Con Nhân Mã Ở Trong Vườn

Con Nhân Mã Ở Trong Vườn



FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

[toc]


Giới thiệu

Con Nhân Mã Ở Trong Vườn

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


“Con Nhân mã trong vườn” trước hết là một câu chuyện rất hấp dẫn, lối kể chuyện giản dị, tình tiết lạ lùng, bất ngờ, và đọc xong rất sảng khoái. Ai đọc tiểu thuyết cũng cần được giải trí như vậy đã. Thứ đến, sau khi đã gập sách lại, đặt nó lên giá, bạn mới bắt đầu thấy vấn vương, mỗi lúc mỗi sâu xa, với những ý tưởng và cảm xúc mà câu chuyện ấy đã mang đến cho mình. Và đó mới thật là phẩm chất giải trí sâu xa của “Con Nhân mã ở trong vườn”. Chủ đề của cuốn sách chính là câu chuyện muôn thủa về mối mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, giữa bản ngã cá thể và luật chơi bầy đoàn. Cuốn sách này đã được 48 dịch giả ở 48 nước khác nhau dịch ra tiếng của mình cho đồng bào của họ thưởng thức. Và Trịnh Lữ là người thứ 49, Việt Nam là nước thứ 49.

Trong cuốn “Cuộc đời của Pi” (một cuốn sách thu hút đông đảo bạn đọc Việt Nam), tác giả Yann Martel viết: “Còn về cái tia lửa thổi được sự sống vào cuốn tiểu thuyết, tôi xin mắc nợ ông Moacyr Scliar”. Dịch giả Trịnh Lữ liền tìm đọc một số tiểu thuyết của ông Scliar, và lập tức mong muốn bạn đọc Việt Nam cũng được thưởng thức tác giả này.

***

Trong khi dịch cuốn Cuộc đời của Pi, tôi thấy tác giả Yann Martel viết: “Còn về cái tia lửa thổi được sự sống vào cuốn tiểu thuyết, tôi xin mắc nợ ông Moacyr Scliar”. Tôi liền tìm đọc một số tiểu thuyết của ông Scliar và lập tức mong muốn bạn đọc Việt Nam cũng được thưởng thức tác giả này. Về thân thế sự nghiệp của Moacyr Scliar, cũng như chuyện thiên hạ đồn Yann Martel có lấy một cốt truyện của ông Scliar để viết cuộc đời của Pi, xin bạn đọc xem bài giới thiệu của Ilan Stavans về Con Nhân mã ở trong vườn, ấn bản năm 2003. Ông Stavans viết bài đó cho giới bạn đọc ở Mỹ, nên tôi nghĩ nên để ở cuối sách để bạn đọc Việt Nam tiện tham khảo. Còn với tư cách người dịch và giới thiệu cuốn tiểu thuyết này ở Việt Nam tôi trộm nghĩ mình nên có đôi lời về chuyện tại sao Con Nhân mã ở trong vườn lại đáng được có mặt trên giá sách của bạn, người đang đọc những dòng này.

Trước hết là vì tôi thấy câu chuyện rất hấp dẫn, lối kể chuyện giản dị, tình tiết lạ lùng, bất ngờ, và đọc xong rất sảng khoái. Tôi nghĩ, ai đọc tiểu thuyết cũng cần được giải trí như vậy đã. Thứ hai, sau khi đã gập sách lại, đặt nó lên giá, tôi bắt đầu thấy vấn vương, mỗi lúc mỗi sâu xa, với những ý tưởng và cảm xúc mà câu chuyện ấy đã mang đến cho mình. Tôi thấy mình cũng giống như Guedali, nhân vật chính trong truyện, suốt đời thèm được mọi người chấp nhận, cố hết sức để có được điều đó, để khi có rồi lại chợt điên cuồng nhớ tiếc con người thật của mình. Đối với tôi, chủ đề của Con Nhân mã ở trong vườn chính là chuyện ấy, câu chuyện muôn thưở về mối mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, giữa bản ngã cá thể và luật chơi bầy đoàn. Hồi nhỏ tôi nghĩ Người là cá thể. Lớn lên lại thấy Người là bầy đoàn; phải bầy đoàn mới sống được. Đến khi qua bờ dốc bên này của cuộc đời thì lại nghĩ chưa chắc đã phải thế. Bầy đoàn nghĩa là sói sống với sói, sơn dương sống với sơn dương, con nào khác lọt vào bầy là bị loại trừ ngay. Nhưng đấy là thú vật. Mà bây giờ tôi thấy hình như người với thú vật có khác nhau thì phải. Hình như vì được Thượng đế yêu, ghét, và nặn theo hình của mình, lại thổi hơi cho có sống nên Người có trong mình đủ thứ của Thượng đế (ADN mà, thoát làm sao được); nó vừa là Thần thánh vừa là Thú vật, vừa là Thiện vừa là Ác, vừa là Một vừa là Tất cả (một Người là thành được một cõi rồi). Thế thì nhẽ ra nó phải có quyền vừa là chính nó, một cá thể khác biệt với tất cả các cá thể khác, vừa là một thành viên của cộng đồng mình. Khi nào mà cá nhân còn phải trấn áp, loại trừ những riêng tư độc đáo của chính mình để có thể sống được với xã hội, thì xã hội ấy chưa thực là của Người. Nói theo kiểu học giả, xã hội ấy vẫn nằm trong phạm trù thú vật. Giờ đây (và liệu có khi nào chấm dứt) khi con người lại còn đang khủng bố chém giết nhau để khẳng định cái gọi là bản sắc riêng của mình (một biến tướng rất ung thư của mâu thuẫn cá nhân – cộng đồng) thông điệp đó trong Con Nhân mã ở trong vườn lại càng có ý nghĩa cấp bách hơn với chúng ta; và “cái tia lửa của sự sống” trong sáng tạo văn chương của Moacyr Scliar càng thêm Promethean hơn, gần gũi quí giá với chúng ta hơn.

