Chim Ưng và Chàng Đan Sọt – Bùi Việt Sỹ

    [toc]


    Giới thiệu ebook

    Chim Ưng và Chàng Đan Sọt – Bùi Việt Sỹ


    Lời tâm đắc với tác giả “Chim ưng và chàng đan sọt”: đạm bạc mà sâu xa

    Tại sao gần đây nhiều nhà văn ta có xu hướng viết tiểu thuyết lịch sử? Tôi cũng nằm trong số đó. Tôi không dám trả lời thay cho các tác giả khác. Với riêng tôi thì đó là vì tiểu thuyết lịch sử có thể giúp tôi nói lên những lời tâm huyết với sự thế, với cuộc đời đương đại. Lịch sử hoàn toàn có thể giúp chúng ta soi sáng những diễn biến hôm nay, cho ta thay những nguồn động lực làm nên những đổi thay lịch sử, cho ta thấy tâm nguyện của người thế hệ trước, những kinh nghiệm của tiền nhân, thất bại và thành công trong việc giữ gìn bảo vệ đất nước, phát huy tiềm lực của dân tộc, những tính cách của người Việt hình thành trong đời sống tự nhiên, những tinh túy của con người và cả những ô nhiễm, những triết lý sống của ông cha và cả những lầm lạc, tất cả còn tiềm ẩn cho đến hôm nay, mà nếu ta hiểu được, khai thác được, rũ bỏ được thì có ích biết bao trong cuộc sống đương thời. Những kỳ vọng gửi vào nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử thì còn nhiều lắm. Vấn đề là làm sao đây, con đường nào, phương pháp nào đi tới. Có tác giả nói làm tiểu thuyết lịch sử chăng qua là “văn chương hóa” lịch sử. Nhưng cũng có ý kiến làm tiểu thuyết lịch sử chính là để khám phá những sự thật lịch sử. Có nghĩa là những tác phẩm lịch sử kể cả những di sản lịch sử cho đến nay đã có công rất lớn lưu lại những dấu ấn của lịch sử qua các thời đại, các sự kiện, các nhân vật, nhưng chúng ta những người thời sau rất biết ơn mà chưa bằng lòng. Còn nhiều câu hỏi đặt ra chưa được trả lời sáng tỏ, ngày càng hé ra rất nhiều sự thật còn ẩn giấu đằng sau các sự kiện cần được khám phá. Có một nghệ thuật để khám phá những cái đó, là tiểu thuyết lịch sử. Và cuốn tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ tôi đang cầm bản thảo trong tay, và đọc một mạch trong hai ngày xong, chính là như thế. Tác giả đã thực sự làm một công trình khám phá những sự thật của quá khứ một thời. Đây chính là một điều tâm đắc của tôi. Anh bạn của tôi đã đi con đường nào, đã vận hành cách nào để một thời kỳ oanh liệt trong lịch sử nước ta hiện ra với tất cả những chi tiết sống động, với tất cả những sự thật ẩn giấu bên trong, và chính những cái còn ẩn giấu ấy mới làm rõ ra sự thật, mới cắt nghĩa được các sự kiện lịch sử chính yếu, chỉ có tác giả mới trả lời được.

    Chúng ta đều biết những sự thật lịch sử dưới bốn hình thức ghi nhớ: 1- Chính sử, những sự kiện lịch sử được gọi là chính thức do các sử quan và các cơ quan nghiên cứu lịch sử đương thời ghi chép. 2- Bí sử, gồm những sự kiện đã diễn ra trong lịch sử nhưng được tiết lộ hoặc trong ký ức, ký sự của những người tham gia, hoặc chứng kiến. Hoặc vĩnh viễn bị mất đi, hoặc được tiết lộ dần dần khi có thời cơ. 3- Dã sử, gồm những sự kiện hoặc chi tiết được truyền miệng, dưới hình thức tưởng tượng, “huyền bí hóa” (huyền thoại), gán cho thần thánh (thần thoại), mang dấu ẩn tâm linh (Việt điệu u linh tập, Lĩnh Nam chính quái). Cả bốn hình thức đều có vai trò riêng của mình, đều có những ưu thế và nhược điểm, và đều phản ánh những sự thật lịch sử. Huyền thoại Lạc Long – Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con trai, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên rừng nghe ra có vẻ huyền hoặc nhưng nói lên những sự thật thời dựng nước của các dân tộc trên đất Việt này. Đó là sự thật có những người anh minh, có tụ hợp có ly tán, có vai trò của rừng núi và biển cả, cha và mẹ, rồng và tiên, đất và nước. Có Kinh Dịch, một học thuyết của phương Đông để lại dấu ấn trong minh triết Việt và ngay trong huyền thoại đó.

