Câu Chuyện Nghĩa Địa – Neil Gaiman

Câu Chuyện Nghĩa Địa – Neil Gaiman

[toc]


Giới thiệu ebook

Câu Chuyện Nghĩa Địa – Neil Gaiman


Bod Owens là một cậu bé bình thường!
Bod Owens lẽ ra là một cậu bé tuyệt đối bình thường nếu cậu không sống trong một nghĩa địa cổ, không được nuôi dạy bởi những hồn ma và không có một người bảo trợ chẳng thuộc thế giới của người sống hay người chết.
Trong nghĩa địa, có vô vàn hiểm nguy và những cuộc phiêu lưu dành cho Bod – một Người Da Chàm và các Sát thủ bảo vệ báu vật dưới lòng đồi, một cánh cổng dẫn ra sa mạc nơi có Thành Quỷ, bầy dạ điểu và những con quỷ nhập tràng…
Nhưng nếu rời khỏi nghĩa địa, Bod sẽ phải đương đầu với một mối đe dọa khác – Hội Jack Đủ Nghề, những kẻ đã từng giết cả gia đình cậu…
 
Vừa kinh hoàng bí hiểm lại vừa trong sáng nên thơ, vừa đầy rẫy những cuộc phiêu lưu nghẹt thở lại vừa thấm đẫm những câu chuyện xúc động về tình yêu thương, Câu chuyện nghĩa địa chắc chắn sẽ mê hoặc độc giả đủ mọi lứa tuổi.

 ***

Nhận định
 
Sự sáng tạo vô tận, nghệ thuật kể chuyện bậc thầy và – như chính bản thân Bod – quá xuất sắc để có thể chỉ phù hợp với một nơi duy  nhất. Câu chuyện nghĩa địa là cuốn sách dành cho mọi người. Bạn sẽ yêu nó đến chết.

– Holly Black, đồng tác giả Biên niên sử gia đình  Spiderwick

 
Khi đọc xong Câu chuyện nghĩa địa, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ – hy vọng nó kéo dài hơn nữa.

-Laurell K. Hamilton, tác giả của Anita Blake: Kẻ săn ma cà rồng

 
Bâng  khuâng, hài hước, khôn ngoan và sởn cả tóc gáy… Cuốn sách dành cho tất cả những ai đang là trẻ con hay đã từng có thời là trẻ con.

– Kirkus Reviews

 
Giống như một miếng sô cô la đắng trong ngày Halloween, cuốn tiểu thuyết này mang đến một hương vị đậm đà, đắng nhưng vẫn ngọt ngào, và không thể nào chê được.

– Washington Post
***

TRONG BÓNG TỐI HIỆN RA một bàn tay, và bàn tay đó cầm một con dao.

Con dao ấy có cán bằng xương đen bóng, với lưỡi dao sắc hơn bất kỳ lưỡi dao cạo nào. Nếu nó cắt vào da thịt, ta có thể thậm chí không biết là mình bị cắt, không biết ngay.

Con dao đã thực hiện gần xong tất cả những việc nó được đem đến căn nhà này để thực hiện, và cả cán lẫn lưỡi dao dều ướt đẫm.

Cánh cửa dẫn ra phố vẫn để ngỏ, hơi hé mở, qua lối này con dao cùng gã đàn ông đang cầm nó đã lách qua, và những dải sương đêm cũng theo đó luồn lách len lỏi vào trong nhà.

Gã đàn ông tên Jack dừng lại trên chiếu nghỉ ở cầu thang. Bằng tay trái, hắn rút một chiếc khăn tay to trắng tinh từ trong túi áo choàng màu đen của mình, lau sạch sẽ cả lưỡi dao lẫn bàn tay phải xỏ găng đang nắm chặt con dao, rồi lại cất chiếc khăn tay đi. Cuộc săn lùng đã gần kết thúc. Hắn đã để người đàn bà nằm trên giường, người đàn ông trên sàn phòng ngủ, đứa bé lớn trong căn buồng màu sắc rực rỡ của nó, xung quanh đầy đồ chơi và những mô hình đang xây dở. Hắn chỉ còn phải lo liệu nốt đứa bé con, một đứa nhỏ mới lẫm chẫm biết đi. Chỉ một mạng nữa thôi, và nhiệm vụ của hắn sẽ được hoàn thành.

Hắn co duỗi mấy ngón tay. Gã đàn ông tên Jack, trên hết, là tay chuyên nghiệp, hay ít ra thì hắn cũng tự nhủ như vậy, và hắn không cho phép mình được mỉm cười cho đến khi công việc đã xong xuôi.

Hắn có mái tóc đen, cặp mắt đen, và hắn mang găng tay den làm bằng thứ da cừu mỏng nhất.

Phòng của đứa bé nằm ở tầng trên cùng. Gã đàn ông tên Jack đi lên cầu thang, chân bước không một tiếng động trên sàn trải thảm. Rồi hắn đẩy cửa bước vào căn phòng áp mái. Hắn đi giày da đen, và chúng bóng lộn đến nỗi nom như hai chiếc gương tối sẫm: ta có thể thấy mặt trăng phản chiếu trên đó, một vầng trăng lưỡi liềm nhỏ xíu.

Mặt trăng thật thì đang chiếu qua ô cửa sổ có hai cánh. Ánh trăng không sáng, lại bị màn sương che mờ, nhưng gã đàn ông tên Jack không cần nhiều ánh sáng. Ánh trăng là đủ rồi. Hắn chỉ cần có thế.

Hắn có thể trông thấy hình dáng của đứa bé nằm trong nôi, đầu, chân tay, thân mình.

Cái nôi có hai bên thành cao làm bằng các thanh gỗ mỏng, để ngăn đứa bé trèo ra ngoài. Jack cúi xuống, giơ cao bàn tay phải, bàn tay đang cầm con dao, và hắn nhằm vào vùng ngực…

… rồi hắn buông tay xuống. Hình thù trong cái nôi chỉ là một con gấu nhồi bông. Không thấy đứa bé đâu.

Mắt gã đàn ông đã quen với ánh trăng mờ ảo nên hắn không muốn bật đèn. Và dù sao thì ánh sáng cũng chẳng quan trọng. Hắn có những kỹ năng khác.

