Trải Nghiệm Cận Tử
Giới thiệu
Trải Nghiệm Cận Tử
Vì sao bạn nên đọc quyển sách này?
Mục tiêu của tôi khi viết quyển sách này là để cung cấp những chỉ dẫn đơn giản về trải nghiệm cận tử (near-death experience, gọi tắt là NDE). Hầu hết mọi người đã từng nghe về NDE nhưng những đặc điểm phổ biến của các sự kiện này, cũng như ý nghĩa của chúng đặt trong bối cảnh cuộc sống của chúng ta thường bị lu mờ trong sự bí ẩn. Tôi tin rằng NDE ẩn chứa một bài học dành cho tất cả chúng ta, kể cả khi chúng ta chưa từng trải qua NDE hay một trải nghiệm tương tự.
20 lý do để bắt đầu đọc quyển sách này!
Quyển sách này sẽ giúp bạn…
1. Biết về những đặc điểm chính và tính chất đặc trưng của NDE so với các trải nghiệm tâm linh khác.
2. Tìm hiểu sự khác biệt giữa trải nghiệm cận tử (NDE) với trải nghiệm thoát xác (OBE).
3. Học hỏi từ các câu chuyện của những người đã trải qua NDE.
4. Học cách xác định một NDE nếu có ai đó mô tả cho chúng ta về nó.
5. Khám phá ra cách xác định NDE cho người đã trải qua.
6. Hiểu rõ hơn về quá trình chết và ý nghĩa của cái chết.
7. Phóng thích nỗi sợ trước cái chết, và giúp người khác phóng thích nỗi sợ của họ.
8. Cải thiện năng lực cảm thông và thấu hiểu.
9. Tự thách thức bản thân khám phá về sự hữu hạn của cuộc đời.
10. Tìm hiểu tầm quan trọng của việc sống tỉnh thức – thấu hiểu tầm quan trọng của từng khoảnh khắc.
11. Nhận ra hành động của chúng ta ảnh hưởng đến những người xung quanh như thế nào.
12. Tìm hiểu về mối liên kết giữa vạn vật với nhau – con người, muôn thú và Trái đất.
13. Khám phá về ý thức, ý nghĩa của việc có và không có ý thức.
14. Có thôi thúc muốn trao đi tình yêu thương, lòng vị tha trong mọi hành động và trong mọi mối quan hệ.
15. Tìm hiểu NDE có thể giúp cải thiện việc chăm sóc sức khỏe như thế nào.
16. Tìm hiểu về NDE trong các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau – NDE sẽ được diễn giải như thế nào.
17. Nghiệm lại những ước nguyện khi còn sống và khi ra đi, mong muốn được đối xử khi ta qua đời.
18. Trở nên thẳng thắn, cởi mở hơn khi chia sẻ về cái chết với những người xung quanh.
19. Tận hưởng trải nghiệm khi mở rộng sự hiểu biết về tâm linh nói chung.
20. Có cảm hứng để tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về chủ đề hết sức thú vị này.
Từ danh sách trên, độc giả có thể thấy tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn để xem NDE như là một công cụ tìm hiểu về cuộc sống. Điều này áp dụng cho những người chưa từng trải qua,cũng như đã từng trải qua NDE. Tôi muốn bạn tự thân tìm hiểu sâu hơn về NDE, cũng như suy nghĩ về những yếu tố tâm linh khác có liên quan. Một mảy may hứng thú ban đầu về NDE hoàn toàn có thể dẫn đến việc khám phá về sự hữu hạn của cuộc đời, ý thứcvề bản thân, cũng như khảo sát những niềm tin tâm linh và cách ta hình thành nên chúng.
Tâm linh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Tâm linh hướng chúng ta đến cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Tâm linh khác với tôn giáo, vốn là một tín điều – một bộ những quy tắc có sẵn để áp dụng và thông diễn tùy theo tình huống chúng ta trải qua. Tâm linh mời gọi chúng ta tìm kiếm chân lý cuộc sống và cách áp dụng chúng để giúp ta cảm thấy trọn vẹn.
