Phúc Lạc Hội

Phúc Lạc Hội

[toc]


Giới thiệu ebook

Phúc Lạc Hội


Bàn Mạt chược bốn cạnh. Bốn người phụ nữ Trung Hoa di cư trên đất Mỹ. Bốn cô con gái Trung Hoa thế hệ Hai. Mười sáu câu chuyện chồng chéo. Quá khứ là thế giới huyền ảo của Trung Hoa cổ kính, là chế độ đa thê, là chiến tranh Trung Nhật. Hiện tại là những rắc rối đời thường, những khỏang cách thế hệ, những phiền phức của cuộc sống thực dụng kiểu Mỹ.

Để bớt nỗi nhớ quê hương và sự lạc lõng ở xứ người, bốn người phụ nữ Trung Hoa đã mượn bàn Mạt chược để lập Joy Luck Club. Trong những ván mạt chược và những bữa ăn họp mặt, họ đã kể cho nhau nghe về quá khứ và hiện tại trong cuộc sống gia đình. Và như bao cô gái thế hệ Hai trên nước Mỹ, các cô luôn va chạm với Mẹ, nhưng rồi nhờ kinh nghiệm sống của Mẹ, các cô đã vượt qua khó khăn của cuộc sống..

Amy Tan đã diễn tả tài tình cuộc sống và tâm tình của 2 thế hệ người Trung Hoa di cư thông qua 16 câu chuyện của từng người, từ cuộc sống đại gia đình của người Trung Hoa xưa, nỗi sợ hãi của chiến tranh, sự lạc lõng ở xứ người…

***

AMY TAN sinh ở OAKLAND, CALIFORNIA vào năm 1952, hai năm rưỡi sau khi cha mẹ có nhập cư vào nước Mỹ. Mặc dù cha mẹ cô mong mỏi cô sẽ theo nghề bác sĩ giải phẫu thần kinh kiêm nghệ sĩ dương cầm nghiệp dư, cô lại trở nên bác sĩ tư vấn cho trẻ em tàn tật, và đồng thời là nhà văn tự do. Cô viếng quê hương Trung Hoa lần đầu tiên năm 1987 và thấy đúng như mẹ cô đã nói: “Ngay khi chân tôi chạm đất Trung Hoa, tôi lập tức trở thành người Trung Hoa”.
 
AMY TAN hiện sống cùng chồng tại San Francisco.
 
PHÚC LẠC HỘI là tác phẩm đầu tay của cô.

Amy Tan (Tần Ái Mỹ) thuộc thế hệ nhà văn gốc Hoa đầu tiên thành công trên văn đàn Mỹ. Bà sinh năm 1952 tại California và thường viết về những gian nan mà phụ nữ người Hoa đã gặp ở quê nhà cũng như cuộc sống khó khăn mà con gái của họ gặp trên đất Mỹ. Bà thành công ngay với những tác phẩm đầu tiên, như The Joy Luck Club (‘Phúc Lạc Hội’, 1989; dựng thành phim năm 1991; bản dịch Việt ngữ đăng dưới đây), và The Kitchen God’s Wife (‘Phu nhân Táo quân’, 1991;), cả hai đều mang tính tự truyện. Sau đó bà còn viết The Hundred Secret Senses (‘Trăm niềm ẩn thức’, 1995) và The Bonesetter’s Daughter (‘Con gái thầy lang ‘, 2000) và hai truyện thiếu nhi: The Moon Lady (‘Chị Hằng’, 1992) và The Chinese Siamese Cat (‘Mèo xiêm Trung Quốc’, 1994). Tác phẩm của bà đã được dịch nhiều ở Việt Nam.

 ***
Bà lão nhớ lại chuyện con thiên nga mà bà mua hồi xa xưa ở Thượng Hải bằng một số tiền điên rồ. Con chim này, theo lời khoe của người bán ở chợ, trước kia là một chú vịt đã cố rướn cổ dài ra, hy vọng trở thành thiên nga, và bây giờ, nhìn kìa – nó đẹp đẽ quá, làm sao mà mà nỡ ăn thịt nó!
 
