Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Giới thiệu ebook
Chúng ta hãy tuần tự xét ba vấn đề sau đây về thể ngụ ngôn :
– Nguồn gốc thể ngụ ngôn Đông Tây
– Vấn đề chính danh
– Tác dụng của thể ngụ ngôn
A) NGUỒN GỐC THỂ NGỤ NGÔN ĐÔNG TÂY
Nói về thơ ngụ ngôn ta thường nghĩ ngay đến Esope, La Fontaine của Tây phương và thâm tâm thường như có khuynh hướng chấp nhận ngay thuỷ-tổ thể thơ ngụ ngôn là Esope. Song le trước khi sang vấn đề chính danh, còn quan niệm ngụ-ngôn theo nghĩa thật rộng, thì bài ngụ ngôn cổ nhất còn truyền lại tới ngày nay lại là của Trung-Hoa. Vậy cho hợp lý chúng ta phải nói về ngụ ngôn Đông phương đã, sau đó hãy xét sang Tây-phương.
1) NGỤ NGÔN ĐÔNG PHƯƠNG
Chúng ta tuần tự xét từ Trung-Hoa qua Ấn-Độ rồi nước Việt nhà :
a) Ngụ ngôn Trung-Hoa
Theo Nguyễn trọng Thuật trong một bài báo đăng trong Nam-Phong tạp chí của ông thì lối văn ngụ ngôn trong văn học sử thế giới có lẽ là có sớm nhất ở Trung Quốc, đó là bài thơ « Quạ Kia » của Ông Châu-công trước Tây lịch ước hơn một ngàn năm.
Nguyên vua Vũ-Vương là anh ông Châu-Công đánh bại vua Trụ lấy được thiên hạ của nhà Thương, rồi thương tình phong cho con vua Trụ là Vũ-Canh ở một xứ nhỏ và cho hai em là Quản Thúc và Sái-Thúc đến giám-đốc. Ít lâu sau Vũ-vương chết, con là Thành-vương còn nhỏ lên nối ngôi, Châu-Công làm Thủ-tướng. (Chính ông là người đã thay mặt Trung-quốc tiếp đãi lần đầu sứ thần nước ta). Thấy Vũ-Vương mất rồi, Quản-thúc với Sái-thúc bèn mượn tiếng Vũ-Canh dấy lên làm phản, phao ngôn đi rằng : « Châu-Công muốn lợi dụng thằng bé con ». Châu-Công phải đi đánh giết được Quản-Thúc và Vũ-Canh mà xem ý Thành-vương cũng còn chưa tin bụng mình mới làm ra bài thơ « Quạ Kia » đưa về cho Thành-vương để tỏ lòng ưu quân ái quốc của mình, mượn lời con chim mẹ bảo con quạ « Mày đã bắt mất con tao, mày đứng phá nhà tao nữa ». Chim mẹ ví vào Ông, con quạ ví Vũ-Canh, chim con bị giết ví Quản Thúc, tổ chim ví quốc gia nhà Châu.
Bản dịch toàn bài « Quạ Kia » như sau (bản dịch cũng của Nguyễn trọng Thuật).
« Quạ kia đã bắt con ta,
Thôi đừng phá hủy cửa nhà ta chi.
Biết bao bú mớm bù trì,
Thương con ai cũng lòng kia khác nào.
Hôm nay trời chửa mưa dầm
Bẻ cành dâu để ta khuân về nhà
Khuân về chằng buộc nhà ta,
Dưới kia ai dám lân-la nhòm hành.
Ta đi tha rác mọi nơi,
Ta đi tìm kiếm lấy mồi chắt-chiu,
Chân nam đá với chân chiêu,
Miệng khô vì nỗi dùm kiu cửa nhà.
Ta kêu réo rắt gần xa,
Đuôi ta cụp lại cánh ta xập xòe.
Vì chưng gió lật mưa đè,
Cửa nhà lay chuyển chỉn e rã rời ».
Xuống đến đời Đông Châu, nghĩa là từ Xuân Thu đến Chiến-Quốc, hơn bốn trăm năm thời cục xoay dần ra cái thế liệt quốc cạnh tranh, học thuật tự-do, tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, nhân đó triết học, văn học phát triển mạnh, các phái học giả đua nhau nào lập thuyết, nào du thuyết để răn khuyên người đời, do đó lối văn ngụ ngôn càng phồn thịnh dữ, mà Trang tử và Mạnh-tử là hai kiện tướng lừng danh về loại văn thể này. Từ đời Tần trở về sau lối văn ngụ ngôn có sút kém.
b) Ngụ ngôn Ấn-Độ
Trong kinh-sách Phật-giáo – vẫn theo lời Nguyễn trọng Thuật – thì những bài dụ (ngụ-ngôn) là để dễ bề cảm hóa đám chúng sinh bình dân, trình độ trí thức kém. Song những bài dụ đó thiên về tư tưởng xuất thế, khác hẳn với tư tưởng gần nhân sinh xã-hội của loại ngụ ngôn khác. Tỷ như câu chuyện dụ-ngôn về người đời : « Có một người bị bốn con cuồng tượng đuổi chạy đến cái hố sâu vô để, miệng hố có cái dây leo thòng xuống. Người ấy bám dây lần xuống, đến nửa chừng, trông xuống thì thấy những giống độc ác, trông lên thì thấy có hai con chuột đến gặm cái dây ».