Gã đàn ông tên Jack hít ngửi không khí. Hắn phớt lờ những mùi đã theo hắn bay vào phòng, loại bỏ những mùi hắn có thể bỏ qua, chỉ tập trung vào mùi của thứ hắn đang tìm kiếm. Hắn có thể ngửi thấy mùi đứa trẻ: một thứ mùi như mùi sữa, giống như mùi bánh quy rắc sô cô la, cùng với mùi chua chua của cái tã ban đêm đã bị ướt. Hắn có thể ngửi thấy mùi đầu gội đầu trẻ em trên tóc đứa bé, và một thứ gì đó nho nhỏ, làm bằng cao su – một món đồ chơi, hắn tự nhủ, rồi sau đó nghĩ lại, không, một cái gì đó để ngậm – mà đứa bé đang cầm.

Đứa bé đã ở đây. Nó không còn ở đây nữa. Gã đàn ông đánh hơi lần theo dấu vết xuống tầng dưới của căn nhà cao, hẹp. Hắn kiểm tra phòng tắm, bếp, tủ đựng khăn, và cuối cùng là gian sảnh ở tầng trệt, ở đó chẳng có gì ngoài mấy chiếc xe đạp của gia đình, một đống túi đi chợ trống không, một cái tã rơi, và những dải sương lạc đã lặng lẽ cuộn xoáy chui vào nhà qua cánh cửa mở ra phố.

Gã đàn ông tên Jack liền thốt lên một âm thanh khe khẽ, một tiếng gầm gừ vừa bực tức vừa đắc thắng. Hắn tra dao vào cái vỏ ở túi trong chiếc áo choàng dài, rồi bước ra phố. Trời sáng trăng lại thêm cả ánh đèn đường, nhưng màn sương đã bao trùm tất cả, làm mờ ánh sáng, che lấp mọi âm thanh khiến cho màn đêm trở nên mờ ảo đầy nguy hiểm. Hắn nhìn xuôi xuống đồi về phía ánh đèn của những cửa hàng đã đóng cửa, rồi nhìn ngược lên phố nơi những ngôi nhà cao tầng cuối cùng chạy vòng quanh đồi và chìm dần vào bóng tối của khu nghĩa địa cũ.

Gã đàn ông tên Jack hít hít không khí. Rồi, không chút vội vã, hắn bước lên đồi.

º º º

Ngay từ lúc mới biết đi, thằng bé đã trở thành niềm vui và nỗi tuyệt vọng của bố mẹ, vì chưa từng có thằng bé nào lại hay đi vơ vẩn, hay trèo lên các thứ, hay chui ra chui vào mọi chỗ như thế. Đêm đó, nó bị đánh thức bởi tiếng một vật gì đó ở tầng dưới đổ xuống đánh rầm. Khi đã thức giấc, chẳng mấy chốc nó đâm chán, và bắt đầu tìm cách chui ra khỏi nôi. Cái nôi có thành cao, giống như thành cái cũi của nó ở dưới nhà, nhưng nó dám chắc mình có thể trèo qua được. Nó chỉ cần một cái bậc…

Nó liền lôi con gấu bông lớn màu vàng ra đặt ở góc nôi, rồi, nắm lấy thành nôi bằng hai bàn tay bé xíu, giẫm một chân lên bụng, một chân lên đầu con gấu, thằng bé đu mình đứng dậy, rồi nửa trèo, nửa rơi qua thành nôi ra ngoài.

Nó ngã xuống đánh thịch một cái trên đống thú nhồi bông, có con là quà tặng sinh nhật của họ hàng nhân dịp nó đầy năm, cách đây chưa đầy sáu tháng, có con được thừa hưởng từ chị nó. Nó hơi ngạc nhiên khi bị ngã xuống sàn, nhưng nó không khóc: ta mà khóc thì sẽ có người đến đặt lại vào trong nôi liền.

Nó bò ra khỏi phòng.

Các bậc thang đi lên khá rắc rối, và thằng bé chưa nắm vững được cách trèo lên. Nhưng nó đã phát hiện ra rằng các bậc thang đi xuống lại rất đơn giản. Nó chỉ việc ngồi xuống và trượt từ bậc này xuống bậc kia trên cái mông đã được đệm bằng chiếc tã.

Nó mút mút cái ti, chiếc núm vú giả bằng cao su mà dạo gần đây mẹ bảo nó đã lớn rồi, không cần đến nữa.

Chiếc tã tuột ra trong quãng đường xuống cầu thang, và khi thằng bé đến được bậc cuôì cùng, trượt vào gian sảnh ở tầng dưới rồi đứng dậy, thì cái tã rơi mất. Nó bước ra khỏi cái tã. Nó chỉ mặc một chiếc áo ngủ trẻ em. Những bậc thang dẫn về phòng nó, phòng bố mẹ và chị nó dốc quá, nhưng cánh cửa dẫn ra phố lại đang mở và nom thật hấp dẫn…

Thằng bé bước ra khỏi nhà, hơi ngập ngừng một chút. Màn sương cuộn quanh nó như một người bạn lâu ngày gặp lại. Và rồi, mới đầu còn loạng choạng, sau rồi với bước chân mỗi lúc một nhanh và vững vàng hơn, thằng bé chập chững đi lên đồi.

º º º

Càng gần đến đỉnh đồi, màn sương càng mỏng, vầng trăng lưỡi liềm tỏa sáng, tuy không thể so với ánh sáng ban ngày, nhưng ít ra cũng đủ để thấy được khu nghĩa địa, ít ra thì cũng đủ cho việc đó.

Nhìn mà xem.

Bạn có thể nhìn thấy ngôi nhà nguyện tang lễ bỏ hoang, hai cánh cổng sắt khóa chặt, dây trường xuân bám quanh cái mái hình chóp nhọn, một cây con mọc trên máng xối ngang mái nhà.

Bạn có thể nhìn thấy những bia mộ, những cái huyệt, nhà mồ và những tấm biển tưởng niệm. Bạn có thể thỉnh thoảng trông thấy một con thỏ, chuột đồng hay chồn lủi đi rất nhanh khi nó chui ra khỏi bụi rậm và chạy ngang lối đi.

Dưới ánh trăng, bạn sẽ nhìn thấy tất cả những thứ đó, nếu bạn có mặt ở nơi này vào cái đêm ấy.

