Buổi Tiệc Trà Kì Bí
Giới thiệu
Buổi Tiệc Trà Kì Bí
Đầu năm mới, Kyoto khoác lên mình dáng vẻ vô cùng nhộn nhịp. Cô bé Mashiro Aoi đang làm thêm ở cửa hàng đồ cổ “Kura” trong khu phố Teramachi Sanjo cùng cháu trai ông chủ là Yagashira Kiyotaka được mời tới tham dự buổi “tiệc đọc sách” của tác giả thể loại văn học kì bí nổi tiếng, Aigasa Kurisu. Sự kiện ấy được tổ chức tại Sơn trang Yoshida vào buổi tối ngày Valentine. Trong buổi “tiệc đọc sách”, biên tập viên phụ trách và bạn bè thân thiết của Kurisu cũng được mời đến. Tại đó, em gái Kurisu đã yêu cầu Kiyotaka tìm ra thủ phạm định giết chị gái mình ba tháng trước… Đây là tập bốn của loạt tiểu thuyết kì bí thành công vang dội!
* Holmes ở Kyoto là bộ tiểu thuyết kì bí nhẹ nhàng cực kì nổi tiếng, không chỉ tạo cơ hội cho độc giả làm quen với những nét đẹp văn hoá của mảnh đất Kyoto mà còn giới thiệu về muôn vàn món cổ vật nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới. Và rồi, mỗi món cổ vật đều cất giữ câu chuyện của riêng mình.
***
Yagashira Kiyotaka: Hai mươi hai tuổi. Sinh viên cao học năm nhất Đại học Kyoto. Tên thường gọi là “Holmes”. Cháu trai ông chủ tiệm đổ cổ “Kura” toạ lạc ở Teramachi Sanjo, Kyoto. Cư xử dịu dàng và lịch lãm, nhưng lại sắc sảo đến đáng sợ. Đôi lúc thích bắt nạt người khác, một chàng trai Kyoto “nham hiểm”.
Mashiro Aoi: Mười bảy tuổi. Học sinh lớp Mười Một. Chuyển từ thành phố Omiya tỉnh Saitama đến Kyoto sinh sống đã được bảy tháng. Từ một sự việc không lường trước mà bắt đầu làm thêm tại cửa tiệm “Kura”. Vẫn còn vương vấn người yêu cũ ở trường cấp ba ngày trước.
***
#độc_giả_review_sách
[HOLMES Ở KYOTO – Mai Mochizuki]
Chắc hẳn khi đọc tiêu đề Holmes ở Kyoto, bất kì ai cũng sẽ liên tưởng tới thám tử Sherlock Holmes lừng danh. Cuốn sách này lại viết về anh chàng Yagashira Kiyotaka 20 tuổi, sinh viên năm nhất đại học Kyoto, có biệt danh là Holmes bởi “sự sắc sảo đến đáng sợ” của anh.
Cuốn sách được viết dựa trên lời kể của cô bé Mashiro Aoi, mười bảy tuổi, học sinh lớp Mười Một. Aoi đã bị Holmes nắm thóp từ lần đầu gặp mặt và tình cờ trở thành nhân viên giúp việc tại cửa hàng đồ cổ của gia đình anh. Từng câu chuyện khác mở ra, kéo theo sau những biến chuyển trong tình cảm của Aoi với sự dịu dàng, lịch lãm nhưng lại sắc sảo đến đáng sợ của Holmes. Những tưởng Holmes cũng là một người siêu phàm, thật bất ngờ khi Aoi khám phá ra được Holmes cũng là một người có quá khứ, giống như Aoi, cũng từng để mất người yêu vào tay của người khác…
Điều mình cảm thấy cực kì thích ở cuốn sách này đó là cuốn sách mang đến cho người đọc những cảm nhận hết sức chân thật về văn hóa cũng như lịch sử của Nhật Bản. Bản thân mình là người rất thích đi du lịch, khi đọc cuốn sách mình cảm thấy như đang thật sự được trải nghiệm từng ngóc ngách và nét văn hóa của Nhật.
