Bẫy-22

Bẫy-22

Giới thiệu

Bẫy-22




Trên một hòn đảo ngoài khơi nước Ý thời Thế chiến II có một liên đoàn không quân Mỹ. Một trong số lãnh đạo của họ là đại tá Cathcart, kẻ khao khát muốn gây ấn tượng với cấp trên bằng cách ép lính đi ném bom mỗi lúc một nhiều hơn. Nhân vật chính của chúng ta, Yossarian, mỗi lần đủ chỉ tiêu giải nhiệm thì lại phải đối mặt với chỉ tiêu mới. Trước sự chết chóc kinh hoàng của cuộc đại chiến, tất cả những gì y mong muốn là toàn mạng trở về. Nhưng mỗi khi chỉ tiêu ra trận tăng lên, xác suất sống sót của y lại giảm xuống. Y không có cách nào thoát ra, bởi ở đó có một cái bẫy. Bẫy-22.

Thứ logic vừa giản dị vừa điên rồ của Bẫy-22 chi phối suốt ngót 600 trang sách với hàng chục nhân vật, qua chiến trường qua đạn bom, qua bệnh viện quân y và nhà bếp hậu cần, qua tướng lĩnh và lính tráng, qua cả những số phận tan nát và những kẻ trục lợi từ chiến tranh. Sự điên rồ chảy qua mọi đối thoại, sự ngớ ngẩn thấm đẫm mọi nhân vật, cho tới tận cú nhảy kết cục cuối cùng. Bộ mặt của chiến tranh hiện ra khủng khiếp trong sự nực cười, phi lý. Bẫy-22 hài hước một cách trần trụi, một cách dữ dội, một cách cay đắng, một cách man rợ, nhưng những ai có thể chịu đựng được nó thì hẳn sẽ không thể nào lãng quên.

***

Catch-22 là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh hài hước rất nổi tiếng, luôn được xếp hạng top trong các danh sách “Những tiểu thuyết hay nhất …….”. Bản thân tác giả cũng đã từng nhập ngũ và phục vụ trong Liên đoàn không quân Mỹ trong thời kì Thế chiến thứ 2 khi mới 19 tuổi. Sau đó hai năm ông được điều đến phục vụ ở chiến trường Ý, nơi mà ông đã thực hiện 60 nhiệm vụ bay như một lính cắt bom của máy bay B-25. Đây cũng là bối cảnh thời gian và không gian chính của tác phẩm. Và nhân vật chính, John Yossarian, cũng là người cắt bom.

Catch-22 là một tiêu đề rất khó dịch sang các ngôn ngữ khác. Sau khi tác phẩm này được xuất bản, Catch-22 trở thành một khái niệm mới, được bổ sung vào kho từ vựng tiếng Anh. Với ý nghĩa châm biếm hài hước, Catch-22 trở thành một khái niệm chỉ tình thế lưỡng sự (double bind), trong đó, hai sự việc có bản chất đối nghịch cùng xuất hiện một lúc. Người nào gặp phải tình trạng Catch-22 thường rơi vào cảnh huống tiến thoái lưỡng nan.

Ban đầu Joseph Heller đặt tên tác phẩm là Catch-18. Nhưng để tránh trùng tên với những tác phẩm khác, gồm cả phim và sách, tác giả, lúc đó vẫn là một tay viết non trẻ và không tiếng tăm, đã phải lựa những cái tên khác như 14, 11, 20. Sau vài lần thay đổi, bỗng nhiên con số 22 xuất hiện, và sau 2 tuần được thuyết phục, Heller cuối cùng đã đồng ý vì : “22 nghe hay hơn 14”. Cũng thật trùng hợp khi số 2 cũng được cho là con số đại diện cho hiệu ứng Déjà vu, thứ được lặp lại và nhắc lại rất nhiều lần trong sách.

Sau khi xuất bản vào năm 1961, Catch-22 trở nên rất phổ biến trong giới thanh thiếu niên vào thời điểm đó. Mặc dù cuốn sách viết về thời kì Thế chiến thứ 2, nhưng với bối cảnh lịch sử lúc đó, Catch-22 dường như thể hiện những cảm xúc mà những người trẻ đã có đối với những điều phi lý của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cũng phải dành lời khen và cảm ơn cho dịch giả Lạc Khánh Nguyễn vì những ngôn từ phong phú mà dịch giả đã sử dụng. Tuy chưa được đối chiếu với bản gốc nhưng mình nghĩ tác phẩm đã được truyền tải một cách xuất sắc tuyệt vời. Ngay sau khi đọc xong mình đã phải lên mạng tìm thông tin về người dịch nhưng rốt cuộc không tìm được gì.