Nhưng có lẽ bạn sẽ không trông thấy người phụ nữ phốp pháp, nhợt nhạt, đang bước trên lối mòn gần cổng chính, và nếu bạn có nhìn thấy bà thì khi nhìn lại một lần nữa, kỹ càng hơn, bạn sẽ thấy rằng bà chỉ là ánh trăng, là màn sương, là một cái bóng. Nhưng người phụ nữ phốp pháp, nhợt nhạt ấy đang có mặt ở đó. Bà bước trên con đường dẫn đến cổng chính, đi qua một đống bia mộ đổ nát.

Cổng đã khóa. Chúng luôn được khóa lúc bốn giờ chiều vào mùa đông, và tám giờ tối vào mùa hè. Những thanh rào sắt nhọn đầu bao quanh một phần nghĩa địa, và một bức tường gạch cao chắn phần còn lại. Chấn song ở cánh cổng được gắn sát nhau: người lớn không thể chui qua đó được, thậm chí một đứa trẻ mười tuổi cũng không…

“Ông Owens!” người đàn bà da nhợt nhạt cất tiếng gọi, bằng một giọng có thể chỉ là tiếng gió xào xạc qua đám cỏ cao. “Ông Owens! Lại xem này!”

Bà cúi xuống, chăm chú nhìn vật gì đó trên mặt đất, trong khi một mảng bóng tối hiện ra dưới ánh trăng và hiện rõ hình một người đàn ông tóc hoa râm, độ bốn mươi lăm tuổi. Ông nhìn bà vợ, nhìn vật mà bà đang ngắm nghía, và đưa tay lên gãi đầu.

“Bà Owens này?” ông hỏi, bởi vì ông đến từ một thời kỳ trọng nghi thức hơn thời của chúng ta. “Đó có phải là cái mà tôi nghĩ không đấy?”

Đúng lúc đó, cái vật mà ông đang nhìn hình như đã trông thấy bà Owens, vì nó mở miệng ra, để rơi cái núm vú giả đang ngậm xuống đất, và nó vươn nắm tay nhỏ xíu, mũm mĩm của mình ra, như thể đang cố hết sức nắm lấy ngón tay nhợt nhạt của bà Owens.

“Nếu đó không phải một đứa bé,” ông Owens nói, “thì tôi đúng là thằng ngốc rồi!”

“Tất nhiên nó là một đứa bé,” vợ ông đáp. “Và vấn đề là, chúng ta phải làm gì với nó đây?”

“Đó đúng là vấn đề đấy, bà Owens à,” ông chồng trả lời. “Thế nhưng nó không phải vấn đề của chúng ta. Vì đứa bé này rõ ràng là đang còn sống, và vì vậy nó chẳng liên quan gì đến chúng ta, nó không thuộc về thế giới của chúng ta.”

“Ông nhìn nó cười kìa!” bà Owens nói. “Nó có nụ cười mới đáng yêu làm sao,” và bà đưa bàn tay trong suốt ra vuốt mái tóc vàng lơ thơ của đứa bé. Thằng bé cười khúc khích vẻ thích thú.

Một cơn gió lạnh buốt thổi qua nghĩa địa, làm tan tác màn sương ở dưới những sườn đồi thấp hơn (vì nghĩa địa chiếm hết toàn bộ đỉnh đồi, và đường đi trong nghĩa địa uốn lượn lên xuống đỉnh đồi thành một vòng tròn). Có tiếng lách cách: ai đó ở cổng chính nghĩa địa đang nắm lấy cánh cổng, kéo, giật và lắc mạnh hai cánh cổng cũ cùng cái khóa và sợi xích nặng khóa hai cánh cổng lại với nhau.

“Đấy,” ông Owens nói, “gia đình thằng bé đến để đón nó vào vòng tay yêu thương của họ đây. Bà để cho nó yên đi,” ông nói thêm, vì bà Owens đang vòng hai cánh tay trong suốt quanh đứa bé, âu yếm vỗ về nó.

Bà Owens bảo, “Trông hắn chẳng có vẻ là gia đình của ai hết.” Gã đàn ông mặc chiếc áo choàng đen đã thôi lắc cánh cổng chính, chuyển sang săm soi cánh cổng phụ nhỏ hơn. Cánh cổng này cũng khóa chặt. Năm ngoái ở nghĩa địa xảy ra mấy vụ phá hoại, và hội đồng thành phố đã có Biện pháp Giải quyết.

“Thôi nào, bà Owens thân yêu. Để cho nó yên”, ông Owen nói khi trông thấy một con ma, và ông há hốc miệng, không nghĩ được câu gì để nói nữa.

Bạn có thể cho rằng – và nếu bạn nghĩ như thế này thì bạn đã đúng – ông Owens lẽ ra chẳng nên kinh ngạc đến thế khi trông thấy một con ma, vì chính ông và bà Owens cũng là người chết, đã chết từ hàng trăm năm nay rồi; hơn nữa, toàn bộ, hoặc gần như toàn bộ sinh hoạt xã hội của họ đều là với những người cũng đã chết. Nhưng có sự khác biệt rõ ràng giữa đám dân cư của nghĩa địa với cái này: một hình thù kỳ lạ, chập chờn, thô sơ, có màu xam xám như màn hình ti vi lúc không có sóng, chỉ tuyền một nỗi kinh hoàng và những tình cảm trần trụi xuyên thẳng qua hai vợ chồng nhà Owens như thể đó là cảm xúc của chính họ vậy. Có ba hình thù tất cả, hai lớn, một nhỏ, nhưng chỉ có một hình là rõ nét, trông rõ hơn một đường viền mờ nhạt. Và hình thù đó đang kêu lên, Con tôi! Hắn đang muốn hại con tôi!

Có tiếng rầm rầm. Gã đàn ông ở ngoài kia đang vần một cái thùng rác nặng bằng sắt ngang qua con hẻm đến bên bức tường gạch cao bao quanh một phần nghĩa địa.

“Xin hãy bảo vệ con tôi!” con ma nói, và bà Owens đoán đó là một phụ nữ. Tất nhiên rồi, mẹ của đứa bé.

“Hắn đã làm gì các vị thế?” bà Owens hỏi, nhưng bà không dám chắc con ma nghe được giọng bà. Mới chết, tội nghiệp, bà thầm nhủ. Bao giờ cũng dễ dàng hơn rất nhiều nếu được chết một cách nhẹ nhàng, để rồi đến đúng lúc thì sẽ thức dậy ở nơi mình được chôn, chấp nhận cái chết của mình và làm quen với những cư dân khác trong nghĩa địa. Nhưng con ma này chỉ toàn nỗi hoảng hốt và sợ hãi lo cho đứa con của mình, và nỗi hốt hoảng ấy, mà hai vợ chồng nhà Owens cảm thấy như một tiếng kêu lầm rầm, đã bắt đầu gây sự chú ý, vì những hình dáng nhợt nhạt khác đang từ khắp mọi nơi trong nghĩa địa kéo đến.