Những đặc điểm chính của quyển sách này
Ở phần giới thiệu, tôi đã giải thích tôi cảm thấy hứng thú với NDE như thế nào trong vai trò là một hộ lý, và công trình nghiên cứu tôi đã tiến hành, cũng như công việc của tôi với những người trải qua NDE trên khắp thế giới.
Chương 1 sẽ nêu những đặc điểm của NDE.
Chương 2 sẽ tìm hiểu NDE là trải nghiệm thoải mái hay khó chịu.
Chương 3 đi vào những trường hợp có thể dẫn đến NDE và ai trải qua NDE.
Chương 4 hé lộ cách thức NDE thay đổi cuộc sống như thế nào.
Chương 5 đi sâu vào khoa học NDE, nhấn mạnh nghiên cứu y học mới nhất về hiện tượng này. Các chương cuối của quyển sáchđề cập đến những gì chúng ta có thể học được từ NDE, làm thế nào chúng ta trở nên cảm thông hơn với những người đã trải qua NDE, và ý nghĩa đối với con người nói chung một khi đã thấu hiểu các trải nghiệm này.
Quyển sách này được biên soạn nhằm giúp cho trải nghiệm cận tử trở nên gần gũi nhất có thể, thông qua các mục sau:
– Hỏi & Đáp – lần lượt giải đáp các câu hỏi thường gặp về NDE
– Tình huống thực tế – chia sẻ về NDE trong cuộc sống
– Trọng điểm – gợi ý những cách hữu ích để áp dụng những bài học từ NDE vào thực tế cuộc sống
– Ở cuối quyển sách, mục Tiếp theo là gì? gợi ý cách thức để bạn đọc tiếp tục tự tìm hiểu – có rất nhiều điều cần chia sẻ về NDE và nhiều điều thú vị ta có thể học hỏi.
CÁC TỪ VIẾT TẮT CHÍNH
Những từ viết tắt sau đây được sử dụng xuyên suốt quyển sách:
NDE (near-death experience) – Trải nghiệm cận tử
OBE (out-of-body experience) – Trải nghiệm thoát xác
DBV (deathbed vision) – Trải nghiệm nhìn thấy những người đã quá cố khi bản thân đang trong giai đoạn hấp hối
STE (spiritually transformative experience) – Trải nghiệm chuyển hóa tâm linh
***
Phần giới thiệu
Vì sao có chủ đề này?
Với nhiều người, chết là một chủ đề kiêng kỵ. Ta cho rằng có lẽ chỉ những người già hoặc người đang mắc bệnh nặng mới phải lo nghĩ về nó, còn ta thì không, cho đến khi xảy ra biến cố – chẳng hạn như ta được chẩn đoán mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, khi gặp một tai nạn thừa sống thiếu chết, hay sự ra đi của người mà ta yêu thương. Chết là điều tất yếu duy nhất trong cuộc sống, nhưng kỳ lạ là ta lại rất ít khi dành thời gian để chiêm nghiệm về nó. Và trái khuấy làm sao, chính khi suy tư về ý nghĩa của cái chết và nghĩ về quá trình từ giã cõi đời, người ta mới trở nên cởi mở hơn trước việc khám phá những điều cốt lõi của một cuộc sống viên mãn, gắn kết hơn với những người xung quanh.
Sau một lần “chạm trán” với cái chết, nhiều người kể lại những trải nghiệm mà họ cho rằng khó có thể diễn tả thành lời. Sự khó nói này thường là do điều đã xảy đến không giống với bất cứ trải nghiệm nào họ đã có trước đây. Làm sao ta có thể mô tả một sự thể mà ta không có một khung nhận thức hay khung tham chiếu hữu hình nào dành cho nó? Và nếu bản thân ta còn không hiểu được trải nghiệm đó thì làm sao ta có thể chia sẻ với người khác? Thuật từ dùng để mô tả trải nghiệm diễn ra trong thời khắc giữa sự sống và cái chết chính là trải nghiệm cận tử (NDE). Từ xưa đến nay, đã có nhiều người từng trải qua những trải nghiệm này nhưng e dè không muốn nói về chúng. Đây chính là điều mà tôi muốn thay đổi.
Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hàng năm, số người chết vì ngưng tim hay vì các căn bệnh hiểm nghèo đã giảm đi rất nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số người có trải nghiệm cận tử cũng ngày càng nhiều hơn. Tôi hy vọng rằng thông tin về trải nghiệm cận tử nêu ra trong quyển sách này sẽ giúp cho tất cả chúng ta hiểu hơn về chúng, và người đã từng trải qua cũng như những người được thuật lại đều nhận được lợi ích từ sự thấu hiểu này. Việc học hỏi từ những người có trải nghiệm cận tử cũng giúp chúng ta thấu hiểu hơn về sự vô thường của cuộc sống. Kiến thức này tiếp thêm sức mạnh và giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống khi còn có thể, cũng như xua tan nỗi sợ liên quan đến cái chết.
Vì sao tôi viết quyển sách này?
Tôi bắt đầu nghề hộ lý từ năm 1989, kéo dài được 21 năm. Thoạt tiên, tôi công tác tại khắp các phòng ban trong bệnh viện, nhưng cuối cùng tôi dừng chân ở phòng cấp cứu, nơi tôi đã chăm sóc cho bệnh nhân được 17 năm. Tại đây, tôi đối mặt với cái chết thường xuyên đến mức tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc đối diện với “cái tất yếu duy nhất” ấy – cái chết rồi sẽ đến với bất kỳ ai. Cái chết không màng tới tuổi tác (nó không dành riêng cho người già), và nó xảy đến hoàn toàn đột ngột (chứ không chỉ đến với người có bệnh tật). Trong suốt thời gian hành nghề, tôi đã chăm sóc hàng ngàn bệnh nhân cho đến khi họ nhắm mắt lìa đời; và tôi cũng chăm sóc cho những người tôi thương yêu khi họ đến ngưỡng cuối đời.
Ban đầu, khi chăm sóc cho một bệnh nhân đang hấp hối, một cuộc gặp gỡ đau đớn đã quẳng tôi vào cơn khủng hoảng, từ đó buộc tôi phải đặt câu hỏi về lẽ sống chết. Chẳng bao lâu sau, tôi đọc được một quyển sách về trải nghiệm cận tử. Trước đó, đầu tôi đầy ắp các thành kiến và hoài nghi, thế nhưng quyển sách đã khai mở trong tôi một cảm giác hào hứng và thôi thúc tôi phải tìm hiểu nhiều hơn. Kết quả là tôi tham gia vào một nghiên cứu về trải nghiệm cận tử dài hạn đầu tiên của nước Anh tại phòng cấp cứu trị liệu nơi tôi công tác. Tôi dành ra 5 năm phỏng vấn các bệnh nhân sống sót sau khi được chuyển vào phòng trị liệu tích cực, hỏi xem họ có bất kỳ ký ức nào về thời gian họ bất tỉnh hay không. Và rồi, sau 8 năm miệt mài làm nghiên cứu sinh, vào năm 2005, tôi được trao bằng Tiến sĩ. Sự hứng thú của tôi đối với các trải nghiệm cận tử từ lúc bắt đầu đến nay đã hơn 20 năm. Tôi đã diễn thuyết tại các hội nghị trên khắp thế giới và thu thập được một cơ sở dữ liệu gồm hàng trăm tường thuật về trải nghiệm cận tử. Tôi tin rằng mình có nghĩa vụ chia sẻ kiến thức này để giúp mọi người hiểu hơn về trải nghiệm cận tử và vì sao chúng lại quan trọng.
Vì sao quyển sách lại ra đời vào thời điểm này?
