Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ

Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ

Giới thiệu

Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ


Tóm tắt, Review và Đánh giá sách Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ của tác giả Gaston Dorren & Hoàng Đức Long (dịch):

Những người say mê nghiên cứu ngôn từ sẽ thu được nhiều niềm vui thích từ cuốn sách này […] Các ngọn tháp Babel tất yếu sẽ sụp đổ, nhưng sẽ có thứ gì đó lớn lao và có lẽ thậm chí là vĩ đại hơn luôn luôn mọc lên thế chỗ chúng. 
– The New Zealand Listener

Đây là cuốn sách thú vị và giá trị cho mọi độc giả muốn tìm hiểu về ngôn ngữ học.

Sự đa ngữ của loài người là một món quà hay một sự trừng phạt? Và, liệu ngọn tháp Babel ngôn ngữ có đáng mơ ước hay không? “Nói được thêm một ngôn ngữ chính là có thêm một tâm hồn”, đó là phát biểu của Hoàng đế Charlemagne. 6000 ngôn ngữ hiện có của thế giới là 6000 vũ trụ tinh thần khác nhau, nơi tích lũy nguồn tri thức và văn hóa vô cùng đa dạng của nhân loại. Năng lực đa ngữ giúp một người có thể sống một đời sống phong phú và cảm thông với nhiều góc nhìn. Tình trạng đơn ngữ, dù đó là thứ ngôn ngữ được ưa chuộng nhất thế giới, cũng sẽ thu hẹp khả năng trải nghiệm cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đang mất đi một ngôn ngữ mỗi tuần. Và theo thống kê, một nửa số ngôn ngữ sẽ mất đi trong hơn một trăm năm tới.

Gaston Dorren, tác giả của cuốn sách viết về 20 “người khổng lồ” trong số 6000 ngôn ngữ của thế giới bao gồm tiếng Việt này, đã dành rất nhiều tâm huyết cho nỗ lực tìm hiểu các ngôn ngữ khác nhau và góp phần duy trì trạng thái đa dạng về ngôn ngữ của nhân loại. Trong từng chương viết về mỗi ngôn ngữ, Dorren dồn nén cả những dữ kiện quan trọng lẫn phù phiếm nhưng hấp dẫn giúp cho việc đọc trở nên thú vị. Ví dụ như, các ngôn ngữ được sử dụng cho những mục đích dân tộc chủ nghĩa ra sao? tại sao các ngôn ngữ châu Âu vẫn còn đang được sử dụng ở nhiều cựu thuộc địa? tại sao người Brazil ngày nay lại gọi Bồ Đào Nha – đất nước “mẫu quốc” xưa kia và cũng là quê hương của ngôn ngữ chính thức tại Brazil – là “đất nước bé nhỏ”? ngôn ngữ được sử dụng cho hai giới ở Nhật Bản khác nhau như thế nào? nguyên nhân của việc ban hành “Đạo luật Sinhala độc tôn” và những hệ quả của nó đối với tình hình xung đột sắc tộc tại Sri Lanka? Có những phương ngữ của tiếng Hmong có tới 12, thậm chí 14, thanh điệu. Tiếng Quan thoại dù có cả tỉ người nói và được hậu thuẫn bởi sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và vị thế chính trị của đất nước Trung Quốc nhưng vẫn khó có thể soán ngôi tiếng Anh. Và, tiếng Anh, ngôn ngữ cầu nối với tỉ lệ người dùng lên tới một phần tư dân số thế giới, có khả năng sẽ dần dần bị chia tách thành những biến thể chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ địa phương, khác xa với nguồn chung ban đầu, giống như tiếng Latinh nhiều thế kỷ trước.

Khác với một cuốn sách học thuật đầy “hăm dọa”, Babel Vòng quanh thế giới qua hai mươi ngôn ngữ rất dễ tiếp nhận, ngay cả với những người đọc không có nền tảng dày dặn về ngôn ngữ học, nhờ tác giả của nó có tài lý giải những khái niệm ngôn ngữ học khó hiểu nhất theo cách dễ hiểu và cách tổ chức các chương, mục vừa ngắn gọn, nhiều thông tin, vừa hóm hỉnh, cuốn hút.

