Đời Yakuza

Đời Yakuza

Giới thiệu

Đời Yakuza




Vén bức màn bí ẩn thế giới ngầm Nhật Bản

Cờ bạc, buôn lậu, đâm chém… nếu bị đánh bại, hoặc chết hoặc nằm viện, nếu thắng, phải đi tù. Một thế giới khắc nghiệt, không ngừng chống đối luật pháp, đó chính là yakuza.

Nhưng, tương trợ lẫn nhau, chỉ một lần được giúp đỡ vẫn sẵn sàng đem cả sinh mạng ra đền đáp… đó cũng là yakuza.

Cuốn sách là tập hợp các mảnh hồi ức của một trùm yakuza về thế giới ngầm Nhật Bản. Hiển nhiên đó không phải một cuộc đời “ngay thẳng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà là một cuộc đời chìm nổi, một cuộc đời đã chứng kiến tất cả: trong quân ngũ, chốn tù tội và những tháng năm u tối của một đất nước bại trận.

Những câu chuyện có thực này là một phần của lịch sử Nhật Bản, dù không bao giờ được chính thức ghi nhận, chi tiết và thẳng thắn, không né tránh, không khoe mẽ, không nói quá…

Nhận định:

“Sống động và chuẩn xác.” –  Los Angeles Times

“Cuốn sách kể mọi điều về thế giới ngầm, từ hệ thống thứ bậc trong các băng đảng, mối quan hệ phức tạp giữa giới giang hồ và nhà cầm quyền, cách thức tổ chức bài bạc, đời quân nhân và cuộc sống trong tù.” – Far Eastern Economic Review

“Cuốn sách phác họa về một Nhật Bản trái ngược với hình ảnh giàu có thường thấy, mà là Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 20, một đất nước đã phải vùng vẫy trong tăm tối với động đất, chiến tranh, cướp bóc và mất mát.” – www.goodreads.com

***

Đời Yakuza viết về cuộc đời đầy thăng trầm của ông trùm yakuza Eiji Ijichi. Khi về già, nằm trên giường bệnh, ông đã đem tất cả kể lại với bác sĩ Saga Junichi – tác giả cuốn sách.

Thế giới của Yakuza không xấu xa, đen tối như những định kiến mà xã hội áp đặt. Họ cũng là những con người rất bình thường bị thời thế tước đoạt. Bản ngã tốt đẹp cuốn trôi để dành lấy miếng cơm manh áo. Nhưng ấn sau những khuôn mặt lạnh lùng đầy sát khí là một tinh thần trượng nghĩa, hào hiệp, trọng chữ tín, thậm chí là rất đức độ, lương thiện đến lạ lùng.

Số phận ban phát cho mỗi con người một hành trình với những khoảnh khắc của sự cay đắng, ngọt bùi đan xen. Eiji cũng không ngoại lệ. Anh chàng được trao rất nhiều cơ hội để chứng tỏ bản thân. Những lần vào tù ra khảm như đi chợ không hề khiến chàng trai nản lòng, từ đó Eiji nhận được sự tín nhiệm và kính trọng rất lớn của ông trùm và các bậc đàn anh.Bỏ nhà ra đi khi mới 15 tuổi, Eiji Ijichi đã rất vất vả để thay đổi số phận.Từ một thằng nhóc chỉ quanh quẩn bên mỏ thổ phỉ, Eiji đã chứng minh được vì sao mình sinh ra để trở thành Yakuza.

Trong mắt chúng ta, yakuza tức là xã hội đen, cờ bạc, buôn lậu, ma túy, gái điếm, tàn bạo, cá lớn nuốt cá bé… Nhưng, Họ có một đời sống rất khác, trọng nghĩa khí như cổ trang kiếm hiệp. Các băng đảng sẵn sàng tương trợ lẫn nhau, chỉ một lần được giúp đỡ là nguyện đem cả sinh mạng ra đền đáp… đó cũng là yakuza.

Đó là hệ thống thứ bậc trong các băng đảng, mối quan hệ phức tạp giữa giới giang hồ và nhà cầm quyền và cả “lý tưởng” của giang hồ Nhật Bản. Yakuza thời điểm đó khác rất xa đám du thủ du thực bây giờ. Những ông trùm sống bằng tiền kiếm được từ các sòng bạc.

Họ có một tư duy kinh doanh linh hoạt và cực kì nhạy bén. Các nhà cái sẽ không ai dồn đến mức chân tường đói khát, nếu ai đó quá túng quẫn, họ sẵn sàng biếu không con bạc khát nước một chút tiền để đổi lấy tiếng thơm, đem về tín nhiệm cho cơ sở mình quản lý.

Yakuza cũng hạn chế bạo lực, những vụ thanh toán hay trả thù chỉ nổ ra trong trường hợp bất khả kháng, đương nhiên khi đó cớm sẽ vào cuộc. Những kẻ như Eiji Ijichi sẽ đứng ra làm anh hùng “thí tốt”, chấp nhận “công tác” vài năm khổ cực để anh em tiện đường làm ăn yên ổn.

