Chuyện Người Tùy Nữ – Margaret Atwood
[toc]
Giới thiệu ebook
Chuyện Người Tùy Nữ – Margaret Atwood
“Sự Cám dỗ của Chuyên chế” là tên một cuốn sách của Jean-François Revel (1924-2006) tôi mượn đặt cho bài viết này bởi câu chuyện kỳ dị cay đắng và bóp nghẹt lồng ngực của Chuyện người tùy nữ có lẽ trước hết cảnh cáo ta về một tiềm năng mang tính dị truyền lịch sử của một thứ nhu cầu, ham muốn, và khả năng đáp ứng nhu cầu ấy nơi con người, cái hoàn toàn có thể diễn đạt như là sự cám dỗ của chuyên chế.
Cám dỗ chuyên chế lớn đến độ người ta thấy nó thấp thoáng đằng sau mỗi chân lý hay lẽ phải mà lịch sử từng biết đến.
Ở đây, đó là nền chính trị thần quyền của một “Nước Cộng hòa Gilead” – cái tên có lẽ là một kiểu chơi chữ: Cộng hòa do Chúa dẫn dắt. Khái niệm này bản thân nó là một trong những sản phẩm sáng tạo nhất của trí tưởng tượng: một nền cộng hòa trong khi chờ Chúa trở lại.
Đối với bất cứ ai chỉ cần một chút quan tâm đến thời sự thì đơn giản đó đã là một mẫu hình có trong thực tế, và tính sáng tạo kỳ quái của nó, tính tưởng tượng phi thường của nó, lại phải nhờ đến văn học làm môi trường phát lộ – như trong cuốn tiểu thuyết này.
Chuyện người tùy nữ tuy nhiên lại không đi con đường phân tích có tính chất sử thi các hiện tượng, các sự kiện và biến cố ở tầm mức ta quen hình dung về cái gọi là Lịch sử; việc này có đối chứng ở phần cuối của cuốn tiểu thuyết, không đánh số trang, như một phụ lục hay một vĩ thanh độc đáo dưới tiêu đề “Chú dẫn lịch sử về chuyện người tùy nữ”.
Toàn bộ câu chuyện chính tập trung vào thể hiện cái trải nghiệm của nhân vật người Tùy nữ, chính là người đã kể câu chuyện này. Và đây là một tác phẩm hiếm hoi cho ta thấy một trải nghiệm cá nhân có thể được mô tả thích hợp, trọn vẹn, sâu sắc và triệt để như thế nào.
Trước hết đó là một thực nghiệm gắt gao: tước bỏ những điểm chuẩn quen thuộc luôn dựng lên gợi lên cái nhìn từ bên ngoài hay là một hình thức cái nhìn bên ngoài về một con người: tên tuổi, những đặc điểm nhân thân và những chuỗi liên hệ xoay quanh, đi và đến từ những đặc điểm ấy.
Nhưng nói cho đúng thì đó không phải là sự tước bỏ, mà, giống như một ngọn đèn không cần tự soi sáng cái đui của nó, nhân vật người Tùy nữ kể chuyện đã đặt ta vào một quan hệ nội tiếp với ý thức của chị ta, vào bên trong cái nhìn của người kể chuyện, bên trong đôi mắt căng thẳng, lo âu, kìm nén và sắc sảo luôn bị chặn giữa “hai cái cánh” khi đi ra ngoài “để chúng tôi không thấy được, nhưng cũng không bị thấy” (tr.17), cũng là đôi mắt luôn luôn nhìn thấy những mảnh vỡ của quá khứ chính mình, những mảnh vỡ của đời sống, và của Lịch sử…
Sự tước bỏ ấy, hay là sự đặt ta vào bên trong cái ý thức cá nhân, cụ thể đặc thù mà vẫn vô danh ấy, lạ thay lại làm nổi bật lên, sắc nét một cách khó có thể sắc nét hơn, chính cái con người cá nhân đó.
