Chiều Riazan – Trần Đăng Khoa

Chiều Riazan – Trần Đăng Khoa

[toc]


Giới thiệu ebook

Chiều Riazan – Trần Đăng Khoa


Trần Đăng Khoa trưởng thành không chỉ bởi ở tuổi 11 (năm anh sáng tác “Hạt gạo làng ta”), anh đã biết hướng ngòi bút của mình vào cây lúa, vào mối lo muôn thuở của người dân quê, mà còn bởi trong bài thơ, anh đã đúc rút nên những ý khái quát thật thấm thía. Nhiều người khi nhắc tới “Hạt gạo làng ta” thường dẫn ra mấy câu:

“Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
ẹ em xuống cấy”…

Ý thức sáng tạo khiến Trần Đăng Khoa ít khi chịu viết một bài thơ nào chỉ toàn những câu… suông, không điểm xuyết một sự liên tưởng hoặc có đúc kết mang tính khái quát. Trong bài “Thả diều”, sau khi đưa ra một loạt hình ảnh ví von:

“Diều là hạt cau
Phơi trên nong trời”
“Trời là cánh đồng
Xong mùa gặt hái
Diều em – lưỡi liềm
Ai quên bỏ lại”

Tác giả đã chốt lại bằng hai câu nghe thì có vẻ tự nhiên song ngẫm ra lại không hề thường tình:

“Dây diều em cắm
Bên bờ hố bom”.

Vâng, thường tình sao được: Cánh diều là biểu tượng của hòa bình, hố bom – biểu tượng của chiến tranh. Cắm dây diều bên bờ hố bom là một cách nói khái quát, thể hiện sâu sắc ước vọng hòa bình của trẻ em Việt Nam, nói rộng ra là của dân tộc Việt Nam.

Trần Đăng Khoa viết cái gì và như thế nào luôn luôn bị chiếu dọi bởi cây thánh giá của sự sáng tạo được làm nên từ buổi thiếu thời có tên gọi: sự ám ảnh của thi ca.

***

Tập thơ Chiều Riazan này gồm có:

Thơ tình người lính biển
Trên boong tầu câu cá
Lính đảo hát tình ca trên đảo
Qua borodino
Mátxcơva mùa đông năm 1990
Uống rượu với bạn nga
Qua xuzdan
Đêm nga
Chiều riazan
Với bạn
Gửi một em ở thành phố ninh bình
Hoa lư
Thơ vui tặng mẹ vợ
Gửi bác trần nhuận minh
Thưởng trà
Trên đỉnh fansipan
Nhành lan tím
Hoa xương rồng hay là đến thăm nhà người yêu đã đi lấy chồng
Ở nghĩa trang thành phố
Lính thời bình
Tây bắc
Đỉnh núi
Gái sơn la chuốc rượu trai bình định
Trái đất quay
***

TRẦN ĐĂNG KHOA VÀ NHỮNG BÀI THƠ Ở NƯỚC NGA

NGUYỄN CHU NHẠC

Năm 1984, Trần Đăng Khoa sang Nga học chuyên ngành văn học tại Trường Đại học Gorki, sau khi anh học xong Trường viết văn Nguyễn Du của Việt Nam. Theo tôi biết, Trần Đăng Khoa có một giai đoạn dài khủng hoảng sáng tác.

Năm 1975, sau khi tốt nghiệp phổ thông (thực ra anh còn chưa kịp dự kỳ thi tốt nghiệp thì đã nhập ngũ và được xét đặc cách tốt nghiệp phổ thông), ấy là những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ Ngụy giải phóng Miền Nam. Có thể tính từ thời điểm đó đổ về trước, là thời kỳ hoàng kim thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa, làm nên hiện tượng thần đồng thơ đất Việt, theo cách đánh giá của các nhà phê bình văn học ở ta. Về cách đánh giá này, Trần Đăng Khoa không đồng tình.

