Ebook Sơn Hà Rực Lửa
PDF epub azw3 mobi
Giới thiệu Ebook
Sơn Hà Rực Lửa
Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết lịch sử Thiệu Bảo bình Nguyên tập 3: Sơn Hà Rực Lửa của tác giả Hồng Thái.
Bộ sách Thiệu Bảo Bình Nguyên Trọn bộ 4 tập gồm có:
- Điệp vụ thám báo: Nhà Trần lắng nghe những động tĩnh của nhà Nguyên bên kia biên giới để chủ động đối phó khi chiến tranh xảy ra.
- Trước cơn giông tố: Công tác chuẩn bị cho cuộc chiến không thể tránh khỏi.
- Sơn hà rực lửa: Giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi vua tôi nhà Trần hứng chịu thiệt hại, phải rút lui để bảo toàn lực lượng.
- Khúc tráng ca mùa hạ: Giai đoạn sau của cuộc chiến, vua tôi nhà Trần phản công và giành thắng lợi.
***
Tóm tắt:
“Thiệu Bảo Bình Nguyên – Tập 3: Sơn Hà Rực Lửa” của tác giả Hồng Thái tiếp nối câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, tập trung vào giai đoạn đầu đầy gian khổ và thử thách. Quân dân Đại Việt phải đối mặt với sự tàn khốc của chiến tranh, những mất mát to lớn và những quyết định khó khăn. Tuy nhiên, bằng tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và tài thao lược của các tướng lĩnh, họ đã dần vượt qua khó khăn, tạo tiền đề cho những chiến thắng vang dội sau này.
Trong tập ba – Sơn Hà Rực Lửa, câu chuyện diễn ra vào mùa đông, tháng chạp năm Thiệu Bảo thứ 6 (tháng 1 năm 1285). Hơn 50 vạn quân Mông Thát, do Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy, ồ ạt xâm lược Đại Việt. Đây là giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi vua tôi nhà Trần phải đối diện với những thiệt hại nặng nề, buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Qua lời kể của tác giả, độc giả được chứng kiến những khía cạnh lịch sử hào hùng nhưng đầy bi tráng, tái hiện một thời kỳ rực rỡ của dân tộc Việt Nam.
Đánh giá:
-
Điểm mạnh:
- Khắc họa chân thực và cảm động những hy sinh, mất mát của quân dân Đại Việt trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
- Làm nổi bật tài thao lược của các tướng lĩnh, đặc biệt là Hưng Đạo Vương, trong việc chỉ huy quân đội và đưa ra những quyết sách chiến lược quan trọng.
- Tái hiện sinh động không khí hào hùng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của toàn dân tộc.
- Ngôn ngữ giàu hình ảnh, diễn tả chân thực những trận đánh ác liệt và tình cảm của các nhân vật.
-
Điểm hạn chế:
- Có thể gây cảm giác nặng nề cho một số độc giả do tập trung vào những mất mát và khó khăn trong chiến tranh.
- Một số chi tiết lịch sử có thể chưa hoàn toàn chính xác.
Nhìn chung:
“Thiệu Bảo Bình Nguyên – Tập 3: Sơn Hà Rực Lửa” là một tác phẩm lịch sử cảm động và ý nghĩa. Tác giả đã thành công trong việc tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng nhưng đầy bi tráng của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách không chỉ mang đến cho người đọc những kiến thức lịch sử quý báu mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước.
