Đội Trinh Sát Và Con Chó Sara
Giới thiệu
Đội Trinh Sát Và Con Chó Sara
Cuốn sách thuộc loại tiểu thuyết chiến tranh, thông qua câu chuyện về chú chó Sara được một anh bộ đội Việt Nam nhặt được trên vỉa hè gần bến cá ở Kampong Ch’nang, Campuchia. Nhờ cặp móng huyền đề, sự thông minh, nhanh nhẹn và sự trung thành, Sara thoát khỏi món “rựa mận” và gia nhập vào “đời lính”. Một trang sử được lột tả một cách chân thật và gần gũi thông qua những mẩu chuyện xung quanh chú chó Sara và các anh bộ đội Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại tội ác diệt chủng của Kh’mer Đỏ.
Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết chiến tranh đang được chú ý trên văn đàn có tên Sara – nghĩa là “Rượu” trong tiếng Campuchia – một con chó nhách có huyền đề kép lang thang xin ăn được Phong lượm về ở bến cá bên bờ Tonle Sap. Từ mối duyên lành đó, số phận của nó gắn liền với số phận những người lính trinh sát thuộc một tiểu đoàn chủ lực, dọc ngang mọi nẻo chiến trường trên đất nước Chùa Tháp.
Văn thơ Việt Nam có nhiều trang viết về vùng thôn quê mộc mạc, đơn sơ cùng sự xuất hiện của những chú chó trung thành là vật nuôi giữ nhà, là người bạn thân thiết của con người; tạo dựng nên những thông điệp nhân văn sâu sắc trong các tác phẩm văn học nổi tiếng như Đôi mắt, Lão Hạc… Việc đưa loài vật trở thành nhân vật trong văn học không hề đơn giản nếu thiếu sự quan sát tinh tế hay cảm nhận sâu sắc về thế giới muôn màu muôn vẻ.
Trong cuốn sách Đội trinh sát và con chó Sara, nhà văn Trung Sỹ đã khéo léo đưa hình ảnh chú chó xuất hiện ngay từ tên tác phẩm và xuyên suốt cốt truyện, khêu gợi sự háo hức, tò mò của độc giả.
Sara không khác với các con chó trung đội Phong từng bầu bạn và… chén thịt trước đây nhưng nó đã thoát chết do sở hữu cái huyền đề kép theo kinh nghiệm dân gian là quý tướng loài cẩu hay vì sự trống vắng, tàn khốc do chiến tranh gây ra? Đội trinh sát 12 người, đã tử trận 4, anh em chí cốt lần lượt ra đi để lại quá nhiều khoảng trống lạnh lẽo, sự trống vắng thấu tim cảm nhận rõ rệt nhất trong những ca gác đêm mỗi đầu hai vọng.
Vậy là Sara không bị giết, được ăn cơm lính và trở thành đứa bạn đêm trường thính tai, biết sủa, đỡ đần các ca gác thiếu người… Những con chó trung thành vẫn luôn xuất hiện như thế, khi mà người ta khốn khó, cô độc và đau thương nhất!
Anh bạn bốn chân này được tác giả miêu tả như một nhân vật rất khôn ngoan và tình cảm. Sara thấu hiểu từng ngõ ngách tâm tư của các ông chủ, biết thân biết phận thực thi nhiệm vụ được giao nhưng cũng luôn đòi hỏi được đối xử công bằng, đúng tinh thần “chó có suất”. Tình cảm giữa chú chó hoang và những người lính ngày càng khăng khít sau những lần “tác chiến” bắt rắn mối, băng qua “cơn mưa” đạn pháo hay đối diện với những mẩu vụn thịt người rã nát, thối khắm nồng nặc… Ấn tượng nhất là những phen cứu mạng thót tim: trong một lần đánh chiến dữ dội, Sara với linh tính của chú chó chiến, đã kịp thời báo cho chủ về quả lựu đạn M67 giấu trong áo một đứa trẻ.
Sự ví von “len lét như rắn mùng năm, cúp đuôi như chó sợ pháo” không đúng với Sara khi chú đã quá quen thuộc với chiến trường rền vang tiếng đại bác gầm, tiếng hỏa lực tức ngực nổ gần. Chú thành thạo nằm áp xuống đất, dạt ngang né bom rơi đạn lạc…
Tác giả khắc họa Sara như một “nhân chứng” chiến tranh ấn tượng, chú vật vã đi tìm dấu vết chủ của mình, dù bị bỏ quên vẫn quay về sau mấy ngày lưu lạc như một lữ khách chân chính. Tình nghĩa keo sơn đâu phải một sớm một chiều nên bắt gặp một mùi hương quen thuộc, hay cử chỉ búng tay của anh lính lạ cũng khiến nó bồi hồi, xao xuyến.