Đã hơn một lần, anh bày tỏ quan điểm của mình, ấy là việc không nên dùng cách gọi thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa, mà đúng ra là thơ Trần Đăng Khoa làm thời thiếu nhi. Sở dĩ vậy, bởi nếu gọi thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa, tức là đánh giá những bài thơ này chỉ có tính thiếu nhi; còn như gọi thơ Trần Đăng Khoa làm thời thiếu nhi, thì chỉ nhấn đến thời gian làm thơ thôi, còn tính chất thơ có thể thiếu nhi, có thể không thiếu nhi. Theo ý Trần Đăng Khoa, toàn bộ thơ ca của anh là một thể thống nhất, nếu ai đó có phân chia thì chỉ có thể tạm phân ra là thơ làm thời thiếu nhi và thơ làm lúc trưởng thành. Quả thật, trong những bài thơ Trần Đăng Khoa làm thời thiếu nhi, có nhiều bài, nhiều ý tứ rất người lớn (chẳng biết Trần Đăng Khoa nói theo người lớn, giả làm người lớn, hoặc học theo người lớn? – nhiều người đã đặt vấn đề như vậy). Tôi nghĩ, cho dù thế nào đi chăng nữa, thì đấy cũng là những câu thơ Trần Đăng Khoa làm ra (trời cho chăng?), chúng vượt lên tuổi tác của tác giả, bởi ngôn từ, sức khái quát, tầm tư tưởng, thậm chí có bài, có câu chạm tới cái vĩnh cửu… 

Sẽ là dài dòng, song trước khi đến với những bài thơ Trần Đăng Khoa làm ở nước Nga và về nước Nga, tôi phải kiến giải nhận định mà tôi nêu ra ở trên, đó là sự khủng hoảng sáng tác của Trần Đăng Khoa trong khoảng thời gian khá dài (1976 – 1983). Có một bối cảnh mới, khiến Trần Đăng Khoa không thể viết như trước nữa, ấy là cuộc chiến tranh trường kỳ chống Mỹ Ngụy đã kết thúc thắng lợi (tuy rằng sau đó đất nước còn kinh qua hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc); Thứ nữa, anh không còn là học trò mà đã trở thành người lính trẻ; Và tự thân, anh muốn làm mới mình. Trong thời gian quân ngũ, Trần Đăng Khoa được thuyên chuyển qua nhiều đơn vị với các công việc khác nhau, tuy nhiên nhiệm vụ chính của anh vẫn là xâm nhập thực tế để sáng tác. 

Tôi nhớ, ngày ấy tôi đang học Đại học Nông nghiệp ở Gia Lâm (Hà Nội), cứ vài tuần lại về nghỉ chủ nhật với gia đình ở Văn Lâm (Hưng Yên) Lâu lâu, thường là vào xẩm tối thứ bảy, bỗng thấy Trần Đăng Khoa gọi to ngoài cổng. Anh quân phục chỉnh tề, xe đạp lọc xọc, ba lô buộc ở boóc-ba-ga. Thấy Khoa, tôi mừng lắm. Nhà có khách quý, mẹ tôi làm thêm món trứng tráng, rồi xào cả khoai tây, thêm canh rau tập tàng và cà muối. Bữa cơm tối thật vui và ngon miệng. Mẹ tôi luôn miệng giục hai đứa chúng tôi ăn. Cơm nước xong xuôi, bên ngọn đèn dầu hỏa đỏ quạch, Khoa ngồi khoanh chân giữa giường, mở ba lô lấy ra tập bản thảo chép tay. Chữ Khoa không đẹp song cứng cáp và sạch sẽ. Đấy là bản thảo tiểu thuyết Bước chân thứ nhất. Khoa đọc từ chương mở đầu, tuy anh cầm bản thảo trên tay soi dưới ánh đèn, song thực ra anh thuộc lòng, vừa đọc vừa giải thích, rằng sự việc này, nhận vật nọ là dựa vào người thật việc thật ở làng quê anh. Khoa đọc cả thơ nữa, song quả thật tôi không mấy ấn tượng nên không nhớ. Chỉ các nhân vật, các tình tiết cười ra nước mắt trong tiểu thuyết gây cho tôi ấn tượng mạnh. Cứ thế, cho đến đêm khuya, mẹ tôi phải giục đi ngủ, để mai còn có sức đi sớm.

