Pollyanna – Mặt Trời Đã Lớn Khôn

Pollyanna – Mặt Trời Đã Lớn Khôn

Giới thiệu

Pollyanna – Mặt Trời Đã Lớn Khôn




Là câu chuyện về cô bé mồ côi Pollyanna phải đến sống cùng người dì khó tính Polly, người nhận nuôi cô bé chỉ vì đó là nghĩa vụ với người chị đã khuất. Song với trái tim lạc quan yêu đời của cô bé, cùng trò chơi mà cô học được từ cha mình, Pollyanna tìm được niềm vui trong mọi tình huống, dù ảm đạm đến mức nào.

Pollyanna là một tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1913 của Eleanor H. Porter mà ngày nay được xem là kinh điển của văn học thiếu nhi, với tên nhân vật chính đã thành một thuật ngữ phổ biến trong tiếng Anh để chỉ người lạc quan quá mức, ngoài ra, sự thiên lệch tiềm thức theo hướng tích cực thường được mô tả là nguyên tắc Pollyanna. Cuốn sách này đã thành công đến mức Porter sớm sáng tác phần tiếp theo, Pollyanna Grown Up (1915). Mười một phần tiếp theo Pollyanna, được gọi là “Glad Book”, sau đó đã được công bố, hầu hết trong số này được viết bởi Elizabeth Borton hoặc Harriet Lummis Smith. Và có các phần tiếp theo nữa, bao gồm Pollyanna Plays the Game bởi Colleen L. Reece, xuất bản năm 1997.

Pollyanna đã được chuyển thể thành phim nhiều lần. Một trong những phim phổ biến nhất là phiên bản 1960 với sự tham gia diễn viên trẻ Disney Hayley Mills, người đã giành một giải Oscar đặc biệt cho vai diễn, và phiên bản 1920 với diễn viên chính Marry Pickford.
 

Pollyanna – Mặt Trời Đã Lớn Khôn, truyện tiếp theo bà viết năm 1915, nhân vật Pollyanna đã trở thành anh hùng của châu Âu. Bên cạnh đó Pollyanna phải đối mặt với nhiều rào cản trong cuộc sống, tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.

Năm 1920, Eleanor H.Porter mới viết xong đoạn kết cuốn truyện Pollyanna. Ngày 21 tháng 5 năm 1920, bà mất tại nhà ở Cambridge, Massachusetts, và được mai táng ở nghĩa trang Mount Auburn thuộc quận Middlesex, bang Massachusetts. Những tác phẩm của bà, đặc biệt là Pollyanna đã mang niềm vui đến cho hàng triệu độc giả khắp hành tinh.

***

Eleanor Hodgman Porter (1868 – 1920), tác giả người Mỹ, sinh ngày 19 tháng 12 năm 1868 tại Littleton, tiểu bang New Hampshire. Là con gái của Francis Fletcher Hodgman và Llewella Woolson. Sau khi tốt nghiệp nhạc viện New England ở Boston, bà trở thành ca sĩ nổi tiếng. Ngày 03 tháng 05 năm 1892, bà kết hôn với John Lyman Porter và khởi nghiệp ở New England với truyện ngắn cùng những bài viết đăng trên báo, tạp chí mang tính đại chúng như: Bạn của nhà nội trợ, Harper’s Weekly.

Vượt dòng, sáng tác năm 1907 của bà là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản. Tiếp theo là Hướng thủy triều(1908) và Chuyện về Marco viết năm 1911. Cô Billy cũng xuất bản trong năm 1911, là cuốn sách thành công nhất về mặt thương mại. Nhưng cuốn truyện Pollyanna bà sáng tác năm 1913 mới thực sự chinh phục độc giả thế giới. Với câu nói nổi tiếng: “Chỉ hít thở thôi thì không thể gọi là sống được!” cô bé mồ côi Pollyanna Whittier làm xúc động nhiều trẻ em bởi tính cách hồn nhiên trong sáng và lạc quan yêu đời. Khi các câu lạc bộ giải trí xuất hiện, Pollyannađã được chuyển thể phục vụ sân khấu và phim ảnh. Mary Pickford đã thành công trong phim câm năm 1920, Hayley Mills thành công với kịch bản năm 1960.

