Cuộc Đời Chìm Nổi của Thuyền Trưởng Blood – Rafael Sabatini

Cuộc Đời Chìm Nổi của Thuyền Trưởng Blood – Rafael Sabatini

[toc]


Giới thiệu ebook

Cuộc Đời Chìm Nổi của Thuyền Trưởng Blood – Rafael Sabatini


Cuộc đời ba chìm bảy nổi với nhiều bi kịch éo le của Peter Blood trên sóng nước Đại Tây Dương thế kỷ 17 đã được Rafael Sabatini (1875 – 1950) kể lại trong nhiều thiên truyện hấp dẫn. Một trong số những thiên truyện ấy là bộ tiểu thuyết lịch sử có tính phiêu lưu mà các bạn có trong tay. 

Từ một thầy thuốc trị bệnh cứu người, số phận suýt đưa chàng lên giá treo cổ, sau đó lại đẩy chàng sang Barbados làm nô lệ, rồi buộc chàng làm cướp biển trái với ý muốn. Tuy vậy, chàng vẫn tâm niệm diệt trừ cái ác. Điểm tựa nhân ái trong lòng chàng là mối tình éo le với Arabella Bishop, cháu gái kẻ tử thù của nàng… 

***
Nói đến R.Sabatini, người ta thường coi ông là chàng hiệp sĩ cuối cùng của thể loại tiểu thuyết “áo choàng và thanh kiếm”. Lựa chọn cho mình làm đề tài sáng tác duy nhất một thể loại văn học đã đến buổi hoàng hôn, Sabatini hầu như bị che khuất bởi ánh hào quang của các bậc tiền bối như Dumas, Scott. Ngày nay có lẽ ít ai ngờ nổi ông là một trong những tác giả nổi tiếng và được hâm mộ nhất khi còn sinh thời, và những cuộc phiêu lưu do ngòi bút của ông viết ra không chỉ làm say mê bạn đọc mà còn gây cảm hứng rất lớn cho sự ra đời của hàng loạt phim điện ảnh về đề tài phiêu lưu cướp biển. Tên của Sabatini là một đảm bảo thành công về thương mại đến mức bất chấp nội dung khác hẳn, hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông “The Sea Hawk” và “The Black Swan” đã được đặt cho hai bộ phim khá nổi danh của Hollywood những năm 40. Ảnh hưởng của ông thậm chí còn kéo dài đến sau này, đến tận những năm 60. Tới mức khi bộ phim kiếm hiệp Pháp “Le capitan” được trình chiếu ở nước Anh, nhà phát hành đã công nhiên sửa tên phim thành “Captain Blood” để lôi khán giả đến rạp.

Tuy thế, con đường đến với thành công của nhà văn mang trong mình hai dòng máu Italia và Anh này không hề dễ dàng. Ra đời năm 1875 tại Italy, con trai của hai ca sĩ opera, thậm chí hình như còn là con ngoài giá thú, số phận ngoài đời của ông cóp lẽ cũng là một lý do khiến sân khấu, các nghệ sĩ cũng như thân phận của những đứa con ngoài giá thú thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện của ông. Thời gian dài học trường nội trú ở Thụy Sĩ, những năm theo cha mẹ đến Bồ Đào Nha nơi hai người mở trường dạy thanh nhạc cuối cùng đã giúp Sabatini sử dụng thành thạo năm thứ tiếng và được tiếp xúc trực tiếp với con người, tập quán của nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng ảnh hưởng sâu đậm nhất đến văn nghiệp của ông sau này có lẽ là thời gian sống cùng ông bà ngoại tại nước Anh. Có lẽ tình yêu từ tấm bé dành cho quê ngoại là một lý do khiến Sabatini tuyên bố “tất cả các câu chuyện hay nhất từ trước tới giờ đều viết bằng tiếng Anh” và chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ sáng tác của mình. Năm 17 tuổi, cha của Rafael gửi chàng thanh niên tới nước Anh,nơi theo ông có nhiều cơ hội nhất để chàng trai lập nghiệp trong ngành thương mại. Thế nhưng Sabatini lại chọn nghề cầm bút. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 19, Rafael bắt đầu thử sức mình, đầu tiên với nghề viết kịch – một thất bại hoàn toàn, sau đó ông chuyển sang viết truyện ngắn nhưng cũng chỉ thu được những thành công hạn chế. Bắt đầu từ năm 1902, năm Sabatini cho ra đời tiểu thuyết phiêu lưu đầu tiên của mình “Người tình của Yvonne”, một cuốn sách chịu ảnh hưởng rất rõ của Dumas và tiểu thuyết Pháp, nhà văn dường như cuối cùng cũng đã tìm ra sở trường của mình. Ông sẽ tiếp tục trung thành với thể loại này tới cuối đời với tốc độ sáng tác đáng nể: hầu như một đầu sách mỗi năm trong thời kỳ sung sức. Thế nhưng những tiểu thuyết đầu tiên của Sabatini ra đời trong giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ nhất cũng chỉ thu hút được sự chú ý khá hạn chế của độc giả. 