Cách sử dụng vốn từ trong cuốn sách khá là dung dị, đời thường, cộng thêm các câu chuyện đều rất thực tế, không đẫm máu, không chết chóc, không có những thủ đoạn giết người hay khủng bố như nhiều cuốn sách trinh thám khác, nên cuốn sách mang lại cảm giác dễ chịu gần gũi, đôi lúc khiến người đọc bật cười khi những suy nghĩ của mình bị bóc mẽ bởi lập luận cùng khả năng quan sát tinh tường của Holmes, từ đó mình có thể học hỏi và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt hơn cả, cuốn sách lấy bối cảnh là ở Kyoto, xoay quanh cửa hàng đồ cổ Kura của nhà Holmes và những nhân vật hết sức nhã nhặn, lịch sự, có đam mê và sở thích rất tao nhã với nghệ thuật cổ, cộng thêm sự am hiểu văn hoá và lịch sử nước nhà của tác giả khiến cho mình có cảm giác rất thanh khiết khi đọc cuốn sách này.
Mình nghĩ đây sẽ là một cuốn sách rất phù hợp cho những ai đang chịu áp lực và muốn giải tỏa stress cũng như những bạn yêu thích Nhật Bản và thích đi du lịch Nhật Bản mà chưa có điều kiện đi như mình.
– Review của bạn @Linh Phương
***
Một nhành dương liễu được tô điểm bằng những chiếc bánh mochi hồng và trắng.
Mỗi khi năm mới đến, người ta sẽ lại bắt gặp món đồ trang trí dễ thương này.
Nếu tôi không nhầm thì mochibana-shidare[1] là tên gọi của nó.
Đồ trang trí trong dịp Tết có rất nhiều loại, nhưng tôi thích nhất là mochibana-shidare.
Tôi, Mashiro Aoi, đang ngồi trên một chuyến xe buýt chật ních người. Vừa lắc lư theo chiếc xe, tôi vừa nhìn ra ngoài cửa sổ và nhoẻn miệng cười.
Mùng ba tháng Giêng. Cả Kyoto đang tràn ngập niềm vui đón năm mới.
Khắp nơi được trang hoàng lộng lẫy với shime-kazari[2], nebiki-matsu[3], mochibana-shidare, và những chiếc quạt giấy mạ vàng. Già trẻ gái trai trong trang phục truyền thống đi lại trên đường đông như mắc cửi. Ngỡ là toàn bộ thành phố đang trong mùa lễ hội rộn ràng.
Tôi dám chắc những người đang đi lại trên phố này đa phần là khách du lịch.
Có lẽ họ đến từ các tỉnh thành khác, muốn được tận hưởng dịp Tết ở một nơi “đậm chất Nhật Bản” như Kyoto, nên mới tới đây thăm thú đền chùa và xin lộc đầu năm.
Và biết đâu, người ngoài trông thấy tôi lúc này cũng sẽ tưởng tôi là khách du lịch.
Nhìn bộ dạng của bản thân hiện tại, tôi bẽn lẽn thu mình.
Chiếc xe vừa dừng lại trước toà thị chính, tôi đã hấp tập nhảy xuống. Từ đường Oike, tôi đi xuyên qua biển người để tìm đến phố mua sắm Teramachi, Khu phố thương mại lợp mái vòm hôm nay còn náo nhiệt hơn thường ngày. Phần lớn những cửa hàng được xây kề nhau trong khu phố đã bắt đầu mở cửa từ mùng hai; chỗ thì chuẩn bị sẵn túi may mắn[4] chỗ lại phát rượu khai vị đầu năm[5]. Tất cả đều chìm trong bầu không khí hân hoan vui vẻ.
Phố mua sắm Teramachi lúc này tấp nập ngang ngửa dịp cuối năm, nhưng cảm giác bề bộn, hối hả khi ấy đã không còn. Dù tính ra cũng mới có vài ngày kể từ khi năm cũ khép lại.
