Bí Ẩn Một Cái Tên

Giới thiệu

Bí Ẩn Một Cái Tên




Cô bé 12 tuổi Heidi không biết ngày sinh của mình, không biết quê hương của mình ở đâu và cũng không biết cha ruột của mình là ai. Quả thực, mọi điều về quá khứ của Heidi và người mẹ thiểu năng của cô bé là một bí mật lớn. Khi bị ám ảnh bởi soof – một từ lạ trong vốn từ vựng của Mẹ, Heidi quyết định thực hiện một cuộc hành trình dọc đất nước để tìm kiếm bí mật về quá khứ của mình. Rời xa gia đình, những mảnh vụn của lịch sử cá nhân cô bé dần được ghép lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Nhưng khi biết được về sự thật mình là ai, mình từ đâu tới… liệu rằng điều đó có khiến Heidi cảm thấy hài lòng, và trên hết, có làm cho cô bé hạnh phúc như trước khi thực hiện cuộc hành trình truy tìm quá khứ.

***

“So B. It – Bí ẩn một cái tên” (NXB Hội Nhà văn) là tiểu thuyết của Sarah Weeks, nữ văn sĩ người Mỹ rất thành công với những tác phẩm dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Lần này, độc giả cùng khám phá hành trình đi tìm thân thế của cô bé 12 tuổi. Một hành trình độc đáo, lạ lùng và thấm đẫm nhân văn.

Câu chuyện được viết qua giọng kể của Heidi, cô bé 12 tuổi, sống với người mẹ bị thiểu năng trí tuệ trong một căn chung cư. May mắn là mẹ con cô có người hàng xóm tốt bụng Bernadette, một phụ nữ trung niên sống một mình sát vách nhà. Chính bà là người đỡ đần, chăm sóc 2 mẹ con từ khi Heidi mới chào đời. Do bác Bernadette mắc chứng sợ khoảng rộng, không thể ra khỏi nhà nên Heidi không được đến trường mà học tại gia do bác kèm cặp, dạy dỗ. Cuộc sống của 3 người chỉ quanh quẩn ở nhà, cửa hàng tạp hóa và thư viện gần đó. Người mẹ ngờ nghệch của cô bé chỉ có thể nói được 23 từ đơn giản, nhưng có một từ là Heidi luôn thắc mắc vì không tìm được nghĩa dù đã tra nhiều từ điển, đó là từ “soof”. Cho đến một ngày, Heidi phát hiện ra chiếc máy ảnh cũ và sau khi rửa hình, cô thấy có mẹ mình cùng những người lạ trong một trại nuôi dưỡng người khuyết tật ở New York. Điều kỳ lạ là mẹ cô chỉ vào một bức hình kêu lên “soof”. Điều đó càng thôi thúc Heidi đi tìm ý nghĩa của từ “soof” và khám phá xuất thân của mình. Bởi từ trước đến nay, cô không biết cha mình là ai, không biết ngày sinh nhật và đặc biệt là mẹ cô không có một giấy tờ tùy thân nào ngoài một cái tên khó hiểu: “So B.It”. Heidi một mình bắt xe buýt đi suốt 4 ngày trời để đến trại Hillltop ở Liberty, New York, nơi mẹ cô có mặt trong những tấm hình để tìm hiểu về quá khứ của mẹ. Hành trình ấy đầy gian nan và  bất ngờ…

Câu chuyện đầy những điều lạ lùng, thú vị cuốn hút người đọc dõi theo đến trang sách cuối cùng. Tác phẩm giúp người đọc hiểu hơn về chứng bệnh khoảng rộng, một chứng bệnh hiếm gặp trên thế giới, về những người thiểu năng trí tuệ và cách họ thích nghi với cuộc sống. Cách dẫn dắt, đặt vấn đề của tác giả khiến người đọc tò mò, đặt ra hàng loạt câu hỏi: tại sao Heidi có vận may kỳ lạ khiến trong các trò chơi về óc phán đoán thì cô bé luôn chiến thắng? Tại sao mọi chi phí thuê nhà, hóa đơn điện nước… của hai mẹ con cô bé đều không phải trả? Tại sao không có bất cứ giấy tờ hay hình ảnh, tài liệu nào về thân thế của hai mẹ con?… Do đó, khi Heidi lên đường đi tìm sự thật, độc giả cũng háo hức muốn khám phá mọi điều cùng cô bé.