Có lẽ vào thời kỳ tốt đẹp (Belle époque – 1894-1913) ấy, tại các nước châu Âu, nước Anh hơn đâu hết, những tiểu thuyết thuộc địa pha lẫn màu sắc chinh phục “khai hóa văn minh” với những bí ẩn nửa thực nửa hư như của H.R.Haggard phù hợp với khẩu vị người đọc hơn. Cuộc tàn phá khủng khiếp 14 – 18 làm người phương Tây nhận ra một cách kinh hoàng mặt trái của khoa học kỹ thuật, và người ta tìm cách quên đi vết thương chiến tranh còn rỉ máu bằng cách quay lại với những thời quá khứ xa xưa mà lúc đó trở nên thơ mộng, lãng mạn hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đó, cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh cách mạng Tư sản Pháp “Scaramouche” (1921) trở thành một thành công quốc tế. Tên tuổi của Sabatini bắt đầu được biết đến rộng rãi, gần hai mươi năm sau khi ông bắt đầu cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình! Một năm sau, “Captain Blood” xuất hiện, được đón chào thậm chí còn nhiệt liệt hơn nữa. Chàng cướp biển kiêm thầy thuốc này đã được số phận lựa chọn để trở thành nhân vật được yêu thích nhất của Sabatini. Nói đến Sabatini bất cứ ai cũng nhớ ngay đến Blood, cũng như Doyle luôn đi liền với Sherlock Holmes vậy. Trong cơn nhiệt thành, một loạt tác phẩm trước đó của Sabatini cũng được tái bản lại, nhưng có lẽ chỉ có “The Sea Hawk”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông về đề tài cướp biển được xuất bản lần đầu năm 1915 và chẳng được mấy ai để ý đến, là có được thành công ngang ngửa với “Captain Blood” và “Scaramouche”. 

Thậm chí với nhiều độc giả trung thành của ông, đây mới là tác phẩm “hay nhất” của Sabatini. Sau những trang giấy đến lượt màn bạc. Ngay từ thời kỳ phim câm, “The Sea Hawk” (1924) đã được đưa lên màn ảnh lớn. Nhưng thành công nhất trong số nhiều chuyển thể điện ảnh (với mức độ trung thành khá khác nhau so với nguyên tác) là bộ phim “Captain Blood” công chiếu năm 1935. Bộ phim đã lần đầu tiên đưa lên màn bạc bộ đôi Errol Flynn (Blood) và Olivia de Haviland (Arabela Bishop), một bộ đôi sau đó đã đi vào huyền thoại của Hollywood. Bên cạnh hàng chục tiểu thuyết phiêu lưu lấy bối cảnh lịch sử từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 và địa điểm trải rộng khắp Tây Âu, Bắc Phi thậm chí cả châu Mỹ, Sabatini còn cho ra đời ba tập “Chuyện kể giải trí về những đêm lịch sử” kể lại những vụ án, những bí ẩn nổi tiếng trong lịch sử châu Âu. Bên cạnh những tập sách ít nhiều mang tính tiểu thuyết hóa này, hiển nhiên chịu nhiều ảnh hưởng từ “Những tội ác trứ danh” của Dumas, Sabatini còn là tác giả của một tập sách danh nhân ” Những cuộc đời anh hùng”, cùng hai cuốn tiểu sử “Cuộc đời của Cesare Borgia” và “Toquemada và Tôn giáo pháp đình Tây Ban Nha”.