Ngay từ những câu kể đầu tiên, người kể đã lôi chúng ta vào một con sông lười của dòng chảy tâm lý nhân vật, cái dòng ý thức của chị ta; nhưng chỉ đến vậy thôi: chúng ta không buộc phải lặn ngụp, chúng ta ngồi trên những chiếc phao để nghe con sông kể về chính nó như một thứ giáo cụ trực quan.
Và người Tùy nữ không quên thỉnh thoảng lại nhắc nhở chúng ta về tình trạng đó. Chị ta sẽ bảo: “Tôi những muốn tin mình chỉ đang kể chuyện” (tr.59), hay: “Bên kia cửa là cuộc sống bình thường. Tôi sửa lại: bên kia cửa trông như cuộc sống bình thường” (tr.187), v.v…
Dường như để nhấn mạnh hành động kể, việc “Tôi” chuyển thành lời cái trải nghiệm của “Tôi” – một việc có tầm quan trọng sống còn, có giá trị bằng toàn bộ tương lai vô vọng trong hoàn cảnh của “Tôi” lúc đó, có giá trị đúng bằng sự sống còn bởi tách mình được khỏi cái thực tại kinh khủng thông qua hành động biến nó thành chuyện (vì tạm thời không có cách nào khác) và do đó, “ai tin được rằng chuyện kể chỉ là chuyện kể sẽ có cơ may cao hơn” (tr.59), có giá trị bằng sự tồn tại của những người thiết thân cho mình bởi hành động kể tạo lập người nghe và “Tôi kể, vì thế người tồn tại” (tr.356), người tạo thành thế giới cho tồn tại của “Tôi” – dường như để nhấn mạnh hành động kể quan trọng như thế nên người Tùy nữ hơn một lần đã ra sức làm rõ việc kể chuyện này.
“Đây là tái dựng…” (tr.183), chị ta cho thấy những câu chuyện trong câu chuyện; chị ta kể lại lời kể của người bạn gái thân Moira mà “không thể nhớ đúng từng từ, bởi không cách nào chép lại”, nhưng “tôi đã cố sao cho càng giống cô càng tốt. Cũng là một cách giữ cho cô sống” (tr.330).
Đó hoàn toàn không phải là điều nằm ở bình diện một mánh lới kể chuyện, hoàn toàn vượt qua cấp độ những thủ pháp của một người kể ý thức sâu sắc về hành động kể của mình. Tôi đã nói rồi: chị ta đưa chúng ta lên những chiếc phao (gì cũng được!) trên một dòng chảy của ý thức.
Có chuyện chị ta kể đến hai lần, liên tiếp; như chuyện chị ta ngủ với Nick lần đầu tiên; vừa kể dứt, chị ta bảo: “Tôi bịa ra đấy. Không phải thế đâu. Mà là thế này” (tr.350).
Hai lần kể cho cùng một câu chuyện – và ta thấy trong khoảng thời gian đó không phải là ta đứng yên hay dòng sông kia ngừng chảy, lại càng không quang cảnh kia lặp lại, cho dù vẫn chuyện đó thôi.
Vậy thì điều ta thấy ở câu chuyện được nhân đối ấy phải chăng là hai cái thực tại khác nhau, cho dù không khác đáng là bao, mà song song tồn tại? Hay phải chăng ở những khe hở giữa hai thực tại không trùng khít lên nhau đó ta lờ mờ thấy một thực tại thứ ba khác hẳn, không được rọi chiếu, không hiển ngôn?
Vâng, nếu có như vậy thì ta cũng không bao giờ biết được.
Mà câu chuyện bảo ta rằng nó kể về những thực tại mang tính ý hướng, những sự kiện chỉ trở nên thực tế bởi có một ý thức soi rọi vào bằng ý định và sự cố ý của mình, bởi có một ý thức đã kinh qua các sự kiện đó để biến chúng thành sự kiện, đã trải nghiệm chúng để liên kết chúng vào kinh nghiệm của chúng ta, biến chúng thành thực tế.