***
Mùa đông, tháng chạp năm Thiệu Bảo thứ 6 (tháng 1 năm 1285), hơn 50 vạn quân Mông Thát do Trấn Nam Vương Thoát Hoan thống lĩnh ồ ạt kéo vào xâm lăng Đại Việt. Cuộc chiến tranh vệ quốc chống Nguyên lần thứ hai của quân dân thời Trần, thuộc triều đại Trần Nhân Tông, đã diễn ra khốc liệt và hào hùng. Sử sách Việt Nam và Trung Quốc có ghi chép nhiều tình tiết, sự kiện về cuộc chiến này, song tất cả đều ở tầm mức khái quát. Mỗi lần giở lại các trang sử thời ấy, tôi thường hình dung về một thời đại rực rỡ hào khí nhưng chắc hẳn ngập đầy máu và nước mắt còn ẩn giấu đằng sau những câu chữ cô đọng. Từ trí tưởng tượng và cách nghĩ của mình, tôi mạnh dạn viết cuốn sách này.
Thiệu Bảo Bình Nguyên là bộ tiểu thuyết lịch sử về thời kỳ bi tráng của một dân tộc nhỏ yếu đã vượt qua nỗi sợ hãi mà vươn lên đánh bại kẻ thù hùng mạnh gấp bội, đấy chính là cuộc chiến năm 1285. Đã có người hỏi tôi, tại sao không viết về cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) hay lần thứ ba (1288) mà viết về cuộc chiến lần thứ hai?
Năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), dưới triều Trần Thái Tông, quân dân Đại Việt đã đập tan cuộc chinh phạt của hơn 2 vạn quân Thát dưới quyền chỉ huy của Ngột Lương Hợp Thai. Lúc ấy nước Nguyên chưa ra đời, mục đích của quân Mông Cổ khi kéo vào nước ta chủ yếu nhằm tạo bàn đạp đánh nhà Nam Tống từ hướng nam. Với lực lượng khiêm tốn và dã tâm chiếm đoạt Đại Việt không thật sự bức bách nên có thể cho rằng cuộc chiến lần thứ nhất là trận thử sức chưa quyết liệt tột độ giữa hai lực lượng quân sự đối kháng. Chính sử không chép nhiều về cuộc chiến này, cho dù không thể phủ nhận đây là một dấu son hào hùng đánh giặc giữ nước của dân tộc ta.
Trải qua gần 30 năm hòa bình yên ổn (từ đầu năm 1258 đến cuối năm 1284) nhưng người Việt Nam vẫn phải sống trong trạng thái âu lo thường trực trước một đế chế Nguyên Mông hình thành và ngày càng lớn mạnh. Sau khi diệt Nam Tống (1279), dã tâm chiếm đoạt Đại Việt của Nguyên triều cũng lớn dần lên theo năm tháng, với các yêu sách ngày càng bạo ngược, sức o ép ngày càng quyết liệt, sự dọa nạt ngày càng hung tợn, tất cả chỉ nhằm mục đích quay ngược bánh xe lịch sử để một lần nữa trói buộc dân ta trong cái cũi châu quận như thời Bắc thuộc. Thực trạng ấy làm rúng động một bộ phận không nhỏ cấu trúc thượng tầng xã hội Việt Nam đương thời. Họ là những người thuộc giai tầng tinh hoa làm nên diện mạo thời đại nhưng đã thật sự run sợ trước gã khổng lồ có sức mạnh hủy diệt lại rất giỏi dùng bả danh lợi câu nhử mấy kẻ yếu bóng vía.