Tới tận ngày ba mươi mốt tháng Mười Hai, tôi vẫn còn làm thêm ở đây. Vậy mà kì lạ thay, chỉ cần “sang năm mới” là tôi đã có cảm tưởng như lâu lắm mới được đặt chân đến nơi này.
Nhịp bước nhún nhảy của tôi liệu có phải do tâm trạng phấn chấn trong không khí Tết?
Cuối cùng thì ngày làm việc đầu tiên trong năm cũng đã đến.
Phải, tiệm đồ cổ “Kura” nơi tôi làm thêm sẽ chính thức hoạt động trở lại vào hôm nay, mùng ba tháng Một.
Ông chủ tiệm là ông Yagashira Seiji đã đề xuất rằng, “Vào ngày làm việc đầu tiên, tất cả đều phải có mặt nghen,” cho nên kể cả đứa làm thêm như tôi cũng được gọi đến.
Ngoài việc trong cửa hàng ra, tôi tự thấy mình chẳng giúp được gì nhiều. Ấy vậy mà ông chủ vẫn mời tôi đến dự buổi gặp mặt đầu năm, khiến tôi vô cùng hạnh phúc.
Cảm giác như mọi người đã thật sự công nhận tôi là một phần của tiệm “Kura”.
Tôi tự nhủ mình phải vững vàng lên, mắt nhìn thẳng về phía trước và bước đi mạnh mẽ.
Chẳng mấy chốc, tấm biển của cửa hàng đồ cổ “Kura” đã hiện ra trong tầm mắt.
Bề ngoài của nó vẫn như mọi khi, giống một quán cà phê hơn là tiệm đồ cổ.
Tiệm “Kura” hôm nay cũng đã chuyển sang “chế độ mừng năm mới”, với mặt tiền được trang hoàng bởi kadomatsu[6], shime-kazari, và cả mochibana-shidare.
“Cháu chào mọi người ạ.”
Khi tôi đẩy cửa bước vào, tiếng chuông cửa quen thuộc lại reo lên leng keng.
“Ồ, Aoi đó hả?”
Người vừa cất giọng sang sảng và ngoảnh lại nhìn tôi là ông chủ cửa hàng này, ông Yagashira Seiji, năm nay bảy mươi bảy tuổi. Ông là một người chuyên giám định đồ cổ nổi tiếng mang danh hiệu “Chuyên gia giám định cấp quốc gia” được đông đảo cư dân ở vùng Kansai này biết đến.
Thường ngày, ông chủ hay ăn vận theo phong cách kinagashi phóng khoáng, nhưng hôm nay đã đổi sang lễ phục đầy đủ quần hakama[7] và áo khoác haori[8] cho đúng tinh thần lễ tết, cảm giác trịnh trọng và uy nghiêm hơn bội phần.
Đứng cạnh ông chủ là con trai ông, bác quản lí Takeshi. Gọi là quản lí nhưng nghề nghiệp chính của bác ấy là nhà văn, chuyên sáng tác tiểu thuyết lịch sử với bối cảnh thời phong kiến. Bác gắn liền với hình ảnh vừa trông cửa hàng vừa cặm cụi cày bản thảo ở “Kura”. Hôm nay bác mặc một bộ kimono màu chàm.
Đứng bên còn lại của ông chủ là một chàng thanh niên cao ráo với gương mặt khôi ngô đang nhoẻn miệng cười dịu dàng. Đó là cháu nội kiêm đệ tử của ông, anh Kiyotaka, hay còn gọi là anh Holmes, một sinh viên cao học đang làm giám định viên tập sự. Anh là người có đầu óc nhạy bén, được đặt biệt danh là Holmes nhờ vào khả năng quan sát và mắt thẩm định tinh tường hiếm thấy, cùng cái họ “Yagashira”. Anh Holmes lúc này cũng đang khoác trên mình một bộ kimono giống ông chủ và bác quản lí, nhưng màu mực tàu.