Chìa khóa thành đạt của Eiji không phải là bạo lực hay mưu mẹo mà chính là nghĩa khí. Khi chưa là yakuza anh từng không đồng tình với hành động lấy tiền của xác chết sau thảm họa động đất, mặc dù khi đó cậu cũng rất đói và trắng tay.

Để tồn tại ở thế giới nhiễu nhương và vô cùng tàn khốc này, Eiji không phản bội niềm tin của bản thân, sống và cư xử thân thiện, chân thành, lịch thiệp, hòa nhã.

Bối cảnh Nhật Bản khi ấy vừa thua đau đớn sau thế chiến thứ hai. Bạo loạn diễn ra liên miên, chính trị đảo điên loạn lạc ảnh hưởng không nhỏ đến sòng bạc của Eiji quản lý nhưng anh chàng vẫn sống tốt, trở thành một ông vua bên lề xã hội.

Những cảm xúc vô cùng chân thật tái hiện lại đằng sau một đất nước phải vùng vẫy thoát khỏi bóng ma chiến tranh, bị ràng buộc bởi đủ thứ trách nhiệm và danh dự.

Yakuza đại diện phần nào cho những ẩn ức đen tối sâu thẳm đó. Tuy vậy vẫn đẹp một cách lạ lùng, độc đáo, quyến rũ đến ngây ngất bởi cách sống, cách đối nhân xử thế đáng để ngưỡng mộ. Lòng tự trọng bắt nguồn từ những bài học cay đắng, có chết đói cũng không hạ mình van xin lạy lục.

Đời yakuza kể toàn những chuyện cánh mày râu, đậm đặc nam tính, đôi khi thoáng qua hình bóng của vài người phụ nữ. Dù vậy những cá nhân này đều tác động không nhỏ đến cuộc sống của Eiji sau này.

Nếu không vì một lần say tình bất chấp hiểm nguy mà bỏ trốn anh cũng chẳng thể trưởng thành nổi, hoặc nếu thiếu đi người vợ đứng ra cai quản băng đảng khi Eiji về già hẳn mọi thứ sẽ càng to chuyện và phức tạp hơn.

Bác sĩ Saga Junichi viết Đời yakuza theo dạng ghi chép rồi tập hợp lại. Dù thủ pháp nghệ thuật sử dụng không có nhiều nổi bật nhưng những gì mà ông kể lại là một đời sống độc đáo thú vị xoay quanh thế giới ngầm của các băng đảng Yakuza, để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi cảm giác trăn trở về số phận con người, thời cuộc và một chút luyến tiếc, xót xa cho mối tình không bao giờ hoàn chỉnh.

Gia Hạ – Zing.vn

***

Vào mùa đông vài năm về trước, một người đàn ông lớn tuổi, dáng cao, vai rộng xuất hiện tại phòng khám của tôi ở Tsuchiura, thành phố nhỏ cách Tokyo một tiếng tàu điện. Mặt ông to bè so với người thường, trán hằn sâu những nếp nhăn sậm màu, môi dày thâm sì còn đôi mắt đục ngầu vàng vọt, một gương mặt dù chỉ thoáng gặp trong đám đông cũng khiến người ta thấy nổi bật.

Tôi bảo ông cởi áo, để trần nửa thân trên. Lưng ông phủ kín hình xăm “rồng chầu mẫu đơn”, màu xăm trên da đã bợt đi theo năm tháng, móng rồng nhạt nhòa như những đám mây, còn râu rồng bạc phếch như sắp biến mất. Dù vậy, hình xăm trông vẫn rất ấn tượng và tuyệt đẹp theo cách riêng.

Chính giữa đài hoa, đứng đó một phụ nữ. Con rồng như định nuốt chửng cả nàng và bông mẫu đơn. Mắt nàng khép hờ, hai tay chắp lại cầu nguyện, trên môi thoáng một nụ cười bí hiểm.

Tôi chỉ ước mình được chụp lại hình xăm, nhưng đó là lần đầu tiên tôi gặp ông, chưa kể ở ông toát ra một thứ khí chất đanh thép khiến tôi phải e ngại, rốt cuộc không bao giờ tôi mở lời xin phép chụp hình.

Kiểm tra phần bụng dưới của ông, tôi phát hiện gan dã phình khá to. Chắc chắn có dịch thể ứ đọng trong khoang bụng. Tôi chờ ông ngồi dậy khỏi bàn khám bệnh rồi nói:

“Tôi sẽ viết đơn giới thiệu bác tới bệnh viện lớn. Ở đó bác sẽ được chữa trị tốt hơn.”