« Người ấy » chỉ về người đời, « bốn con cuồng tượng » ví bốn cái nghiệp nó khu bách người ta, « cái dây » ví với đời người ; « hai con chuột gặm » ví ngày tháng mòn mỏi, « dưới hố » ví nơi sa đọa. Nghĩ đến đời người như thế còn có thú gì mà không tu hành giải thoát. 1
Thật ra không phải chỉ về sau trong kinh sách nhà Phật mới có những dụ ngôn (như tập Jataka kể lại những chuyện tự hằng hà sa số kiếp tái sinh của Đức Phật), mà ngay sinh thời đức Thích-ca, Ngài cũng vẫn thường dẫn những chuyện về muông thú cỏ cây để các tín đồ dễ hiểu những lời thuyết giáo của Ngài.
Nhưng có lẽ nguồn gốc ngụ ngôn cổ nhất của Ấn-độ phải kể tới tập cổ thư viết bằng chữ Phạn Panchatantra (Ngũ Thư). Những truyện ngụ ngôn trong tập cổ thư này thường rất dài, mắc míu đan dệt truyện nọ vào với truyện kia như kiểu những truyện trong « Ngàn Một Đêm Lẻ ». Còn nội dung cũng mang đậm màu sắc một lời khuyên hiền triết hơn là cái nhìn dí dỏm về nhân sinh.
Cũng những ngụ ngôn trong Panchatantra, bản dịch sang tiếng Ả-rập mang nhan đề là : « Ngụ ngôn của Pidpai ». Chính Pidpai được coi như ông tổ của thể ngụ ngôn Ấn-độ, nhưng tiểu sử của ông thì rất mờ mịt, chẳng biết ông sống vào thời nào và ở nơi nào tại Ấn-độ. Người ta chỉ biết ông là một nhà tu hành và đã từng phò tá vua Dabchélim (?).
c) Ngụ ngôn Việt-nam
Vẫn cùng một bài báo đăng trên Nam-phong tạp chí kể trên, ông Nguyễn trọng Thuật đã có công nghiên cứu khá đầy đủ về thể ngụ ngôn của nước Việt nhà.
Văn ngụ ngôn Việt-Nam ta có đủ hai thể văn vần và văn xuôi và hai thứ chữ Hán ngữ và Việt ngữ. Thể văn này xem chừng như có từ đời Trần Mạt mà thịnh hành ở thời văn học thịnh đạt của nhà Hậu-Lê.
– Về Hán ngữ : những chuyện bằng Hán ngữ đều là tản văn cả, như truyện « Con Long với con Hổ » tả hai con thi sức khoe tài rồi đối đáp với nhau, thúc kết thì bênh con Long là nhân, mà bỉ con Hổ là bạo (khuyết danh).
Truyện « Cóc Đi Thi » của Lê quý Đôn, tương truyền tác giả định bỉ một ông quan nào đó trong triều mà làm ra. Truyện hài hước đại ý nói cóc theo loài thủy tộc lên cửa Long-môn thi, Long-vương thấy lạ hỏi : « Cái quái vật gì mà bụng to da kệch thế này ? » Rồi đạp cổ cóc xuống.
Ba truyện sau đây đều khuyết danh như truyện « Con Long Với Con Hổ » trên :
– « Truyện Con Gà Con Mèo và Con Chó » ý là cho văn cũng không kém gì vũ nên nói : Mèo kể công bắt chuột thì chó kể công giữ trộm, gà kể công dậy sớm đánh thức con nhà chủ để dùi mài kinh sử cho thành tài.
