Nếu Còn Có Ngày Mai Ebook Pdf – Epub – Azw3 – Mobi
Giới thiệu
Nếu Còn Có Ngày Mai
Được đông đảo fans trinh thám đánh giá là một trong những tác phẩm cuốn hút nhất của Sidney Sheldon, tiểu thuyết Nếu còn có ngày mai không chỉ lôi cuốn trong cách Sidney tạo dựng cốt truyện gay cấn mà hơn cả là cách ông xây dựng hết sức thành công sự phát triển cá tính, tâm lý của hàng loạt nhân vật.
Lòng tin và sự công bằng vốn có tồn tại trong cuộc đời?
Có thể nói, thế giới trong tiểu thuyết Nếu còn có ngày mai của Sidney Sheldon là một thế giới của lừa lọc. Một thế giới nghiệt ngã bóp nghẹt tâm hồn con người, khiến sự tin tưởng và tình yêu như chẳng còn vị trí tồn tại. Tưởng chừng nơi đấy con người sống với nhau bằng những điều dối trá, vì thế mà lòng tin hoặc sự công bằng bỗng trở thành những thứ xa xỉ, một giấc mơ xa vời hay một thứ ảo vọng của những ai chưa trải qua khắc nghiệt cuộc đời. Một thế giới như thế, một cuộc đời như vậy, thực sẵn sàng để nhấn chìm mọi điều tốt đẹp nguyên bản, ban sơ nhất.
Mà Tracy Whitney chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc số phận đã xoay vần và biến đổi con người ra sao. Tracy Whitney, một cô gái trẻ, tuổi ngoài 20, xinh đẹp, thông minh. Nhưng bởi cuộc sống cô dường như quá êm đềm, tương lai cô đã quá rộng mở với một gia đình hạnh phúc, một tình yêu trọn vẹn, cùng viễn cảnh về một đám cưới sẽ diễn ra trong tương lai nên Tracy ngây thơ, đơn thuần vô cùng trong cách cô đánh giá, nhìn nhận cuộc sống và con người.
Chính vì thế, khi biến cố liên tiếp xảy đến cuộc đời cô gái: Công ty gia đình phá sản, mẹ cô tự vẫn vì bị lừa đảo, Tracy đã đánh giá mọi chuyện hết sức đơn giản cũng như quá đỗi tin vào chính mình cùng “tính thiện” nơi con người. Cô tự đưa bản thân vào hang cọp, cũng không có bất cứ một sự phòng vệ nào trước bất cứ ai tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của cô, đồng thời Tracy còn vô cùng chậm chạp trong việc thích ứng với hoàn cảnh.
Do vậy, không thể phủ nhận một điều, khoảng 100 trang đầu tiên của Nếu còn có ngày mai, tình tiết truyện trôi qua không chỉ chậm mà còn tạo một sự ức chế không nhỏ với độc giả. Ngoài vì Tracy cứ mãi ngây thơ, dẫu đã trưởng thành hơn qua sóng gió thì vẫn mang ám ảnh của một thời ngây dại còn bởi tác giả như gieo vào lòng độc giả một nỗi hồ nghi, về tính thiện của con người, về hai chữ công lý giữa cuộc đời.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dẫu thế nào thì sự phát triển tâm lý của Tracy Whitney vẫn cực kỳ hợp lý và cũng thể hiện bút lực khá cao tay của Sidney Sheldon trong cách ông xây dựng cá tính con người. Vì là người ngoài cuộc nên độc giả dễ dàng dùng lăng kính của người thứ ba để phán xét nhân vật trên trang sách. Song hãy thử đặt bản thân vào vị trí của Tracy và tự hỏi, nếu ở hoàn cảnh như thế, ta có đù bình tĩnh, sáng suốt để suy xét mọi trường hợp không? Việc Tracy cứ mãi thơ dại, bám víu vào hết sợi dây này đến sợi dây cứu mạng khác, hết hi vọng này tới hi vọng kia là tâm lý bình thường của con người khi đi vào bước đường cùng; cho tới lúc, cô gái bé nhỏ đầy kiêu hãnh đủ chín chắn nhận ra, để sinh tồn giữa cuộc đời khắc nghiệt thì không thể dựa vào ai khác, cũng chẳng thể tin tưởng ai hoàn toàn ngoài tin vào chính bản thân mình.