Ngay từ trang đầu tiên, chính xác là đoạn có chữ ở một nửa trang đầu tiên, Bẫy-22 đã khiến mình liên tưởng đến Biên niên ký chim vặn dây cót. Mùi tài năng ngửi thấy được trên trang giấy và cái cách tác giả đột ngột kéo người đọc vào thế giới riêng của mình. Nếu như ở Biên niên ký là một cái gì đó xa lạ, phức tạp và vô định, thì Bẫy-22 lập tức kéo người đọc đến sự điên rồ :
“ĐÓ LÀ TÌNH YÊU TỪ CÁI NHÌN ĐẦU TIÊN.
Ngay từ lần đầu gặp mặt Yossarian đã say mê cha tuyên úy đến rồ dại.”

Mình thì không kì thị người đồng tính, nhưng đã phải tự hỏi “Đây thực sự là cách người ta bắt đầu một tác phẩm à?”. Ngay từ phút đầu tiên tác giả đã không cho người đọc có cơ hội phản kháng và chuẩn bị, và mọi thứ tiếp theo đó thậm chí còn điên khùng hơn nữa. Và còn hài hước hơn nữa.
Sự hài hước và châm biếm lớn nhất có lẽ chính là giọng văn tỉnh queo tưởng chừng như vô cảm của tác giả. Những câu văn dài nhiều vế ngồn ngộn những liên từ đa dạng trải ra liên tục những nghịch lý lặp đi lặp lại không ngớt khiến người đọc tự hỏi hay là tác giả điên mẹ nó rồi.

Cách triển khai cốt truyện khá sáng tạo nhưng có thể là điểm trừ với những độc giả thích những món dễ ăn. Thực sự thì sẽ có nhiều người thấy cuốn sách này rất khó đọc. Các sự kiện hiếm khi được trình bày trọn vẹn 1 cách liên tục, mà dần được làm sáng tỏ qua các góc nhìn khác nhau và được nhắc đến hoàn toàn ngẫu nhiên. Người đọc sẽ phải tự mình liên tưởng và sắp xếp các mảnh ghép để có được cái nhìn trọn vẹn nhất về những sự kiện được nhắc đến.
Viết về việc này, thì phần tóm tắt ở bìa sau cuốn sách, theo mình là, đã diễn tả lại hoàn hảo, không thể hay hơn được nữa :
“Thứ logic vừa giản dị vừa điên rồ của Bẫy-22 chi phối suốt ngót 600 trang sách với hàng chục nhân vật, qua chiến trường qua đạn bom, qua bệnh viện quân y và nhà bếp hậu cần, qua tướng lĩnh và lính tráng, qua cả những số phận tan nát và những kẻ trục lợi từ chiến tranh. Sự điên rồ chảy qua mọi đối thoại, sự ngớ ngẩn thấm đẫm mọi nhân vật, cho tới tận cú nhảy kết cục cuối cùng…..”

Chủ đề về chiến tranh nhưng những cảnh chiến đấu chỉ được thả lõm bõm trong một vài chương, và không hề có một cảnh nào miêu tả chân dung kẻ thù, những tên lính Đức quốc xã, theo đúng nghĩa đen. Tuy ít, nhưng những phân đoạn đó chính là giọt tinh dầu tỏa hương, là điểm sáng dẫn đường giúp người đọc xâu chuỗi được cả một tuồng những mảnh ghép rối rắm lộn xộn để có thể nhìn được trọn vẹn những sự kiện trong truyện.

Những đoạn mô tả diễn biến tâm lý sống động và chân thực tuyệt vời, đa dạng và uyển chuyển, trần trụi và khô queo nhưng vẫn đầy cảm xúc.

Từng nhân vật được xây dựng và đặc tả xuất sắc, ấn tượng và đáng nhớ. Nhờ đó ta có những chân dung sống động trên trang giấy. Mỗi nhân vật đều mang tính đại diện và có chiều sâu. Trải qua 600 trang giấy rồi gập sách lại, ta không thể chỉ đơn giản là chỉ nhớ tới nhân vật chính mà quên họ đi một cách dễ dàng được.
Họ vốn chỉ là những hình ảnh đại diện cho những cảm xúc rất đời thường : sợ chết, sợ không được chết đúng kiểu, sợ bị lãng quên, sợ không bị lãng quên, sợ bị thất bại, sợ không được thất bại, sợ bị xa lánh, sợ bị ghét bỏ…..Chỉ có điều những cảm xúc này đã được điểu chỉnh đến mức tối đa, và cái gì quá thì cũng hóa “điên”. Nhưng nhờ thế, các nhân vật điên một cách rất thuần khiết : họ đơn giản chỉ là quá tham lam, quá hèn nhát, quá sợ hãi, quá háo danh, quá lập dị….Đơn giản là thế.