VỀ TÁC GIẢ:
Gaston Dorren là tác giả Lingo, một cuốn sách về các ngôn ngữ châu Âu mà, như tờ Telegraph đánh giá, “vừa thật sự thú vị vừa vô cùng khôi hài [với] khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ về sự chuyển pha dễ dàng từ những câu chuyện bông đùa và những sự thật đáng ngạc nhiên sang việc luận bàn về những quan điểm ngôn ngữ học phức tạp”. Ông thường xuyên viết bài cho tạp chí ngôn ngữ học nổi tiếng Onze Taal, và biên tập cho trang blog Language Writer. Là một người đa ngữ thật sự, Gaston nói được tiếng Hà Lan, tiếng Limburg, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha, đồng thời đọc được tiếng Pháp, tiếng Afrikaans, tiếng Frisian, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Catalan, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy, tiếng Thụy Điển, tiếng Luxembourg và tiếng Esperanto. Trong khi viết Babel, ông cũng cố gắng học tiếng Việt.

***

Tóm tắt:

Cuốn sách “Babel – Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” của tác giả Gaston Dorren là một chuyến du hành ngôn ngữ thú vị và hấp dẫn. Tác giả đã chọn lọc 20 ngôn ngữ tiêu biểu nhất trên thế giới để giới thiệu đến người đọc, từ những ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha,… đến những ngôn ngữ nhỏ hơn như tiếng Hmong, tiếng Quechua,…

Mỗi chương sách là một bài viết ngắn gọn, súc tích về một ngôn ngữ cụ thể. Tác giả không chỉ giới thiệu về lịch sử, đặc điểm, hệ thống ngữ âm, ngữ pháp,… của ngôn ngữ đó mà còn đề cập đến những vấn đề xã hội, văn hóa, lịch sử liên quan đến ngôn ngữ đó.

Review:

Cuốn sách được viết theo phong cách dễ hiểu, gần gũi, phù hợp với cả những người đọc không có nền tảng ngôn ngữ học. Tác giả sử dụng nhiều ví dụ sinh động, hài hước để giúp người đọc hiểu rõ hơn về các khái niệm ngôn ngữ học.

Đánh giá:

“Babel – Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” là một cuốn sách thú vị và bổ ích cho những ai quan tâm đến ngôn ngữ học và văn hóa. Cuốn sách sẽ giúp người đọc hiểu thêm về sự đa dạng và phong phú của ngôn ngữ, từ đó trân trọng hơn những giá trị văn hóa của các dân tộc trên thế giới.

Một số ý kiến đánh giá khác:

  • “Cuốn sách rất hay và hấp dẫn. Tôi đã học được rất nhiều điều mới về ngôn ngữ học và văn hóa từ cuốn sách này.”
  • “Cuốn sách rất dễ đọc và dễ hiểu. Tác giả có cách viết rất hài hước và dí dỏm.”
  • “Cuốn sách đã giúp tôi hiểu thêm về ngôn ngữ của chính mình và của các quốc gia khác trên thế giới.”
***

Hai mươi ngôn ngữ: một nửa thế giới

Đếm xem có bao nhiêu ngôn ngữ trên thế giới này là việc khó khăn không kém gì đếm xem có bao nhiêu màu. Nhiều ngôn ngữ đã được chuẩn hóa, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, và tiếng Thái; việc đếm những ngôn ngữ này dễ dàng như đếm số màu trong tranh của Mondrian. Nhưng đa số các ngôn ngữ chưa bao giờ được chuẩn hóa. Ở nhiều vùng, chỉ tồn tại một loạt những biến thể khác nhau của ngôn ngữ địa phương, và việc xác định điểm kết thúc của ngôn ngữ này và bắt đầu của một ngôn ngữ khác cũng khó khăn không khác gì việc phân tách màu sắc trong tranh của Turner. Vì thế, người ta không thể chỉ ra tổng số chính xác. Tuy nhiên, 6.000 là một con số thường được người ta đưa ra khi ước tính số lượng ngôn ngữ nói và viết trên thế giới ngày nay – trung bình cứ 1,25 triệu người lại có 1 ngôn ngữ. Một sự đa dạng thực sự đáng kinh ngạc – chúng ta đang sống trong một tòa tháp Babel đồ sộ làm sao!

Nhưng có thật là như vậy không? Sau đây là một con số thống kê khác: chỉ cần thuần thục bốn ngôn ngữ – tiếng Anh, tiếng Quan thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hindi-Urdu – bạn có thể len lỏi một cách suôn sẻ trên phần lớn các khu vực trên thế giới này, mà không cần tới một thông dịch viên. Ở hai quốc gia đông dân nhất trên Trái Đất, hầu như mọi người đều hiểu tiếng Hindi-Urdu hoặc tiếng Quan thoại; tiếng Tây Ban Nha sẽ giúp ích nhiều cho bạn ở nhiều nước thuộc châu Mỹ, và tiếng Anh chính là ngôn ngữ tiệm cận nhất với trạng thái đơn vị tín dụng toàn cầu trong ngôn ngữ. Thế thì, tháp Babel cũng chẳng có giá trị gì mấy, người ta có thể sẽ nghĩ như vậy.