Và cái ý-thức-người-Tùy-nữ đó, trước khi kết thúc câu chuyện, càng tỏ ra day dứt hơn bởi tính trải nghiệm cá nhân mà hành động kể của chị bộc lộ:
“Tôi ước gì câu chuyện này khác đi. Tôi ước nó văn minh hơn. Tôi ước mình hiện ra trong đó tốt đẹp hơn, bớt do dự, bớt phân tâm vào những điều nhỏ nhặt. Tôi ước nó có đầu có đuôi hơn. (…) Thứ lỗi cho tôi vì chuyện này quá nhiều đau thương đến thế. Thứ lỗi cho tôi nó rời rạc từng mảnh vụn, như xác người kẹt giữa hỏa lực cánh sẻ hay ngũ mã phanh thây. Nhưng tôi nào có làm gì sửa được. Tôi cũng đã cố đưa vào ít thứ tốt lành rồi đấy. Hoa chẳng hạn, bởi chúng ta sẽ ra sao nếu không có hoa?” (tr.355-356)
Quả là có một số đoạn rất đẹp, sống động một cách độc đáo, về hoa, mà tôi tin bạn sẽ cảm thấy ở đấy chủ yếu là các chất liệu: nhựa cây, cánh hoa và lá vò nát trên ngón tay, màu đỏ tự nhiên một cách khó hiểu ở chỗ bông hoa rụng ra, v.v… chứ không phải những bức tiểu họa duyên dáng nào đó.
Và không phải là những biểu lộ trữ tình.
Trong câu chuyện của Người Tùy nữ này không có hy vọng, không có tương lai, cho nên những khi hoa hiện lên trong trải nghiệm cá nhân căng thẳng của chị ta thì nó hiện lên như những biểu tượng trong mơ của cả hai điều ấy, đồng thời cũng biểu trưng cho các ký ức về những gì gọi là hy vọng và tương lai.
Hoa đó chính là hoa “ước gì” và hoa “Thứ lỗi cho tôi…” trùng điệp trong đoạn văn trích ở trên.
Người Tùy nữ lăp lại “ước gì” và “xin thứ lỗi” ngay trước một đoạn tàn bạo đến cực điểm – trường đoạn chị ta kể về buổi hành quyết định kỳ được gọi là “Cứu chuộc đàn ông”. Bạn sẽ phải tưởng tượng cảnh một người còn sống bị một nghìn con mèo nhà xé xác.
Nhưng ở đây tôi muốn nói đến sự lặp lại những khẳng định về hành động kể, về việc kể chuyện – sự lặp lại rõ ràng cố ý của Người Tùy nữ.
Đúng là có sự tô đậm, rất phong cách, một nét nữ tính trong những ước gì và xin thứ lỗi đó.
Tuy nhiên không chỉ là như vậy.
Trở lại một chút phần lời kể ở trang 59, đã trích ở trên, chị ta đã phân định rõ ràng: “Tôi những muốn tin mình chỉ đang kể chuyện. Tôi cần tin thế. Tôi phải tin thế…”, song ngay sau đó thì: “Đây không phải tôi đang kể chuyện. Đây cũng là tôi đang kể chuyện, trong đầu mình; trong lúc vẫn đang sống tiếp.”
Như vậy, không thể rõ ràng hơn: trải nghiệm cá nhân phải là một trải nghiệm ở cấp độ thứ hai – cấp độ của ý thức nhận thức về chính nó, cũng như truyện kể luôn luôn là truyện kể về một câu chuyện (“Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua…”).
Chính là ở cấp độ đó thì một tính ý hướng của ý thức trải nghiệm mới có được sự xác nhận, bằng sự tách rời tương đối với cái thực tại mà nó kinh qua và quan trọng hơn – như trong bối cảnh của Người Tùy nữ, đặc biệt trong những cảnh như cơn cuồng loạn đám đông một buổi “Cứu chuộc đàn ông” – bằng sự tách rời với một tính ý hướng bị mặc định, bị ám thị thôi miên và do đó mà hợp thức hóa những kinh nghiệm mà mình không muốn, xác nhận một ý thức nào đó bên ngoài ý chí mình.
