Có Được Là Người – Primo Levi
[toc]
Giới thiệu ebook
Có Được Là Người – Primo Levi
Khi người ta hai mươi bốn tuổi, hãy còn “ít hiểu biết, không kinh nghiệm và dứt khoát muốn sống trong một thế giới siêu thực của mình”, mà bị bắt rồi đưa vào trại tập trung Auschwitz – nơi sau này sẽ được ghi nhận như một trong những nơi chốn khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người – người ta sẽ khó lòng gọi đó là một chuyện may mắn. Có lẽ chỉ khi là một trong số rất ít ỏi người sống sót sau Auschwitz (theo nhiều số liệu thì chỉ khoảng 2% tù nhân Auschwitz là còn sống khi trại được giải phóng) và bắt đầu ghi lại những hồi ức kinh khủng về khoảng thời gian đen tối đó trên những tấm vé tàu ở Turin thì Primo Levi mới, như sau này ông viết trong lời mở đầu cuốn Có được là người, coi việc bị bắt vào Auschwitz tương đối muộn là một điều may mắn: Vào thời điểm ông bị đưa vào Auschwitz, đầu năm 1944, do cần nhân công lao động chính phủ Đức đã quyết định kéo thời gian sống của tù nhân trước khi giết, thay vì đưa thẳng vào trại hơi ngạt.
Được viết năm 1947, Có được là người thuật lại câu chuyện thực của chính tác giả từ lúc bị bắt tại Ý đến khi được/bị đưa vào trại tập trung Auschwitz và chuyện ông đã sống sót trong chốn địa ngục đó như thế nào. Cần nói thêm rằng, vào thời điểm tác giả và những người Do Thái khác bị tống lên đoàn tàu chở người nổi tiếng của Đức quốc xã, Auschwitz đối với họ là một cái tên chưa có ý nghĩa gì mấy – thậm chí họ còn cảm thấy “nhẹ cả người” vì ít nhất cái đích đến đó “cũng là một nơi nào đó trên trái đất này”. Họ sẽ nhanh chóng nhận ra cái “nơi nào đó” kia là nơi mà họ bị tước đoạt tất cả: vợ con, bố mẹ già, tư trang, nhân phẩm, thậm chí cả tên – mỗi người tù chỉ còn biết đến như một dãy số xăm vào cánh tay trái; là nơi mà họ sẽ phải sống – nếu như chưa chết hoặc chưa bị giết – dưới những điều kiện phi nhân nhất; là nơi mà rồi họ sẽ chia sẻ những giấc mơ giống nhau đến kỳ lạ: giấc mơ được ăn, mà mỗi khi thức ăn chạm miệng là vụt tan biến thành nghìn mẩu vụn. Ở chốn này, một ngày được coi là tốt lành khi ngày đó họ có vài giờ để “cảm thấy bất hạnh theo cái kiểu của những con người tự do” – tức khi những người tù xoay xở được thêm chút xúp loãng đủ tạm no nê mà có sức nghĩ về gia đình, vốn là việc những khi khác họ không làm nổi.
Cho đến bây giờ, đã có hàng nghìn cuốn sách viết về những trại diệt chủng trong thế chiến thứ hai. Còn vào thời điểm Primo Levi quyết định kể lại câu chuyện của mình, chúng cũng đã quá nổi tiếng. Levi khẳng định trong lời mở đầu rằng cuốn sách không nhằm đưa ra “những lời buộc tội mới” mà chỉ cung cấp thêm tư liệu cho những nghiên cứu về “tâm trạng con người”. Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối: khi nào một con người là người? con người khác gì với con vật? liệu một con người có thể lấy đi nhân phẩm của một con người khác? người có thể làm gì đối với người? thiện, ác, đúng, sai liệu có ý nghĩa gì trong một nơi chốn khủng khiếp như Auschwitz? Trong quá trình học cách tồn tại, và nhờ cả may mắn để tồn tại đến những ngày cuối cùng giữa chốn phi nhân đó, Levi luôn tìm cách nhận ra những dấu hiệu con người: một cái ôm với người đồng hương trẻ tuổi Schlome, thái độ không từ bỏ, không chịu chấp nhận của Steinlauf, tình bạn với Alberto, Thần khúc của thi hào Ý Dante và nhất là sự tốt bụng của Lorenzo – người không ngại hiểm nguy tặng thường xuyên tặng xúp và bánh mì cho Levi.