Chúng ta có 2 vị Thiếu tướng tính cách hoàn toàn trái ngược nhau luôn đấu đá quyền lực. Có 1 vị đại tá hám quyền và háo danh đến độ ám ảnh và mù quáng, và dĩ nhiên không thể thiếu được tính cách đặc trưng cho những kẻ hám quyền và háo danh đến độ ám ảnh và mù quáng trong một tác phẩm châm biếm : đần độn và bất tài. Rồi còn có thêm 1 sĩ quan hậu cần, người mà thực chất có quyền lực vô biên thậm chí có thể tác động đến và điều chỉnh cuộc chiến. Và còn rất nhiều nhân vật đặc sắc khác nữa.

Nhưng dù là nhân vật nào, thì ngoài những nét rất riêng, tất cả bọn họ đều có một nét tương đồng đến đáng ngạc nhiên : Không ai trong số họ nghĩ mình bị điên và cùng lúc họ nghĩ những người khác điên mẹ nó hết rồi.

Nhưng thậm chí ngay cả những nhân vật “ngầm”, những người chưa bao giờ được nhắc đến cũng bị điên mẹ nó rồi. Làm thế nào mà một anh lính trơn chỉ qua một đêm đã được thăng lên tận hàm Thiếu tá? Ồ, đơn giản là vì anh ta có một cái tên quá độc đáo thể hiện sự hài hước vô bờ của người cha của anh. Xin bật mí cho các bạn nhân vật đó chính là Thiếu tá Major Major Major. Hẳn những nhân vật chóp bu quyền lực của quân đội Mỹ đã nghĩ rằng có một Thiếu tá tên là Major Major Major thì sẽ giúp họ thắng được cuộc chiến, hoặc đơn giản là vì họ thấy nó vui vãi chầy. (Thiếu tá trong tiếng Anh nghĩa là Major)
Và thậm chí có một “trò đùa” nữa đã được gài gắm trước tận 200 trang, để rồi bung nở ra và “kết thúc” cuộc đời của một nhân vật.

Phần còn lại của lời bạt trên bìa sau một lần nữa lại hoàn thành xuất sắc vai trò của mình :
“…..Bộ mặt của chiến tranh hiện ra khủng khiếp trong sự nực cười, phi lý. Bẫy-22 hài hước một cách trần trụi, một cách dữ dội, một cách cay đắng, một cách man rợ, nhưng những ai có thể chịu đựng được nó thì hẳn sẽ không thể nào lãng quên.”
Suốt nửa đầu cuốn sách, gần như trang nào cũng khiến mình cười nắc nẻ không ngớt.Nhưng qua đến nửa sau, những lời đả kích và châm biếm đột ngột rẽ theo hướng khác chỉ trong một chương. Sự điên rồ và hệ quả của nó đã tới.

Các bạn sẽ được giới thiệu tới 1 cái tên, mà có lẽ với nhiều người là lần đầu tiên được nghe thấy, xanh đi ca (Syndicate) và độ bao phủ rộng lớn không tưởng của nó.
Bạn sẽ nhận thấy rằng, thực chất chiến tranh cũng chỉ là một thương vụ làm ăn lớn, một cuộc đầu tư cỡ bự của một nhóm nhỏ những nhà tài phiệt, những chủ nhân đích thực của nước Mỹ. Những kẻ chi phối mọi thứ, thao túng chính trị, điều tiết cung cầu, dựng lên những mạng lưới kinh doanh khổng lồ bám rễ khắp nơi. Những chính trị gia chỉ là những con rối trong tay họ, và truyền thông chính là công cụ đắc lực nhất để tẩy não người dân như một con chó săn dẫn dắt đàn cừu.

