giải phóng Phụ nữ này – tất nhiên là tôi ủng hộ phong trào đó, bởi vì phụ nữ là những công dân hạng hai, như người ta đang nói rất hay và rất hăm hở ở nhiều quốc gia. Có thể nói rằng họ đang thành công, dù thành công của họ chỉ đến mức là đang được nghiêm túc lắng nghe. Những người trước đây thù địch hoặc thờ ơ thì giờ đã nói: “Tôi ủng hộ mục tiêu của họ nhưng tôi không thích giọng nói the thé cũng như cái kiểu hành xử thô tục, xấu tính của họ.” Đây là một giai đoạn không thể tránh khỏi và dễ nhận thấy trong bất cứ phong trào cách mạng nào: những người cải cách phải chuẩn bị tinh thần bị chối bỏ bởi những người đang sung sướng hưởng thụ những thành quả mà họ đã giành được. Mặc dù vậy, tôi không nghĩ rằng phong trào Giải phóng Phụ nữ sẽ thay đổi được nhiều – không phải là vì mục tiêu của nó có gì sai, mà vì rõ ràng là những biến cố mà chúng ta đang trải qua đang khiến cả thế giới rung chuyển thành một mô hình mới: có thể là khi chúng ta trải qua xong chặng này, nếu chúng ta sống sót được, những mục tiêu của Giải phóng Phụ nữ trông sẽ rất nhỏ bé và kỳ khôi.

Những cuốn tiểu thuyết này không phải là tiếng kèn cổ vũ cho Giải phóng Phụ nữ. Nó mô tả nhiều cảm xúc của phụ nữ như hung hăng, thù địch, oán giận. Nó đưa chúng ra trang giấy. Rõ ràng là những gì mà nhiều phụ nữ vẫn đang nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm, đã đem đến một niềm kinh ngạc lớn. Ngay lập tức rất nhiều vũ khí cổ xưa được đem ra, những món chính, như thường lệ, chính là các câu kiểu như “Cô ta chả đàn bà tí nào”, “Cô ta là một mụ ghét đàn ông”. Dường như phản xạ này không thể nào bị phá hủy. Đàn ông – và nhiều phụ nữ, từng nói rằng phụ nữ đòi quyền bầu cử đầu thế kỷ 20 là phi nữ tính, là nam tính, là đã nhiễm thói hung bạo. Tôi chưa đọc được một tài liệu nào nói về một xã hội trong đó phụ nữ đòi hỏi nhiều hơn những gì tự nhiên ban phát cho mà lại không ghi nhận phản ứng này từ phía đàn ông – và một số phụ nữ. Nhiều phụ nữ nổi giận với Cuốn Sổ Vàng. Những gì phụ nữ vẫn nói với những phụ nữ khác, cằn nhằn trong nhà bếp, phàn nàn, buôn chuyện hoặc bộc lộ qua cái cách họ sung sướng với nỗi khổ của mình, lại không phải là những gì họ muốn nói lớn thành tiếng – vì sợ đàn ông có thể nghe lỏm thấy. Phụ nữ hèn nhát như thế bởi vì họ đã sống gần như là nô lệ trong thời gian quá dài. Số phụ nữ sẵn sàng đứng lên bảo vệ những gì họ thực sự nghĩ, cảm nhận, trải nghiệm với người đàn ông họ yêu vẫn còn ít ỏi. Hầu hết phụ nữ vẫn sẽ bỏ chạy như những chú cún con bị ném đá khi đàn ông nói: Em không nữ tính, hung hăng, em đang làm mất hết nam tính của anh. Tôi tin rằng bất cứ phụ nữ nào kết hôn với một anh chàng sử dụng kiểu đe dọa này, hoặc đặt niềm tin vào anh ta theo một cách nào đó, đều xứng đáng với những gì cô ta nhận được. Vì đàn ông như thế chỉ là một kẻ ức hiếp người khác, không biết gì về thế giới anh ta đang sống, hoặc về lịch sử của nó – đàn ông và phụ nữ đảm nhiệm vô số vai trò trong quá khứ, và cả hiện tại, trong các xã hội khác nhau. Vì vậy nên anh ta hoặc dốt nát, hoặc sợ bị lạc loài – một tên hèn… Tôi viết tất cả những nhận xét này bằng đúng cái cảm giác như thể tôi đang viết thư gửi vào quá khứ xa xôi: Tôi chắc chắn rằng mọi thứ chúng ta bây giờ coi là đương nhiên, sẽ bị quét sạch trong thập kỷ sau.

(Thế thì tại sao lại viết tiếu thuyết? Thật sự đấy, tại sao! Tôi đồ rằng chúng ta phải tiếp tục sống như thể…)

Một số cuốn sách không được đọc đúng cách bởi vì chúng đã nhảy cóc qua một giai đoạn phát triển quan điểm, giả định một sự kết tinh thông tin trong xã hội mà thực tế vẫn chưa xảy ra. Cuốn sách này được viết như thể mọi thái độ mà các phong trào Giải phóng Phụ nữ tạo ra đã tồn tại trong thực tế. Lần đầu tiên nó xuất hiện là cách đây ngót mười năm, 1962. Nếu ra mắt bạn đọc vào thời điểm hiện tại, có lẽ người ta sẽ thực sự đọc nó chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng lại: tình hình đã thay đổi rất nhanh. Một số thói đạo đức giả nhất định đã biến mất. Chẳng hạn, mười, hoặc thậm chí năm, năm trước – một thời nổi loạn về mặt tình dục – tiểu thuyết và kịch được viết rất nhiều bởi những anh đàn ông giận dữ chỉ trích phụ nữ – đặc biệt là ở Mỹ, nhưng ở cả đất nước này cũng có – được mô tả như những người thích gây hấn và phản bội, nhưng đặc biệt là phá hoại và đào mỏ. Nhưng những thái độ này ở các nhà văn nam lại được coi là đương nhiên, được chấp nhận như là một cơ sở triết học đúng đắn, một điều khá bình thường, và chắc chắn không bị coi là ghét phụ nữ, hung hăng, hay loạn thần kinh. Điều này vẫn tiếp diễn, tất nhiên – nhưng mọi chuyện đã tốt hơn, không có gì phải nghi ngờ cả.