– « Truyện Súc-Vật Hội-Nghị » có ý trừng giới kẻ lười, lược rằng : Trâu hội cả gà, chó, mèo và lợn lại mà bảo : « Anh gà kia thức thời thì cho chiêm nghiệm thời tiết ; chú chó kia mạnh bạo thì cho giữ nhà ; chú mèo nọ tài bắt chuột thì cho giữ thóc ; còn tên lợn này ăn no ngủ kỹ thì chờ cho béo tốt rồi ăn thịt ». Lợn kháng nghị không chịu. Trâu rằng : « Biết sớm muộn, mi không bằng gà ; giữ kho, không bằng mèo, coi trộm, không bằng chó, lại ăn hại như thế không mổ để làm gì ? » Lợn hỏi lại : « Thế còn ông thì sao ? » Trâu nói : « Ta hết sức cầy ruộng để nuôi chúng bay ! »
– Còn « Truyện Con Ve và Con Ruồi Tranh Luận » thì cực tả con ve là bậc thanh cao mà con ruồi là kẻ tham ô.
– Về Việt-ngữ : Thoạt hãy nhìn vào một số bài ca dao có dáng dấp ngụ-ngôn :
1) « Con gà cục tác « lá chanh »,
Con lợn ủn ỉn : « mua hành cho tôi ».
Con chó khóc đứng khóc ngồi :
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng ».
Lá chanh chuyên để ăn với thịt gà luộc, hành chuyên để xào nấu với thịt lợn và riềng để nấu với thịt chó. Thì ra đời chỉ toàn đòi lấy cái chết.
2) « Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà ?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo ».
Thì ra kẻ hèn thì cúc cung mong được phụng sự kẻ mạnh mà kẻ mạnh vẫn rình bắt chứ có tha đâu.
3) « Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông sẽ sáo măng.
Có sáo thì sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con ».
Ý tả cái lòng không dám quên ai tế độ ; nhưng giả sử vào trường hợp có bị ngờ mà phải chết, thì cũng xin cho chết một cách trong sạch để khỏi đau lòng.
Còn một bài nữa nói về vợ chồng chim chích nhưng ngụ tả tình trạng gia đình kẻ bình dân. Bài này dài, lược chuyện như sau :
Vợ chồng chim chích nở được bốn con, chồng dặn vợ ở nhà nuôi con, chồng đi kiếm mồi. Sau vợ thương chồng vất vả đòi đi kiếm thay, không ngờ lạ thung lạ thổ, suốt ngày không được gì, tới lúc trời nhá nhem tối, thấy trong cái hoa sen có con nhện bèn nhẩy vào, không may hoa sen cụp lại bị giam cả đêm, mãi đến sớm hôm sau mới về. Chồng ngờ là say đắm hoa nguyệt, vợ chim chích phải giãi bày :
« Tôi mà phụ dãy chồng con,
Thì xin lên đỉnh núi non tôi thề ».
Ông Hoa Bằng Hoàng-Thúc-Trâm trong một bài đăng trên tạp chí Tri-tân cũng coi ca dao là tị-tổ của lối văn ngụ ngôn, ngoài hai bài « Con gà cục tác lá chanh » và « Con Mèo mày trèo cây cau » ông còn dẫn chứng một bài khác :
« Con cò chết rũ trên cây,
Cò con mở sách xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la-đà,
Chim ri ríu-rít bò ra chia phần ».
Ý tả cái phong tục hủ lậu nơi dân gian. Ở đây tác giả vô danh của ngụ-ngôn Việt-Nam chỉ dùng ngòi bút tả chân khiến độc giả tự kết-luận lấy. 2
Cũng gần với ý coi ca dao có liên hệ mật thiết tới nguồn gốc ngụ ngôn, Nguyễn văn Ngọc, trước ông Hoàng Thúc Trâm và trước cả Nguyễn Trọng Thuật nữa, đã viết trong bài tựa cuốn Đông-Tây Ngụ-ngôn (1929) như sau : « Người ta có thể nói được rằng gốc tích ngụ ngôn bắt đầu có từ khi cái trí con người biết mượn lời bóng bẩy để diễn tư tưởng của mình. Ngụ-ngôn cổ không kém gì những câu tục ngữ, ca dao rất cổ. Tục ngữ, ca dao có biết bao nhiêu câu thực đã như những lời kết luận của các bài ngụ ngôn lấy ra còn dư lại ». 3
Và Nguyễn văn Ngọc cũng đã đem ca dao ra minh chứng, thí dụ :
« Quạ mà đã biết quạ đen,
Có đâu quạ dám mon men tới cò ».
Hay là : « Mèo tha miếng thịt thì đòi,
Kễnh vồ con lợn, mắt coi chừng chừng ».
Lắm khi không cần phải diễn giải, toàn thể bài ngụ ngôn như tự sẵn có, không di dịch được một chữ nào :
« Con trai mày há miệng ra,
Cái cò nó mổ, muốn tha thịt mày.
Cái cò mày mổ cái trai,
Cái trai quặp lại, muốn nhai thịt cò ».
Và mấy câu ca dao sau này Nguyễn văn Ngọc cũng coi là một thể ngụ ngôn :
« Cái bống đi chợ cầu Canh,
Cái tôm đi trước, củ hành đi sau.