***
Cử nhân y khoa Pitơ Blood vừa phì phèo tẩu thuốc vừa cúi xuống mấy chậu trúc quì đang đơm hoa trên bệ cửa phòng mình trông ra đường Oatơ ở thành Britgiơoatơ.

Blood không nhận thấy những ánh mắt đầy vẻ chê trách đang dõi theo mình từ khung cửa sổ bên kia đường. Chàng mê mải chăm hoa và chỉ xao nhãng một chút khi dòng người lũ lượt tràn qua khu phố hẹp. Từ sáng đến giờ, dòng người ấy đã hai lần kéo qua những đường phố của thị trấn ra khu bãi trước lâu đài, nơi trước đó không lâu, Fơguxơn, cha tuyên uý của quận công, vừa đăng đàn thuyết giảng, nặng phần kêu gọi con chiên bạo loạn hơn là khuyên răn họ kính Chúa.

Ðám người nhốn nháo ấy phần lớn là đàn ông, ai nấy đều giắt một nhánh cây tươi trên vành mũ và mang theo đủ thứ vũ khí linh tinh. Của đáng tội, cũng có vài người vác súng săn, số khác thậm chí còn có cả kiếm, nhưng nhiều người chỉ vũ trang bằng gậy gộc, còn phần lớn thì tha theo những cây lao to kệch, chữa lại từ những cái phảng hái cỏ, nom dữ tợn ra phết nhưng khó mà dùng để đánh nhau được. Trong đám quân ô hợp ấy có đủ cả: thợ dệt, thợ nấu bia, thợ mộc, thợ rèn, thợ đẽo đá, thợ nề, thợ giày và đại diện của những nghề nghiệp bình dị khác nữa. Thành Britgiơoatơ cũng như Taonơtơn, đã huy động hầu hết đàn ông của mình đi theo lá cờ của vị quận công con hoang. Ai còn cầm nổi vũ khí mà định lẩn tránh không tham gia cuộc dấy loạn, thì kể như người ấy đã tự mình đeo lấy tiếng là kẻ hèn nhát hoặc tín đồ Công giáo La Mã.

Tuy vậy, Blood, một người chưa từng biết đến sự hèn nhát và cũng chỉ nhớ mình là người Công giáo La Mã lúc nào thấy cần mà thôi. Không chỉ cầm được vũ khí mà còn biết sử dụng nó rất thành thạo, nhưng trong buổi chiều tháng bảy ấm áp ấy chàng lại đang chăm chút mấy giò trúc quì và phì phèo tẩu thuốc với một vẻ phớt đời như thể xung quanh chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Ðã thế thỉnh thoảng chàng lại còn ném theo đám người hừng hực máu quyết chiến kia một câu thơ của Hôraxơ, nhà thơ mà chàng yêu thích: “Ði đâu, đi đâu, hỡi lũ người mất trí?”.

Ðến đây chắc bạn đã bắt đầu đoán được tại sao Blood, một người mang trong mình dòng máu nhiệt tình, quả cảm của bà mẹ vốn xuất thân từ dòng họ những kẻ lang bạt hải hồ ở miền Xomơxetsiơ, mà lại có thể bình chân như vại giữa lúc cơn bạo loạn điên rồ đã lên đến cực điểm: tại sao cái tâm hồn đầy biến động, đã một lần vứt bỏ nghiệp đèn sách mà ông bố bắt ép kia, lại vẫn dửng dưng khi xung quanh đang nhộn nhạo lên như thế. Bây giờ thì bạn đã biết những người đang vội vã đi theo cái gọi là ngọn cờ tự do, sản phẩm thêu thùa của bàn tay các cô gái đồng trinh thành Taonơtơn và các cô môn đồ của tiểu thư Blâykơ và bà Maxgrôf trong các trường nội trú, được Blood liệt vào loại nào. Các cô gái hồn nhiên ấy đã xé đồ tơ lụa của mình, như trong các trường ca dân gian vẫn kể, để may lên những lá cờ cho quân đội của Mônmút. Câu thơ Hôraxơ mà Blood khinh bỉ ném theo đám người đang chạy trên phố đã tỏ rõ thái độ của chàng lúc ấy. Tất cả bọn họ dưới con mắt của Blood chỉ là một lũ ngu ngốc và điên rồ đang hối hả đi đón nhận cái chết dành cho mình.

