Cô Thợ Thêu

Cô Thợ Thêu

[toc]


Giới thiệu ebook

Cô Thợ Thêu


Pascal Lainé là một nhà văn Pháp sinh năm 1942 ở Anet. 
 
Ông đã đoạt cả hai giải thưởng lớn của Pháp là Medicis (1971 với tác phẩm l’Irrévolution) và Goncourt (1974 với tác phẩm La Dentellière), ngoài ra ông còn là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết cũng như kịch bản phim. 
 
Tác phẩm chính: 

  • B comme Barrabas (1967)
  • L’Irrévolution (Prix Médicis – 1971)
  • La Dentellière (Prix Goncourt – 1974)
  • Si on partait (1978)
  • L’Eau du miroir (1979)
  • Tendres cousines (1979)
  • Terres des ombres (1982)
  • Les Petites Egarées (1988)
  • Dialogues du désir (1992)
  • L’Incertaine (1993)
  • Le Commerce des apparences (1997)
  • Derniers jours avant fermeture (2001)
  • Capitaine Bringuier (Théâtre)
  • Monsieur vous oubliez votre cadavre
  • Le mystère de la Tour Eiffel (2005)
  • Un clou chasse l’autre ou La vie d’artiste (essai, Punctum editions 2006)
***
Chuyện bắt đầu ở một tỉnh phía Bắc nước Pháp, cái tỉnh nhìn trên bản đồ nom giống một củ cải đường.
 
Về mùa đông, những người từ xa tới bằng ô-tô nhìn thấy trước mắt mình một vết phồng. Một mảng rộp ở chân trời. Cây cối ven đồng trơ trụi làm cho cảnh chiều tà thành mênh mông vô tận.
 
Nhà cửa trong làng rặt bằng gạch, một tầng. Vẫn chưa phải là phố, tuy giữa hai dãy nhà có con đường nhựa cộc cằn, thường được các trận mưa kỳ cọ chu đáo làm cho bóng loáng lên. Xe cộ rạch bùn trong các thửa ruộng trồng củ cải đường bị xéo nát thành hai cái rãnh sóng đôi. Cả những chiếc xe tải cũng làm việc tương tự đó.
 
Ngoài cái dòng các em bé đầu đội mũ trùm kín trước cửa trường học, mà sự lộn xộn tan biến ngay lập tức vì các em buộc phải tản đi theo lề đường, hoặc đi vào các rãnh rau, làng xóm nói chung im ắng vào mùa đông. Trong đêm tối, những con chó luồn từ xó tối này sang xó tối khác. Hoặc giả, tiếng lạch cạch của một chiếc xe đạp, tiếng động duy nhất làm nổi bật sự im ắng mỗi lúc một sâu hơn giữa các cơn động quen thuộc do những chiếc xe kéo moóc gây nên.
 
Đó là một làng công nhân nhưng nhà máy đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại có cái vỏ bằng gạch và sắt.
 
Mùa hè ở đây thậm chí còn kỳ cục hơn. Có những đợt nắng kéo dài và con đường trở nên sạch sẽ. Khoai tây mọc trên những mảnh vườn nhỏ. Quần áo được đem phơi ra ngoài trời. Con đường hẻm xen giữa các ngôi nhà đầy những vỏ chai rỗng. Buổi tối, người đi làm ở thành phố trở về, sau khi bước khỏi ôtô, còn nán lại một chút. Họ sưởi chút nắng còn sót lại của mặt trời đang lặn trong ráng đỏ ánh lên từ phía đường quốc lộ. Đêm xuống. Bầu trời chuyển sang màu ximăng ướt và biến thành một bức tường nhẵn bóng, trên đó treo lơ lửng chiếc bóng đèn to tướng là mặt trăng.
 
Vào khoảng bảy giờ rưỡi, họ trở về nhà để xem tivi.
 
Với lũ trẻ, đó là khoảng thời gian để chạy nhảy trên đường phố và chơi những trò nghịch ngợm trong các ngõ ngách phía sau nhà.
 