Rồi bà và con thiên nga đã vượt qua hàng dặm biển, cố vươn về phía nước Mỹ. Trên cuộc hành trình, bà thủ thỉ với con thiên nga “Ở Mỹ, ta sẽ có một đứa con gái giống như mi. Nhưng ở đó sẽ không ai cho rằng giá trị của con ta được tính bằng mức ăn to nói lớn của chồng nó. Ở đó sẽ không ai khinh dễ nó, bởi vì ta sẽ bắt nó nói tiếng Anh đặc giọng Mỹ. Và ở đó nó sẽ quá no đủ không còn nuốt được một nỗi buồn nào! Nó sẽ biết ta muốn nói gì, bởi vì ra sẽ cho nó con thiên nga này – một tạo vật; tốt hơn hẳn những điều người ta mong mỏi.”
 
Nhưng khi bà đến đất nước mới, các nhân viên nhập cư đã giật con thiên nga ra khỏi tay bà, để lại trên đôi tay chới với của bà độc nhất một chiếc lông chim làm kỷ niệm. Và rồi bà phải điền vào quá nhiều biểu mẫu đơn từ đến nỗi bà quên mất vì sao bà đến đây và những gì bà để lại phía sau.
 
Giờ thì bà đã già. Và bà có một cô con gái lớn lên chỉ nói toàn tiếng Anh và uống Coca-Cola nhiều hơn là nuốt đi nỗi buồn. Từ lâu, bà muốn trao cho cô ta chiếc lông chim duy nhất đó và bảo cô “Chiếc lông chim này trông có vẻ vô giá trị, nhưng nó đã từ xa đến đây và chất chứa tất cả thiện ý của mẹ”. Bà đã chờ đợi, năm này qua năm khác, chờ đến ngày bà có thể kể cho con gái nghe điều này bằng tiếng Anh, đặc giọng Mỹ.
 ***
Ba tôi bảo tôi giữ chân thứ tư trong PHÚC LẠC HỘI. Tôi sẽ thế chỗ mẹ tôi. Từ khi bà chết, chỗ của bà ở bàn mạt chược bỏ trống đã hai tháng nay. Ba tôi cho rằng chính những suy nghĩ của mẹ tôi đã giết chết bà.
 
Ông nói:
 
“Mẹ con có một ý mới trong đầu. Trước khi mẹ con có thể nói ra, ý nghĩ đó đã phát triển quá lớn và vỡ tung, chắc hẳn đó là một ý nghĩ chẳng hay ho tí nào.”
 
Bác sĩ nói mẹ tôi chết bởi chứng phình mạch não. Và những người bạn của mẹ tôi ở PHÚC LẠC HỘI nói bà chết y như một con thỏ: chết một cách nhanh chóng và để lại công việc còn đang dở. Kỳ họp mặt tới của PHÚC LẠC HỘI là tới phiên mẹ tôi đãi đằng.
 
Trước khi chết một tuần, bà gọi tôi, đầy tự hào và sức sống, bà nói: “Dì Linh nấu chè đậu đỏ. Mẹ sẽ nấu chè chế mè phủ”.
 
“Thôi đừng phô trương, mẹ ơi”.
 
“Không phải là phô trương” – bà nói, hai loại chè gần giống nhau, chabudwo. Hoặc là bà có thể nói butong, chẳng giống nhau tí nào hết. Ðây là một trong những cách nói của người Hoa có nghĩa là phần tốt hơn của những ý nghĩ lẫn lộn. Tôi không thể nào nhớ được những gì mà từ thoạt đâu tôi đã không hiểu.
 
Mẹ tôi bắt đầu có ý tưởng lập PHÚC LẠC HỘI ở San Francisco vào năm 1949, trước khi sinh tôi hai năm. Ðó là năm cha mẹ tôi chạy khỏi Trung Quốc chỉ mang theo một chiếc giỏ bằng da cứng chứa đầy những áo dài lụa lạ kỳ. “Không có thời giờ xếp những thứ khác”, mẹ tôi đã giải thích như thế với cha tôi. Sau khi hai người lên tàu. Tuy nhiên, cha tôi vẫn điên cuồng bới tay giữa những tấm lụa trơn để tìm những chiếc áo vải và quần len của mình.
 