***

CHƯƠNG I 
DELLA BÀY TỎ SUY NGHĨ

Della Wetherby bước lên những bậc thềm bề thế trước nhà chị gái ở Đại lộ Commonwealth, ấn mạnh ngón tay lên chuông điện trên cửa. Từ chóp chiếc mũ lông chim cho đến gót đôi giày đế thấp, cô đều toát lên vẻ khỏe khoắn, năng động và quyết đoán. Ngay cả giọng nói khi cô cất tiếng chào cô hầu gái ra mở cửa cũng tràn đầy sức sống.

“Chào buổi sáng, Mary. Chị tôi có ở nhà không?”

“Dạ… có, thưa tiểu thư, phu nhân Carew đang ở trong ạ,” cô hầu gái dè dặt đáp; “nhưng phu nhân ra lệnh cho tôi là đừng để bà gặp ai cả.”

“Thế sao? Vậy tôi là không ai cả đây,” tiểu thư Wetherby mỉm cười, “thế nên chị ấy sẽ gặp tôi. Đừng lo, tôi sẽ chịu trách nhiệm,” cô khẽ gật đầu đáp lại ánh mắt tỏ vẻ sợ bị quở trách của cô hầu gái. “Chị ấy đang ở đâu, trong phòng nghỉ à?”

“V-vâng, thưa tiểu thư; nhưng… Nhưng mà phu nhân đã nói…” Mặc cho cô hầu gái nói vậy, tiểu thư Wetherby đã đi lên lưng chừng cầu thang; cô hầu gái chỉ còn biết nhìn theo với ánh mắt bất lực rồi quay đi.

Đến sảnh tầng trên, Della Wetherby không ngại ngần bước thẳng tới, gõ lên cánh cửa đang khép hờ.

“Ôi, Mary,” một giọng nói với vẻ “khổ-thân-tôi-gì-nữa-đây” đáp lại. “Không phải tôi đã… Trời ơi, Della!” Giọng nói bỗng trở nên ấm áp, tình cảm và đầy ngạc nhiên. “Em gái thân yêu, sao em lại ở đây?”

“Vâng, là em, Della đây,” cô gái trẻ mỉm cười và bước vào phòng một cách rất tự nhiên. “Vừa kết thúc ngày Chủ nhật ở bãi biển cùng với hai cô y tá nữa là em đến đây ngay. Em đang trên đường về Nhà an dưỡng nên nhân tiện ghé qua, nhưng em sẽ không ở lại lâu đâu. Em đến vì cái này.” Dứt lời, cô liền tặng cho chủ nhân của giọng nói “khổ-thân-tôi-gì-nữa-đây” một nụ hôn thân mật.

Phu nhân Carew tỏ vẻ không hài lòng, lạnh lùng lùi lại ra sau. Chút vui vẻ và cao hứng trên gương mặt cô vừa thoáng xuất hiện, giờ cũng đã biến mất, chỉ còn lại nét cáu kỉnh vô hồn như thường ngày.

“Ồ, đáng lẽ chị phải biết chứ nhỉ,” cô nói. “Em chẳng bao giờ chịu ở đây cả.”

“Ở đây sao!” Della Wetherby cười vui vẻ rồi làm một cử chỉ phác tay; rồi giọng nói và phong thái của cô bất ngờ thay đổi theo cái phác tay ấy. Cô nhìn chị mình với ánh mắt nghiêm túc nhưng trìu mến. “Ruth yêu quý của em, em không thể. Chỉ là em không thể sống trong căn nhà này. Chị hiểu mà,” cô nhẹ nhàng nói.

Phu nhân Carew cựa người khó chịu.

“Chị không hiểu tại sao hết,” cô chống chế.

Della Wetherby lắc đầu.

“Có, chị hiểu mà, chị thân yêu. Em hoàn toàn không thể hòa hợp được với tất cả những thứ này: sự u ám, lối sống vô định, sự sầu não đau khổ kéo dài đằng đẵng.”