Lâu nay chúng ta rất biết ca ngợi những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm của ông cha thuở trước. Nhưng chúng ta lại quên nhắc đến nỗi sợ hãi của dân tộc hay chí ít là của một bộ phận dân tộc trước một kẻ thù hùng mạnh và cường bạo. Song, nỗi khiếp sợ ấy có thật trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XIII. Bởi tham sống sợ chết, nhiều người chấp nhận khom lưng quỳ gối hàng giặc rồi ngã lòng nuốt trọn miếng mồi vinh hoa phú quý của kẻ thù mà phản bội vương triều, phản bội đất nước. Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, không có thời nào mà số người thuộc bộ phận tinh túy của xã hội lại đầu hàng giặc đông đảo như trước và trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Đó là Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Tú Hoãn, Trần Lộng, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long, Lê Tắc và vô số vương hầu, quan tướng khác. Trong số ấy có đủ cả con vua, cháu vua, anh em vua và chú bác vua. Có những kẻ dẫn gia quyến và tôi tớ hàng trăm người theo giặc, có những tướng đem cả đội quân về hàng Nguyên. Chính từ nỗi lo âu trong tình thế bi đát đã khiến Trần Thánh Tông phải ướm lời thử lòng xem Hưng Đạo Vương có ý định đầu hàng? Cũng chính từ sự lo hoảng trong lúc bị vây hãm ráo riết đã dẫn đến một nước cờ đau lòng, khi các vua quyết định dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan với hy vọng sẽ khiến tướng giặc thỏa mãn mà không quyết liệt vây đánh. Cũng chính từ thực trạng hoang mang khiếp sợ và có ý hàng giặc của nhiều văn thần võ tướng, nên khi xét công luận tội quần thần sau hai cuộc chiến 1285 và 1288, vua Trần đã sai đốt cả một hòm chứa đầy biểu sớ xin hàng “để làm yên lòng những kẻ phản trắc” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V), trong đó chủ yếu thuộc về cuộc chiến 1285.
Nhưng cũng từ nỗi khiếp sợ ấy vẫn có một bộ phận ưu tú đã chiến thắng tư tưởng nhu nhược còn lẩn khuất đâu đó trong tâm can của chính họ và trong thái độ buông xuôi của những người quanh họ, mà vươn lên giương cao ngọn cờ dân tộc, tập hợp lực lượng toàn dân, nắm chắc gươm giáo, xông pha tuyến đầu, quyết một phen sống mái với kẻ thù phương Bắc. Nếu cho rằng Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông là linh hồn của cuộc chiến vệ quốc, thì Hưng Đạo Vương và một số cá nhân tiêu biểu khác chính là bộ khung vững chắc của cỗ máy chiến tranh Đại Việt, là lực lượng lãnh đạo chủ chốt quyết định sự thắng bại của chiến cuộc.
Để khắc phục tư tưởng hoang mang dao động đang hiện hữu trong nội bộ cầm quyền, nhằm nâng cao ý chí chiến đấu và rèn luyện khả năng đánh giặc, trước chiến tranh nhà Trần đã tổ chức nhiều hội nghị quân sự, diễn tập và duyệt binh lực lượng vũ trang.
Lịch sử không chấp nhận từ nếu, nhưng không thể bỏ qua mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả, để có thể đặt giả thuyết về nguyên nhân khác sẽ dẫn đến kết quả khác, khi bàn về bài học quá khứ.
Nếu không cần chế ngự nỗi khiếp sợ, sẽ không có hội nghị Diên Hồng lịch sử, một hội nghị mang tính dân chủ đi trước thời đại chỉ diễn ra duy nhất trong cả ngàn năm quân chủ, như nhà sử học Ngô Sĩ Liên bình luận: “Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển I), Chính từ ý chí quyết chiến của lớp người già đã góp phần hạn chế thái độ hoảng loạn trong quân dân, đẩy lùi sự hèn yếu và thúc giục đại bộ phận tướng sĩ quyết tâm đánh giặc.
Nếu không cần chấn chỉnh lối sinh hoạt buông thả “sống chết mặc bay” và ươn hèn trước mối họa Mông Thát, có lẽ Hưng Đạo Vương chẳng cần viết Hịch tướng sĩ.
Nếu quân đã mạnh, tướng đã hùng, ý chí đánh giặc cao ngút trời thì chắc gì nhà vua cho triệu hồi và phục chức cho Trần Khánh Dư, một người vốn mắc trọng tội, để bổ sung thêm một vị tướng kiên gan vào đội ngũ, để tăng cường thêm một ý chí quyết chiến cho lực lượng.
