Khủng Bố
Giới thiệu
Khủng Bố
Ferdinand von Schirach (1964) là nhà văn và luật sư người Đức được coi là “ngôi sao nổi tiếng thế giới của văn chương Đức”. Bắt đầu viết truyện ngắn khi 45 tuổi, ông nhanh chóng trở thành tác giả bán chạy ở Đức. Tác phẩm của ông đã được dịch ra 40 thứ tiếng trên thế giới và bán được hàng triệu bản.
Vở kịch Khủng bố được diễn lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2015 ở Deutsches Theater ở Berlin và Schauspiel Frankfurt. Nó đã được dàn dựng khắp nơi trên thế giới: Áo, Đan Mạch, Hungary, Nhật Bản, Ba Lan, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Venezula, Trung Quốc, Hy Lạp, Israel, Ý, Hà Lan, Slovenia, Thụy Điển, Séc.
***
Mới đây Viện Goethe Hà Nội và XplusX Studio đã trình diễn lại vở kịch Terror (tạm dịch: Khủng bố) của nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Ferdinand von Schirach. Sau phần trình diễn, buổi luận đàm về thế lưỡng nan giữa cảm xúc và pháp luật, giữa cảm tính và lí tính cũng được tổ chức, với những ý kiến đóng góp thú vị.
TỪ VỞ KỊCH ĐẶT RA VẤN ĐỀ TỘI LỖI
Theo đó, Khủng bố của Ferdinand von Schirach là một vở kịch kể về một phiên tòa xét xử thiếu tá Lars Koch, người đã bắn hạ chiếc máy bay chở 164 người bị không tặc kiểm soát, đang lao vào sân vận động chứa 70.000 người. Với hành động bắn hạ máy bay, giết hại toàn bộ hành khách và phi hành đoàn; để cứu 70.000 người, cuối cùng anh đã bị truy tố tại phiên tòa, giữa hai song đề là có tội và vô tội. Vở kịch đã đưa ra câu hỏi, liệu hành động đó có thể được chấp nhận trong bối cảnh hay cảnh huống nào đặc biệt không? Và dù cứu được 70.000 người nhưng hành động của Lars Koch có vi phạm pháp luật, khi hiến pháp Đức đã quy định rõ, mạng sống của con người là không thể xâm phạm?
Vở kịch hay sự phán xét cũng sẽ đưa chúng ta đến cuộc thảo luận về đạo đức, danh dự, mạng sống cũng như nhận thức về tội ác. Khác với nguyên tác, vở kịch đã được dựng lại trong cách xóa bỏ các ranh giới vai diễn, mà một người nhận nhiều vai diễn, và nhiều vai diễn được đảm nhận bởi cùng một người… để cho thấy rằng, dù văn chương hay là thực tế có chặt chẽ đến đâu, thì cũng tồn tại những kẽ hở. Và dù là luật sư, thẩm phán hay bồi thẩm đoàn… tất cả rồi sẽ chỉ còn là những biểu tượng.
Khán giả có thể tham gia bỏ phiếu “Có tội” hay “Vô tội” cho ông Lars Koch, để trả lời rằng liệu ta sẽ bị dẫn dắt theo cảm tính hay phán xét theo lí tính? Đối với khán giả Việt Nam, kết quả cho thấy 41% người bình chọn “Có tội” cho Lars Koch và 59% còn lại “Vô tội”.
Trong một vở kịch truyền hình có phần bầu chọn tương tự đã từng diễn ra ở 3 nước Đức, Thụy Sĩ và Áo; trong số 600.000 khán giả truyền hình Đức ở Đức đã có 86,9% bỏ phiếu ủng hộ việc tha bổng và trùng hợp thay, con số này cũng tương tự ở Áo. Trong khi ở Thụy Sĩ 84% khán giả tham gia bỏ phiếu đã chọn trắng án, trong khi lần lượt 13,1% và 16% cho rằng anh ta có tội. Kết quả tuy được công bố sau những trao đổi, thế nhưng câu hỏi về thế lưỡng nan kia vẫn còn mãi và khó để có một câu trả lời thật chính xác cho thế lưỡng nan của việc phải lựa chọn.
Tuy thế, nó cũng khẳng định vị thế là nhà văn, nhà viết kịch nổi bật nhất của Ferdinand von Schirach khi đã lặn sâu vào những vấn đề khó lí giải để làm rõ lựa chọn của con người. Hồi đầu năm nay, tuyển tập truyện ngắn của ông mang tên Tội lỗi cũng đã được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam.
Là một luật sư viết văn, thế nhưng khác với Bernhard Schlink đầy lãng mạn với các cuộc tình, văn chương của Ferdinand von Schirach chậm rãi, từ tốn và cũng có sức công phá lớn trong việc phơi bày tội ác.
Tội lỗi bao gồm 15 truyện ngắn, từ rất ngắn cho đến vừa phải, xoay quanh những cảnh huống mà một luật sư hình sự có thể gặp phải. Tuy không nói rằng đây bắt nguồn từ các trải nghiệm cá nhân (mà bằng chứng là tên của Schirach xuất hiện trong truyện ngắn cuối, Bí mật), thế nhưng có thể thấy rằng góc nhìn nhất quán trong ngôi kể tựu lại của người kể chuyện là chính nhà văn.
HỒI MỘT
Chủ tọa bước ra trước tấm màn sân khấu khép kín. Ông mặc một bộ vét sẫm màu, áo sơ mi trắng và đeo cà vạt trắng. Chiếc áo choàng thụng được vắt qua tay. Ông nói trực tiếp xuống khán giả.
CHỦ TỌA
Chào quý vị. Tôi rất vui vì quý vị đã có thể đến đúng giờ. Đúng là ở đây thật khó tìm chỗ đậu xe và tòa nhà này được xây dựng hơi ngóc ngách… Nhưng thật tuyệt là quý vị đã có mặt đúng giờ. Trước khi bắt đầu, tôi yêu cầu quý vị hãy quên tất cả những điều quý vị đã nghe hay đọc về vụ án này. Quả thật, phải quên tất cả. Chính quý vị được mời tới đây để xét xử, quý vị là những hội thẩm viên, là bồi thẩm đoàn sẽ phán xét bị cáo Lars Koch hôm nay. Luật pháp cho quý vị quyền được quyết định số phận của một con người. Quý vị hãy thực hiện trách nhiệm này một cách nghiêm túc. Quý vị sẽ chỉ xét đoán dựa trên những gì quý vị nghe thấy trong phiên xét xử này. Dân luật gia chúng tôi gọi đó là “bằng chứng thu được từ trong chính phiên tòa”. Nghĩa là: Chỉ những gì mà bị cáo, nhân chứng, đồng nguyên đơn và giám định viên trình bày tại phiên tòa này, chỉ những bằng chứng mà chúng ta xác minh, thu thập ở đây mới là cơ sở cho phán quyết của quý vị. Vào cuối phiên xử, quý vị sẽ phải bỏ phiếu và tôi sẽ tuyên bố phán quyết của quý vị.
Trong phiên xử, chúng ta sẽ diễn lại hành vi phạm pháp, và tòa án là sân khấu. Tất nhiên, chúng ta không trình diễn một vở kịch, bởi vì chúng ta đâu phải là diễn viên. Chúng ta diễn lại hành vi trên đây bằng ngôn ngữ, đây là cách để chúng ta nắm bắt sự kiện. Điều này từ lâu đã được sử dụng một cách hiệu quả. Nhiều trăm năm trước, các thẩm phán đã gặp nhau tại một địa điểm đặc biệt, được coi là linh thiêng và gọi là “Thing”1. Thời đó, phán quyết tòa án có nghĩa là tạo lại sự ổn định cho một tình trạng bất ổn. Khi một tai họa xảy ra – chẳng hạn như cuộc tấn công của một bộ tộc lạ –, thì tại địa điểm này những câu hỏi sau luôn được đặt ra: Trong cuộc tấn công, người phụ nữ nào đã bị cưỡng hiếp? Những căn lều nào đã bị đốt cháy? Những người đàn ông nào đã bị giết? Tổ tiên của chúng ta biết rằng, làm như thế sự kinh hoàng của cái ác có thể sẽ mất đi. Liệu ngày nay chúng ta còn có thể thành công với cách này không? – Tôi không chắc. Nhưng chúng ta phải thử. Với thẩm phán thì không có khái niệm thiện ác. Phán quyết của thẩm phán không phải là chuyện luận phạt xuống địa ngục hay nguyền rủa đời đời, mà là tha bổng, án tù hay câu lưu.
Vì vậy, quý vị hãy cân nhắc khi phán xét. Và đặc biệt hãy nhớ cho: ngồi trước mặt quý vị là một con người; người này cũng có những ước mơ, những nhu cầu, cũng nỗ lực để có được hạnh phúc, như quý vị. Thế nên, quý vị hãy giữ lấy tính người khi phán xét.
Giờ thì tôi rất muốn có thể bắt đầu, nhưng chúng ta vẫn phải đợi luật sư bào chữa – ông ấy đến muộn.
Từ phía sau, viên cảnh sát tư pháp bước tới bên chủ tọa, nói nhỏ với ông điều gì đó. Chủ tọa gật đầu. Cảnh sát tư pháp rời sân khấu.
CHỦ TỌA
Tôi vừa được biết, luật sư bào chữa đã tới. Vậy thì, chúng ta hãy bắt đầu thôi.
Chủ tọa rời sân khấu, khoác tấm áo choàng thụng vào người trong khi bước đi.
Mời các bạn đón đọc Khủng Bố của tác giả Ferdinand von Schirach & Nguyễn Xuân Hằng (dịch).
Download
Khủng Bố
FULL:
|
Giới thiệu Khủng Bố Tweet! Ferdinand von Schirach (1964) là nhà văn và luật sư người Đức được coi là “ngôi sao nổi tiếng thế giới của…