Đêm Khoa ngủ rất ngon, song anh lại tỉnh dậy sớm vì quen tác phong quân đội. Mẹ tôi vội vào bếp, nấu nồi canh bánh đa, chỉ phi hành mỡ nấu suông nêm chút mì chính. Khoa xì xụp ăn hết tô canh bánh đa nóng, chiêu vội nước rồi chào ra đi. Tiễn Khoa ra cổng, nhìn anh vẹo vọ đạp xe đi trong sương sớm đường làng, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn, biết lúc nào mới gặp lại nhau đây? Cũng có lần Khoa đến, gặp cả người chị gái tôi học đại học trên tôi mấy năm. Những lần như thế, mọi người vui lắm, chuyện sinh viên rồi chuyện lính tráng, mấy chị em vừa chuyện vừa trêu tròng nhau. Buổi tối, Khoa lại đọc thơ, đọc tiểu thuyết. Vẫn là Bước chân thứ nhất, nhưng so với bản thảo trước anh đã sửa chữa nhiều, thậm chí viết lại cả chương. Rồi sáng hôm sau lại đạp xe đi sớm. Tôi biết, những lần như thế, người vui nhất không phải là mấy đứa chúng tôi mà là mẹ tôi. Bà vui vì đám trẻ. Khoa xưng hô với mẹ tôi, mẹ mẹ con con thân mật tự nhiên. Tôi biết, mẹ tôi còn hỏi dò Khoa xem tôi có bạn gái chưa, yêu đương ra sao? Khoa hay đùa, bảo là tôi và Khoa đang tranh nhau yêu cùng một cô gái. Mẹ tôi cười vì bà không tin. Sau này, mẹ tôi già yếu và ít nhiều bị lẫn trước khi bà mất. Bà cụ lẫn lung tung nhiều chuyện, song những chuyện về Khoa, và lạ là có nhân vật cùng một số tình tiết trong tiểu thuyết của Khoa, bà vẫn nhớ, và còn nhắc lại được cả chi tiết hài. 

Cho đến nay, tiểu thuyết Bước chân thứ nhất của Trần Đăng Khoa vẫn chưa được xuất bản, ngoài vài chương trích đăng trên tạp chí Nhà văn, sau khi bản thảo bị thất lạc bỗng được tìm thấy trong kho của Nhà xuất bản Phụ nữ. Chẳng biết rồi đây, anh có cho in hay không, giữ nguyên hay sửa chữa, song quả là nó đã có một thân phận riêng, một đời sống riêng, chí ít từng được xuất bản miệng tại nhà tôi, mà độc giả là mấy mẹ con tôi. Giờ đây nhiều nhân vật và sự việc trong tiểu thuyết, cả tôi và chị tôi không mấy nhớ, nhưng nó đã được mẹ tôi nhớ, và mang theo vào cõi vĩnh hằng…

Vậy là cả một thời gian dài, Trần Đăng Khoa chuyển qua nhiều đơn vị và công việc, song có lẽ anh ở lâu nhất với Bộ đội Hải quân. Anh đã có những bài thơ được nhiều người biết đến, như Chút thơ tình của người lính biển, Cây phong ba trên đảo Nam Yết, Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền chài, Ghi ở đảo chìm, Cô tổng đài Hải đảo, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn… Rồi chiến dịch Tây Nam cũng cho anh vài ba bài thơ đọc được. Nhưng tôi vẫn cho rằng, đấy chỉ là những sáng tác mang tính thử nghiệm, cho dù, có bài trong số đó được phổ nhạc thành nổi tiếng, có bài được trao giải cao trong một cuộc thi thơ có uy tín. Ở vào thời điểm ấy, cái anh quan tâm là văn xuôi, là tiểu thuyết kia…Và cũng có thể, đấy chỉ là một khoảng lặng để ý thức lại mình chăng? Quả là, bước đệm trong quãng thời gian khủng hoảng sáng tác ấy (khủng hoảng – thực ra tôi chưa tìm được cách gọi khác, vả lại không muốn diễn đạt dài dòng), đã giúp anh đi những bước đi dài trên cả mấy lĩnh vực ít lâu sau. Văn xuôi có Đảo chìm. Phê bình và tiểu luận văn học, thì là những manh nha cho tác phẩm Chân dung và đối thoại sau này. Còn với thơ, chính là những bài thơ viết ở nước Nga, viết về nước Nga. 

Đó là các bài thơ: Trăng Matxcơva, Qua Bôrôđinô, Matxcơva – Mùa đông 1990, Uống rượu với người bạn Nga, Qua Xuzđan, Đêm Nga, Chiều Riazan, Với bạn.