Khi đến San Francisco, cha tôi bắt mẹ tôi giấu mớ quần áo bóng bẩy này. Mẹ tôi mặc mỗi chiếc áo xẩm carô nâu đến khi Hội Cứu Tế Người Tị Nạn bố thí cho bà hai chiếc áo cũ, cả hai đều lớn quá cỡ ngay cả cho phụ nữ Mỹ. Hội Cứu Tế bao gồm một nhóm nữ truyền giáo đã lớn tuổi ở nhà thờ rửa tội cho người Trung Hoa đầu tiên. Và vì đã nhận quà, cha mẹ tôi không thể từ chối mời lời gia nhập giáo phái của họ. Hơn nữa, cha mẹ tôi không thể bỏ qua lời khuyên rất thiết thực của những phụ nữ lớn tuổi này. Cha mẹ tôi có thể học thêm tiếng Anh ở lớp học kinh thánh vào tối thứ tư hàng tuần và sau này, hát hợp xướng mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần. Ðó là lý do mẹ tôi gặp gia đình họ Tô, họ Chung và họ St. Clair. Mẹ tôi có cảm giác là những người đàn bà trong những gia đình này cũng đã trải qua những nỗi khổ không tả xiết bên Trung Hoa và có những hy vọng họ không thể nào diễn tả được bằng tiếng Anh ít ỏi của mình. Hay ít nhất, mẹ tôi nhận ra được vẻ chết lặng trên khuôn mặt những người đàn bà này. Và bà thấy họ mừng rỡ thế nào khi bà đề xuất ý kiến lập PHÚC LẠC HỘI.
 
PHÚC LẠC là ý nghĩ mẹ tôi nhớ được từ thời bà mới lấy chồng lần đầu ở Quế Lâm, trước khi bọn Nhật tới. Do đó, tôi nghĩ tới PHÚC LẠC như câu chuyện Quế Lâm của bà. Đó là câu chuyện bà thường kể cho tôi nghe mỗi khi bà buồn, mỗi khi không có chuyện gì làm, mỗi khi rửa chén và lau bàn xong, mỗi khi cha tôi đọc báo, hút hết điếu Pall Mall này tới điếu Pall Mall khác, đó là dấu hiệu không được quấy rầy ông. Những lúc đó, mẹ tôi lấy ra cái hộp đựng áo len trượt tuyết cũ do họ hàng chẳng bao giờ gặp bên Vancouver gởi qua. Bà thường cất lại một chiếc áo len, kéo ra một sợi chỉ quăn và đặt sợi chỉ lên một miếng bìa cứng. Và khi bà bắt đầu quấn chỉ nhanh nhẹn, nhịp nhàng, bà bắt đầu kể chuyện. Mười mấy năm ròng rã, bà chỉ kể cho tôi nghe một câu chuyện duy nhất, trừ phần kết thúc câu chuyện ngày càng đen tối hơn, ám ảnh đời bà dai dẳng và cuối cùng, ám ảnh cả đời tôi.
 
“Ta mơ thấy Quế Lâm ngay cả trước khi ta thấy tận mắt”, mẹ tôi bắt đầu kể bằng tiếng Hoa – “Ta mơ thấy những đỉnh núi lởm chởm chạy dài theo một con sông uốn khúc, hai bên bờ phủ rêu xanh rờn. Sương mù trắng lơ lững trên những đỉnh núi. Và nếu như ta thả mình theo dòng nước và lấy rêu làm thức ăn, ta sẽ có đủ sức leo lên tới đỉnh núi. Nếu như không may ta trượt té, ta chỉ ngã vào một thảm rêu êm như nhung và cười lớn. Nhưng một khi ta lên được tới đỉnh, ta có thể nhìn khắp xung quanh và cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên để cả đời không bao giờ cảm thấy lo lắng nữa.”
 