Với tôi, quyển sách này xuất hiện đúng thời điểm vì con người chúng ta đang nhận thức ngày một thoáng hơn về mối liên kết giữa tâm trí, cơ thể và linh hồn. Nhiều năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự thừa nhận ngày một nhiều hơn về thế giới tâm linh nói chung, đặc biệt là mối liên hệ giữa tâm linh với việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tại các bệnh viện. Chúng ta may mắn khi nhận được sự hỗ trợ từ các công nghệ ưu việt, cũng như thấu hiểu sâu sắc hơn về sự sống và cái chết; đồng thời chúng ta nhận ra khía cạnh tâm linh cũng quan trọng đối với sức khỏe đến dường nào.
Hai mươi năm trước, khi tôi tiến hành nghiên cứu, rất khó tìm thấy một ai đó sẵn lòng chia sẻ với tôi về trải nghiệm cận tử của họ. Nhiều người kiêng dè tôi, người khác thấy khó khăn khi nói về trải nghiệm của mình, và một số người chỉ đơn giản là không muốn trải lòng về khía cạnh này với người lạ. Dần dà, khi mọi người bắt đầu biết đến công trình nghiên cứu của tôi nhiều hơn, thì ngày càng có nhiều người trong số họ liên lạc với tôi. Tuy vậy, khi quyển sách The Wisdom of NDEs của tôi xuất bản vào năm 2014, tôi vẫn chưa sẵn sàng đón nhận sự hưởng ứng vô cùng to lớn.
Vài tuần trước khi quyển sách được phát hành, nhà xuất bản đã gọi điện và thông báo rằng một tờ báo quốc gia sắp sửa sử dụng những gì tôi viết cho hai bài báo. Phản ứng ban đầu của tôi là cẩn trọng: Công chúng sẽ phản ứng thế nào với nghiên cứu của tôi? Và vào cuối ngày bài báo được xuất bản, mạng xã hội cho thấy quyển sách của tôi đã được toàn thế giới biết đến. Đa số các bình luận tôi nhận được là tích cực. Chỉ riêng việc này khiến tôi nhận ra thái độ đối với trải nghiệm cận tử (và các trải nghiệm tâm linh nói chung) đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm tôi bắt đầu. Ngoài ra, bài viết khuyến khích nhiều người kể về các trải nghiệm bản thân. Thay vì chỉ có hai bài báo như dự kiến ban đầu, người ta đăng đến năm bài, một trong số đó có phần thuật lại của những người từng có trải nghiệm cận tử, sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình cho công chúng, bên cạnh hình ảnh. Đó là một sự đột phá.
Vài tuần sau khi quyển sách của tôi được phát hành, tôi nhận được khoảng 200 email mỗi ngày từ những người có trải nghiệm cận tử ở khắp nơi trên thế giới. Hơn một năm sau đó, tôi vẫn nhận hàng trăm email mỗi tuần. Điều đó cho thấy những người có trải nghiệm cận tử đã trở nên thoải mái hơn khi chia sẻ về những gì họ đã trải qua – có một sự tò mò lành mạnh về trải nghiệm cận tử từ chính những người chưa từng trải qua. Chúng ta hiểu được rằng khoa học không phải chứa đựng tất cả các câu trả lời. Thật sự mà nói, chúng ta có thể học được rất nhiều từ các trải nghiệm cận tử để áp dụng vào đời sống hàng ngày, bất kể chúng ta đã có kiến thức về hiện tượng tâm linh này hay chưa.
Giờ chính là lúc để khám phá sâu hơn về ý nghĩa của sự tồn tại, cái chết và ý thức. Tôi hy vọng thông tin cung cấp trong những trang sách sau đây sẽ hữu ích cho bạn đọc trên hành trình khám phá này.
Mời các bạn mượn đọc sách Trải Nghiệm Cận Tử của tác giả Penny Sartori & Lê Duy Khương (dịch).
Download
Trải Nghiệm Cận Tử
Giới thiệu Trải Nghiệm Cận Tử Tweet! Vì sao bạn nên đọc quyển sách này? Mục tiêu của tôi khi viết quyển sách này là để cung cấp những chỉ…