“Nhưng chị đang sầu não đau khổ mà.”

“Chị đâu có cần phải làm vậy chứ.”

“Sao cơ? Chị còn làm được gì khác cơ chứ?”

Della Wetherby trở nên mất bình tĩnh.

“Ruth, chị hãy nghe em nói này,” cô tiếp tục cố gắng. “Chị mới chỉ ba mươi ba tuổi thôi. Chị có sức khỏe, có lẽ thế nếu chị chịu chăm sóc bản thân mình tử tế, và rõ ràng chị thừa thời gian rảnh rỗi, lại còn có đầy tiền. Chắc chắn ai cũng sẽ khuyên chị nên kiếm việc gì đó làm vào một buổi sáng đẹp trời thế này chứ không phải ngồi ủ rũ trong cái ngôi nhà như hầm mộ này rồi bảo người hầu không muốn gặp ai như vậy.”

“Nhưng chị không muốn gặp ai cả.”

“Nếu là em, em sẽ bắt mình phải muốn.”

Phu nhân Carew thở dài một cách mệt mỏi rồi quay đi.

“Ôi, Della, sao em vẫn không chịu hiểu nhỉ? Chị không như em, chị không thể quên được.”

Gương mặt cô gái trẻ thoáng hiện ra nét đau khổ.

“Chắc ý chị là Jamie chứ gì? Em không quên chuyện đó, chị thân yêu ạ. Tất nhiên là em không thể quên được. Nhưng cứ ủ rũ như vậy cũng đâu có giúp chúng ta tìm thấy thằng bé được cơ chứ.”

“Cứ như thể chị đã không cố tìm thằng bé trong suốt tám năm qua ngoài việc ngồi ngơ ngẩn ấy,” phu nhân Carew nói giọng bực tức xen lẫn nức nở cùng lúc.

“Dĩ nhiên là chị có tìm, chị thân yêu ạ,” cô gái kia vội dỗ dành; “chúng ta vẫn nên tiếp tục tìm kiêm, cả hai chúng ta, cho tới khi tìm ra thằng bé hay xác nhận được nó đã chết. Nhưng những chuyện chị làm ở đây không giúp được gì cả.”

“Nhưng chị không muốn làm gì khác nữa hết,” phu nhân Carew nói nhỏ đầy uể oải.

Cả không gian chợt rơi vào khoảng lặng trong chốc lát. Cô em gái ngồi đối diện nhìn chị mình bằng đôi mắt âu lo lẫn không vừa ý.

“Ruth,” cô lên tiếng, cuối cùng cô cũng xả ra cơn tức giận của mình. “Tha lỗi cho em vì nói thế này, nhưng mà chị cứ định như thế này mãi à? Chị là một quả phụ, em công nhận; nhưng cuộc hôn nhân của chị kéo dài vỏn vẹn có một năm thôi, chồng chị còn lớn tuổi hơn chị rất nhiều. Lúc đó chị chẳng lớn hơn một đứa trẻ là bao, một năm đó cũng không hơn gì một giấc mơ cả. Chị không nên để chuyện đó khiến chị đau khổ cả đời chứ!”

“Không, không,” phu nhân Carew vẫn lầm bầm ủ rũ.

“Thế chị định cứ thế này mãi à?”

“Tất nhiên là, nếu chị tìm thấy Jamie…”

“Vâng, vâng, em biết; nhưng Ruth thân yêu của em, chẳng lẽ trên đời này không có chuyện gì khác ngoài Jamie có thể khiến chị vui vẻ sao?”

“Chị nghĩ là không có đâu,” phu nhân Carew hờ hững thở dài.

“Ruth!” Cô em gái gắt lên, gần như là nổi giận. Nhưng rồi cô gái bỗng nhiên cười phá lên, “Ôi, Ruth ơi, Ruth, chắc em phải chữa trị cho chị bằng Pollyanna mới được. Không một ai khác cần thứ thuốc này hơn chị!”

