Câu Chuyện Của Một Nữ Y Tá

Câu Chuyện Của Một Nữ Y Tá

Giới thiệu

Câu Chuyện Của Một Nữ Y Tá




Shalof bắt đầu nghề y tá bằng sự tự ti và nỗi sợ hãi. Nhưng Shalof không bao giờ bỏ cuộc và những đồng nghiệp của cô luôn ủng hộ cô. Họ tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân khác nhau: Những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối, những người hiến tạng và những người nhận các bộ phận đó, những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm mới. Công việc thường xuyên buộc cô phải đối mặt với những thách thức và vấn đề mới: vợ chưa cưới của một người bị tai nạn mô tô muốn giữ lại mẫu tinh dịch của anh, một y tá muốn gội đầu cho một bệnh nhân, một người chắc chắn sẽ không thể sống được đến ngày hôm sau, một gia đình giàu có tranh chấp tài sản của ông bố ngay cả khi ông sắp ra đi.
Shalof đã học được cách ứng xử với các bệnh nhân và cả gia đình họ. Để làm tốt điều này, cô không những cần đến sự hiểu biết về chuyên môn mà còn phải trưởng thành trong cuộc sống. Được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, Shalof đã chế ngự được bản thân để có thể phục vụ bệnh nhân với tất cả tình yêu thương.
Trong cuốn sách hài hước mà đượm buồn, thú vị mà sâu sắc này, Shalof đã tiết lộ cho người đọc thấy thế giới đằng sau những tấm rèm cửa luôn đóng kín của bệnh viện. Những giây phút yếu đuối của con người, tình bằng hữu đáng kinh ngạc… tất cả đều được thể hiện đầy sống động.
“….Cuồi cùng họ đã đưa được Andrea trở lại cuộc sống. Trong khi đó, tôi đến phòng thuốc để chuẩn bị ống truyền một loại thuốc mới có tác dụng rất mạnh gọi là amiodarone, chúng tôi sẽ dùng loại thuốc này để làm ổn định nhịp tim vẫn còn đang đập bất thường của Andrea. Để chuẩn bị loại thuốc đó, tôi mất khá nhiều thời gian. Sáu chiếc lọ thuỷ tinh được xếp dọc trên máy đếm và tôi đang vất vả cạy để mở chúng ra – tôi đã bị chiếc lọ đầu tiên cứa vào tay để lại một vết cắt trên ngón tay.
“Để đấy một lát đã”, Frances nói. “Cậu có muốn biết việc đầu tiên phải làm trong một ca tim ngừng đập không? Hãy hít thở thật sâu. Rồi bắt mạch. Ý mình là, của chính cậu ấy. Sau đó mới bắt mạch bệnh nhân. Hãy làm tất cả mọi việc thật từ từ. Đừng gấp gáp trong bất cứ điều gì. Đừng để bất cứ ai hay bất cứ điều gì thúc ép mình. Không bao giờ”. Cô quay trở lại phòng của Andrea. “À, tiện thể, có mẹo để mở những chiếc lọ này. Để mình chỉ cho cậu xem. Chúng sẽ bung ra chỉ với một sức ép rất nhẹ thôi. Cậu không thể bẻ chúng ra nếu cậu ấn quá mạnh.”
Thoải mái, không căng thẳng. Nhẹ, không nặng. Chậm, không gấp gáp. Thả lỏng, không vội vã. Làm sao tôi học được tất cả những điều này đây?
Ngày hôm đó, tim Andrea lại ngừng đập một lần nữa và lần này thì cô đã không vượt qua được, đó là cách mà Frances đã nhẹ nhàng thông báo cho chồng cô biết. Anh ta đã biết điều đó, nhưng vẫn cần một ai đó nói  với anh. Anh gục vào tay Frances đủ rộng và mạnh mẽ cho rất nhiều nỗi đau và tôi biết rằng có thể ôm được nỗi đau của anh ta, và cả của tôi nữa trong khi bản thân cô vẫn giữ được bình tĩnh.
Cái chết của Andrea tác động đến rất nhiều y tá, những người cùng chia sẻ cảm xúc với một con người còn quá trẻ, vừa mới cưới cuộc sống của cô còn biết bao nhiêu mơ ước, hứa hẹn. Một vài y ta qua phòng để chia buồn cùng gia đình nạn nhân, hay nhìn cơ thể đáng yêu nằm trên giường kia lần cuối, cơ thể cô vẫn còn đang gắn với những thứ máy móc giờ đã trở nên im lìm, vô dụng, ngắt khỏi nguồn điện, những màn hình đã đen ngòm, trống rỗng. Một vài người thậm chí còn khóc, và tôi nhận thấy rằng những giọt nước mắt đó đã khiến gia đình cô cảm động. Có thể họ biết rằng các y tá không phải lúc nào cũng có thể khóc vì những bệnh nhân của mình, vì thế khi họ khóc, gia đình thực sự biết ơn vì nỗi đau của họ được chia sẻ…”
Mục lục:

  • Lời giới thiệu
  • Lời tựa
  • Cảm ơn
  • Những chỉ số
  • Đầu tiên, hãy bắt mạch của chính mình
  • Tĩnh mạch, động mạch, và hơn thế nữa
  • Con dao găm trên giường bệnh
  • Giảm áp
  • Chị em gái của không trung
  • Tặng và hiến
  • Lòng biết ơn
  • Người cai quản thiên đàng
  • Trang hoàng
  • Những lời đẹp đẽ
  • Sự khác nhau giữa bàn chân và dương vật
  • Suỵt! nó đấy!
  • Mệt, đói
  • Suýt chết
  • Những bức ảnh
  • Tù nhân chiến tranh
  • Thay ca
  • ***
20 năm làm việc tại phòng hồi sức cấp cứu của một bệnh viện lớn tại thành phố Toronto (Canada), nữ y tá Tilda Shalof đã ghi lại những câu chuyện của bà như một ước vọng chia sẻ sâu sắc về nghề y tá – một công việc thầm lặng nhưng luôn đòi hỏi sự chịu đựng bền bỉ của những “lương y như từ mẫu”.

Tilda nói rằng đặc quyền của những y tá là được “nhìn” vào cuộc sống của bệnh nhân khi cùng họ đi qua những khoảnh khắc riêng tư, những giây phút mà con người bộc lộ sự yếu đuối nhất của bản thân. Và cô đã kể rất nhiều trong cuốn sách Câu chuyện của một nữ y tá (NXB Lao động Xã hội và Thái Hà Book ấn hành). Mỗi một nhân vật – bệnh nhân trong ký ức của Tilda đều có những số phận, hoàn cảnh bi hài khác nhau. Đó có thể là tâm sự cuối cùng của những người hiến xác cho y học và những người may mắn nhận được món quà sự sống ấy; là một gia đình tìm hết mọi phương cách để duy trì sự sống cho người thân dù biết rằng tất cả mọi sự cố gắng đều vô nghĩa; đó còn là những day dứt tận đáy lòng khi người y tá buộc phải truyền dịch để có thể kết thúc cuộc sống bệnh nhân sớm hơn, tránh cho họ những giày vò đau đớn trên thể xác đã mất dần sự sống…

Tilda bắt đầu nghề y tá bằng nỗi sợ hãi. Nhưng cuối cùng nữ y tá của phòng hồi sức cấp cứu ICU đã chế ngự được tất cả những nỗi lo lắng của bản thân để trở thành một người-phục-vụ-người đầy trách nhiệm. Cô đã học được cách ứng xử từ bệnh nhân và cả gia đình của họ, biết cách dung hòa và xoa dịu những nỗi đau, biết cả cách tự trấn an tinh thần chính mình trước nỗi đau của người khác. Nhiều người nói với Tilda rằng công việc cô đang làm quá đau buồn, gần như chỉ có sự lo lắng và nỗi sợ hãi luôn ngự trị. Nhưng Tilda và những đồng nghiệp của cô đã vượt qua tất cả. Bởi với những nữ y tá, “tình yêu thương chính là sự khôn ngoan vĩ đại nhất” để có thể vượt qua mọi thách thức của cuộc sống và công việc.