Tác giả còn không ngần ngại ném vào độc giả những tàn bạo, bất công và vô nhân đạo. Những thứ quá phi lý tới mức nó trở thành hợp lý, hợp lý trong một thực tế đang diễn ra chính xác như những gì trong cuốn sách : tàn bạo, bất công và vô nhân đạo. Những giá trị nhân văn và đạo đức làm người bị bóp méo đến teo tóp vặn vẹo. Những câu hỏi day dứt và ám ảnh cùng với một chuỗi dài những đau đớn và thống khổ, những oan ức và trái ngang như một thỏi nam châm nặng nề kéo chùng cục sắt ám ảnh trong tâm trí người đọc khiến họ không sao dứt mắt ra được.

Chiến tranh thì điên rồ, nhưng con người mới là thứ điên loạn nhất.

Điều kinh khủng nhất xảy ra khi người ta không hiểu lẫn nhau, họ sẽ không thể có cái nhìn thấu cảm và lòng trắc ẩn. Sự thờ ơ đôi khi là tội ác. Và do vậy, điều tuyệt vời nhất cũng là khi người với người hiểu được lẫn nhau, biết đồng cảm và vị tha. Sau tất cả, vẫn luôn có những điều tốt đẹp đáng để ta chiến đấu, mà thứ trước nhất đó chính là quyền được sống, được tự chủ của mỗi con người.
Cảm ơn tác giả vì sau những đằng đẵng điên cuồng mà ông đưa ra, mình vẫn cảm thấy rất bất ngờ và hài lòng với cái kết. Tuyệt vời.

Bẫy-22 hấp dẫn đến độ trong quá trình đọc, mình đã phải đột nhiên tạm dừng rất nhiều lần để soạn cho xong một câu cảm nhận vừa lóe lên trong đầu.
Đây là kiểu sách mà, ngay khi đọc xong, bạn muốn lập tức chia sẻ cảm xúc của mình với ai đó. Thực ra, khi ấy cái cảm xúc đó không phải là vấn đề chính, mà quan trọng là ai đó kìa.

Mỗi một suy nghĩ của chúng ta lúc đó là một thông điệp, là một lá thư một chiều không có hồi âm gửi đến chính ta ở tương lai. Một cuốn sách hay là khi đọc xong nó, ta để lại một phần của chính mình lại và dùng một phần của nó để tạo lên chính ta, của tương lai.
Không hẳn đọc sách là chỉ để hiểu được điều tác giả muốn truyền đạt, mà mỗi cuốn sách chính là một lời truyền đạt của ta đến chính mình.

Tại sao lại là cuốn sách này?
Tại sao bạn chọn nó?
Tại sao bạn đọc nó?

Không hiểu sao, đọc một tác phẩm về chiến tranh, mình bỗng nhớ đến, hay “nhận được”, “lá thư” mà mình ở trong quá khứ đã gửi :
“Tình yêu, đôi khi với một số người, giống như những lá thư thất lạc mà mãi tận 10 năm sau mới đến được tay người nhận….”

Vậy, nếu như bạn sẽ đọc Bẫy-22, hoặc bất kỳ cuốn sách hay nào khác, sau khi đọc xong, hãy tự hỏi mình : Bạn muốn gửi gắm điều gì cho chính mình ở tương lai?

Người review: Giao Bùi

***

“Bất cứ ai muốn ngừng ra trận đều không thực sự điên.”

Bẫy-22, của Joseph Heller, hoàn toàn không phải là một cuốn tiểu thuyết thành công… “Theo chuẩn mực thông thường thôi nó chẳng bén mảng được tới cái gọi là hay.”[1]Bài điểm cuốn Bẫy-22 đăng trên New York Times bắt đầu như vậy, dẫu tác giả của nó sau đó phải công nhận đây là một tác phẩm kỳ lạ bậc nhất. Kỳ lạ là một từ nói giảm nói tránh, với hệ thống nhân vật dày đặc, với các sự kiện sắp xếp không theo trật tự tuyến tính, với chất hài hước đen kịt và bạo lực đầy rẫy, với sự phi lý lấp đầy mọi đối thoại và cảnh huống, Bẫy-22 là một cuốn tiểu thuyết lớn, còn hơn cả vĩ đại, nó là một đại danh tác, không chỉ về Đại chiến thế giới thứ 2, không chỉ về chiến tranh, mà là về con người, và hành vi con người.
 

Đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Ngay lần đầu gặp mặt Yossarian đã si mê cha tuyên úy đến rồ dại”: như mọi câu đầu trong tác phẩm của Heller, câu đầu của Bẫy-22 mò đến với tác giả, trọn vẹn, và chỉ trong vòng một tiếng rưỡi, gần như toàn bộ câu chuyện đã nằm trong đầu ông, với tuyến nhân vật, tình tiết, dẫu cái tên Yossarian thì chưa xuất hiện. Ấy vậy mà, khởi thảo viết từ 1953, đến 8 năm sau, Heller mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, và để luôn ở đời một Bẫy-22.
 

Bẫy-22 bắt đầu một cách không thông thường như vậy, ở giữa bệnh viện, ở giữa cái gọi là trật tự thời gian truyện kể, ở giữa mọi tuyệt vọng và nỗ lực quẫn bách của Yossarian để sống sót.

Bẫy-22, với tâm điểm là nhân vật đại úy John Yossarian, kể về một liên đoàn không quân Mỹ trong Thế chiến thứ 2, đóng quân trên đảo Pianosa ngoài khơi của Ý. Thay vì phải bay một số lần nhất định, những chuyến bay thả bom xuống quân địch, đến khi hoàn thành thì được giải ngũ, nếu vẫn còn tính mạng, lính của liên đoàn dưới sự lãnh đạo của đại tá Cathcart, liên tục bị nâng số chuyến bay, từ 25, lên 30, 35, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 80. Hậu quả đi liền, đầy nghiêm trọng, của việc tăng số lần bay để gây ấn tượng với cấp trên, để có những tấm ảnh chụp từ trên cao xuống mặt đất cảnh bom nổ tan tác thật đẹp, chính là những người lính đó, dần nướng sống chính mình.
 

Trong cái cảnh huống tưởng chừng bị coi là điên rồ thuần túy ấy, có ai nhận ra rằng đây là trò điên của một kẻ điên, lợi dụng cái gọi là lòng yêu nước, cái gọi là sự trung thành, để tận diệt chính hạ cấp của mình hay không? Người đọc rơi ngay vào một thảm cảnh: một trại điên tập thể. Như chính người kể chuyện tường thuật bằng một giọng tỉnh bơ, “Khắp nơi trên thế giới, các gã trai ở cả hai bên chiến tuyến đang ngã xuống cho thứ mà người ta bảo họ là tổ quốc, và dường như chẳng ai thèm bận tâm, ít nhất là chẳng ai trong số những gã trai đang ngã xuống ấy.”
 

Bẫy-22 là một trại điên vui nhộn nơi không ai tự nhận mình điên và tất cả đều nghĩ người khác điên và lần lượt các nhân vật đều bị các nhân vật khác gọi là điên, mà trùm cuối của điên chính là Yossarian. Với 228 từ điên, với nhân vật liên tục kết cho nhau là điên, nào “các anh điên rồi,” “bọn họ toàn những kẻ điên,” nào “bệnh điên rất dễ lây lan,” nào “Clevinger nghĩ Yossarian điên,” “McWatt bị điên,” “Nately cũng điên không kém,” “Orr cũng là một trong mấy gã điên,” “Hungry Joe bị điên,” “Dubar bị điên,” “thượng sĩ White Halfoat nghĩ bác sĩ Daneeka bị điên.” Họ lần lượt vu cho nhau điên, thuyết phục nhau rằng mày điên, tao không điên. Nhưng họ vẫn lần lượt bay, hoàn thành 25 chuyến, bị đẩy lên 30, bay luôn 30 chuyến, đẩy lên 40, bay 40 chuyến. Một sự phục tùng không phản đối bí hiểm đến khó hiểu.
 

Vậy vấn đề nằm ở đâu, khi không ai nhận ra mình cần phải thoát khỏi những mệnh lệnh quái quỷ đó, phải thoát khỏi hệ thống quan liêu áp đặt đó, giữa ngần ấy điên khùng và chết chóc? Đó chính là thứ mà Heller chỉ ra trong cái tình huống tắc tị này, nơi Yossarian và đồng đội của mình bị kẹt cứng trong cái gọi là Bẫy-22. Nếu anh bị điên thì anh có thể được nghỉ bay, chỉ cần anh đưa ra yêu cầu, và chính thời điểm anh đưa ra yêu cầu được nghỉ bay thì chính là lúc anh cho thấy rằng mình không bị điên và tiếp tục phải ra trận. Trong cái bộ luật quân sự quan liêu ấy, không có chỗ tồn tại cho sự bảo vệ an toàn của bản thân. Heller đã trải qua rất nhiều cái tên, Bẫy-11Bẫy 18Bẫy-14, để rồi đậu lại ở Bẫy-22: một cái tên vô nghĩa, đầy tính chất võ đoán, phi logic. Yossarian là người duy nhất cố gắng thoát ra khỏi hệ thống, anh càng nỗ lực ra khỏi hệ thống thì càng bị cho là kẻ điên, nhưng chỉ có thoát khỏi hệ thống, anh mới bảo toàn được tính mạng của mình.
 