“Ngươi là ai?” Caius Pompeius hỏi hình thù nọ. Tấm bia mộ của cụ giờ chỉ còn là một tảng đá dầm mưa đãi nắng, nhưng hai nghìn năm trước, cụ đã yêu cầu được chôn cất trên đỉnh đồi bên cạnh ngôi đền bằng cẩm thạch chứ không muốn thi thể mình được đưa về La Mã, và cụ là một trong những công dân lâu năm nhất của nghĩa địa. Cụ rất coi trọng các trách nhiệm của mình. “Ngươi có được chôn ở đây không?”

“Tất nhiên là không rồi! Nhìn cũng biết chị ấy mới chết thôi.” Bà Owens vòng tay ôm lấy hình người phụ nữ kia và khẽ nói với người ấy mấy lời, bằng giọng trầm trầm, bình tĩnh, an ủi.

Có một tiếng thịch, rồi tiếng rầm rầm ở bức tường cao cạnh con hẻm. Cái thùng rác đã đổ xuống. Một gã đàn ông trèo lên nóc tường, hình dáng tối sẫm của hắn nổi bật hẳn lên dưới ánh đèn đường mờ sương. Hắn đứng yên một lát, rồi trèo xuống phía bên kia, tay bám nóc tường, chân đong đưa, rồi hắn buông tay để mình rơi tự do nốt vài mét xuống khu nghĩa địa.

“Nhưng chị thân mến,” bà Owens nói với hình người kia, trong số ba hình người đã hiện ra trong nghĩa địa, giờ chỉ còn một hình duy nhất ấy. “Hắn là người sống. Chúng tôi thì không. Làm sao chị lại cho rằng…”

Đứa bé đang ngước nhìn họ vẻ tò mò. Nó với tay về phía một người, rồi người kia, nhưng chẳng quờ được gì ngoài không khí. Hình người phụ nữ đang mờ đi rất nhanh.

“Được thôi,” bà Owens nói, đáp lại một câu hỏi mà không ai khác nghe thấy. “Nếu làm được thì chúng tôi sẽ làm”. Rồi bà quay sang ông chồng đang đứng cạnh. “Thế còn ông thì sao, ông Owens? Ông có chịu làm bố thằng bé này không?”

“Tôi có chịu làm cái gì cơ?” ông Owens hỏi, trán nhăn lại.

“Chúng ta chưa bao giờ có con,” vợ ông nói. “Và mẹ nó nhờ chúng ta bảo vệ nó. Ông có đồng ý không?”

Gã đàn ông mặc áo choàng đen đã bị vấp ngã giữa đám dây trường xuân cùng đống bia mộ đổ vỡ. Giờ thì hắn đứng dậy, rồi đi về phía trước một cách thận trọng hơn, làm một con cú giật mình lặng lẽ bay lên. Hắn đã nhìn thấy đứa bé, và mắt hắn lóe lên vẻ đắc thắng.

Ông Owens biết rõ vợ mình đang nghĩ gì khi bà nói bằng cái giọng như thế. Họ đã ở với nhau kể cả lúc sống lẫn lúc chết là hai trăm năm mươi năm rồi chứ có ít đâu. “Bà có chắc không?” ông hỏi. “Bà chắc chắn đấy chứ?”

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy chắc chắn hơn,” bà Owens trả lời.

“Thế thì được. Nếu bà làm mẹ nó thì tôi sẽ làm bố nó.

“Chị đã nghe thấy chưa?” bà Owens hỏi hình người trong nghĩa địa, giờ chỉ rõ hơn chút xíu so với một đường viền mờ nhạt, giống như một tia chớp mùa hạ xa xăm, có hình dáng một phụ nữ. Hình người ấy nói gì đó với bà Owens mà không ai khác nghe được, rồi biến mất.

“Chị ấy sẽ không quay lại đây đâu”, bà Owens nói. “Khi thức dậy thì chị ấy sẽ ở nghĩa địa của chính mình, hoặc là ở bất cứ nơi đâu mà chị ấy đang đến.”

Bà Owens cúi xuống bên đứa bé và chìa tay ra. “Lại đây nào”, bà âu yếm nói. “Lại đây với mẹ nào”.

Khi gã đàn ông tên Jack bước trên lối đi cắt ngang nghĩa địa đến chỗ họ, dao lăm lăm trong tay, hắn thấy dường như dưới ánh trăng, một dải sương đã cuộn quanh đứa bé, rồi đứa bé biến mất: chỉ còn lại màn sương ẩm ướt, ánh trăng và lớp cỏ đang ngả nghiêng trong gió.

Hắn chớp chớp mắt đánh hơi không khí. Có điều gì đó vừa xảy ra, nhưng hắn không biết là điều gì. Hắn gầm ghè trong họng như một con thú săn mồi, bực dọc và giận dữ.

“Có ai ở đây không?” gã đàn ông tên Jack cất tiếng gọi, băn khoăn không biết có phải đứa bé đã trốn đằng sau một cái gì đó không. Giọng hắn khàn khàn, trầm dục, với một thoáng the thé kỳ lạ, như thể ngạc nhiên hay bối rối khi nghe thấy chính mình lên tiếng.

Khu nghĩa địa vẫn giữ kín bí mật của mình.

“Có ai ở đây không?” hắn lại gọi. Hắn hy vọng sẽ nghe thấy đứa bé khóc hoặc bi bô, hoặc nghe thấy tiếng nó cử động. Hắn không ngờ lại nghe thấy một giọng nói êm như nhung, hỏi lại.

“Tôi giúp gì được ông không?”

Gã đàn ông tên Jack vốn là người cao. Người đàn ông này còn cao hơn. Gã đàn ông tên Jack mặc quần áo sẫm màu. Quần áo của người đàn ông này còn sẫm màu hơn. Người nào để ý đến gã đàn ông tên Jack lúc hắn đang thực hiện công việc của mình – mà hắn không thích bị để ý – đều thường cảm thấy lo ngại, không yên, hoặc bỗng thấy sợ hãi không sao hiểu nổi. Gã đàn ông tên Jack ngước nhìn người lạ mặt nọ, và chính gã lại là kẻ cảm thấy lo ngại.