Nhưng người đàn ông lại mỉm cười, đáp:

“Bác sĩ ạ, tôi đã bảy mươi ba rồi. Cả đời này tôi đã làm được gần hết những việc mình muốn, tới tình trạng này tôi chẳng cầu mong khỏi bệnh nữa đâu.”

Khoang miệng người đàn ông thấm đen, có lẽ vì thuốc lá, trông chẳng khác gì một cửa hang nhỏ. Giọng ông trầm và khàn.

“Hồi trẻ tôi sống khá điên cuồng, chắc vì thế mà bây giờ cơ thể này chẳng còn nghe theo ý tôi nữa. Tôi quyết định chuyển giao sòng bạc cho một đàn em trẻ hơn để về chốn ngoại ô dưỡng già. Bác sĩ biết cô gái hành nghề mát-xa sống chỗ bờ đê không? Tôi đến chỗ cô ấy hai hay ba lần gì đó, mát-xa tốt lắm. Chính cô ấy đã giới thiệu tôi đến đây.”

“Ra vậy.”

“Bệnh của tôi có đi chữa khắp nơi cũng vậy, chẳng khá hơn được, đúng không bác sĩ?”

“Đi khám ở các nơi khác, người ta đã nói với bác như thế à?”

“Tôi tự biết mà. Thực tình, tôi không hy vọng nhiều lắm khi tới đây. Chỉ mong bác sĩ tiêm cho tôi vài mũi khi nào tôi lên cơn đau. Bác sĩ đừng lo, tôi không hỏi xin morphine hay những loại thuốc giảm đau tương tự đâu. Chắc là do bệnh tiểu đường, chân tôi đau khủng khiếp, gần như mọi lúc. Hy vọng bác sĩ giúp tôi, để tôi bớt đau đớn.”

Vì người đàn ông từ chối các biện pháp chữa trị chuyên sâu, tôi đành nhận lời để có thể giúp ông. Thực ra, tôi cũng có lý do khác khi đồng ý với đề nghị này. Mỗi ngày, tôi gặp hàng chục bệnh nhân đến khám nhưng người đàn ông này không giống bất kỳ ai trong số họ. Ông có gì đó khiến người ta tò mò. Hơn nữa, tôi dự định rồi một ngày sẽ thuyết phục ông chia sẻ chuyện đời mình.

Từ đó, ông bắt đầu đến phòng khám của tôi hai lần một tuần. May mắn là lượng dịch thể trong khoang bụng ông không tăng nhanh như tôi lo ngại, còn hai chân ông chỉ tiếp tục bị đau thêm một thời gian ngắn. Rồi, khoảng một tháng sau, ông mở lời, hỏi liệu tôi có muốn đến thăm nhà ông khi có thời gian. Ông nói:

“Nhà tôi tuềnh toàng lắm, nhưng đủ để mời bác sĩ uống trà và sưởi chân. Tôi đoán bác sĩ có một cuộc sống bình lặng và chuẩn mực, nên với những chuyện hơi xa khuôn khổ thông thường một chút, có lẽ bác sĩ sẽ muốn để tâm.”

Chạng vạng tối ngày hôm sau, trong màn mưa rào lạnh buốt, tôi đến nhà ông như đã hẹn. Ông bày sẵn trên bàn sưởi một đĩa hoa quả lớn đầy quýt để chờ tôi. Chốc chốc, xen giữa tiếng mưa ồn ã, còn nghe được tiếng đàn shamisen* khe khẽ vẳng tới.

Buổi tối ấy, tôi ngồi lắng nghe chuyện của ông khoảng ba tiếng đồng hồ. Cứ nói được ba mươi phút, ông lại lộ vẻ mệt, chúng tôi bèn ngừng cuộc trò chuyện vài phút để uống trà. Ông lịch sự mời tôi ăn quýt, cẩn thận bóc vỏ, ăn sạch sẽ rồi mới cất giọng khàn khàn kể phần tiếp câu chuyện.

Cứ như vậy, ba ngày một lần tôi đều đặn đến nhà ông, với máy ghi âm. Tới khi câu chuyện ông muốn chia sẻ kết thúc thì mùa đông cũng đã trôi qua, khắp nơi tràn ngập những làn gió xuân.

Những điều xảy ra tiếp đó cũng trở thành một phần trong câu chuyện ông kể cho tôi. Giờ đây khi đặt bút viết lại, tôi chỉ ước giá như khi ấy mình hỏi ông thêm nhiều điều và chi tiết hơn nữa, nhưng ông đã đi rồi, lúc này đã là quá muộn.

Mời các bạn mượn đọc sách Đời Yakuza của tác giả Saga Junichi & Thanh Hà (dịch) & Hằng Hậu Lam (dịch).

Download

Đời Yakuza

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Đời Yakuza Tweet! Vén bức màn bí ẩn thế giới ngầm Nhật Bản Cờ bạc, buôn lậu, đâm chém… nếu bị đánh bại, hoặc chết hoặc nằm viện,…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close