Đấy, nếu bạn đã nhiều lúc phải giấu diếm dẹp bỏ những cái độc đáo khác biệt của mình để có được sự chấp nhận của mọi người, và thường khắc khoải về chuyện đó, thì Con Nhân mã ở trong vườn là câu chuyện tâm đắc của bạn. Chắc phải có hàng tỷ người thường khắc khoải như thế nên cuốn sách này mới được những 48 dịch giả ở 48 nước khác nhau dịch ra tiếng của mình cho đồng bào của họ thưởng thức. (Tôi là người thứ 49, Việt Nam là nước thứ 49, vì tôi nghĩ người Việt chúng ta cũng có chung khắc khoải này với nhân loại). Và không phải chỉ có thế: trong khi theo chân nhân vật chính Guedali trong suốt cuộc hành trình gian khổ để trút bỏ phần ngựa của anh đặng hòa nhập được vào xã hội Người, chúng ta sẽ còn được trải nghiệm và vỡ nhẽ rất nhiều điều thú vị về Tình yêu, cái thứ mà chắc là ai cũng mắc phải nhiều lần, nào là tình ruột thịt, tình lứa đôi, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình đồng chí, tình đồng loại… Và mọi người thứ tình ấy trong Con Nhân mã ở trong vườn đều hồi hộp, phập phồng chất nhục cảm phóng khoáng tự nhiên, với những bản năng tuôn trào khôn cưỡng, những thèm khát bạo liệt và những dịu dàng thơ mộng, những mưu mô tinh quái và ân hận nhầu nát, những lý tưởng ngây thơ và thực tại phũ phàng, những tình huống huyền thoại mà xù xì sặc sụa ngay trước mặt; nói tóm lại là những cái rất là “chúng ta”. Và thú vị hơn cả là toàn bộ câu chuyện chỗ nào cũng long lanh những giọt hài hước mà chỉ một tâm hồn trung thực, mạnh mẽ và hướng thiện mới toát ra được. Chắc ông bác sỹ – nhà văn Scliar theo thuyết cho rằng mọi hành vi của bạn và tôi đều chỉ do một vài giọt hóa chất trong cơ thể chúng ta quyết định, nên ông mới có được cái giọng hài hước không cố tình như thế. Phải, hài hước với tất cả – may, rủi, họa, phúc, yêu, ghét, được, mất – với một chút giễu cợt, nhất là với chính câu chuyện mình viết ra, với chủ đề mình đã chọn. Vì đọc xong, bạn sẽ có cảm giác rằng, ồ, có khi những cái riêng tư độc đáo của mình cũng chỉ là do mình tưởng tượng ra để cho cuộc đời có vẻ như ghê gớm hơn mà thôi. Chính cái chất hài hước bao dung và không hề làm dáng ấy của câu chuyện đã khiến cho người đọc, khi gập sách lại, cảm thấy cuộc đời vẫn đáng sống. Và đó mới thật là phẩm chất sâu xa của Con Nhân mã ở trong vườn.

Và rồi chắc bạn cũng như tôi, cũng như nhân vật chính Guedali, lúc đến những dòng cuối cùng, sẽ thấy mình đã đang đứng lên, đang đứng lên rồi, như một con ngựa có cánh, à thôi (mình nên khiêm tốn) như một Con Nhân mã ở trong vườn, sẵn sàng nhảy qua tường rào…

Ôi chao tôi lại nhiều lời rồi. Bạn hãy đọc câu chuyện của mình đi đã.

***

Con Nhân mã ở trong vườn – Sự khác biệt từ bản năng

Đồng hồ đã điểm đến 2 giờ 30 phút sáng. Và rõ ràng là tôi đã chẳng thể nào ngủ được. Tôi vừa đọc một mạch hết hơn 400 trang của Con nhân mã ở trong vườn. Nói là “không ngủ được” thì cũng không hẳn là chính xác, vì sự thực là tôi nghĩ mình đã thức giấc mất rồi, sau khi vừa trải qua một cơn mơ dài, rất dài, với tất cả những chuyện mà tôi đinh ninh là “không thể nào có thật trên đời”.

Con nhân mã ở trong vườn – The Centaur in the Garden.

Đây là lần đầu tiên tôi đọc một kiểu tiểu thuyết lạ lùng chưa từng thấy. Và sự “chưa từng thấy” này thể hiện ở nhiều mặt: cốt truyện, kết cấu, tuyến nhân vật, và đặc biệt hơn nữa, trí tưởng tượng mênh mông bát ngát lồng vào cái thần thoại huyền hoại ẩn nấp một cách rõ ràng đến mức có thể nhìn xuyên thấu của tác giả. Ừ thì, tôi cứ mặc nhiên công nhận rằng có lẽ mình đã bị phép thuật của Scliar mê hoặc có hơn không? Nhưng, còn hơn cả mê hoặc. Scliar đem đến cho tôi những thứ còn hơn thế. Với một cuốn sách mà tôi không biết phải dùng từ gì cho chính xác và tổng quát nhất để nói về nó, tôi chỉ có thể nói rằng, có lẽ trong một khoảnh khắc nào đó, nó đã tan biến trong tôi, và chúng tôi rất có thể đã từng tồn tại song song nhau ở cùng một thời điểm.