Sẽ có ai đó không hài lòng với lập luận của tôi, song thời thế tạo anh hùng là điều có thật trong lịch sử. Bối cảnh rối ren trước cuộc chiến năm Thiệu Bảo với lòng người phân rẽ và mối uy hiếp rùng rợn từ phương Bắc đã sản sinh ra những con người tuấn kiệt vươn lên hàng đầu dẫn dắt cả dân tộc vượt qua nỗi khiếp hãi mà quyết tử với kẻ thù. Giai đoạn đầu của cuộc chiến năm ấy thật gian nan, tàn khốc và không ít lần quân dân Đại Việt bị thảm bại, nhưng kết cục chúng ta đã toàn thắng do biết khai thác nhược điểm của giặc, hạn chế điểm yếu của ta, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc kết hợp với nghệ thuật quân sự tài ba và khả năng chỉ đạo chiến tranh của những vị tướng lĩnh kiệt xuất. Ngoài các tướng soái hàng đầu, sử sách còn ghi lại dấu ấn của rất nhiều nhân vật hiển hách như Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Đỗ Khắc Chung, đến cả những gia nô tì tướng như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô, các thủ lĩnh miền núi Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền, Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, Hà Đặc, Hà Chương cũng góp mặt. Sử sách còn ghi lại, nhiều hơn bao giờ hết trong thời Trần, các tình tiết, sự kiện đầy chất bi hùng về cuộc chiến này.
Không cuộc chiến nào là dễ dàng cả. Nhưng nếu khắc họa được nỗi sợ hãi và sự mất mát trong chiến tranh thì mới thấy hào quang chiến thắng đẹp đẽ biết dường nào. Tại sao lại không nhỉ? Hãy mạnh dạn phơi bày sự khiếp đảm của con người khi bước vào cuộc chiến, từ đấy mà tôn vinh những bậc cái thế dũng mãnh đạp lên tư tưởng yếu hèn để phất cờ tụ nghĩa, đánh giặc cứu nước; từ đấy mà ghi nhớ công lao của hàng vạn chiến sĩ vô danh đã không tiếc máu xương trong cuộc chiến bảo vệ nền tự chủ của sơn hà xã tắc. Chiến thắng đâu chỉ là thành quả được nuôi dưỡng từ máu thịt đổ xuống, nó còn được kết tinh bởi hệ quả vượt lên chính mình, vượt qua nỗi run rẩy phải đối chọi với một thế lực ma quỷ đang làm mưa làm gió trên địa cầu. Theo tôi, nếu viết truyện sử nhà Trần, thời kỳ đen tối và bi tráng năm Thiệu Bảo là một lựa chọn xứng đáng nhất.
Đến trận chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 (1288), tình thế đã khác hẳn. Trải qua cuộc thử lửa năm Thiệu Bảo, quân dân Đại Việt đã vững vàng hơn lên, tinh thần đã cao, kinh nghiệm đánh giặc đã có, nếu theo cách nói hiện đại, có lẽ người đương thời sẽ bảo nhau: “Chúng nó cũng thường thôi. Chẳng việc gì phải sợ.” Để minh chứng điều này, xin trích dẫn câu nói của Trần Hưng Đạo với nhà vua sau cuộc chiến 1285: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng, trốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm nớp cái thất bại của Hằng, Quán không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn.” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển V). Quả nhiên, cũng chính những con người của ba năm trước đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng Giang lẫy lừng (1288), đập vỡ tan tành ảo mộng thống trị Đại Việt của Nguyên triều.