Phu nhân Carew tỏ ra hơi khó chịu.

“Chị chẳng biết Pollyanna đó là cái gì, mà có là gì đi nữa thì chị cũng không cần đến nó,” cô đáp lại gắt gỏng với vẻ tức giận không kém. “Ở đây không phải là Nhà an dưỡng thân thương của em, chị cũng không phải là bệnh nhân để em chữa trị hay ra lệnh, hãy ghi nhớ điều đó.”

Ánh mắt Della Wetherby lấp lánh nhảy múa, nhưng miệng cô vẫn không hề mỉm cười.

“Pollyanna không phải là thuốc, chị yêu quý ạ,” cô nhẹ nhàng nói, “mặc dù em từng nghe vài người gọi cô bé là liều thuốc bổ. Pollyanna chỉ là một đứa bé thôi.”

“Một đứa bé? Chà, làm sao chị biết được,” người chị gái buồn bực đáp trả. “Em có đơn thuốc “belladonna” thì cũng có khả năng thêm một “Pollyanna” lắm chứ. Với lại, lúc nào em cũng bảo chị nên uống thuốc này, thuốc kia, rõ ràng nãy em còn nói “chữa trị” nữa mà. Chữa trị thì lúc nào mà chẳng liên quan tới thuốc thang.”

“Thật ra, cũng có thể coi Pollyanna là một phương thuốc như thế,” Della cười. “Vả lại, tất cả các bác sĩ ở Nhà an dưỡng đều nói rằng cô bé hữu hiệu hơn bất kì loại thuốc nào họ kê đơn. Chỉ là một cô bé thôi, Ruth ạ, khoảng mười hai hoặc mười ba tuổi, đã từng ở Nhà an dưỡng suốt mùa hè vừa rồi và hầu như hết mùa đông. Em mới chỉ tiếp xúc với cô bé được một, hai tháng, vì em đến chưa được bao lâu thì cô bé rời đi rồi. Mà chừng đó thời gian cũng đủ để em bị cô bé bỏ bùa rồi. Cả Nhà an dưỡng vẫn còn nhắc đến Pollyanna và chơi trò chơi của cô bé.”

“Trò chơi ư!”

“Đúng vậy,” Della gật đầu với nụ cười kì lạ. “Trò chơi vui mừng. Em không thể quên được lần đầu em được nghe giới thiệu về nó. Có một trong những liệu trình trị liệu cho cô bé rất khó chịu, có thể nói là cực kỳ đau đớn ấy. Liệu trình trị liệu đó diễn ra vào sáng thứ Ba hàng tuần, em tiếp nhận việc trị liệu cho cô bé ngay sau khi em đến. Em đã rất hoang mang, bởi vì em có kinh nghiệm trị liệu cho trẻ em từ trước mà, chúng luôn cáu kỉnh và khóc lóc, có khi còn tệ hơn thế nữa ấy chứ. Thế nhưng cô bé này chỉ mỉm cười chào em và nói rằng rất vui vì được gặp em khiến em vô cùng kinh ngạc. Hãy tin em đi, chẳng mấy khi môi cô bé hé ra kêu rên nửa lời mỗi khi trị liệu đâu, mặc dù em biết cô bé đau kinh khủng ấy.”

“Chắc là em đã tỏ ra kinh ngạc quá nên cô bé thành thật nói: “Vâng, em cũng đã từng cảm thấy rất đau đớn và thấy sợ lắm, cho đến một lần em chợt nghĩ chuyện này cũng giống như ngày tổng giặt giũ định kỳ của chị Nancy mà thôi, em có thể trở nên vui vẻ nhất vào thứ Ba, bởi vì suốt cả tuần sẽ không có thêm một ngày nào như vậy nữa cả.”

“Sao kì lạ vậy!” phu nhân Carew hơi cau mày, không hiểu cho lắm. “Nhưng chị chẳng thấy trò chơi nào ở đây cả.”