Con cua lệch thệch theo hầu
Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua ».
Nguyễn văn Ngọc đã giảng như sau : « Có phải đúng như một lũ chết dẫm chỉ đua nhau làm đồ ăn cho người ta nấu, người ta rang, người ta đập cho vỡ đầu ra, mà cũng không biết gì, vẫn còn rủ nhau, đưa nhau vào chỗ chết ». 4
Trên đây là nói đến loại ngụ ngôn ca dao cùng những ngụ ngôn đoản thiên khác của Việt-Nam nhà, đề cập đến loại tràng thiên tất nhiên chúng ta phải kể đến Truyện Trinh-Thử, Truyện Trê Cóc và Lục Súc Tranh Công lời văn thuần thục, tự nhiên, với những cách ngôn, thành ngữ quen thuộc hàng ngày của người bình dân.
2) NGỤ NGÔN TÂY PHƯƠNG
a) Ngụ ngôn Hy-Lạp
Ở Tây-phương những chuyện ngụ ngôn cổ nhất còn được truyền lại là những chuyện ngụ ngôn của Esope, người Hy-lạp, sinh vào khoảng thế kỷ thứ VII hay thứ VI trước Tây lịch. Ngụ ngôn Esope được truyền khẩu như vậy trong một thời gian khá lâu, rồi Phèdre, nhà thi sĩ La-mã viết lại thành thơ vào khoảng thế kỷ đầu Tây-lịch, rồi tới Babrius, nhà thơ Hy-lạp, viết lại thành thơ Hy-lạp vào thế kỷ thứ ba ; sau cùng Planude, một vị thầy tu ở Constantinople, sưu tập và cho ấn hành tập « Ngụ ngôn Esope » vào khoảng đầu thế kỷ 14, tập này về sau trở thành nguồn gốc chính cho nhiều tập ngụ ngôn khác của Âu-châu.
b) Ngụ ngôn Pháp
Từ thế kỷ 12 trở đi thể ngụ ngôn đã phồn thịnh tại Pháp với nữ-sĩ Marie de France, rồi kế tiếp vào khoảng thế kỷ 12-14 xuất hiện « Sự-tích Con Chồn Xảo-quyệt » – Roman de Renard. Truyện này được truyền tụng khắp Âu-châu. Sang thế kỷ 16, vẫn ở Pháp, xuất hiện thêm một số nhà viết ngụ ngôn nữa như : Barthélemy Aneau, Gilles Corrozet, Guillaume Guéroult, Guillaume Haudent ; nhưng phải đợi đến thể kỷ thứ 17 nước Pháp mới sản xuất được một nhà thơ ngụ ngôn chói lọi nhất Âu châu là Jean de la Fontaine. Ông đã mang nghệ thuật thơ ngụ ngôn của Tây phương lên đến tuyệt đỉnh. Đó là những bài ngụ ngôn Esope, hay những truyện cũ tự thời trung cổ được ông sáng tác lại, hoặc những truyện do chính ông sáng tác. Sang thế kỷ 18 văn học Pháp còn ghi thêm mấy nhà ngụ ngôn này nữa : Claude Joseph Dorat, Alexis Piron, Jean Pierre Claris de Florian, nhưng không ai vượt được La Fontaine.
c) Ngụ ngôn Đức
Tại Đức vào thế kỷ 13 đã có người viết ngụ ngôn, rồi chuyện con chồn xảo quyệt cũng rất được phổ biến trong dân gian – Reinecke Fuchs – nhưng phải đợi đến thế kỷ 18 Đức mới có những nhà viết ngụ ngôn nổi tiếng như Christian Bellert, Gotthold Ephraim Lessing và Friedrich von Hagedorn (tất cả đều chịu ảnh hưởng đậm-đà La Fontaine).
d) Ngụ ngôn Anh
Tại Anh quốc truyện ngụ ngôn nổi tiếng sớm nhất được truyền tụng là truyện Nonne Preste’s Tale (Lời kể của một nữ tu sĩ) trong tập Canterbury Tales (Truyện thành Canterbury) của nhà thơ thiên tài thời Trung cổ Chaucer (1346-1400). Truyện The Churl and the Bird (Bác nhà quê và con chim) của John Lydgate là một truyện ngụ ngôn điển hình cho thế kỷ 15.
Mời các bạn đón đọc Ngụ Ngôn của tác giả Doãn Quốc Sỹ.
Download ebook
FULL:
Download App tải ebook tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app Giới thiệu ebook Tweet! Chúng ta hãy tuần tự xét ba vấn đề sau đây về thể ngụ ngôn : – Nguồn gốc thể…