Không nhiều, chỉ chưa đến chục bài thơ, song theo tôi, những bài thơ ấy làm nên một diện mạo thơ Trần Đăng Khoa – Hậu thơ thần đồng, hay nói như cách nói của chính Trần Đăng Khoa- thơ thời kỳ trưởng thành. 

Bài thơ Mat xcơva- Mùa đông 1990, một bài thơ tự sự, thoạt đầu là kể những chuyện thời sự, rồi chuyện dông dài bên lề. Vậy thì có gì phải bàn? Đơn giản, xen vào đấy là những câu thơ mang tính triết lý, làm bài thơ vượt hẳn lên: 

“Có kiệt tác hôm nay, mai đã bẽ bàng rồi 

Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính

Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi “.

 

“…Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy

Trước những mưu mô toan tính của con người.”

 

“Tất cả sẽ qua đi. Chỉ tình yêu còn lại 

Tình yêu giữ cho ta mãi mãi là Người 

Nếu thế giới này không còn tình yêu nữa

Thì biết đâu trái đất đã tan rồi…”. 

Cùng mạch này, có bài thơ Uống rượu với người bạn Nga. Khề khà chuyện của hai kẻ say. Người xưa có câu Chân lý trong rượu, vừa để chỉ sự lung lay của chân lý, song cũng nhấn đến một đặc điểm, là chỉ khi say thì con người ta mới dễ trải lòng, mới dễ nói thật những điều lúc bình thường hay giấu kín. Khi say rượu, người ta nhìn đời vừa gần vừa xa, nửa thật nửa ảo… Bài thơ có những câu rút thật hay, đúng thực tế mà hàm ý sâu xa làm sao:

“Mới hay trái đất

Cũng chẳng rộng dài lắm đâu…”

“… Ghế cao thôi chẳng cần đâu

Tốt nhất ta ngồi xuống đất

Nếu có ngã thì không đau…”.

Kể lể dông dài để rồi kết, đấy là tứ của bài thơ: 

“Ước gì cả nhân loại này 

Đều ngắm nhau qua cốc rượu 

Chứ không phải nhìn nhau 

Qua những mũi súng bẩn thỉu”.

Đó là chính là những gì cả thế giới này đều mong mỏi: Đối thoại chứ không đối đầu; Đàm phán hoà bình chứ không phải chiến tranh. 

Người ta bảo, nước Nga có hai thứ đặc sản, làm nên hồn cốt nước Nga, ấy là bánh mì đen với muối & văn chương. Nhiều thế hệ người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, đã thấm đẫm tâm hồn Nga qua những áng thơ văn xuất sắc của những tên tuổi lớn như: Puskin, Lermontov, Nhekraxov, Tsiuchev, Blok, Amakhtova, Exenhin, Maiakovski, Gogol, L. Tolstoi, Turgeniev, Korolenko, Tsekhov, Gorki, Prisvin, Grin, A. Tolstoi, Pautovsky, Solokhov, Aimatov, Paternak, Erenburg v.v… Những tâm hồn Nga, những nỗi niềm Nga ấy, giờ đây lại thấm đẫm trong những bài thơ, câu thơ của Trần Đăng Khoa:

 

“… Thấp thoáng căn nhà gỗ

Nương hồn nước Nga xưa

Dòng sông trôi mộng mị

Chết đuối trong sương mờ…

 

…Chiều như người mộng du

Đi về đâu chẳng biết

Lẽ nào nước Nga còn

Mà Xécgây lại chết…”

(Chiều Riazan)

 

“Những nỗi niềm khao khát

Bay mờ chiều tuyết giăng

Hay hồn người chết trận

Còn hiện về đây chăng?

Tuyết vẫn rơi không tiếng

Trắng muốt dưới gót giầy

Như chẳng hề có máu

Chảy đầm đìa nơi đây…”

(Qua Bôrôđinô);

“Thành xưa đổ bóng vào trời

Khói sương lãng đãng- Một thời đã qua

Tháng năm lừng lững đi qua

Chỉ còn mấy đỉnh tháp già ngẩn ngơ…”

(Qua Xuzđan). 

