Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc

Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc

[toc]


Giới thiệu ebook

Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc


Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc (Chứng tích, nhân vật, đất đai thủy thổ của miền Nam cũ)

Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang – Ba Thắc được Vương Hồng Sển viết năm 1974, duyệt lại năm 1978; là những gì ông chưa viết trong Hơn Nửa Đời Hư, và cũng được gọi là hồi ký.

Những nếp sinh hoạt, các sự kiện, nhân vật và đất đai thủy thổ của Miền Nam cũ, đặc biệt là vùng Hậu Giang hồi đầu thế kỷ trước được kể lại và so sánh với thời điểm ông viết. Các mốc thời gian lùi dần theo dòng hồi ức, cũng tiện cho người đọc hôm nay — khi đọc, sẽ đặt mình ở điểm “giữa” tức khoảng năm 1974); chúng ta có cái lợi thế được thấy quá khứ của một vùng dất mới và cả “tương lai” mà tác giả lúc đó chưa thể biết.

***

Vương Hồng Sển (1902 – 1996), tên thật là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh (khi làm giấy khai sinh bị viết nhầm là Sển, vì đọc theo cách phát âm tiếng Triều Châu của người Quảng Đông, Trung Quốc). Ông sinh tại Sóc Trăng, mang dòng máu Việt, Hoa, Khmer, là một nhà văn, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng; được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.

Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.

Thuở nhỏ ông thích tìm hiểu về đồ cổ. Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài Phát thanh Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm. Những ai muốn nghiên cứu về lịch sử miền Nam thế kỷ XX chắc hẳn sẽ tìm thấy trong các tác phẩm của ông những nguồn tài liệu bổ ích.

Một số tác phẩm có giá trị của ông có thể kể đến: Thú chơi sách (1960); Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960, III 1992); Hồi ký 50 năm mê hát (1968); Phong lưu cũ mới (1970); Thú xem chuyện Tàu (1970); Thú chơi cổ ngoạn (1971); Chuyện cười cố nhân (1971); Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972); Cảnh Ðức trấn đào lục (1972);… (1993); Tạp bút năm Quý Dậu (1993); Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994); Nửa đời còn lại (1995);