Các ngôn ngữ lớn nhất trên thế giới, chủ đề của cuốn sách này, đang gây ra sự suy vi của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ngôn ngữ nhỏ hơn. Đây là một bi kịch, khi mà trên mọi châu lục, những ngôn ngữ nhỏ hơn không còn được sử dụng nữa, đồng nghĩa với sự xóa sổ những tri thức quý giá được mã hóa trong ngôn từ, những câu chuyện và những cái tên – “những cấu trúc tinh tế của những thế giới mà trong đó người ta sống” như cách nói của Alok Rai. Đồng thời, chính những ngôn ngữ đang thống trị kia cũng đại diện cho sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, và lịch sử vượt ra ngoài những gì mọi người thường nhận thức được. Sự đối lập này khiến Babel trở thành một cuốn sách mang sắc thái hỗn hợp của cả niềm vui lẫn nỗi buồn: hai mươi sinh ngữ được mô tả trong cuốn sách này đều là những mỹ vị nhưng cũng không kém phần nguy hiểm.

Các ngôn ngữ này là tiếng mẹ đẻ của không dưới một nửa dân số toàn thế giới. Nếu tính đến số lượng người nói các ngôn ngữ này như ngôn ngữ thứ hai, số lượng người sử dụng chúng còn lớn hơn. Một lần nữa, người ta vẫn chưa thống nhất về con số chính xác, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định rằng ít nhất 75% những người sống trên hành tinh này có thể giao tiếp bằng một ngôn ngữ trong nhóm Babel Hai mươi. Một con số ít liên quan hơn, nhưng chính xác hơn, là: hơn 90% loài người đang sống ở những quốc gia nơi chính quyền trung ương sử dụng ít nhất một ngôn ngữ trong nhóm 20 ngôn ngữ này.

Những ngôn ngữ lớn này đã vươn tới địa vị hiện tại như thế nào? Mỗi ngôn ngữ có một câu chuyện riêng, nhưng đa số chúng có chung một điểm: chúng là những ngôn ngữ cầu nối (lingua franca) – tức những ngôn ngữ đóng vai trò cầu nối giữa những con người không có cùng tiếng mẹ đẻ.

Hai ngôn ngữ cầu nối trong Babel – tiếng Swahili và tiếng Mã Lai – ban đầu phát triển mạnh mẽ với tư cách những ngôn ngữ dùng trong giao thương. Sau này, một vài chính phủ đón nhận chúng như những ngôn ngữ dùng để quản trị hành chính, nhưng thậm chí ngày nay chúng vẫn được sử dụng như ngôn ngữ thứ hai – tức những cầu nối hữu ích – hơn là như ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng nhân tố chủ đạo kiến thiết và duy trì các ngôn ngữ cầu nối vẫn luôn là chủ nghĩa đế quốc – tiếng Ba Tư, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh đều vượt ra ngoài cái nôi ban đầu của chúng theo cách này. Các ngôn ngữ khác của châu Á cũng trải qua những trang sử tương tự: tiếng Ả Rập được truyền bá bởi các triều đại khalip, tiếng Quan thoại được truyền bá bởi các triều đại Trung Hoa, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được truyền bá bởi đế quốc Ottoman, và tiếng Việt được truyền bá bởi các vị vua và đạo quân người Việt. Giống tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh, các ngôn ngữ khác của châu Âu cũng được các đế quốc thực dân cõng theo. Tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp được truyền bá qua đường biển, và tiếng Nga qua đường bộ. Ở Ấn Độ, lịch sử tương tự cũng lặp lại – hoặc ít ra cũng là cảm nhận của người dân ở miền Nam Ấn Độ, khi họ kịch liệt phản kháng sự xâm lấn của tiếng Hindi với tư cách ngôn ngữ toàn-Ấn-Độ.

Cho đến giờ, tôi đã đề cập đến 13 ngôn ngữ. Các ngôn ngữ còn lại là tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Java, tiếng Hàn Quốc và 3 ngôn ngữ của vùng Nam Á: tiếng Bengal, tiếng Punjab và tiếng Tamil. Sẽ hơi quá nếu phân các ngôn ngữ này vào nhóm các ngôn ngữ cầu nối, tức các lingua franca. Điểm chung giữa chúng là: chúng ngẫu nhiên bao phủ những vùng địa lý nhỏ nhưng có mật độ dân số cao.