Ở chỗ giao nhau của quốc lộ và con đường nội tỉnh đã có từ lâu là một quảng trường. Quốc lộ có trước. Trên quảng trường có nhà thờ; kề đó là đài tưởng niệm, xung quanh có những chiếc ghế dài. Các cụ ông, cụ bà bé choắt lại vì tuổi tác, thường đến đây vào những ngày đẹp trời. Với dáng điệu khẽ khàng một cách co ro, họ ngồi lên những chiếc ghế băng để đan len hoặc đọc báo. Cũng có khi hai ba em bé gái, mà thường thì vẫn chỉ có bọn chúng, ngồi trước mặt con đường quốc lộ, nhìn những chiếc xe con và xe tải chạy qua chạy lại. Một cô bé trong số đó có tên là Pom (Pomme – quả táo tây).
 
Và đây là ngôi nhà của hai mẹ con cô bé Pom. Trước hết là một phòng lớn với chiếc bàn dài sơn trắng. Mặt bàn phủ tấm vải dầu có in những bông hồng đã ngả màu vàng vì thuốc tẩy (cũng còn có cả những vết nhòe màu vàng giống như những chiếc lá của bó hoa. Còn những vết thủng do tàn thuốc lá gây nên thì chẳng ra hình thù gì cả).
 
Những chiếc ghế sơn, có vài chiếc cùng kiểu với bàn, còn nữa thì mỗi chiếc mỗi kiểu. Rồi đến chạn bát.
 
Có thể ru rú trong nhà đốt lò sưởi, cũng có thể ngồi thoải mái với bộ quần áo ngủ; và bất chấp tất cả, ta vẫn cảm thấy, hầu như bằng xúc giác, cũng rung lên theo nhịp rung của những chiếc bánh xe tải đồ sộ. Những chiếc xe hối hả chạy qua, chỉ cách nhà có vài mét, nó cũng là lý do để tạo nên một cái gì đó khiến ở trong nhà cũng có cái vẻ ở ngay cạnh lề đường.
 
Căn phòng này do vậy đã trở thành phòng chính, và ở hai bên, mỗi bên một phòng nhỏ. Trong phòng thứ nhất có một chiếc tủ gương và một chiếc giường, một cái vũng mềm mại từ đó các giấc mơ, như ta vẫn thường nói, sẽ chảy thẳng ra lề đường. Ở chân chiếc giường lớn là một chiếc giường cũi dành cho trẻ em. Các thanh chắn trên thành cũi có cái bằng sắt mạ kền, có cái đã han gỉ.
 
Pom ngủ ở phòng thứ hai, căn phòng mà chúng ta chưa hề miêu tà đến, từ khi nó còn quá rộng đối với một chiếc giường cũi.
 
Chính vì có đôi má bầu bĩnh nên người ta mới gọi cô bé là Pom. Đôi má của cô rất nhẵn và khi có ai đó nói về nó trước mặt cô thì nó càng nhẵn, càng tròn và càng bóng nhoáng lên.
 
Cô bé còn có những thứ tròn trịa khác nữa. Vì thiếu một nhà thơ, kẻ xa lạ đến tội nghiệp trong câu chuyện này, bọn con trai trong làng bắt đầu nhìn cô bé như nhìn một giỏ trái cây.
 
Nhưng cô bé Pom cũng chẳng cần có nhà thơ để có thể rất hài hòa theo cốt cách riêng của cô. Có thể không thật đẹp. Cô không có cái mảnh mai thú vị của các thiếu nữ yêu kiều mà chỉ nhìn thôi, ta cũng đã có cảm giác rằng làn da tay của họ có thể làm chén nước rửa tay[1] mát mẻ và trong vắt hẳn lên. Trái lại, đôi bàn tay của cô, tuy không đến nỗi thô thiển, vẫn được gắn một cách chắn chắn vào cổ tay, rồi cổ tay lại được gắn vào cánh tay, và cứ như thế với cái vẻ hết sức tự nhiên.
 