***
Đất Thăng-Long trước năm 1945, đường đi dễ như đi chợ phiên, nay đã bế tắc, và nhắc đến Hà-Nội, ai cũng đều nhớ tiếc. Tôi có người bà con, quê ở Sốc-Trăng, năm 1943 anh có chuyện cãi vã với vợ, chiều hôm ấy cơm nước xong, anh còn tức giận bỏ ra bến xe hóng mát. Thấy xe đò sắp chạy, không biết cái gì khiến, anh leo lên ngồi cho xe chạy, ra khỏi chợ có gió mát, mới nhớ lại anh đang mặc một bộ đồ bà-ba nhụt nhạt chơn đi guốc vông, nhưng anh vững bụng vì trong túi có hai trăm đồng bạc (200$00) gồm hai tờ giấy xăng do một người bạn vừa trả và anh chưa cất vào tủ sắt. Anh ngồi ngủ gà ngủ gật, xe đổ bến chợ Sài-Gòn, anh xuống xe lòng giận chưa nguôi, anh đi ngay lại nhà ga, mua vé lên chuyến tốc-hành nằm ngủ tiếp mặc cho xe nó chạy ra Bắc. Đến nơi mới nhớ lại mình trơ trụi xấu hổ quá, bèn lại nhà may đặt gấp một bộ Âu-phục tussor, sắm một đôi giày đo theo ni, xỏ chân vào rồi leo lên xe trở về Nam, xe đến Sài-Gòn, sang xe đò chạy thẳng một mạch về Sốc-Trăng, ngó vợ cười giải hòa, trong mình anh còn dư mấy chục bạc và anh chỉ vắng nhà có ba đêm hai ngày. Ngày nay gặp tôi anh thường nhắc lại việc đó và cho rằng một giấc chiêm bao. Thử hỏi như hiện nay ta có một số bạc gấp một ngàn lần hơn (200 X 1000) hỏi ta có dám mạo hiểm đi ra ngoài nớ mua sắm lung tung như anh giận vợ năm trước chăng? Thành thử năng lực và giá trị 200.000 đồng bạc năm 1974 không sánh được với hai tờ giấy xăng năm 1943/44. Năm 1943 muốn đi từ Nam chí Bắc chỉ cần có anh hai trong túi, ngày nay nội tiền chạy cho ra giấy phép cũng tiêu tùng số vốn kia rồi. Thuở ấy, đường đi ra đất Bắc dễ dàng làm vậy nên tôi không vội, những tưởng cái bánh để dành là cái bánh ngon, ngờ đâu vì để lâu quá không ăn được nữa, bánh ngon thành ra bánh tuyệt vọng.
Lại có người khác nhớ đất Huế, Huế-đô thơ mộng thì tôi được biết. Ai kia nhớ Huế, cho tôi nhớ cùng. Nhớ những cặp mắt nhung tình tứ, nhớ bánh khoái cầu Đông-Ba, nhớ cháo lòng Bờ Thành, ngon thì ngon thật nhưng chỗ ngồi kém hấp dẫn, nhớ cơm Âm-phủ, nhớ quán cà-ri bê thui, khách đến trễ để bụng trống về nhà! Dạo nào ngoài nớ có một ông mặc áo tu hành mà ham làm chuyện thế, toan phá lầu Ngọ-môn lấy gạch xây hồ bít-xinh cho nữ-học-sinh tắm, may thời thiên đạo chí công, cơ đồ người em sụp đổ, ông chỉ còn sám hối lần chuỗi ăn năn.
Hết nhớ rồi lại tiếc. Tôi tiếc bao nhiêu đồ sứ quí giá lần hồi ngoài ấy bán ra xứ ngoài hết, những cổ vật ấy không chi nó cũng là di vật của ông cha ta để lại. Nhưng tôi tự mâu thuẫn lấy tôi, vì nếu không có người bán, làm sao tôi mua được?
Trở lại nhớ, nhớ xa không bằng nhớ gần. Tôi sanh trưởng miền quê đất Hậu-Giang, tôi chỉ biết nhớ tỉnh nhà Sốc-Trăng và hiện khi đang ngồi viết tôi nhớ đáo để cái chợ nhỏ Bãi-Xàu:
“Hỏi anh có nhớ Bãi-Xàu,
Bánh xầy chiên mỡ, bánh bao thịt bằm”.