“Tôi ước gì…”, “Xin thứ lỗi cho tôi…” – bởi thế – là cất lên tiếng nói của một câu chuyện khác bên kia câu chuyện đang kể đây, tiếng nói chống lại sự cám dỗ của việc thích nghi với một thực tại “có quá nhiều đau thương đến thế” này, sự thích nghi mà chính Người Tùy nữ đã có lúc rơi vào, khi chị ta có được Nick giống như “một vợ dân khai khẩn”, một người đàn bà thoát khỏi chiến tranh và kiếm được một người đàn ông; mà chị ta phải thốt lên: “Sửng sốt biết bao, khi thấy người ta tập quen được những gì, miễn là có tí bù đắp” (tr.362).
Câu chuyện của Người Tùy nữ do đó là câu chuyện của một người đàn bà chống lại sự cám dỗ.
Mà không phải người đàn bà đối diện những cám dỗ thông thường ai cũng nghĩ đến ngay.
Ở đây, Người Tùy nữ kể câu chuyện của mình chống lại một Sự Cám dỗ của Chuyên chế.
Nguyễn Chí Hoan
Tôi tỉnh dậy sau một cơn chính biến, một cuộc đào thoát bất thành và một cơn mê để thấy mình đã mất cho đến tận cái tên, chỉ còn là Tùy nữ – một trong những “cỗ tử cung có chân” của chính quyền Gilead.
Giữa Nước Cộng hòa Gilead – nhà nước thần quyền cực đoan dựng lên trên nền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xưa, nơi các Martha cặm cụi việc nhà, các Dì rao giảng đạo đức chính thống, các Phu nhân khóc ròng mỗi đêm Lễ tháng, các Tùy nữ tuyệt vọng tìm cách sinh con để khỏi phải ra quét chất thải phóng xạ trên đảo hoang, và không ai biết lúc nào tới lượt mình được “cứu chuộc” trên dây treo cổ – có một người đàn bà vừa tìm cách bám lấy sự sống nhờ mưu mẹo sắc bén và những hồi ức vỗ về từ “thời trước”, vừa cố gắng khám phá để kể lại chuyện mình cho các thế hệ về sau.
Cuốn tiểu thuyết phản-địa đàng (dystopia) này là một câu chuyện cảnh tỉnh để trả lời làn sóng chống nữ quyền và sự trỗi dậy của các thế lực tôn giáo bảo thủ ở nước Mỹ những năm 1980, nhưng trên hết là một cuốn sách viết sắc sảo và lôi cuốn đã được ấn hành ở gần 30 quốc gia. Đây là một trong năm tiểu thuyết đề cử Booker của nữ tiểu thuyết gia Canada danh tiếng Margaret Atwood và là cuốn sách đầu tiên của bà được giới thiệu ở Việt Nam.
Chúng tôi ngủ ở nơi từng là nhà thể chất. Sàn bằng gỗ đánh vecni, sơn những vòng tròn và vạch thẳng cho các trận đấu ngày xưa; các vành bóng rổ còn nguyên đó, dù lưới thì mất rồi. Một dãy bao lơn dài chạy dọc bốn bức tường, là nơi dành cho khán giả, và tôi cảm giác còn ngửi thấy, mơ hồ như một dư ảnh, mùi mồ hôi nồng nồng, điểm hơi kẹo cao su và nước hoa từ đám con gái đứng xem, mặc váy nỉ – tôi thấy trên phim – rồi theo thời gian đến váy mini, quần dài, cuối cùng xỏ khuyên một bên, tóc phẩy lai xanh vuốt keo lỉa chỉa. Có lẽ các vũ hội cũng tổ chức ở đây: tiếng nhạc còn lưu lại, bản chép chồng những lớp thanh âmkhông người nghe, điệu này phủ lên điệu khác, nhịp trống chìm lẫn, tiếng than van thê thiết, những tràng hoa làm từ giấy thấm, mặt nạ quỷ bằng bìa, quả cầu kính trên trần quay chầm chậm, rắc xuống các đôi nhảy từng chùm hoa ánh sáng.