Ở phía sau lưng họ có một người phụ nữ xinh đẹp. Cô là Takiyama Yoshie, đang điều hành một công ty chuyên tư vấn tổ chức những sự kiện liên quan đến mĩ thuật, đồng thời cũng là bạn gái của ông chủ. Cô có ngoại hình hết sức trẻ trung, tưởng như mới ngoài ba mươi, nhưng thực ra là một mĩ nhân đứng tuổi đã ngoại tứ tuần. Bộ hōmongi[9] xanh lục sáng như màu cỏ non hôm nay hoà hợp với cô một cách hoàn hảo.
Đúng vậy, hôm nay, ngày làm việc đầu tiên của năm đã được quy ước là ngày “mặc kimono đi làm” nên tất cả chúng tôi đều diện trang phục truyền thống.
“Chúc mừng năm mới Aoi nhé.”
Được mọi người đồng thanh gửi lời chúc, tôi rụt rè cúi đầu.
“Ch-Chúc mừng năm mới cả nhà mình ạ. Dù đã biết hôm nay sẽ như thế, nhưng nhìn mọi người đồng loạt mặc kimono thế này vẫn làm cháu hơi choáng ngợp.”
“Tết là mặc kimono”, rất đúng kiểu của “Kura”.
“Vậy nhưng, ở đây chỉ có một mình anh là mặc kiểu kinagashi thôi này.”
Kinagashi là cách mặc trang phục truyền thống giản lược, không cần áo khoác haori hay quần hakama mà chỉ có kimonothắt obi.
“Em thấy anh mặc đẹp lắm ạ.”
Tôi có cảm giác là kiểu mặc kinagashi thanh thoát, không cầu kì sẽ hợp với anh Holmes hơn lễ phục cứng nhắc với đầy đủ haori và hakama. Mái tóc đen nhánh kết hợp với bộ kimonomàu mực tàu làm nổi bật lên làn da trắng trẻo của anh ấy, trông thật là quyến rũ.
“Cảm ơn Aoi. Bộ komon ấy cũng rất hợp với em,” anh Holmes mỉm cười đáp.
“Công nhận, cháu đáng yêu lắm.”
“Phải đấy, trông rất xinh.”
Cô Yoshie và bác quản lí cũng chêm vào.
“… Ch-Cháu cảm ơn ạ,” tôi xấu hổ lí nhí.
Đúng vậy, hôm nay tôi cũng mặc kimono. Gọi vậy thôi chứ nó không phải furisode mà là komon, loại kimono với hoa văn nhỏ phủ khắp thân áo. Những đoá hoa phớt hồng rải rác trên nền vải màu kem. Obi cũng có màu hồng nhạt tương tự, mặt trước trông như một bông hoa to sắp nở, tổng thể nhìn chung là hết sức dễ thương.
Tôi ưng bộ kimono này vì nó trông không đến nỗi quá thường, nhưng vẫn nhẹ nhàng đủ để có thể thoải mái ra phố dạo chơi.
“Bộ komon này có phải em mua ở ‘Kobo-san’ hồi trước không?”
Anh Holmes hỏi, vẻ như muốn xác nhận lại. Tôi ngẩng lên nhìn anh và gật đầu đáp, “Vâng.”
“Kobo-san” là tên thường gọi của hội chợ được tổ chức tại chùa To-ji vào ngày hai mươi mốt hằng tháng. Nó giống như một buổi chợ trời lớn song song với lễ hội. Vào ngày này, người ta sẽ mở sạp hàng kinh doanh đủ thứ trong khuôn viên chùa To-ji, từ quầy ăn uống, trò chơi, đồ cổ cho đến tạp hoá, quần áo cũ, kimono, thực phẩm.
Trước đây, tôi đã có lần cùng anh Holmes đến đó, quy mô còn lớn hơn cả chợ hàng thủ công ở Hyakumanben Chion-ji.