Và trong thế giới của Nếu còn có ngày mai, đâu chỉ Tracy là con người duy nhất sự tin tưởng bị chà đạp. Chính mẹ cô, vì lòng tin đặt sai vị trí mà dẫn đến cái chết bi thương. Hay một kẻ lừa đảo thuần thục như Jeff Stevens mà rồi cũng từng đặt tình yêu vào nhầm người.
Thậm chí sau này, khi Tracy chính thức trưởng thành và trở thành một chuyên gia lừa đảo, thì cái cô đánh vào chính là nhục dục, lòng tham, sự thiếu tin tưởng con người dành cho nhau,… Ngỡ rằng cả thế giới ở Nếu còn có ngày mai, ai cũng là Joe Romano, ai cũng là tên luật sự Perry Pope, ai cũng giống tên bội bạc Charles… Sidney Sheldon như đã bóc trần cách người ta sống với nhau bằng lừa lọc và tồn tại bằng sự dối trá.
Cuộc đời là chuyến phiêu lưu và dạng Robinhood thời hiện đại.
Nếu đủ kiên nhẫn trải qua khoảng 100 trang đầu để thấy được sự trưởng thành của Tracy cả về nhận thức lẫn hành động thì càng về sau, Nếu còn có ngày mai lại càng thêm cuốn hút trong cách Sidney Sheldon tạo dựng lên cuộc đời Tracy như một cuộc phiêu lưu lớn; để ta thực sự nhận ra, cô gái nhỏ đó đã trưởng thành thật rồi.
Đó là cách Tracy phiêu lưu trong nhà ngục để sinh tồn trước những mánh khỏe của những nữ phạm nhân sẵn sàng xâu xé cô khi có cơ hội; cách cô tìm hướng đi cho bản thân để thoát khỏi ngục tù. Đó là cách cô gái ngây thơ ngày nào, trả thù từng kẻ đã hãm hại cô bằng cách cho chúng tự xâu xé lẫn nhau. Và đó là cách Tracy, từ vẫy vùng tìm lối đi để tái hòa nhập cộng đồng khi là một người đã có tiền án đến là một chuyên gia lừa đảo khiến cho cả Interpool cũng phải vào cuộc.
Một Tracy sợ hãi, rụt rè, nhút nhát, yếu đuối đã hoàn toàn được thay thế bằng một cô gái tự tin, thông minh và đầy sáng tạo. Cuộc sống ngày xưa đã thực sự lùi xa, để giờ đây, Tracy chỉ sống trong thực tại, sống với cuộc phiêu lưu đầy kích thích của riêng cô. “Nếu còn có ngày mai”, mong ước từng là của Tracy quá khứ, có lẽ cũng là lời thầm nhủ của cô hiện tại. Nhưng tâm thế của hai con người ấy đã khác nhau. Trước kia, Tracy sống hôm nay mà không biết tới ngày mai bởi cuộc đời cô không do cô quyết định. Nhưng hôm nay, vận mệnh cô là do cô định đoạt, nên nếu còn có ngày mai, cô vẫn sẽ tiếp tục sống và tiếp tục sống với niềm nhiệt huyết của bàn thân.
Nếu coi cả cuốn tiểu thuyết là một màn kịch lừa đảo lớn thì cuộc phiêu lưu của Tracy chính là các lớp, hồi của vở kịch đó. Có trưởng thành, có vấp ngã, có căng thằng, mệt mỏi, nhưng đến cuối cùng, chiến thắng vẫn mìm cười với ai nỗ lực và hiểu rõ quy tắc, luật chơi như Tracy.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là trần thuật lại mánh khóe lừa đảo dựa trên những chuyến phiêu lưu gay cấn nghẹt thở thì Nếu còn có ngày mai đã không cuốn hút độc giả và được đánh giá là tác phẩm thành công nhất của Sidney Sheldon. Mà vượt qua tất cả, Sidney đã tạo dựng thành công hình tượng một Robinhood thời hiện đại, đặc biệt hình tượng đấy lại gắn với một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, tự cường.