Guedali, con Nhân mã trong vườn, gần với tôi đến mức như hơi thở của anh ta đang phà vào mặt tôi vậy. Câu chuyện xảy ra giản dị và êm thắm tựa như một lời bộc bạch, khiến tôi cảm thấy có phần hơi khó hiểu ở đoạn mào đầu. Và rồi Nhân mã. Thứ được miêu tả là một sinh linh huyền thoại, một sinh vật nửa người nửa ngựa vốn trước giờ chỉ có trong các truyền thuyết Hy Lạp cổ đại, hay sâu hơn nữa, trong sự hình dung lạ lẫm và ngạc nhiên của trí tưởng tượng con người, xuất hiện. Cách xuất hiện không bình thường của một kẻ không bình thường, và những phản ứng hoàn toàn bình thường của những con người rất đỗi bình thường xung quanh nó. Nó đến với thế giới này trước tiên bằng sự mong đợi háo hức của tất cả những người thân yêu và mở mắt ra sau những cái nhìn kinh hãi, lạnh lùng của cha nó, anh chị em nó và cú choáng váng đến nỗi ngất đi suốt mấy ngày liền của mẹ nó. Nó chẳng biết gì cả, và nó không có tội gì cả. Nhưng cay đắng thay, cái sự chẳng biết gì vô tình lại trở nên có tội, trong chính bản thân và hình hài của nó. Guedali, tên con Nhân mã, theo một cách nói nào đó, có thể là kẻ không may, cũng có thể là kẻ đáng nguyền rủa, một sinh vật không nên có mặt trên đời, cho dù nó đích xác là một sinh vật huyền thoại. Thế đấy, trong khi người Hy Lạp tôn sùng những vị thần nửa người nửa ngựa dũng mãnh tuyệt đẹp của họ, thì Guedali nhận ra mình đáng là thứ bị tống khứ đi khỏi cái thế gian này.

Vấn đề ở chỗ là Guedali nhận thức rõ sự khác biệt sâu sắc giữa mình với người – những con người xinh đẹp, và họ, dưới mắt anh ta, xinh đẹp vì hoàn chỉnh. Đó là cái mà nó, một con Nhân mã, ao ước đến phát điên lên, mà vẫn không được. Nhưng như thế thì có sao. Bù lại Guedali có vẻ ngoài dễ coi, sự thông minh chăm chỉ và hơn nữa, một bộ chân khỏe mạnh đính trên nửa phần thân sau cường tráng, những cái giúp nó có thể phi nước đại trên thảo nguyên Nam Mỹ tươi đẹp và đầy nắng gió với tốc độ mà bất cứ chàng cưỡi ngựa nào cũng đều mơ đến. Phi nước đại, đó là một điều hay, và cũng là điều khiến Guedali hạnh phúc. Một cách nào đó, có thể nó đã từng hạnh phúc vì nó có, một chút, khác người. Với tôi, đó dù sao vẫn là một sự khác người đáng yêu ở một con Nhân mã. Nhưng không phải người nào cũng trông thấy sự đáng yêu đến ngạc nhiên đó. Guedali sống trong nỗi lo sợ nơm nớp của những người trong gia đình về sự phát hiện của những kẻ xung quanh. Thời đó, người Do Thái vẫn chưa được chấp nhận hoàn toàn. Thêm vào nữa là mâu thuẫn với người anh cả, Bernado. Guedali có một dự cảm mãnh liệt là anh không thể tiếp tục một kiếp sống chui rúc như thế này nữa, cho dù đó là cuộc sống bình an, thảnh thơi trong sự bảo bọc tuyệt đối của gia đình, những người mà anh yêu mến nhất. Hơn nữa, có một chuyện bất ngờ đã xảy ra với anh – đó là việc anh thầm thương trộm nhớ một cô gái. Đó là điều cấm kỵ, nghe cứ như tình yêu giữa Adam và Eva. Guedali ngắm trộm cô ta qua viễn vọng kính, mơ tưởng này nọ, ngồi hàng giờ ngơ ngẩn, nuôi bồ câu đưa thư, v.v… tóm lại là anh ta đang làm tất cả mọi chuyện vơ vẩn nhất trên đời. Anh ta biết tương tư, biết đau khổ, và biết gục ngã khi trông thấy một người đàn ông bước đến chỗ cô ta trên sân thượng và họ âu yếm nhau. Anh ta phát ốm. Và anh ta phát ngán. Anh ta muốn tự mình giải thoát cho mình khỏi sự ràng buộc này.

Tất cả chỉ vì anh ta là Nhân mã.

Thế rồi, mọi chuyện tiếp theo diễn biến thật nhanh. Guedali nhận ra cuộc sống tù ngục hoàn toàn trái ngược với những thèm khát ẩn sâu đằng sau cái ước nguyện tưởng nhỏ bé và điên rồ nhưng sẽ là một bước ngoặt lớn trong đời anh: lấy lại sự hoàn chỉnh của một con người và quan hệ như một tên đàn ông. Rõ ràng, Guedali – Nhân mã đã định hình được trong đầu cái tương lai của mình những điều anh muốn làm, những thứ mà anh muốn trở thành, và những cái mà anh hướng đến. Nhân mã cũng được quyền sống và được quyền ước mơ chứ, và để được chấp nhận, để được sống và ước mơ, để hòa đồng vào xã hội Do Thái và thế giới đầy biến động, Guedali chấp nhận rời bỏ phần thân thể không-giống-ai của mình. Anh bỏ nhà đi, rong ruổi tháng ngày trên khắp các đồng cỏ, phi nước đại cho đến khi cả bốn chân đều rã rời và đi đến những vùng đất xa lạ mà anh chưa từng biết đến. Anh đã đi rất nhiều nơi, đã gặp rất nhiều người, gây ra nhiều chuyện, thường nhật cũng có mà lạ lùng cũng có. Người-đàn-ông-Nhân-mã trải qua lần đầu tiên quan hệ với một con người, một đàn-bà-con-người, để tìm mọi cách thỏa mãn dục vọng điên cuồng của mình, nhưng không thành công, vì nói gì thì nói, anh ta vẫn là Nhân-mã. Anh ta làm cho mọi người phát cuồng, rồi sau đó làm họ kinh hãi, và cuối cùng, khiến họ chĩa súng vào anh ta khi phát hiện ra sự thật về anh. Mọi việc có vẻ đều ổn thỏa khi Guedali tìm được một Nhân-mã-cái, một cô gái xinh xắn tên là Tita, sống cùng cô, quan hệ với cô, và sau đó cả hai được Dona Cotinha đưa sang Morroco để phẫu thuật. Như thế là xong, mọi vấn đề được giải quyết, và Guedali những tưởng mình đã có thể có một cuộc sống hạnh phúc kể từ ngày anh không còn trông thấy cái hông to lớn của mình ngúng nguẩy trên bốn chân móng sắt và cái đuôi óng ả như lụa nữa. À, và tới đây thì, câu chuyện đã sẵn sàng rẽ qua một hướng khác.