Những ngôn ngữ trong nhóm Babel Hai mươi giành được ưu thế theo những con đường khác nhau, nhưng sự khác biệt ấy cũng chỉ là điểm đầu tiên trong rất nhiều điểm khác biệt giữa chúng. Không ngạc nhiên, điểm khác biệt giữa tất cả các ngôn ngữ nằm ở những từ ngữ chúng cho phép người dùng sử dụng, ở hệ thống ngữ pháp mà chúng vận dụng và ở những âm thanh truyền tải chúng. Hệ thống chữ viết của các ngôn ngữ không chỉ phong phú một cách thú vị về mặt hình dạng, mà còn khác biệt sâu sắc về cách thực hiện chức năng. Người ta có những cảm nhận tập thể riêng biệt về ngôn ngữ của nhóm mình: chúng ta tìm thấy ở họ sự tôn kính, tự hào, bảo vệ và, đôi khi, cả sự bàng quan, nhưng đồng thời, cũng có thể tìm thấy sự chấp nhận miễn cưỡng và thậm chí cả sự căm ghét, đặc biệt ở những người sử dụng một ngôn ngữ như ngôn ngữ thứ hai. Ngôn ngữ được dùng cho nhiều mục đích khác nhau: đa số, nhưng không phải tất cả các ngôn ngữ, được ưa chuộng bởi các chính phủ và các doanh nghiệp; một số ngôn ngữ đã có được bề dày những thành tựu phong phú và kế thừa lâu đời về văn chương, các ngôn ngữ khác lại không được như vậy; một số được duy trì qua một vài thế hệ bởi những người di cư, trong khi các ngôn ngữ khác sớm bị người ta từ bỏ. Tất cả các ngôn ngữ đều biểu hiện sự đa dạng nội tại, nhưng theo các mô thức khác nhau: thường xuyên tồn tại những biến thể vùng miền; đôi khi, tồn tại một biến thể dùng cho việc nói, một biến thể khác dùng trong viết lách; hoặc một biến thể cho những cuộc nói chuyện trang trọng, một biến thể khác cho những cuộc tán gẫu suồng sã; hoặc các biến thể khác nhau dừng để nói chuyện với những người có địa vị xã hội cao hơn, thấp hơn, ngang bằng, vân vân. Nói cách khác, ngoài việc là một hệ thống giao tiếp độc nhất vô nhị, mỗi ngôn ngữ trong nhóm Babel Hai mươi cũng có lịch sử ngôn ngữ riêng và văn hóa ngôn ngữ riêng. Chính mỗi ngôn ngữ này đã đủ điều kiện là một thế giới riêng.

Trong hai mươi chương (và một bán chương) sau đây, ở mỗi chương tôi sẽ nhìn vào một trong những thế giới này, bắt đầu từ thế giới nhỏ nhất trong nhóm và dần tiến đến thế giới lớn nhất, “siêu cường ngôn ngữ” của thế giới. Nhưng, dù mỗi câu chuyện tập trung vào một ngôn ngữ, nó cũng tập trung vào một vấn đề, một nét đặc thù của ngôn ngữ cụ thể ấy. Ví dụ, ý nghĩa thực sự của phát biểu tiếng Nga “có liên quan” đến tiếng Anh là gì? Làm thế nào mà những ký tự không thuộc bảng chữ cái Latinh, tức bảng chữ cái alphabet, ví dụ như các ký tự được dùng ở Ấn Độ và Trung Quốc, lại có vai trò giống 26 ký tự trong tiếng Anh? Nếu các nước Bỉ và Canada gặp khó khăn trong việc gìn giữ trạng thái hòa bình liên quan tới vấn đề ngôn ngữ, làm thế nào mà các quốc gia đa ngôn ngữ như Indonesia lại thành công trong việc này? Làm thế nào mà một nước Bồ Đào Nha nhỏ bé thời xâm chiếm thuộc địa tạo ra được một ngôn ngữ chủ đạo trên thế giới – và tại sao Hà Lan không làm được như vậy? Tại sao ở Nhật Bản phụ nữ nói chuyện theo cách khác nam giới? Và làm thế nào mà cuốn sách này giúp tác giả có được hai cô cháu gái người Việt Nam, gọi tác giả bằng chú?