Tiểu thuyết lịch sử không phải là sách khảo cứu sử học, nhưng không vì thế mà quá xa rời thực tế lịch sử. Ngoài những nhân vật và tình tiết hư cấu, tôi đã lồng ghép vào cốt truyện nhiều con người và sự kiện có thật nhằm lột tả được phần nào diện mạo đương thời. Sách viết theo văn phong kể chuyện, dùng cấu trúc chương hồi và sử dụng nhiều ngôn từ xưa cũ, cũng chỉ cốt cho nội dung gần gũi hơn với văn hóa thời ấy, đồng điệu hơn với hơi thở của thời đại ấy. Tuy vậy, đôi khi “lực bất tòng tâm”, trong hoàn cảnh không có nhiều tư liệu về đời sống sinh hoạt, cảnh quan, vật dụng, nhà cửa, y phục, vũ khí… thời Trần, cho nên sự diễn tả có thể chưa thật hợp lý và trọn vẹn. Để mạch truyện không bị ngắt quãng, do có những chú thích, diễn giải khá dài (nhằm đáp ứng nhu cầu của người muốn tìm hiểu cặn kẽ vấn đề), nên tôi chủ ý chuyển mục chú thích, diễn giải vào phần cuối của mỗi chương.
Trong truyện, có sự hiện diện của ba vị vua là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Người đương thời gọi vua đang tại vị là Quan gia, khi họ nhường ngôi cho con thì gọi là Thượng hoàng, còn sử sách nhiều khi chỉ gọi một cách chung chung là nhà vua. Do vậy, khi viết truyện nếu gọi các ngài bằng tên húy (tức tên thật, Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh, Trần Thánh Tông là Trần Hoảng, Trần Nhân Tông là Trần Khâm) thì quả là bất kính. Trong một số trường hợp tôi đành phải mạn phép gọi các ngài theo miếu hiệu (Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông). Cách gọi như thế suy cho cùng cũng phù hợp với lối văn kể chuyện của người thuộc thế hệ sau chuyển tải câu chuyện về các bậc đế vương đã vĩnh hằng yên nghỉ.
Thời gian trong truyện dùng âm lịch, các đại lượng đo lường cũng theo cách tính xưa, tất cả chỉ nhằm đem lại cảm giác cổ kính của thời đại. Để duy trì mạch truyện hợp lý, các tình tiết xảy ra không nhất thiết trùng khớp với ngày tháng trong chính sử. Các tranh vẽ mang tính chất minh họa, không nhất thiết phản ánh đúng nội dung sự kiện.
Trong quá trình viết lách, nhiều lúc tôi rất phân vân và đắn đo có nên viết tiếp hay bỏ dở, khi nghĩ về câu hỏi liệu truyện của mình sẽ được mấy người muốn đọc? Giữa thời buổi sử học suy vi, ở trường thì học sinh không thích sử, ngoài xã hội thì người ta ít đọc sử Việt, vậy tiểu thuyết lịch sử về một thời xa lắc xa lơ của dân tộc lấy đâu ra độc giả?
Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại. Dẫu mình chẳng phải hạng văn hay chữ giỏi, song hãy cố thử một lần xem sao. Biết đâu cũng có được mấy người còn quan tâm đến lịch sử nước nhà mà sẽ chịu đọc. Rồi biết đâu họ lại hứng thú mà “hạ bệ” bớt trong tim óc mấy vua chúa bên Tàu, mấy kiếm khách bên Nhật, mấy soái ca bên Hàn – vốn được người ta du nhập từ phim ảnh, sách báo – để nhường chỗ cho dăm vị đại anh hùng Việt Nam. Từ ao ước nhỏ nhoi ấy, đã thắp lên trong tôi ngọn lửa hy vọng để viết nốt cuốn truyện của mình.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn những người đã bỏ chút thời gian quý báu mà ngồi đọc tiểu thuyết này và mong mỏi nhận được sự đóng góp, phê bình của các bạn thông qua địa chỉ [email protected].
Mời các bạn mượn đọc sách Thiệu Bảo bình Nguyên tập 3: Sơn Hà Rực Lửa của tác giả Hồng Thái.
Download Ebook
Sơn Hà Rực Lửa
Giới thiệu Ebook Sơn Hà Rực Lửa Tweet! Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết lịch sử Thiệu Bảo bình Nguyên tập 3: Sơn Hà Rực Lửa của tác giả Hồng Thái.…