Guedali – Cựu Nhân-mã-đực.

Đó là một thế giới thu nhỏ của những rắc rối mà một cựu Nhân mã phải đối đầu. Công việc, gia đình, hai đứa con sinh đôi với Tita, một hình hài đang dần dần trở nên hoàn chỉnh, những người bạn tốt và đáng tin cậy, một con Nhân-mã-đực khác, một con Nhân-sư-cái… tất cả mọi thứ xuất hiện và xoay vòng trong cái suy nghĩ đã già dặn hơn rất nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn không giấu nổi những sự bồng bột trẻ con của Guedali. Đã có lúc anh ta muốn lại trở thành Nhân-mã như ngày xưa, và rồi anh ta sợ hãi. Vợ anh ta, Tita, quan hệ với một con Nhân-mã-đực khác, trong hình dáng con người, và anh ta cũng thế, nhưng với một con Nhân-sư-cái. Mọi chuyện tưởng chừng như đã có lúc rối tung lên. Mọi sự rối tung quay quanh những loài sinh vật lẽ ra đã là huyền thoại. Tôi sẽ cảm thấy đau đầu, cảm thấy chóng mặt, nhưng tôi biết mình sẽ không bao giờ cảm thấy chán nản với Guedali. Cuộc sống là những chuỗi ngày dai dẳng và mâu thuẫn đối nghịch, và chính vì thế anh ta luôn phải phi nước đại để níu kéo nó. Và cũng vì, mỗi con người đều có riêng cho mình một cách phi nước đại, Guedali đã lựa chọn, với tư cách một con người, bằng việc trút bỏ lốt Nhân-mã, về mọi mặt, cho dù nó có phải là quá khứ của mình hay không. Anh ta muốn mình chỉ từng là Nhân-mã, ngoài ra, không hơn.

Anh ta có thành công hay không? Câu trả lời nằm ngay trong sự phi nước đại của anh ta. Scliar đã không nói ra điều đó. Đoạn cuối cùng, ông kể lại một câu chuyện hoàn chỉnh quay quanh Guedali, với giọng kể đắc thắng và tự nhiên của Tita, vợ anh. Guedali đã thực sự là một con người, và cuộc đời đầy biến động của anh chẳng khác nào một đoạn phim quay chậm. Tôi thích điều đó. Thân phận và số phận của Guedali không nhất thiết phải rõ ràng và mặc định phải đi theo một con đường nào cả. Và, chính xác là như thế, tôi thích Guedali ở trong đoạn kết này, cười nói theo kiểu con người và quan sát một người phụ nữ theo kiểu con người.

Như con ngựa có cánh sắp cất vó bay lên về phía những ngọn núi hoan lạc vĩnh hằng, về phía bộ ngực của Abraham. Như con ngựa với những bộ móng đang nhảy múa, sẵn sàng phi nước đại qua thảo nguyên. Như con Nhân mã ở trong vườn, sẵn sàng nhảy qua tường rào để tìm kiếm tự do.

Tự do, không chỉ là hy vọng và nỗ lực của người Do Thái, của Guedali mà còn là của những ai thực sự muốn vươn tới và nắm bắt được nó. Đó là cách mà con người, theo đúng nghĩa đen, nhìn nhận sự tồn tại của mình. Một cái kết hay theo đúng phong cách Scliar.

Con Nhân mã ở trong vườn.

Nếu ai đó hỏi tôi rằng tác phẩm này có thực sự gây chú ý ngay từ những dòng đầu tiên hay không, tôi sẽ rất thẳng thừng trả lời là hoàn toàn không. Văn phong lạ lẫm của một người Brazil, cách xử lí cốt truyện theo vòng tuần hoàn, có xuất hiện chủ nghĩa cá nhân (vốn là cái mà tôi không hề ưa thích), tự do tín ngưỡng và tôn giáo, những nghi thức của người Do Thái xa lạ, và cuối cùng, một con Nhân mã, được tung ra như thể muốn níu kéo lại sự quan tâm của tôi hơn là muốn gửi gắm một thông điệp gì đó như các tác phẩm khác. Tôi đã đọc tiểu thuyết này với tất cả sự tò mò của mình hơn là một sự đam mê và yêu thích. Nhưng chính cái tò mò ấy đã dẫn đường và mở ra một lối đi cho sự đam mê yêu thích của tôi, sau đó, biến chúng thành cuồng nhiệt. Bằng một cách nào đó, Moacyr Scliar đã khéo léo biến những cái ngáp dài ngáp ngắn ban đầu của tôi thành ba giờ đồng hồ ngắn ngủi mà khó quên của một giấc mơ. Giấc-mơ-mà-tôi-thậm-chí-còn-không-biết-đến-sự-hiện-diện-của-nó.