“Tôi đang tìm một người,” gã đàn ông tên Jack đáp, luồn tay phải vào túi áo khoác để giấu kín con dao, nhưng vẫn nắm nó trong tay phòng khi cần đến.

“Trong một khu nghĩa địa bị khóa kín, giữa lúc đêm hôm ư?” người lạ mặt hỏi.

“Chỉ là một đứa bé thôi,” Jack nói. “Tôi đang đi qua đây thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc, và khi nhìn qua cổng tôi đã trông thấy nó. Nếu là người khác thì họ cũng làm thế thôi, phải không?”

“Tôi xin hoan nghênh tinh thần cộng đồng của ông”, người lạ mặt nói. “Nhưng nếu tìm được đứa bé này thì ông định đưa nó ra khỏi đây bằng cách nào? Ông không thể bế đứa bé trèo qua tường được”.

“Tôi sẽ gọi cho đến khi có người đến giúp tôi ra,” gã đàn ông tên Jack trả lời.

Có tiếng chùm chìa khóa lách cách. “Vậy đấy, thế thì đó sẽ là tôi rồi,” người lạ mặt nói. “Tôi sẽ phải mở cổng cho ông ra thôi.” Người đó chọn một chiếc chìa lớn từ trong chùm rồi nói, “Đi theo tôi.”

Gã đàn ông tên Jack theo sau người lạ mặt. Hắn lôi con dao từ trong túi ra. “Hẳn ông là bảo vệ ở đây?”

“Tôi ấy à? Nói theo một cách nào đó thì đúng thế”, người lạ mặt đáp. Họ đang đi về phía cánh cổng, và gã Jack dám chắc họ đang đi khỏi chỗ có đứa bé. Nhưng lão bảo vệ có chìa khóa. Hắn chỉ việc tặng cho lão một nhát dao trong bóng tối, rồi sẽ được tự do tìm kiếm đứa bé suốt đêm, nếu cần.

Hắn giơ dao lên.

“Nếu có một đứa bé thật,” người lạ mặt nói, không hề ngoảnh lại, “thì nó sẽ không có trong nghĩa địa này. Chắn hẳn ông đã nhầm. Dù sao thì chuyện một đứa bé mò đến đây cũng khó có thể xảy ra. Có lẽ ông đã nghe thấy tiếng một con chim đêm, và nhìn thấy một con mèo hoặc con cáo. Ông biết đấy, ba mươi năm trước, khi lễ tang cuối cùng được tổ chức ở đây, họ đã chính thức tuyên bố nơi này là khu bảo tồn tự nhiên. Giờ thì hãy nghĩ cho kỹ, và cho tôi biết ông có chắc chắn là ông đã nhìn thấy một đứa bé không?”

Gã đàn ông tên Jack ngẫm nghĩ.

Người lạ mặt mở cánh cổng phụ. “Có lẽ là một con cáo,” người ấy nói. “Chúng thường phát ra những tiếng kêu rất lạ, không phải là không có phần giống tiếng người khóc. Ông đã nhầm khi đến khu nghĩa địa này, thưa ông. Đứa bé ông tìm kiếm đang đợi ông ở đâu đó, nhưng nó không có ở đây”. Và người ấy để cho ý nghĩ đó bắt rễ trong đầu gã đàn ông tên Jack một hồi lâu, trước khi đẩy cánh cổng phụ mở ra bằng một điệu bộ hoa mỹ. “Rất vui đã được làm quen với ông” người đó nói. “Và tôi tin rằng ông sẽ tìm được tất cả những gì ông cần ở ngoài kia”

Gã đàn ông tên Jack đứng ngoài cánh cổng nghĩa địa. Người lạ mặt đứng bên trong cổng, rồi người ấy khóa cổng lại và cất chiếc chìa đi.

“Ông đi đâu vậy?” gã đàn ông tên Jack hỏi.

“Còn có những cánh cổng khác” người lạ mặt đáp. “Ô tô của tôi đậu ở phía bên kia đồi. Đừng bận tâm đến tôi. Thậm chí ông còn không cần phải nhớ cuộc trò chuyện này nữa kia.”

“Không,” gã đàn ông tên Jack thân thiện đáp lại.

“Tôi không nhớ.” Hắn chỉ nhớ rằng mình đã lang thang lên đồi, rằng cái mà hắn ngỡ là đứa bé hóa ra chỉ là một con cáo, rằng một người bảo vệ đầy thiện chí đã đưa hắn ra ngoài phố. Hắn đút con dao vào cái vỏ trong túi áo. “Thôi” hắn nói. “Xin chào ông.”

“Chúc ông buổi tối tốt lành,” người lạ mặt mà Jack ngỡ là người bảo vệ đáp lại.

Gã đàn ông tên Jack đi xuống đồi để đuổi theo đứa bé.

º º º

Từ trong bóng tối, người lạ mặt nhìn theo Jack cho đến khi hắn đã ra khỏi tầm mắt. Rồi người ấy đi xuyên qua bóng đêm, trèo lên cao hơn, đến tận khoảng đất bằng bên dưới đỉnh đồi, nơi có một đài tưởng niệm cùng một tảng đá phẳng đặt nằm trên mặt đất để tưởng nhớ hương hồn ngài Josiah Worthington, người nấu rượu của thành phố, chính trị gia, và sau này là nam tước, người mà ba trăm năm trước đã mua khu nghĩa địa cũ cùng khoảng đất xung quanh rồi đem tặng vĩnh viễn cho thành phố. Ngài Josiah đã tự dành cho mình vị trí tốt nhất trên đồi – một giảng đường thiên tạo, nơi người ta có thể nhìn thấy được toàn bộ thành phố và xa hơn thế – và đảm bảo chắc chắn rằng khu nghĩa địa luôn được duy trì làm nghĩa địa, mà chính vì điều đó các cư dân của nghĩa dịa hết sức biết ơn ngài, nhưng Nam tước Josiah Worthington luôn cảm thấy họ chưa bao giờ tỏ ra biết ơn cho đầy đủ.

Tính cả thảy thì trong nghĩa địa có chừng mười ngàn linh hồn, nhưng phần lớn đều đang say giấc ngàn thu, không quan tâm gì đến những việc xảy ra hàng đêm ở đây, và trên giảng đường lúc này, dưới ánh trăng, chỉ có chưa đầy ba trăm người.