Bãi-Xàu ngày nay rất phồn thịnh vì đây là chợ lúa gạo trong xứ, chỗ dự trữ lúa đợi đủ số có ghe chài1 vận chuyển lên Chợ-Lớn xay ra gạo cho chúng ta ăn. Lúa miệt đồng Bưng-Xa-Mo, đồng Trà-Thê, đồng Mã-Tộc, Giồng Có, đều qui tụ về đây. Nhưng đối với tôi, Bãi-Xàu là kỷ niệm buổi ấu thời xa xưa, những ngày tắm nắng hớt cá thia-thia, theo chơn cô bác dở nò bắt cua biển, và lội vô vườn mua mía cây bắp rẫy, không nữa thì lén liệng xoài sống trên cây, hái trộm me chua. Có ba xu thì mua đường cát mỡ gà về dầm trong nước mắm ngang, xoài thì cắn giòn nghe rốp rốp, me chua thì ăn đến líu lưỡi hít hà. Ngày nay răng cái dưới chửi cái trên, còn gì mà hưởng xoài sống me chua? Đặc biệt nhứt của chợ Bãi-Xàu là hủ tiếu xào mỡ, mỗi dĩa một đồng xu, đếm được ba cọng hẹ, vài tép mỡ, duy hủ tiếu thì một dĩa ê hề no bụng. Hủ tiếu xào mỡ, chan nước mắm cho vừa, lua vào miệng, ngon không thể tả. Ngày nay tiền có dư nhưng tuổi cũng theo tiền chồng chất, cao lương mỹ vị quen mùi, lại bắt thèm hủ tiếu xào mỡ, không tôm không thịt.
Còn một thứ bánh nữa là bánh xầy. Bãi-Xàu nguyên là xứ tép tôm, nên bánh xầy ở đây chiên để hai con tép trên mỗi bánh và chiên bằng mỡ heo chớ không chiên bằng dầu nên cái bánh thơm ngon (ngày nay mỡ mắc còn chiên như vậy chăng?). Dầu chiên như cũ nhưng giá chắc đã lên thang, thi-vị cái bánh mất rồi.
Bánh xầy không biết của xứ nào phát minh: Miên, Chệc hay ta? Ta biết ăn nhưng làm ít biết. Và tùy địa phương mỗi thổ dân gọi cái bánh một cách khác: Sốc-Trăng, Bạc-Liêu, Bãi-Xàu gọi nó là bánh xầy. Khi chiên với bột, nhưn giá thì gọi bánh giá. Nhưn hột đậu xanh để vỏ, mới gọi bánh xầy.
Ở Tri-Tôn (Châu-Đốc) tục danh là Xà-Tôn (Miên gọi Xoai-Tôn) lại gọi bánh xà-tún. Lên đến Sài-Gòn bánh đổi tên là bánh tôm khô chiên, để ăn kèm với bánh cuốn không nhưn của mấy mụ xẩm già bán dạo. Thỉnh thoảng tôi vẫn ăn nhưng không làm sao cho tôi quên được cái bánh xầy quê hương và mỗi lần về dưới thăm nhà tổ phụ mỗi sáng tôi đều ních vài ba cái bánh xầy để nhớ lại tuổi hường tuổi xanh. Mà tôi nhớ hơn hết là bánh xầy của Chị Năm Bồi bán nơi sân trường cách nay hơn sáu mươi năm cho học trò trường tỉnh Sốc-Trăng. Lúc ấy bọn tôi ngồi học mà trông cho mau tới giờ ra chơi để chạy cho kịp mua giành mua giựt cái bánh một xu, chan cho ngập nước mắm ớt, không chan kịp thì cứ thả nguyên cái bánh vào tô nước mắm cho nó càng thấm càng hay, bánh cắn nóng hổi và giòn khớu, cắn một miếng nước mắm chảy vào cổ ngọt xớt nuốt tới đâu nó khoái tới đó. Nhứt là gặp buổi trời mưa lâm râm, bà đốc chằn (Mme F. Gros) bắt nhổ cỏ vườn rau, mình sẽ lén như hôm bị phạt, nhổ đại một cây củ cải non, không cần rửa ráy, phủi sơ sịa bằng tay cho sạch cát đất, rồi cắn chung với bánh xầy thì nó ngon thấu trời, không bánh Tây bánh Mỹ nào bằng.
Bãi-Xàu, Sốc-Trăng hai nơi kỷ niệm tuổi thơ ấu. Ngày nay đối với tôi đã xa xăm, biết bao giờ có dịp trở lại buổi xưa, nếm cái bánh xầy như lúc chưa mười tuổi.
Về gốc tích Bãi-Xàu, tôi biết được hai huyền thuyết:
1) Thuyết thứ nhứt do một sãi Miên già kể lại thì vào đời xưa, tại vùng nầy người thưa rừng nhiều, gần bên miễu nhỏ thờ ông Ba-Thắc (thần Pra-Sak của Miên) có một cái hang lớn chứa một cặp rắn hổ ngựa mình lớn như cột nhà, đầu có mồng đỏ choét. Một buổi chiều nọ, có một anh dân quê vào rừng mót củi, không dè anh gặp một ổ trứng rắn, anh nhà quê lấy áo bọc hết đem về, lòng mừng trúng mối to, trời cho lộc và không biết đó là trứng rắn. Anh bắt lửa nấu một chảo đụn cơm cho đồng bọn đi làm lúa lát nữa về ăn và bắt nồi luộc trứng làm món ăn đặc biệt. Một chặp sau, cặp xà-tinh hay mất trứng, đánh hơi theo tìm, hai con rắn hổ ngựa chạy còn hơn ngựa, như bão dậy đùn đùn cây cối ngả rạp thiên hôn địa ám. Cả xóm hoảng hồn mạnh ai nấy chạy, đến chừng thấy trời êm gió lặn mới dám trở về lúc ấy thấy trời tối hù củi lửa tắt queo, còn cây cỏ thì nát ngầu và không thấy một trứng nào. Về chảo đụn cơm thì lửa đã tắt từ lâu, cơm thì sống nhăn nhưng cũng phải để vậy mà nuốt đỡ đói vì còn sợ rắn thần trở lại. Để đánh dấu một nạn dữ tránh qua, từ ấy họ đặt tên xóm là Srock Bai-xau: xứ ăn cơm chưa chín. (Srock là xứ, sốc; bai là cơm; xau là chưa chín). Mặc dầu biết đó là thần thoại nhưng bằng cớ hiển nhiên là trong xóm Bãi-Xàu cũ, vẫn còn một tòa cổ miễu thờ ông Ba-Thắc, kế bên còn một gốc cổ thụ tàn che tối đất, tương truyền đây là nơi xưa có hang sâu cặp rắn thần.
2) Nếu thuyết trên đượm màu huyền hoặc khó tin thì thuyết sau đây có phần thiết thực hơn. Và cũng theo ông già bà cả thuật lại thì mấy trăm năm trước lúc người Miên người Việt hai bên tranh giành đất với nhau, vào một buổi chiều nọ, phe Miên vừa đại bại, đám tàn binh Thổ kéo nhau đến đây giọt gạo nấu cơm ăn đỡ đói (chính ngày nay họ còn giữ tục ăn ngày nào giọt gạo ngày ấy chớ không giã sẵn như ta). Cơm chưa kịp chín đã nghe tin đồn binh Nam đang rần rần kéo tới, khiến cho binh Miên, mặc dầu cơm chưa chín, cũng phải nhắc nồi xuống, ăn hối hả để chạy cho thoát tay người Nam. Bởi ăn cơm sống tại chỗ nầy, nên nay cái tên còn tồn tại – Bon en nâu na mo? (Anh từ đâu đến?). – Pi Bai-xau mo (Từ Bãi-Xàu đến).
Bãi-Xàu có một tên khác rất nên thơ là làng Mỹ-Xuyên, lấy tên con sông chạy ngang đây nối liền rạch Ba-Xuyên (Sổc-Trăng) ra biển cả, nhưng Mỹ-Xuyên chỉ là danh-từ dùng trên mặt giấy tờ gởi lên quan, chớ dân bản xứ vẫn gọi Bãi-Xàu quen miệng. Trong vùng có con chim chìa vôi có khoen trắng nơi cổ. Ở đâu đâu đều gọi chim ấy là “chim chìa vôi”, duy miệt Sốc-Trăng lại gọi theo Tàu là “chim chít chọt”. Sáng sớm và đầu hôm, chim đứng ngọn cây hát rằng: “Chít chọt. Chít chọt. Bô lúi khứ Bãi-Xàu” (Chít chọt! Chít chọt! không tiền đi Bãi-Xàu!). Chim rừng còn nhớ giọng bản xứ pha Tàu. Cố nhiên con người ở đây tuy ăn cơm có chúa, nhưng tâm hồn còn đượm gốc Minh-Hương.
(bài đăng báo Chọn Lọc số 7 đề ngày 26-12-1965, nay dùng thay cho bài tựa tập nầy).
 

Mời các bạn đón đọc Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc của tác giả Vương Hồng Sển.

Download ebook

Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose

[toc] Giới thiệu ebook Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc Tweet! Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ: Hậu Giang – Ba Thắc (Chứng tích, nhân…

Bookmark (0)
Please login to bookmarkClose