Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma

Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma


FULL:


PDF

[toc]


Giới thiệu

Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


Isabel Allende Llona (sinh ngày 2-8-1942) là một nhà văn Chile với tư cách công dân Mỹ. Allende có các tác phẩm đôi khi chứa đựng các khía cạnh của truyền thống “ma thuật hiện thực”, nổi tiếng với tiểu thuyết như “Ngôi nhà của các linh hồn” (La casa de los espíritu – 2002) đã thành công về mặt thương mại. Allende được mệnh danh là “tác gia sáng tác bằng tiếng Tây Ban Nha được đọc rộng rãi nhất”. Năm 2010, bà nhận được Giải thưởng văn học quốc gia Chile. Năm 2004, Allende được ghi tên vào Viện Hàn lâm nghệ thuật và văn học Hoa Kỳ. Tiểu thuyết của Allende đôi khi dựa vào kinh nghiệm của riêng cá nhân mình và thường tỏ lòng kính trọng đối với cuộc sống của phụ nữ, trong khi thêu dệt cùng các yếu tố của thần thoại và hiện thực. Bà thuyết giảng và đi lưu diễn tại nhiều trường đại học, cao đẳng Hoa Kỳ để giảng dạy văn học. Allende nhận tư cách công dân Hoa Kỳ vào năm 2003 và sống ở California với chồng từ năm 1989. Bà là người gốc xứ Basque, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đây là cuốn sách hay, nhưng rất ít người biết vì nó không được giới thiệu rộng rãi. Cuốn sách được đánh giá ngang với “Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez. (Trích từ “Hội những người thích Tiểu thuyết kinh điển” trên mạng xã hội)

***
Đây là tiểu thuyết dang dở duy nhất trong bộ ba tác phẩm hiện thực huyền ảo có tác động sâu sắc đến tôi, với hai tác phẩm còn lại là Thế kỷ ánh sáng và Trăm năm cô đơn. Gọi là dang dở, bởi lẽ khi tôi còn trẻ, ở nhà tôi chỉ có tập một trong bộ hai tập, thiếu mất tập hai. Hơn mười năm sau, tôi mới có đủ điều kiện để đặt mua một bản dịch bằng tiếng anh, và kết thúc việc đọc tác phẩm này. Có lẽ cái dang dở thì bao giờ cũng đẹp hơn thực tế, tôi có phần nào thất vọng với phần hai không giống như tôi tưởng tượng, nhưng nhìn lại một cách tổng thể, đây vẫn là một tác phẩm lớn, đặc biệt và tinh tế theo một kiểu mà chỉ có một người phụ nữ mới viết ra được.Cái gì trong tiểu thuyết này đã làm cho tôi của thời niên thiếu thích đến như thế ? Hồi đó tôi còn đơn giản, còn xao động bởi những câu đơn, chưa hiểu rằng một câu văn câu nói đứng riêng, dù hay đến đâu cũng không có giá trị nhiều, nghệ thuật không nằm nơi đầu lưỡi. Nhìn lại, tôi có thể hơi ngượng ngùng mà thừa nhận rằng đoạn độc thoại của Alba trích ở phần giới thiệu chính là thứ đã ảnh hưởng đến tôi, cho tôi cái quyết tâm sắt đá vào đúng khi tôi đang rất cần những lời cổ vũ, động viên, cũng khiến tôi ngày một hàm ơn điều tuyệt vời mang tên văn học :

 

“…ngày mà ông ngoại tôi vật ngửa bà hắn, Pantra Garcia, giữa những bụi lau bên bờ sông, ngày đó đã vẽ thêm một mắt xích những sự việc thế tất phải được hoàn thành. Sau đó đứa cháu của người phụ nữ bị hiếp lại lặp lại hành động đó với đứa cháu gái của kẻ hiếp dâm, và trong khoảng bốn mươi năm sau, có thể cháu trai của tôi sẽ vật cháu gái của hắn giữa những bụi lau sậy ven sông, và cứ thế, cho tới những thế kỷ sắp tới, trong một lịch sử vô tận những đau thương, đổ máu và tình yêu. Trong chuồng chó, tôi đã có ý định sắp đặt một trò chơi nhức đầu mà trong đó mỗi bộ phận đều được lắp vào đúng chỗ của nó…

tôi sẽ rất khó trả thù cho tất cả những người cần được trả thù, vì sự trả thù của tôi sẽ lại chỉ là một phần của vẫn cái nghi thức từ xưa, không thay đổi. Tôi muốn nghĩ đến công việc của tôi là sống và sứ mệnh của tôi không phải là kéo dài mãi mối căm thù, mà chỉ là công việc viết đầy những trang sách này trong khi chờ đợi Miguel trở về, trong khi chôn cất cho ông tôi, người hiện đang nằm nghỉ bên tôi, trong căn phòng này, trong khi tôi chờ đợi những thời kỳ tốt đẹp nhất định sẽ đến và thai nghén cho đứa nhỏ mà tôi mang trong bụng, đứa con của biết bao cuộc hãm hiếp, hoặc có thể là con của Miguel, nhưng trước hết, nó là con tôi.”

Câu nói ở trên chứa đựng một điều mà rất ít người hiểu được : cần nhiều lòng dũng cảm, nghị lực và lòng nhẫn nại để vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống, còn cần rất nhiều hơn thế để gạt đi quá khứ và bắt đầu lại mọi sự từ đầu, nhưng khi anh muốn chặn đứng cái vòng quay nghiệt ngã và tàn ác mà số phận đã cài lên người anh, chặn đứng dòng thác những nhơ nhuốc và xấu xa vẫn cuốn anh đi không ngừng, làm ô uế tâm hồn anh, như thế vẫn là chưa đủ. Nếu muốn dừng cái vòng quay đó, nếu muốn gìn giữ lấy tâm hồn mình nguyên vẹn và xa rời cái tất yếu của lòng hận thù, sự hèn nhát, sự giả dối không tránh khỏi, hy vọng duy nhất mà anh có thể nắm lấy, là hãy nuôi dưỡng tình yêu trong trái tim mình. Rất lâu sau này tôi mới hiểu rằng để làm được điều đó, người ta có thể phải hi sinh tất cả phần còn lại.

Tôi vẫn thường nghĩ đến thời điểm mà Allende đặt bút viết những dòng cuối này của cuốn tiểu thuyết của bà, cũng như khi Gorki đọc lên những câu nói tuyệt vời đầy ánh sáng về văn học trong một buổi hội nghị ở Nga, hay lúc những câu chữ từ ngòi bút của Aimatov thấm lên trang giấy, những thời điểm tưởng như rời rạc và xa lạ ấy đều có kết nối với tôi, thay đổi tâm hồn tôi, một đứa trẻ cô độc sinh ra nhiều năm sau đó trên một vùng đất gần như tận cùng thế giới, thay đổi cuộc đời tôi. Khi đó tôi cảm nhận được rõ rệt và sâu sắc sự vĩ đại của môn nghệ thuật mang tên văn học và có lẽ từ lúc ấy, cuộc sống của tôi đã gắn liền với nó.

Năm tháng trôi đi, tôi bây giờ đã là người của tuổi ba mươi. Có thể nói, ngoài việc gìn giữ trái tim mình, tôi không đạt được gì nhiều. Cuộc sống vẫn tiếp tục, vật chất đầy đủ hơn, nước trôi về nơi thấp hơn, xung quanh tôi, con người tha hóa. Tôi của tuổi ba mươi không còn xúc động chỉ vì một câu nói nữa, dù câu nói đó có là của Isabel Allende. Lần đọc này điều làm tôi thích thú là những nhân vật nữ trong truyện, vốn được lấy cảm hứng từ chính những người trong gia đình của Allende. Dù khác nhau, bọn họ có một điểm chung : giống như Remedios của Garcia Marquez, muốn chinh phục được họ, không có cách nào khác ngoài việc cho họ thấy tình yêu trong trái tim anh. Và tình yêu ấy phải trong sạch, giản dị, chân thành. Chỉ có cách ấy thôi, họ không thể bị mua chuộc hoặc chinh phục bởi bất kỳ điều gì khác. Đây là một điểm mà nói chung những cô gái tầm thường không bao giờ hiểu, thậm chí thấy xa lạ, khó tiếp cận : tình yêu chân chính luôn luôn gắn liền với một cảm nhận sâu sắc về lẽ phải, nó có sức mạnh khiến những kẻ yêu nhau nhận thức được điều đúng sai một cách thật tự nhiên như bản năng. Từ Rosa người đẹp, Clara người tiên tri cho đến những cô gái bình thường hơn như Blanca, Amanda, Alba, tất cả những người phụ nữ trong tác phẩm này đều nổi bật lên vì chiều sâu tâm hồn của họ và không phải sắc đẹp của họ mà chính là cái chất nữ tính nguyên thủy và tinh tế đã khiến họ đều có sức thu hút khủng khiếp với đàn ông.

Trong truyện, mối tình được khắc họa chi tiết nhất là giữa Esteban Trueba và Clara. Esteban là một mẫu đàn ông phấn đấu cho sự nghiệp, khởi đầu với chỉ một cái tên quý tộc và một gia đình sa sút nghèo hèn, anh làm việc như súc vật để đổi đời, để có tiền lấy được vị hôn thê là Rosa người đẹp. Đáng tiếc cô tiên tóc xanh này không phải là người của cõi trần, cô sớm ra đi để lại anh thanh niên cay đắng và điên giận số phận. Anh bộc lộ hết phần xấu xa của con người mình : làm việc như điên, bóc lột nông nô, hiếp dâm thôn nữ, sống như một kẻ man rợ. Clara là người mang anh trở lại với sự cân bằng, cô lấy hôn phu của người chị đã mất. Mỏng manh, lơ đãng, vui tươi và thần bí, Clara luôn là một cái gì đó mà Esteban không bao giờ nắm bắt được, quyền hành của anh không bao giờ áp đặt nổi cá tính của cô, những cơn giận dữ thô bạo của anh không bao giờ có tác dụng với cô, sự dâm đãng của anh không làm cô sợ hãi, quà tặng xa xỉ của anh không làm cô vui sướng, sự ngoại tình của anh không làm cô ghen tức. Từ khi lấy cô cho đến tận khi anh chết, rất lâu sau khi cô qua đời, Esteban luôn yêu cô đến mức mất cả lý trí. Tôi thực sự vui thích khi đọc những dòng Allende miêu tả cảm giác của Esteban về vợ, những suy nghĩ bực tức mà trìu mến, bất lực trong sự say mê của một kẻ vốn thô lỗ, chuyên quyền, không biết diễn đạt cảm xúc của mình, không hiểu rằng muốn được vợ yêu, chỉ có duy nhất một cách đấy là anh phải trở thành người tốt và không chỉ tốt với cô :

“Căn bệnh kéo dài đã làm sứt mẻ cơ thể tôi và tính nết tôi càng trở nên tồi tệ…

Đến cả Clara, người chưa bao giờ sợ hãi cơn cáu bẳn tồi tệ của tôi, một phần vì tôi cũng hết sức giữ gìn để không nổi giận với em, cuối cùng cũng đi đến sợ hãi. Nhìn em sợ hãi mình, tôi càng thấy trong người căng thẳng. Dần dà Clara tới chỗ có nhiều thay đổi. Em có dáng mỏi mệt và tôi thấy em như xa cách mình. Em đã không còn cảm tình với tôi, những cơn đau của tôi không còn khiến em thương hại mà lại làm em khó chịu, và tôi nhận thấy em như muốn tránh mặt tôi…

Clara càng xa cách, tôi lại thấy sự cần thiết về tình yêu của em càng lớn. Nỗi thèm muốn mà tôi có khi cưới em đã không giảm bớt, tôi vẫn muốn được em hoàn toàn, đến tận những ý nghĩ sâu thẳm nhất của em, nhưng người phụ nữ trong vắt như không khí kia đi qua bên tôi như một hơi thở, và dù cho tôi có nắm giữ em bằng đôi bàn tay và ôm hôn em một cách tàn nhẫn, tôi vẫn không thể cầm giữ được em. Tinh thần em không ở cùng tôi …

Chúng tôi chỉ gặp nhau trong giờ ăn, và lúc đó tôi là người vừa nói vừa nghe hết cuộc chuyện trò, vì em dường như bay trên những tầng mây lơ lửng. Em trở nên rất ít nói và để mất đâu nụ cười tươi mát và mạnh bạo, cái vẻ mà tôi thích thú nhất trong người em. Bây giờ em đã thôi không còn ngả đầu ra đằng sau mà há miệng cười ha hả. Hầu như không cả mỉm cười…

…có lẽ tôi chẳng phải là một anh chồng tế nhị, lúc nào cũng biết tặng hoa và nói những chuyện có duyên, hay đẹp. Nhưng tôi cố gần em. Sao lại định nhỉ, lạy chúa ! Tôi đột nhập vào buồng em khi em đang say mê viết những cuốn vở ghi chép cuộc đời hoặc đang ngồi bên chiếc bàn gọi hồn. Tôi định cố chia sẻ cùng em cả những trò đó nữa, nhưng em không thích người khác xem những điều em ghi chép, và sự có mặt của tôi cắt đứt hứng thú của em khi đang chuyện trò với những hồn ma, cho nên tôi phải từ bỏ ý đồ…

Có thể chúng tôi cũng có những sự hiểu lầm bởi nhiều lý do khác. Trên thực tế, rất ít khi chúng tôi đồng ý với nhau về một sự việc gì. Không phải tính nóng nẩy cáu bẳn của tôi là cái tội gây ra tất cả những cuộc tranh cãi và bất đồng ý kiến đó, vì tôi là một người chồng tốt, không còn chút nào bóng dáng của anh chàng điên cuồng khi chưa vợ xưa kia. Và em, em là người phụ nữ duy nhất của tôi. Cho đến bây giờ vẫn thế.

Một hôm Clara cho đặt một khóa ngang trong cửa phòng em và không để cho tôi vào nằm cùng giường, ngoài những trường hợp tôi thúc ép ghê quá, dọa rằng nếu từ chối có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn… việc đó kéo dài nhiều tuần lễ, tôi liền quyết định phải nói với em. Bình tĩnh em giải thích cho biết quan hệ vợ chồng giữa chúng tôi đã bị tổn thương, và vì vậy sự sẵn sàng đón nhận những yêu đương nhục thể trong em đã mất. Em diễn giải một cách tự nhiên rằng nếu đã chẳng còn gì để nói với nhau, thì cũng không có lý do gì nằm cùng một giường, và tỏ vẻ ngạc nhiên thấy suốt ngày tôi giận dữ với em, mà đến đêm lại muốn được em vuốt ve âu yếm. Tôi cố sức nói cho em rõ về phương diện đó đàn ông và đàn bà có đôi chút khác nhau, và tôi yêu quý em dù cho tôi có nhiều tai quái, nhưng tất cả đều vô ích…

Điều lạ lùng là vấn đề tình dục của tôi, theo năm tháng trôi qua, trở nên có chọn lọc hơn, nhưng hầu như vẫn bừng bừng dễ cháy như thể trong thời trai tráng. Tôi thích ngắm nhìn phụ nữ, đến bây giờ vẫn như vậy. Nó như một khoái cảm thẩm mỹ, tinh thần. Nhưng chỉ riêng Clara bao giờ cũng khơi dậy trong tôi một thèm muốn cụ thể, tức khắc, bởi trong cuộc chung sống lâu dài, chúng tôi đã hiểu biết rõ về nhau, và người nọ bằng ngón tay của mình đã thông thuộc cái địa lý chính xác của người kia. Em biết đâu là những điểm nhạy cảm nhất của tôi, và có thể nói cho tôi biết đúng điều tôi cần nghe. Vào độ tuổi mà số đông nam giới đã chán vợ mình và cần thiết có sự kích thích của những người phụ nữ lạ để có thể tìm thấy tia lửa thèm muốn, tôi vẫn tin chắc chắn rằng chỉ có cùng Clara tôi mới có thể thực sự yêu đương, như thể trong thời kỳ trăng mật, không biết mệt. Nên tôi không hề có ý định đi tìm những người đàn bà khác.

Tôi bắt đầu bao vây em khi bóng đêm đổ xuống. Về buổi chiều khi em ngồi viết, tôi giả vờ thưởng thức píp thuốc, nhưng thực tế tôi liếc mắt dò xét trộm. Nhẩm tính rằng em sắp sửa rút về phòng, vì thấy em đã bắt đầu lau ngòi bút và gấp những quyển vở lại, tôi liền đi trước ngay. Tôi khập khiễng bước vào phòng tắm, lau rửa, mặt một áo khoác trong nhà bằng nhung tơ mà tôi đã mua nhằm quyến rũ em, nhưng hình như em chưa bao giờ chú ý đến sự tồn tại của nó ; tôi dán tai vào cánh cửa và chờ em. Khi tôi thấy tiếng em bước trên hành lang, liền chạy ra ôm liền. Tôi đã thử đủ mọi cách, từ trút đầy người em những lời khen ngợi và tặng phẩm, cho đến dọa nạt sẽ tống ra khỏi cửa và dần cho một trận ba-toong dừ người, nhưng chẳng cách nào có thể lấp nổi vực thẳm ngăn cách giữa hai chúng tôi… Clara lảng tránh tôi bằng vẻ lơ đãng mà tôi rất ghét. Tôi không thể hiểu được cái gì đã làm cho em có sức hấp dẫn tôi đến thế. Em là một phụ nữ đã có tuổi, không đỏm dáng chút nào, khi bước đi hơi lê đôi chân, và đã không còn tính vui vẻ vô cớ nó làm cho em rất duyên dáng trong thời kỳ thanh niên. Clara cũng chẳng có vẻ quyến rũ hoặc dịu dàng âu yếm với tôi. Chắc chắn em không hề yêu tôi. Thật chẳng có lý do gì làm cho tôi phải thèm muốn em đến độ không mực thước và thô bạo nó đẩy tôi tới chỗ thất vọng và lố lăng như vậy. Thế nhưng tôi vẫn chẳng tránh được điều đó. Dáng đi đứng nhỏ nhẹ của em, mùi sạch sẽ của quần áo và xà phòng của em, ánh sáng của đôi mắt em, cái duyên dáng của chiếc gáy gầy nhỏ có những mớ tóc loăn xoăn bướng bỉnh rối tung của em, tất cả những thứ đó trong em tôi đều thấy thích. Sự mảnh dẻ của em gây cho tôi một cảm giác dịu hiền không chịu nổi, lại muốn che chở bênh vực em, ôm ấp làm cho em cười vang như những ngày xưa, lại cùng ngủ bên nhau, đầu em gục trên vai tôi, đôi chân thật nhỏ và ấm của em co dưới đôi chân tôi, tay em đặt trên ngực tôi, ôi thật dễ thương và quý giá. Đôi lần tôi có ý định trừng phạt em bằng lối giả vờ hờ hững, nhưng chỉ sau một vài ngày là tôi chịu thua ngay, vì em có vẻ yên tâm và sung sướng nhiều hơn trong thời gian tôi tỏ vẻ quên em. Tôi đục một lỗ thủng trên tường buồng tắm để nhìn trộm em, nhưng việc đó lại đẩy tôi vào một tình trạng nôn nao xáo động gớm ghê nên tôi lại phải bịt nó lại bằng vôi vữa…”

Thật sự là chỉ có một người phụ nữ nhạy cảm và thông minh mới viết ra được những dòng này, thứ văn dịu dàng và tình cảm làm tôi cười nhiều lần khi gõ lại như thế này không thể là của một người đàn ông. Cũng không thể là của một cô bé như kiểu Banana Yoshimoto. Tôi nghĩ, giá mà Allende cứ tiếp tục viết như thế này thì sẽ hay biết mấy, một câu chuyện thuần chất phi chính trị, đi sâu vào đời sống và tâm hồn con người Chile nói riêng và Mỹ latin nói chung… Cuộc chiến giữa hai phe cực tả và cực hữu, giữa quân phiệt và cộng sản, những cuộc tàn sát ở phần hai đã làm câu chuyện có tính thời cuộc hơn, và bớt tính phi thời gian hơn. Nhiều năm trôi qua, sự khác biệt này giữa Ngôi nhà của những hồn ma và Trăm năm cô đơn đã lộ rõ. Isabel Allende không bằng được Garcia Marquez, nhưng tôi thấy bà cũng đã quá thành công.

 

Mời các bạn đón đọc Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma của tác giả Isabel Allende.

Download

Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma

ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI


FULL:


PDF

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

FULL: PDF [toc] Giới thiệu Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma ebook PDF-EPUB-AWZ3-PRC-MOBI Tweet! Isabel Allende Llona (sinh ngày 2-8-1942) là một nhà văn Chile với tư cách công dân…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close