Người lạ mặt đi đến chỗ họ một cách lặng lẽ chẳng khác nào màn sương, đứng quan sát cuộc họp từ trong bóng tối và không nói gì.

Josiah Worthington đang phát biểu. Ngài nói, “Thưa bà thân mến. Sự ngoan cố của bà thật là… ờ, bà không thấy chuyện này nực cười đến thế nào ư?”

“Không,” bà Owens đáp. ‘Tôi không thấy thế.”

Bà đang ngồi xếp bằng trên nền đất, đứa bé còn sống nằm ngủ trong lòng. Bà nâng niu đầu nó bằng hai bàn tay trong veo.

“Thưa ngài, xin phép ngài, ý bà nhà tôi định nói là bà ấy không nhìn nhận chuyện này theo cách đó,” ông Owens đang đứng cạnh bà nói. “Bà ấy chỉ coi đó là bổn phận của mình.”

Ông Owens đã từng gặp Josiah Worthington bằng xương bằng thịt khi họ đều còn sống, chính ông đã đóng mấy món đồ gỗ tinh xảo trong dinh thự của dòng họ Worthington ở gần Inglesham, và giờ ông vẫn còn thấy sợ ngài Nam tước.

“Bổn phận của bà ấy?” Nam tước Josiah Worthington lắc đầu như muốn rũ một dải mạng nhện bám trên tóc. “Bổn phận của bà, thưa bà, là đối với nghĩa địa này, đối với cộng đồng này, cộng đồng những linh hồn, ma quỷ và các thứ khác đại loại thế, và bổn phận của bà là đem đứa bé này trả về nhà của nó càng sớm càng tốt – và nhà của nó không phải là ở đây.”

“Mẹ thằng bé đã trao nó cho tôi,” bà Owens nói như thể đó là tất cả những gì cần được thốt ra.

“Thưa bà thân mến…”

“Tôi không phải là bà thân mến của ông,” bà Owens nói và dứng dậy. “Thật tình tôi thậm chí còn không hiểu sao tôi lại phải ở đây, nói chuyện với mấy ông già xuẩn ngốc như các ông, trong khi thằng bé này sắp sửa tỉnh dậy, rồi nó sẽ thấy đói bụng và tôi biết tìm đâu ra thức ăn cho nó trong cái nghĩa địa này bây giờ?”

“Đó chính là điều chúng tôi định nói đấy,” Caius Pompeius nghiêm nghị nói. “Bà sẽ cho nó ăn gì đây? Bà sẽ làm cách nào chăm lo cho nó đây?”

Mắt bà Owens lóe sáng. “Tôi có thể chăm sóc cho nó tốt không kém gì mẹ đẻ của nó,” bà nói. “Mẹ nó đã trao nó cho tôi. Nhìn này: tôi đang ôm nó trong tay, phải không nào? Tôi đang chạm vào nó đấy thôi”

“Nào, hãy tỏ ra biết điều một chút, Betsy,” Má Slaughter, một bà già nhỏ bé với cái mũ to tướng và chiếc áo choàng mà má thường mặc khi còn sống và đã mặc khi được an táng. “Nó sẽ ở đâu bây giờ?”

“Ở ngay đây” bà Owens đáp. “Chúng ta sẽ cho nó Quyền Tự do Đi lại Trong Nghĩa địa”

Miệng Má Slaughter biến thành một chữ o nhỏ xíu.

“Nhưng mà,” má lên tiếng. Rồi má nói, “Thật là chuyện chưa từng thấy bao giờ”.

“Thế thì sao nào? Đây đâu phải lần đầu chúng ta cho một người ngoài Quyền Tự do Đi lại Trong Nghĩa địa.”

“Đúng thế,” Caius Pompeius nói. “Nhưng anh ta có phải người sống đâu.”

Khi nghe thấy vậy, người lạ mặt nhận ra dù muốn hay không mình đã bị kéo vào cuộc trò chuyện. Người ấy miễn cưỡng bước ra khỏi màn đêm, đứng tách xa khỏi những người khác như một mảng bóng tôi. “Không,” người đó đồng tình. “Tôi không phải người sống. Nhưng tôi đồng ý với bà Owens.”

Josiah Worthington hỏi, “Thật thế sao, Silas?”

“Đúng vậy. Dù vì điều tốt hay xấu – mà tôi tin chắc là vì lòng tốt – thì ông bà Owens cũng đã nhận bảo trợ đứa bé. Nhưng để nuôi dưỡng đứa bé này thì sẽ phải cần nhiều hơn hai linh hồn nhân hậu. Sẽ phải cần đến toàn thể nghĩa địa” Silas nói.

“Thế còn thức ăn và những thứ khác thì sao?”

“Tôi có thể ra khỏi nghĩa địa và quay lại. Tôi sẽ đem thức ăn về cho nó,” Silas đáp.

“Anh nói nghe hay lắm” Má Slaughter nói. “Nhưng anh đi đi về về, có ai biết được anh đi những đâu. Nếu anh bỏ đi cả tuần trời thì thằng bé chết đói mất.”

“Má quả là người khôn ngoan” Silas nói. “Tôi đã hiểu tại sao mọi người tôn trọng má đến thế.” Anh ta không thể điều khiển trí não của người chết như từng làm với người sống, nhưng có thể dùng tất cả những lời tâng bốc và thuyết phục mà mình có được, bởi vì con người dù đã chết thì vẫn không miễn dịch được với hai thứ đó. Rồi anh đi đến một quyết định. “Được thôi. Nếu ông bà Owens nhận làm bố mẹ đứa bé thì tôi sẽ là người bảo trợ cho nó. Tôi sẽ ở lại đây, và nếu phải đi xa thì tôi sẽ đảm bảo có người thế chỗ tôi, đem thức ăn về và chăm sóc nó. Chúng ta có thể cho nó ở trong hầm mộ nhà thờ”

“Nhưng mà,” Josiah Worthington lớn tiếng. “Nhưng mà. Một đứa trẻ. Một đứa trẻ còn sống. Ý tôi là, ý tôi là, ý tôi là. Chết tiệt, đây là nghĩa địa chứ có phải nhà trẻ đâu.”