Moacyr Scliar, một bác sĩ y khoa tình cờ trở thành một tiểu thuyết gia. Bằng tất cả lòng chân thành và sự trân trọng của tôi, tôi xin cảm ơn ông vì đã viết Con nhân mã ở trong vườn, một quyển sách xứng đáng chiếm một vị trí quan trọng trên tủ sách mà tôi yêu thích. Ông đã chứng minh rằng những sự so sánh tầm thường, cố gắng loại bỏ một cái gì đó khác biệt, hay hơn thế nữa, những sự “hơn người” và lòng kiêu ngạo sẵn có sẽ chẳng làm nên được trò gì nếu thiếu niềm tin. Dưới ngòi bút giản dị mà quyến rũ và đầy thuyết phục, con Nhân mã hiện lên trong tiểu thuyết của Scliar như một hình hài bé bỏng và chân thật vẫn thường nép mình sau mỗi “chúng ta”. Là một con người không hoàn chỉnh, Guedali thiếu cái mà chúng ta có, và có cái mà chúng ta thiếu. Mặc dù vậy, trên hết, anh vẫn có một thứ ý chí đáng phục và tâm hồn trong sáng, chân thật đáng yêu. Nghĩ đến người khác một cách tự nhiên, luôn dằn vặt mình theo đúng kiểu của một Nhân-mã-muốn-trở-thành-người, và sau đó, đã có lúc tự chôn vùi mình trong mớ hỗn độn về nguyên nhân của mọi việc và mục đích sống, những cái đó đã khiến tôi yêu thích nhân vật này hơn Tita – nàng Nhân-mã-cái. Không phủ nhận rằng Tita đáng thương và nhạy cảm, nhưng tôi nghĩ, ở nàng, ở một phương diện nào đó, về lối sống và cách nhìn nhận, nhân vật này vẫn còn mang vẻ bi quan chán nản và dường như luôn gặp khó khăn mỗi khi đối diện với sự thật. Cô có lẽ đã không đủ tự tin để vượt qua nếu không có một người bạn đời như Guedali bên cạnh. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, vì những điều mà Thượng đế không hề ưu ái khi chọn lựa một kiểu hình dáng cho họ, vì những gian khổ mà họ phải chịu đựng, suy cho cùng, họ vẫn xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc “làm người”.

Nói như Trịnh Lữ – người dịch tác phẩm này thì:

“… Sau khi đã gập sách lại, đặt nó lên giá, tôi bắt đầu thấy vấn vương, mỗi lúc mỗi sâu xa, với những ý tưởng mà cảm xúc mà câu chuyện ấy đã mang đến cho mình. Tôi thấy mình cũng giống như Guedali. Nhân vật chính trong truyện, suốt đời thèm được mọi người chấp nhận, cố hết sức để có được điều đó, để khi có rồi lại điên cuồng nhớ tiếc con người thật của mình…”

Và, tôi đặc biệt thích những dòng bộc bạch chân thật và cởi mở sau đây của Trịnh Lữ:

“… Đấy, nếu bạn đã nhiều lúc phải giấu diếm dẹp bỏ những cái độc đáo khác biệt của mình để có được sự chấp nhận của mọi người, và thường khắc khoải về điều đó, thì Con Nhân mã ở trong vườn là câu chuyện tâm đắc của bạn… Và mọi thứ Tình ấy trong Con Nhân mã ở trong vườn đều hồi hộp phập phồng chất nhục cảm phóng khoáng tự nhiên, với những bản năng tuôn trào khôn cưỡng, những thèm khát bạo liệt và những dịu dàng thơ mộng, những mưu mô tinh quái và ân hận nhầu nát, những lí tưởng ngây thơ và thực tại phũ phàng, những tình huống huyền thoại mà xù xì sặc sụa ngay trước mặt; nói tóm lại, những cái rất là “chúng ta”. … Và, chính cái chất hài hước bao dung và không hề làm dáng ấy của câu chuyện đã khiến cho người đọc, khi gập sách lại, cảm thấy cuộc đời vẫn đáng sống…”

Bản năng và cuộc sống, ấy là hai thứ mà tôi và bạn, và tất cả những người khác không dễ dàng gì chối bỏ. Tôi có lẽ sẽ để tâm tới sự kì thị, nhưng tôi sẽ không khước từ những sự khác biệt và khả năng mà tôi sẵn có. Tôi nên tự hào về điều đó, vì những điều khác biệt có thể làm nên một con người. Điều quan trọng là tôi có nhận ra được sự khác biệt đó, trân trọng nó hết mức mà tôi có thể và tìm mọi cách phát huy nó theo một chiều hướng tốt hay không. Và tôi tin vào sự phán quyết của mình. Cũng như Guedali, cũng như Con Nhân mã ở trong vườn, cứ hãy nỗ lực hết mình, để rồi sẽ có ngày vươn cánh bay lên, bay một cách thoải mái và tự do bằng chính đôi cánh trên lưng, bên trên những thảo nguyên hoang vu lộng gió.

Moacyr Scliar, ông đã nghĩ gì khi viết Con Nhân mã ở trong vườn? Ông nghĩ gì khi khuyên những người đọc của ông hãy cứ vui sống và chấp nhận những khác biệt quanh mình cho đến một ngày họ có thể nói: BÂY GIỜ KHÔNG CÒN PHI NƯỚC ĐẠI NỮA. BÂY GIỜ, MỌI THỨ ĐÃ ỔN CẢ RỒI? Tôi chẳng biết được, và có thể là tôi cũng chẳng bao giờ được biết. Nhưng với tôi, Scliar đã thành công, về mọi mặt. Tôi chắc chắn rằng người đọc của ông sẽ nhớ mãi tên ông, cũng giống như Yann Martel – chúng tôi là những người đã mắc nợ ông vì “cái tia lửa sự sống” mà ông đã thổi vào từ mọi góc độ của quyển tiểu thuyết. Khi đọc Moacyr Scliar, tôi sẽ không bao giờ quên cái sức hấp dẫn của thứ tình yêu cuộc sống mãnh liệt và dồi dào. Cái gì cũng phải làm hết mình, cái gì cũng phải cố gắng hết sức, không được từ bỏ hy vọng chỉ vì không có quyền hy vọng, và sử dụng sự khác biệt như một điểm nhấn mà chỉ riêng bản thân mình mới có. Tạo hóa làm nên con người, nhưng không thể áp đặt con người. Bản thân Guedali, với sự lạc quan và kiêu hãnh, đã là thông điệp đáng giá. Chính vì vậy, những câu chuyện của Scliar đi vào lòng tôi rất nhẹ nhàng mà không cần gõ cửa. Đặt quyển Con Nhân mã ở trong vườn xuống bàn, tôi ngồi đây, nhìn ra phía chân trời xa kia một màu xanh ngắt, và thực sự tin rằng mình đã nhìn thấy, hẳn hoi, một con ngựa có cánh, hệt như trong huyền thoại của ông./.