Câu chuyện của một nữ y tá là một hành trình dài và đượm buồn nhưng không kém phần sâu sắc của Tilda Shalof. Tác giả đã kể cho người đọc nghe những câu chuyện đằng sau những cánh cửa luôn đóng kín của phòng hồi sức bệnh viện – đó cũng là một thế giới khác của những người đứng trên bờ vực mong manh của sự sống và cái chết. Tất cả những ước vọng âm thầm và cả những điều tồi tệ nhất trong suy nghĩ của con người có thể được bộc lộ giữa lằn ranh sự sống.

***

TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC

“… Cuốn sách này là nỗ lực nhằm giải thích tại sao tôi không cảm thấy công việc của mình đau buồn hay phiền muộn – tại sao trong thực tế, tôi còn thấy nó đầy cảm hứng, thách thức, và không bao giờ hết những điều hấp dẫn. Nghề y tá không những đã cho tôi cơ hội để nắm bắt những kỹ năng chuyên môn mà còn vì trưởng thành với tư cách một con người, đối mặt sự yếu đuối của bản thân, và, trên hết là được làm việc với những con người là những người bạn rộng lượng và tận tâm, đồng thời cũng là những chuyên gia với tài năng phi thường trong nghề nghiệp.

Không, tôi không hề thấy công việc của mình đau buồn hay phiền muộn, tuy tôi tin rằng đôi khi nhiều y tá cảm thấy như thế, và tôi đã cố gắng giải thích mỗi khi họ lo lắng. Không những thế, tôi còn biết nhiều y tá trở nên chán nản và thất vọng bởi họ cho rằng bệnh viện, người dân và các chính trị gia thiếu tôn trọng và ghi nhận những đóng góp của họ. Nhiều y tá kiệt sức vì gánh nặng của những ca trực, khối lượng công việc, và tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng. Thêm vào đó, còn có một sức ép mà theo tôi là nghiêm trọng không kém và bao trùm tất cả: sự tiếp xúc thường xuyên với tất cả những nỗi đau đớn, tuyệt vọng mà những căn bệnh nguy kịch mang đến. Có thể có một điều còn khiến họ lo lắng hơn đó là khi chúng tôi đối mặt với những nguy cơ mới, có thể đẩy sức khỏe – thậm chí là cuộc sống – của chúng tôi vào sự nguy hiểm. Đó có thể là bị nguy cơ lây những căn bệnh truyền nhiễm chết người và môi trường làm việc độc hại…

… Tuy vậy, cuốn sách này không nhằm mục đích lôi kéo những con người trẻ tuổi vào công việc này hay can ngăn họ đừng làm vậy. Công việc y tá không phải việc dành cho tất cả mọi người, nhưng tôi có thể thành thực nói rằng bây giờ tôi đã học được một vài bài học đầy thách thức của nghề y tá và tôi rất mừng vì mình đã chọn nghề này. Công việc y tá đã không phụ lòng tôi….

…Đây là câu chuyện của rất nhiều câu chuyện. Đó là những gì tôi đã học được từ những người đồng nghiệp và những bệnh nhân trong suốt nhiều năm qua. Đó là hành trình tôi học cách chế ngự bản thân để có thể phục vụ người khác. Đó là những lời biết ơn của tôi dành cho nghề y tá và tất cả những y tá mà tôi đã biết, những y tá mà tôi có may mắn được cùng làm việc. Họ đã cho tôi sự quan tâm tuyệt vời nhất và điều đó đã làm nên tất cả sự khác biệt…”

Mời các bạn mượn đọc sách Câu Chuyện Của Một Nữ Y Tá của tác giả Tilda Shalof.

Download

Câu Chuyện Của Một Nữ Y Tá

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Câu Chuyện Của Một Nữ Y Tá Tweet! Shalof bắt đầu nghề y tá bằng sự tự ti và nỗi sợ hãi. Nhưng Shalof không bao giờ bỏ…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close