“Chính thế,” Silas gật đầu. “Ngài nói rất đúng, thưa Nam tước Josiah. Chính tôi cũng không thể nói đúng hơn. Và nếu không vì lý do nào khác, thì chính vì lý do đó, điều tối quan trọng là đứa bé phải được nuôi nấng với sự hạn chế tối đa ảnh hưởng của nó đối với, xin nói mạn phép các vị, đối với cuộc sống của nghĩa địa.” Nói đoạn Silas bước đến bên cạnh bà Owens, cúi nhìn đứa bé đang nằm ngủ trong vòng tay bà và nhướn mày. “Nó có tên chứ, bà Owens?”

“Mẹ nó không cho tôi biết,” bà đáp lại.

“Cũng chẳng sao,” Silas nói. “Dù gì thì bây giờ cái tên cũ của nó cũng chẳng có ích gì lắm. Có những kẻ ngoài kia đang muốn hại nó. Có lẽ chúng ta nên đặt cho nó một cái tên mới chăng?”

Caius Pompeius bước đến ngắm nghía đứa bé. “Trông nó hơi giống ngài thống đốc Marctis của tôi. Hãy gọi nó là Marcus.”

Josiah Worthington nói, “Trông nó giống lão làm vườn Stebbins của tôi hơn. Nhưng tôi không gợi ý đặt tên nó là Stebbins đâu. Lão ta uống rượu như hũ chìm ấy.”

“Trông nó giống cậu cháu Harry của tôi” Má Slaughter nói, và đến lúc có vẻ như toàn thể nghĩa địa sắp sửa chêm vào, mỗi người góp một ý so sánh đứa bé với một người quen nào đó từ xa xưa lắm rồi, thì bà Owens lên tiếng.

‘Trông nó chẳng giống ai cả, ngoại trừ chính nó” bà Owens nói. “Nó không giống ai cả.”

“Thế thì hãy gọi nó là Không Ai Cả, Nobody,” Silas nói. “Nobody Owens.”

Đúng lúc ấy, như thể đáp lại cái tên mới, thằng bé mở to mắt thức giấc. Nó nhìn xung quanh, ngắm khuôn mặt những người chết, ngắm màn sương và vầng trăng. Rồi nó đưa mắt nhìn Silas. Cái nhìn của nó không hề dao động. Nó có vẻ hết sức nghiêm trang.

“Nhưng ai lại đặt tên là Không Ai Cả!” Má Slaughter phẫn nộ kêu lên.

“Đó là tên nó. Một cái tên hay” Silas nói với má. “Cái tên ấy sẽ giúp bảo vệ thằng bé.”

“Tôi không muốn gặp chuyện rắc rối đâu,” Josiah Worthington nói. Đứa bé ngước lên nhìn ngài Nam tước, và rồi, vì đói, vì mệt, hay chỉ vì nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ thế giới cũ của mình, bộ mặt nhỏ xíu của nó co rúm lại và nó òa khóc.

“Bà hãy để chúng tôi nói chuyện riêng,” Caius Pompeius bảo bà Owens. “Chúng tôi sẽ bàn bạc việc này.”

Bà Owens đứng đợi ngoài nhà thờ. Bốn mươi năm trước, tòa nhà vốn là một nhà thờ nhỏ có mái nhọn này đã được tuyên bố là một công trình lịch sử được xếp hạng. Hội đồng thành phố quyết định rằng để tu sửa lại nhà thờ là quá tốn kém, vì nó chỉ là một nhà thờ nhỏ xíu trong một khu nghĩa địa đầy cỏ dại đã không còn hợp thời nữa, vậy là họ khóa cửa lại đợi cho nó sụp xuống. Dây trường xuân leo khắp tòa nhà, nhưng nó được xây dựng rất chắc chắn, và trong thế kỷ này thì vẫn chưa chịu đổ xuống.

Thằng bé đã thiếp ngủ trong vòng tay bà Owens. Bà nhẹ nhàng đu đưa, hát cho nó nghe bài ru cổ mà mẹ bà đã hát ru bà khi bà còn bé, vào cái thời đàn ông mới bắt đầu đội tóc giả rắc phấn. Bài hát ấy như thế này:

Hãy ngủ đi bé yêu của mẹ

Ngủ cho đến khi con thức dậy

Lớn lên con sẽ đuợc thấy thế gian

Nếu mẹ không nhầm

Hôn một người thương

Nhảy một điệu vui

Tìm thấy tên mình

Cùng một kho báu đã bị chôn vùi…

Bà Owens hát đến đó thì chợt nhận ra bà không còn nhớ bài hát kết thúc như thế nào nữa. Bà mang máng nhớ là câu cuối cùng có gì đó liên quan đến “mấy miếng thịt xông khói đầy lông” nhưng có lẽ đó lại là một bài hát khác hẳn, vì thế bà thôi không hát bài ấy nữa mà chuyển sang một bài về Chú Cuội ngồi trên Cung Trăng, rồi sau đó bà hát, bằng cái giọng nông thôn ấm áp của mình, một bài mới được sáng tác gần đây, về một chú bé mút ngón tay cái rồi rút ra một quả mận, và bà vừa bắt đầu bài balad dài dằng dặc về một chàng trai nông thôn không hiểu vì sao lại bị người yêu đầu độc bằng món lươn đốm, thì Silas đi từ cửa bên nhà thờ ra, mang theo một cál hộp các tông.

“Đây, bà Owens,” anh nói. “Cả đống thứ cần cho một chú bé đang lớn nhé. Chúng ta có thể để nó dưới hầm mộ, được đấy chứ?”

Cái khóa móc bật mở trong tay Silas và anh đẩy cánh cửa sắt ra. Bà Owens bước vào trong, nghi ngại liếc nhìn những cái giá và những chiếc ghế gỗ dài cũ kỹ xếp đống dựa vào một bức tường. Ở góc nhà thờ có một đám hộp mốc meo chất đầy sổ sách cũ của giáo xứ, và ở góc khác, một cánh cửa mở ra cho thấy một bồn cầu giật nước thời Victoria, một cái chậu rửa chỉ có độc vòi nước lạnh.

Đứa bé mở mắt nhìn quanh.

“Chúng ta có thể cất thức ăn ở đây” Silas nói. “Dưới này mát, thức ăn sẽ để được lâu hơn” Anh thò tay vào trong hộp lôi ra một quả chuối.