“Em cũng thế, nhưng lúc sau, cô bé kể với em. Cô bé là con gái của một Đức cha ở miền Tây tội nghiệp. Cô bé mồ côi mẹ và được người của Hội Phụ nữ cưu mang, gửi những chiếc thùng đồ trợ cấp đến cho cô bé. Hồi cô bé còn nhỏ xíu, cô bé từng ao ước có một con búp bê, lúc nào cũng hy vọng trong thùng trợ cấp tiếp theo sẽ có một con búp bê nhưng cuối cùng lại chẳng có gì ngoài đôi nạng nhỏ.

Lúc đó cô bé đã khóc, dĩ nhiên rồi, nhưng sau đó cô bé được cha dạy cho trò chơi tìm kiếm niềm vui trong bất cứ chuyện gì; cha cô bé nói rằng có thể bắt đầu ngay bằng cách mừng vì cô bé không cần đến đôi nạng này. Đó là sự khởi đầu. Pollyanna nói đó là một trò chơi đáng yêu, cô bé đã chơi trò đó suốt từ hồi ấy; càng khó tìm thấy niềm vui thì lại càng thú vị, trừ khi nó khó kinh khủng như cô bé thỉnh thoảng gặp phải.”

“Sao kì lạ vậy!” Phu nhân Carew vẫn chưa hiểu hết.

“Chị sẽ thấy vậy nếu chị có thể thấy kết quả của trò chơi ở Nhà an dưỡng,” Della gật gù; “cả bác sĩ Ames cũng bảo, ông ấy nghe nói cô bé đã làm thay đổi hoàn toàn tinh thần của cả thị trấn quê nhà của cô bé bằng cách đó. Ông ấy có quen với bác sĩ Chilton, chồng của dì Pollyanna. Mà em tin cuộc hôn nhân đó cũng là nhờ công của cô bé. Cô bé đã đả thông những bất đồng giữa đôi tình nhân lớn tuổi này.”

“Khoảng hơn hai năm trước, cha Pollyanna qua đời, cô bé được gửi tới nhà người dì ở miền Đông. Vào tháng Mười, cô bé bị một chiếc ô tô đâm phải, họ nói cô bé sẽ không thể đi lại được nữa. Tháng Tư, bác sĩ Chilton đưa cô bé tới Nhà an dưỡng, cô bé đã ở đó tới tháng Ba năm ngoái – được gần một năm trời. Cô bé trở về nhà, hồi phục gần như hoàn toàn. Chị phải gặp đứa trẻ đó! Chỉ có một điểm mờ duy nhất trong niềm vui của cô bé thôi, đó là cô bé không thể đi bộ cả quãng đường trở về. Theo thông tin chính xác nhất mà em biết, toàn bộ thị trấn cùng với cả ban nhạc đã mang theo biểu ngữ ra đón cô bé cơ đấy.

Với Pollyanna thì chị không thể đoán trước được điều gì. Nhất định phải gặp cô bé một lần, chị ạ. Đó là lý do mà em hy vọng Pollyanna có thể chữa trị cho chị. Đối với chị, đó sẽ là một chuyện vô cùng tốt.”

Phu nhân Carew hơi ngẩng lên.

“Thật là, chị xin từ chối em,” cô lạnh lùng trả lời. “Chị không quan tâm tới việc được ‘thay đổi tinh thần’ và chị cũng chẳng có bất đồng trong tình yêu để cần được đả thông. Nếu có điều gì khiến chị không thể chịu đựng được thì đó là có một Quý cô Đức hạnh nhỏ bé với khuôn mặt dài thuột lúc nào cũng rao giảng rằng chị phải cảm tạ nhân thế. Chị không bao giờ chịu nổi đâu.” Một giọng cười vang lên cắt ngang lời cô.

“Ôi, Ruth ơi là Ruth,” người em gái vui vẻ cười, hơi thở dồn dập. “Quý cô Đức hạnh – Pollyanna sao! Ôi trời ơi, giá như chị có thể gặp cô bé ngay bây giờ! Đáng lẽ em phải biết trước rồi mới phải. Em đã nói là không ai có thể nói gì trước về Pollyanna cả mà. Dĩ nhiên chị sẽ chẳng bao giờ muốn gặp cô bé ấy. Nhưng mà Quý cô Đức hạnh ư!”. Nói xong cô lại cười một tràng lớn. Nhưng gần như ngay lập tức; cô lấy lại vẻ nghiêm túc và lại nhìn chị mình bằng đôi mắt ưu tư.