 

Hai bài thơ Trăng Matxcơva, Đêm Nga là nỗi niềm người, nỗi niềm ta. Dù không niêm luật như thơ Đường song sự hàm súc và phong vị khiến người ta nghĩ đến thơ Đường. 

Riêng bài thơ Với bạn, đề tặng Nguyễn Đình Chiến và Bùi Quang Thanh, những nhà thơ Việt cùng đang học tập và làm việc tại Nga như mình, Trần Đăng Khoa mượn cớ tâm sự với bạn thơ, để nhủ chính mình và nói với hết thảy mọi người, đâu chỉ có những người làm thơ, cầm bút: 

“Nào ta cạn chén đi anh 

Đời người mấy chốc mà thành cỏ hoa 

Biết bao thành lũy quanh ta 

Nhấp đi, ngoảnh lại đã là khói sương…”

 

“Cái thời ríu rít đi qua 

Ngày mai còn lại biết là mấy ai 

Nhấp nhô toàn những thiên tài 

Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay…”

 

“Viết sao cho hết niềm người 

Uống sao cho cạn nỗi đời đắng cay 

Thì thôi còn một chén này 

Rồi ra mỗi đứa lưu đày một phương…” 

Tôi nghĩ, có lẽ những năm tháng sống ở nước Nga, với bối cảnh lịch sử là sự chuyển biến từ thành lũy Liên xô vững chãi sang một nước Nga mỏng manh và đầy biến động với hệ lụy là hệ thống những quan niệm, những giá trị cũ bị đổ vỡ; với bối cảnh văn học là một nền văn học đỉnh cao gắn cùng các tên tuổi lớn của văn chương thế giới bỗng bị rơi tõm xuống đáy vực sâu với sự khủng hoảng tột độ về giá trị; còn bản thân, anh xa cánh với giới văn chương nước nhà chí ít là về địa lý…., tất cả những yếu tố đó tác động và hòa trộn trong anh. Và khi cầm bút, Trần Đăng Khoa đã làm mới mình. Mới về phong cách, lớn về tư duy, biết phủ lên hiện thực sự huyền ảo, khói sương, chính vì thế mà ám ảnh. Cũng vẫn còn đó sự tài hoa trong cách dùng từ, trong nhạc điệu… Tất cả những yếu tố đó, bắc cầu thơ từ những bài thơ viết ở nước Nga sang những bài thơ làm sau này (như: Lính thời bình, Gửi em ở Ninh Bình, Hoa lư, Mùa xuân của lính biên phòng, Đỉnh núi, Gửi bác Trần Nhuận Minh…). Tôi cho đó là bút pháp và phong cách thơ Trần Đăng Khoa bây giờ. 

Trong một bài viết, Trần Đăng Khoa đã tự nhận mình là phải mang vác cây thánh giá từ thuở bé, chính vì thế mà đến tận bây giờ khi đã là một gã năm chục tuổi bệ vệ, vẫn bị người ta cho là trẻ con, là cậu bé Khoa thần đồng thuở nào. Quả là, khó có thể trách cứ thiên hạ, vì hễ nghĩ đến Trần Đăng Khoa thì tự nhiên người ta liền mang thơ của anh mà bắc lên cân, rồi thấy ngay nửa cân bên thơ thiếu nhi quá nặng, còn quả cân thơ hiện tại bên này bị treo bổng nhẹ tênh, tòng teng trên đòn cân…

Song không nên đối xử với thơ văn cơ học như vậy!… Vả lại, Trần Đăng Khoa còn có những thứ khác cũng thuộc diện đặc sản, ấy là văn xuôi, là phê bình và chân dung văn học. 

Thêm nữa, anh đâu có bỏ thơ!… 
 

Mời các bạn đón đọc Chiều Riazan của tác giả Trần Đăng Khoa.

Download ebook

Chiều Riazan – Trần Đăng Khoa


FULL:


AZW3


EPUB


MOBI


PDF

Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:www.truongdinh.vn@gmail.com

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close

[toc] Giới thiệu ebook Chiều Riazan – Trần Đăng Khoa Tweet! Trần Đăng Khoa trưởng thành không chỉ bởi ở tuổi 11 (năm anh sáng tác “Hạt gạo làng ta”),…

Bookmark (0)
Please login to bookmark Close