Tracy khiến cả Interpol vào cuộc, biến toàn bộ cảnh sát hình sự tại các nước thành trò hề. Nhưng cô có nguyên tắc hoạt động của cô: Chỉ cướp của người giàu, chỉ cướp của những kẻ làm giàu phi pháp, chỉ lấy của những kẻ giàu có coi rẻ nhân phẩm của những người xung quanh… Vì thế mà các phi vụ của Tracy không chỉ kích thích hơn mà còn gây dựng lên trong lòng độc giả một Tracy, như nữ anh hùng dân gian tồn tại thời hiện đại.
Tracy và Jeff, hai con người ở cùng một thế giới, đã từng là đối thủ nhưng chính họ cũng lại là những con người có trái tim thấu hiểu và đồng cảm với nhau hơn bất cứ ai. Trải qua đủ đau thương, nếm trải đủ lọc lừa của xã hội, không ai hiểu sự thối nát của lòng người nhiều hơn hai người đó; cũng không ai hiểu mặt trái của sự giàu sang, bóng tối trong trái tim con người hơn hai người họ; đồng thời cũng chẳng ai rõ, kẻ giàu đã làm giàu trên xương máu người nghèo như thế nào hơn chàng trai, cô gái ấy. Vì thế chăng, xét về lý, hành động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cả hai là hành động đáng bị lên án, đáng phải nhận hình phạt thích đáng của tòa án thế giới. Song xét về tình, thì hành động ấy lại cũng là chính nghĩa: một dạng chính nghĩa dân gian nhằm trừng phạt những kẻ mà hệ thống luật pháp, kẽ hở pháp luật đã chẳng thể trừng trị được.
Cho nên, để nhận định rạch ròi hình tượng như những Robinhood thời hiện đại của Tracy hay Jeff là đúng hay sai, là bất nhân hay chính đạo thì có lẽ, thật khó để phân định rạch ròi. Chỉ biết rằng, hai con người đó đã sống trọn từng phút, từng giây của thì hiện tại với cùng suy nghĩ “nếu còn có ngày mai”.
Nếu còn có ngày mai – Tiểu thuyết cuốn hút nhưng ngập tràn lỗ hổng.
Không thể phủ nhận với Nếu còn có ngày mai, Sidney Sheldon đã thực sự cao tay trong việc khắc họa lên một Tracy Whitney dần dần trưởng thành qua từng giai đoạn hay tái hiện từng bước tiến nhỏ trong mối quan hệ giữa Tracy với Jeff. Khác hoàn toàn với nhiều tiểu thuyết khác của ông: nhân vật có thể yêu nhau ở đoạn văn thứ nhất, tới đoạn văn thứ ba cả hai đã làm đám cưới? Vì thế chuyện tình giữa Tracy với Jeff dễ tạo cho độc giả sự đồng điệu cũng như thấy rằng đó là một câu chuyện tình yêu chân thật.
Cũng không thể phủ nhận, Nếu còn có ngày mai là một tác phẩm hấp dẫn trong cách Sidney Sheldon xây dựng cốt truyện, tạo dựng thắt mở tình tiết đầy gay cấn. Sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại trong câu chuyện của từng cá nhân hay mỗi phi vụ nhân vật lại có một cách thức khác nhau để đạt được mục đích cuối cùng; tất cả tạo lên sự phức hợp nhằm duy trì độ căng cho toàn bộ cuốn sách.