Sara qua ngòi bút Trung Sỹ được nhân cách hóa vô cùng sinh động, biết sán đến ve vãn các nàng chó như một gã “trai lơ” bụi bặm đích thực; biết vênh váo, hãnh diện khoe chiến tích trước sự thán phục của bầy chó cái; biết giả vờ nịnh bợ các ông chủ; biết đau đớn, tức tưởi khi bạn tình bị giết; biết nhớ nhung tình nghĩa với cô chủ cũ…
Cuốn theo những trang sách, độc giả cảm nhận hai năm chinh chiến dường như dài bằng nửa đời người. Những mảnh xác người vương vãi khắp chốn, chiếc bi đông cạn khô khai nồng mùi nước tiểu, đôi mắt trõm sâu một em bé gần chết đói đăm đăm nhìn nắm cơm vắt của Phong hay xác con voi đen toác bụng ngầu máu đỏ?
Chưa ở đâu, ranh giới giữa sự sống và cái chết là mong manh nhường vậy: “Tử thần hóa trang giấu mặt bao giờ cũng nguy hiểm và đáng sợ. Một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, một thiên nhiên thật thà hoang dã bội nhiễm bởi những trái mìn dày đặc. Mìn dày như những cái gai độc cắm vào lòng trái đất. Chớ nên tin một khóm lan rừng đang ra hoa, một bụi sâm tươi tốt, một bãi nghỉ râm mát, một bờ suối trong lành. Tất cả có thể đã bị gài mìn”. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Phong bị thương nặng phải chuyển viện tuyến trên. Ở cứ, Sên hy sinh vì dính đạn nhọn của kẻ thù khi truy quét ở núi Tà Đạt, Phương ôm trọn trái mìn KP2 lúc ra Krako nhận thuốc đem về Svay Chek tiêm chủng cho trẻ con… Và Sara vẫn âm thầm đồng hành cùng họ!
Sara đôi khi là hiện thân của những người lính can trường nhưng cũng bị bủa vây bởi nỗi cô đơn. Họ có thể không màng đến tính mạng trong những trận đánh sinh tử nhưng đêm về vẫn đối diện với bao khát khao rất đời thường, dằn vặt nỗi nhớ nhà, cháy bỏng trong tim ước mơ hòa bình và ngày về bình yên trong vòng tay mẹ. “Có những thứ trên đời kim bất hoán, là tính mạng người lính, bây giờ không phải của anh mà thuộc về mẹ anh đang trông chờ…”.
Cách tiếp cận và miêu tả chiến tranh của tác giả với sự xuất hiện của Sara khiến cho cuộc chiến bớt phần nào bi thương, áng văn cuồn cuộn chất lính, thấm thía chất đời và để lại trong lòng người đọc thật nhiều suy ngẫm, day dứt khôn nguôi: “Sara ươn ướt mắt, âu yếm ngắm ân nhân cũ trong chiếc áo vá rộng thùng thình của Phong. Bóng đêm giấu bớt đi vẻ khổ hạnh, phô ra những nét thanh tú của cô chập chờn trong ánh lửa. Hương ngọt đường cô chủ ngày xưa giờ có thêm mùi mồ hôi mặn vai áo lính. Đã lâu lắm những mùi đời thường thân quen này mới trở lại…”.
Gia nhập làng văn chưa lâu nhưng “lính mới” Trung Sỹ (tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960) đã có những tác phẩm nổi tiếng về đề tài chiến tranh và Hà Nội. Xuất thân là trai Hà Thành chính hiệu, từng đi qua thời “mũ rơm”, “tem phiếu”, đồng thời là một người lính bộ binh đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, những trang viết của ông vừa mang nét tài hoa duyên dáng, vừa thấm đẫm những nguyên liệu chắt lọc từ thực tế.
Chuyện lính Tây Nam viết về quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX gây được tiếng vang lớn trên văn đàn. Điều này khích lệ tác giả viết tiếp tiểu thuyết Đội trinh sát và con chó Sara (NXB Lao Động – 2020)…
Không quá khốc liệt như Chuyện lính Tây Nam nhưng Đội trinh sát và con chó Sara giúp người đọc hình dung được những khó khăn, hiểm nguy chết chóc luôn rình rập tấn công người lính tình nguyện Việt Nam đóng quân ở Svay Chek. Sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam là chỗ dựa vững chắc cho Xã trưởng Sok Un, Xã đội trưởng Loung, cô giáo Chanrithy và bà con ở Svay Chek chung tay xây dựng cuộc sống mới…
Là cây bút bước ra từ chiến trường, trực tiếp đối mặt với quân diệt chủng, nhà văn Trung Sỹ không chỉ viết bằng ngòi bút mà bằng mọi giác quan, bằng cả hơi thở gấp gáp và trái tim bị bóp nghẹt. Chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Được biết đến là một trong những thương hiệu sách đi đầu về dòng sách quản trị kinh doanh/ phát triển kỹ năng trong ngành xuất bản với các cuốn sách hướng dẫn khởi nghiệp, các bài học, phương pháp và kinh nghiệm quản trị của các chuyên gia, các hãng và tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Nổi bật với các cuốn sách: HBR Onpoint, Quốc gia khởi nghiệp, Trí tuệ Do Thái, Phi lý trí, Tư duy nhanh và chậm, Tiểu sử Steve Jobs, Thiên nga đen, Chiến lược đại dương xanh, Phù thủy sàn chứng khoán,..