Số là Blood đã biết quá rõ về quận công Mônmút và mẹ y – một người đàn bà da ngăm ngăm xinh đẹp – nên chẳng thể tin được huyền thoại về sự hợp lẽ trong tham vọng của quận công đối với ngai vàng Anh quốc. Chàng đã đọc những bố cáo vô lý dán đầy rẫy ở Bitgiơoatơ, ở Taonơtơn và những nơi khác, rằng “.. khi đấng quân vương Sáclơ II của chúng ta băng hà, ngôi vua Anh quốc, Xcốtlen, Pháp và Ailen cùng tất cả các thuộc quốc và thuộc địa phải được truyền lại cho quận công xứ Mônmút là Giêmx vinh quang và cao quí, con trai và là người kế vị hợp pháp của đức tiên vương Saclơ II”.

Bản bố cáo ấy đã làm chàng buồn cười, cũng như đoạn chua thêm ở dưới: “Quận công xứ Yooc là Giêmx đã ra lệnh đầu độc tiên vương và sau đó đã chiếm đoạt ngôi báu”.

Thậm chí Blood không dám nói chắc trong hai tin ấy thì tin nào dối trá hơn. Một phần ba cuộc đời chàng đã sống ở Hà Lan, nơi trước đó ba mươi sáu năm gã Giêmx Mônmút bây giờ đang tự nhận rằng được đấng chí tôn lựa chọn làm vua Anh quốc, Xcôtlen vân vân và vân vân kia ra đời. Blood biết rõ cha mẹ thực sự của Mônmút. Quận công không những không phải là con trai hợp pháp của ông vua quá cố, là giọt máu của cuộc hôn nhân bí mật giữa ông ta với Liuxy Oantơx, mà chưa chắc đã là con ngoài giá thú của ông ta nữa kia. Những tham vọng ngông cuồng của y còn có thể đem lại cái gì khác ngoài bất hạnh và tàn phá? Làm sao có thể hy vọng rằng đất nước sẽ tin vào chuyện bịa đặt đó kia chứ? ấy thế mà một số nhân vật có thế lực của đảng Whig đã theo nhau dấy binh khởi loạn.

– “Ði đâu, đi đâu, hỡi lũ người mất trí?”

Blood giễu cợt thốt lên, nhưng liền ngay đó chàng lại thở dài. Như phần lớn những người biết suy nghĩ độc lập chàng không thể đồng tình với cuộc bạo động ấy. Biết suy nghĩ độc lập là do cuộc đời đã dạy chàng. Một người mềm lòng hơn, nếu có được những nhận thức và quan điểm của chàng, thì chắc chắn đã tìm thấy không ít lý do để đau lòng khi trông thấy đám đông những tín đồ Tin Lành cả tin và hăng máu đang lao đi như đàn cừu lao vào lò sát sinh kia.

Họ được những bà mẹ, những người vợ, con cái, người tình tiễn đưa ra nơi tập trung – là khu bãi đằng trước lâu đài. Họ bước đi, lòng vững tin rằng vũ khí trong tay họ sẽ bảo vệ lẽ phải, tự do và đức tin. Cũng như tất cả mọi người ở Bitgiơoatơ, Blood đã biết rõ ý định của Mônmút sẽ mở trận đánh ngay trong đêm nay. Quận công sẽ thân chinh cầm đầu cuộc tập kích bất ngờ vào quân đội của nhà vua do Favơsem chỉ huy, đang hạ trại gần Xegiơmua. Blood hầu như tin chắc rằng lord Favơsem đã biết rõ ý đồ đối phương. Thậm chí cứ cho là dự đoán đó của Blood có sai lầm đi nữa thì chàng vẫn có đầy đủ cơ sở để tin chắc như vậy, bởi vì khó mà nghĩ rằng chủ tướng của quân sĩ triều đình lại không biết bổn phận của mình.

Gõ tàn thuốc trong tẩu ra, Blood rời khỏi cửa sổ và định đóng cửa sổ lại, thì đúng lúc ấy chàng nhận thấy từ khuôn cửa sổ ngôi nhà bên kia đường những ánh mắt hằn học của chị em nhà Pit, những cô gái dễ thương đa sầu đa cảm, những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất anh chàng Mônmút kẻng trai ở Bitgiơoatơ.