Chuông gió

***

SAO PAOLO

 

QUÁN LẠC VIÊN, MỘT QUÁN ĂN TUNISIA

NGÀY 21 THÁNG 9, 1973

 

 

Bây giờ không còn phi nước đại nữa. Bây giờ, mọi thứ đã ổn cả rồi.

Bây giờ chúng tôi cũng hệt như mọi người; không còn làm ai phải để ý đến mình nữa. Cái thời chúng tôi bị coi là kỳ quặc đã qua rồi, tại sao chúng tôi không bao giờ ra bãi biển, và tại sao vợ tôi, Tita, lúc nào cũng mặc quần dài? Chúng tôi mà lạ ư? Làm gì có chuyện ấy. Tuần trước, Peri, thầy phù thủy người Indian, đến thăm Tita, và anh ấy mới là người kỳ quặc, một thân hình bé tí gầy gò với một bộ râu cằm lưa thưa, đầy những hoa tai và vòng cổ, tay cầm gậy và nói một thứ tiếng nghe rất tức cười. Việc một anh chàng bộ dạng lạ lùng như vậy đến thăm chúng tôi có vẻ không bình thường; nhưng biết làm thế nào, ai chả có quyền rung chuông gọi cửa. Hơn nữa, anh chàng mới là kẻ ăn mặc lạ đời chứ đâu phải chúng tôi. Chúng tôi ấy à, không đâu, bộ dạng chúng tôi tuyệt đối bình thường.

Chúng tôi đang ở đây cùng con cái, bạn bè, và con cái của bạn bè, cùng nhau ăn tối trong cái nhà hàng Tunisia này. Dạo trước chúng tôi đến đây thường xuyên hơn. Từ ngày Tita và tôi dọn về Porto Alegre thì những bữa ăn tối như thế này hiếm hoi hơn, nhưng vẫn là dịp tốt để nhóm bạn cũ gặp gỡ nhau. Thực ra hôm nay chúng tôi có một lý do đặc biệt để ăn mừng, đó là sinh nhật tôi. Ba mươi tám tuổi. Ba mươi tám, cỡ nòng của khẩu súng lục vẫn được các nhân viên an ninh trong khu biệt thự của chúng tôi sử dụng, nếu tôi nhớ không lầm. Một cái tuổi tuyệt vời. Tuổi trưởng thành, mà cũng là tuổi cường tráng, hiểu đời, cái tuổi biết đánh giá đúng những gì tốt đẹp, ví du như các món ăn tuyệt hảo ở đây trong quán Lạc Viên này, một nơi mà chúng tôi thú vị cảm thấy như ở nhà vậy. Đúng là chỉ một phút trước tôi đã có một cảm giác khó chịu khi liếc nhìn anh bồi bàn người Arab. Anh ta làm tôi nhớ lại chuyến đi đầu tiên của chúng tôi sang Morocco, cái mùi lộn mửa trên tàu thủy. Tôi đã rất khó chịu, thực sự đã rùng hết cả mình. Paulo, ngồi cạnh tôi bên chiếc bàn dài, đã thấy điều đó. Sao thế Guedali, mặt cậu tái mét đi thế ! Có gì đâu, tôi nói, tớ chỉ hơi đau bụng một tí, nhưng hết rồi, tớ không sao mà. Paulo liền nhân dịp hỏi xem dạo này tôi có còn tập thể dục nữa không, có còn chạy như thời chúng tôi còn hay chạy với nhau nữa không. Tớ thường đi xem đá bóng với các con, chúng nó đều là cổ động viên cho đội Quốc tế của Porto Alegre, nhưng chỉ vậy thôi, chứ không có tập tành gì khác. Á à…, Paulo đắc thắng, thảo nào mà cậu bắt đầu béo bụng rồi kìa, hèn gì mà không đau. Nhìn tớ đây này, Guedali, tớ vẫn đâu vào đấy nhá. Tớ vẫn chạy, tối nào cũng vậy, rất đều. Cậu không nên bỏ tập, Guedali à. Chạy đi, anh bạn ạ. Cố gắng một chút. Không phải vì tuân thủ phương pháp đâu, mà để cho nó có thách thức, cậu hiểu không. Đời mà không có thách thức thì chẳng đáng sống nữa. Hãy nghe lời thằng bạn già Paulo này một cái xem nào.

Paulo nói đúng. Tôi nên chạy thường xuyên. Tôi đã định tiếp tục chạy trong trang trại mà tôi có ở gần Quatro Irmão, trong nội địa Rio Grande do Sul. Nhưng bây giờ đất ở đó trồng trọt hết rồi, chẳng còn chỗ mà chạy nữa. Anh ruột tôi, Bernardo, cai quản cái trại ấy cho tôi. Ai cũng nói có điên mới đâm đầu vào việc trang trại, chưa nói đến việc lại còn làm việc đó với một cộng sự như Bernardo. Anh ấy thất thường, bắt đầu việc gì là bỏ dở việc ấy và đã lang bạt khắp xứ Brazil. Nhưng khi anh đến gõ cửa nhà tôi một ngày nọ và để nghị được giúp đỡ, tôi đã quyết định chấp nhận rủi ro. Thế mà mọi việc lại thành tốt. Bernardo đã cho thấy anh là một quản lý trang trại hạng nhất. Anh cơ giới hóa công việc và học hỏi một nhà nông học về việc sử dụng phân bón và thuốc diệt cỏ. Anh quản người làm rất chặt, tóm lại, anh khiến cho mọi thứ vận hành thật tốt.