Từ đầy đặn không phải dành cho một cô bé ở độ tuổi này (cứ cho là tuổi 14 đi), nhưng quả thật cô bé này tạo cho ta ngay lập tức một ấn tượng về sự đầy đặn: dù cô bận tíu tít hay chỉ ngồi rồi một chỗ, hoặc giả nằm bất động, mơ màng, dù mắt cô có lim dim, miệng há ra và tâm trí có phiêu diêu trong trạng thái gà gật thì sự có mặt của thân thể cô vẫn chế ngự cả căn phòng. Pom chỉ vừa đến độ tuổi trưởng thành, nhưng cả thân thể cô là một khối đồng nhất và chắc nịch. Cả phần hồn của cô cũng vậy. Cô không thuộc loại sinh vật mà sự hiện diện của nó tan biến đi những cái nhìn và những lời nói mơ hồ; cử chỉ, công việc của cô, dù là phù phiếm nhất, cũng vẫn làm cho mỗi giây phút của cô trở nên vĩnh cửu. Cô dọn ăn ở chỗ này, giặt giũ ở chỗ kia, cô ngồi làm bài tập (với một sự chăm chú khiến ai cũng phải mủi lòng) và những thái độ ấy, những cung cách ấy đều toát lên từ cô theo một nhu cầu hoàn toàn tự nhiên trong một thế giới yên bình.
 
Đôi bàn tay ngắn ngủi của cô bé trở nên luống cuống khi tập thêu, tưởng chừng như đã bị tách khỏi cô, nhưng cũng không vì thế mà mất đi ở cô cái nhất quán của sự tinh tế và sự thô kệch nào đó. Công việc cô làm, dù là việc gì ngay lập tức trở thành sự hòa hợp ấy, sự nhất quán ấy. Khi đó, cũng như những người khác, cô là chủ đề của một trong những bức tranh sinh hoạt mà trong đó hiện ra rất sống động qua cách bố cục và qua các giai thoại. Cái dáng vẻ ấy của cô thật riêng biệt, chẳng hạn như khi cô ngậm giữa hai làn môi chiếc ghim trong lúc đang sửa lại mái tóc. Cô bé là Cô thợ giặt, Cô xách nước, hoặc giả, Cô thợ thêu.
 
Có thể Pom đã thừa hưởng những năng khiếu đó ở bà mẹ, người đang phục vụ ở một quán rượu trong thành phố. Bà nói “Xin hầu ngài” một cách rất thoải mái bất cứ khi nào có một quý ông yêu cầu bà lên buồng trên gác. Bởi vì bà cũng là một người hầu theo đúng nghĩa riêng của từ đó dù ở gác lửng hay dưới tầng trệt, đứng hay bò, luôn luôn đơn giản và tự nhiên, cũng đơn giản, tự nhiên như cô con gái của bà vậy. Cả ở nhà bà mẹ và cô con gái, sự thoải mái trong tư thế là giống hệt nhau, kể cả khi ở trong căn buồng trên gác của quán rượu, vẫn là động tác tự nhiên ấy, luôn luôn đồng nhất và với một sự trong trẻo chân thành bất chấp tất cả. Tuy nhiên bà mẹ, người hầu ấy, không cởi giày vì trên sàn có những cái giằm. Đó chính là chỗ bất ổn duy nhất trong cuộc sống của bà.
 
Hai mẹ con nhà Pom còn giống nhau về tính nết. Họ chấp nhận một cách đơn giản những niềm vui và nỗi cay đắng mà số phận ban phát cho họ, cũng chẳng lấy gì làm nhiều lắm. Cả hai, cùng với ngôi nhà nhỏ của họ nằm ở rìa đường, tạo thành một cánh tay chết của cuộc sống, vệt sáng lặng lẽ từ một ô cửa sổ ở ngay cạnh một miệng cống, nơi những sinh vật khác qua lại nhộn nhịp.
 
Pom không hề tỏ ra ngạc nhiên và hoảng sợ khi cô thấy những dấu hiệu đầu tiên của giới tính, những dấu hiệu chưa ai nói trước với cô. Cô tự thay và giặt lấy đồ lót của mình, không giấu giếm nhưng cũng không nói với ai, như một con mèo bới đất và mùn cưa giấu đi các thứ bẩn thỉu mà nó vừa bĩnh ra. Mẹ cô đã nhìn thấy cô làm cái công việc tỉ mẩn và lặng lẽ này, và cô lắng nghe những lời khuyên của mẹ với một sự chăm chú chừng như chính cô đã hỏi vậy. Tâm hồn Pom cũng tròn trĩnh và nhẵn bóng như thân thể cô: không có chỗ gồ ghề khúc khuỷu nào ngăn được dòng chảy mọi vật trong cô.
 