“Chị yêu quý, thật sự không thể được sao?” cô van nài. “Chị không nhất thiết phải lãng phí cuộc đời mình như vậy. Sao chị không cố thử bước ra ngoài kia và gặp mọi người?”

“Sao chị phải làm như vậy trong khi chị không muốn? Chị chán ghét mọi người. Em biết chị luôn không ưa giao tiếp xã hội mà.”

“Vậy chị có thể thử làm từ thiện?”

Phu nhân Carew tỏ ra thiếu kiên nhẫn.

“Della yêu quý, chúng ta đã từng nói về chuyện này rồi. Chị đã bỏ tiền, rất nhiều tiền, thế là đủ rồi. Thật ra chị cũng không rõ là bao nhiêu nhưng thực sự là rất nhiều. Chị không có niềm tin với những người nghèo khổ.”

“Nhưng chị cần phải để tâm một chút, chị yêu,” cô nhẹ nhàng thử vận may. “Nếu chị có thể thích một thứ gì đó ngoài cuộc sống hiện tại, thì sẽ tốt hơn nhiều; và…”

“Della thân yêu,” người chị gái chen ngang, không thể nhẫn nại được nữa. “Chị rất yêu em, chị rất vui vì em đã đến đây; nhưng chỉ đơn giản là chị không thể chịu đựng bị rao giảng mãi thế này. Em có thể biến mình thành thiên thần cứu rỗi, ban chén nước lạnh và băng bó những cái đầu bị thương. Có lẽ em có thể quên Jamie bằng cách đó; nhưng chị thì không. Nó sẽ chỉ khiến chị càng nghĩ đến thằng bé, tự hỏi liệu nó có được ai cho một chén nước và băng đầu cho hay không. Với lại, chuyện này đối với chị thật ghê tởm – khi đứng cùng với những loại người như thế.”

“Đã bao giờ chị thử chưa?”

“Tại sao phải thử, dĩ nhiên là không rồi!” phu nhân Carew cất giọng phẫn nộ đầy khinh bỉ.

“Vậy nếu chị không thử làm sao chị biết được?” Cô y tá trẻ hỏi; hơi mệt mỏi đứng lên. “Em phải đi rồi. Em đã hẹn các cô ấy ở ga phía Nam. Chuyến tàu của bọn em khởi hành lúc mười hai rưỡi. Em xin lỗi nếu đã khiến chị tức giận,” cô nói và hôn tạm biệt chị gái.

“Chị không giận em, Della,” phu nhân Carew thở dài; “chỉ là giá như em có thể hiểu được!”

Một phút sau Della Wetherby rời khỏi căn nhà u ám tĩnh mịch. Gương mặt, bước đi và cả phong thái của cô hoàn toàn khác so với lúc cô bước lên căn hộ gần nửa tiếng trước. Tất cả sự cẩn trọng, khoan thai, đầy sức sống đều biến mất. Cô bước những bước chân rệu rã qua nửa khu nhà. Rồi cô bỗng ngửa cổ thở dài.

“Ở lại căn nhà này một tuần thôi cũng đủ giết mình rồi,” cô rùng mình. “Mình không tin Pollyanna có thể làm được gì ở cái nơi u ám ảo não này! Cô bé sẽ vui mừng vì không phải ở lại đây.”

Lời nói rằng cô không tin tưởng Pollyanna có khả năng thay đổi bầu không khí tại nhà phu nhân Carew thực chất không phải là ý nghĩ thật sự của Della Wetherby. Tuy nhiên, lời thú nhận đó lại được chứng minh ngay; bởi ngay sau khi đặt chân xuống Nhà an dưỡng và nhận được thông tin, cô y tá lại lên đường quay lại Boston cách đó năm mươi dặm ngay ngày hôm sau.