    Tôi là bạn viết cùng cơ quan với Bùi Việt Sỹ nên đã từng đọc nhiều tác phẩm của ông trước đó. Nhưng đến tác phẩm này, tôi chợt thấy hình như tôi gặp lại một Bùi Việt Sỹ khác hẳn. Hình như cái “gien” Tồn Am Bùi Huy Bích (1744-1818) của thế kỷ XVIII lấp lánh trên những dòng chữ một hậu duệ cách xa mấy đời. “Tồn Am đạm bạc mà sâu xa” (thơ Cao Bá Quát). Đạm bạc mà sâu xa chính là phong cách tiểu thuyết tôi đang cầm trong tay.

    Tôi đã biết từ sách giáo khoa thư thời thơ ấu một Phạm Ngũ Lão người anh hùng của một làng quê, ngồi giữa chợ đợi quân tướng của Trần Hưng Đạo đến để ra mắt đầu quân. Nhưng phải đến Chim ưng và chàng đan sọt tôi mới có hình ảnh chàng trai thôn dã ngồi giữa chợ ấy thực sự được một lão sư trong một nhà chùa rèn dạy cho văn võ toàn tài, trở thành một ngôi sao sáng của làng quê, biểu tượng của một đoàn quân đứng lên từ bùn đất. Hình tượng Trần Khánh Dư với con chim ưng trên vai chính là bức tranh chạm khắc nổi bật miêu tả các tướng lĩnh của một thời Trần hoang sơ và thần thánh, tụy lục và oanh liệt, đã khiến cho kẻ thù từng chà đạp khắp thế giới phải thất trận trên đất Việt này, tướng soái phải chui vào ống đồng mà bỏ chạy. Cái triết lý Chim ưng và đàn vịt còn có thể được bàn cãi, nhưng chính nhờ nó mà hiện lên một Trần Khánh Dư trong hiện thực lịch sử vừa tầm thường vừa phi thường. Thế mới biết sức mạnh của tưởng tượng, chính nhờ cái nghệ thuật tưởng tượng ấy mà khám phá ra sự thật lịch sử, nó liên kết cả bốn hình thức ghi nhớ lịch sử. Không phải là khoa học mà không thể nói là không khoa học. Biết đâu đấy, sau này có nhà điêu khắc dựng tượng Trần Khánh Dư với con chim ưng trên vai. Hoặc có những con chim ưng dừng cánh đậu trên vai một Trần Khánh Dư bằng than hoặc bằng đá ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

    Bùi Việt Sỹ sinh ngày 20.3.1946 sau 3 giờ sáng (17.2 Bính Tuất, giờ Dần). Bài toán Hà Lạc cho biết ông có mệnh quẻ Thuần cấn, chủ mệnh hào 3. Thuần cấn có tượng hai trái núi. Núi thì hoành tráng nhưng núi cũng tượng cho sự ngăn cản, như đèo cao vực thẳm. Hào 3 chính là sự ngăn cản khốc liệt nhất trên đường đời. Nhưng nhờ có hào này mà chặng đường hậu vận là quẻ Địa Sơn Khiêm, núi cao trong lòng đất, với tính khiêm nhường, cao đấy mà nhún mình đẩy. Văn chương là bản sao của hành trình số phận. Quả nhiên toàn bộ những sáng tác đầu đời của Bùi Việt Sỹ phản ảnh những cuộc đời bị ngăn cản và vượt lên những ngăn cản ấy. Người đưa đường thọt chân (tiểu thuyết), Anh và hai người đàn bà (tiểu thuyết) và nhiều truyện ngắn, truyện vừa của ông là như thế. Nhưng đến giai đoạn núi cao trong lòng đất thì tác phẩm của ông thực sự là những ngọn núi, với Dòng sông chối từ (tiểu thuyết vừa xuất bản gần đây) và Chim ưng và chàng đan sọt này. Ông không gọi tác phẩm này là tiểu thuyết lịch sử mà gọi là tiểu thuyết. Một dấu ấn của quẻ Khiêm (khiêm nhường) chăng. Chúng ta không biết và không cần biết. Quẻ Khiêm là một quẻ Dịch cực kỳ tốt. Người được quẻ này là người tuy có ngôi vị cao, danh giá cao nhưng luôn biết nhường nhịn, càng nhường nhịn càng tỏ phẩm giá của mình. Người quẻ Khiêm tuy khiêm nhường không phải chịu thua người, mà đấy chính là cách để vượt khó khăn, như người khiêm nhường mà có thể vượt sông lớn. Cuốn truyện này có thể là một con sông lớn, như con sông Bạch Đằng trong lịch sử mà Bùi Việt Sỹ đã miêu tả một cách hứng thú, nơi thử thách của những con chim ưng và chàng đan sọt thời nhà Trần vẻ vang. Cũng chính là một thử thách của tác giả.