Cho dù sau Auschwitz người ta có thể phục hồi về mặt thể chất, tinh thần là một cái gì đó khó hồi phục hơn nhiều. Không phải ai cũng có thể chịu đựng được những hồi ức về quãng lịch sử đen tối đó. Bản thân con người tốt bụng Lorenzo kia đã không vượt qua nổi chứng rối loạn về tâm lý và cuối cùng chết vì thiếu sự chăm sóc bản thân vào năm 1952. Còn Levi, dù chọn cách đương đầu với quá khứ bằng cách viết sách và đi nói chuyện về Auschwitz, thì chết vào nhà riêng vào năm 1987, và cái chết nhiều bí ẩn của ông được nhiều nguồn tư liệu coi là tự sát. Dẫu sao, thì như Elie Wiesel, một tù nhân Auschwitz khác, đã nói, thực ra Primo Levi đã chết từ bốn mươi năm trước trong Auschwitz.
Với một câu chuyện u ám như thế, lẽ ra Có được là người phải là cuốn sách nặng nề và khó đọc. Nhưng thật lạ kỳ, đây lại là một page turner – một cuốn sách bắt người ta phải lật không ngừng. Sức hấp dẫn của cuốn sách không nằm ở câu chuyện mà nằm ở cách tác giả kể chuyện – đó gần như là một giọng kể phi cảm xúc, che giấu sự kinh tởm trước những gì được mô tả – và cách mà cuốn sách gợi ra những suy nghĩ, những truy vấn mênh mang trong người đọc.
* Có được là người – Primo Levi, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, Trần Hồng Hạnh dịch từ nguyên bản tiếng Ý
” Nhân vật trong những trang sách này không phải con người. Tính người của họ đã bị vùi lấp, chính họ đã tự chôn nó vì sự xúc phạm phải chịu hay đã gây ra cho người khác. Những tên SS độc ác và bệnh hoạn, những Kapo, tù chính trị, tội phạm, prominent lớn nhỏ cho đến những nô lệ Haftling người này giống hệt người kia, tất cả các bậc trong cái hệ thống điên rồ mà bọn Đức dựng lên ấy đều bị gom lại đầy nghịch lý trong một sự tồi tàn nội tâm giống hệt nhau. “
Tôi được tác giả cuốn sách thông báo rằng mọi điều diễn ra trên từng trang sách không có gì là bịa đặt, nói cách khác tôi đang được chứng kiến một khúc phim tài liệu chân thực nhất về những gì diễn ra từ Lager đến Auschwitz, về những người Do Thái khốn cùng trong một công cuộc chà đạp nhân phẩm khốn cùng. Giọng văn của Primo Levi rõ ràng khiến những kẻ quen đọc văn chương nửa thích thú nửa nản lòng, bởi ông không hoa mĩ mà chỉ kể lể, với thứ ngôn ngữ lạnh lùng và thiếu sinh khí chẳng khác gì cuộc sống tối tăm, dở người dở ngợm của những tù nhân DoThái trong những ngày tháng ấy. Làm sao để khiến người đọc ngày hôm nay có thể tưởng tượng rằng thứ chủ nghĩa dân tộc bệnh hoạn của Đức Quốc xã đã sản sinh ra không chỉ một tội ác diệt chủng, mà còn là sự huỷ hoại nhân tính vô cùng tàn khốc mà người với người có thể gây ra cho nhau vào thời đại được xem là văn minh tiên tiến ở Châu Âu, nếu không phải là kể hết ra một cách giản đơn và trần trụi. Sức hấp dẫn trong những con chữ nhuốm màu bi kịch của cuốn tự truyện này nằm ở chỗ đó.