Blood mỉm cười và gật đầu chào các cô gái mà chàng vẫn có quan hệ tốt, thậm chí có dạo chàng đã chữa bệnh cho một cô. Ðáp lại cử chỉ thân thiện của chàng là cái nhìn lạnh lùng và khinh thị. Nụ cười vụt tắt trên đôi môi mỏng của Blood, chàng đã hiểu ra nguyên nhân sự thù địch cứ ngày một lớn dần của chị em nhà bên ấy, từ lúc chàng Mônmút chuyên làm điên đầu những người đàn bà thuộc mọi lứa tuổi kia xuất hiện. Phải, chắc chắn chị em nhà Pit lên án thái độ của Blood. Họ cho rằng chàng trai khoẻ mạnh và dày dạn chiến trận này đáng ra có thể giúp ích cho sự nghiệp chính nghĩa, thế mà vào cái ngày quyết định như thế này, anh ta lại bàng quan đứng ngoài, bình thản hút tẩu và chăm hoa, khi tất cả mọi người đang náo nức đi theo vị hiệp sĩ bảo vệ nhà thờ Tin Lành, thậm chí sẵn sàng hiến dâng cho ngài cả cuộc đời mình, miễn sao ngài được ngự trên cái ngôi báu thuộc về ngài một cách hợp pháp ấy.

Nếu có dịp thảo luận về vấn đề này với chị em nhà Pit, thì chàng sẽ bảo cho họ biết rằng sau khi đã lang bạt khắp gầm trời, đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu, bây giờ chàng muốn theo đuổi cái công việc mà chàng đã được học hành từ bé. Có thể chàng sẽ bảo họ rằng chàng là thầy thuốc chứ không phải chiến binh, là kẻ chữa cho người ta sống chứ không phải giết người ta chết. Tuy vậy, Blood đã biết trước họ sẽ trả lời chàng ra sao. Họ sẽ nói thẳng vào mặt chàng rằng, lúc này bất kỳ một người nào tự coi mình là đàn ông đều nhận thấy nghĩa vụ phải cầm vũ khí. Họ sẽ lấy cậu cháu Jêrêmy của họ – một thuỷ thủ, người cầm lái của một chiếc tàu buôn mà điều thật không may cho cậu ta là nó vừa bỏ neo ở vịnh Bitgiơoatơ – họ sẽ lấy Jêrêmy ra làm gương cho chàng. Họ sẽ bảo rằng Jêrêmy đã rời bỏ tay lái con tàu để cầm lấy khẩu súng trường bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa. Nhưng Blood không phải là người thích tranh cãi. Như tôi đã nói ở trên, chàng là một người độc lập.

Ðóng cửa sổ và buông rèm, chàng quay vào căn phòng ấm cúng đầy ánh nến, nơi bà chủ nhà, bà Baclâu, đã bày bàn xong. Quay sang bà, Blood nói lên thành tiếng suy nghĩ của mình:

– Tôi đã để mất ân sủng của các cô gái ở nhà bên kia đường rồi.

Giọng nói sang sảng dễ chịu của Blood pha lẫn những âm sắc cứng rắn lạnh lùng, ít nhiều đã dịu đi và trầm lắng xuống bởi lối phát âm Ailen, mà những năm dài lưu lạc nơi đất khách quê người vẫn không làm mất đi được. Toàn bộ tính cách dường như hiện rõ trong giọng nói của chàng, lúc dịu dàng lôi cuốn khi cần phải thuyết phục ai đó điều gì, lúc lại rắn rỏi đanh thép như mệnh lệnh cần buộc ai đó phục tùng. Vẻ ngoài của Blood cũng đặc biệt: cao dong dỏng, xương xương, nước da rám nắng như người Bôhêmiêng. Bên dưới cặp lông mày đen nhánh thẳng tắp là đôi mắt điềm tĩnh nhưng sắc sảo, trông xanh đến lạ lùng trên khuôn mặt ngăm ngăm. Cả ánh mắt, cả chiếc mũi thẳng đều hài hoà với cái miệng rắn rỏi cương nghị. Chàng mặc đồ đen phù hợp với nghề nghiệp của mình nhưng vẫn toát lên vẻ tao nhã, chứng tỏ óc thẩm mỹ lành mạnh của chàng. Tất cả cho thấy cái chất của Blood vẫn là một người tìm kiếm những chuyện phiêu lưu như xưa hơn là một thầy thuốc mực thước bây giờ. Chiếc áo camisole của chàng được may bằng da camelot mỏng thêu những dải chỉ bạc ở cổ tay, còn cổ áo lót những mảnh đăng ten Brabant xếp nếp. Bộ tóc giả mầu đen bồng bồng được uốn chải kỹ càng như tóc giả của bất kỳ một ông lớn nào ở Oaitơhôn.