Hành trình ấy đã giúp Heidi tiếp xúc với nhiều người, va chạm với cuộc sống thực tế, khám phá bao điều, có cả niềm vui lẫn nỗi buồn, hoang mang và sợ hãi… Từ một cô bé nhìn cuộc sống bằng đôi mắt thơ ngây, đơn giản, Heidi đã chững chạc hơn, bắt đầu biết băn khoăn day dứt hơn bởi những trải nghiệm thực tế. Những khám phá phảng phất màu sắc triết lý nhẹ nhàng của một cô bé 12 tuổi như Heidi nhận thấy việc nói dối chưa hẳn là đã xấu vì “Đôi khi người ta nói dối vì sự thật quá nặng nề để thừa nhận nó…”. Hay Heidi hiểu ra rằng “không biết một điều gì đó chẳng có nghĩa rằng ta ngốc nghếch. Nó chỉ có nghĩa rằng vẫn còn chỗ cho sự ngạc nhiên”.

Nghĩa của từ “soof” và bí ẩn về cái tên của mẹ cuối cùng cũng được giải dù đổi lại là những mất mát, những khoảng trống trong tâm hồn cô bé. Dù vậy, cả Heidi và người đọc cũng không hối tiếc bởi nó xứng đáng và cần thiết. Hơn hết, hình mẫu nhân vật Heidi thông minh, dũng cảm, đáng yêu thật sự tỏa sáng trong lòng độc giả khi khép sách lại.

CÁT ĐẰNG

***

Lời khen tặng dành cho So B. It:

“Cuốn tiểu thuyết có đủ sự hồi hộp để lôi cuốn những người ưa thích sự bí ẩn, đồng thời Weeks đã miêu tả sinh động cuộc phiêu lưu thể chất và xúc cảm của Heidi với sự chừng mực và tiết chế về ngôn từ đến mức đáng khâm phục.”

– The Horn Book

“Văn phong duyên dáng – chân thực, cảm động và được gọt giũa cô đọng đến mức tinh tế.”

– ALA Booklist.

“Những nhân vật thú vị, khác thường. Người đọc sẽ thực sự cảm động.”

– VOYA.

***

SARAH WEEKS là ca sĩ, người viết nhạc và một tác giả viết sách cho thiếu nhi. Cô đã viết hơn 30 cuốn truyện tranh và các tiểu thuyết cho teen. Weeks thường đi thăm các trường học và thư viện trên khắp nước Mỹ, đọc sách của mình, hát những bài hát do mình sáng tác và trò chuyện với trẻ em về việc viết lách. Sarah Weeks hiện sống tại thành phố New York cùng hai con trai. Bạn có thể ghé thăm cô trên trang web www.sarahweeks.com.

Ta không thể thực sự biết về bộ não của Mẹ chỉ bằng cách nhìn vào bà, nhưng điều đó trở nên rõ ràng khi bà lên tiếng. Giọng của bà cao vói, giống như một đứa bé gái, và bà chỉ biết vỏn vẹn có hai mươi ba từ. Tôi biết điều này từ thực tế, vì chúng tôi giữ một danh sách những từ Mẹ nói, ghim nó ở tủ bếp. Phần lớn từ ngữ khá quen thuộc, giống như tốt và nữahay nóng, nhưng có một từ duy nhất Mẹ nói thì rất đặc biệt, soof.

Tặng David – người đã dạy tôi rất nhiều về cả những điều biết và không biết.

– S.W

***

So B. It và hành trình đi tìm sự thật,

Nếu bạn thích tìm kiếm cuốn sách viết về những sự thật lạ lùng đến khó tin, cuốn sách chứa đựng những điều bí ẩn và hồi hộp, cũng thật khó lòng đoán được kết thúc, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đến mức không dễ dàng gì buông sách xuống nửa chừng… thì So B. It đúng là tác phẩm dành cho bạn.

Có thể nói, So B. It là một tác phẩm độc đáo, từ giọng văn nhẹ nhàng mà có sức lay động kỳ lạ, đến một cốt truyện đơn giản nhưng sâu sắc, ẩn chứa những triết lý thông minh đáng để ngạc nhiên. So B. It được viết qua giọng kể của Heidi – cô bé 12 tuổi đáng yêu, ngây thơ và đầy tò mò – về hành trình tìm về sự thật, về quá khứ của chính mình. Heidi có một cuộc đời kỳ lạ: cô bé không biết về quá khứ, không biết cha mình là ai, không biết ngày sinh của chính mình. Cô bé sống cùng người mẹ bị thiểu năng, người chỉ có thể nói được 23 từ tất cả, và Bernadette – một phụ nữ hàng xóm bị bệnh sợ khoảng rộng không dám ra khỏi nhà. Cuộc sống của Heidi hầu như tách biệt với xã hội bên ngoài, cô bé tiếp xúc với thế giới thông qua sách vở, trí tưởng tượng và các chuyến đi mua sắm, đến thư viện gần nhà. Có thể nói, cô bé có một tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc. Mọi chuyện xảy ra khi Heidi bị ám ảnh bởi một từ trong số từ vựng của mẹ mà cô bé không tìm ra nghĩa – soof. Cũng chính từ lạ này đã thôi thúc Heidi khám phá về quá khứ của mình, muốn tìm câu hỏi lý giải mình là ai, từ đâu tới? Và cô bé một mình thực hiện chuyến đi dọc nước Mỹ, từ Nevada tới New York, để tìm ý nghĩa của soof