Nhân tiện thì ở Kyoto có ba hội chợ lớn được mở hằng tháng: chợ hàng thủ công tại chùa Hyakumanben Chion-ji vào ngày mười lăm, chợ Kobo-san tại chùa To-ji vào ngày hai mươi mốt, còn ngày hai mươi lăm là chợ Tenjin-san ở đền Kitano Tenmangu.
Tôi tìm thấy bộ kimono này vào dịp cuối năm, trong lần đầu tiên đến chợ Kobo-san cùng cô bạn Miyashita Kaori. Khi cầm bộ kimono nằm trong xe chở hàng lên, Kaori đã bảo tôi rằng, “Chỗ này toàn món hời đó nha.”
Nhà Kaori là một cửa hàng trang phục truyền thống danh tiếng với lịch sử lâu đời.
Nghe được nhận xét của cậu ấy nên tôi cũng có thể yên tâm mua món hàng này.
Kimono thường gắn liền với hình ảnh của một loại trang phục đắt đỏ, không dễ gì mua được, nhưng những bộ được bày bán ở hội chợ lại rẻ hơn tôi nghĩ, chỉ với khoản lương làm thêm của tôi cũng dư sức trả rồi.
Nghĩ lại thì trước khi chuyển đến sống ở Kyoto, việc bỏ tiền túi ra mua một bộ kimono với tôi là chuyện không tưởng. Thực ra obi là đồ có sẵn ở nhà, còn cách mặc thì tôi phải nhờ bà giúp.
Tôi chạm tay vào obi, trong lòng mong mỏi một ngày nào đó mình có thể tự mặc kimono.
“Mọi người tập hợp đồng đủ rồi, giờ ta cụng ly khích lệ tinh thần làm việc đầu năm nhé.”
“Của Aoi là amazake[10] nhỉ.” Anh Holmes rót sake và amazake vào chén, sau đó đưa rượu cho từng người theo thứ tự tuổi từ thấp đến cao, bắt đầu từ tôi, cô Yoshie, quản lí, và cuối cùng là ông chủ kèm câu: “Mời ông ạ.”
Chẳng biết có phải do trang phục truyền thống hay không, mà mỗi động tác của anh Holmes đều quyến rũ hơn bình thường, khiến tôi không tài nào nhìn thẳng được.
“E-Em cảm ơn ạ,” tôi nhận lấy chén rượu và e lệ cụp mắt xuống.
Đúng lúc mọi người đang chuẩn bị nâng ly, tiếng chuông leng keng vang lên ngoài cửa, và anh Akihito hớt hải xông vào, “Xin lỗi cả nhà, cháu đến muộn! Năm mới vui vẻ ạ!”
Anh ấy cũng đóng bộ chỉnh tề với hakama và haori có màu xanh chủ đạo. Mái tóc sáng màu nhìn qua tưởng chừng không ăn nhập với phục trang, thế mà lại hoà hợp đến bất ngờ.
Hiện nay, anh Akihito đang được công chúng khen ngợi là một “diễn viên điển trai”. Chắc nhờ thường xuyên mặc trang phục truyền thống trên chương trình giới thiệu Kyoto “Tiết trời Cố đô” nên anh ấy đã quen với kimono rồi.
“‘Xin lỗi cả nhà’ gì chứ, có ai mời anh đâu nhỉ?”
“Bậy nào.” Bị anh Holmes ném cho một cái nhìn lạnh tanh, anh Akihito lắc đầu nguầy nguậy. “Hôm mở tiệc giao thừa, ông chủ đã dặn tôi rằng: ‘Mồng ba tiệm bắt đầu mở cửa trở lại, cậu hổng mắc việc gì thì nhớ ghé qua nghen. Có cậu Akihito tới bao giờ cũng vui.’ Tôi được ông chủ chiếu cố bấy lâu nay, nghe thế sao có thể không đến được.”
Anh Akihito vừa cười vừa tét một phát vào cánh tay anh Holmes. Đối nghịch lại, anh Holmes xoa xoa chỗ tay bị tét với ánh mắt lạnh lùng.