Những người Do Thái thiên tài, trải qua bao nhiêu biến thiên và lăng nhục vẫn tự cường khẳng định vị trí của mình trong guồng quay tàn khốc của lịch sử. Nhưng vào những ngày đen tối nhất trong chiến dịch cưỡng bức và tàn sát của quân đội Đức, Levi chỉ nhìn thấy sự yếu đuối rất con người ở họ. Họ đã bị tước đoạt đến tận răng, từ bộ quần áo đến cái tên làm nên gốc tích của họ, bị lăng nhục đến tận răng, từ giá trị tri thức cho đến phẩm cách làm người đến mức chỉ có thể suy nghĩ về việc tồn tại vật vờ đến từng giây phút sống. Họ sẵn sàng ăn cắp, lọc lừa, chà đạp lên đồng loại, khốn khổ vì miếng bánh mì hay chết chìm trong việc tuân theo trật tự kiểu mẫu của những tên đao phủ. Phần lớn họ tin rằng mình đã chết, đã trở thành thú vật, khước từ mọi tư duy và hi vọng được sống như một con người, và một phần cũng đáng kể hơn vẫn còn suy nghĩ về điều đó, bám chắc lấy nó và chiến đấu đến kiệt lực vì nó.
“Đối mặt với cái thế giới hỗn loạn đáng nguyền rủa này, suy nghĩ của tôi trở nên lộn xộn. Có thật sự cần phải suy ngẫm về một cơ chế đạo đức rồi áp dụng nó không? Ý thức được mình không có cơ chế nào lại chẳng tốt hơn sao?”
Chỉ có hai loại người tồn tại trong một thời kì ác mộng: một là những kẻ chết chìm vì sự tàn khốc của nó, hai là những kẻ bước ra khỏi nó và mang những vết thương sâu thẳm không bao giờ chữa lành được. Chiến tranh hay diệt chủng thì càng khủng khiếp hơn bởi sức huỷ diệt của chúng thừa sức vằm nát sự mỏng manh của thân phận con người. Primo Levi có thể là một người may mắn trở về và kể lại câu chuyện đau thương của thế hệ ông, nhưng cũng như bao con người khác nếu còn một trái tim sẽ còn bị hành hạ bởi vô vàn trải nghiệm, sau cùng ông cũng không thể hạnh phúc bởi những trang viết giải độc của chính mình.
“Chúng tôi nằm trong một thế giới của người chết và kiệt sức. Dấu hiệu văn minh cuối cùng đã biến mất xung quanh và cả bên trong chúng tôi. Công trình biến con người thành thú vật mà bọn Đức thời đắc thắng đã dựng lên giờ đây đang được bọn Đức bại trận hoàn thành nốt.”
Primo Levi tự sát tại nhà riêng vào năm 1987, bốn mươi hai năm sau ngày ông bước chân ra khỏi địa ngục trần gian do chính con người tạo nên. Ít ai hiểu được ông nghĩ gì trước khi chết, nhưng rồi chắc chắn cũng ít ai hiểu được ròng rã bốn mươi hai năm được làm người đó con người ta còn phải mang nặng điều gì khi cơn ác mộng tồi tệ nhất đã qua đi.
Cá nhân tôi suy nghĩ đến một di sản. Thứ di sản đớn đau dai dẳng của một thế kỉ toàn trị. Đó là điều mà đã chấp nhận làm người thì khó có thể quên đi như một giấc mơ phù phiếm được.
Mời các bạn đón đọc Có Được Là Người của tác giả Primo Levi.
Download ebook
Có Được Là Người – Primo Levi
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Có Được Là Người – Primo Levi Tweet! Khi người ta hai mươi bốn tuổi, hãy còn “ít hiểu biết, không kinh nghiệm và dứt khoát…