Bãi Săn Người
Giới thiệu
Bãi Săn Người
“Tôi là Diệp Tứ Minh, mọi người thường gọi tôi là anh Tứ. Tôi cảm thấy biệt danh này khắc mình, vì tôi phát hiện mình buộc phải kết liễu sinh mạng trong vòng 4 ngày, nếu không chờ đợi tôi phía trước chính là “sống không bằng chết”.
Do một nhiệm vụ nằm vùng, cảnh sát Diệp Tứ Minh bị nghiện ma túy. Khi cai nghiện, anh lại mắc phải chứng lệ thuộc thuốc. Biết mình sắp thân bại danh liệt, anh quyết định tự sát. Đúng lúc này, ở bờ sông có người phát hiện ra một cánh tay cụt. Cho rằng anh là cảnh sát hiện trường nên người dân níu lại và báo án.
Đồng thời ở ngoại ô thành phố, người ta phát hiện 61 thi thể dưới một đập chứa nước, trở thành một án giết người liên hoàn chưa phá lớn nhất trong thành phố.
Chỉ còn 4 ngày nữa, Diệp Tứ Minh sẽ nhận được phán xét cuối cùng, anh quyết định đánh cược: hoặc là sẽ phá giải vụ án thành công hoặc là tìm cơ hội “hi sinh” trong khi làm nhiệm vụ?
Giới thiệu tác giả: Ntybooks xin giới thiệu tác giả Lương Kha – tác giả trinh thám thuộc thế hệ 8X – Sơn Đông.
Tác giả đã di cư sang Đức, là một trong những nhà văn rất thích dòng tiểu thuyết trinh thám và rất thành công với tác phẩm: Bãi săn người
Diệp Tứ Minh (Anh Tứ) một cảnh sát nằm vùng. Trong một lần xâm nhập để triệt phá một tổ chức buôn bán ma tuý, anh bị nghiện. Việc cai nghiện tưởng chừng đơn giản nhưng không hề đơn giản, trong quá trình cai nghiện anh bị lệ thuộc vào thuốc.
Cuộc sống của anh gặp nhiều bất hạnh từ đó. Gia đình tan vỡ, con không nhận cha, đồng nghiệp nhìn anh với con mắt khác và nhiều vấn đề đen tối khác. Chán nản và thất vọng, Diệp Tứ Minh định tự tử.
Nhưng khi định nhảy xuống sông để kết liễu sinh mệnh, thì có người phát hiện một cánh tay cụt có hình xăm một nửa bông hoa hồng (cái này ở bìa có vẽ) và giữ anh lại vì tưởng anh là cảnh sát được cử đến xử lý hiện trường.
Cùng thời điểm đó, 61 bộ hài cốt được tìm thấy dưới một đập chứa nước ở ngoại ô thành phố.
Phá án lập công xoá nỗi ô nhục hay liều chết “hi sinh vì nhiệm vụ” … Diệp Tứ Minh quyết tâm lao vào điều tra vụ án.
Bãi Săn Người là sự kết hợp của kinh dị, hành động, sự biến thái vẹo vọ tâm lý lẫn trinh thám điều tra thông thường.
Giết người, phân xác, lột da mặt. Những pha hành động đầy tính điện ảnh. Tâm lý lệch lạc, méo mó của hung thủ lẫn quá trình hành động, điều tra truy tìm manh mối thông thường của cảnh sát.
Lối viết khá hấp dẫn, lôi cuốn hồi hộp. Nhiều những bất ngờ không ngờ được đưa vào để đánh lạc hướng.
Mang một màu u tối, mỗi người đều như sống dưới đáy của xã hội, mang những tổn thương day dứt trong lòng. Chỉ sống thôi sao mà cũng khó quá.
Gọn lại quyển này rất khá, hồi hộp, hấp dẫn, khó đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, nội dung đầy trăn trở
8,25/10
P.s: Nếu làm cảnh sát mà khổ, be bét như này thì chắc ai cũng muốn bỏ ngành.
Binh Boog
Tác giả: Lương Kha
Dịch giả: Tuệ Tâm
Reviewer: Điền Yên
Công ty phát hành: Phuc Minh Books
——
Hiếm khi gặp một truyện trinh thám nào mà số nạn nhân với hung thủ lại nhiều thế này. Án lồng án, vừa tưởng thằng này là hung thủ thì lại phát hiện nó đúng là hung thủ, nhưng lại là của vụ khác chứ không phải vụ chính. Dĩ nhiên, người đọc có thể đoán bằng cách đơn giản hơn: thấy truyện mới đi được non nửa độ dài thì chẳng thể nào boss cuối đã bị bắt được.