Sau 16 năm hình thành và phát triển, Alpha Books đang từng bước khẳng định tên tuổi của mình, đặc biệt đối với các thế hệ doanh nhân, nhà quản lý và những người trẻ luôn khát khao xây dựng sự nghiệp thành công.
Là cây bút bước ra từ chiến trường, trực tiếp đối mặt với quân diệt chủng, tận mắt thấy những xác người không toàn thây sau những thảm sát phi nhân tính, giọng văn của Trung Sỹ không chỉ có cái mùi khói đạn đặc trưng mà còn có mùi đắng hắc của ký ninh, mùi vết thương hoại, mùi xác chết đang trương, mùi tanh gây của máu, của những mảnh nhuyễn thịt vụn thân người người trộn lẫn với khói đen khét lẹt. Có lẽ, ông không chỉ viết bằng bút mà bằng mọi giác quan, bằng súng!
Trên đường hành quân, trong trùng vây rừng khộp, bất cứ nơi nào, người lính Việt Nam tình nguyện cũng có thể phải đối mặt với đói khát, với thiên nhiên khắc nghiệt, với thú dữ, bom đạn, quân thù, khiến ranh giới giữa sự sống và cái chết trở thành mong manh: “Một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, một thiên nhiên thật thà hoang dã đã bội nhiễm bởi những trái mìn dày đặc. Mìn dày như những cái gai độc cắm vào lòng trái đất. Chớ nên tin một khóm lan rừng đang ra hoa, một bụi sâm tươi tốt, một bãi nghỉ râm mát, một bờ suối trong lành… Tất cả có thể đã bị cài mìn”.
Chứng kiến nhiều cái chết đau đớn của đồng đội, người chết khát giữa rừng, người liệt tim vì bị rắn cắn, nhiều người bị mảnh bom găm vào da thịt, cắt lìa tay, chân, chết dần mòn trong đau đớn kéo dài, đến mức tác giả chỉ ước nếu lỡ tử thần có dạo bước ghé thăm thì được chết tốt bởi một loạt đạn bắn gần hay một trái mìn chớp nổ. Chết tốt là phải chết ngay! Cái chết tức thì nhẹ nhàng, không đớn đau khắc khoải.
Bối cảnh cuộc chiến được tái hiện qua thể loại tiểu thuyết chiến tranh với hai tuyến nhân vật đối nghịch và kết thúc có phần có hậu, song có lẽ như lời thề của lính, Trung Sỹ đã rất mực tôn trọng sự thật. Bên cạnh những trang viết nhuốm màu huyền bí mô tả trận lốc ma cuốn dựng thảm lá khô nơi bìa rừng hay những đoạn tái hiện vẻ u tịch bí hiểm của một ngôi đền hoang giữa rừng khộp nắng hun là sự đói khát của những chàng lính trẻ trong rừng sâu núi thẳm, là những lần phải uống nước tiểu của chính mình để qua cơn khát.
Bên cạnh những cảm tình trai gái lãng mạn, những đụng chạm da thịt đầy rạo rực đưa đẩy hồn yêu và khát khao tuổi trẻ là những “nỗi buồn chiến tranh”, những đêm gác trõm mắt, những trận sốt rét rừng quằn quại, là nỗi nhớ mong khắc khoải quê nhà. Là phút phân vân vì bản năng sống, là lúc hoang mang nghĩ tới cái chết. Là ước mong đến ngày giải ngũ, về đến ngõ nhà gặp mẹ, gặp em, để sống nốt những tháng năm tuổi trẻ. Những chất liệu thô tháp ấy, những tình cảm rất thật của con người ấy khó lòng mà hư cấu nổi.
Cũng qua Đội trinh sát và con chó Sara, người đọc có thể hình dung phần nào đời sống đen tối và số phận khổ hạnh của con người ở đất nước chùa Tháp trong thời kỳ này.
Rõ ràng, chiến trường Tây Nam để lại trong những người lính chiến những ký ức ám ảnh chẳng kém một trận địa khốc liệt nào trên dải đất Việt nhiều thương đau, nhưng bao trùm và xuyên suốt trong hình tượng người lính vẫn là tấm lòng yêu thương, nỗi nhớ mong tha thiết đối với gia đình, Tổ quốc, vẫn là ước vọng hòa bình và đoàn tụ…
Mời các bạn mượn đọc sách Đội Trinh Sát Và Con Chó Sara của tác giả Trung Sỹ.
Download
Đội Trinh Sát Và Con Chó Sara
Giới thiệu Đội Trinh Sát Và Con Chó Sara Tweet! Cuốn sách thuộc loại tiểu thuyết chiến tranh, thông qua câu chuyện về chú chó Sara được một anh bộ…