Bẫy-22 chính vì thế là một trò đùa dai đầy chết chóc và phi lý, với một loạt nhân vật sắc nét, điên rồ, với những đối thoại luẩn quẩn, phi logic mà lại đầy có lý. Bẫy-22 là một cú tấn công vào sự quan liêu, vào bộ máy thiết chế, vào những phi lý thường trực trong chiến tranh cũng như trong đời sống con người. Ở một khía cạnh nào đó, việc nâng số lần bay lên ở Bẫy-22 mang đầy không khí thần thoại. Nó khắc họa thật tỉ mỉ sự quẫn bách của Yossarian, khi gần đạt tới được số lần bay quy định để được về nhà, thì lại ngay lập tức bị lưu đày tiếp tục. Nó như một công cuộc đẩy hòn đá lên đỉnh núi của Sisyphus. Yossarian và đồng đội y hệt như vị vua Tantalus bị các vị thần trừng phạt bằng cách cho đứng ở một hồ nước ngập đến cằm nhưng mỗi lần khát định uống thì nước rút đi, trên đầu là hoa quả trĩu cành mỗi lần đói định ăn thì mọi thứ biến mất. Nó là một trạng thái trêu ngươi kéo dài, là một sự trừng phạt không lối thoát, mà trong quá trình trừng phạt đó, hẳn nhiên là tan xác trong lúc bay ra trận. Yossarian không chịu đợi tới chuông nguyện hồn mình, như Groden, McWatt, Nately, Clevinger…
 

Trong thời gian ngắn ngủi từ đầu 1944 đến cuối năm, 12 tháng, Yossarian lần lượt tìm mọi cách để chống trả lại thiết chế, bằng cách trốn vào bệnh viện, giả đau gan, giả vàng da, trần truồng từ chối không chịu bay, cầu xin được tuyên bố là điên nhưng chính vào lúc cầu xin là lúc cho thấy anh tỉnh táo hơn hết thảy và ngay lập tức phải bay tiếp. Dẫu có trốn đi Rome, có yêu gái điếm, có lạy bốn phương giời, lạy mười phương phật, thì cái thiết chế phải bay ấy, Yossarian cũng không thoát nổi. Chính vì thế, có thể nói Bẫy-22 là một tiểu thuyết trào lộng về cảnh huống bi kịch đầy những nan đề của con người. Trong một bài trả lời lại một tấn công vào cuốn tiểu thuyết của mình, Heller tuyên bố, khi nhà phê bình chê Bẫy-22 dám chế giễu chiến tranh:

Thực tế thì chuyện “chế giễu” chiến tranh là việc bất khả, cũng giống như không thể nào chế giễu mùa đông hay cơn đói. Tôi rất xấu hổ phải chỉ ra rằng đối tượng của chế giễu, trong gần như mọi tiểu thuyết và kịch, theo lẽ thường là con người và hành vi con người, và một trong những ý tưởng mà tôi muốn phát triển là hành vi của một số người và nhóm xã hội nhất định trong thời bình chẳng khác gì với hành vi của cũng những con người và nhóm xã hội đó trong thời chiến.[2]

Với hàng loạt đối thoại như thể lệch kênh giao tiếp, với các sự kiện và chết chóc trùng trùng điệp điệp xáo xào trộn lẫn vào nhau, với một hệ thống các nhân vật với những câu nói và đặc điểm riêng được nhào nặn cực đặc biệt, Bẫy-22 tạo ra một thế giới bi đát mà đẫm hài hước, nơi điên loạn ngự trị, nơi một cá nhân, bằng những nỗ lực phi thường, liên tục tấn công vào hệ thống và các thiết chế, bởi chúng chính là một sự đè ép đến ngạt thở cái gọi là lương thức thông thường.

Zét Nguyễn

Mời các bạn đón đọc Bẫy-22 của tác giả Joseph Heller.

Download

Bẫy-22

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Bẫy-22 Tweet! Trên một hòn đảo ngoài khơi nước Ý thời Thế chiến II có một liên đoàn không quân Mỹ. Một trong số lãnh đạo của họ…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close