Bên Trung Quốc, mọi người đều mơ về Quế Lâm. Khi ta tới đó, ta mới nhận thấy giấc mơ của ta mới tồi tàn và ý nghĩ của ta mới nghèo nàn làm sao. Khi ta thấy những ngọn đồi, ta vừa cười vừa rùng mình. Những đỉnh núi trông như những đầu cá chiên khổng lồ cố nhảy ra khỏi thùng dầu. Phía sau mỗi ngọn đồi, ta có thể nhìn thấy bóng của một con cá khác, rồi một con khác nữa. Và khi những đám mây chỉ lay động một chút thôi thì bỗng nhiên những ngọn đồi biến thành một đàn voi kỳ quái đang chậm rãi tiến về phía ta. Con có thể tưởng tượng được không? Và ở chân đồi là những hang động bí mật. Bên trong có những tảng đá treo có hình dáng và màu sắc như cải bắp, dưa tây, củ cải, củ hành. Con sẽ chẳng bao giờ có thể tưởng tượng được những tảng đá này kỳ lạ và đẹp đẽ đến dường nào.
 
Nhưng ta không đến Quế Lâm để ngắm cảnh đẹp.
 
Người đàn ông đã từng là chồng ta mang ta và hai con đến QUẾ LÂM vì ông nghĩ rằng chúng ta sẽ an toàn ở đó. Ông là một sĩ quan trong quân đội Quốc Dân Ðảng, và sau khi ông an vị chúng ta trong một căn phòng nhỏ ở một căn nhà hai tầng, ông lại ra đi về hướng Tây – Bắc, đến Trùng Khánh.
 
Chúng ta biết là bọn Nhật đang thắng thế, ngay cả khi báo chí nói không phải vậy. Mỗi ngày, mỗi giờ, hàng ngàn người đổ về thành phố, chen chúc trên vỉa hè, cố tìm chỗ sinh sống. Nghèo có, giàu có, người Thượng Hải có, người Quảng Ðông có, người từ phía Bắc có, và không chỉ người Hoa, mà có cả người ngoại quốc và những vị truyền giáo của đủ thứ tôn giáo. Và dĩ nhiên là có cả Quốc Dân Đảng và những sĩ quan trong quân đội, những người này nghĩ là họ phải hơn hẳn những người khác.
 
Chúng ta là một đám người ô hợp bị bỏ lại phía sau. Giả sử không có bọn Nhật, chắc hẳn sẽ có rất nhiều lý do để những người này đánh nhau. Con có hiểu không? Người Thượng Hải với nông dân vùng biển phía Bắc, thợ rẫy với thợ hớt tóc, phu kéo xe với người tị nạn từ Miến Ðiện. Người này khinh người kia. Chẳng ai để ý là mọi người đều ở chung trên một vỉa hè để khạc nhổ, đều cùng bị dịch tả hoành hành. Ai cũng hôi hám, nhưng người này cứ than phiền người kia hôi nhất. Còn ta? Ta chúa ghét bọn sĩ quan không quân Mỹ cứ suốt ngày bô bô habba – habba, làm ta phải đỏ mặt. Nhưng tệ nhất là bọn nông dân miền Bắc hỉ mũi vào tay, chen lấn với người khác và cuối cùng lây bệnh cho người khác.
 
Do đó, Quế Lâm mất hết vẻ thơ mộng đối với ta. Ta không còn leo lên đỉnh núi để thốt lên rằng những ngọn đồi này mới đáng yêu làm sao! Ta chỉ tự hỏi, bọn Nhật đã đến được những ngọn đồi nào. Ta thường ngồi chờ trong bóng tối của căn nhà, hai tay ẵm hai con, sẵn sàng chạy. Khi còi báo động có máy bay rít lên ta và mấy người bên cạnh đứng bật dậy và hối hả chạy về phía hàng sau để trốn như thú rừng. Nhưng con không thể ở lâu trong bóng tối. Cái gì đó trong con mờ dần và con như trở thành một người chết đói, thèm khát ánh sáng đến điên cuồng. Bên ngoài, ta có thể nghe thấy tiếng bom. Bùm! Bùm! Và rồi tiếng đá rơi như mưa. Và bên trong, ta chẳng còn thèm khát những tảng đá có hình bắp cải hay củ cải. Ta chỉ có thể thấy lòng một ngọn đồi cổ xưa nhỏ nước, lúc nào cũng có thể đổ sập lên đầu ta. Con có thể tưởng tượng được như thế này không, không muốn ở bên trong, cũng không muốn ở bên ngoài, không muốn ở đâu cả, chỉ muốn biến đi.
 