Anh bạn cũ tốt bụnb Paulo. Một người bạn tốt, một cộng sự tốt. Nhờ có đầu óc tỉnh táo và nhìn xa trông rộng của anh, chúng tôi đã vào được đường dây xuất khẩu. Thật là một ý tưởng lớn. Đó là cái đã cứu chúng tôikhi việc làm ăn cứ bê bối dần trong thời gian tôi còn sống ở Sao paulo. Chúng tôi đã xuất khẩu hết tấn hàng này đến tấn hàng khác, đặc biệt là sang Morocco, nơi tôi có nhiều quan hệ tốt.

Đúng là một người bạn hay, Paulo. Paulo với Fernanda, Julio với Bela, Armando với Beatrice, Joel với Tânia… toàn là bạn hay. Hay biết bao khi được ở giữa bạn bè, uống rượu vang, nặng nhưng ngon làm sao – trong bầu không khí đẹp đẽ và đầm ấm. Đúng thế, thật sung sướng được ngồi ở đây, trong cái tiệm ăn Tunisia này.

Cái duy nhất hơi làm tôi khó chịu ngay lúc này là tiếng nhạc Arab – chói tai, mở âm lượng rất to. Nhưng chính cái đó cũng lại có cái lợi điểm của nó : nếu những đôi cánnh có rung lên xao xác ở ngoài kia, phía trên ngọn cái cây cọ nhìn thấy được qua cái cửa sổ kia, tôi sẽ không biết, không nghe thấy chúng. Tôi nghĩ cái tiếng xao xác mà tôi nghe thấy đó là tiếng gió, một thứ gió nóng đã nổi lên suốt buổi chiều. Có lẽ sắp mưa.

Tita mỉm cười. Nàng đang ngồi đối diện với tôi, xinh đẹp hơn bao giờ hết. Quãng đồi gian khó mà nàng đã trải qua có để lại dấu ấn trong những đường nét trên gương mặt nàng, thì cũng chỉ khiến cho vẻ đẹp của nàng thêm chín, thêm sâu, thêm mềm mại. Tita yêu dấu, người vợ thương mến của tôi.

Bên trái tôi là cặp con trai sinh đôi của chúng tôi. Suốt nửa tiếng đồng hồ chúng đã không ngừng thì thầm vào tai nhau, hai thằng quái con. Con lạ gì những chuyện khỉ của chúng. Hai thằng con trai tốt lành, thông minh và chịu khó. Mà chúng mới lớn nhanh làm sao! Chẳng mấy chốc chúng sẽ cao hơn cả tôi, mà tôi đã rất cao rồi. Chúng đã bắt đầu hỏi xin ôtô; một ngày gần đây chúng sẽ đem bạn gái về nhà. Rồi chúng sẽ lấy vợ, sẽ đến một ngày tôi thành ông nội. Mọi việc đều tốt đẹp.

Nghĩa là, mọi việc đều hầu như tốt đẹp cả. Vẫn còn những cái khiến tôi khó chịu. Chứng mất ngủ của tôi, những giấc ngủ vật vã của tôi. Tôi rất hay sực tỉnh giữa đêm, tưởng như vừa nghe thấy một tiếng động gì quái lạ (có phải tiếng xao xác của những chiếc lông trên cặp cánh con ngựa bay?) nhưng đó chỉ là tưởng tượng mà thôi. Tita cực kỳ thính tai, chẳng bao giờ nghe thấy gì hết; nàng ngủ thật say. Và lại còn nằm mơ nữa. Chẳng cần phải kéo mi mắt nàng lên và nhìn trộm vào đồng tử như nhìn qua cửa sổ để xem nàng mơ thấy gì. Ngủ cạnh nhau boa nhiêu lâu như thế đã làm cho những giấc mơ của chúng tôi hòa trộn vào nhau. Con ngựa mà vừa một lúc trước tôi đã thấy đang im lặngbay giữa những đám mây giờ đây đã phi nước đại trên những cánh đồng cỏ trong giấc mơ của nàng. Và nó không làm phiền gì nàng. Những giấc mơ của tôi mới là cái tôi phải chỉnh sửa. Tôi phải bắt được con ngựa của mình và lột bỏ tất cả những thứ dư thừa lạ lùng của nó. Hoặc giả loại bỏ nó hòan toàn ra khỏi các giấc mơ của tôi. Có những viên thuốc ngủ đặc hiệu để làm việc này.

Một vài điều lạ lùng cũng xẩy ra với tôi, làm cho những thông điệp khắc khoải kia cứ nhiều thêm mãi. Ví dụ : một vài phút trước, tôi đang nguệch ngoạc vài chữ lên tờ giấy ăn với cây bút bi bằng vàng mà các bạn tôi vừa tặng, một cây bút nhập khẩu tuyệt đẹp, thì tôi giật mình khi thấy mình viết ra câu: Bây giờ mọi việc đều ổn cả. Một câu tuyệt đối tầm thường, nhưng viết bằng những con chữ gãy góc trông rất kỳ quặc. Cái gì, sức mạnh nào, trường lực nào, đã đưa đẩy tay tôi viết ra những chữ ấy ? Tôi không biết. Tôi phải thú nhận là mình không biết, mặc dù cái tuổi 38 của tôi, mặc dù những trải nghiệm dị thường mà tôi đã có. Còn có nhiều thứ không biết, nhiều cái bí ẩn trong con người tôi. Chẳng phải đã đến lúc mở hết các cửa đập, để cho các dòng thác được tuôn chảy hay sao ? Hôm qua tôi thấy những cảnh nước lụt trên TV. Các con vật bơi giữa dòng nước đục ngầu, tìm kiếm nơi trú ngụ trên những ngọn cây vẫn còn cao hơn mặt nước. Khuôn mặt ướt đẫm của một con khỉ được quay cận cảnh đặc biệt làm tôi xúc động; đó là hình ảnh của sự thơ ngây bất lực. Chẳng phải đã đến lúc bộc bạch mọi chuyện với các bạn hay sao? Bây giờ, khi mọi thứ đã ổn cả rồi, tôi có nên nói cho họ biết không? Không có gì phải sợ. Chẳng có cái đuôi nào sẽ vẫy lên nhặng xị để đuổi lũ ruồi đang vo ve quanh tôi nữa đâu mà.