    Nhà văn Xuân Cang

    ***

    … Năm 1282, mùa thu, tháng 8 vua Nguyên – Hốt Tất Liệt sai nguyên soái Toa Đô đem đoàn chiến thuyền 1.000 chiếc cùng 15 vạn, nói phao lên là 20 vạn quân tinh nhuệ từ Ung Châu, vượt biển vào đánh Chiêm Thành. Tin dữ được truyền về kinh đô Thăng Long. Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông vô cùng sốt ruột cho triệu Trần Quốc Tuấn ở điền trang Vạn Kiếp năm lần bẩy lượt mà Quốc Tuấn không về. Cuối cùng vua phải sai quan Chi luận cục thủ Đỗ Khắc Chung đến Vạn Kiếp để vời Trần Hưng Đạo. Khắc Chung có tài ăn nói biết cách “lựa gió thả diều” nên được hai vua Trần yêu lắm, luôn cho ở bên cạnh.

    – Ta đang chuẩn bị đâu đó rồi! Công việc còn dang dở một khắc nên chưa về chầu đó thôi.

    Trần Hưng Đạo nói vậy, rồi ba ngày sau ông cùng đoàn tùy gồm Yết Kiêu và Dã Tượng khởi hành về kinh. Buổi sáng, nắng vàng, gió nhẹ, tiết trời dịu mát khiến đoàn người cùng ngựa bước đi rất hăm hở. Bỗng đội quân dẹp đường dừng lại, rồi viên hiệu úy chạy ngược về, quỳ một chân trước đầu voi, nói: 

    – Bẩm Tiết chế[1]! Phía trước, giữa đường có một tên nhà quê, đóng khố ngồi đan sọt. Quân lính chĩa loa vào tai, thét lui vào nhường đường cho voi của ngài đi. Nhưng hắn cứ lì ra. Đến khi một tên lính cầm giáo đâm vào bắp vế máu chảy lênh láng hắn vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì!

    Trần Hưng Đạo thấy chuyện lạ bèn ra lệnh:

    – Đưa bản vương lên đó xem sao?

    Dã Tượng ngồi trên đầu voi, lấy búa gỗ thúc voi tiến lên.

    Vừa nhác thấy voi của Tiết chế đến gần, người đan sọt vụt đứng lên, sụp lạy:

    – Thảo dân tội đáng muôn chết! Xin Tiết chế tha mạng!

    Trần Hưng Đạo nhìn xuống thấy tấm lưng to lớn như cánh phản, hai bờ vai cuộn lên hai bắp thịt lớn thì liền phán:

    – Cho phép ngươi đứng dậy nói!

    Được lời như cởi tấm lòng, chàng thanh niên cao lớn vạm vỡ đó đứng lên, hai tay chắp trước ngực, lưng hơi cúi khom, bắp vế bên trái máu vẫn tuôn ròng ròng, chờ.

    – Ngươi ăn gan hùm, gan báo hay sao mà dám cản đường của bản vương? – Hưng Đạo vương vừa vuốt chòm râu dài đen nhánh chấm tới ngực, cất giọng sang sảng hỏi.

    – Khởi bẩm Tiết chế! Thảo dân đâu dám to gan, lớn mật cản đường Tiết chế. Chẳng qua là đang mải nghĩ xem làm thế nào để… chặn được giặc Thát đang lăm le tràn xuống thôn tính Đại Việt ta.

    Câu trả lời đúng lễ độ, đường hoàng; giọng vang như chuông sấm. Tuy nhiên đoàn tùy tùng với quan văn Đỗ Khắc Chung cùng cười ầm ra ý chế nhạo.


    Mời các bạn đón đọc Chim Ưng và Chàng Đan Sọt của tác giả Bùi Việt Sỹ.

    Download ebook

    Chim Ưng và Chàng Đan Sọt – Bùi Việt Sỹ


    FULL:


    AZW3


    EPUB


    MOBI


    PDF

    Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
    Website: https://www.trươngđịnh.vn
    Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
    Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

    Bookmark (0)
    ClosePlease login

    [toc] Giới thiệu ebook Chim Ưng và Chàng Đan Sọt – Bùi Việt Sỹ Tweet! Lời tâm đắc với tác giả “Chim ưng và chàng đan sọt”: đạm bạc mà…

    Bookmark (0)
    ClosePlease login

    Trả lời