Nhìn kĩ Blood, bất giác ta phải tự hỏi: một con người như vậy liệu có ở lâu được cái xó yên tĩnh này, nơi sáu tháng trước cuộc đời đã tình cờ xô đẩy chàng đến hay không? Chàng có thể theo đuổi lâu dài cái nghề nhân đạo mà chàng đã được tiếp thụ ngay từ buổi đầu cuộc sống tự lập của mình hay không? Tuy nhiên, khi bạn đã được biết cuộc đời Blood, không chỉ quãng đời đã qua mà cả quãng đời sắp tới nữa, thì bạn sẽ tin – tất nhiên không phải dễ dàng – rằng nếu không có sự trớ trêu của số phận mà chàng sắp phải nếm trải ngay sau đây thì rất có thể chàng đã tiếp tục cuộc đời bình lặng trong một thị trấn yên lành miền Xomơxetsiơ này, hoàn toàn thoả mãn với địa vị khiêm nhường là thấy thuốc tỉnh lẻ của mình. Rất có thể là như thế…

Blood là con trai của một thầy thuốc Ailen và một người đàn bà quê ở quận Xomơxetsiơ. Trong huyết quản của bà, như tôi đã nói ở trên, là dòng máu của những kẻ ngang dọc hải hồ không mệt mỏi và chắc điều đó đã giải thích cho cái khí chất ít nhiều xốc nổi sớm xuất hiện ở Pitơ. Những dấu hiệu đầu tiên của nó đã làm cha chàng, một người Ailen ôn hoà hiếm thấy, phải thực sự lo ngại. Ông đã định sẵn là trong việc chọn nghề, nhất thiết cậu bé phải theo nghiệp nhà. Và Blood, vốn sẵn năng khiếu lại thêm thói ham học nên đã làm ông bố vui lòng. Hai mươi tuổi đầu chàng đã đỗ cử nhân y khoa đại học Ðablin. Sau khi nhận được cái tin mừng ấy, cha chàng chỉ sống thêm ba tháng nữa (bà mẹ thì đã mất trước đó mấy năm) và thế là Pi-tơ, thừa hưởng vài trăm pound sterling của bố để lại, liền lên đường đi chu du thiên hạ để thoả chí bay nhảy của mình. Những hoàn cảnh thú vị đã đưa chàng đến đầu quân cho người Hà Lan, lúc này đang chiến tranh với nước Pháp, và tình yêu biển cả đã lôi kéo chàng vào hạm đội hải quân. Ðược đích thân de Ruyter lừng danh phong hàm sĩ quan, chàng đã tham dự trận thuỷ chiến trên Ðịa Trung Hải, trong lần viên đô đốc nổi tiếng kia tử trận.

Quãng đời của Blood sau khi kí kết đình chiến Njimegen thì chúng tôi hầu như không hay biết gì hết. Tuy vậy, chúng tôi đã nghe nói Blood đã bị giam hai năm trong nhà tù Tây Ban Nha, nhưng vì sao chàng bị bắt vào nơi đấy thì chúng tôi không được rõ. Có lẽ chính vì thế mà vừa chân ướt chân ráo ra khỏi nhà tù, Blood đã tìm đến đầu quân cho người Pháp; và trong hàng ngũ quân đội Pháp, chàng đã tham dự các trận đánh trên lãnh thổ Hà Lan, lúc này đang bị quân Tây Ban Nha chiếm đóng. Cuối cùng năm ba mươi hai tuổi, khi đã thoả cái khát vọng phiêu lưu vẫn đeo đuổi mình, hơn nữa cảm thấy sức khoẻ có phần suy sụp sau lần bị thương không được kịp thời chạy chữa, đột nhiên chàng thấy nhớ quê hương da diết và thế là chàng xuống tàu thuỷ ở Năngtơ để trở về Ailen. Thế nhưng, trong chuyến đi này sức khoẻ của Blood giảm sút trông thấy và khi con tàu bị bão đánh dạt vào vịnh Bitgiơoatơ, chàng quyết định lên bờ vì hơn nữa, đây còn là quê ngoại của chàng.

