Kỳ Nghỉ Của Mỗi Người
Giới thiệu
Kỳ Nghỉ Của Mỗi Người
ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI
Sau Ngôi nhà mặt trời (2008), Đường còn dài, còn dài (2009), Những chuyển điệu (2010), Kỳ nghỉ của mỗi người chính là những câu chuyện Nguyễn Thiên Ngân muốn kể ở tuổi 21 của mình: những chuyến đi, những gặp gỡ, những kỷ niệm, cảm xúc… Ở đó, “tuổi trẻ lạ lùng như những cơn sóng, dẫu mặt đại dương bao la vậy, nhưng chúng luôn tìm thấy một nơi để bắt đầu” (Bản luân vũ cuối cùng).
Sách còn có thêm những tranh minh họa của họa sĩ Thu Hằng với chia sẻ: “Tôi không mất nhiều thời gian cho việc minh họa quyển sách này vì chính những câu chuyện trong ấy đã tự họa nên những bức tranh đẹp nhất, sắc sảo và tinh tế nhất về cuộc sống và tình yêu thương”.
Các tác phẩm đã xuất bản:
– Những phố dài ướt mưa (2005)
– Hai chiếc xe khóa chặt vào nhau (2006)
– Cặp vòng mây (2007)
– Ngôi nhà mặt trời (2008)
– Đường còn dài, còn dài (2009)
– Những chuyển điệu (2010)
– Kỳ nghỉ của mỗi người (2011)
– Mình phải sống như mùa hè năm ấy (2012)
– Ngày hoa hướng dương (2013)
– Lạ lùng sao, đớn đau này (2013)
– Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời (2015)
– Có người sực tỉnh cơn mơ (2018)
Sau khi đọc xong “Đường còn dài, còn dài” của Nguyễn Thiên Ngân, mỗi lần đi nhà sách, tôi hay dừng lại thật lâu trước kệ sách văn học Việt Nam, háo hức tìm kiếm một tác phẩm mới của cô gái sinh năm 1988 này. Và tôi bắt gặp “Kỳ nghỉ của mỗi người” trong một ngày mùa đông đẹp trời. 18 truyện ngắn được tôi đọc gọn trong một buổi chiều. Đọc đi rồi muốn đọc lại, bởi văn chương đẹp quá, giàu sức gợi quá, nhiều cảm xúc quá. Nguyễn Thiên Ngân dường như đi một con đường của riêng mình, một con đường còn dài, còn dài, và tách biệt hẳn với lối đi nhiều dễ dãi của những tác giả trẻ đương đại trong nền văn học Việt.
18 câu chuyện viết về những chủ đề hoàn toàn khác nhau. Người đọc có thể bắt gặp đâu đó những ký ức trong trẻo của tuổi thơ, những khúc ca đẹp về tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, hoặc giản đơn hơn, chỉ là những dòng cảm xúc bất chợt, những câu chuyện lượm lặt đâu đó trong những chuyến đi của một cô gái năm cô 21 tuổi.
Chuyện về một chàng trai làm diễn viên nhào lộn trong gánh xiếc (Bản luân vũ cuối cùng); chuyện về hai người yêu nhau cân nhắc việc “góp gạo thổi cơm chung” (Chung sống); chuyện về những bi kịch tình yêu lặp đi lặp lại (Phía núi bên kia); chuyện về những cuộc gặp mặt ngẫu nhiên nhưng mang lại một ý nghĩa nhất định trong cuộc đời (Kỳ nghỉ của mỗi người); hay chuyện về gia đình và những mối gắn kết sâu sắc thường ẩn đi đâu đó trong cuộc sống đời thường (Ăn tết một mình)…
Đọc Nguyễn Thiên Ngân, tôi hay có cảm giác của một khách bộ hành dạo chơi trên con phố lạ, thi thoảng bắt gặp một khúc nhạc vang lên từ ô cửa sổ nhà ai, đẹp lạ, lắng nghe, và say sưa, và yêu, và nhớ… Khúc nhạc ấy có thể không có đầu, không có cuối, chỉ là một đoạn giữa chơ vơ, nhưng là cái đoạn hay nhất, đẹp nhất, nghe một lần là không thể nào quên.
Nét hấp dẫn nhất trong lối viết của Nguyễn Thiên Ngân chính là cảm xúc. Thứ cảm xúc trong trẻo và tinh khôi như một bông hoa dại bừng nở trên lối đi trong một sớm mai nhiều nắng ấm. Không phải là hoa hồng lộng lẫy kiêu kỳ, cũng chẳng phải hoa lan thanh tao quý phái, chỉ là một bông hoa dại thôi, loài hoa đem đến cho người ta sự tươi mới, nhẹ nhàng, và rất đỗi bình an. Ngân viết về niềm vui, nỗi buồn, về hạnh phúc hay đớn đau thì cũng chỉ nhẹ như một làn gió thoảng. Nói vậy không có nghĩa là đánh đồng với thứ văn chương hời hợt, nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt, lớt phớt bên lề cuộc đời.
Văn của Ngân thuần cảm xúc, và đẹp. Như một bức tranh, một bài thơ, một điệu ballad đầy sâu lắng. Tôi đã yêu biết bao cái cách cô kết thúc câu chuyện về một cuộc tình tay ba, khi cô gái trong vai “người tình” chứng kiến sự ra đi của người đàn ông mình yêu – một người đàn ông đã có vợ: “Tôi quay vào nhà, bước chậm chạp lên những bục cầu thang gỗ, gỡ tấm ảnh trên tường cho vào hộc tủ khóa lại cùng với chiếc gạt tàn pha lê sạch bong. Mọi việc diễn ra thật chính xác và bình thản. Rồi tôi lên giường nằm yên chờ giấc ngủ đến. Sẽ còn rất nhiều lần nữa trong đời người ta phải chờ đợi, như chờ giấc ngủ đến, chờ đến lượt mình rút tiền ở một trạm thẻ ATM bên đường, chờ một bông hoa nở, hay chỉ đơn giản là chờ một lần yêu qua đi…” (Rồi sẽ qua đi).
Và tôi yêu hình ảnh người nữ tu xinh đẹp ngồi trên căn gác gỗ đàn say sưa trong ánh chiều tà, khi không gian tràn ngập mùi gió trời, mùi ẩm mốc của đống bản nhạc thấm mưa, mùi trầm hương sót lại từ thánh lễ nào (Đi trên những mái nhà); tôi yêu cả khúc hoan ca của chú chim sẻ bạc bên ô cửa sổ (Con sẻ bạc); yêu nụ cười của thiếu nữ tóc hạt dẻ tung bay trong ánh nắng, mũ len màu rượu chát, áo gió sột soạt, như một con nhân mã xinh đẹp giữa cao nguyên Mông Cổ (Ở cái hồ nơi tận cùng biên giới); yêu cả tiệm bánh nhỏ xinh xắn giữa thành phố nghìn hoa, nơi vĩnh viễn ở lại cùng những giấc mơ tuổi 20 của đôi bạn trẻ (Gặp lại)… Những hình ảnh nên thơ như thế có thể gặp ở bất cứ câu chuyện nào của Nguyễn Thiên Ngân, nhẹ nhàng ghi dấu trong lòng người đọc.
Và văn chương, đối với riêng tôi, là chỉ cần nhen lên những niềm vui nhỏ bé giản đơn như thế…
Bản luân vũ cuối cùng
Mùa hè, tôi xin vào làm việc bán thời gian trong khu vui chơi trẻ em của một siêu thị lớn. Ông bố bà mẹ nào không muốn lê những đứa con ba bốn tuổi nhõng nhẽo đi khắp khu shopping mall rộng lớn chỉ cần mua thẻ rồi gửi con vào đây. Và trong khi chúng mải mê với những nhà banh, bút chì màu, truyện tranh, thú nhún hay những trò ghép hình sặc sỡ thì họ tha hồ đi mua sắm.
Minh họa: Đinh Tiến Luyện
Tôi khâm phục những cô dạy mẫu giáo. Bọn trẻ con có một nguồn năng lượng vô biên để nhảy nhót và la hét không ngừng. Dù chỉ mới gặp nhau nhân dịp “ba mẹ chúng mình cùng đi siêu thị” nhưng chúng nhanh chóng kết bè và nghịch hết biết. Điển hình là những vụ như đứa này gí đầu đứa kia xuống đáy nhà banh, hoặc xô ngã nhau ở quầy thú nhún.
Tôi phụ trách khu sách truyện nên thành phần trẻ con tiếp xúc có phần đỡ hiếu động hơn. Nhưng bọn con nít hay đọc sách thường hỏi nhiều, còn bọn hay vẽ thường nói nhiều. Có ngày bọn trẻ quần tôi mệt rã rời với những câu hỏi và những bài thuyết trình về tranh vẽ của chúng nên khi nhác thấy bóng ba mẹ chúng, tôi mừng như bắt được vàng.
Thỉnh thoảng tôi thất vọng về mình trong chuyện này và phải thừa nhận sự thật dù rất trân trọng sự suy tư và sáng tạo, nhưng tôi ít lòng kiên nhẫn. Tôi làm việc vì cần tiền cho chuyến du lịch dài vào mùa hè sau, khi tôi ra trường. Tôi đâu có mê trẻ con. Tôi tử tế với chúng chỉ vì ý thức rõ mình được trả tiền để làm như thế. Một lý do nữa nhắc tôi phải luôn tỏ ra đáng mến, vì tôi cũng từng là một đứa trẻ con. Bọn trẻ con rất dễ tổn thương trong mối quan hệ với người lớn. Hồi nhỏ, tôi bị nhiều vụ tổn thương kiểu vậy nên tôi hiểu rõ.
– Tại sao hoàng tử Hạnh Phúc và chim én đều phải chết?
– Để họ được đến với Chúa trời.
– Đến với Chúa thì vui lắm à?
– Vui chứ sao không?!
– Tức là sống ở trần gian thì buồn?
– Buồn chết đi được ấy chứ!
Con bé mắt kính chống cằm nhìn tôi, mặt xìu xịu, có vẻ không thích câu trả lời của tôi. Thôi chết cha, hình như tôi làm nó thất vọng. Kệ, ráng chịu, ai bảo còn bé mà đã bày đặt hỏi đời buồn hay vui.
– Ai lại nói với trẻ con như vậy? Sau lưng tôi thình lình có tiếng cười và rồi một giọng con trai cất lên.
Tôi quay lại. Một anh chàng cao ráo mặc áo thun xám, cổ đeo máy chụp hình đang đứng đằng sau hàng rào thấp sặc sỡ ngăn khu vui chơi với đường đi. Không phải bố đứa bé, chỉ là một người khách đi ngang qua. Anh ta làm tôi hết hồn.
Chàng trai nán lại đợi đến lúc tôi tan ca. Anh ta mời tôi đi uống cà phê ở quán dưới tầng một.
Anh ta tên H., lớn hơn tôi hai tuổi và làm một nghề lạ: diễn viên nhào lộn. Ít ra tôi chưa bao giờ nói chuyện với một diễn viên nhào lộn. H. khởi nghiệp từ một gánh Sơn Đông mãi võ và bây giờ đang là diễn viên có biên chế của đoàn xiếc thành phố. Thú vui của H. là chụp ảnh. Anh ta đưa máy cho tôi xem những tấm ảnh chụp tôi và mấy đứa bé đang cùng đọc sách. Nhiều góc độ rất đẹp. Nói thẳng ra là chụp tôi rất đẹp.
– Ngay lúc nhìn thấy cô đi loay hoay giữa đám trẻ là đã muốn làm quen với cô rồi.
– Thích hình mẫu một em gái hiền lành, nghiêm và buồn, yêu trẻ đúng không? Bị lừa rồi!.
Hai chúng tôi phá lên cười.
Chúng tôi trở thành bạn, một kiểu bạn bè không có tiềm năng tiến triển thành tình yêu. Vì sao thì tôi không rõ, chỉ biết chắc người này thật thú vị để kết bạn và đáng để tin tưởng đấy, nhưng yêu là chuyện không thể nào. Cảm giác ban đầu đôi khi chính xác chằn chặn mà không cần phải viện dẫn nhiều lý do. Lý do là thứ râu ria sẽ đến sau này, khi người ta trải qua quá nhiều chuyện.
H. thích trò chuyện, đôi khi lém lỉnh nhưng không láu cá. Có tuần anh đến ba bốn lần, đợi tôi tan ca rủ đi uống cà phê tán dóc. Khi nào đến sớm, anh say sưa chụp ảnh bọn trẻ con đùa chơi. Cũng có tuần tôi chờ mà không thấy, vì H. phải đi biểu diễn ở đâu đó. Mấy người làm cùng hay “tám” về tôi và anh chàng “cao ngút trời, mặt men-li, bo-đì đẹp như người mẫu”. Tôi nhằn H.:
– Người gì mà gây chú ý quá!
Anh cười:
– Tại tập võ từ nhỏ thành ra nó vậy chứ có muốn đẹp đâu mà! Đẹp cũng phiền lắm chứ!.
Tôi hay đòi đi xem H. biểu diễn nhưng anh thường lờ đi. Có khi anh nghiêm túc nói:
– Tôi không muốn Chi nhìn thấy mình như một diễn viên xiếc. Tôi thích được ở cạnh Chi như một người bạn, giống bây giờ!”.
– Cứ làm như sau khi tôi xem anh diễn xong sẽ thành người hâm mộ cuồng của anh, không dám nhìn thẳng vào mắt hay tiến đến ngồi cạnh anh ấy!
– Không, nhưng tin tôi đi, Chi sẽ cư xử khác với tôi. Hay ít ra là không như bây giờ nữa.
Tôi nghĩ mình đem lại cho H. bầu không gian khác lạ, có lẽ vì đó mà anh yêu thích mối quan hệ này. Đôi lúc tôi tự hỏi đâu là anh thật sự, H. trong mắt tôi hay là một H. khác người mà tôi từng biết. Anh ít kể chuyện trong đoàn, chuyện tập luyện hay những mối quan hệ. Duy chỉ có một người hay gọi cho H. trong những lần ngồi cà phê với nhau đến mức làm tôi phải chú ý. Tôi hỏi, anh chỉ trả lời đó là người cộng sự hay diễn chung các tiết mục. Đó có lẽ là mối quan hệ duy nhất của H. mà tôi từng nghe nhắc tới.
ccc
Một ngày nọ, trong quán cà phê quen thuộc ở tầng một khu thương xá, H. đưa tôi vé đi xem chương trình biểu diễn xiếc. Đang có một liên hoan xiếc quốc tế trong thành phố. H. có một tiết mục được tham dự.
– Sao anh lại đổi ý?
– Vì đó là lần cuối cùng tôi đứng trên sân khấu! – H. nói.
Buổi biểu diễn đông nghẹt người. Tôi ngồi lọt thỏm ở hàng ghế thứ năm ngay đối diện sân khấu, xung quanh là những người nước ngoài cao lớn. Nhiều tiết mục trôi qua. Lửa, dây, vò sứ và những con người khổ luyện xuất hiện trên sân khấu nhưng ngoài những chi tiết đại khái như thế, trong óc tôi không đọng lại thêm gì. Tôi hồi hộp chờ đến tiết mục của H., một nỗi hồi hộp vô cớ.
Rồi cũng đến. Đó là tiết mục “Bản luân vũ trên đôi tay”. Hai chàng trai mặc quần áo bó sát bước ra, khoe những đường nét rắn chắc trên cơ thể, trông đẹp như những pho tượng thần Hi Lạp. Một người là H. Những múi cơ cuộn trên cánh tay anh thật đẹp, tôi thầm ghi nhận và tự ngượng ngùng với chính mình. Bạn diễn của H. có khuôn mặt rất lạ, hàng mi cong rợp và đôi môi đỏ như con gái. Một vẻ đẹp yếu đuối. Nhưng nhìn cậu ta không dưng tôi rợn người. Mắt cậu lạnh buồn như lửa địa ngục dù môi đang hé mở nụ cười. H. vẫn nét cười rắn rỏi tôi đã quen thuộc. Mắt anh nhìn thẳng.
Nhạc trải nhẹ nhàng, hai chàng trai bắt đầu những bước khởi động đầu tiên. Những ngón tay cuống quýt nắm hờ. Những cơ bắp chạm vào nhau, lướt trên nhau đầy nhục cảm. Không dưng tôi có một dự cảm khác lạ. Nhạc dồn dập dần. H. đứng như một trụ gỗ bách vững chãi, hai cánh tay dang rộng, còn bạn diễn như thân dây leo mềm mại khéo léo trườn lượn trên cơ thể anh. Giữa họ vẫn là những động tác đỡ nâng hòa hợp uyển chuyển như âm dương quyện gắn đầy nhục cảm. Có đôi lúc lồng ngực, đôi môi họ tưởng chừng trượt qua nhau nhưng rồi không giữ lại được, cứ lướt băng đi như lưỡi bào trượt trên mảnh ván, mang theo những đợt sóng cuồn cuộn đầy tiếc nuối. Ánh mắt người bạn diễn của anh trở nên thiết tha nhưng vẫn buồn kinh khủng. Cậu ta bắt đầu thực hiện những động tác đẹp như khiêu vũ trên đôi cánh tay lực lưỡng dang rộng của H… Nét mặt H. đanh lại tập trung cao độ, còn chàng trai kia uốn lượn trong nụ cười lơ mơ buồn thảm. Thi thoảng H. thét lên để chuyển trọng tâm qua chân kia, cánh tay kia. Tiếng thét đanh cứng khó khăn thoát ra từ vòm họng, khuôn mặt anh tuôn tràn mồ hôi.
Không dưng tôi thấy nước mắt chảy nóng bỏng trên má mình, chẳng phải vì ghen tuông vô lý. Tôi biết mình đang xem một bản luân vũ quá buồn, sự chia tay rồi sẽ đặt kết thúc cho tất cả. Cảm giác như khi xem Brokeback Mountain, xem Bá Vương Biệt Cơ, đẹp và buồn y như vậy.
Tiết mục dần về hồi kết. Tiếng nhạc hấp hối dộng vào lồng ngực. Một cảnh tượng tuyệt đẹp diễn ra: chàng trai kia tung người lộn mấy vòng uyển chuyển trên không trung như một dải lụa, rồi buông người rơi tự do. H. nhoài người ra đón lấy cơ thể cậu ta trên cánh tay mình, khuôn mặt đầy biểu cảm như đang đón lấy một cánh chim rơi giữa đường bay, rồi cả hai đều nhẹ nhàng đổ gục xuống sân khấu như hạ màn bản luân vũ. Khán giả đứng lên hoan hô vang dậy. Nhưng hai chàng trai vừa biểu diễn đều không thấy đứng lên chào. Một phút sau, đội cấp cứu hối hả mang cáng vào. H. nằm trên chiếc cáng trắng lướt ngang, bất động. Tôi ngồi lún vào chiếc ghế, lặng lẽ khóc vì nỗi buồn tình cờ vỡ tung trong lồng ngực.
ccc
Tôi đến thăm H. ở bệnh viện. Anh nằm một mình trong phòng có ô cửa nhìn ra tàng me xanh nõn, bả vai phải bó bột. H. cười:
– Thấy chưa, ông trời cũng muốn ngày hôm qua sẽ là lần cuối tôi đứng trên sân khấu. Tôi sẽ không bao giờ làm xiếc được nữa.
Tôi mím môi đặt túi cam lên đầu giường H., muốn khóc không vì gì cả. Tự dưng H. kể chuyện về mình dù tôi nói để sau này cũng không muộn.
Anh mồ côi từ hồi nhỏ. Sáu tuổi, lúc đang lang thang bán vé số, H. được sư phụ thu nhận vào đoàn. K., bạn diễn đêm qua, là con trai của sư phụ. Họ lớn lên cùng nhau, tập luyện cùng nhau, là bạn diễn sát cánh bên nhau trong những tiết mục nhào lộn, rồi cùng được gọi vào đoàn xiếc thành phố. K. dành cho anh một tình cảm vượt trên mức bè bạn, còn anh không rõ lòng mình lắm.
Gần đây, sau khi đạt đến những thành công nhất định trong nghề, H. muốn bỏ sân khấu. K. không đồng ý. Cậu ta buông mình rơi tự do trong những thao tác cuối của tiết mục đêm qua như một lời phản kháng. Nếu không có cánh tay của H., K. sẽ cắm đầu thẳng xuống nền. Rốt cuộc, cậu ấy chỉ bị ngất một chút vì choáng.
– Sắp tới anh gần như sẽ phải bắt đầu lại toàn bộ cuộc sống, đúng không? – Tôi hỏi.
– Ừ, tôi có dành dụm được ít tiền.
Chúng tôi chuyện trò một lát về những ngày sắp tới của H… Chỗ ở, việc ôn thi vào đại học… tất cả đều cần một kế hoạch nghiêm túc và sự thu xếp ổn thỏa. Rồi H. nói anh cần ngủ một lát. Tôi bảo H. cứ ngủ đi, khi về tôi sẽ khép cửa phòng.
H. cười rồi nhắm mắt lại. Anh nói trong cơn ngủ đang đến.
– Chưa bao giờ tôi thấy háo hức sống như bây giờ, Chi à!
Tôi ngồi yên nhìn H. hồi lâu, rồi tỉ mẩn dùng con dao nhỏ gọt vỏ cam xếp chúng thành những đóa hoa hồng thơm nồng đặt lên bả vai đang bó bột của H. Gió thổi qua tàng me rì rào như tiếng biển.
Tuổi trẻ lạ lùng như những con sóng, dẫu mặt đại dương bao la vậy nhưng chúng luôn tìm thấy được một nơi để bắt đầu.
Mời các bạn đón đọc Kỳ Nghỉ Của Mỗi Người của tác giả Nguyễn Thiên Ngân.
Download
Kỳ Nghỉ Của Mỗi Người
ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI
FULL: |
Giới thiệu Kỳ Nghỉ Của Mỗi Người ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI Tweet! Sau Ngôi nhà mặt trời (2008), Đường còn dài, còn dài (2009), Những chuyển điệu (2010), Kỳ nghỉ của mỗi người chính là những câu chuyện Nguyễn…