(Ở đây tác giả có thể nhấn mạnh một chút về sự chung sống giữa một thiếu nữ với một người mẹ có quan hệ với nghề làm điếm. Có thể gợi lại những đêm không ngủ, những giờ khác chờ đợi dày thêm nỗi tủi nhục âm thầm của cô gái, cho đến tận khi mẹ trở về vào giữa đêm khuya, bước đi mệt mỏi và nặng nề, đôi mắt đờ dại vì mệt và chán chường, đụng phải ngay khi cánh cửa vừa hé mở, bộ mặt nhợt nhạt và cái vẻ dò hỏi đầy đau khổ của đứa con. Cũng cần phải nói về những lời giễu cợt bóng gió, hoặc sự im lặng nhọn hoắt như lưỡi kim mà Pom thật khó bề chống đỡ được mỗi khi cô đi trên đường làng, làm những thương tổn của tâm hồn cô mỗi lúc một rõ ràng, sâu sắc hơn. Ta cứ hình dung số phận chua xót của cô bé, và cuốn tiểu thuyết có thể sẽ trở nên một câu chuyện về những hư đốn của cô tiếp theo sau sự ngây thơ trong trắng ban đầu).
 
Thế nhưng mọi việc lại khác hẳn. Trước tiên Pom và mẹ cô có đặc quyền về sự vô tư. Cái đó không che lấp thực tế mà ngược lại làm cho thực tế trở nên trong suốt khiến con mắt người đời lướt qua đi mà không dừng lại. Quả thật chẳng ích lợi gì để mà tìm hiểu xem Pom có “nghi ngờ” vị thế của bà mẹ hay không. Pom làm gì có đủ tư cách để mà nghi ngờ. Tuy nhiên, số phận của cô (nếu chúng ta cứ khoác cho tâm hồn đơn sơ ấy tấm áo “số phận”) không phải không liên quan đến việc mẹ cô làm điếm tại một quán rượu trong thành phố, hơn nữa, bà mẹ vốn tính ngay thật, cứ kể bô bô trước mặt con gái về những người đàn ông đã chung chạ với mình. Tình trạng đó cùng với những câu chuyện mà mẹ cô thường nói, những câu chuyện kỳ quặc vì sự tầm thường của nó (trong đó chỉ có sự vô hại và chỉ có một người mẹ trung thực mới có thể nói với con mình bằng những từ ngữ chính xác như vậy), đã tạo nên trong Pom lòng kính trọng lớn lao đối với phẩm chất của “các quý ông”. Cô không nhìn thấy phẩm chất ấy ở trong đám trai làng. (Chẳng hạn khi cô đi đến trường hoặc khi cô trở về nhà). Bọn này mang trên mình chúng tất cả những gì là bừa bãi, là nhếch nhác trên trái đất này, mùi rượu vang, mùi các cuộc đình công, các đám rước ngày Một tháng Năm, và mọi lộn xộn khác mà đôi khi người ta đã chiếu trên vô tuyến truyền hình. Mẹ con nhà Pom có một người hàng xóm, gã này mỗi lần say khướt thường làm bọn trẻ trong làng sợ hết hồn, chạy bán sóng bán chết cho đến tận đường cái. Pom đã nhìn thấy bộ phận sinh dục của gã. Những quý ông ở thành phố không thể được tạo nên như vậy. Bằng chứng là các quý ông ấy là những chưởng khế, dược sĩ, nhà công nghiệp, nhà buôn. Ngoài thú tính, họ còn có những chiếc đồng hồ, những chiếc nhẫn vàng và sau nữa là những tập séc dày cộp. Chính với những thứ ấy mà các quý ông cưỡi lên bụng các cô gái trong khi vợ của quý ông đang vào thời kỳ mãn kinh ở nhà (tất nhiên Pom không thể diễn đạt nổi tất cả những điều đó).
 
Mùa hè, cô bé ngồi trên một chiếc ghế băng ở quảng trường, buông thả mình trong một sự chú ý mơ hồ đến những người lái xe, rất gần vào lúc mà bọn chúng chuẩn bị chạy qua đường quốc lộ đến tận chân trời; và cũng rất xa, như những quý ông mà cô nhận biết được qua tấm kính bằng những lời kể của bà mẹ.
 

Mời các bạn đón đọc Cô Thợ Thêu của tác giả Pascal Lainé.

Download ebook

Cô Thợ Thêu


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Cô Thợ Thêu Tweet! Pascal Lainé là một nhà văn Pháp sinh năm 1942 ở Anet.    Ông đã đoạt cả hai giải thưởng lớn của…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close