Thế là vào tháng giêng năm 1687 Blood đã đặt chân lên Bitgiơoatơ, trong túi vẫn chỉ có khoảng ngần ấy tiền như cách đây mười một năm, lúc chàng rời Ðablin đi chu du thiên hạ.

Blood đã thấy thú cái nơi mà mình vừa trôi dạt đến. ở đây, sức khoẻ của chàng đã mau chóng bình phục. Sau rất nhiều cuộc phiêu lưu, mà một người khác khó lòng trải hết trong suốt cả cuộc đời, Pitơ quyết định buông neo bắt rễ ở thị trấn này và trở lại với nghề thầy thuốc mà chàng đã dứt bỏ để đổi lấy một món lợi chẳng đáng là bao.

Ðó là bản tiểu sử tóm tắt của Blood, hay đúng hơn là một phần của nó, cái phần sẽ chấm dứt vào đêm nổ ra trận đánh ở Xegiơmua, nửa năm sau ngày chàng đặt chân lên Bitgiơoatơ. Cho rằng trận đánh sắp tới chẳng dính dáng gì tới mình – mà thực ra thì đúng là thế – và hoàn toàn dửng dưng trước niềm phấn khích đang bao trùm khắp Bitgiơoatơ đêm ấy, Blood đi nằm sớm. Chàng đã ngủ say, khi còn khá lâu mới đến mười một giờ, là giờ mà như các bạn đã biết, Mônmút dẫn đầu toán quân khởi loạn theo con đường đi Brixtôn, vòng qua đầm lầy đánh vu hồi vào đội quân binh triều đình đang đóng trại ở phía sau. Các bạn cũng biết rằng cái ưu thế về quân số của quân khởi loạn và chút ít lợi thế vì họ có khả năng đánh úp quân triều đình – lúc đó đang ngái ngủ – đã chẳng đem lại ích lợi gì do lỗi của kẻ cầm quân, và Mônmút đã thua trận ấy ngay từ trước khi bắt đầu giáp chiến.

Trận chiến đấu nổ ra vào khoảng hai giờ đêm. Blood không nghe thấy tiếng pháo từ xa vọng lại. Mãi gần bốn giờ sáng, khi trời đã rạng xua tan sương mù trên bãi chiến trường ảm đạm, thì giấc ngủ yên lành của chàng mới bị phá ngang.

Blood ngồi trên giường, cố dụi mắt cho tỉnh ngủ. Cửa nhà chàng bị đập mạnh, có người đang hét lên những tiếng gì đó đứt quãng. Tiếng ồn ào ấy đã làm Pi-tơ thức giấc. Ngỡ rằng người ta gọi mình đến thăm bệnh gấp cho một phụ sản nào đó, chàng khoác vội chiếc áo choàng mặc đêm, xỏ chân vào đôi dép và chạy ra khỏi phòng đến nỗi va phải bà Baclâu ở cầu thang. Cuống cuồng bởi tiếng ầm ĩ bà ta không còn hiểu đầu đuôi gì mà cứ đi lại lăng xăng. Blood nói cho bà yên lòng và đi xuống mở cửa.

Ngoài đường, trong ánh bình minh vàng rực là một chàng trai mặc bộ quần áo rách toạc và bê bết bùn đất. Anh ta thở hổn hển, đôi mắt loang loáng kích động. Con ngựa đứng bên cạnh anh ta mình sủi đầy bọt. Chàng trai mở miệng, nhưng hơi thở đứt đoạn, không thốt lên nổi một lời.

Blood nhận ra đó là anh chàng lái tàu trẻ tuổi Jêrêmy Pit, cậu cháu của các cô gái nhà đối diện. Cả phố bị những tiếng ầm ĩ của anh chàng thuỷ thủ đánh thức dậy: cửa sổ, cửa ra vào mở toang và từ trong đó lố nhố những người hàng xóm lo âu đang ngơ ngác ngó ra.

– Bình tĩnh, bình tĩnh nào – Blood nói – Hấp tấp thì chẳng bao giờ được việc gì đâu.