Tôi chìm đắm vào việc viết cuốn sách này đến nỗi không nghĩ đến cảnh nó sẽ được đón nhận như thế nào. Tôi toàn tâm toàn ý với nó không chỉ đơn thuần là vì cuốn sách này khó viết – giữ dàn ý trong đầu, tôi viết liền tù tì từ đầu đến cuối, một việc không hề đơn giản – mà vì thứ tôi học hỏi được trong lúc viết. Có thể là bằng việc đưa ra cho bản thân một cấu trúc chặt chẽ, quy định những giới hạn cho bản thân, ta sẽ vắt ra được chất liệu mới nơi ít mong đợi nhất. Đủ loại ý tưởng và trải nghiệm mà tôi không nhận ra là của mình đã nổi lên khi viết. Vì thế, thời gian viết thực tế, chứ không chỉ những trải nghiệm đã đi vào việc viết lách ấy, thực sự là một kinh nghiệm có tính sang chấn: nó khiến tôi thay đổi. Bước ra từ quá trình kết tinh này, giao bản thảo cho nhà xuất bản và bạn bè xong, tôi được nói cho biết rằng mình đã viết một luận văn về cuộc chiến giới tính, và nhanh chóng khám phá ra rằng bất kể tôi nói gì cũng chẳng thể nào thay đổi được nhận định đó.

Nhưng cốt lõi của cuốn sách, cách thức tổ chức của nó, mọi thứ trong đó, đã nói một cách cả thẳng thắn và ngầm ẩn rằng chúng ta không được tách rời mọi thứ, không được chia ngăn.

“Ràng buộc. Tự do. Tốt. Xấu. Có. Không. Tư bản chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa. Tình dục. Tình yêu…” Anna nói, trong Phụ nữ tự do, tuyên bố chủ đề của cuốn sách – gào lên, trống giong cờ mở thông báo một mô típ xuyên suốt… hoặc là tôi tưởng tượng như vậy. Cũng như khi tôi tin rằng trong một cuốn sách có tên Cuốn Sổ Vàng, cái phần bên trong đặt trùng tên với nó có thể được cho là tâm điểm, mang theo sức nặng của toàn bộ cuốn sách, và đưa ra một tuyên bố.

Nhưng không.

Còn có nhiều chủ đề khác cũng đi vào cuốn sách này, với tôi đây là một thời điểm quan trọng: những suy nghĩ và chủ đề mà tôi vẫn đang giữ trong đầu nhiều năm nay giờ đã được nối vào với nhau.

Một trong số đó là không thể tìm thấy cuốn tiểu thuyết nào mô tả môi trường trí thức và đạo đức cách đây một trăm năm, vào khoảng giữa thế kỷ vừa qua, ở nước Anh, theo cách mà Tolstoy làm cho nước Nga, Stendhal làm cho nước Pháp. (Đến đây cần phải đưa ra những lời tạ sự không tránh được.) Đọc Đỏ và Đenvà Lucien Leuwen là biết về nước Pháp như thể ta đang sống ở đó, đọc Anna Karenina là biết nước Nga khi đó. Nhưng một cuốn tiểu thuyết thời Victoria rất hữu ích như vậy lại không bao giờ được viết nên. Hardy cho chúng ta biết cảm giác thế nào khi người ta nghèo, khi có một trí tưởng tượng lớn hơn những gì một thời đại chật hẹp như vậy cho phép, khi làm một nạn nhân. George Eliot, trong phạm vi của mình, cũng rất hay. Nhưng tôi nghĩ hình phạt mà bà phải trả giá khi làm một phụ nữ thời Victoria là bà vẫn phải tỏ ra là một phụ nữ tốt, ngay cả khi bà không “tốt” nếu chiếu theo những tiêu chuẩn đạo đức giả của thời đó – có rất nhiều điều bà không hiểu bởi vì bà chú trọng đạo đức. Meredith, nhà văn bị đánh giá thấp một cách đáng kinh ngạc, có lẽ gần đạt được điều này nhất. Trollope thử đề tài này nhưng thiếu tầm. Không có lấy một cuốn tiểu thuyết nào có đủ khí lực và thể hiện được sự xung đột giữa các tư tưởng đương thời như trong một cuốn tiểu sử đàng hoàng về William Morris.

Mời các bạn đón đọc Cuốn Sổ Vàng của tác giả Doris Lessing & Lê Khánh Toàn (dịch).

Download

Cuốn Sổ Vàng


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Download Ebook Cuốn Sổ Vàng Pdf – Epub – Azw3 – Mobi FULL: AZW3 EPUB MOBI PDF Giới thiệu Cuốn Sổ Vàng Tweet! Lần đầu tiên được xuất bản năm…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close