Nhân vật chính là anh Tứ – một cảnh sát ngầm, chuyên thâm nhập vào hang ổ tội phạm dưới các vỏ bọc khác nhau. Một trong những lần đó, anh buộc phải hít ma túy để tạo lòng tin cho kẻ thù. Thôi thì ít ra anh cũng không phải bắn vào đầu đồng đội như anh Khánh trong Mê cung. Nhưng kể từ đó, anh Tứ nghiện. Cai rồi tái nghiện liên tục do đặc thù nghề nghiệp. Điều này tôi biết. Dù bạn đã cai bao lâu, chỉ cần thuốc ở trước mặt, chưa cần hít, bạn đã tái nghiện rồi. Một cảnh sát dương tính với ma túy, sự nghiệp của anh ta coi như chấm dứt. Ai tin anh? Ai dám đặt trọng trách vào tay một thằng nghiện? Anh Tứ vào sinh ra tử, một đời sống mái với nghề, vợ li dị, con không nhận cha. Tất cả những gì anh còn là công việc này. Nếu kết thúc trong nhục nhã thì chết còn hơn. Và anh quyết chết. Hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ là tuyệt nhất. Người chết rồi, chẳng ai kể về sai lầm của anh nữa, họ chỉ nhắc đến điều tốt đẹp thôi. Khổ nỗi, chẳng hiểu sao, phàm những thằng càng liều mạng muốn chết ngay lại càng sống dai. Anh Tứ muốn hy sinh, thần Chết cũng không chấp nhận. Anh quyết phá được vụ án cuối cùng, chết không hối hận. Vụ án này không ngờ lại quá rắc rối, làm anh mãi không chết nổi. Chiếc lá cuối cùng bên ngoài cửa sổ mãi không rời cành. Trong lúc chờ nó lìa cành thì anh Tứ kịp tìm được bông hoa mới.
Đã rất nhiều lần tôi nghĩ lấy chồng đừng lấy cảnh sát nếu bạn không có thần kinh thép. Vất vả chưa nói, đó là điều dĩ nhiên. Đáng sợ nhất là bị bỏ rơi và chờ đợi vô vọng. Trong Đại mễ tiểu mạch, vợ của Hình Long Nhược li dị dù vẫn yêu chồng vì chị không thể chịu nổi cảnh chờ đợi chồng hàng đêm, luôn lo lắng anh bị thương hoặc hy sinh. Chị có thể cáng đáng gia đình, con cái nhưng không thể chịu nổi sự tra tấn dày vò tinh thần. Đằng sau sự hy sinh của các chiến sĩ công an là sự hy sinh của cả gia đình họ.
Tác giả viết rất khéo, một tập truyện mà cảm giác như đọc cả series giết người. Đọc truyện mà tôi cứ phải chép miệng: “đời có lắm thằng điên”. Tôi tin rằng nếu tác phẩm này được dựng thành phim thì nó đủ gay cấn. Điểm trừ (nhẹ) là đoạn đối đầu giữa boss cuối và boss gần cuối chóng vánh quá, chưa đủ thỏa mãn tôi. Vốn có quan điểm lấy ác trị ác, tôi thấy boss gần cuối chết hơi nhanh, chưa kịp tận hưởng cảm giác của các nạn nhân của hắn.
Tôi thích cuốn sách này, trừ cái bìa. Phong cách bìa quá “Tây” cho một truyện trinh thám Á.
Tôi là Diệp Tứ Minh, mọi người thường gọi là anh Tứ. Tôi cảm thấy biệt danh này khắc mình, vì tôi phát hiện mình buộc phải kết liễu sinh mạng trong vòng bốn ngày, nếu không chờ đợi tôi phía trước chính là “sống không bằng chết”.
Giờ nghĩ lại, mọi nguồn cơn của sự việc đều bắt đầu từ chiếc sofa năm năm về trước. Chiếc sofa đỏ bọc vải, khó có thể mô tả màu sắc của nó một cách chính xác, nhưng có lẽ lúc mới mua thì nó màu trắng. Lại gần sẽ ngửi thấy một hỗn hợp mùi quái lạ: mùi thức ăn thừa, mùi mồ hôi, mùi thuốc lá… Khi đó tôi mặc chiếc áo sơ mi trị giá ít nhất hai ngàn tệ, nhưng tôi cũng không thể vì tiếc của mà không ngồi xuống đống rác đó.
Vì ngay sau gáy tôi là một họng súng lạnh ngắt.
“Từ đầu đến giờ mày luôn bình tĩnh.” Kẻ cầm súng tên là Đảng Siêu. Hắn không nói to, nhưng giọng nói sắc nhọn như muốn xuyên thủng màng nhĩ. “Mày là thằng nào? Cớm hả?!”
“Cớm” là tiếng lóng, ám chỉ “cảnh sát”. Nhiều người không thích cảnh sát, nguyên nhân rất đa dạng. Đảng Siêu không thích cảnh sát thuần túy vì lý do nghề nghiệp. Hắn buôn lậu súng ống, thuốc phiện và hắn giết người.