Nhưng đôi mắt anh chàng kia vẫn đầy vẻ sợ hãi, thậm chí kinh hoàng, và anh ta không để ý gì đến lời Blood nói. Vừa ho vừa thở hổn hển, rốt cuộc anh ta lên tiếng:

– Huân tước Hinđoi bị trọng thương… lúc này đang ở trang trại Oglơthopơ… bên bờ sông… tôi đã đưa ngài về đó… ngài sai đi gọi ông. Ông đi nhanh lên… Nhanh lên mới được!

Anh ta nhào đến, định lôi tuột Pi-tơ đi, bất kể lúc ấy chàng đang mặc áo choàng đêm và đi dép trong nhà. Nhưng Blood đã tránh được đôi tay đang vươn ra chực tóm lấy mình.

– Tất nhiên tôi sẽ đi – chàng nói – nhưng không phải ăn mặc thế này.

Blood rất áy náy, lord Hindoi đã đỡ đầu chàng suốt từ ngày chàng đến Bitgiơoatơ. Blood muốn bằng cách nào đó đáp lại lòng tốt của ngài đối với mình và chàng khổ tâm thấy dịp ấy đến trong một hoàn cảnh đáng buồn như vậy. Chàng biết rõ rằng nhà quí tộc trẻ tuổi kia là một trong những người ủng hộ Mônmút hăng hái nhất.

– Tất nhiên tôi sẽ đi – Blood nhắc lại – nhưng trước hết để tôi thay quần áo và lấy theo những thứ cần thiết đã.

– Thế thì không kịp mất.

– Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào. Ta sẽ đến nơi chóng hơn nếu không hấp tấp. Anh vào trong này đợi tôi đã, anh bạn trẻ.

Pit khoát tay thoái thác.

– Tôi sẽ chờ ở đây. Lạy chúa, xin ông hãy nhanh lên cho!

Blood leo nhanh lên thang gác để thay áo quần và lấy túi thuốc. Về tình trạng bị thương của lord Hindoi chàng có thể hỏi trên đường dến trang trại Oglơthopơ. Vừa xỏ giầy Blood vừa nói chuyện với bà Báclâu, nhờ bà làm giúp mấy việc, nhân tiện dặn bà làm bữa trưa mà, than ôi, không bao giờ chàng được đụng đến nữa.

Cuối cùng, khi chàng thầy thuốc và bà Baclâu đang càu nhàu như con gà ấp mất ổ bước xuống đường thì chàng trông thấy tay thuỷ thủ trẻ tuổi bị một đám đông dân phố xúm xít bu quanh, ai nấy đều hốt hoảng, quần áo còn chưa kịp mặc. Phần lớn là đàn bà mới vội vã chạy ra hóng tin trận đánh. Chẳng khó đoán Pit đã cho họ biết những tin tức gì, bởi vì cảnh yên tĩnh buổi sáng lập tức tràn ngập tiếng khóc và những lời than thở sầu não.

Trông thấy bác sĩ đã ăn mặc gọn gàng với túi thuốc đeo dưới nách, Pit vội rời khỏi đám đông, cố gắng xua đi cơn mệt mỏi và gạt hai bà cô đang giọt ngắn giọt dài bám chặt lấy mình. Nắm lấy cương ngựa, anh ta nhảy phắt lên yên.

– Ta đi thôi! – anh ta hét – ông ngồi lên phía sau tôi!

Không nói một lời, Blood làm theo và Pit lập tức thúc ngựa. Ðám đông dãn ra, Blood ngồi trên mông con ngựa bị oằn xuống vì sức nặng của hai người. Ôm thắt lưng của người bạn đường, chàng bắt đầu chặng đời ba chìm bảy nổi của mình. Anh chàng Pit mà Blood chỉ coi là người đưa tin của một loạn quân bị thương, ngờ đâu lại là tín sứ của số mệnh.

Mời các bạn đón đọc Cuộc Đời Chìm Nổi của Thuyền Trưởng Blood của tác giả Rafael Sabatini.

Download ebook

Cuộc Đời Chìm Nổi của Thuyền Trưởng Blood – Rafael Sabatini


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Cuộc Đời Chìm Nổi của Thuyền Trưởng Blood – Rafael Sabatini Tweet! Cuộc đời ba chìm bảy nổi với nhiều bi kịch éo le của Peter…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose