Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Giới thiệu ebook
Nguyễn Khuyến là người của hai thế-hệ 1. Ông là người trẻ nhất của thế-hệ 1862, thế-hệ những người đã trưởng-thành khi Pháp xâm-lăng Việt-Nam, và người già nhất của thế-hệ 1884, thế-hệ những người khi lớn lên, khi trưởng-thành thì hòa-ước 1884 đã ra đời, cuộc xâm-lăng đã hoàn-tất.
Nghiên-cứu ảnh-hưởng của thời-đại trong trường-hợp Nguyễn Khuyến, người ta không những phải đề-cập tới những yếu-tố liên-hệ với thế hệ 1862 mà cả những yếu-tố liên-hệ với thế-hệ 1884.
1) Yếu tố thời-đại có liên-lạc với thế-hệ 1862
Ảnh-hưởng của những yếu-tố xã hội, kinh-tế và văn hóa bị lu mờ trước ảnh hưởng của yếu-tố lịch-sử : cuộc xâm lăng của Pháp báo hiệu tự những tiếng đại-bác nổ vào Đà-Nẵng năm 1848, đã thực-sự bắt đầu năm 1858 để rồi tiếp-diễn như một vết dầu loang trên toàn quốc – 1862, 1874, 1883 2 – và chỉ chấm dứt với sự ký-kết hòa-ước cuối cùng – hòa-ước Patenôtre, 1884 – công-nhận nền bảo-hộ của Pháp trên toàn-thể lãnh-thổ Việt-Nam.
Trước sức tấn-công vũ-bão của quân-đội Pháp, sĩ-phu Việt-Nam – đẳng-cấp trí-thức, đẳng-cấp có trách-nhiệm – bắt đầu phân-tán. Có thái độ quyết-chiến, có thái độ đầu hàng, có thái độ hòa-hoãn. Phản-ảnh sang địa-hạt văn-chương, những thái-độ đó sẽ trở thành những khuynh-hướng :
a) Khuynh-hướng kháng-chiến : Trong khuynh-hướng này, người ta ghi tên Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa. Bởi căn-bản tư-tưởng tiềm-tàng trong văn-chương của những tác-giả này vẫn đề cao nghĩa trung-quân ái-quốc, để lên án những người cộng-tác với Pháp, nên khuynh-hướng này còn có thể mệnh-danh là khuynh-hướng đạo-lý.
b) Khuynh-hướng đầu hàng : Người tiêu-biểu là Tôn Thọ Tường.
c) Khuynh-hướng hòa-hoãn : Hoặc chủ hòa với Pháp để lợi dụng sự giúp đó của Pháp, hoặc chủ trương tạm hòa để cải cách nội bộ gây lực-lượng. Ở trong khuynh-hướng này người ta có thể xếp những Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ.
2) Những yếu-tố thời-đại có liên-lạc với thế-hệ (1884)
Thế-hệ 1884 là một thế-hệ giao-thời 3 ra đời trong cơn quốc-nạn lớn lên trước sự đã rồi : nước mất, nhà tan.
Ngày 13 tháng 5 năm Giáp-Thân (6-6-1884), hòa-ước Patenôtre ra đời, đánh dấu bước chót của cuộc xâm lăng. Từ đó đến khoảng năm 1913, Pháp đi vào giai-đoạn tổ-chức nền bảo-hộ trên toàn quốc Việt-Nam, thực-hiện cả một chính-sách, hầu đạt mục-đích của mình về mọi mặt thông-thương, thực-dân, đầu-tư cũng như nguyên-liệu. Chính-sách đó, có tính-cách toàn-diện bao gồm mọi phương-diện chính-trị, kinh-tế, văn-hóa, giáo-dục. Sự thực-hiện chính-sách đó đã làm thay đổi rõ rệt cơ-cấu xã-hội Việt-Nam và tất-nhiên ảnh-hưởng mạnh-mẽ vào tâm-não thế-hệ 1884.
Dưới đây, chúng ta hãy kiểm-điểm lại những điểm quan-trọng trong chính-sách của Pháp, những điểm có liên-lạc với thế-hệ 1884, thế-hệ mà Nguyễn Khuyến đã trở thành một bậc đàn anh :
a) Chính-trị :
– Một mặt, Pháp nhằm việc tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Hàm Nghi bị bắt vào năm 1888. Năm 1896, Phan Đình Phùng tạ thế. Hoàng Hoa Thám bị hại vào năm 1913. Phong trào Cần Vương tan rã.
– Một mặt khác, Pháp can-thiệp vào việc lựa chọn vua, buộc những vị này ký những đạo-dụ để sửa đổi hòa-ước Patenôtre, hầu nắm trọn quyền trực-trị trong tay. 4
– Đồng thời, Pháp phải tổ chức nền trực-trị này thiết-lập một guồng máy hành-chính và chuyên môn mới để thay-thế cho guồng máy cũ.
b) Kinh-tế :
Vì mục-đích của cuộc xâm-lăng có tính-cách kinh-tế, nên về phương-diện này, chính-sách của Pháp được bố-trí và thực-hiện kỹ-lưỡng và tích-cực.
Nông-nghiệp được khai-thác theo đại quy-mô vụ vào việc sản-xuất và cung-cấp nguyên-liệu cho Pháp (đồn-điền lúa, dừa, cà-phê, cao-su, trà…) Thương-nghiệp được đặc-biệt phát-triển. Những hãng buôn, xuất-nhập cảng mọc lên như nấm. Và để phục vụ mục-đích thông-thương, hệ-thống giao thông – nhất là những con đường tiến lên biên-giới Hoa Việt được cải-thiện mở-mang. Công-nghiệp cũng được chú-trọng. Nếu công-nghiệp căn-bản như lò đúc gang, đúc thép bị tuyệt-đối ngăn cấm, nếu công-nghiệp chế-biến có bị giới-hạn vì quyền-lợi kỹ-nghệ Pháp, thì công-nghiệp khai-thác lại được tích-cực phát triển vì mục-đích nguyên-liệu. 5
c) Văn-hóa giáo-dục :
Giai-đoạn này là giai-đoạn giao-thời. Một mặt, Pháp mở trường thông-ngôn và trường hậu-bổ để đào-tạo cấp-tốc những cấp thừa-hành bản-xứ. Một mặt khác, để sửa soạn thiết-lập một nền học-chính mới thay thế cho nền giáo-dục cũ vẫn áp-dụng từ xưa tại Việt-Nam, năm 1906, một đạo-dụ được ban-hành sửa đổi phép học phép thi.
Theo đạo-dụ này thì phép học chia làm ba cấp : cấp ấu-học lấy bằng tuyển-sinh làm tốt-nghiệp, cấp tiểu-học lấy bằng khóa-sinh làm tốt-nghiệp, cấp trung-học, dạy ở tỉnh luyện học-sinh đi thị Hương. Chương trình học vẫn lấy chữ Nho làm gốc, nhưng thêm những môn thường-thức, chữ quốc-ngữ và chữ Pháp. Chương trình thi Hương và thi Hội cũng đổi lại thêm những môn thường-thức bằng chữ quốc-ngữ và những bài dịch bằng chữ Pháp.
Như đã nói ở trên, chương trình này chỉ áp-dụng trong lúc giao-thời. Năm 1915, trường thi Nam-Định bị đóng cửa. Năm 1918, trường thi Huế cũng bị đóng cửa. Nền học cũ như thế là bị dứt-khoát bãi bỏ. Và chương-trình trên sẽ lại được sửa đổi hoàn-toàn cho thích-hợp với chính-sách chung và mục-đích xâm-lăng của Pháp.
Kết-quả là những tư-tưởng cổ-truyền tại Việt-Nam như Khổng-giáo, Lão-giáo và Phật-giáo lại càng trở nên suy-tàn.
Những khuynh-hướng xuất-thế (như Lão-giáo, Phật-giáo) thường vẫn là nơi nương-tựa tinh-thần của sĩ-phu Việt-Nam mỗi khi không gặp thời-vận, thì nay đã tỏ ra vô-hiệu không thể đem lại an-ủi cho tâm-sự bi-đát, ý-thức bất-lực trước thời-cuộc biến-chuyển, của những con người mất nước. Trong khi đó, khuynh-hướng nhập-thế – tiêu-biểu nhất là Khổng-giáo – thì qua một cuộc thử-thách với làn sóng văn-minh cơ-khí Âu-Tây đã tỏ ra hoàn-toàn thất-bại. Tuy trong giai-đoạn xâm-lăng – giai-đoạn của thế hệ 1862 – sự hiện-diện của ngoại-nhân có kích-thích lòng ái-quốc của toàn dân, nghĩa trung-quân của sĩ-phu, và gián-tiếp phục-hưng lại tinh-thần đạo Khổng vốn đã bắt đầu xuống dốc từ thế-hệ Cao Bá Quát, nhưng càng về sau, với thắng-lợi-của Pháp, với sự tổ-chức nền đô hộ của Pháp, thì : « Sĩ khí rụi rè, gà phải cáo… » và đạo Khổng đã rõ rệt suy-tàn.
Khoảng đầu thế-kỷ thứ XX – lúc Nguyễn Khuyến đã sắp tạ-thế – một số trí-thức trong thế-hệ 1884, trong cơn khủng-hoảng của tinh-thần, bỗng bắt gặp một luồng tư-tưởng mới gián-tiếp tự Âu-Tây đưa lại và trực-tiếp do những cuốn tân-thư – hoặc phiên dịch, hoặc khảo-luận – của những nhà văn tiến-bộ sáng-tác, như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu. Những tác-phẩm này thảy đều đặt lại vấn-đề ý-thức-hệ và vẽ ra những chân trời tư-tưởng mới. Đạo Khổng vì vậy mà càng thất-thế và một số sĩ-phu Việt-Nam giác-ngộ cũng vì vậy mà tìm được những hướng tư-duy mới mẻ ảnh-hưởng bởi những nhà văn cách-mạng như Montesquieu, Rousseau… và đồng-thời rời bỏ căn-bản Cần-Vương trong công cuộc chống Pháp để hướng về những căn-bản tiến-bộ hơn đặt trọng-tâm vào quyền-lợi của dân-tộc và tự-do của con người.
*
Nói tóm lại, tất cả những thay-đổi vừa phân-tích ở trên về phương-diện chính trị, kinh-tế và văn-hóa giáo dục do sự tổ-chức nền đô-hộ Pháp gây ra đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt xã-hội Việt-Nam. Những đẳng-cấp cũ phân hóa ; những từng lớp mới manh nha – những thầy thông, thầy ký, ông cò, ông nghị… những nhân vật của Tú Xương. Một nếp sống mới bắt đầu xuất-hiện. Những giá-trị cũ sụp-đổ : « Ông nghè ông cống cũng nằm co » trong khi đó, những giá-trị mới chưa xác định, thành hình.
Sống trong giai-đoạn hỗn-tạp giao-thời này băn-khoăn đau-khổ nhất vẫn là những người trí-thức. Hàng-ngũ lệch-lạc, tinh-thần phân-tán, thái-độ phức-tạp. Hoặc đầu hàng. Hoặc tích-cực tranh-đấu tuyệt-vọng trong hàng ngũ Cần-Vương. Hoặc tìm những phương-hướng tranh-đấu mới. Nhưng đa-số thì hoang-mang trước thời-cuộc, tìm quên lãng trong thú vui lãng mạn, hay tỏ nỗi bất-mãn với mình, với đời qua những lời bất-đắc-chí, chế riễu.
Ở địa-hạt văn-học, do vậy mà nẩy-nở ra nhiều khuynh-hướng khác nhau :
– Khuynh-hướng đầu hàng : Tiêu biểu nhất là Hoàng Cao Khải với tác-phẩm Tây Nam Đắc Bằng, một vở tuồng đề cao sự cộng-tác Pháp Việt, tượng-trưng bởi mối tình bằng-hữu Bá Đa Lộc – Nguyễn Ánh.
– Khuynh-hướng tranh-đấu : Những tác-giả trong khuynh hướng này đã dùng văn-chương để truyền-bá những tư-tưởng tranh-đấu tiến-bộ, đoạn-tuyệt hẳn với chủ-nghĩa Cần-Vương. Tiêu-biểu là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
– Khuynh-hướng tiêu-cực : Hoặc ca-tụng thiên-nhiên, những thú vui lãng-mạn như Chu Mạnh Trinh… Hoặc riễu mình, riễu đời như Trần Tế Xương…
*
Đối với mỗi thế hệ, ở nơi kết-hợp những sự kiện chính-trị, kinh-tế, văn-hóa, giáo-dục, xã-hội – gọi chung là thời-đại – thường phát-sinh ra một số vấn-đề, Những vấn-đề đó, trong địa-hạt văn-chương sẽ trở thành những luận-đề chính của tác-phẩm, nó chứng nhận nỗi băn-khoăn của thế-hệ về vấn-đề và nhiều khi nó lại còn chứng-nhận cả những cố-gắng của thế hệ để giải-quyết vấn-đề.
Thế-hệ Nguyễn Du băn-khoăn trong sự lựa chọn giữa Hiện-tại và Dĩ-vãng. Thế-hệ Nguyễn Công Trứ bận tâm về việc xây-dựng sự-nghiệp. Thế-hệ Cao Bá Quát thắc-mắc giữa hai thế sống xuất và xử. Thế-hệ 1862 quyết-định thái-độ trước cuộc xâm-lăng. Thế-hệ 1884 hoang mang, phân tán…
*
Như đã nói ở trên, Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1910 là người của cả hai thế-hệ 1862 và 1884. Những vấn-để đặt ra cho cả hai thế-hệ đều đã đặt ra cho chính cá-nhân ông. Nghiên-cứu văn-chương của ông, chúng ta lấy nhận xét trên làm tiêu-chuẩn và đặt trọng tâm vào những suy-cảm của ông đối với những vấn-đề của thời-đại – nói một cách khác, thái-độ của ông đối với thời-cuộc – trong và sau cơn quốc-nạn, trong khi Pháp xâm-lăng Việt-Nam và khi cuộc xâm-lăng chấm-dứt, Pháp bắt đầu tổ-chức nền đô-hộ trên toàn cõi Việt-Nam.
Như vậy, trước tiên chúng ta phải nghiên-cứu dòng-dõi, tiểu-sử, tính-tình, tư-tưởng và nhất là tâm-sự của Nguyễn Khuyến.
II. NGUYỄN KHUYẾN
Những nét chính của : Tiểu-sử, Tính-tình, Tư-tưởng, Tâm-sự.
1) Tiểu-sử
– Dòng-dõi : Sinh năm 1835, hiệu là Quế-Sơn, người làng Yên-Đổ, huyện Bình-Lục, tỉnh Hà-Nam. Tổ-phụ là Nguyễn Mại, đậu tiến-sĩ triều Lê. Thân-phụ là Nguyễn Lệ, ba lần đậu tú-tài. Năm gần 40 tuổi sinh hạ Nguyễn Khuyến. (Lúc đầu tên là Nguyễn Văn Thăng, sau trượt kỳ thi hội, đổi tên là Nguyễn-Khuyến).
– Thuở hàn-vi : Thông minh, chăm học từ thuở nhỏ. Năm 15 tuổi đậu kỳ khảo-hạch ở tỉnh. Hai năm sau sửa soạn hương-thí thì cha mất, phải cư tang, cửa nhà sa sút, phải dạy học nay đây mai đó để kiếm ăn. Sau được cụ Nghè Phạm Văn Nghị chu cấp cho ăn học. Năm 1864 đậu giải-nguyên. Năm 1871 đậu hội-nguyên và đình-nguyên và thành danh Tam-Nguyên Yên Đổ.
– Thời-xuất-chính (1871–1885) : Bắt đầu được bổ Nội-Các thừa-chỉ rồi Đốc-học Thanh-Hóa rồi Bố-chánh Quảng Nam và Quảng-Ngãi. Sau vua Tự-Đức biết ông thanh liêm và học cao nên triệu về kinh làm Sử-quán Toản-tu. Năm 1882, việc ngoại-giao với Pháp trở nên khó khăn nhất là ở Bắc-Kỳ, Nguyễn Khuyến được cử ra Hà-Nội làm Thương Biện lo việc giao-thiệp với Pháp. Sau đó ông được cử giữ chức Tổng-Đốc Sơn-Hưng-Tuyên (Sơn-Tây, Hưng-Hóa, Tuyên-Quang). Năm 1883, hòa-ước Harmand được ký-kết. Năm 1884 hòa-ước Patenôtre ra đời. Năm 1885, Hàm-Nghi truyền hịch Cần-Vương. Nguyễn Khuyến lấy cớ đau mắt từ chức, rút về ở ẩn.
– Thời trí-sĩ (1885-1910) : Ông sống thanh-bần nơi thôn dã, Pháp mấy lần ủy cho Hoàng Cao Khải rồi Vũ Văn Báo mời ông ra cộng-tác, ông thảy đều từ chối. Tuy nhiên để tránh sự nghi-ngờ của Pháp, ông đã giúp Lê Hoan chấm giải thi thơ tổ-chức tại Hưng-Yên và có lần ngồi dạy học trong dinh Kinh-lược Hoàng Cao Khải. Ông mất vào khoảng đầu năm 1910.
2) Văn-nghiệp
Ông sáng-tác trong thời-kỳ trí-sĩ. Về văn Hán ông để lại Quế-Sơn Thi Văn Tập. Và văn nôm, thơ văn của ông không nhất-định ở loại nào : Đường luật, hát nói, lục bát, song thất lục bát, câu đối… và cũng không nhất định ở một khuynh-hướng nào : trào phúng, tâm-sự, tả cảnh, tự thuật… Ông lại thường sáng-tác bằng Hán-văn rồi lại dịch ra Việt-văn.
3) Tính-tình
Dựa vào những bài tự thuật, tự-trào của ông, chúng ta có thể biết rằng ông là người chất-phác giản-dị, hồn-nhiên. Dặn lại con cháu trước khi tạ-thế, ông viết :
« Môn sinh chớ tống tiền đạt giấy,
Bạn với thày cũng vậy mà thôi.
Khách quen con chớ có mời,
Lễ đưa điếu phúng con thời chớ thu ».
Ông không phân-biệt giầu, nghèo, sang, hèn. Trong bài tả-cảnh lên lão, ông viết rất tự nhiên :
« Anh em làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là.
Chú Đáo bên Đình lên với tớ,
Ông Từ xóm Chợ lại cùng ta ».
Nhưng cái tính giản-dị, chất-phác đó cũng có thể đi đôi – tuy có vẻ mâu-thuẫn – với một điểm đặc-biệt và sâu kín trong tính-tình của ông : đó là điểm tự cao. Hoặc ông cho đời thiếu người xứng-đáng là bậc trí kỷ, thiếu người hiểu nổi tâm-hồn của ông :
« Câu thơ nghĩ đắn-đo muốn viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa ? »
Hoặc ông tự-cao về tài học lỗi-lạc :
« Học chẳng có rằng hay chi cả,
Cưỡi đầu người kể đã ba phen ».
Và cũng vì ông tự-cao, cho nên ông bất chấp dư-luận :
« Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ rằng khờ cũng thây ! »
4) Tư-tưởng
Ông mang truyền thống Nho-giáo trong người, cho nên đã tỏ ra hiểu rõ lẽ xuất xử của một bậc sĩ-phu chân-chính. Khi gặp thời, ông không từ nan một việc gì dầu khó khăn nguy-hiểm để giúp đời, giúp nước. Nhưng khi hoàn-cảnh không thuận-tiện chính tà lẫn lộn, ông đã biết cự-tuyệt công-danh phú quý, rút lui về nơi thôn dã, an bần lạc đạo. Ngay khi ở ẩn, ông vẫn xử sự như một nhà nho, không rứt bỏ hẳn cuộc thế. Ông không chịu ảnh-hưởng của Phật-giáo và mặc dầu vẫn thú-nhận cái mãnh-lực quyến-rũ của khuynh-hướng siêu-thoát Lão Trang, những khi muốn quên lãng thực-tại : « Tựa gối bên mành toan hóa bướm ».
Mời các bạn đón đọc Luận Đề Về Nguyễn Khuyến của tác giả Vũ Khắc Khoan.
Download ebook
FULL:
Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! Nguyễn Khuyến là người của hai thế-hệ 1. Ông là người trẻ nhất của thế-hệ 1862, thế-hệ những người…