VỀ BABEL – MỘT SỐ THÔNG TIN (KHÔNG) CÓ GIÁ TRỊ THỰC DỤNG

Mỗi chương bắt đầu với một hồ sơ ngắn về ngôn ngữ được bàn đến trong chương: các tên khác nhau của nó, ngữ hệ của nó, số lượng người sử dụng, một số điểm cơ bản về ngữ pháp, phát âm và hệ thống chữ viết cũng như thông tin về từ mượn (ngôn ngữ ấy vay mượn từ vựng chủ yếu từ những nguồn nào và tiếng Anh mượn những từ nào từ ngôn ngữ ấy?). Tất nhiên, những con số ấy vẫn chưa có căn cứ chắc chắn, vì các số liệu thống kê về ngôn ngữ rất thất thường; tôi đã tham khảo nhiều nguồn, bỏ qua những trường hợp ngoại lệ đáng ngờ, lấy trung bình của các con số còn lại và làm tròn kết quả tới con số gần nhất và dễ nhớ.

Khó có thể biểu diễn những âm thanh không quen tai của các ngoại ngữ mà không dùng đến bảng Mẫu tự Ngữ âm Quốc tế (International Phonetic Alphabet), một bảng mẫu tự có thể khó hiểu đối với những người không có chuyên môn. Tôi đã giải quyết vấn đề này theo hai cách. Trong đa số các trường hợp, tôi đã cố gắng mô tả gần đúng quy cách phát âm của các từ thuộc ngôn ngữ khác bằng cách dùng các thông lệ về đánh vần trong tiếng Anh (ví dụ, sử dụng /ee/ như trong từ “bee” (con ong)) hoặc một cách đánh vần có tính “thông lệ lục địa” nào đó (theo đó, cũng âm vừa rồi sẽ được biểu diễn là /i/ hoặc thậm chí là /ī/ trong những đoạn mà độ dài của nguyên âm đóng vai trò quan trọng). Trong một vài trường hợp, khi cách này không hiệu quả, tôi bổ sung đường dẫn đến trang web của tôi (languagewriter.com), trong đó có một trang chứa các tập tin âm thanh, nằm dưới mục “BABEL”.

Khi dẫn các từ, ngữ hoặc câu để làm ví dụ, tôi đã cố gắng luôn thống nhất về quy tắc đánh máy như sau:

BABEL Viết hoa từng chữ cái: các từ trong ngôn ngữ không phải tiếng Anh. Nhưng để dễ đọc, các câu hoàn chỉnh được trích dẫn dưới dạng in nghiêng

Babel In nghiêng: các từ tiếng Anh, và cả các câu trong các thứ tiếng khác. Tôi cũng dùng dạng in nghiêng để nhấn mạnh.

/baybl/ Gạch chéo: dạng gần đúng về ngữ âm.

“Babel” Ngoặc kép: phần biên dịch sang tiếng Việt của các từ.

(Babel) Khi phần biên dịch tiếng Việt được đặt trong ngoặc đơn, tôi không dùng dấu ngoặc kép nữa.

Đúng một nửa các ngôn ngữ Babel được viết bằng các ký tự không thuộc bảng chữ cái Latinh. Các từ trong tiếng Nga, tiếng Quan thoại, vân vân, đều đã được chuyển tự hoặc phiên âm. Ở một vài ngôn ngữ, người ta đồng thời lưu hành nhiều hơn một hệ thống chuyển tự hoặc phiên âm, vì thế nếu bạn cảm thấy các từ tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật hoặc tiếng Ả Rập trong Babel có vẻ gì đó khác với những gì bạn được dạy, có thể nguyên nhân chính là sự tồn tại đồng thời của nhiều hệ thống nói trên.

Tôi đã vô cùng cố gắng để xử lý số lượng rất lớn những từ tiếng nước ngoài được nhắc đến trong cuốn sách này, tuy nhiên vẫn có khả năng tồn tại các lỗi chính tả, đặc biệt trong những ngôn ngữ không thuộc châu Âu. Tôi cảm ơn bất cứ ý kiến đóng góp cải chính nào mà độc giả có thể gửi cho tôi (thông qua trang liên lạc trên website của tôi – languagewriter.com); các cải chính ấy sẽ là cơ sở điều chỉnh cho các phiên bản và bản dịch sau này. Cho đến lúc đó, xin hãy cùng trân trọng những sai sót này vì bản chất của chúng: chúng là bằng chứng rằng chúng ta vẫn đang sống trong tháp Babel.

GASTON DORREN, 2018

Mời các bạn mượn đọc sách Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ của tác giả Gaston Dorren & Hoàng Đức Long (dịch).

Download

Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ Tweet! Tóm tắt, Review và Đánh giá sách Babel – Vòng Quanh Thế Giới Qua 20 Ngôn Ngữ…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close