Ngay dòng mở đầu, Heidi đã làm chúng ta phải tò mò: “Nếu như sự thật là một cây bút chì màu đang chờ tôi bọc lại rồi đặt tên cho nó một màu nào đó, tôi biết chính xác mình sẽ muốn nó có màu gì – màu da khủng long.” Và cứ thế, người kể chuyện sẽ dẫn dắt bạn bước vào cuộc phiêu lưu thể chất và xúc cảm của cô bé. Hành trình đi tìm từ soof của Heidi, hay hành trình đi khám phá ra mình là ai, đầy những điều ngạc nhiên thú vị và những cảm giác sợ hãi, thậm chí cả sóng gió bất ngờ chờ đợi cô bé ở đích đến. Lần đầu tiền Heidi thực sự bước ra thế giới, chặng đường đó với những trải nghiệm mới mẻ đã làm thay đổi Heidi. Từ một cô bé nhìn cuộc sống bằng đôi mắt thơ non, Heidi đã chững chạc hơn, bắt đầu biết băn khoăn day dứt hơn bởi những “sự biết” về cuộc sống. Có thể nói, câu chuyện là một hành trình cảm động hồi hộp, rất lôi cuốn với những nhân vật khác thường đồng thời rất thật. Một kết thúc đẹp và buồn, thật ngọt ngào và sâu lắng sẽ ám ảnh ta khi gấp cuốn sách lại.

Điều làm tôi ấn tượng hơn cả về cuốn sách này đó là những trải nghiệm của Heidi về cuộc sống. Những khám phá phảng phất màu sắc triết lí nhẹ nhàng của một cô bé mười hai tuổi như những tia sáng nhỏ bé soi rọi vào mặt bên kia của những điều tưởng như đã trở thành chân lý hiển nhiên chẳng cần bàn cãi. Chẳng hạn, qua những gì chứng kiến, Heidi nhận thấy việc nói dối chưa hẳn là đã xấu: “Đôi khi người ta nói dối vì sự thật quá nặng nề để thừa nhận nó…” Hay Heidi hiểu ra rằng “không biết một điều gì đó chẳng có nghĩa rằng ta ngốc nghếch. Nó chỉ có nghĩa rằng vẫn còn chỗ cho sự ngạc nhiên.” Trong quá trình tìm về quá khứ của mình, Heidi cũng đã thừa nhận rằng có những điều vĩnh viễn chúng ta chẳng thể nào biết được, cho dù chúng ta cố gắng đến mấy để tìm hiểu về chúng. Ngay cả khi khám phá ra được sự thật – như sự thật gây ngỡ ngàng về quá khứ của mẹ Heidi – cũng không hẳn đã khiến cho chúng ta sống hạnh phúc hơn; nhưng dẫu vậy không dễ gì chúng ta từ bỏ được mong muốn được biết sự thật…

Sarah Weeks, nữ văn sĩ người Mỹ rất thành công với những tác phẩm dành cho thiếu nhi và tuổi teen, thực sự sẽ làm bạn hài lòng qua tác phẩm So B. It. Những nhà phê bình văn học đã không quá lời khi khen ngợi So B. It là một cuốn sách với “văn phong duyên dáng – chân thực, cảm động và được gọt giũa cô đọng đến mức tinh tế”.

Và trên hết, đây là một cuốn sách gây ám ảnh…

Sài Gòn 9.4.2011

Nguyễn Hồng Dung

 

Mời các bạn mượn đọc sách So B. It – Bí Ẩn Một Cái Tên của tác giả  Sarah Weeks & Nguyễn Hồng Dung (dịch).

Download

Bí Ẩn Một Cái Tên

Bookmark (0)
ClosePlease login

Giới thiệu Bí Ẩn Một Cái Tên Tweet! Cô bé 12 tuổi Heidi không biết ngày sinh của mình, không biết quê hương của mình ở đâu và cũng không…

Bookmark (0)
ClosePlease login