“Cái gì vậy?” bà Owens hỏi, liếc nhìn cái vật màu vàng đốm nâu vẻ nghi ngờ.

“Đây là quả chuối. Một thứ quả miền nhiệt đới. Tôi nghĩ để ăn thì phải bóc vỏ ra,” Silas nói, “như thế này này.”

Thằng bé – Không Ai Cả – cựa quậy trong tay bà Owens, vậy là bà đặt nó xuống sàn nhà lát đá. Nó lẫm chẫm bước nhanh đến bên Silas, túm ống quần anh và giữ chặt lấy.

Silas đưa cho nó quả chuối.

Bà Owens ngắm thằng bé ăn chuối. “Ch-u-ối,” bà nói vẻ hồ nghi. “Chưa nghe bao giờ. Chưa bao giờ. Mùi vị của nó ra sao?”

“Tôi có biết gì đâu” Silas đáp, anh chỉ dùng một thứ thức ăn duy nhất, và thứ ấy không phải là chuối. “Bà biết không, bà có thể dọn cho thằng bé một cái giường ở đây được đấy”

“Tôi sẽ không làm thế trong khi ông Owens và tôi có một ngôi mộ nhỏ xinh ở ngay bên luống thủy tiên vàng. Ở đấy có khối chỗ cho thằng bé. Hơn nữa” bà nói thêm, sợ Silas sẽ nghĩ là bà đang từ chối lòng hiếu khách của anh, “tôi không muốn thằng bé làm phiền anh”

“Có phiền gì đâu”

Đứa bé đã ăn xong quả chuối. Những gì nó không ăn thì giờ nhoe nhoét khắp cả người. Nó toét miệng cười, má dính đầy chuối, ửng hồng như hai quả táo.

“Chúi” nó vui sướng kêu lên.

“Thằng bé mới tinh khôn làm sao” bà Owens nói. “Và bôi bẩn ra khắp nơi rồi! Nào, yên nào, thằng nhóc hay cựa quậy này…” và bà nhặt hết những mẩu chuối dính trên quần áo, tóc tai nó. Bà hỏi, “Anh nghĩ họ quyết định thế nào?”

“Tôi không biết.”

“Tôi không thể bỏ nó được. Nhất là sau khi tôi đã hứa với mẹ nó.”

“Tuy đã từng làm rất nhiều việc trong đời,” Silas nói, “nhưng tôi chưa bao giờ làm mẹ cả. Và tôi cũng không định bắt đầu làm mẹ vào lúc này đâu. Nhưng tôi có thể rời khỏi nơi này..”

Bà Owens nói đơn giản, “Tôi thì không. Thân xác của tôi nằm ở đây. Cả ông nhà tôi cũng vậy. Tôi chẳng bao giờ rời đi đâu cả.”

“Có một nơi nào đó mà ta thuộc về kể cũng tốt” Silas nói. “Một nơi ta có thể gọi là nhà.” Trong lời nói của anh không có vẻ khao khát. Giọng anh còn khô hơn cả sa mạc, và anh thốt ra những lời ấy như thể chỉ là đang nói lên một điều không thể tranh cãi. Và bà Owens cũng không tranh cãi.

“Anh nghĩ chúng ta còn phải đợi lâu nữa không?”

“Không lâu nữa đâu,” Silas nói, nhưng anh đã nhầm.

Ở giảng đường bên sườn đồi, cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục. Việc hai vợ chồng nhà Owens, chứ không phải một con ma mới càn quấy nông nổi nào đó, lại vướng vào chuyện vớ vẩn này khiến mọi người rất chú ý, vì nhà Owens là những người đáng kính và được tôn trọng. Việc Silas tình nguyện làm người bảo trợ cho thằng bé cũng có một ảnh hưởng lớn – người dân trong nghĩa địa luôn có một nỗi kính sợ thận trọng đối với Silas, người có thể tồn tại ở vùng ranh giới giữa thế giới của họ và cái thế giới họ đã để lại phía sau. Thế nhưng, thế nhưng…

Một khu nghĩa địa thường không theo chế độ dân chủ, nhưng cái chết lại là một nền dân chủ vĩ đại, và mỗi người chết đều có tiếng nói cùng ý kiến của riêng mình về việc đứa bé còn sống kia có được phép ở lại đây không, và đêm đó thì ai ai cũng muốn được phát biểu.

Vào tiết thu muộn, trời thường lâu sáng. Dù trời vẫn còn tối, nhưng giờ đã có tiếng xe cộ đi từ dưới đồi lên, và khi người sống bắt đầu lái xe đi làm trong buổi bình minh tối đen mờ sương, thì những người chết lại bàn bạc về đứa bé đã lạc đến chỗ họ và họ nên làm gì với nó. Ba trăm giọng nói. Ba trăm ý kiến. Nehemiah Trot, thi sĩ, đến từ phía Tây Bắc đổ nát của nghĩa địa, bắt đầu hùng hồn trình bày suy nghĩ của mình, nhưng không ai có thể nói được những suy nghĩ ấy là gì vì một việc đã xảy ra; một việc khiến cho mọi cái miệng đang hùng hồn lên tiếng phải câm lặng, một việc chưa từng xảy ra trong lịch sử khu nghĩa địa này.

Một con ngựa trắng khổng lồ, loại mà những người sành ngựa thường gọi là “ngựa xám” đi nước kiệu lên sườn đồi. Trước khi nhìn thấy, người ta đã nghe thấy tiếng vó nện cùng những tiếng rầm rầm khi con ngựa xông qua các bụi rậm nhỏ, xuyên qua đám mâm xôi, trường xuân và kim tước mọc trên sườn đồi. Nó to bằng một con ngựa thồ, ít nhất phải cao mười chín gang tay. Đó là con ngựa có thể chở trên lưng một hiệp sĩ giáp trụ đầy đủ xông vào giữa trận chiến, nhưng trên cái lưng không đóng yên của nó chỉ là một người phụ nữ mặc đồ xám từ đầu đến chân. Chiếc váy dài và khăn choàng của bà nom như được dệt bằng tơ cổ.

Bà có gương mặt hế

Download ebook

Câu Chuyện Nghĩa Địa – Neil Gaiman


FULL:


AZW3


EPUB


PDF


PRC

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Câu Chuyện Nghĩa Địa – Neil Gaiman Tweet! Bod Owens là một cậu bé bình thường! Bod Owens lẽ ra là một cậu bé tuyệt đối…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose