Chân Trời Cũ của tác giả Hồ Dzếnh.

Chân Trời Cũ của tác giả Hồ Dzếnh.

 

Giới thiệu ebook

 

TỰ SỰ CỦA TÁC GIẢ

Tập truyện này ra đời, tính năm đã được bốn. Nó ra đời và mang lại ngay cho tác giả một kết quả mầu nhiệm: hầu hết những nhân vật của cuốn sách đã “lên đường” về… chân trời cũ: chú Nhì, người anh Cả, thằng cháu đích tôn, chị đỏ Đương, cô em Dìn, và vài nhân vật phụ: bà mẹ ghẻ, em bé Thi. Mấy người sau này, hiện còn sống, nhưng tuổi già, sức khỏe và hoàn cảnh đã giục họ nghĩ đến cái giờ – để mượn một tiếng chuyên môn của Thiên Chúa giáo – giờ “sinh thì”: bà mẹ già thân yêu, người chị dâu Trung Quốc, ông anh Hai phóng lãng và… tác giả tập sách này.

Một người nữa, tuy không cùng họ đương, dòng giống, nhưng quan hệ mật thiết với tác giả về phương diện cảm tình, một linh hồn Việt Nam tế nhị, một nghệ sĩ trang trọng mà đơn sơ, hiện thân của tình yêu đất nước – nhà văn rất thuần túy, rất nhân đạo, Thạch Lam – người bạn đã đáng tiếc từ trần một tháng sau ngày tập đoản thiên này được xuất bản.

Và một người nữa, vẫn góp mặt trong thế giới hữu hình, một tình yêu cố hữu đi sóng đôi với ân nghĩa anh em đã hy sinh chút ít tiền của để cho in lần thứ nhất cuốn sách này, dầu biết rằng nó “không chạy như các món quà giải trí khác”.

Thêm một người nữa, mà định mệnh đã chọn hộ cho con đường chồng vợ theo luật cõi đòi, người con gái có đôi mắt đẹp như thơ, có quê hương mơ màng và xanh biếc, có tấm lòng thắm dịu, mở rộng như trang sách ái tình…

Tên hai người trên đây, không viết ra vì nhiều lẽ, và cái lẽ chính đáng nhất vẫn là niềm yên lặng đầy tiếng nói thầm.

Và còn những tâm hồn xa xôi và đẹp đẽ, những thương nhớ giải rộng như không gian, những tên có màu xanh hay lòng có nước mắt, sống giữa đô thành hay dưới trời thôn dã, những vương vấn ảo huyền mà chỉ nhà văn mới có toàn quyền đặc hưởng.

Ròng rã trong bốn năm, sống cái đời cô đơn và tịch mịch trong đó thoáng dệt đôi lúc những bóng nắng, hình mây, tôi đã nghĩ rất nhiều đến bao nhiêu linh hồn bạn mà hơi thở hòa vào hơi thở tôi, làm vui buồn những tư tưởng phù hoa do người đời mệnh danh là Nghệ thuật. Bốn năm! Hương sắc chưa mờ, từ ngày reo than lần đầu tiên những tiếng lòng ngây dại. Nước non, trong quãng thời gian đó, từng rung cảm những lớp Phế, Hưng, để ngày nay đi về một Mùa Xuân Trọng Đại.

Dưới bóng thiều quang của một năm ghi bằng nét vàng vào lịch sử cách mệnh người dân Việt, tôi dám tin tưởng rằng tập sách này tái sinh sẽ nói hộ lòng tôi được nhiều lắm. Bằng tình cảm, bằng tôn giáo, bằng tinh thần vĩnh viễn phương Đông, xứ Á châu quê hương của chúng ta, trong đó nổi lên hàng trên Việt Nam và Trung Quốc, sẽ tiến triển một cách mạnh mẽ hơn hết bao giờ. Và Nghệ thuật sẽ làm vinh hiển đời sống rồi đây sắp trở lại tươi tốt với loài người.

Bạn ạ, tôi là kẻ ít tin nhất rằng loài người đẻ ra đã sẵn cái tài trong óc. Cho nên, được mang danh là nhà văn, tôi thấy thẹn thùng biết mấy! Do những tình cờ của hoàn cảnh, xô xát với cõi đời, chúng ta, để gắng nói ra những nỗi lòng u kín, đã nghiêng về cuộc sống bên trong. Nhưng trên cả Tình và Tài, trên những vinh hạnh chói lòa nhiều khi rất không chân thật, một điểm sáng lấp lánh tự ngàn thu, một Triều Thiên mà thế kỷ nào cũng ước ao, thèm khát, đó là Tấm Lòng. Nhà thi sĩ Nguyễn Du đã nói, và câu của thi sĩ có thể dùng để kết thúc bài tự sự nhỏ này:

“Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.”

Hà Nội, tháng Bảy năm 1946
HỒ DZẾNH

***

GIỚI THIỆU

Ông Hồ Dzếnh, tác giả tập sách này, là một người Minh hương. Cái trường hợp ấy đáng kể vì ông là một nhà văn. Những chuyện ông kể cho ta biết toàn là những chuyện về gia đình ông, gia đình của những người Trung Hoa nhẫn nại và chịu khó sang lập nghiệp ở bên này. Một người cha lầm lì, suốt ngày không nói, một người mẹ Việt Nam vào hạng những đàn bà Việt Nam đã làm nên đất nước này, người đàn bà chỉ biết có chịu khó về chồng con, không bao giờ một lời phàn nàn hay oán hận, mà cái ước mong sung sướng nhất là cứ được hy sinh mãi. Và một vài người con, một vài nàng dâu, – trong số đó có một nàng dâu Trung Hoa – cùng lập thành cái gia đình mà số phận hình như bắt buộc phải buồn rầu. Sau khi người cha qua đời, thì cái thời sung túc, đoàn tụ cũng mất đi. Dấu vết không còn lại gì. Và hình ảnh con ngựa trắng đủ yên cương trên cánh đồng cỏ xanh nổi lên như vang bóng của thuở nào.

Điều mà ta nhận thấy ở ông Hồ Dzếnh, cũng là một điều gần giống ở bà mẹ ông, nghĩa là cái sức chịu đựng đau khổ. Tác giả đã đau khổ trong cuộc sống: và chúng ta nhận thấy ông ưa thích quay về dĩ vãng, để lại khiến những đau khổ cũ trở dậy và thêm sắc mắc hơn nữa. Cho nên những chuyện ông kể cho chúng ta nghe đều có một màu sắc riêng, đều nhuộm một tiếc hận thấm thía. Ông chỉ kể những chuyện ấy thôi, nhưng mà đủ có mực thước để khỏi thành ra phô phang, và cũng đủ rung động để độc giả cảm thấy sự thành thực, sự “đã sống” của những chuyện đó.

Những nhân vật ông trình bày đều linh động cả. Mỗi người đều có một bản ngã riêng, và chúng ta nhận thấy – tình cờ hay là số mệnh? – người nào cũng mang một tâm hồn đau khổ. Người mẹ, người con cả, người con thứ, cho đến cô Yên, cái cô gái nuôi đặc biệt Việt Nam, vẫn sống trong một gia đình không phải của mình, để mà chịu đựng bao nhiêu vất vả bất công, tuy có được người mẹ nuôi biết thương đến. Cái đời sống tối tăm và lặng lẽ ấy không đi đến đâu cả, và tác giả để chúng ta thấy thoáng qua số phận một dân số nghèo khó ở các tỉnh đông đúc hay nghèo nàn, cuộc sinh hoạt khó khăn trên những đồng ruộng bạc màu.

Đấy là cả những điều mà chúng ta sẽ thấy khi lần giở trang quyển sách này. Tác giả đã khéo xếp đặt, cho độc giả thấy cả cái dĩ vãng của một gia đình Việt-Hoa. Chúng ta thấy tác giả đã ít nói đến mình, để làm trội những nhân vật khác lên, tuy rằng lúc nào tác giả cũng là vai chủ động trong các truyện. Mà nói về dĩ vãng là một sự khó khăn, khi những điều ta ngẫm nghĩ chưa có đủ thì giờ lắng xuống và thêm bền chặt.

Tuy vậy, ông Hồ Dzếnh đã vượt qua nỗi khó khăn đó một cách đáng vinh hạnh cho tài ông. Tôi không nói rằng tác phẩm này không có khuyết điểm, nhưng tác giả còn trẻ và tài năng của ông còn hứa hẹn cho chúng ta nhiều.

THẠCH LAM
(trong Tự Lực Văn Đoàn)

***

HỒ DZẾNH

(1916-1991)

tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh,
sinh tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa.
cha ông là người gốc Quảng Đông,
còn mẹ là người Việt.
Ông là một nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam từ thời tiền chiến.

***

“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò…”

Ngày nhỏ, mỗi lần chán chúng bạn, tôi vẫn hay lại bên mẹ tôi, cầu khẩn người kể lại sự cưới xin giữa người và ba tôi, rồi để tôi đem thuật lại với hàng xóm. Tôi còn nhớ nơi mẹ tôi ngồi kể chuyện là một cái hè bằng đất nện trước nhà. Tự đó, tôi vừa nghe chuyện, vừa nhìn ánh nắng chiều nghiêng xế, và những bóng lá lung linh. Có khi đương giữa câu chuyện, tôi véo má mẹ tôi mà hỏi:

– Đố mẹ biết bao giờ đến Tết? Đố mẹ biết con được bao nhiêu tiền phong bao?

Mẹ tôi khẽ gỡ tay tôi ra, lặng lẽ nói tiếp, và lặng lẽ ru tôi ngủ mất lúc nào! Tuy nhiên, trong giấc mơ kỳ dị, tôi vẫn hình dung được cả đám cưới, chú rể là ba tôi, cô dâu là mẹ tôi và… tôi là người dự lễ! Dần dần tôi lớn lên. Qua mẩu đời sum họp của hai người sinh ra tôi, tôi nhận thấy một định mệnh khe khắt, một duyên phận tăm tối và buồn rầu. Vì thế, tôi được sự thật cho biết rằng phần nhiều, hay tất cả cũng được, những bà mẹ Việt Nam – tôi nói những bà mẹ đáng là mẹ – đều phải đau khổ ngay từ lúc lọt lòng. Mọi sự do “Trời” định, các tâm hồn đó chỉ biết vâng theo, một cách nhẫn nhục, một cách lặng lẽ, một cách chua xót vô cùng! Bao nhiêu thế kỷ rồi, những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hằng ngày, tầm thường và nhỏ mọn. Cuộc hôn nhân của mẹ tôi, đến nay, tôi mới thấm thía được hết cái đơn giản, mới biết suy ngẫm trước sự lễ nghi của nó.

Và đến ngày nay, tôi mới hiểu mẹ tôi hơn lúc nào hết, người con gái lái đò trên sông Ghép ngày xưa, người mẹ Việt Nam một cách dịu dàng và cao trọng…

* * *
Cách đây hơn năm mươi năm.

Một buổi chiều mùa hè vàng rực.

Trên bờ sông Ghép lặng lẽ của tỉnh Thanh Hóa, dân làng Ngọc Giáp bỗng thấy mọc lên bóng một người ngoại quốc, tay xách một gói vải xanh thay va li, và đầu chụp chiếc mũ rơm đã vàng ỏng. Người khách lạ có chiếc trán rất lạ: nó nhỏ nhưng nhô ra một cách bướng bỉnh. Nhất là đôi mắt, sắc như dao, bén như nước, nhìn vật gì thì như hút lấy vật ấy. Hai cái đặc điểm đó nhất định không được tạo bằng thủy thổ Việt Nam, mà là bằng tinh hoa của một dân tộc khác. Một vẻ gì xương xương, rắn rắn độn khắp mình người khách, biến cái thân thể thoạt trông thì gầy kia ra sự chịu đựng khó nhọc, ở đấy, một nghị lực bền vững tiềm tàng.

Khách mặc một bộ quần áo bằng lĩnh Quảng Đông, nguyên màu đen, nhưng sau khi trải nhiều phong trần, đã đổi sang màu xám kệch. Y phục ấy gợi được trong lòng người gặp, bao nhiêu là cảm giác thanh thú, hương vị xa xôi. Từ đằng xa, những gợn lụa phơ phất như những gợn gió trùng dương, và khi lại gần thì gió trùng dương lại chỉ toàn xông lên một mùi cá mặn!

Linh hồn Trung Quốc phát lộ ra trong từng bước đi, điệu đứng, trong sự trầm mặc, trông tìm, trong cả cách đưa năm đầu ngón tay có móng dài vẩn ghét lên gãi sồn sột chiếc đầu gần như húi trọc tếch.

Đêm về trong những bước nhẹ, hắt hiu bốc hơi lên mặt sông. Nắng tắt dần dần chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn của Giang Tây, Hồ Bắc, hoàng hôn ở đây ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng.

Và như một gã giang hồ chạnh lòng khóc nước.

Tuy nhiên, đôi mắt trong và sáng kia không hề vẩn bởi màu sắc thê lương, vẫn quắc lên nhìn những đợt sóng nhuyễn nhàng bò quanh mấy con thuyền ngái ngủ. Cử chỉ lạnh lẽo đó thật là trái hẳn với cảnh sông nước buồn rầu, cái cảnh tầm thường nhưng đã làm chuyển dời bao nhiêu cuộc đời ngang dọc.

Khách ngồi xuống vệ cỏ, không để ngắm cảnh chiều tang tóc, mà để tháo cái gói vải từ bao lâu vẫn đeo ở tay, lấy trong đó ra một gói cơm nắm. Rồi không dao, không đũa, khách bẻ ngoắt nửa nắm cơm, đưa lên miệng, trong khi mấy ngón tay lần gỡ từng miếng cá khô. Đôi lúc khách ngừng nhai, chép miệng cho thấm xuống đáy lòng cái hương vị đậm đà của bữa cơm lưu lạc.

Chỉ sau mười phút, không còn một miếng cơm, một khúc cá nào sót lại trên mảnh lá chuối héo. Tất cả lương thực đã ngọt ngào trôi qua cổ họng, đảo lộn trong cái dạ dày vô bệnh, để biến thành những dòng máu hùng cường luân lưu nuôi mạch sống, và nuôi lớn mãi cái chí nguyện giang hồ.

Mời các bạn đón đọc Chân Trời Cũ của tác giả Hồ Dzếnh.

Download ebook

 


FULL:

 

 


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

  Giới thiệu ebook   TỰ SỰ CỦA TÁC GIẢ Tập truyện này ra đời, tính năm đã được bốn. Nó ra đời và mang lại ngay cho tác giả…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close