Tình hình tại nhà chị gái cô vẫn y xì như lần trước cô đến, như thể phu nhân Carew không hề di chuyển tẹo nào từ lúc cô rời khỏi.

“Ruth,” cô hào hứng nói to sau khi đáp lại lời chào tràn đầy sự kinh ngạc của người chị, “Em thấy mình phải tới đây, lần này chị phải nhường em và để em quyết. Nghe này! Chị có thể gặp cô bé Pollyanna ở đây, nếu chị muốn.”

“Nhưng chị không muốn,” phu nhân Carew cố nhẹ nhàng trả lời.

Della Wetherby ra vẻ không nghe thấy. Cô đang say sưa nói một cách thích thú.

“Ngày hôm qua, lúc về, em được biết bác sĩ Ames nhận được thư của bác sĩ Chilton, chồng của dì của Pollyanna mà em đã kể cho chị ấy. Hình như trong thư ông ấy nói ông ấy sẽ đi Đức vào mùa đông này vì một ca bệnh đặc biệt. Ông ấy sẽ đưa vợ mình đi cùng nếu ông ấy có thể thuyết phục vợ rằng Pollyanna hoàn toàn ổn khi ở lại trường nội trú. Nhưng phu nhân Chilton không muốn để cô bé như thế, nên bác sĩ Chilton lo vợ mình sẽ không chịu đi cùng. Đây là cơ hội của chúng ta, Ruth. Em muốn chị đón Pollyanna về đây vào mùa đông này và xin cho cô bé vào học ở một trường quanh đây.”

“Một ý tưởng thật vô lý, Della ạ! Cứ như là chị muốn một đứa bé làm phiền mình lắm ấy!”

“Cô bé không phiền chút nào cả đâu. Cô bé cũng gần mười ba tuổi rồi. Cô bé sẽ là một cô bé cừ khôi nhất chị từng thấy.”

“Chị không thích trẻ con ‘cừ khôi’ gì cả,” phu nhân Carew ngoan cố bắt bẻ nhưng lại bật cười; thế là nhờ nụ cười ấy mà em gái cô bỗng có thêm động lực để cố gắng hơn nữa.

Có thể vì lời đề nghị quá đỗi bất ngờ hay quá mới mẻ, có thể vì câu chuyện về Pollyanna đã chạm đến trái tim Ruth Carew, cũng có thể vì không nỡ từ chối sự nài nỉ tha thiết của em gái; nhưng dù là gì đi nữa, cuối cùng lời đề nghị cũng được chấp nhận. Nửa tiếng sau, Della Wetherby vội vàng rời đi cùng với lời hứa của Ruth Carew sẽ nhận trông nom Pollyanna tại nhà mình.

“Em phải nhớ,” phu nhân Carew cảnh cáo khi cô rời đi. “Hãy nhớ rằng, chỉ cần cô bé thuyết giáo hay bảo chị phải biết ơn gì đó thì ngay lập tức, cô bé sẽ được trả về cho em luôn, em thích làm gì thì làm đấy. Chị sẽ không giữ đứa trẻ đó đâu!”

“Em sẽ nhớ dù em chẳng lo về chuyện đó tí nào cả,” cô gái trẻ gật đầu từ biệt. Cô thì thầm với bản thần khi vội vã rời khỏi ngôi nhà: “Đã hoàn thành một nửa nhiệm vụ. Nửa còn lại là đón Pollyanna đến đây. Cô bé cần phải đến. Mình sẽ viết thư để họ phải đưa cô bé đến mới được!”

Mời các bạn mượn đọc sách Pollyanna – Mặt Trời Đã Lớn Khôn của tác giả Eleanor H. Porter & Hàn Băng Vũ (dịch).

Download

Pollyanna – Mặt Trời Đã Lớn Khôn

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

Giới thiệu Pollyanna – Mặt Trời Đã Lớn Khôn Tweet! Là câu chuyện về cô bé mồ côi Pollyanna phải đến sống cùng người dì khó tính Polly, người nhận…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close