Hai con người này mới đầu năm đã thế, chẳng thay đổi gì.
“Vậy là cậu Akihito cũng tới rồi.”
Ông chủ đích thân rót sake vào chén và trao cho anh Akihito.
Anh Akihito nhận lấy với vẻ trân trọng.
“Nào, Takeshi, Kiyotaka, Yoshie, bé Aoi, cậu Akihito. Năm nay vẫn lại tiếp tục chiếu cố nhau nghen”
Ông chủ cao giọng hô: “Cụng ly!”, chúng tôi cũng đồng loạt nâng chén và nói: “Cụng ly!” rồi uống một hơi cạn chén. Có lẽ do tôi đã thấm mệt vì không quen mặc kimono, lại phải đi từ nhà đến tận đây, nên ngụm amazake thanh mát ấy cảm giác ngon vô cùng.
“Ơ, Aoi cũng uống sake à?”
“Dạ không, mình em uống amazake ạ.”
“À ừ, em vẫn còn vị thành niên nhỉ. Lớp Mười Một đúng không?”
“Vâng, em sẽ lên lớp Mười Hai vào mùa xuân ạ.”
“Phải rồi Aoi, nói đến mùa xuân thì xuân năm nay đứa con trai đang đi du học của cô sẽ về nước đấy. Mong cháu giúp đỡ thằng bé nhé,” cô Yoshie chêm vào một câu như thể vừa sực nhớ ra. Tôi bị bất ngờ, nhưng vẫn gật đầu đáp: “V-Vâng ạ.”
Nhắc mới nhớ, Cô Yoshie có một đứa con trai. Nếu tôi không nhầm thì cậu ấy đang học lớp Mười, nghĩa là nhỏ hơn tới một tuổi. Con của cô Yoshie thì hẳn phải đẹp trai lắm.
Trong lúc mọi người đang sôi nổi trò chuyện, ông chủ nhìn đồng hồ rồi chậm rãi đứng dậy.
“Thôi, bọn ta đi trước nghen.”
“Vậy bố cũng…”
“Khoan.” Thấy ông chủ và quản lí lại chuẩn bị đi đâu đó, anh Holmes vội lên tiếng. “Ông và bố có thể nán lại một chút rồi mới đi có được không ạ? Hôm nay dù sao cũng là ngày mở hàng, con muốn dẫn Aoi đến thăm Yata Jizo-son.”
Nghe anh Holmes nói, tôi nghiêng đầu thắc mắc: “Yata Jizo-son ấy ạ?”
“Là ngôi chùa Địa Tạng ở ngay gần đây. Ngày làm việc đầu tiên nên anh nghĩ cũng nên đến chào hỏi chút.”
“À, chỗ bên cạnh đồn cảnh sát phải không ạ?” Tôi vỗ hai tay vào nhau.
Hôm nào đi làm tôi cũng trông thấy nơi đó, nhưng không mấy để tâm nên đến tên cũng chẳng biết. Tôi tự dưng thấy có lỗi vì sự thiếu lễ độ của mình.
“Cũng được, mà đi lẹ lẹ nha. Ta hổng có đợi được lâu đâu,” ông chủ ngúng nguẩy quay đi.
“Nói gì thì đây vẫn là cửa hàng của ông đấy ạ. Ông định trốn việc đi chơi mà sao còn giở giọng hách dịch với con cháu thế?”
“Ta còn nhiệm vụ đi chúc Tết rất quan trọng đó. Đã thế thì bây làm thay ta đi nhá?”
Mời các bạn mượn đọc sách Buổi Tiệc Trà Kì Bí của tác giả Mai Mochizuki & Dương Dương (dịch).
Download
Buổi Tiệc Trà Kì Bí
Giới thiệu Buổi Tiệc Trà Kì Bí Tweet! Đầu năm mới, Kyoto khoác lên mình dáng vẻ vô cùng nhộn nhịp. Cô bé Mashiro Aoi đang làm thêm ở cửa…