Các bó cơ toàn thân tôi cứng ngắc, nội tạng như thể biến mất trong phút chốc. Lẽ ra tôi phải đổ mồ hôi như tắm mới phải, nhưng trán tôi lại khô rang như sa mạc Gobi. Có lẽ tôi nên phản bác hoặc biện giải đôi câu, nhưng tôi quyết định không mở miệng. Bởi vì tôi có thể cảm thấy giọng mình sẽ căng thẳng đến mức hụt hơi, chỉ cần mở miệng là để lộ nỗi sợ hãi đang dâng trào.
Trong phòng lặng phắc, chỉ có tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường.
Bàng Tam nhìn tôi, mồ hôi vã đầm đìa khắp mặt. Điều này rất dễ hiểu, tôi mà chết thì cậu ta cũng khó mà sống sót nổi.
Nghĩ đến đây, tôi quyết định phải làm gì đó.
“Có lý đấy! Dẫu nói thì lũ nghèo kiết xác bọn mày cũng không hiểu…” Tôi chậm rãi đứng dậy, đồng thời tận dụng chút thời gian ít ỏi nhanh chóng nuốt nước bọt để dây thanh quản khôi phục chức năng đôi chút, “Nếu tao muốn làm trò thì còn phải ngày nào cũng tự mua dây buộc mình sao?”
Không ai đáp lời, không ai phụ họa. Bọn chúng đều nhìn tôi chằm chằm.
Không còn lựa chọn nào khác.
“Không mang!” Tôi vứt thuốc lá và bật lửa lên bàn đánh “xoạch” một tiếng, cố cất cao giọng, “Ai cho mượn chút?”
Tên nào đó quẳng một gói bột trắng nho nhỏ lên bàn. Bàng Tam đưa cho tôi miếng giấy bạc. Tôi thành thục lấy thuốc lá cuộn thành điếu, đổ bột trắng ra giấy bạc, dùng bật lửa hơ nóng. Một mùi quái dị mà quen thuộc xộc thẳng vào mũi. Thứ đó bắt đầu hóa lỏng, sủi bọt rồi biến thành màu cam nhạt ghê tởm, nom nó giống nham thạch trong miệng núi lửa vẫn thường thấy qua tivi.
Tôi bần thần giây lát, rồi nhắm mắt, hít mạnh một hơi.
Họng súng rời khỏi gáy tôi. Đảng Siêu ngồi xuống bên cạnh, đưa cho tôi cốc nước. Tôi uống một ngụm liền phun hết ra ngoài. Bọn chúng cười phá lên.
“Hít mạnh quá cơ…” Bàng Tam đứng bên cạnh cười xiểm nịnh, đế vào một câu.
“Giỡn chơi ấy mà, anh Tứ đừng kích động thế!” Đảng Siêu vỗ vai tôi, “Hít gấp quá hại người lắm, ngay cả anh Thương cũng không dám nữa là.”
“Giỡn gì thế hả?” Tôi đẩy hắn một cái, “Lẫn cả phân ngựa à? Để lần sau mang cho bọn mày hàng nguyên chất, cho bọn mày mở mang tầm mắt.”
Đảng Siêu cuời, sau đó hạ giọng nói chuyện với tôi.
Nói thật, phần lớn chuyện chúng kể, tôi chẳng nghe thấy gì. Khi đó, tôi nằm trên sofa, cảm giác cơ thể mình trôi bồng bềnh, mí mắt như công tắc ngàn cân, liên tục nhắm lại, mở ra. Đầu tôi biến thành cái lồng, mọi thông tin từ thế giới bên ngoài đi vào não qua tai và mắt, rồi chảy ra tứ tán khắp nơi như bị rò nước.
Tuy nhiên, câu nói dưới đây thì ngoại lệ, “Anh cần bao nhiêu bánh? Ngắn hay dài?”
Tôi cười.
Thế giới trước mắt bắt đầu trở nên méo mó, xoay chuyển. Mọi thứ trong phòng đều tan chảy, nguội dần, rồi đúc thành chiếc huân chương khảm huy hiệu của ngành cảnh sát.
Đó là lần đầu tiên tôi hít thuốc phiện. Quả thật tôi là cảnh sát. Chẳng biết đó là lần thứ bao nhiêu tôi phải xâm nhập vào hang ổ của tội phạm. Khi ấy, tôi không hề cảm nhận được một lần hít thuốc phiện sẽ khiến bản thân ra sao. Trên thực tế, khi ấy tôi cảm thấy không gì mình không thể làm được và mình sẽ mãi mãi “siêu sao” thế này.
Mời các bạn đón đọc Bãi Săn Người của tác giả Lương Kha & Tuệ Tâm (dịch).
Download
Bãi Săn Người
Giới thiệu Bãi Săn Người Tweet! “Tôi là Diệp Tứ Minh, mọi người thường gọi tôi là anh Tứ. Tôi cảm thấy biệt danh này khắc mình, vì tôi phát…