Tuy nhiên, dẫu là sáng tác được đông đảo độc giả yêu thích thì Nếu còn có ngày mai vẫn là một tác phẩm với ngập tràn lỗ hổng. Cách Tracy được trả tự do quá dễ dàng, cách cô quá đỗi thuận lợi trong việc trả thù mà những kẻ thù của cô lại có thể dễ dàng mắc bẫy không mảy may nghi ngờ một bên thứ ba nhúng tay, cách cô biến toàn bộ hệ thống cảnh sát thành trò hề hay thành những kẻ lố bịch kiêu căng ngu ngốc… Toàn bộ yếu tố đó, nếu độc giả đủ sáng suốt, tình táo để không bị cuốn theo mạch truyện do Sidney Sheldon dẫn dắt thì đều không khó để nhận thấy.
Nhưng dù thế nào, Nếu còn có ngày mai vẫn là một cuốn sách mang đậm chất Sidney Sheldon trong cách kể, cách tả, đặc biệt là cách ông tạo dựng cấu trúc cốt truyện như những miếng ghép hình lộn xộn rồi tới cuối cùng, tất cả đều quy về một mối để tạo lên bức tranh tổng thể hoàn chỉnh. Chẳng vậy mà United Press International đã nhận định về Nếu còn có ngày mai cùng tracy Whitney: “Một nhân vật hấp dẫn nhất và một cốt truyện giàu trí tưởng tượng nhất.”
Nếu tóm gọn một câu nói về tác phẩm này, thì tôi nghĩ tôi sẽ chọn từ “Lôi cuốn”. Những câu chuyện của nữ nhân vật chính – Tracy trong tác phẩm khiến tôi không thể rời mắt. Hơn 1000 trang sách, thoạt đầu tiên tôi thấy hơi nản vì quá dài, đã có lúc đọc mờ cả mắt vậy mà tôi vẫn muốn đọc tiếp.
Ở bài review lần này, tôi chỉ muốn nói về cảm xúc của mình đối với tác phẩm. Bạn muốn biết cụ thể diễn biến như thế nào, hãy tự mình trải nghiệm nhé. Có một sự thật là bắt đầu đọc những chương đầu tiên, tôi cảm giác tác phẩm không dành cho tôi. Nó có quá nhiều éo le, quá nhiều bi kịch trong xã hội mà đối với cuộc sống của một con người bình thường như tôi thì không thể nào tưởng tượng ra được. Xã hội mà Tracy trải qua được sắp đặt theo ý thích của một người, người đó chính là kẻ đổi trắng thay đen, đã gây ra cái chết cho mẹ cô. Cũng chính con người đó, đã khiến cô phải vào tù với mức án mười lăm năm tù giam về tội ăn cắp và mưu sát. Tuy câu truyện này không còn xa lạ gì trên màn ảnh, nhưng cách miêu tả của tác giả khiến tôi cảm thấy nó chân thực và đầy nghiệt ngã. Tôi nhớ đến câu nói mà người anh giới thiệu sách đã nói với tôi: Nghe tên những cuốn sách tôi thích biết chắc rằng tôi trẻ hơn anh rất nhiều. Tôi đoán bởi vì những cuốn sách tôi đọc hầu như đều có nội dung nhẹ nhàng, vui vẻ. Tôi tự hỏi có phải tôi quá non nớt trước những nghịch lý của cuộc đời? Có phải còn có những góc khác của xã hội mà tôi chưa bao giờ biết tới? Tôi theo con chữ, vừa sợ hãi, vừa tò mò khám phá. Phải nói rằng, bằng ngần tuổi này, cũng đã đọc qua rất nhiều truyện ngôn tình, nhưng chưa tác phẩm nào tôi cảm thấy ngượng ngùng và ái ngại trước những cảnh miêu tả về sự quyến rũ của cơ thể. Có lúc tôi không muốn tiếp tục đọc nữa. Nhưng tôi lại nghĩ, một người con trai giới thiệu với tôi về tác phẩm này, chắc hẳn nó không quá thô tục. Và hơn nữa, bản tính hiếu thắng trong tôi không muốn bỏ giở giữa chừng khi đã nhận lời sẽ đọc cuốn sách.
Cảnh nhà tù nữ là một trong những cảnh ám ảnh tôi nhất trong toàn bộ câu truyện. Tôi có thể vừa đọc vừa tưởng tượng ra cảnh tượng tăm tối đấy. Tôi cảm thấy như mình đang đứng sau những trận ẩu đả của bọn tù nhân, chứng kiến những cuộc làm tình phi giới tính, những tiếng kêu thét trong đêm tối… Tất cả đều chân thực. Tác giả đã không giấu giếm mà phơi bày toàn bộ một mặt trái của xã hội. Chưa bao giờ tôi được biết đến cuộc sống mà để dành được địa vị trong thế giới không có đàn ông, những con sói cái đầu đàn phải mang trong mình trọng trách của một con đực, hành xử như những con đực thực thụ. Bọn quản tù cũng chẳng có gì tốt đẹp: đánh đập tù nhân, nhận hối lộ, bảo kê, ban đêm lẻn vào phòng giam làm tình với nữ tù. Một xã hội mà đâu đâu cũng bắt gặp người ta chửi thề đĩ loãn, chó đẻ, chó cái… Tôi thấy sợ hãi cái xã hội ấy. Như tôi đã nói, những cảnh này không thiếu trong các tác phẩm khác, hoặc trong phim ảnh. Nhưng chắc hẳn nó chưa đủ sâu sắc và chân thực như những gì tác giả miêu tả. Nó khiến tôi bị ám ảnh và không muốn đọc tiếp nữa. Càng tột cùng hơn khi Tracy được phóng thích ra ngoài, cái bản án từng ăn cắp và ám sát luôn khiến cô bị xua đuổi. Dù cô chỉ muốn làm một người bình thường, với công việc hết sức bình thường, nhưng tất cả đều là không thể. Xã hội ghẻ lạnh cô, người ta không tin tưởng một người có tiền án mười lăm năm tù như cô, đáng buồn hơn đó không phải là lỗi do cô gây ra. Không một lời văn nào của tôi đủ để tôi bày tỏ lòng mến mộ thành công của việc miêu tả đoạn văn đó. Tôi sẽ cảm ơn tác giả rất nhiều nếu như ông cho kết thúc câu truyện ở đấy. Ông để cho nhân vật của tôi dù chịu nhiều tủi hờn nhưng vẫn thanh thanh cao cao sống tiếp với đời. Khi đọc đoạn miêu tả nội tâm Tracy khi đứng trước vụ trộm đầu tiên, tôi đã thầm cầu mong Sidney Sheldon đừng để nhân vật của tôi trở thành một kẻ trộm, trở nên thay đổi trước đồng tiền. À không, phải là rất nhiều tiền. Tracy đã hy vọng trộm xong vụ đầu tiên ấy, cô sẽ được sống một cuộc sống thanh bình và lương thiện. Nhưng đời đâu dễ dàng như thế. Tôi trở nên ghét cô gái của tôi. Và lại có ý định dừng đọc tác phẩm. Tôi chỉ muốn giữ lại hình ảnh đẹp của một Tracy thông minh, kiên cường, phải chịu nhiều uất ức. Một Tracy dù bị cả xã hội quay lưng nhưng vẫn thanh cao và nghị lực sống tiếp. Nhưng cô ấy đã bị cám dỗ và trở thành một tên siêu trộm. Và chính diễn biến tâm lý ấy khiến tôi nghĩ đến thế giới thực. Con người có thể giữ được đạo đức của mình trước đồng tiền, nhưng rất nhiều tiền thì sao? Đứng trước rất nhiều tiền, liệu rằng người ta có bỏ qua cái nguyên tắc sống mà bấy lâu nay người ta “không bao giờ” vi phạm hay không? Nếu đặt bản thân mình vào tình huống đó, tôi cũng sợ bản thân không đủ bản lĩnh chiến thắng cám dỗ. Ý của tôi ở đây là rất nhiều tiền ( nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng mình có thể có). Và vậy là tôi lại tiếp tục cuộc hành trình chứng kiến việc trở thành một siêu trộm đẳng cấp của Tracy.
Tracy là một người phụ nữ không những xinh đẹp mà còn rất thông minh. Tuy nhiên, điều đó lại khiến tôi thấy đám cảnh sát quốc tế trở nên vô dụng và khờ khạo. Có một số vụ trộm, tôi đoán trước được cách thức mà Tracy vận dụng. Ví dụ như vụ chơi cờ với hai kỳ thủ, vụ đánh lừa tiền giả, và vụ trộm kim cương cuối cùng. Mặc dù vậy, tôi vẫn hồi hộp theo dõi diễn biến của từng câu chuyện. Quả thật là những kế hoạch hết sức táo bạo và thông minh, khiến cho người đọc cảm thấy bất ngờ và đầy phấn kích. Tracy không còn là một cô gái yếu ớt, mỏng manh như trước nữa. Tâm lý của tôi cũng không còn sợ hãi tác phẩm như xưa. Có một điều vớt vát cảm xúc của tôi, những vụ trộm xảy ra đều nhằm vào những kẻ giàu có, hống hách. Vụ trộm không khiến cuộc sống của ai trở nên khổ sở hay rơi vào vực thẳm. Và dường như, cô luôn muốn đặt mình vào trong những hoàn cảnh thử thách cao, càng khó khăn cô càng kích động. Tracy luôn muốn vượt quá giới hạn của bản thân. Tôi thích tính cách ấy. Mỗi một vụ trộm, Tracy lại biến hóa khôn lường, hóa thân thành những nhân vật khác nhau, khi là một nữ tước kiêu sa, khi thì trở thành một góa phụ trẻ, một phụ nữ mang bầu có chồng làm nghề đào vàng ở Châu Phi… Tôi biết việc này có thể xảy ra, nhưng tôi cảm thấy không thỏa mãn với ngờ vực của mình đối với cảnh sát quốc tế. Vì sao họ có thể khờ khạo đến vậy? Vì sao họ có trong tay tất cả hình ảnh của những nhân vật Tracy hóa thân vào mà vẫn có thể kết luận đó là một băng đảng gồm nhiều phụ nữ? Nực cười thật! Giọng nói có thể giả, khuôn mặt có thể trát những lớp phấn dày cộp, nhưng làn da, dáng người thì không thể nào mà thay đổi được.
Bỏ qua những tiểu tiết nhỏ nhặt có thể làm hỏng mạch cảm xúc của tác phẩm. Tôi vẫn cảm thấy “Nếu còn có ngày mai” là một tiểu thuyết đáng để đọc trong đời. Và theo cảm nhận của tôi, tác phẩm phản ánh chính xác xã hội, nội tâm của con người. Một Tracy thông minh, giàu có vẫn không thể nào ngừng mơ ước về một bờ vai nương tựa. Đó là ước mơ của tất cả mọi cô gái. Cô khát khao được yêu thương, được sống như một người phụ nữ bình thường. Có nhiều người tiếc nuối với kết thúc mở của câu truyện. Riêng tôi, tôi cảm thấy may mắn. Tôi không muốn nhân vật của mình phải chịu thêm một thử thách nào nữa. Tôi không muốn Tracy vừa mới tìm được tình yêu, niềm tin vào cuộc sống lại phải đối mặt với nguy hiểm. Tôi không muốn cô ấy phải nghĩ đến cảnh nhà tù rùng rợn một lần nào nữa. Nếu có thể, hãy để cô ấy sống cuộc sống bình yên, tôn trọng luật pháp và bên người mà cô ấy thương yêu. Hãy để họ trở lại là những công dân chân chính. Mặc dù việc họ trộm cũng chỉ để thử thách bản thân và quyên góp cho những hoàn cảnh éo le, tôi vẫn không muốn có thêm bất kỳ nỗi đau nào nữa.
Đánh giá điểm 8/10
Mời các bạn đón đọc Nếu Còn Có Ngày Mai của tác giả Sidney Sheldon.
Download
Nếu Còn Có Ngày Mai
Giới thiệu Nếu Còn Có Ngày Mai Tweet! Được đông đảo fans trinh thám đánh giá là một trong những tác phẩm cuốn hút nhất của Sidney Sheldon, tiểu thuyết…