Khi ấy trong phòng có mùi ân ái cũ và nỗi cô đơn, và niềm mong ngóng, chờ một cái gì không hình dạng cũng không tên gọi. Tôi còn nhớ nỗi mong mỏi ấy, mong một điều gì luôn luôn ở ngay phía trước và luôn luôn mới lạ, như những bàn tay đã đặt trên mình ở nơi đó, vào lúc đó, trên hõm lưng, hay xa hơn, trong bãi để xe, hay trong phòng đặt ti vi đã vặn nhỏ tiếng, chỉ còn hình ảnh chập chờn hắt lên xác thịt đang động cựa.
Chúng tôi mong mỏi tới tương lai. Từ đâu mà ra cái tài năng ấy, cái sự không bao giờ thỏa nguyện ấy? Nó vờ vẫn trong không trung; và nó vẫn còn giữa không trung, như một ý nghĩ đến muộn, khi chúng tôi cố dỗ giấc ngủ, trên giường gấp quân nhu xếp từng dãy, cách nhau một khoảng để ngăn ý đồ trò chuyện. Giường trải ga bằng vải giả flannel, như của trẻ con, và chăn đắp cũng hàng quân dụng, những tấm chăn cũ vẫn còn dấu U.S. Quần áo được gập gọn gàng đặt trên ghế đẩu cuối giường. Đèn lờ mờ nhưng không tắt hẳn. Dì Sara và dì Elizabeth lượn lờ giám sát, roi điện thúc bò lủng lẳng đầu dây nịt lưng da.
Nhưng súng thì không, ngay họ cũng không giao súng vào tay được. Súng là của riêng đám gác, là các Thiên sứ được cẩn trọng chọn ra. Đám gác không được vào trong ngôi trường trừ khi được triệu, còn chúng tôi không được phép ra, trừ những chuyến đi dạo hai lần mỗi ngày, theo hàng đôi vòng quanh sân bóng đá, đã rào lại bằng lưới mắt cáo chăng thép gai. Bên ngoài các Thiên sứ đứng, xây lưng lại. Họ gây ra nỗi sợ hãi, và nhen cả những nỗi khác trong chúng tôi. Giá mà họ quay nhìn. Giá mà chúng tôi nói được với họ. Có thể trao đổi gì đó, chúng tôi hình dung, xác lập một thỏa thuận, một cuộc mua đi bán lại, chúng tôi vẫn còn thân thể mình. Mơ tưởng của chúng tôi là thế.
Chúng tôi đã học cách thầm thì gần như không ra tiếng. Trong bóng lờ mờ chúng tôi có thể đưa tay ra, khi các dì không để ý, chạm vào nhau qua khoảng trống giữa các giường. Chúng tôi học cách đọc lời trên môi nhau, má áp sát giường, nằm nghiêng sang bên, nhìn miệng nhau mấp máy. Bằng cách ấy những cái tên được truyền đi, từ giường này qua giường khác.
Alma. Janine. Dolores. Moira. June.
Download ebook
Chuyện Người Tùy Nữ – Margaret Atwood
FULL: |
Download App tải ebook,sách nói, khóa học tốt nhất: https://h.nhuttruong.com/app
Website: https://www.trươngđịnh.vn
Page:https://www.facebook.com/truongdinhvn/
Mail:[email protected]
[toc] Giới thiệu ebook Chuyện Người Tùy Nữ – Margaret Atwood Tweet! “Sự Cám dỗ của Chuyên chế” là tên một cuốn sách của Jean-François Revel (1924-2006) tôi mượn đặt…