Nói đến ruồi, quả thực ở đây lắm ruồi quá. Quán ăn nấu ngon, nhưng không phải là một nơi sạch sẽ nhất. Họ phải biết đem rách đổ ra thật xa đằng sau nhà mới phải. Dù sao, phải nhắm mắt làm ngơ và đừng phàn nàn gì cả. Những người này rất dễ nổi giận, và sẽ trả thù. Vừa mới hôm qua họ còn cưỡi lạc đà băng qua các đụn cát sa mạc, những dải khăn quấn trên đầu còn phấp phới bay trong gió. Nếu bị phản thùng, họ sẽ thề phải trả thù, và sẽ dùng dao găm đâm chết ngay cả bạn bè khi có cơ hội đầu tiên. Họ là những người Berber[i]. Tất nhiên họ không còn cưỡi lạc đà nữa. Khi đóng cửa quán ăn họ sẽ về nhà bằng ôtô. Nhưng tôi vẫn thấy một tia hiểm độc trong mắt họ. Có thể đó chỉ là chứng tự kỉ ám thị kiểu Do Thái của tôi.

 

***

 

Vâng, tôi có thể kể tất cả mọi chuyện. Khiêm nhường nhưng cao giọng. Đàng hoàng, không rơi vào hài hước rẻ tiền, cũng không chơi chữ. Không ám chỉ gì đến Cavalleria Rusticana, hoặc đến con lừa của Buridan[ii]. Những người Indian có xuất hiện trong câu chuyện của tôi, mà đúng là vẫn có người Indian sống trong vùng Quatro Irmãos trong năm 1935, họ sẽ không cưỡi ngựa như những người khai hoang dũng cảm, mà chỉ đi bộ, khiêm tốn cho dù vẫn mang một dáng vẻ bí ẩn, và tìm kiếm việc làm.

Tôi sẽ không nói gì đến những con ngựa riêng tư đang phi nước đại trong mỗi chúng ta, tôi không biết chúng có tồn tại hay không. Toi cũng sẽ không nói gì đến các đoàn người cưỡi ngựa, nghĩa là đến quá trình tiến hóa không ngừng của lịch sử tới một định mệnh không ai biết. Chẳng hiểu tại sao con người ta lại phải gọi cuộc hành quân không ngừng ấy của lịch sử bằng một cái tên gì khác. Thì cứ gọi nó là cuột hành quân không ngừng của lịch sử thì đã sao, còn nếu có ai vẫn chưa hài lòng thì ta thêm vào rằng cuộc hành quân ấy không bao giờ chậm lại hoặc đảo ngược chiều.

Thế thì tại sao tôi không đứng dậy đi? Tại sao tôi không lấy cây bút gõ gõ vào ly rượu vang để kêu gọi mọi người chú ý, và tuyên bố rằng một bí mật sắp được tiết lộ?

Tại sao? Tôi không biết. Tôi cảm thấy không an toàn. Tôi sợ phải đứng lên. Tôi sợ hai chân tôi sẽ không mang nổi tôi; sự thật là tôi vẫn chưa tin tưởng hẳn ở chúng. Loài hai chân không vững chắc như loài bốn chân. Hơn nữa, tôi say rồi. Hết lần nâng cốc này đến lần nâng cốc khác, vì người ta đang ăn mừng sinh nhật của mình, vì vợ anh ta, vì con trai anh ta, vì các bạn anh ta, vì cha mẹ và anh chị em anh ta, vì công ty xuất khẩu của anh ta, vì trang trại của anh ta, vì đội bóng đá mà anh ta ủng hộ, và rượu vang đã ngấm vào đầu tôi. Ngồi đối diện tôi, Tita đã ra hiệu cho tôi ngừng uống. Nàng đang nói chuyện với một cô gái ngồi cạnh, thực sự là một cô gái rất xinh đẹp. vẻ đẹp của cô ta thuộc loại dị thường : tóc dài màu đồng đỏ, cặp kính râm đen (tại sao đeo kính râm buổi tối?) che gần kín khuôn mặt bí hiểm. Một chiếc áo sơmi kẻ sọc kiểu đàn ông, khuy mở một nửa, phô bày những vòng đeo cổ và nét lượn của cặp vú đầy đặn thật đẹp. Tôi không biết cô ta. Tôi chỉ biết cô ta là bạn của gia đình Tânia và vừa mới ly hôn. Tôi nâng li về phía cô : chúc sức khỏe! Tita liếc nhanh cảnh cáo tôi. Nàng không ghen đâu. Nàng biết tôi say, và sợ tôi sẽ nói lung tung, kể những chuyện vô lý. Nàng thường nói trước khi giải phẫu tôi có lý hơn nhiều.

Tita nghĩ cũng phải. Tốt hơn cả là im lặng. Thà viết nguệch ngoạc còn hơn. Bây giờ mọi thứ đều ổn cả. Mặc dù nét bút kỳ quặc này, mặc dù tiếng xao xác của những đôi cánh, mặc dù những cảnh trí mà tôi đang nhớ lại.

 

 

Mời các bạn đón đọc Con Nhân Mã Ở Trong Vườn của tác giả Moacyr Scliar & Trịnh Lữ (dịch).

Download

Con Nhân Mã Ở Trong Vườn

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

FULL: AZW3 EPUB MOBI PDF [toc] Giới thiệu Con Nhân Mã Ở Trong Vườn ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI Tweet! “Con Nhân mã trong vườn” trước hết là một câu chuyện rất hấp…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close