Khi tiếng ném bom chỉ còn ở xa xe, chúng ta lại chui ra như những con mèo con tìm đường về thành phố. Và lúc nào cũng vậy, ta rất ngạc nhiên khi thấy những ngọn đồi trên nền trời nóng bỏng đã không bị xé toạc ra.
 
Ta đã nghĩ ra PHÚC LẠC HỘI vào một tối mùa hè nóng đến nỗi muỗi cũng rơi xuống đất, cái nóng ẩm ướt làm cho cánh chúng quá nặng. Khắp nơi đều đông đúc đến nỗi không thể hít thở không khí trong lành. Mùi cống rãnh không chịu nổi dâng lên cửa sổ lầu hai của ta, và không biết đi đâu, chúng bèn chui vào mũi ta. Suốt cả ngày đêm, ta luôn nghe những tiếng hét la. Ta không biết có phải đó là tiếng một người nông dân gào rát cổ tìm heo đi lạc hay tiếng người sĩ quan đánh đập một người nông dân gần chết vì nằm giữa đường đi của hắn trên vỉa hè. Ta không đi đến cửa sổ để tìm xe. Ích gì? Và đó là lúc ta nghĩ mình đâu phải có người giúp đỡ mới di chuyển nổi.
 
Ta có ý định tụ tập một nhóm bốn phụ nữ, mỗi người giữ một tay ở bàn mạt chược của ta. Ta biết mình muốn mời những người nào. Họ đều còn trẻ như ta, gương mặt đầy khát vọng. Một người là vợ sĩ quan quân đội, giống như ta. Một người là một cô gái dáng điệu rất thanh lịch, xuất thân từ một gia đình giàu có ở Thượng Hải. Cô đã trốn đi, mang theo chỉ một ít tiền bạc. Còn một cô nữa, từ Nam Kinh tới, có mái tóc đen nhánh, ta chưa từng thấy bao giờ. Cô này xuất thân từ một gia đình cấp thấp, nhưng xinh đẹp và vui vẻ. Cô lấy một ông chồng già, sau ông chết để cô ở lại với một cuộc sống khá hơn.
 
Cứ mỗi tuần, một người trong nhóm của ta mời bạn bè họp lại để có dịp phát tài và cũng để phấn chấn tinh thần. Người chủ nhà phải đãi thức ăn đặc biệt, ngõ hầu mang lại may mắn khắp mọi mặt: Bánh bao mang hình nén bạc, bún gạo cọng dài chúc sống lâu, đậu phộng nấu mong sinh con trai, và dĩ nhiên còn có thêm nhiều cam để cuộc sống được đầy đủ, ngọt ngào.
 
Với khả năng đạm bạc mà bọn ta đãi đằng nhau tươm tất đến thế đấy! Bọn ta không để ý rằng bánh bao được nhồi nhân bí, xắt dày, và cam thì lốm đốm đầy những lỗ có sâu. Bọn ta ăn dè xẻn, không phải vì dường như không có đủ thức ăn, nhưng để có thể phân trần vì sao không cắn thêm được miếng nữa, bọn ta phải tự nhồi đầy bụng từ sáng sớm. Bọn ta biết mình có được những thứ xa xỉ mà ít người đạt tới. Bọn ta là những người may mắn.
 

Mời các bạn đón đọc Phúc Lạc Hội của tác giả Amy Tan.

Download ebook

Phúc Lạc Hội


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Phúc Lạc Hội Tweet! Bàn Mạt chược bốn cạnh. Bốn người phụ nữ Trung Hoa di cư trên đất Mỹ. Bốn cô con gái Trung Hoa…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close